Thành Phố Sương Mù (Huỳnh Anh)

[dongnhacxua.com] đã nhận nhiều hồi âm của người yêu dòng nhạc xưa về bản “Thành phố buồn” của Lam Phương. Đúng là Đà Lạt có nhiều tên gọi khác và một trong số đó là “thành phố sương mù”, như tên của một sáng tác rất hay của nhạc sỹ Huỳnh Anh (1932-2013). Nhạc sỹ Huỳnh Anh thì không xa lạ với người yêu nhạc nhưng có một điều chắc ít ai biết được là trong gần 40 năm ở hải ngoại, ông chỉ cho phổ biến đến công chúng vài tác phẩm: một trong số đó là bản “Rừng chưa thay lá” phổ từ thơ Hoàng Ngọc Ân mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây và nhạc phẩm thứ hai là “Thành phố sương mù” mà [dongnhacxua.com] giới thiệu hôm nay.

Thành phố sương mù (Huỳnh Anh). Ảnh: SaigonGate.com
Thành phố sương mù (Huỳnh Anh). Ảnh: SaigonGate.com

[footer]

Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Kiên Giang – Huỳnh Anh)

Tiếp nối dòng nhạc Huỳnh Anh, [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến quý vị nhạc phẩm ‘Hoa trắng thôi cài trên áo tím’, phổ từ bài thơ cùng tên của thi sỹ Kiên Giang.

hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--0--kien-giang--huynh-anh
Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Huỳnh Anh – Kiên Giang). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--1--kien-giang--huynh-anh hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--2--kien-giang--huynh-anh hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--3--kien-giang--huynh-anh

NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ VÀ NHẠC: HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên 14/11/2011)

Nhà thơ Kiên Giang - Ảnh: Đào Trung Phụng
Nhà thơ Kiên Giang – Ảnh: Đào Trung Phụng

Hơn nửa thế kỷ trước, bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của nhà thơ Kiên Giang ra đời (1958) đã làm xôn xao dư luận một thời. Bài thơ còn được biết đến nhiều hơn khi được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc. 

Kiên Giang là nhà thơ, soạn giả cải lương (tác giả các vở tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Sơn nữ Phà Ca…), nhà báo – chứng nhân còn sót lại của sự kiện “Ngày ký giả đi ăn mày” (xảy ra vào năm 1974, báo giới miền Nam xuống đường với nón lá, bị, gậy của dân “cái bang” để chống đối chính quyền Thiệu ra sắc luật đàn áp báo chí)… Người viết chơi thân với ông đã gần hai mươi năm nhưng muốn gặp ông thật khó bởi ông luôn dịch chuyển (rất giống với ông bạn thân cùng lứa, cùng làng là nhà văn Sơn Nam).

Năm nay 84 tuổi, mái tóc đã gội tuyết sương đến bạc trắng nhưng nếu có ai hỏi về thời niên thiếu, về Sơn Nam, về Nguyễn Bính (người thầy dạy Kiên Giang làm thơ khi ông mới 17 tuổi) và nhất là về người con gái trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím là ông kể một mạch bằng một giọng bùi ngùi, không hề đứt đoạn, làm như những chuyện đó đã thấm vào máu thịt của ông…

“Thuở ấy anh hiền và nhát quá …”

17 tuổi, anh học trò Trương Khương Trinh (tên thật của Kiên Giang) rời vùng quê Rạch Giá lên Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở Trường trung học tư thục Nam Hưng. Vốn là người có hoa tay: vẽ vời và viết chữ rất đẹp (đến bây giờ chữ của ông vẫn rất lả lướt) nên ông được các thầy cô giáo cho thực hiện một tờ báo (chép tay vào cuốn vở học trò) lấy tên là Ngày xanh. Tờ báo này là đối trọng, giao lưu với tờ Thắm của Trường trung học Ba Sắc, cũng nằm trên địa bàn. Cứ vào chủ nhật mỗi tuần, các cô cậu “nhà báo – học trò” lại quây quần trong một vườn xoài xanh um bóng mát để thực hiện tờ báo. Kiên Giang biên tập bài vở và trình bày (vẽ, trang trí…), còn cô bạn Nguyễn Thị Nhiều thì chép bài vở (có lẽ chữ cô này đẹp hơn chữ của Kiên Giang!).

