Nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ (1930 – 2009)

Tiếp tục chủ đề giới thiệu những nhạc sỹ gạo cội của tân nhạc Việt Nam, Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng gởi đến người yêu nhạc một trong những nhạc sỹ để lại nhiều dấu ấn nhất: cố nhà giáo, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ.

Nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ (1930 – 2009)

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ PHẠM THẾ MỸ

(Nguồn: Wikipedia)

Phạm Thế Mỹ (15 tháng 11 năm 1930 – 16 tháng 1 năm 2009) là một nhạc sĩ người Việt Nam. Ông có nhiều sáng tác nhạc vàng được nhiều người yêu thích, ngoài ra còn viết nhạc phản chiến, nhạc đỏ, nhạc kịch và ca vũ kịch. Ông còn có nghệ danh là Sông Đà.

Tiểu sử

Phạm Thế Mỹ sinh ra tại Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, là người con thứ 11 của một gia đình trung lưu. Trên ông có hai người anh là nhà văn Phạm Văn Ký và nhà thơ Phạm Hổ.

Từ năm 1947 đến năm 1949, ông học và hoạt động văn nghệ trong trường Thiếu sinh quân ở Liên Khu 5. Lúc nhỏ, ông có năng khiếu vượt trội về sáo. Tuy nhiên, đam mê của ông không được cha ủng hộ vì cho rằng chơi sáo dễ mắc bệnh lao, vì vậy cha ông khuyên ông chơi guitar.

đọc tiếp

Bông hồng cài áo (Phạm Thế Mỹ)

Chúng ta đang trải qua những ngày giữa tháng 7 âm lịch, tức là quãng thời gian của mùa Vu Lan báo hiếu. Nhân dịp này  Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng gởi đến quý vị yêu nhạc xưa bản ‘Bông hồng cài áo’.  Cảm tác từ đoản văn cùng tên của Thiền sư Nhất Hạnh, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã cho ra đời một giai điệu rất đẹp trên nền ca từ mượt mà như những vần thơ. Có thể nói ‘Bông hồng cài áo’ là bản nhạc nổi tiếng thứ nhì sau ‘Lòng mẹ’ của Y Vân trong số những bài hát về tình mẫu tử.

Bông hồng cài áo (Phạm Thế Mỹ). Ảnh: vnguitar.net
Bông hồng cài áo (Phạm Thế Mỹ). Ảnh: vnguitar.net
bong-hong-cai-ao--2--pham-the-my--vnguitar.net--dongnhacxua.com.jpg

ĐOẢN VĂN ‘BÔNG HỒNG CÀI ÁO’ CỦA THIỀN SƯ NHẤT HẠNH
(Nguồn: gdptquangducsaigon.org)

Để dâng mẹ, và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ

Medford, tháng tám 1962.

bong-hong-cai-ao--thien-su-nhat-hanh--gdptquangducsaigon.org--dongnhacxua.com

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký : tại nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến cách mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ hát, cũng hay. Người viết, dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngày từ thưở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ, đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu… sợ sệt lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời!
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi…

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách giản dị vừa đúng mức:

Mẹ già như chuối Ba Hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay? Hay là tơ trời đâu la miên ? ) trên trán nóng ta và than thở “khổ chưa, con tôi”, ta mới thấy cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy, không bao giờ cùng tận. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quán Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền, làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, Thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa, chỉ mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân, tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc, khốn nạn nào; chúng tôi không có được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi , mới nói : “trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào ‘nhìn kỹ’ được mặt mẹ.” Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời, lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ : thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ.

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ hỏi em, vừa cười vừa hỏi : “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ hỏi tiếp : “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi, cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu để. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên đi tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ, là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng : “con mà thương mẹ thì phải làm thế nào ?” Tôi trả lời : “vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi.” Bây giờ thì tôi biết rằng : “con thương mẹ thì không phải “làm thế nào” gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi làm thế nào nữa!”

