Xuân và tuổi trẻ (La Hối – Thế Lữ – Diệp Truyền Hoa)

Tiếp nối ‘Ly rượu mừng’ của Phạm Đình Chương, [dongnhacxua.com] xin mời quý vị trở về với dòng nhạc tiền chiến để thưởng thức một trong những bản nhạc xuân hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam: ‘Xuân và tuổi trẻ’ với nét nhạc của nhạc sỹ La Hối phần Việt ngữ do thi sỹ Thế Lữ đặt lời.

Xuân và tuổi trẻ (La Hối - Thế Lữ - Diệp Truyền Hoa). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Xuân và tuổi trẻ (La Hối – Thế Lữ – Diệp Truyền Hoa). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

xuan-va-tuoi-tre--1--la-hoi-the-lu--diep-truyen-hoa--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

LA HỐI VỚI XUÂN VÀ TUỔI TRẺ 1
(Nguồn: tác giả Trương Duy Cường đăng trên QuanVan.Net)

Hàng năm khi mùa xuân đến, nhạc phẩm Xuân và Tuổi Trẻ của nhạc sĩ La Hối lại vang lên cùng với tác phẩm bất hủ Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Xuân và Tuổi Trẻ, nhạc của La Hối,… một nhạc sĩ sống ở miền Trung và lời của Thế Lữ, một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, sống ở miền Bắc, không quen biết nhau, không sống gần nhau. Sao có sự kết hợp lạ lùng như vậy? Có nhiều thính giả đã lầm tưởng nhạc sĩ La Hối đã phổ nhạc một bài thơ của thi sĩ Thế Lữ. Nhưng sự thực lại ngược lại.

Nhạc sĩ La Hối tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 tại Faifoo (thành phố Hội An). Ông là người Hoa kiều gốc Quảng Đông (Trung Hoa). Họ La là một đại gia Hoa kiều, đa số lập nghiệp trên đường Rue des Cantonnais (Phố Quảng Đông), sau nầy đổi thành đường Nguyễn Thái Học, như nhà buôn La Thiên Thái, La Thiên Ba, La Thiên Hòa, La Ngọc Anh tại Phố Cổ Hội An và La Hoài đường Gia Hội tại Huế. Gia đình cha mẹ tôi sống bên cạnh các gia đình họ La đó.

Năm 1936-1938, La Hối vào Saigon để học tiếp văn hóa Trung Hoa bậc Cao Trung và đồng thời trau dồi thêm âm nhạc cổ điển tây phương và sáng tác. Ông sử dụng thành thạo guitare, accordéon và piano.

Về lại địa phương, ông thành lập Hội Âm Nhạc Hội An (Société philharmonique de Faifoo) mà ông là hội trưởng sáng lập. Ông tiếp tục hướng dẫn các nhạc sĩ trẻ tại địa phương như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Dương Minh Ninh, Hồ Vân Thiết… trong lãnh vực hòa âm, sáng tác âm nhạc.

Sau nầy, vào thập niên 50, Lê Trọng Nguyễn được nhiều người biết đến qua nhạc phẩm Nắng Chiều, Sao Đêm, Chiều Bên Giáo Đường… Lan Đài với nhạc phẩm Chiều Tưởng Nhớ và Dương Minh Ninh với Gấm Vàng, Đường Chiều… (các nhạc phẩm trên do Tinh Hoa, Huế và Tinh Hoa Miền Nam (Saigon) của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo in ấn và phát hành khắp toàn quốc trước năm 1975.

Theo nhiều người trong gia đình họ La cho biết, khi La Hối đi dạy nhạc, ông đã yêu một cô gái dạy dương cầm. Tình yêu nầy đã thúc đẩy ông sáng tác một số tình khúc để riêng tặng người yêu. Và chỉ có người bạn gái nầy mới giữ đủ nhạc phẩm do La Hối sáng tác. Gia đình họ La chỉ biết và giữ một vài ca khúc của La Hối, trong số nầy có nhạc phẩm Le Printemps et la Jeunesse (đầu đề bằng Pháp ngữ và một người bạn Hoa kiều thi sĩ Diệp Truyền Hoa đặt lời ca bằng Hoa ngữ là Thanh Niên Dữ Xuân Thiên).

