Mộng Cầm

Trong một bài viết trước đây, [dongnhacxua.com] đã đề cập đến bản “Hàn Mặc Tử” nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Nhắc đến Hàn Mặc Tử và Trần Thiện Thanh, chúng ta không thể nào không nhắc mảnh đất Phan Thiết là quê hương của nhà nhạc sỹ và cũng chính là nơi đã ghi dấu bước chân phiêu bạt của chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Trí, tức nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tại đây, nhà thơ đã gặp người đẹp Mộng Cầm và giữa hai người đã có một mối tình thơ thật đẹp, để lại nhiều giai thoại trong văn đàn Việt Nam.

Mộng Cầm thời trẻ. Ảnh: nguoiduatin.vn
Mộng Cầm thời trẻ. Ảnh: nguoiduatin.vn

ĐÔI NÉT VỀ CHUYỆN TÌNH MỘNG CẦM – HÀN MẶC TỬ
(Nguồn: Wikipedia)

Hàn Mặc Tử quen Mộng Cầm trong thời gian phụ trách trang văn chương cho tờ báo Trong Khuê Phòng. Mộng Cầm là cháu gọi Bích Khê bằng cậu, vì ảnh hưởng của ông cậu trẻ tuổi nên cũng tập tành làm thơ gửi đăng báo. Hàn Mặc Tử đã nhận được một số bài thơ như thế của Mộng Cầm gửi đến và từ đó làm quen với Mộng Cầm.[2] Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mạc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu “Nghệ hỡi Nghệ”. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà[4]

Theo các tài liệu của Nguyễn Bá Tín (em ruột Hàn Mặc Tử), của nhà văn Quách Tấn thì Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho tờ Trong khuê phòng. Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi chàng ra Phan Thiết tìm nàng. Sự thực là Mộng Cầm là cháu gọi thi sĩ Bích Khê bằng cậu, nhân vậy mà sau này mới có tình bạn thắm thiết giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử.[3]

Theo ông Trần Thanh Mại thì: Đôi trai tài gái sắc yêu nhau. Họ hay gặp nhau ở Quy Nhơn và Phan Thiết, hay đưa nhau đi chơi, thăm thú các danh lam thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng… Đùng một cái, Hàn thi sĩ phát hiện mình mắc bệnh phong, chàng tuyệt giao với bằng hữu, kể cả với Mộng Cầm.[5]

Mộng Cầm đã cho rằng chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử “chỉ là mối tình văn thơ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng…”. Bà xác nhận có đi chơi ở Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử rồi gặp mưa, hai người vào nấp mưa ở một nghĩa địa nhưng không cho rằng do vậy mà Hàn mắc bệnh phong.[5]

Bà kể thêm rằng: Về đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở đó. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức, do vậy mà Hàn Mặc Tử ra vào thường. Thứ bảy nào anh cũng có mặt ở Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn. Trong một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh đã thổ lộ mối tình với tôi.[3]

Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, Mộng Cầm lập gia đình riêng và sống ẩn dật. Bà có 7 người con.[1]

BẢN NHẠC “NƯỚC MẮT MỘNG CẦM” CỦA NHẠC SỸ THANH SƠN

Trong quá trình đi tìm tư liệu cho bài viết này, [dongnhacxua.com] vô tình tìm được một bản nhạc viết về chuyện tình của nữ sỹ Mộng Cầm của nhạc sỹ Thanh Sơn, ký dưới nghệ danh Sơn Thảo. Tuy nhiên chúng tôi không thể tìm ra một bản ghi âm nào trên mạng. Vậy nếu quý vị xa gần có sưu tầm được bản nhạc này xin liên lạc với [dongnhacxua.com].

Nguồn: AmNhacMienNam.blogspot.com
Nguồn: AmNhacMienNam.blogspot.com

nuoc-mat-mong-cam--1--thanh-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com nuoc-mat-mong-cam--2--thanh-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com nuoc-mat-mong-cam--3--thanh-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

KEM FLAN CHIA CẮT
(Nguồn: tuoitre.vn)

“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”

Quán Mộng Cầm cũ vẫn im lìm với tủ gỗ đựng kem flan lờ mờ đèn vàng-T.M.H.
Quán Mộng Cầm cũ vẫn im lìm với tủ gỗ đựng kem flan lờ mờ đèn vàng-T.M.H.

