Gái Xuân (Từ Vũ – Nguyễn Bính)

Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Việt Nam. Trong không khí rộn rã của xuân Ất Mùi 2015, [dongnhacxua.com] xin gởi đến người yêu nhạc xưa bản “Gái Xuân” của nhạc sỹ Từ Vũ, phổ theo lời thơ của thi sỹ Nguyễn Bính.

Gái xuân (Từ Vũ - Nguyễn Bính). Ảnh: phomuaban.vn
Gái xuân (Từ Vũ – Nguyễn Bính). Ảnh: phomuaban.vn

gai-xuan--1--tu-vu--nguyen-binh--phomuaban.vn

NHẠC SỸ TỪ VŨ: ĐÃ TÌM THẤY MỘT MÙA XUÂN TUẦN HOÀN
(Nguồn: tác giả Kiến Lâm đăng trên HaNoiMoi.com.vn ngày 3012/2012)

Nhạc sĩ Từ Vũ (tên thật là Trần Đỗ Lộc), sinh năm 1932 tại Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Ông là tác giả của những giai điệu quen thuộc: “Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần”. Hơn nửa đời người từ bỏ bảy nốt nhạc, nay ông lại “hồi xuân” để viết tiếp những khúc ngợi ca tình yêu, mùa xuân.

Nhạc sỹ Từ Vũ. Ảnh: HaNoiMoi.com.vn
Nhạc sỹ Từ Vũ. Ảnh: HaNoiMoi.com.vn

Năm 1954 NXB Tinh Hoa cho ấn hành cuốn sách nhạc trong đó có tác phẩm “Gái xuân” của nhạc sĩ Từ Vũ. Điều đặc biệt “Gái xuân” là nhạc phẩm mang âm hưởng miền Bắc đã trở thành món ăn tinh thần được yêu quý ở miền Nam. Từ ca sĩ đến người dân miền Nam chưa một lần đặt chân đến đất Bắc nhưng vẫn hào hứng hát: “Xuân đến hoa mơ hoa mận nở/Gái xuân rũ lụa bên sông Vân”. Chính ca khúc này đưa nhạc sĩ Từ Vũ ngang hàng với các nhạc sĩ nổi tiếng ở thế hệ trước. 60 năm sau, ca khúc “Gái xuân” vẫn sống khỏe qua các thế hệ ca sĩ và trở thành một nhạc phẩm thân thuộc không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về từ Nam ra Bắc. 

Trong căn nhà nhỏ đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Từ Vũ kể với chúng tôi về những nốt nhạc “định mệnh” đời mình: “Khi đọc đến “Gái xuân” của Nguyễn Bính, tự nhiên nỗi nhớ quê hương, nhớ thương người con gái đang ở một phương trời xa ập tới, nghẹn lại, tôi phổ nhạc cho bài thơ chỉ trong một giờ đồng hồ là xong. Viết xong, tức tốc đạp xe đến nhà ca sĩ Linh Sơn nhờ thể hiện để làm món quà tặng người bạn gái du học. Không ngờ ca khúc lại trở nên nổi tiếng”. Ông bảo, hãnh diện nhất là ca sĩ miền Nam, người miền Nam đã hát “Gái xuân”. Sở dĩ như vậy bởi năm 1950 nhạc sĩ Từ Vũ theo gia đình vào miền Nam sinh sống và thường bị bạn bè chê cười gọi là “cá gỗ”, “rau muống”. Mối tình đầu của nhạc sĩ Từ Vũ với một cô gái miền Nam tan vỡ vì bị gia đình cô gái cấm cản. Rồi mối tình thứ hai cũng chẳng thể an bài, người yêu lần này là cô bạn gái cùng lớp tên là Thanh Vân, hai người thương nhau suốt một kỳ học nhưng phải chia tay nhau vì Thanh Vân ra nước ngoài du học. Trong buổi chiều cô quạnh, chàng trai trẻ thương nhớ người yêu, thương nhớ mùa xuân đất Bắc tìm được tập thơ Nguyễn Bính và đọc đến bài thơ “Gái xuân” thì cảm xúc dâng trào..

Góa vợ từ năm 39 tuổi, một mình ở vậy nuôi 4 con trưởng thành, cuộc đời nhạc sĩ Từ Vũ gắn với sự cô độc và khó khăn. “Xa Hà Nội, xa mùa thu, xa buổi sáng đầu đông và xa nụ cười hoa đào chớm xuân, tôi mất cảm xúc không thể nào viết được, do đó không còn sáng tác được ca khúc xuân. Năm 1993, có dịp trở về thăm Hà Nội, không khí trong lành của ngày đầu chớm xuân, tôi chợt nghe lời hát “Gái xuân” và tự nhiên bồi hồi, xúc cảm!”. Nhạc sĩ Từ Vũ quyết định thay đổi. Ông dành thời gian để chăm sóc vườn hoa trên sân thượng, cùng bạn bè đi viếng mộ các thi nhân lớn của Việt Nam như Hàn Mặc Tử, nhà thơ Tương Phố. Ngoài ra, ông tiếp tục phổ nhạc bài thơ “Hai sắc hoa Ti gôn” của TTKH và bài “Giọt lệ thu” của nữ sĩ Tương Phố . Ông bắt mạch cảm xúc tìm về sáng tác các ca khúc xuân ở tuổi 80. Ông khoe với chúng tôi ca khúc “Ta tìm thấy nhau” bằng ánh mắt hân hoan về một mùa xuân tuần hoàn của cuộc đời. 