Riêng cô gái dạy dương cầm, vì chiến tranh xảy ra, từ sau 1945 đến 1975, nên gia đình họ La không còn nhớ tên và mất liên lạc với cô nầy để xin ghi chép lại các sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ La Hối. Vì thế xem như tuyệt bản sau khi La Hối mất sớm, mới ngoài 25 tuổi.

Thập niên 40, quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản với chủ trương Đại Đông Á, đã xâm chiếm Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác. La Hối là một thanh niên Trung Hoa yêu nước nên đã tham gia vào phong trào chống phát xít Nhật Bản. Ông là người đứng đầu một nhóm Hoa kiều tại Việt Nam theo Trùng Khánh (phe Thống Chế Tưởng Giới Thạch) trong Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Đây là một đảng bộ lớn ở hải ngoại, hoạt động tại Hội An và khắp Việt Nam. Hoạt động chống Nhật Bản tại địa phương có nhiệm vụ theo dõi tình hình điều quân, chính trị, văn hóa Nhật. Các đồng chí của ông kẽ biểu ngữ, in và phân phát truyền đơn chống Nhật Bản, phá hoại các nơi Nhật Bản đồn trú, phá kho lương thực, đầu độc các con ngựa chiến mà các sĩ quan Nhật Bản cưỡi để thị oai…

Theo một vài cựu đồng chí người Hoa tiết lộ “nhạc sĩ La Hối đã dùng mấy notes nhạc trong phần dạo khúc mở đầu (introduction) của nhạc phẩm Thanh Niên Dữ Xuân Thiên: “là là là là, là là là rê, là là là mí, là là là phá, là là là sól, là là là lá, sól mi đô là, sól mi rề” làm một khẩu hiệu liên lạc công tác…

Hiến binh Nhật Bản đã theo dõi và phát hiện những hoạt động của phong trào chống Nhật nầy.

Và một ngày trong tháng tư năm 1945, La Hối và 9 đồng chí bị Nhật bắt giam vào tháng trước đó, bị Nhật đem ra xử tử tại núi Phước Tường, gần phi trường Đà Nẵng và chôn chung một hố. (Danh sách 10 vị bị Nhật Bản xử chém sáng ngày 1/4/1945 là La Doãn Chánh (La Hối), Lâm Kiến Trung, Thái Văn Lễ, Tạ Phúc Khương, Lương Tinh Tiêu, Vương Thanh Tùng, Trình Duy Huấn, Trịnh Yến Xương, Lâm Bình Hoành và Kim Bính Bồi. Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch ban cho 4 chữ Dân Tộc Chính Khí để tuyên dương 10 vị liệt sĩ nầy).

Sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh, ngũ bang Trung Hoa Lý Sự Hội ở Hội An đã cải táng 10 liệt sĩ Trung Hoa nầy tại nghĩa trang Thanh Minh, ngoại ô thành phố Hội An, lập kỷ niệm đài để người dân địa phương, không phân biệt Việt Nam hay Hoa kiều, đến viếng mộ các chiến sĩ kháng Nhật.

La Hối (1920-1945) khi bị xử tử mới có 25 tuổi. Ông đang yêu đời, yêu nước, và đang sáng tác một số tình ca và nhiều nhạc khúc hùng mạnh chống phát xít Nhật.

Năm 1946, đoàn ca vũ Anh Vũ, từ thủ đô Hà Nội đi lưu diễn các tỉnh Trung, Nam Việt Nam. Sau khi trình diễn tại Huế, đoàn trực chỉ Hội An, mặc dù lúc đó Hội An đang bị mưa to gió lớn, ngập lụt dâng cao trên quốc lộ 1 từ Đà Nẵng vào Hội An.

Đoàn Anh Vũ được sự giúp đỡ tận tình của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và một số thanh niên tại Hội An, nên đoàn văn nghệ vẫn đến được Hội An để trình diễn vở Tục Lụy của nhà văn Khái Hưng do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết nhạc. Ông Võ Đức Diên là trưởng đoàn và trong đoàn có thi sĩ Thế Lữ (và vợ, một kịch sĩ có tài), nhạc sĩ Văn Chung, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và một số ca kịch sĩ nữa tháp tùng.