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị đừng có than thở rằng : “đời ta không còn gì cả.” Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì hoạ chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẻ chị tôi không nên đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu; người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói : “mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác.” Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói : “thôi con không lấy chồng nữa.” Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. Các ái từ sở thân, là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi, nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quí báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết, tôi không giảng luân lý đạo đức rồi mà. Tôi chỉ nhắc anh : mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương. Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà bị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo một bông hoa hồng : để anh sung sướng , thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh như thế này. Chiều nay, khi đi học về, hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ, và để biết rằ

ng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi : “Mẹ ơi, mẹ có biết không ?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên, và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “mẹ có biết là con thương mẹ không ?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi thì cũng hỏi câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em đều là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ được sống trong ý thức tình thương bất diệt . Và ngày mai, mẹ mất, anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đoá hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

TRÒ CHUYỆN VỚI THIỀN SƯ NHẤT HẠNH XUNG QUANH ‘BÔNG HỒNG CÀI ÁO’
(Nguồn: thuvien-thichnhathanh.org)

 Chúc Phúc – Quảng Kiến (Nguyệt San Giác Ngộ 2008)

thien-su-nhat-hanh
Thiền sư Nhất Hạnh

  1- Được biết, sau khi tác phẩm ra đời, Thiền sư đã phát động phong trào cài hoa hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Xin Thiền sư cho biết lần đầu tiên phong trào này được phát động là vào mùa Vu Lan năm nào, tại đâu; Thiền sư có gặp sự trở ngại nào chăng khi đưa ra một nét văn hóa tuy đẹp đẽ song cũng rất mới lạ này?

Tôi không hề có ý định phát động phong trào Cài Hoa Hồng để tưởng niệm về công ơn mẹ. Phong trào ấy tự động phát khởi một cách tự nhiên mà thôi. Điều đó cũng làm cho tôi ngạc nhiên. Hồi đó, năm 1962, sau chín tháng nghiên cứu về khoa Tỷ Giáo Tôn Giáo tại Princeton University, tôi về nghỉ hè tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey Hoa Kỳ. Ban ngày tôi chơi và nói chuyện với thanh thiếu niên về Văn Hóa Việt Nam và đi chèo thuyền trên hồ, ban đêm tôi viết văn. Tôi đã viết đoản văn Bông Hồng Cài Áo trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi. Viết xong tôi gửi cho các vị đệ tử của tôi trong đoàn Sinh Viên Phật Tử Sàigon do tôi hướng dẫn. Bài này gửi qua chị Trương thị Nhiên. Chị Nhiên và đoàn Sinh Viên Phật Tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay ba trăm bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại Học Sài Gòn. Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một chiếc hoa màu hồng cho người còn mẹ hay màu trắng cho người mất mẹ, hay mất mẹ. Rằm tháng bảy năm ấy họ họp nhau lại tại Chùa Xá Lợi, làm Lễ Bông Hồng Cài Áo lần đầu tiên. Anh Tôn Thất Chiểu, một thành viên của đoàn Sinh Viên Phật Tử đã gửi cho Hòa Thượng Thích Đức Tâm, hồi đó đang làm chủ bút cho nguyệt san Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già Trung Phần. Tập San Liên Hoa đã đăng nguyên bài dưới tựa đề là Nhìn Kỹ Mẹ. Hòa Thượng Trí Thủ, bổn sư của Hòa Thượng Đức Tâm, đọc được đoản văn trên nguyệt san Liên Hoa đã khóc vì cảm động. Sau đó Bông Hồng Cài Áo được in ra nhiều lần, một số các chùa bắt đầu tổ chức Lễ Bông Hồng Cào Áo. Từ đó, Lễ Bông Hồng Cài Áo đã trở thành một truyền thống. Tôi không nghĩ là đã có những trở ngại trong khi phong trào được lan rộng. Năm 1964, nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả bằng quyển Bông Hồng Cài Áo, in khổ ốm dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu Lan. Quyển sách nhỏ này đã phải tái bản nhiều lần. Năm 1965 đoàn Cải Lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở tuồng Bông Hồng Cài Áo và có mời tôi tham dự.