Tuy mang cái tên rất dân dã nhưng Nhiều rất đẹp với mái tóc dài ôm xõa bờ vai, thỉnh thoảng vờn bay trong gió. Mái tóc ấy, khuôn mặt ấy đã khiến tâm hồn non trẻ nhưng rất lãng mạn của chàng trai sau này trở thành nhà thơ… tơ vương. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa nên mỗi sáng chủ nhật nàng thường đi lễ nhà thờ Cần Thơ. Kiên Giang không theo đạo nhưng sáng chủ nhật nào cũng “rình” trước cổng nhà thờ để được “tháp tùng” nàng trên đường đi lễ về. “Yêu nhau” chỉ có vậy: ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để “trao đổi” nữa cả. Tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, kéo dài suốt 9 năm (1945-1954), việc học hành bị gián đoạn, trường lớp tan tác… Kiên Giang và bạn bè thân thiết (Nguyễn Bính, Sơn Nam…) vào Khu 8 tham gia kháng chiến, và rồi ông lập gia đình trong thời gian này.

Bài thơ và thủ bút của nhà thơ Kiên Giang tặng người viết
Bài thơ và thủ bút của nhà thơ Kiên Giang tặng người viết

“Để nghe khe khẽ lời em nguyện”

Sau này, nhiều lần Kiên Giang tâm sự với người viết: “Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa hình ảnh và tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1958. Ở đoạn kết có những câu: “Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ/Chở áo tím về giữa áo quan/Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt/Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…”, tôi đã “cho” người mình thầm yêu phải chết đi, để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình. Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp gặp lại cố nhân ở Sóc Trăng (lúc này nàng đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, không hiểu sao tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết để bảo vệ quê hương, để không còn vương vấn mối tình thuở học trò. Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác, nhất là khi nó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa. Có lần tôi thú thực với bà xã về cái ấn tượng “sắc hoa trắng – màu áo tím”. Từ đó không có màu tím trong tủ áo nhà tôi nữa…”.

Trong thơ là thế nhưng sự thật ngoài đời chẳng có ai chết cả. Năm 1977 họ lại có dịp gặp nhau. 33 năm đã trôi qua kể từ “Thuở ấy anh hiền và nhát quá/Nép mình bên gác thánh lầu chuông/Để nghe khe khẽ lời em nguyện/Thơ thẩn chờ em trước thánh đường…”, bây giờ gặp lại, hai mái đầu đã bạc. Cả hai cố tránh không nhắc nhớ về cái thời cùng học dưới mái trường Nam Hưng, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn trân trọng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.

Kiên Giang kể lại, đầu năm 1999 Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) thực hiện một bộ phim tài liệu về ông mang tên Chiếc giỏ đời người (Kiên Giang đi đâu cũng kè kè một chiếc giỏ, mặt ngoài vẽ chi chít chữ – NV), trong kịch bản có một cảnh quay tại Cần Thơ. Khi ông và ê kíp làm phim đến nhà “người xưa” mời bà Nhiều ra quay cảnh ở nhà thờ chính tòa thì thấy ngôi nhà đóng cửa, lạnh ngắt. Người hàng xóm cho biết bà Nhiều đã qua đời năm 1998. Ông thật xót xa… Hôm sau ông trở lại, cô con gái của bà Nhiều kể rằng lúc bà mất, tang gia có gửi thiệp báo tin cho ông nhưng tiếc là ông đã không nhận được để tiễn biệt người xưa lần cuối thực sự chứ không phải tiễn biệt như trong thơ. Rồi ông cùng người con gái của bà ra nghĩa trang viếng mộ. “Người xưa” bây giờ chỉ còn là di ảnh trên bia mộ, nhưng người con gái đứng bên ông thì lại giống cô Nhiều ngày trước lạ lùng…

Cũng cần nói thêm, năm 2002 người viết đã có giới thiệu (và đăng) bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím trên Báo Thanh Niên. Hôm đó, các sạp báo ở Sài Gòn không còn tờ Thanh Niên nào sót lại, rất nhiều người (có cả những anh chạy xe ôm, xích lô…) đã đến tận tòa soạn để hỏi mua. Ở Cần Thơ cũng “cháy báo”, không còn đủ số lượng cung cấp cho bạn đọc (hồi đó ở Cần Thơ Báo Thanh Niên chưa được in cùng lúc với nhiều chỗ như bây giờ), tòa soạn ở TP.HCM phải in thêm, đưa xuống tặng bạn đọc. Kể như thế để thấy rằng bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím được công chúng miền Nam yêu thích như thế nào.