Tiết văn học buổi chiều năm lớp tám, nắng miền Trung xuyên qua những miếng ngói đỏ tráng lên chúng tôi một lớp nóng rát. Bữa đó học bài “Mùa xuân chín” của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Nhớ miết câu cô hỏi về chữ “trí” trong câu: “Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng” là tâm trí hay là Trọng Trí, tên thật của nhà thơ.

Tiết văn hôm ấy bớt oi bức hơn khi biết được một trong những tình thơ, tình riêng của nhà thơ khi ấy là Mộng Cầm, thiếu nữ của tỉnh nhà.

Lớp mười, trong căn gác trọ, người thuê cũ bỏ lại một tập tài liệu hướng dẫn du lịch tên “Phan Thiết – biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Trong cuốn tài liệu có ghi về mối tình Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm như một dấu ấn lãng mạn của Phan Thiết.

Tài liệu cũng nói về lầu Ông Hoàng, một tàn tích biệt thự của một người Pháp gần tháp Chăm Pôshanư, nơi Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm mỗi cuối tuần đến ngắm trăng, ngắm biển. “Đường lên dốc đá” ấy trở thành con đường đầy màu thơ và khơi gợi lòng du khách đến để nghe biển vỗ một mối tình buồn…

Thời đó sống ngay Phan Thiết, nhưng sự lo lắng của một cậu bé nông thôn chiếm hết thời gian mộng mơ đi tìm bà Mộng Cầm, người thực của quá khứ văn chương.

Chỉ nghe mọi người trong xóm trọ nói nhà bà hiện nay có một quán kem flan (1) nổi tiếng nhất, ngon nhất và mắc nhất Phan Thiết. Những miếng kem flan do chính tay bà làm. Lúc ấy tô bún bò ngon chỉ ba ngàn đồng mà nghe đâu kem flan Mộng Cầm đến năm, bảy ngàn. Vậy mà quán vẫn đông khách. Chuyện ăn kem flan Mộng Cầm lúc đó là điều không tưởng với một học trò nghèo.

Gần chục năm sau, ghé về Phan Thiết dạo những con đường xưa thơm mùi bánh canh và bánh tráng mắm ruốc nướng chợt nhớ đến quán kem flan Mộng Cầm, chợt nhớ đến ngôi nhà của “người tình thơ” năm cũ.

Dò địa chỉ thì quán ở số 394 Trần Hưng Đạo, con đường chính chạy dọc trong lòng Phan Thiết, đổ dốc cầu qua sông Cà Ty một chút là đến. Thì ra ngôi nhà nằm đó mà hồi trước đạp xe qua lại học thêm dưới phường biển cả trăm lần nhưng không để ý. Coi như duyên cũng phải mười năm mới thắm.

Quán chỉ mở buổi tối, khi gió biển lành lạnh thổi vào những góc đường Phan Thiết. Quán cũng chẳng thể gọi là quán vì có vài cái bàn xếp trước sân, như ai đó trong nhà bày ra để uống trà. Vài ngọn đèn nhấp nháy treo trên ngọn cây cho cảm giác ấm cúng, tự tình trong đêm tối như được nhập thân vào một quãng thời gian cố cũ.

Người bưng kem trung niên gầy ốm, kiệm lời là con rể bà Mộng Cầm. Ông chỉ nói nhiều khi nhắc nhở ai đó ồn ào hoặc gác chân lên ghế. Miếng kem flan đổ bằng xoang, một đĩa là một góc sáu cái bánh, không phải theo khuôn nhỏ nhỏ như trăm ngàn cái kem flan khác.

Miếng bánh vàng rượm trứng gà, dư vị như theo dòng chảy của thơ tràn mát êm đầu lưỡi. Cũng không khó hiểu gì khi quán đắt giá mà vẫn đắt khách mỗi đêm. Tôi không biết lúc bà còn sống, những người khách của quán đêm có được nhìn thấy bà không. Ngày tôi đến thì bà đã mất rồi.

Câu chuyện kem flan Mộng Cầm cứ âm ỉ xúc động trong lòng, tôi viết ra rằng:

“Tại Phan Thiết có quán kem flan của gia đình nữ sĩ, bà giáo Mộng Cầm, người tình nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Quán đã trở thành “di sản”, người ta vẫn tìm đến ngồi trong quán, trước sân nhà của bà, ngắm ngôi nhà tường vàng im lìm và cảm giác như cô gái Mộng Cầm của thời son nữ đang ngồi trong nhà…” (2).