[footer]

Cô hái mơ

‘Cô hái mơ’ là một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính và được hai nhạc sỹ Phạm Duy và Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc. Có một điều lý thú mà [dongnhacxua.com] muốn chia sẻ với người yêu nhạc: ‘Cô hái mơ’ là ‘đứa con tinh thần’ đầu tiên của cả nhà thơ lẫn hai nhà nhạc sỹ:

* Theo Wikipedia, bài thơ ‘Cô hái mơ’ là sáng tác đầu tiên được đăng trên báo của thi sĩ giang hồ Nguyễn Bính (1918 – 1966). Theo hiểu biết của chúng tôi thì có lẽ bài thơ được sáng tác  vào những năm 1935 – 1940.

* Còn đối với ‘cây đại thụ’ Phạm Duy (1921 – 2013) thì bản nhạc phổ thơ này là ‘anh cả của một gia đình có gần 800 anh chị em’. Tâm sự của nhà nhạc sỹ khi quyết định về Việt Nam anh hưởng tuổi già: “Tôi đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1942. Đó là bản nhạc đầu tay của tôi cho nên tôi yêu nó lắm. Trong bài thơ phổ nhạc, có câu : Nhà ta ở dưới gốc cây dương, cách động Hương Sơn nửa dặm đường… cho nên 64 năm sau khi sáng tác bài hát, tôi phải mò về Chùa Hương để tìm cô hái mơ, khi tôi có cơ hội trở về Việt Nam vào năm 2003.” (Nguồn: PhamDuy2010.com)

* Cũng theo Wikipedia, Hoàng Thanh Tâm (1960) đã bắt đầu chập chững viết những note nhạc đầu tiên vào lúc 13 tuổi tại Sài Gòn, phổ nhạc thi phẩm “Cô Hái Mơ” và đã hoàn chỉnh nhạc phẩm này tại Canberra, Úc vào năm 1987, sau khi ra mắt album đầu tay “Tình Khúc Hoàng Thanh Tâm” với chủ đề “Lời Tình Buồn” tại Hoa Kỳ năm 1986.

‘CÔ HÁI MƠ’ DO PHẠM DUY PHỔ NHẠC

Cô hái mơ (Phạm Duy - Nguyễn Bính). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

 

Cô hái mơ (Phạm Duy – Nguyễn Bính). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
co-hai-mo--1--nguyen-binh--pham-duy--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
co-hai-mo--2--nguyen-binh--pham-duy--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

‘CÔ HÁI MƠ’ DO HOÀNG THANH TÂM PHỔ NHẠC

NGUYỄN BÍNH, THI SỸ GIANG HỒ: CÔ HÁI MƠ
(Nguồn: tác giả Trần Đình Thu đăng trên ThanhNien.com.vn )

Thi sỹ Nguyễn Bính
Thi sỹ Nguyễn Bính

Cô hái mơ là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính được Phạm Duy phổ nhạc rất sớm. Bài thơ có lẽ được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1940. Ý kiến một số tác giả cho rằng đây là bài thơ đăng báo đầu tiên của Nguyễn Bính có thể là không chính xác. Bởi bài thơ này được đăng trong Tiểu thuyết thứ năm đến tận số 14, trong khi đó ngay từ số đầu tiên Nguyễn Bính đã có thơ đăng ở tờ báo này rồi.

 Cô hái mơ lấy bối cảnh ở chùa Hương. Nguyễn Bính đã nhiều lần đi chùa Hương, vậy ông sáng tác bài thơ này vào lúc nào? Theo tác giả Ngọc Giao thì ông thai nghén bài thơ này trong lần đi thăm chùa Hương vào năm 1939 cùng với nhóm bạn văn nghệ thành phố Nam Định, trong đó có Ngọc Giao. Cả bọn thuê một chiếc thuyền lớn, khởi hành từ Phủ Lý vào Bến Đục. Trên thuyền, ngoài bạn văn nghệ ra còn có một đào hát ca trù và một kép đờn lớn tuổi. Thức nhắm thì mua hẳn một con dê sống để lên thuyền làm thịt. Ngoài rượu thịt ra, theo đề nghị của Nguyễn Bính, cả bọn còn mang theo bàn đèn để vui cùng nàng tiên nâu.

 Đến chùa Hương, Nguyễn Bính tách hẳn mọi người ra, lội vào rừng mơ cho đến chiều tối mới về quán trọ. Ngọc Giao cho biết trong bữa cơm tối hôm ấy Nguyễn Bính uống rượu nhiều hơn, miệng luôn lẩm nhẩm và có lúc rút sổ tay ra ghi vội vài câu. Về sau mới biết ông bắt đầu thai nghén bài thơ Cô hái mơ. Điều khiến Ngọc Giao lấy làm lạ là Nguyễn Bính thường làm thơ rất dễ dàng, chưa bao giờ vò đầu bứt tai với một thi phẩm dù ngắn dù dài, thế nhưng với bài thơ này ông lại có vẻ vất vả lắm.