Hà Đình Nguyên

HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM: MỘT BÀI THƠ, HAI ĐOẠN KẾT
(Nguồn: CauLacBoTinhNgheSi.net)

HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM của thi sĩ Kiên Giang là một bài thơ rất quen thuộc với người Việt Nam và đã được phổ nhạc; gần đây nhất là bài Chuyện Tình Hoa Trắng do ca sĩ Như Quỳnh trình bày. Gọi là một bài thơ nhưng thật sự có đến hai bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím hay đúng hơn, một bài thơ với hai đoạn kết hoàn toàn trái ngược nhau. Cả hai bài đều hiện hữu song song và cùng nổi tiếng, tuy ít có người để ý đến sự việc bất ngờ này. Ngày nay, xem phim trong các dĩa DVD ta thường thấy có thêm phần “Alternate Ending”, một kết cục khác của phim mà vì lý do nào đó nhà đạo diễn đã phải bỏ đi, không sử dụng khi đưa cuốn phim ra phát hành chính thức.

 Nghi vấn chính của bài viết là tại sao ông Kiên Giang đã làm như vậy và trên một khía cạnh, đã đi trước các đạo diễn Hollywood bao nhiêu năm trời. Nhiều người vẫn thắc mắc và gần đây, một nhóm bạn trong chương trình Cây Mùa Xuân đã gặp gỡ và ủy lạo các nghệ sĩ cổ nhạc nghèo khó… Trong chương trình đó, một người trong nhóm ở Việt Nam đã gặp ông Kiên Giang hỏi về nghi vấn này và được bác cho biết như sau:

… Hồi đó, có một anh chàng học sinh nọ, tên Trinh, quê ở tận miền Rạch Giá lên trọ học tại Sài Gòn, học cùng lớp với cô nữ sinh tên là Nguyễn Thị Thúy Nhiều, người ở Sóc Trăng. Thuở đó, chàng là học sinh khá giỏi về Văn nhưng lại yếu về môn Toán, tình bạn của họ rất trong sáng, có xen lẫn tình yêu thơ mộng, những khi chàng bí Toán thì hay nhìn sang để “copier” nàng. Lúc là sinh viên, chàng là cây bút của một tờ báo, còn nàng, tuy gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thể làm gì thêm. Thế là chàng dùng tiền nhuận bút chia sẻ cho nàng. Tình yêu, tình bạn thơ mộng đó kéo dài suốt quãng đời sinh viên của hai người tại đất Sài Gòn. Hai người còn có lời hứa sống chết có nhau.

Sau khi chia tay tại Sài Gòn, chàng ở lại làm nhà văn, nhà báo, soạn giả… Nàng về quê đi dạy học và đợi chờ ngày sum họp. Thời gian thấm thoát trôi qua, hoàn cảnh đổi thay nên chàng đã thất hứa, đi lấy vợ… Được tin, nàng buồn khổ vô cùng và sau đó rất lâu nàng mới chịu lấy chồng. Nghịch cảnh chăng (?) hay vì nàng quyết định chọn mà chồng của nàng cũng tên Trinh.

Một thời gian sau, anh chàng Trinh thất hứa, nay là trưởng toán của một đoàn nghệ thuật lớn, lưu diễn và gặp lại nàng. Chàng có đến thăm cô Thúy Nhiều và đã viết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím thứ nhất để gọi là “tạ lỗi” vì đã thất hứa trong tình yêu. Trong bài này, người con gái mất đi để lại trong lòng người trai một nỗi buồn khôn nguôi như lòng của anh Trinh sinh viên với mối tình cũ. Ngoài ra chàng còn gởi hai vé hát mời vợ chồng cô Thúy Nhiều đi xem. Tuy nhiên, người chồng của cô rất ghen nên hai người đã không đến xem buổi trình diễn của đoàn hát của chàng sinh viên xưa.

Vì hận lòng hay hận đời, Trinh đã sửa lại đoạn kết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Lần này Trinh cho chàng trai trong bài thơ bị chết và người con gái suốt đời ôm mối hận tình, khóc người yêu cũ… để trả thù việc vợ chồng cô đã từ chối lời mời xem hát của anh. Đến đây chắc các bạn cũng đã biết anh chàng Trinh sinh viên kia chính là ông Kiên Giang (tên thật là Trương Khương Trinh, bút hiệu khác Hà Huy Hà, sinh ngày 17-2-1929 tại Rạch Giá).

Nhà thơ Kiên Giang công bố ảnh người yêu xóm đạo. Ảnh: cand.com.vn
Nhà thơ Kiên Giang công bố ảnh người yêu xóm đạo. Ảnh: cand.com.vn

Còn cô Nguyễn Thị Thúy Nhiều đã mất. Những người con của cô đều rất thành danh trong nghề nghiệp và cuộc sống, có người là giáo sư. Riêng về người chồng của cô Thúy Nhiều, ông này là người rất ghen nhưng lại có vợ lẽ. Ông vẫn còn sống với người vợ sau. Thời gian sau này, lúc cô Thúy Nhiều còn sống, ông chồng vì ân hận mình phụ bạc vợ, đã có đến nhà thờ đi bằng đầu gối để xin lỗi vợ mình.

