Có phải em, mùa thu Hà Nội (Trần Quang Lộc – Tô Như Châu)

Đầu những năm 1990, [dongnhacxua.com] đã nghe qua ‘Có phải em, mùa thu Hà Nội’ qua giọng hát Thu Phương và Hồng Nhung. Ngày đó, cùng với ‘Hà Nội, đêm trở gió’  hay ‘Hà Nội mùa vắng những cơn mưa’ … đã làm nên một làn sóng mới thật trẻ trung và đậm chất nghệ thuật về dòng nhạc trẻ nói chung và dòng nhạc về Hà Nội nói riêng. Thế nhưng xung quanh bản ‘Có phải em, mùa thu Hà Nội’ có nhiều điều thú vị mà hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với quý vị.

MỘT CHÚT CÓP NHẶT VỀ ‘CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI’
(Nguồn: tác giả Hoan Do đăng trên hoandesign.blogspot.com)

co-phai-em-mua-thu-ha-noi--dongnhacxua.com

Những điều tôi viết dưới đây thực ra cũng chẳng phải là những điều tôi thực sự viết. Hay nói cách khác, nó là một dạng đạo lại những bài viết tôi vừa tìm đọc được và bạn có thể tìm thấy chúng ở những đường dẫn ở cuối cái cập nhật trạng thái dài lê thê này.

Đầu tháng tám, thấy nhiều người nhắc lại câu hát này. Tôi cũng định vậy nhưng lại thôi vì không muốn bỗng dưng trở thành kẻ bắt chước.

“Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?”

Nghe ‘Có phải em mùa thu Hà Nội’ qua giọng của Hồng Nhung hay nhiều ca sĩ khác, tôi vẫn nhầm lẫn một từ rất quan trọng trong câu hát, “khởi vàng” thành “rơi vàng”. Nhà thơ Tô Như Châu khi viết bài thơ này đầu năm 1970, cũng chính vào những ngày tháng tám. Hè vừa qua, thu mới chớm. Sự thay đổi của tiết trời lúc ấy chỉ đủ khiến những chiếc lá trên những tán cây đổ sang màu vàng óng. Vì lẽ ấy, ông mới dùng chữ “khởi” – bắt đầu, chứ không phải “rơi”.

Trong bài thơ còn có câu: “Lệ mừng gặp nhau ngàn phím dương cầm”. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên Tô Như Châu đưa tiếng đàn piano vào một ca khúc trữ tình mà rất đỗi hào hùng như vậy. Có giai thoại kể rằng giữa lúc bom đạn chiến tranh, thi sĩ khi ấy ở Đà Nẵng tình cờ gặp được một thiếu nữ Hà Nội xóa tóc thề bên chiếc đàn dương cầm. Rồi chính vẻ đẹp của cô gái, của tiếng đàn thánh thót đã khơi dậy những trang sử hào hùng của “hồn Trưng Vương sông Hát” hay “Quang Trung vó ngựa biên thùy”. Tôi thì vẫn ngờ ngợ về tính xác thực của giai thoại này. Nhưng cũng có thể tại tâm hồn thô kệch của tôi chẳng bao giờ nhạy cảm, tinh tế và sâu sắc đến thế, và vậy nên khó mà đặt mình vào tâm hồn của một thi sĩ.

Một câu chuyện khác cũng khá đặc biệt về bài thơ sau khi nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc cho nó vào năm 1972. Bài hát đã có mặt trong một băng nhạc miền Nam nhưng phải đến đầu những năm 90 mới bắt đầu trở nên phổ biến qua giọng hát của Hồng Nhung, Thu Phương. Cũng khi ấy, Tô Như Châu bắt đầu công việc phát báo trên chiếc xe đạp cũ kĩ của mình. Bài hát được phổ thơ ông giờ được phát đi phát lại trên phố, tạo niềm cảm hứng để ông sáng tác bài thơ “Đi bỏ báo nghe thơ phổ nhạc” với những câu thơ rất thú vị:

“Có phải em Mùa thu Hà Nội
Mùa thu trong veo mùa thu tuyệt vời
Sống đẹp âm thầm và khát vọng
Bỏ báo đọc thơ nghe nhạc đã đời”