Vài tháng sau tôi hăm hở trở lại, mong mỏi đắm chìm vào chút đêm tĩnh lặng có chất thơ da diết thì lòng như muốn ngừng nghẹt. Một quán cà phê sang trọng, hộp đèn hiệu của quán in rõ chữ kem flan Mộng Cầm. Ngó lại bên phải, quán Mộng Cầm cũ vẫn im lìm với cái tủ gỗ đựng kem flan lờ mờ đèn vàng, bàn ghế nép vào một hẻm sân chật hẹp, chỉ đủ để ngồi ăn. Tôi nghe thoáng rằng đã có tranh chấp, chia cắt bằng một bức tường gạch.

Phần ngôi nhà vàng cũ nằm bên quán mới giờ đã là một ngôi nhà lầu tường trắng. Giờ đây đến chỉ còn được ăn kem flan, thấy người bưng kem vẫn ít nói, không còn ngôi nhà tường vàng để ngắm. Thật tiếc cho một phần lãng mạn của quê nhà bị xóa bỏ. Tôi nản nản, viết lên Zalo:

“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”. Có hai bình luận, họ cũng buồn như tôi:

“Người của hậu thế luôn nhân danh thời gian để hồn nhiên tàn phá những thứ tình cảm, quý giá ẩn sâu từ tiền nhân để lại…”.

“Thời gian tàn nhẫn, nhưng con người còn tàn nhẫn hơn”.■

(1): Ở Bình Thuận, bánh flan được gọi là kem flan.

(2): Bài viết: “Biến trang văn thành tour du lịch”, Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 7-11-2014.

TRẦN MINH HỢP
 

[footer]

Tạm Biệt Mùa Đông (Nguyễn Nam)

[dongnhacxua.com] còn nhớ vào giữa thập niên 1990, ca sỹ Phương Thanh bỗng vụt sáng với bản “Xa rồi mùa đông” của cố nhạc sỹ Nguyễn Nam. Hôm nay, tiếp nối dòng nhạc về mùa đông, xin mời quý vị nghe lại giai điệu đẹp và ca từ nồng nàn, đủ sức sưởi ấm cõi lòng trong những ngày giá rét.

Nhạc sỹ Nguyễn Nam. Ảnh: vnExpress.net
Nhạc sỹ Nguyễn Nam. Ảnh: vnExpress.net

Theo Wikipedia:

Ca sỹ Phương Thanh.
Ca sỹ Phương Thanh.

“Năm 1990, mang theo lời động viên và ước vọng của mẹ, Phương Thanh đăng kí tham gia hàng loạt cuộc thi ca hát tại địa phương và các nhà văn hóa khi vẫn đang theo học tại trường cấp 3 Lê Quý Đôn. Tuy vẫn trắng tay sau rất nhiều cuộc thi nhưng Phương Thanh với lối hát đặc biệt của mình đã được gọi vào Câu lạc bộ ca sĩ trẻ của Nhà văn hóa Thanh Niên Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, Phương Thanh bắt đầu những bước trau dồi đầu tiên cho nghề hát của mình.

Khoảng thời gian ngắn sau đó, Phương Thanh bắt đầu đi hát tại các buổi tiệc tùng và kiếm sống được bằng nghề nghiệp của mình.

Khoảng năm 93-94, với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Bảo Phúc và nhạc sĩ – tay guitar bass nổi tiếng Lý Được, Phương Thanh được giới thiệu vào những vũ trường nổi tiếng trong thành phố như Phương Đông, Queen Bee,… để biểu diễn. Trong thời gian này, Phương Thanh cũng tham gia vào tam ca Sao Đêm cùng Nguyên Lộc và Quốc Hưng. Một thời gian sau, Phương Thanh được Minh Thuận giới thiệu vào hát cho Nhà hát Hòa Bình….Nhưng cơ hội thật sự để cô được biết đến đó là ca khúc ‘Xa rồi mùa đông’ của nhạc sĩ Nguyễn Nam. Thời điểm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Nam đang là biên tập viên chương trình ca nhạc trên Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Ông có ý định tìm một ca sĩ thể hiện ca khúc của ông. Trong một cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Nguyễn Nam đã nhờ nhạc sĩ Mạnh Trinh tìm giúp ‘một con bé ca sĩ có thể hát tới nốt mí’. Và Phương Thanh đã được lựa chọn.”