Tại trong nước cũng như tại ngoại quốc, đoản văn Bông Hồng Cài Áo đã được dịch và in ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Hoa, Nga, Thái Lan và tiếng Lào.

2- Theo Thiền sư, giữa Ngày lễ của Mẹ trong văn hóa Nhật và ngày Vu Lan Báo hiếu trong văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng và khác biệt nào?

Lễ Bông Hồng Cài Áo tổ chức tại Làng Mai mỗi mùa Hè kể từ năm 1983 đã làm theo tinh thần Việt Nam, khác truyền thống Nhật. Lễ này không những để vinh danh người Mẹ mà cũng để tưởng nhớ và vinh danh người Cha nữa. Mỗi người được cài hai chiếc hoa hồng, một dành cho Mẹ và một dành cho Cha. Chiếc hoa dành cho Cha nằm hơi cao lên một chút để phân biệt với hoa cho Mẹ. Và anh sẽ cài một hoa hồng cho Cha khi Cha còn sống, một hoa hồng cho Mẹ khi Mẹ còn sống.

3- Không ít người thắc mắc tại sao Thiền sư lại chọn hoa hồng mà không phải là loài hoa nào khác? Phải chăng đơn thuần chỉ vì hoa hồng là loài hoa biểu trưng cho tình yêu?

Mình nên hiểu chữ hồng trong bông hồng là đỏ. Cài hoa hồng thì cài hoa hồng đỏ. Cài hoa khác như hoa cẩm chướng thì cẩm chướng màu cũng đỏ, không nhất thiết là phải có hoa hồng (rose).Và khi Mẹ không còn, Cha không còn thì được cài hoa trắng . Các đệ tử người Hoa của tôi khi làm lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên tại Đài Loan năm 1995 thì họ dùng hoa cẩm chướng màu đỏ và trắng cho buổi Lễ Cài Hoa tưởng nhớ Mẹ Cha. Mẹ Cha còn thì cài hoa cẩm chướng màu hồng. Mẹ Cha mất thì cài hoa cẩm chướng màu trắng. Bất cứ hoa gì cũng được kể cả hoa lan.

4- Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã phổ nhạc thành công ca khúc Bông Hồng Cài Áo từ bài văn của Thiền sư, góp phần đưa nghi thức cài hoa hồng vào sâu trong đời sống văn hóa dân tộc. Xin cho Thiền sư cho biết cảm nhận mình của khi nghe bài hát ấy – lần đầu tiên cũng như bây giờ?

Phạm Thế Mỹ làm Bài Bông Hồng Cài Áo rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra , tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc Bông Hồng Cài Áo, trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy.

5- Là một người rất quan tâm đến giới trẻ Việt Nam nói riêng và giới trẻ trên toàn thế giới nói chung, Thiền sư có nhắn nhủ điều gì với các bạn trẻ nhân mùa Vu lan PL. 2550 năm nay?

Ngày Lễ Bông Hồng Cài Áo không phải là chỉ để tưởng nhớ công ơn Mẹ Cha. Các bạn phải biết thực tập nhìn sâu, tức là thực tập thiền quán trong ngày ấy. Phải thấy được những tài năng, đức hạnh và nét đẹp nào mà mình đã tiếp nhận từ Cha và từ Mẹ. Rồi thấy được Cha và Mẹ không phải là những thực tại có ngoài mình mà đang có ngay trong mình. Mình là sự tiếp nối của Cha, mình là sự tiếp nối của Mẹ. Và mình mang Mẹ mang Cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho Mẹ, thở cho Cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của Cha Mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất cho lòng Hiếu.

Nếu bạn lỡ có những khó khăn với Cha hay Mẹ thì đừng nghĩ cạn là Mẹ không thương, Cha không thương. Có thể những vụng về trong quá khứ về phía Cha Mẹ đã tạo ra những lớp khổ đau đè nặng và làm khuất lấp tình thương ấy. Mình biết nếu có gì xảy ra cho mình thì Cha Mẹ sẽ khóc hết nước mắt.. Và nếu có gì xảy ra cho Mẹ hay cho Cha thì mình cũng sẽ khóc hết nước mắt. Phải thấy rằng các vị đã có nhiều khổ đau và khó khăn mà chưa đủ khả năng chuyển hóa nên đã tự làm khổ mình và làm khổ lây đến các con. Mình cũng vậy. Mình đã khổ đau vì hiểu lầm, vì bực tức, và do đó đã lỡ nói những lời không dễ thương, có những phản ứng không đẹp đẽ với Cha và với Mẹ.