Nhưng niềm vui sướng của Tô Như Châu bỗng quay ngoắt 180 độ khi ông phát hiện ra ca khúc được Trần Quang Lộc phổ nhạc gần như không hề có thông tin tên tác giả bài thơ gốc. Trần Quang Lộc ban đầu lấp liếm, giả vờ như không biết Tô Như Châu là ai. Nhưng rồi với những bằng chứng xác đáng, cuối cùng cái tên Tô Như Châu cũng được ở vị trí xứng đáng của nó. Tuy nhiên thật buồn vì ông không được nhận nhuận bút bản quyền như đã hứa cho tới tận lúc qua đời vì bạo bệnh năm 2002.

Tuy vậy, đó vẫn chưa phải là điều bất ngờ nhất. Tô Như Châu lẫn Trần Quang Lộc, hai con người sinh ra tại mảnh đất miền Trung Đà Nẵng và Quảng Trị, lại chưa từng có dịp đặt chân tới Hà Nội khi tạo ra bài thơ và ca khúc bất hủ này, cho tới tận bây giờ.

http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=2691
http://www.anninhthudo.vn/Loi-song/La-khoi-vang-chua-nhi/412623.antd
http://quannhac.net/tan-man/thang-tam-mua-thu
Posted 7th August 2012 by Hoan Do

THÁNG TÁM MÙA THU, LÁ KHỞI VÀNG CHƯA NHỈ?
(Nguồn: nhạc sỹ Phạm Anh Dũng)

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác nhiều. Trong số đó, nổi tiếng là Về Đây Nghe Em và Có Phải Em Là Mùa Thu Hà Nội. 
Trước 1975, Trần Quang Lộc nổi tiếng với nhạc phẩm Về Đây Nghe Em bài nhạc phổ thơ Anh Khuê: 

Về đây nghe em 
Về đây nghe em 
Về đây mặc áo the đi guốc mộc 
Kể chuyện tình bằng lời ca dao 
Kể chuyện tình bằng lời ngô khoai 
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới 
Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu… 

CD Đêm Màu Hồng của danh ca Thái Thanh do Diễm Xưa phát hành có bản Về Đây Nghe Em do Thái Thanh, Ý Lan và Quỳnh Dao (tức là Quỳnh Hương về sau này) hợp ca. CD hay, bài hát hay nhưng bìa CD có một sơ suất nhỏ, đề sai tên tác giả thành ra là Lê Quang Lộc. Và không thấy có ghi tên thi sĩ. 

Nhạc phẩm Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu, nhạc Trần Quang Lộc) thấy lưu hành sau 1975. Bài này có Hồng Nhung đã hát trong CD Chiều Phủ Tây Hồ, do trung tâm nhạc Mưa Hồng phát hành. Bìa CD có tên Trần Quang Lộc là tác giả nhưng cũng không thấy nhắc đến tên thi sĩ Tô Như Châu. 

Đoạn đầu của Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội, nhạc nằm trong âm giai Trưởng, nhạc và lời rất quyến rũ: 

Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ 
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm 
Có phải em là mùa thu Hà Nội 
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm 
Có phải em mùa thu xưa 

Đoạn 2, nhạc cũng gần giống hệt như đoạn đầu, ngoại trừ mấy chữ cuối: 

Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn 
Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn 
Có phải em là mùa thu Hà Nội 
Ngày sang thu anh lót lá em nằm 
Bên trời xa sương tóc bay 

Câu “Ngày sang thu anh lót lá em nằm” nghe thật là giản dị nhưng đầm thắm. 

Sang đoạn thứ 3 là đoạn điệp khúc, hai câu đầu, vẫn ở hợp âm trưởng: 

Thôi thì có em đời ta hy vọng 
Thôi thì có em sương khói môi mềm 
Và sau đó, nhạc chuyển sang âm giai Thứ, buồn hơn: 
Có phải em là mùa thu Hà Nội 
Nghe đâu đây lá úa và mi xanh 
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát 

Có một điểm nhiều người cho hơi lạ là ở khi bản nhạc lên đến cực điểm cao vút: “Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát”. Họ không hiểu ở đây tác giả muốn nói gì vì Hai Bà Trưng tự vẫn ở sông Hát thuộc tỉnh Sơn Tây thì có liên hệ gì đến mùa Thu Hà Nội! 