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
(Tâm tình của người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo – Bến Tre, 14-11-1957)

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! Chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! Chuông nhà trường

Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẻ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhnhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Anh vẫn yêu người em áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy
Áo tím nàng thơ đã nhạt màu

***

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Nhưng khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa giáo đường

Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!!!

Bài 2:

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
(Gia Định, 28-05-1958)

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần Chúa Nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ tthẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỷ vật ban đầu

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ xây tường lũy
Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù

Nhưng rồi người bạn cùng trang lứa
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, em nức nở
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp cỗ quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò mãi thắm tươi

***

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc… tiễn người ngàn thu
Từ đây, tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa!!!

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Huỳnh Anh (1932 – 2013)

Thứ sáu, ngày 13/12/2013, nền tân nhạc Việt Nam lại chịu thêm một mất mát lớn khi chứng kiến sự ra đi mãi mãi của một trong những nhạc sỹ có dấu ấn khó phai mờ: nhạc sỹ Huỳnh Anh. Vậy là thêm một nhạc sỹ lão thành đi về miền cực lạc, cùng với Phạm Duy (01/2013), Văn Giảng (05/2013), Hoàng Hà (09/2013).

Nhạc sỹ Huỳnh Anh trong Paris By Night 74
Nhạc sỹ Huỳnh Anh trong Paris By Night 74

[dongnhacxua.com] xin chia buồn cùng gia quyến và cầu nguyện cho linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!

Nhân dịp này chúng tôi xin gởi đến quý vị yêu nhạc sáng tác đầu tay của nhạc sỹ Huỳnh Anh: bản ‘Em gắng chờ’. Cũng giống như hầu hết các sáng tác cuối thập niên 1950 của Nguyễn Văn Đông hay Lam Phương, bản ‘Em gắng chờ’ phảng phất sự lãng mạn và giai điệu nhẹ nhàng đặc trưng của dòng nhạc tiền chiến. Nhân đây cũng cần nói thêm là nhạc sỹ Huỳnh Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ nhạc (thân phụ là danh cầm Sáu Tửng) và bản thân ông biết chơi hầu hết các loại nhạc cụ, đặc biệt là bộ trống. Chính những yếu tố này, cùng với những năm tháng chơi nhạc cho các vũ trường đã tạo nên một Huỳnh Anh sáng tác rất đa dạng về giai điệu: thanh thoát đầy tính nghệ thuật trong ‘Em gắng chờ’, tango lả lướt trong ‘Kiếp cầm ca’, bolero dìu dặt trong ‘Mưa rừng’, ‘Lạnh trọn đêm mưa’ hay blues giàu cảm xúc trong ‘Thuở ấy có em’.

Em gắng chờ (Huỳnh Anh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Em gắng chờ (Huỳnh Anh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

em-gang-cho--1--huynh-anh--amnhacmiennam--dongnhacxua.com em-gang-cho--2--huynh-anh--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

[footer]

Rừng chưa thay lá (Huỳnh Anh – Hoàng Ngọc Ẩn)

Như chúng ta đã biết, nhạc sỹ Huỳnh Anh sáng tác không nhiều, chỉ trên dưới 20 bản. Sau năm 1975, khi ra định cư ở Mỹ, nhạc sỹ càng sáng tác ít hơn. Theo [dongnhacxua.com] được biết thì trong hơn 30 năm ở hải ngoại, ông chỉ cho phố biến rộng rãi hai sáng tác là “Rừng chưa thay lá” phổ bài thơ “Rừng lá thay chưa” của Hoàng Ngọc Ẩn và “Thành phố sương mù”. Theo chúng tôi còn nhớ thì “Rừng chưa thay lá” được Huỳnh Anh sáng tác vào khoảng năm 1981 và sau hơn 30 năm thì giai điệu bolero ngọt ngào của ca khúc này vẫn còn ngân nga trong lòng người yêu nhạc.

Có một điều thú vị mà nhạc sỹ Huỳnh Anh cũng đã có lần tâm sự là khi đọc qua bài thơ “Rừng lá thay chưa” của Hoàng Ngọc Ẩn thì ngay lập tức giai điệu đã hình thành trong đầu ông và khi phổ nhạc ông đã giữ nguyên toàn bộ bài thơ.