Khi đến thành phố Hội An, các nhạc sĩ đồng hành với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát muốn liên lạc với nhạc sĩ La Hối. Đến nơi mới biết La Hối không còn nữa, trước đó vài tháng. Thi sĩ Thế Lữ xin phép gia đình họ La để đặt lời ca cho nhạc phẩm Le Printemps et la Jeunesse, có lời Hoa là Thanh Niên Dữ Xuân Thiên, thành lời ca tiếng Việt là Xuân và Tuổi Trẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, nhạc sĩ Văn Chung soạn vũ điệu, Thế Lữ đạo diễn.

Thế là vũ khúc Xuân và Tuổi Trẻ của La Hối với lời ca tiếng Việt do đạo diễn kiêm thi sĩ Thế Lữ được cất cao lần đầu tiên tại nhà hát Phan Hương trên đường Minh Hương, thị xã Hội An. Sau nầy, cũng trên khu đất nầy, hý viện Phi Anh với 1.200 chỗ ngồi, là rạp hát hiện đại của thập niên 50 được xây cất thay thế nhà hát cũ và tên đường được đổi thành đường Phan Châu Trinh.

Các nhạc sĩ, kịch sĩ, thi sĩ trong đoàn ca vũ kịch Anh Vũ đồng hành đến thăm nhạc sĩ La Hối, có thể là cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng ngoài Bắc, hoặc là cảm tình viên với Việt Nam Quốc Dân Đảng (nhưng trong thời kỳ Việt Minh mới cướp chính quyền thì họ phải giấu kín đảng tịch cũ) cốt ý đến thăm một đồng chí mà từ lâu họ đã nghe tiếng hoặc ái mộ cũng nên. Chỉ có các vị đó biết và nay họ đã qua bên kia thế giới, đem theo bí mật không bật mí được khi họ sống dưới chế độ độc đảng cộng sản từ lúc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm thứ nhất (1945), thứ hai (1946)!

Tuy nhiên, duyên tri ngộ ngắn ngủi nầy cũng để lại cho thính giả yêu âm nhạc Việt Nam được một giai thoại quý giá và một lời ca của nhạc khúc xuân bất hủ hơn 60 năm trôi qua.

Nhờ lời ca viết bằng tiếng Việt rất hay của thi sĩ Thế Lữ, từ đó Xuân và Tuổi Trẻ ra khỏi thành phố cổ nhỏ bé Hội An đã chu du khắp nơi trên thế giới mỗi khi mùa xuân trở về với cộng đồng tỵ nạn Việt Nam.

Thập niên 1940, khi tôi còn nhỏ, sinh hoạt trong đoàn thể hướng đạo Việt Nam, tôi thích âm nhạc, nên thường đi nghe các buổi hòa nhạc của hội Âm Nhạc Hội An và bản Le Printemps et la Jeunesse vẫn là nhạc phẩm được hòa tấu để mở màn cho các buổi hòa nhạc hoặc nhạc ca kịch tại địa phương.

Ngày nay ở hải ngoại, các hội Ái Hữu Quảng Nam Đà Nẵng ở mọi nơi vẫn lấy bài Xuân và Tuổi Trẻ làm nhạc phẩm chào mừng đồng hương mỗi khi có dịp hội ngộ.

Nữ ca sĩ Hồng Hạnh (gốc Hội An) trong một CD mới phát hành cũng đã hát nhạc phẩm Xuân và Tuổi Trẻ của La Hối, lời Thế Lữ với tất cả đam mê, tuyệt vời. (CD Hồng Hạnh 2: Em và Quê Hương ra mắt thính giả tại hí viện Le Petit Trianon tại San Jose ngày 14/1/2006).

Một điều đáng tiếc là nhạc sĩ La Hối, cha đẻ của nhạc khúc lại không được nghe nhạc phẩm của ông hát bằng lời ca tiếng Việt rất du dương của thi sĩ Thế Lữ Nguyễn Thứ Lễ, một trong những thính giả mến mộ tài năng của ông và cũng có thể là một đồng chí (hoặc cảm tình viên) của hoạt động yêu nước của nhà cách mạng La Hối chống phát xít Nhật Bản.

[footer]