Lý do có lẽ như sau: 
Hai Bà Trưng nhảy xuống dòng sông Hát tự vận, tại tỉnh Sơn Tây. Sông Hát là giòng nước thượng lưu của sông Hồng (sông Nhị). Hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây tại Hà Nội ngày xưa đều có nguồn từ Hồng Hà. 

Đoạn thứ 4 là đoạn kết nhạc lại trở về âm giai trưởng giống như đoạn 1 và 2: 

Có chắc mùa Thu lá rơi vàng tiếng gọi 
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm 
Có phải em là mùa Thu Hà Nội 
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về 
Ôi mùa Thu của ước mơ 

Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội phải nói là một bài nhạc haỵ 

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
1. CD Đêm Màu Hồng, Thái Thanh Hải Ngoại 3, Diểm Xưa 16 (714)540-7537 ở Hoa Kỳ. 
2. CD Chiều Phủ Tây Hồ, Mưa Hồng 342 (714)531-7692 ở Hoa Kỳ, Kim Nga 01-45-829045 ở Pháp. 

Phạm Anh Dũng 
Santa Maria, California USA

BÀI THƠ ‘CÓ PHẢI EM, MÙA THU HÀ NỘI’ CỦA TÔ NHƯ CHÂU?
(Nguồn: ThiVien.net)

Tháng 11-2000 Tô Như Châu từ Đà Nẵng có gửi tặng NK tập thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội” nxb Đà Nẵng – 1998 gồm 36 bài. Tô Như Châu (Đặng Hữu Có) sinh 1934, quê An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng – cư trú ở 136 Trần Phú-TP Đà Nẵng, dt.3897798; Hội Viên Hội VHNT Đà Nẵng. Nhà anh ở bên kia Sông Hàn. Năm 2000,tuy đã tren 60 xuân Thi sĩ vẫn cưỡi chiếc Honda 67 màu Bordeaux đã cũ vù vù đi “bỏ báo” kiếm cơm”: anh con ngựa già chưa mỏi vó / vẫn thênh thang bược nhẹ quanh đời / đi tung bờm tóc gió / quẳng gánh hương xa lên tiếng gọi mời / em cầu vồng bao nhiêu sắc / tháng giêng hồng rất mỏng rất mênh mông”. 

Bài thơ”Có phải em mùa thu Hà Nội” anh viết vào tháng 8-1970,lúc Đà nẵng còn bời bời bom lửa chiến tranh,tình cờ anh gặp một cô gái Hà Nội chính gốc. Qua vài lần tiếp xúc & thưởng thức tiếng dương cầm thánh thót từ bàn tay trắng trẻo nuột nà mềm mại như thiên thần, lời nói dịu dàng như gió thoàng của Nàng, bỗng dưng đánh thức dậy trong lòng thi sĩ cả lịch sử hào khí của ông cha , của hồn Trưng Vương sông Hát Giang. Và thế là bài thơ ra đời…Bài thơ được Nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc năm 1972, sau này được các Ca sĩ Hồng Nhung, Thu Phương hát trở nên nổi tiếng. Nhạc Sĩ đươc giải thưởng, nhưng tên người sáng tác “lời”(thơ)thì bị “quên” một cách hữu ý ? Công luận (báo chí & dư luạn xã hội) đã nói về sự bội bạc của người bạn một thời bên xóm chài nhỏ ven bờ sông Hàn cùng anh ! 
 