Ảnh bìa nhạc: CungChoiNhac.com

BÀI THƠ “RỪNG LÁ THAY CHƯA” CỦA HOÀNG NGỌC ẨN
(Nguồn: DacTrung.net)

Anh đi rừng chưa thay lá 
Em về, rừng lá thay chưa? 
Phố cũ bây chừ xa lạ 
Hắt hiu đợi gió giao muà! 

Xuân xưa mình chung đôi bóng 
Xuân này mình ngóng trông nhau 
Hun hút phương trời vô vọng 
Nhớ thương bạc trắng mái đầu! 

Em có về qua phố cũ 
Phố phường chừ đã đổi thay 
Thương em nửa đời hoang phế 
Thương ta chịu kiếp lưu đày! 

Xuân nay mình em lẻ bóng 
Có còn tiếc nhớ xuân xưa 
Dài tay đếm từng nhung nhớ 
Em ơi! Chờ gió giao muà…. 

[footer]

Mưa rừng

Trong làng văn nghệ Việt Nam, ‘Mưa rừng’ có lẽ là một hiện tượng đặc biệt nhất, có một không hai. Lý do thật đơn giản: dưới hình thức nào (cải lương, kịch nói, phim điện ảnh, phim truyền hình và ca nhạc) thì ‘Mưa rừng’ đều thành công và để lại dấu ấn khó phai mờ. Khởi đi là một vở tuồng cải lương của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng viết năm 1961 với sự tham gia diễn xuất của Thanh Nga, ngôi sao sáng chói của sân khấu Sài Gòn ngày nào, ‘Mưa rừng’ sau này được dựng lại trên sân khấu kịch nói, rồi điện ảnh và cả truyền hình. 

ĐÔI NÉT VỀ VỞ TUỒNG ‘MƯA RỪNG’
(Nguồn: Wikipedia)

Trong một chuyến đi chơi tắm suối ở Tây Nguyên, một nhóm soạn giả trong đoàn cải lương Thanh Minh-Thanh Nga gồm: Nguyễn Phương, Hà Triều, Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà phải trọ qua đêm trong một buôn bản người Thượng vì mưa to không về được. Khi họ đang vui chơi thâu đêm tại nhà ông chủ bản thì từng tràng tiếng hú của người rừng trổi lên giữa cơn mưa bão tạo cảm giác rùng rợn. Hà Triều, Hoa Phượng viết tuồng “Mưa Rừng” nổi tiếng dựa trên bối cảnh đó. Tuồng cải lương thành công rực rỡ do Thanh Nga đóng và được đánh giá là sự kiện “cháy vé” lúc bấy giờ.

Câu chuyện lấy bối cảnh một đồn điền. Khanh được ông chủ đồn điền mướn lên từ thành phố để làm cai phu, anh rất được mọi người thương mến. K’Lai, cô gái dân tộc, người giúp việc nhà cho ông Tịnh thầm yêu anh nhưng anh lại yêu Tuyền, cô dâu trưởng của ông Tịnh, có chồng là Thuyết bị điên vốn nhốt riêng trong phòng không cho ai biết trừ K’Lai. Em trai của Thuyết đem lòng si mê K’Lai, hắn tìm cách đuổi Khanh đi. Chán ngán cảnh ba đường, anh bỏ đi làm cho Tuyền và K’Lai đau khổ.[1]

Ở rừng, hằng đêm có những tiếng hú ghê rợn vọng về, người ta mê tín cho rằng do những người phu chết trong đồn điền. Khanh lợi dụng tình cảm của K’Lai để điều tra phát hiện tiếng hú đó là của Thuyết, bị gia đình xích chân tại một nơi kín đáo, chỉ có K’Lai hàng ngày đem cơm đến.[1]

Câu chuyện hé mở rằng Thuyết đã bắn chết cha K’Lai. Để trả thù, K’Lai xin vào giúp việc và dùng lá thuốc rừng trộn vào thức ăn đầu độc Thuyết khiến cho anh ta điên. Vì danh dự gia đình, ông Tịnh nói dối mọi người rằng Thuyết đã chết. Khanh thuyết phục K’Lai tìm thuốc cứu Thuyết hết điên. Thuyết chứng kiến vợ mình tỏ tình với Khanh, anh ghen toan giết Tuyền thì ông Tịnh đến. Tưởng Thuyết còn điên nên ông bắn chết Thuyết để cứu con dâu.[1]

Khanh và Tuyền đã rộng đường để tới với nhau, nhưng đối với K’Lai thì là sự mất mát lớn. Cô bỏ đồn điền, từ chối tình yêu với Bằng. Khanh cũng bỏ đi lần nữa vì tự thấy mình hèn hạ khi lợi dụng tình cảm của K’Lai để đạt ý nguyện của mình.[1]

Tất cả chia tay giữa tiếng Mưa Rừng tạo nên một kết thúc buồn.