Bên nào cũng chịu một phần trách nhiệm. Thấy được cái khổ của Cha, của Mẹ, mình tìm cách giúp Cha và giúp Mẹ. Mình phải biết nói lời hối lỗi đã không giúp được Mẹ Cha mà còn làm cho Cha Mẹ khổ đau thêm. Sử dụng pháp lắng nghe và ái ngữ để tái lập được truyền thông, để dựng lại thâm tình, đó là điều mình có thể làm được. Tôi có nhiều vị đệ tử đã làm được việc đó, người Việt cũng như người ngoại quốc.

Có những người trẻ dại dột đã đi tự tử. Đó là một hành động tuyệt vọng, nhưng cũng là một hành động trừng phạt. Trừng phạt người đã làm mình khổ, trong trường hợp này, đó là những vị sinh thành ra mình. Ta sinh ra đời để thương yêu, không phải để trừng phạt. Chết như thế là một sự thất bại. Nếu bạn là Phật tử, bạn phải biết giáo pháp đức Thế Tôn có công năng chuyển rác thành hoa, biến phiền não thành bồ đề, dựng lại tình thâm từ xác chết hận thù. Cha Mẹ là Bụt đó, đừng đi tìm Bụt nơi nào khác. Ngày hôm nay bạn nói được câu gì, làm được cử chỉ gì để Mẹ vui, để Cha vui thì làm ngay đi, đừng để tới ngày mai, sợ rằng muộn quá. Đọc Bông Hồng Cài Áo để nhớ điều đó. Tôi chúc bạn một ngày Vu Lan thật ngọt ngào, thật hạnh phúc, thực tập thành công.

Nếu bạn được cài bông trắng, nên quán chiếu là Cha hoặc Mẹ vẫn còn còn trong bạn và có mặt trong từng tế bào của cơ thể bạn. Đưa bàn tay lên nhìn, bạn sẽ thấy bàn tay ấy của bạn mà cũng là bàn tay của Cha, của Mẹ. Trong bàn tay bạn, có bàn tay của Cha, của Mẹ. Bạn hãy đưa bàn tay ấy đặt lên trán và sẽ thấy, đó là bàn tay của Mẹ hay của Cha đang đặt trên trán bạn. Thật là nhiệm mầu.

Năm nay Thượng Tọa Đức Nghi ở tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và các vị cọng sự đang dựng một công trường Bông Hồng Cài Áo nơi khuông viên tu viện. Nơi công trường sẽ có tượng một bà mẹ Việt Nam đang đứng với hai em bé, một trai và một gái. Bé gái được cài trên áo một bông hồng, bé trai đang hý hửng cầm trên tay một bông hồng khác. Ta hãy tôn vinh Mẹ, tôn vinh Cha trong trái tim. Bụt dạy: Vào thời không có Bụt ra đời thì thờ Cha thờ Mẹ cũng là thờ Bụt. Đây là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

[footer]

Những Ngày Xưa Thân Ái (Phạm Thế Mỹ)

Trong số những nhạc sỹ sống ở miền Nam viết về đề tài lính và chiến tranh, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã để lại những dấu ấn sâu đậm khó phai mờ. Ông không quá thi vị đời lính như Trần Thiện Thanh, cũng không phản chiến mạnh mẽ như Trịnh Công Sơn. Thế nhưng với “Trăng Tàn Trên Hè Phố” hay “Những Ngày Xưa Thân Ái”, một thế hệ thanh niên miền Nam và ngay cả thế hệ sau 1975 như chúng tôi phần nào cảm nhận được thế nào là chiến tranh, là hy sinh mất mát nhưng trên hết là tình người, tình anh em.