Bài thơ nguyên tác như sau : 
 
      CÓ PHẢI EM 
      MÙA THU HÀ NỘI 
Tháng tám mùa thu 
Lá khởi vàng em nhỉ 
Từ độ người đi 
thương nhớ âm thầm 

Chiều vào thu nghe lời ru gió 
Nắng vàng lơ lửng ngoài hiên 
Mắt nai đen mùa thu Hà Nội 
Nghe lòng ấm lại tuổi phong sương 

May mà có em cho đường phố vui 
May còn chút em trang sức sông Hồng 
Một sáng vào thu bềnh bồng hương cốm 
Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng 

thôi thì có em đời ta hy vọng 
Thôi thì có em sương khói môi mềm 
Có phải em mùa thu Hà Nội 
Nghe đâu đây lá ướt và mi xanh 
Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát 
Lững thững Hồ Tây một dáng Kiều 
Có phải em mùa thu Hà Nội 
Nghìn năm sau níu bóng quay về 

Phải nơi đây miền Thanh Nghệ Tĩnh 
Phải nơi đây Hồng Lĩnh-Ba vì 
Phải nơi đây núi Nùng sông Nhị 
Lớn đậy con người đất Tổ Hùng Vương 
Anh sẽ đi 
Cả nước Việt Nam yêu dấu 
Đẹp quê hương gặp lại tình người 
Bước nhỏ long lanh hồn nghệ sĩ 
Mơ Quang Trung vó ngựa biên thuỳ 
Ngày anh đi 
Nhất định phải có em 
đường cỏ thơm giong ruổi 
Sẽ ghé lại Thăng Long 
thăm Hoàng Thành- Văn Miếu 
chắc rêu phong đã in dấu bao ngày 

Đã nghe 
bập bùng trống trận 
Ngày chiến thắng Điện Biên 
Sáng hồn lửa thiêng 
Xuôi quân về giữ quê hương 
Hôm nay mùa thu 
Gió về là lạ 
Bỗng xôn xao con tim lời lá 
Bỗng xôn xao rơi vàng tiếng gọi 
Lệ mừng gặp nhau ngàn phím dương cầm 
Có phải em mùa thu Hà Nội 
Ngày sang thu lót lá em nằm 
Bên trời xa sương tóc bay 
Hà Nội ơi em có hay 
Quê hương thần thoại hiển linh hồn sông núi 
Nắng thu muôn màu rực rỡ trong hồn anh. 
 
       Đà Nẵng,tháng 8-1970.Tô Như Châu 

[footer]

Em Theo Đoàn Lưu Dân: từ thơ đến nhạc

Phạm Hòa Việt | Trần Quang Lộc | Nhật Ngân || 17/12/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

[dongnhacxua.com] đã nghe qua một nhạc phẩm có giai điệu đẹp và ca từ rất lạ do nhạc sỹ Nhật Ngân sáng tác ‘Bao giờ gặp lạ em’ với câu mở đầu: Em theo đoàn lưu dân … Thế rồi thật tình cờ, chúng tôi lại nghe một bản nhạc cùng có tên ‘Em theo đoàn lưu dân’ của nhạc sỹ Trần Quang Lộc. Một sự trùng hợp thật thú vị! Thế là [dongnhacxua.com] lang thang trên internet và góp nhặt vài thông tin thú vị cho bạn yêu nhạc

Bài thơ ‘Em theo đoàn lưu dân’ của thi sĩ Phạm Hòa Việt (theo blog của nhà văn, nhà thơ Võ Văn Hoa)

Tác giả ” Em theo đoàn lưu dân”, tôi quen thân từ lâu . Cùng công tác một trường, cùng biên tập một tập thơ. Trước 1975, anh đã học xong Cao học văn chương và đã có nhiều thơ văn đăng trên các tạp chí Văn, Bách khoa…
Năm 1981,tổ chức đám cưới vợ chồng tôi, là MC, anh ngẫu hứng:
                 Tuyết ơi ! Nên lấy chồng xa
             Mai kia Hoa sắm honda đưa về.
Mới đó đã gần 3 thập kỷ. Năm ngoái nhân chuyến hành phương Nam về Đồng Nai,tôi có ghé Biên Hòa thăm anh chị. Chuyện đời, chuyện thơ văn vui vẻ.
     Nhân chuyến  anh Phạm Hòa Việt, Chánh văn phòng, Trưởng phòng Văn xã Cục Thống kê Tỉnh Đồng Nai và phu nhân là thầy thuốc ưu tú,Bác sĩ Trần thị Dần về quê lần này , chúng  tôi đã gặp nhau và ôn cố tri tân.
    Xin giới thiệu với bạn bè bài thơ EM THEO ĐOÀN LƯU DÂN rút ra từ tập thơ DÁNG HOA RỪNG của anh đã xuất bản. Bài thơ được làm từ năm 1972 trong chuyến đi thăm Bình Tuy và đã được nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên và Trần Quang Lộc phổ nhạc!