Thầy cai lên ngựa về rồi!
Sao K’Lai còn đứng bên đồi ngó theo.
Mưa rừng gió lạnh đìu hiu!
Em mang gùi nhỏ đựng nhiều nhớ thương

BẢN NHẠC ‘MƯA RỪNG’

Bài hát nhạc vàng cùng tên “Mưa rừng” được Hà Triều, Hoa Phượng nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga năm 1961 khi tuồng cải lương đã gần kề -do lúc đó Huỳnh Anh đang tập ca tân nhạc cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng năm 61 và bộ phim năm 62 khẳng định tên tuổi Huỳnh Anh. Trong một buổi phỏng vấn thu hình với Nguyễn Ngọc Ngạn, trong Paris By Night 74 năm 2004 Huỳnh Anh đã ngỏ ý cám ơn và biết ơn Thanh Nga vì điều này.[1][2]. Bài hát nhanh chóng được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng của đài Phát Thanh Sài Gòn và về sau được nhiều danh ca trình bày lại như Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền…đều thành công, trở thành một trong những ca khúc yêu thích nhất miền Nam Việt Nam lúc đó.

BỘ PHIM ĐIỆN ẢNH ‘MƯA RỪNG’
(Theo hồi ký của đạo diễn Lê Dân)

Bắt đầu được chú ý từ phim đầu tiên của chúng tôi, mấy năm sau Kiều Chinh vào vai quan trọng trong phim Mưa rừng của đạo diễn Thái Thúc Nha, Giám đốc Hãng phim Alpha. Phim này quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng: Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Hoàng Vĩnh Lộc, Năm Châu, Xuân Phát, Ngọc Phu… Đây là bộ phim màu đại vĩ tuyến đầu tiên của Việt Nam, được in rửa và thâu thanh tại Nhật Bản. Phim được giải Tượng Vàng với cốt truyện hay nhất, do dạo diễn Thái Thúc Nha chuyển thể từ kịch bản sân khấu của hai tác giả Hà Triều và Hoa Phượng.

Mưa rừng là một câu chuyện tình cảm hư cấu, nhiều tình tiết ly kỳ và hấp dẫn, đoạn kết buồn với những cuộc tình tan vỡ, chia ly.

Mưa rừng ơi! Mưa rừng! Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên? Phải chăng mưa buồn vì tình đời, Mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu?

Bài hát cùng tên với bộ phim Mưa rừng ấy, Hà Triều và Hoa Phượng đã nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng cải lương năm 1961 và bộ phim năm 1962. Trải qua hơn nửa thế kỷ, câu chuyện Mưa rừng được liên tục trình diễn qua nhiều thế hệ nghệ sĩ: Hữu Phước, Thanh Nga, Ngọc Đức, Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Sang, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, cho đến thế hệ sau: Khánh Hoàng, Trịnh Kim Chi, Quốc Thái, Anh Vũ, Lê Khánh, Lệ Thủy, Thanh Ngân, Tú Sương, Quế Trân…

Đồng thời, bài hát của Huỳnh Anh cũng được phát đi phát lại trên đài phát thanh, về sau được nhiều danh ca trình bày: Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền… Tất cả đều thành công, và bài hát trở thành một trong những ca khúc được yêu thích một thời ở miền Nam Việt Nam.

[footer]

Loan mắt nhung

Huỳnh Anh | Nguyễn Thụy Long || 12/04/2013 | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Trong gia tài sáng tác không nhiều (trên dưới 20 bản) của nhạc sỹ Huỳnh Anh, có một nhạc phẩm gây chú ý cho [dongnhacxua.com] vì cái tựa rất khó hiểu: Loan mắt nhung. Sau này có dịp tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời của nhạc sỹ Huỳnh Anh cũng như sự ra đời của cái tên “Loan mắt nhung”, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều thú vị để chia sẻ cùng quý vị yêu nhạc xưa: “Loan mắt nhung” là bản nhạc do nhạc sỹ Huỳnh Anh viết cho bộ phim cùng tên do đạo diễn Lê Dân thực hiện vào năm 1970, lấy cốt truyện từ tiểu thuyết cũng cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Tác phẩm này xuất bản năm 1967, nói về cuộc đời của một thanh niên bình thường có đôi mắt đen huyền đẹp như nhung, bị hoàn cảnh đưa đẩy trở thành một giang hồ và chịu nhiều bi kịch.