Nhưng ít người biết rằng bản “Những Ngày Xưa Thân Ái” nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã lấy ý trong một bài thơ của chính người anh ruột là nhà thơ Phạm Hổ.

PHẠM THẾ MỸ & PHẠM HỔ: HAI ANH EM Ở HAI BÊN CHIẾN TUYẾN
(Theo TuoiTre.vn)

Phạm Hổ đi tập kết ra miền Bắc, hoạt động văn chương, trở thành nhà thơ, có đóng góp đặc biệt trong văn học viết cho thiếu nhi. Còn Phạm Thế Mỹ ở lại miền Nam, viết nhạc, làm thơ, là một khuôn mặt được yêu mến trong phong trào văn nghệ phản chiến, đòi hòa bình, thống nhất đất nước.

Công chúng Sài Gòn những năm tháng đó còn nhớ những ca khúc rất phổ biến của Phạm Thế Mỹ như Áo lụa vàng, Tóc mây, Thuyền hoa, Bông hồng cài áo, Bóng mát, Đưa em về quê hương, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Nắng lên xóm nghèo, Tàu về quê ngoại, Người về thành phố…; cùng tập nhạc Trái tim Việt Nam và hai trường ca Lửa thiêng, Con đường trước mặt.

Khi Phạm Hổ in tập thơ Những ngày xưa thân ái ở miền Bắc thì ở miền Nam Phạm Thế Mỹ cũng sáng tác một bài hát cùng tên với ca từ rất đẹp: “Tôi về qua xóm nhỏ. Con đò nay đã già. Nghe tin anh gục ngã. Dừng chân quán năm xưa. Uống nước dừa hay nước mắt quê hương”.

Phạm Thế Mỹ đem thơ Phạm Hổ đăng cạnh thơ mình trên báo Đối Diện, còn thơ của chính ông thì có lần bị tịch thu và bị đưa ra tòa. Sau ngày đất nước đoàn tụ, Sài Gòn và Hà Nội chứng kiến cuộc tái ngộ của anh em Phạm Hổ – Phạm Thế Mỹ.

Bài thơ “Những Ngày Xưa Thân Ái” của Phạm Hổ

Tôi bắn hắn rồi 
Những ngày xưa thân ái 
Không ngăn nổi tay tôi
Những ngày xưa thân ái 
Chắc hắn quên rồi 
Riêng tôi, tôi nhớ: 
Đồng làng mênh mông biển lúa 
Sương mai đáp trắng cỏ đường 
Hai đứa tôi, 
Sách vở cặp chung 
Áo quần nhàu giấc ngủ 
Song song bước nhỏ chân trần 
Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn 
Nón rộng hỏng quai 
Trong túi hộp diêm nhốt dế 
Những ngày xưa êm đẹp thế 
Không đem chung hai đứa một ngày mai
Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay 
Tôi buồn tôi giận, 
Đêm nay gặp hắn, 
Tôi bắn hắn rồi 
Những ngày xưa thân ái 
Không ngăn nổi tay tôi
Xác hắn nằm bờ ruộng 
Không phải hắn thuở xưa 
Tôi cúi nhìn mặt hắn 
Tiếc hắn thời ấu thơ. 

BẢN NHẠC “NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI” CỦA PHẠM THẾ MỸ

Dòng Nhạc Xưa không bình luận gì về bài thơ mà xin để quý vị tự nhận xét. Theo thiển ý của chúng tôi thì qua nét nhạc tài hoa của Phạm Thế Mỹ, nhạc phẩm “Những Ngày Xưa Thân Ái” trở nên lãng mạn và dạt dào tình người hơn bài thơ rất nhiều.

Những ngày xưa thân ái (Phạm Thế Mỹ). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Những ngày xưa thân ái (Phạm Thế Mỹ). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
nhung-ngay-xua-than-ai--1--pham-the-my--pham-ho--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
nhung-ngay-xua-than-ai--2--pham-the-my--pham-ho--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
nhung-ngay-xua-than-ai--3--pham-the-my--pham-ho--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com