Chung quanh nhạc phẩm Buồn của Y Vân (Lê Dinh)

(Nhân nói về nhạc phẩm “Buồn“, [dongnhacxua.com] xin trích đăng lại một bài viết của nhạc sỹ Lê Dinh đăng trên tờ Nguyệt San Nghệ Thuật số 152/11-2006 do ông chủ biên)

Nhạc sỹ Lê Dinh. Ảnh: CongDongHoaLan.com
Nhạc sỹ Lê Dinh. Ảnh: CongDongHoaLan.com

Nhà thơ Lê Phụng Thiên có gửi đến Nghệ Thuật một lá thư cho biết nhạc phẩm «Buồn» của Y Vân là do Y Vân phổ bài thơ có tựa là «Buồn như» trong Tuyển tập thơ «Sầu ở lại» của nhà thơ Tạ Ký. Nhạc phẩm «Buồn» của cố nhạc sĩ Y Vân do tác giả viết năm 1980. (Xem thủ bút ca khúc Buồn của Y Vân kèm theo). Trong bản chép tay này, Y Vân không có ghi phổ từ bài thơ «Buồn như» của Tạ Ký hay «Ýù thơ của Tạ Ký».

Trong phạm vi sáng tác ca khúc, nếu chúng ta lấy nguyên văn – hoặc gần như nguyên văn một bài thơ nào đó – chúng ta ghi «Phổ từ bài thơ nào của nhà thơ nào» hoặc nếu ta chỉ lấy ý thơ thôi mà không lấy nguyên văn bài thơ, thì chúng ta ghi «Ý thơ của…»

Trong suốt 32 trường canh của ca khúc «Buồn» với 86 chữ của phần lời, chúng ta thấy Y Vân có lấy nguyên văn 5 chữ «Buồn như ly rượu đầy» (Câu thứ 3 của bài thơ) để làm câu đầu của ca khúc «Buồn», và nguyên văn 5 chữ «Buồn như ly rượu cạn» và 5 chữ «Không còn rượu cho say» để làm lời ca cho từ trường canh thứ 5 đến trường canh thứ 8 (sửa chữ «cho» thành chữ «để» – «cho say» thành «để say»):

«Buồn như ly rượu đầy
Không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượu cạn
Không còn rượu để say…»

Từ trường canh thứ 9 đến trường canh thứ 16, lời không giống bài thơ, chỉ có ý là có hơi hám của bài thơ:

«Buồn như trong một ngày
Hai đứa không gặp mặt
Buồn như khi gặp mặt
Không còn chuyện để vui».

Riêng đoạn giữa, từ trường canh thứ 17 đến trường canh 24 với lời ca:

«Đôi ta như bước lên đỉnh sầu
Vì đời lên cao ngất thương đau
Bao lâu ân ái chưa được nhiều
Toàn là cay đắng giết thương yêu»

thì không hoàn toàn dính dáng gì đến bài «Buồn như».

Và 4 trường canh chót với lời ca:

«Tình đôi ta thật buồn
Như lứa hoa nở muộn
Tình yêu không trọn vẹn
Buồn mỗi ngày buồn hơn»

thì cũng hoàn toàn khác hẳn với bài thơ.

Về ca khúc «Buồn» của nhạc sĩ quá cố Y Vân, nếu tác giả cẩn thận ghi thêm «Ý thơ của Tạ Ký» thì là một điều phải và đúng thì không có gì để nói. Theo tôi, có nhiều nhạc sĩ sáng tác, tình cờ đọc đâu đó một bài thơ có ý lạ, giữ trong đầu ý hay và lạ đó để rồi sáng tác một ca khúc dựa vào ý thơ đã thoáng qua trong đầu nhờ nội dung bài thơ đã đọc mà chắc chắn rằng họ không còn nhớ nguyên văn bài thơ, cùng tên bài thơ và cả tên tác giả. Ca khúc «Buồn» của Y Vân nằm trong trường hợp này và sự việc tương tự đã xảy ra không ít trong giới sáng tác ca khúc. Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết rằng Y Vân là một nhạc sĩ có tài, sáng tác rất nhanh, bàn luận với anh tối hôm trước về một đề tài nào đó, sáng hôm sau Y Vân có ngay một sáng tác mới để trình làng và rất hay. Đó là trường hợp của những bài như «Anh về thủ đô», «Người bạn 10 năm qua». «Hát lên nào» v.v… Hoàn thành xong một ca khúc với cả phần nhạc và lời trong vài chục phút, ghi vội lên góc giấy tên tác giả để kịp đưa cho ca sĩ thu thanh, đó là Y Vân và bởi vậy chuyện «khiếm xác» thế nào cũng dễ dàng xảy ra.