[footer]

Người Tình Mùa Đông

Nhạc sỹ Anh Bằng
Nhạc sỹ Anh Bằng

Anh Bằng là một trong số không nhiều những nhạc sỹ thành danh trước 1975 và tiếp tục có những sáng tác đi vào lòng người sau 1975. Trong khí trời lành lạnh của một ngày chớm đông, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Người tình mùa đông” mà nhạc sỹ Anh Bằng đã đặt lời theo một bản nhạc nổi tiếng của Nhật.

Chúng tôi còn nhớ trong chương trình Tiếng Hát Truyền Hình được đài truyền hình TPHCM tổ chức vào năm 1991, Như Quỳnh khi ấy chỉ là một ca sỹ mới 21 tuổi đã đoạt giải đặc biệt với số điểm tuyệt đối từ tất cả các vị giám khảo. Đây là kỳ tích mà cho đến nay chưa một ca sỹ nào vượt qua được trong lịch sử hơn 20 năm của cuộc thi âm nhạc này.

Ca sỹ Như Quỳnh thời "Người tình mùa đông" (1994)
Ca sỹ Như Quỳnh thời “Người tình mùa đông” (1994)

Sang Mỹ định cư năm 1993. Năm 1994, Như Quỳnh được trung tâm Asia của cố nhạc sỹ Anh Bằng mời tham gia và bản “Người tình mùa đông” có lẽ lần đầu tiên đưa tên tuổi Như Quỳnh đến gần với công chúng khắp nơi trên thế giới.

Đây là đoạn clip ca sỹ Như Quỳnh trình diễn trong chương trình Giáng Sinh Đặt Biệt do trung tâm Asia tổ chức cuối năm 1994.

‘NGƯỜI TÌNH MÙA ĐÔNG’ – KHẮC KHOẢI NỖI NHỚ NGƯỜI CŨ
(Nguồn: vnExpress.net)

Mỗi mùa đông về, trong không khí giá rét với những cơn mưa phùn lâm thâm, bài hát do Như Quỳnh thể hiện lại đem đến cho người nghe những hoài niệm xa xăm.

Mùa đông đến mang theo cái rét tái tê, cắt da cắt thịt và những cơn gió xao xác thổi. Bầu trời lạnh lẽo, nặng màu chì và những cơn mưa lâm thâm buồn bã. Tất cả khiến người ta co mình lại, chìm sâu vào những hoài niệm. Phụ nữ nghĩ về tuổi thanh xuân đã qua. Đàn ông nghĩ về những dáng hình cũ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mùa đông là mùa của nỗi nhớ.

ha-noi-mua-dong--vnexpress.net--dongnhacxua.com

Người tình mùa đông là ký ức của một chàng trai về một thiếu nữ trong sáng, ngây thơ, có trái tim băng giá:

“… Đường vào tim em ôi băng giá
Trời mùa đông mây vẫn hay đi về
Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì
Vì đâu mưa, em không đến
Đường vào tim em mây giăng kín
Bàn chân anh trên lối đi không thành
Những đêm khuya mưa buồn một mình
Có khi cho ta quên cuộc tình…”

“… Đường vào tim em bao cơn sóng
Để tình anh sắp đến xuân hoa mộng
Trái tim em muôn đời lạnh lùng
Hỡi ơi, trái tim mùa đông…”

Chàng trai từ lâu đã phải lòng cô gái nhưng nàng lạnh lùng quá, băng giá quá và chẳng chịu mở lòng. Con gái đẹp xưa nay sinh ra dường như là để làm khổ các chàng trai. Những ai từng trải qua cái thời 17, 18 tuổi, có bài thơ tình “cứ còn hoài trong cặp, giữa giờ chơi, mang đến lại mang về”, từng lẽo đẽo đi theo một gót hồng cho đến tận cửa nhà nàng, từng đứng lạnh cóng dưới cơn mưa mùa đông ở một góc phố nào đó, chờ đợi một bóng hình đi ngang qua… sẽ đồng cảm hơn với lời ca của bài hát này.