EM THEO ĐOÀN LƯU DÂN

I.

Ta theo đoàn lưu dân
Khi mùa xuân vừa ngủ
Khi mùa mưa lại về
Trên môi người góa phụ

Ta ngóng đợi tiều phu
Như niềm khao khát nhỏ
Chân em vẫn ngập ngừng
Trên miền hoang đá cỏ
Trên miền hoang Động Đền
Trên miền hoang biển cả
Ngả bóng chiều không quên
Giữa hai bờ sông Thạch
Ta còn lại sau lưng
Mùi hương quen của đất…

Em theo đoàn lưu dân
Vai son sờn cẩm tú
Ôi tiếng hát xa xưa
Môi thơm bông bí nụ
Ta bên trờ tuổi nhỏ
Lá đông vàng biệt ly…

Em theo đoàn lưu dân
Tóc nghiêng nghiêng sợi đổ
Bàn tay gầy ngón khổ
Ngập ngừng chân bước chân

Em theo đoàn lưu dân
Ta bên trời sóng dạt
Đường chông gai cách mặt
Rừng mưa lạnh đá ghềnh

Em theo đoàn lưu dân
Bỏ ruộng nương hương lúa
Sắn khoai ngày nghèo khó
Cà xanh rau lá đỏ
Miếng ngọt chiều phai hương
Miếng chua chiều lá cọ…

II.

Lưu dân! Đoàn lưu dân!
Mưa vẫn nằm đất lạ
Hai bàn tay trống không
Bới gì trong sỏi đá
Cho ngày tháng đom bông
Cho môi em thêm hồng…

Em theo đoàn lưu dân
Cũng nhọc nhằn tuổi mộng
Bới gì trong đất xanh
Uống gì trong thác xanh
Tay em còn mềm mại
Làm sao ươm trái xanh…

Ta cầu xin, cầu xin
Buổi mai và Đá Dựng
Chuông giáo đường vẫn rung
Có em tìm đất đứng!

Tiếng hát vẫn nhọc nhằn
Đôi làn môi bé nhỏ
Trái rừng là lương khô
Cho những ngày khai phá

Hoa rừng là tinh hương
Cho tuổi hoang Động Đền
Cây rừng là sườn chái
Ta kết lá kè tươi
Trong ngôi vườn trú ngụ
Còn em và biển khơi
Tụ về cơn bão tố…

Mưa rừng là mắt em
Khi đàn chim xa mẹ
Cỏ rừng là tên cha
Khi bỏ quên đồi lá
Giữa bầu trời bao la…

III.

Bàn tay em đã lì
Củi tươi từng đống một
Đốt gì cho chuyến đi!
Bàn tay em đã gầy

Đoàn lưu dân còn đó
Ta cũng nghe sầu cay…
Nhớ quê hương tuổi nhỏ
Nhớ Huế và mưa râm

Ta nhớ cả hoa tràm
Thương con đường nắng mới
Nhớ cát mùa Gio Linh
Sim phơi rừng Cam Lộ

Bàu Đá và Đông Xuân
Giếng trong mùa lá đổ…
Xin góp cả hai tay
Tóc úp đều cổ áo
Đốt lửa cho vườn cây…

Xin hôn em một lần
Để ngày mai còn thấy
Nụ cười em rất xinh
Nụ cười em rất tình…

Bài hát ‘Em theo đoàn lưu dân’ do Trần Quang Lộc phổ nhạc

Nghe ‘Em theo đoàn lưu dân’ do Trần Quang Lộc phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Phạm Hòa Việt (do Hương Lan và Hoài Nam song ca)

 

Bài hát ‘Bao giờ gặp lại em’ do Nhật Ngân phổ nhạc

Nghe ‘Bao giờ gặp lại em’ do Nhật Ngân phổ từ bài thơ ‘Em theo đoàn lưu dân’ của Phạm Hòa Việt (Khánh Ly trình bày)

[footer]