 Vì sao lại như thế?

 Ta hãy đọc lại bài thơ Cô hái mơ để xem có điều gì lạ ở trong đó không. 

Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ 

Ấn tượng ban đầu là bốn câu thơ thật hay, thật trong trẻo. Thế nhưng ta cảm thấy có điều gì đó khang khác. Đọc kỹ một chút ta mới thấy rằng, dường như là nó kiểu cách quá. Những câu thơ này khác nhiều so với những câu tả cảnh mộc mạc chân chất mà ta quen nghe ở Nguyễn Bính như là “Hội làng mở giữa mùa thu/Giời cao gió cả giăng như ban ngày” hay là “Thu sang trên những cành bàng/Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi”… Ta thấy cái câu thơ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo mới thật xa lạ với ông làm sao. Nó như là thơ của ai ấy. Câu thơ này mà đặt bên cạnh những câu thơ tả cảnh sau đây cũng của ông thì thật là một trời một vực: 

Suốt giời không một điểm sao
Suốt giời mực ở nơi nào loang ra
Lửa đò chong cái giăng hoa
Mõ sông đùng đục canh gà le te
(Lửa đò) 

Thật ra, Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ mà trong đó ông như muốn thoát khỏi giếng nước ao làng của mình như vậy rồi chứ không chỉ riêng trong Cô hái mơ. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã từng nhận xét Nguyễn Bính có nhiều lúc không nhà quê chút nào. Hoài Thanh đã dẫn ra bốn câu thơ sau đây của Nguyễn Bính để chứng minh: 

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong
(Xuân về) 

Nhà phê bình của chúng ta cảm thấy khó chịu về điều này và tiếc cho Nguyễn Bính. Ông viết tiếp trong Thi nhân Việt Nam: “Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng vì có những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái hay của những câu khác có tính cách ca dao” và “Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật”. 

Nhà phê bình nói quá đúng nhưng may mà Cô hái mơ lại là một bài thơ hay. Hơn thế nữa nó là một bài thơ xuất sắc. Nhưng bài thơ này, nếu chẳng may thất lạc mà có người mới sưu tầm được, chắc không ai xếp vào thơ Nguyễn Bính mà sẽ xếp nhầm qua cho một tác giả khác. 

Ta hãy đọc tiếp khổ thơ thứ hai và ba: 

Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa
Mà ánh chiều hôm dần một tắt
Hay cô ở lại về cùng ta? 

Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương 

Càng đọc càng thấy nét đẹp duyên dáng thướt tha của bài thơ nhưng đồng thời lại thấy xa dần một Nguyễn Bính chân quê. Cái hình ảnh “suối nước trong tuôn róc rách” và “hoa bên suối ngát đưa hương” là hai hình ảnh đã “hương đồng gió nội bay đi rất nhiều”. Vì sao lại như vậy? 

Cho đến lúc này, có lẽ tất thảy chúng ta đều công nhận những lời thơ chân chất mộc mạc của Nguyễn Bính chính là những kết tinh của hồn dân tộc, xứng đáng được tôn vinh. Thế nhưng vào thời kỳ nó vừa xuất hiện, không phải ai cũng đồng ý với những đánh giá như vậy. Đây đó vẫn có nhiều ý kiến ngược lại. Chẳng hạn như tác giả Thượng Sĩ. Người này chê là Nguyễn Bính làm hò vè. Vì vậy có thể Nguyễn Bính bị một áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến quan niệm sáng tác của mình, để mà từ đó ông cố gắng cách tân thơ mình chăng? 

Tuy nhiên dù sao những bài thơ ấy cũng không hoàn toàn bị Tây hóa. Có lẽ Nguyễn Bính vẫn không muốn đi quá xa rặng tre làng dấu yêu của mình, hoặc là cái chất nhà quê đã thấm vào máu rồi nên ông không thể là một Xuân Diệu hoặc Huy Cận được. Vì vậy mà xen vào những câu thơ thật mới vẫn có những câu quê mùa. Chẳng hạn trong bài Cô hái mơ vẫn có những câu mộc mạc lẫn lộn vào đấy, dù ông cố vò đầu bứt tai để làm cho bằng được những câu thơ thật Tây: 

Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa 

Chửa về ư là lối nói người xứ quê của ông mà Nguyễn Bính vẫn quen dùng lâu nay. 

Cô hái mơ là một thi phẩm rất thành công của Nguyễn Bính nhưng là một thi phẩm cách tân, chất dân dã quê mùa còn lại quá ít. Không biết ta nên đánh giá thế nào về điều này. Có nên phê bình mạnh mẽ như Hoài Thanh hay không? Đến đây ta nhớ lại lời kể của Ngọc Giao và mới hiểu vì sao Nguyễn Bính lại quá khó khăn khi sáng tác bài thơ này đến vậy.

[footer]