Thiếu nữ càng trong sáng, càng “cành vàng lá ngọc”, càng “mai cốt cách, tuyết tinh thần” thì càng e thẹn, ngại ngùng. Nàng ngoảnh đầu làm ngơ trước cái nhìn nồng cháy của kẻ si tình, nói không với những lá thư xanh, vò nát trái tim chàng trai bằng thái độ lạnh lùng. Chẳng thế mà từng có chàng thi sĩ nọ cất lời than thở: “Em tập làm khổ một kẻ ngốc như anh, xây tường ngăn sông dựng rào cấm chợ. Hô gió gọi mưa bày binh thách đố, anh đơn độc một mình choáng váng lao đao!”.

Người tình mùa đông tràn đầy hoài niệm về một thời thiếu nữ kiêu sa đã một đi không trở lại, để rồi những đêm mưa phùn gió bấc, người phụ nữ lặng lẽ nhớ về tuổi trẻ, người đàn ông âm thầm mơ về mối tình đầu của mình.

“… Từng cơn mưa hắt hiu bên ngoài song thưa
Lắm khi mưa làm hồn ta nhớ mãi ngày qua.
Nhớ con phố xưa vẫn âm thầm đợi chờ nhau,
Nhớ đôi vai ngoan em sợ trời mưa gió.
Từng ngày ta vẫn đưa em về qua phố
Vẫn chim cao trời mưa lũ, vẫn tiếng buồn xưa,
Ôi bàn tay ai đã dắt em chiều nay?…”

Những kỷ niệm về mối tình đơn phương ngày nào lại tiếp tục ùa về. Mối tình ấy gắn liền với tiết trời đặc trưng của mùa đông miền Bắc – những cơn mưa bụi. Khác với những cơn mưa ào ạt, chợt đến chợt đi của mùa hè hay những cơn mưa tầm tã dai dẳng của mùa thu; mưa mùa đông nhỏ, rơi lất phất, gần như vô thanh, nương theo gió tựa như bay.

Những ai từng ở miền Bắc, từng ở Hà Nội vào mùa đông sẽ không bao giờ quên được kiểu mưa ấy. Hạt mưa bé như hạt bụi, chỉ đủ bám tóc, rơi êm đềm, thấm vào từng lớp áo quần mang theo cái lạnh tê tái.

Người tình mùa đông gợi nhớ về mối tình đầu của muôn năm cũ. Mùa đông của ngày xưa dường như lạnh hơn, trời xám hơn, phố vắng và lặng lẽ hơn. Những đêm đông dài, cô đơn, nằm nghe tiếng mưa dường như kéo dài bất tận. Ký ức về những lần chờ đợi, đưa đón nhau dưới làn mưa bụi mãi mãi chẳng bao giờ phai nhạt.

Mùa đông đến, cái rét càng khiến người ta khao khát được gần nhau. Vậy mà trái tim người thiếu nữ vẫn mãi không rung động. Chính cái khao khát không được thỏa nguyện ấy càng làm Người tình mùa đông trở nên ám ảnh và khó quên hơn.

Lời ca đã mơ mộng, tuyệt vời nhưng điều làm nên sức sống bền bỉ của Người tình mùa đông chính là giai điệu da diết, ám ảnh của bài hát.

Người tình mùa đông khởi nguồn từ một bài hát tiếng Nhật nổi tiếng là Rouge (Son môi hồng) do nghệ sĩ Miyuki Nakajima sáng tác và thu âm năm 1986. Rouge là một tình khúc buồn nói về tâm trạng cô đơn, chán chường của thiếu nữ từ miền quê lên kiếm sống nơi phồn hoa đô hội. Cô dần đánh mất sự ngây thơ, trở nên khôn khéo hơn trong lời ăn tiếng nói, luôn giữ vẻ mặt tươi cười. Nhưng đêm về, khi đối diện với chính mình, cô vẫn thường khóc thầm. Trong trái tim cô vẫn âm ỉ nỗi nhớ về một bóng hình cũ không bao giờ gặp lại.

Ca khúc đã nhiều lần được chuyển lời sang ngôn ngữ khác. Nổi tiếng nhất phải kể đến phiên bản tiếng Hoa có tên Fragile Woman (Người phụ nữ dễ bị tổn thương) do nữ hoàng nhạc nhẹ Vương Phi thể hiện. Ca khúc là tâm trạng đầy yếu đuối, bất an của người phụ nữ đang cầu xin người đàn ông hãy ở lại, đừng bỏ rơi cô. Fragile Woman đánh dấu sự thay đổi trong phong cách âm nhạc của Vương Phi và càng củng cố vị trí hàng đầu của diva tại thị trường âm nhạc Hong Kong.