Dưới đây là bài thơ «Buồn như» của Tạ Ký

Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn.

Buồn như đêm khuya vắng,
Qua cửa sổ trông trăng.
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trăng.

Buồn như yêu không được,
Dù người yêu có thừa.
Buồn như mối tình xưa,
Chỉ còn dòng lưu-bút.

Buồn như buồn như thế,
Buồn như một kiếp người.
Đây cõi lòng quạnh-quẽ
Buồn như đóa hoa rơi. (Tặng Tôn Thất Trung Nghĩa)

[footer]

Buồn (Y Vân)

[dongnhacxua.com] không có điều kiện để tìm hiểu kỹ về cuộc sống của nhạc sỹ Y Vân sau năm 1975. Tuy nhiên, dựa vào những thông tin thu lượm được, chúng tôi có thể hình dung phần nào về cuộc sống khó khăn và tâm trạng chán chường của ông trong giai đoạn này: từ sự tự do để sáng tác, ông bắt buộc phải đi theo đường lối của chế độ mới nếu muốn còn được viết nhạc; từ vị thế một nhạc lừng danh có cuộc sống thoải mái, ông phải lao động cật lực với đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình vốn đông con, v.v.

Thế nên, trong tâm trạng như vậy, cảm tác từ bài thơ “Buồn như” của Tạ Ký, đầu những năm 1980, nhạc sỹ Y Vân đã cho ra đời một nhạc phẩm lạ với giai điệu đẹp và ca từ đặc sắc để diễn tả … nỗi buồn: nhạc phẩm “Buồn”, bản tình ca hiếm hoi mà Y Vân sáng tác sau 1975. Thời gian sau đó, những năm 1986-1992, Việt Nam bắt đầu mở cửa và với chính sách thoáng hơn, Y Vân đã bắt đầu có cảm hứng sáng tác trở lại nhưng hầu hết là ông làm nhạc phim và nhận soạn hòa âm cho các trung tâm băng nhạc ở Sài Gòn.

Có một chi tiết bên lề về nhạc phẩm “Buồn”: có người nói Y Vân đã thiếu sót khi quên ghi tên tác giả bài thơ vào bản nhạc. Theo thiển ý của [dongnhacxua.com], nhà nhạc sỹ của chúng ta hoàn toàn không cố ý, cũng có thể do điều kiện thông tin liên lạc thời đó còn thô sơ và chuyện xuất bản, in ấn  nhạc không được quy củ như thời trước 1975 nên mới có hiểu lầm này. Với tài năng đặt lời trau chuốt và khả năng dùng tiếng Việt đầy sức biểu cảm (như trong “Ngăn cách”, “Nhạt nắng”, …) Y Vân hoàn toàn viết nên những dòng tâm sự như trong “Buồn”.

[dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này để phần nào “minh oan” cho nhạc sỹ Y Vân và cũng xin đóng góp một phần nhỏ bé để tri ân nhà nhạc sỹ đáng mến của chúng ta!

XEM THÊM VÀI BẢN NHẠC TRƯỚC 1975 MÀ Y VÂN CẨN THẬN GHI TÊN NHÀ THƠ
(Nguồn: http://amnhacmiennam.blogspot.com/)

nhung-buoc-chan-am-tham--1--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com thoi--1--y-van--nguyen-long--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

[footer]