NGUYỄN THỤY LONG VÀ TIỂU THUYẾT “LOAN MẮT NHUNG”
(Nguồn: Báo Công An TPHCM)

Nhà văn Nguyễn Thụy Long đã ra đi vào sáng 3-9-2009, khi vừa bước qua ngưỡng cửa “thất thập”. Dĩ nhiên với ngần ấy năm sống giữa thế gian, anh đã nếm trải đủ mùi vị cay đắng, ngọt bùi của cuộc đời.

Sinh năm 1938 tại Hà Nội, anh là một trong số những nhà văn hàng đầu ở miền Nam trước 1975 còn ở lại và suốt đời gắn bó với quê nhà. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Nguyễn Thụy Long đã viết hơn 30 tiểu thuyết, trong đó có 20 tác phẩm hiện đang được lưu trữ tại thư viện của Viện Đại học Cornell, New York. Vào đời sớm, có thể nói thủa thiếu thời và những ngày mới lớn, Nguyễn Thụy Long thật sự là người của hè phố. Anh lặn hụp kiếm sống với đủ thứ nghề như một kẻ bụi đời chính hiệu, nhưng trái tim anh lại thuộc về một thế giới khác: thế giới của cảm xúc, biến mọi nhọc nhằn thành chất liệu cho ước mơ và văn học. Từ đó người đọc có thể bắt gặp nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Long sự nhẫn nhục và chịu đựng mọi nghịch cảnh một cách nhân ái và độ lượng.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Thụy Long: Chim trên ngọn khô, Vác ngà voi, Sầu đời, Vết thù… đặc biệt là Loan mắt nhung, tiểu thuyết được dàn dựng thành phim và đã đọng lại trong lòng người xem những cảm xúc lâu dài.

Ngoài viết văn ra, Nguyễn Thụy Long còn là một nhà báo, dưới thời cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành, anh là một trong những cộng tác viên đặc biệt của Báo Công An thành phố. Vào những năm tháng khó khăn nhất, Nguyễn Thụy Long được Huỳnh Bá Thành gởi gắm cho địa phương trông coi một ao cá nằm trong hẻm sâu trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Anh cùng với vợ con sống lây lất nhiều năm tháng trong căn chòi lợp tạm bên cạnh ao cá với đủ thứ vật liệu phế thải mà anh gọi đó là “căn chòi của tình người”. Nguyễn Thụy Long cũng có một kỷ niệm khó quên với nhà văn, nhà báo Trần Tử Văn. Cách đây khoảng 18 năm, có lần nghe anh Huỳnh Bá Thành mô tả Nguyễn Thụy Long ở ao cá viết lách khó khăn, mắt anh rất yếu, lại chỉ quen viết trên máy đánh chữ, sẵn có chiếc máy đánh chữ xách tay mới mua được vài tuần lễ, Trần Tử Văn không nghĩ ngợi liền tặng cho người bạn văn. Nhận được chiếc máy đánh chữ, Nguyễn Thụy Long mừng lắm, nhưng chỉ sử dụng chừng hơn tháng lại thấy anh quay lại viết tay. Gặp nhau, Trần Tử Văn hỏi máy chữ đâu? Nguyễn Thụy Long ngập ngừng một lúc rồi nói: “Kẹt quá, đành phải mang đi bán lấy tiền mua sữa cho con rồi, mong ông đừng buồn”. Trần Tử Văn không nói năng gì, chỉ đứng lặng yên, siết bàn tay Nguyễn Thụy Long thật chặt. Văn không tiếc của mà anh có vẻ xót xa cho số phận của một người bạn cầm bút.

Kể ra thì giã từ cuộc đời ở tuổi 71 như Nguyễn Thụy Long cũng không quá sớm mà cũng không quá muộn và chưa hẳn người ra đi đã buồn bã bằng người ở lại khi bằng hữu ngày càng vơi dần theo từng tháng, từng ngày. Thôi thì cũng xin thắp một nén nhang tưởng nhớ với lời cầu chúc giấc ngủ bình yên, một giấc ngủ không bao giờ bị đánh thức và như thế anh đã trút hết mọi buồn vui, mọi âu lo, toan tính gởi lại hết cho đời. Vĩnh biệt Nguyễn Thụy Long, vĩnh biệt Loan mắt nhung!

ĐẠO DIỄN LÊ DÂN KỂ VỀ BỘ PHIM “LOAN MẮT NHUNG”
(Nguồn: Thanh Niên)

Sau phim đầu tiên Hồi chuông Thiên Mụ (1957-1958), vì những hoạt động chính trị, tôi ngưng làm phim một thời gian dài. Đến giữa năm 1969, bất ngờ tôi gặp lại Gilberte Lợi, người cùng quê Tây Ninh với tôi. Cô nhờ tôi chọn một cốt truyện để làm phim.

Lúc ấy cô là Giám đốc Hãng nhập khẩu Cosunam Films nổi tiếng, nay muốn sản xuất bộ phim Việt Nam đầu tiên của hãng. Tôi giới thiệu quyển tiểu thuyết Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long viết về đời sống giang hồ du đãng khá hấp dẫn. Gilberte Lợi đồng ý, mời tôi chuyển thành truyện phim và làm đạo diễn. Thế là tôi trở lại ngành điện ảnh với một loạt ba phim liên tiếp về tuổi trẻ: Loan mắt nhung (1970), Trần Thị Diễm Châu (1971) và Sau giờ giới nghiêm (1972), với mục đích phê phán xã hội suy đồi trong vùng địch tạm chiếm.

Loan mắt nhung kể chuyện về cuộc đời của Loan (Huỳnh Thanh Trà), một thanh niên bình thường bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng. Khi còn lương thiện, Loan đã có mối tình rất đẹp với cô gái tên Xuân (Thanh Nga). Khi vào giới giang hồ, Loan gặp Dung bụi đời (Kim Xuân), và quy tụ những tên đàn em sừng sỏ: Tài Woòng (Nguyên Hạnh), Hải Cụt (Tâm Phan), Thanh Italie (Ngọc Phu). Cùng bọn chúng, Loan thực hiện nhiều phi vụ, buôn lậu, ăn cướp… Nhưng Loan luôn cảm thấy cô đơn. Loan muốn đổi đời, tìm vùng đất sống mới, nhưng không thoát được chốn bùn nhơ, càng ngày càng đi sâu vào tội ác. Loan gặp lại Xuân trong tình cảnh éo le, khi Xuân bị bọn xấu hãm hại đến chết. Quá đau khổ, Loan nổi loạn giết hết bọn ác, rồi tự nộp mình cho cảnh sát, ân hận rằng mình đã lãng phí tuổi trẻ.

Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 7: Thanh Nga tài sắc vẹn toàn
Thanh Nga trong phim Loan mắt nhung – Ảnh: Tác giả cung cấp

Dư luận báo chí khen ngợi rất nhiều phim này. Tuần lễ chiếu phim đầu tiên, khán giả đã nô nức đi xem, phim Loan mắt nhung phải tiếp tục tuần lễ thứ nhì tại nhiều rạp. Bên cạnh ngôi sao Thanh Nga, nam diễn viên chính Huỳnh Thanh Trà chỉ là một khuôn mặt mới, nhưng từ phim này đã nổi lên, sau đó được nhiều đoàn nghệ thuật liên tiếp mời biểu diễn với thù lao rất cao. Huỳnh Thanh Trà, một diễn viên sân khấu, được tôi chọn nhờ có vóc dáng thích hợp, nhất là có đôi mắt to, sắc sảo, dễ gây ấn tượng.

Vai nữ chính là Thanh Nga, một nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn. Chính nhà sản xuất phim Gilberte Lợi đã giới thiệu với tôi cô em gái của mình. Hai người là chị em con một cha, ông hội đồng Nguyễn Văn Lợi, cùng quê Tây Ninh với tôi. Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, mẹ cô là bà Nguyễn Thị Thơ  tức bà bầu Thơ, Trưởng đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga nổi tiếng. Khi gặp mặt nhau lần đầu tại trụ sở của Hãng Cosunam Films, tôi khen xã giao, nhưng thật tình: “Thanh Nga có nét đẹp trong sáng, chân thật, không màu mè, dễ gây cảm tình với khán giả”.

Thanh Nga sinh ngày 31.7.1942, mới 28 tuổi đời mà đã trải qua nhiều sóng gió trong tình yêu. Năm 1958, khi Thanh Nga nhận được huy chương vàng giải Thanh Tâm (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới), đúng lúc ấy, mối tình đầu đến với người nghệ sĩ trẻ. Có một chàng trai mỗi ngày đều âm thầm đến gửi tặng hoa hồng cho người mình ái mộ. Nhưng rồi do thời cuộc, duyên nợ không thành, nên mối tình này không đi đến cái kết có hậu.

Đối với tôi, qua những trải nghiệm đau khổ nhiều lần về tình yêu của người trong cuộc, tôi có niềm tin Thanh Nga sẽ lấy được nước mắt của khán giả xem phim trước hoàn cảnh bi đát của cô gái tên Xuân, người yêu của Loan mắt nhung. Niềm tin ấy không sai, vì bộ phim này đã là một thành công đáng nhớ.    

[footer]