Phiên bản tiếng Anh của bài hát có tên là That is Love do nhóm nhạc Tokyo Square thể hiện. Đây là lời thủ thỉ tâm tình của chàng trai đang thuyết phục người yêu hãy tin vào tương lai hạnh phúc của hai người. That is Love rất nổi tiếng ở châu Á và thường được liệt vào danh sách “Những tình khúc sống mãi với thời gian”.

Bài hát sau đó được viết lại lời Việt với tên gọi Người tình mùa đông, gắn với tiếng hát của ca sĩ Như Quỳnh.

Người tình mùa đông lần đầu tiên ra mắt khán giả cách đây gần 20 năm. Khoảng thời gian đó đủ để khiến một cô bé tuổi ô mai ngày nào trở thành thiếu phụ. Một ngày mùa đông âm thầm nào đó, bất ngờ ca khúc ấy lại vang lên khiến người đàn bà nhớ lại thời con gái kiêu sa của mình và bất giác mỉm cười. Ca khúc ấy cũng là sự nhắc nhở cho những người đàn ông về một thời tuổi trẻ trong trẻo và lãng mạn.

Nhiều mùa đông đã trôi qua nhưng Người tình mùa đông vẫn luôn luôn trở lại và được khán giả đón nhận như một tình khúc bất hủ, vượt thời gian.

Anh Trâm

[footer]

Mai Tôi Đi (Anh Bằng – Nguyên Sa)

Như một lời chia tay nhạc sỹ Anh Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng, hôm nay một người yêu nhạc đã gởi cho chúng tôi bản “Mai tôi đi” mà Anh Bằng lấy ý từ bài “Paris” của thi sỹ Nguyên Sa. Mạn phép thay mặt nhiều  thế hệ yêu nhạc, [dongnhacxua.com] cầu chúc linh hồn ông sớm về nghỉ ngơi chốn hạnh phúc đời đời.
Cũng xin nói thêm, hm nay cũng là đúng một tuần xảy ra vụ thảm sát ở Paris, chúng tôi cũng cầu nguyện cho linh hồn hơn 100 nạn nhân cũng mau vui hưởng hạnh phúc ở nới “tràn đầy ánh sáng” và mong “Kinh Đô Ánh Sáng” Paris sẽ sớm vượt qua nỗi đau để lại trở về với hình ảnh thơ mộng thuở nào!

ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ NGUYÊN SA
(Nguồn: thica.net)

Thi sỹ Nguyên Sa. Ảnh: thica.net
Thi sỹ Nguyên Sa. Ảnh: thica.net

Nhà thơ Nguyên Sa sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932, tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi mười ba, Tháng Sáu trời mưa, v.v

Tổ tiên Nguyên Sa gốc ở Thuận Hóa (Huế), ông cố ông là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội.

Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.

Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.

Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước.

Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.

Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.

Các tập thơ:
Thơ Nguyên Sa tập 1
Thơ Nguyên Sa tập 2
Thơ Nguyên Sa tập 3
Thơ Nguyên Sa tập 4
Thơ Nguyên Sa toàn tập

BÀI THƠ “PARIS” CỦA NGUYÊN SA
(Nguồn: thica.net)

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…

Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn
Paris sẽ nhìn theo
Nhưng nhìn thì nhìn đời trăm nghìn góc phố
Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu

Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa

Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy
Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu
Sông Seine về chân đang bước xô nhau
Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy

Dù mai kia
trong một đêm quá khuya hay một ngày sớm dậy
trên một con đò, bên một góc phố, dưới một luỹ tre
tôi sẽ ngồi kể chuyện nắng chuyện mưa
và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris
để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn
và trên môi tôi
điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận
điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen
đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên
còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc…

Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt
những chiều mưa mây xám nặng trên vai
người con gái mắt xanh màu da trời
trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ?

Rồi cả người
cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ
nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly
của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi
những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau
với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh
như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn
của những đôi mắt nhìn theo
và tôi cũng nhìn theo
không biết người ta vừa khâm liêm mình hay khâm liệm một người yêu

Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng

Nhưng cũng sợ phải viết những lá thư xanh về xứ Đũa son
nên tôi không dám hỏi:
tại sao mắt em buồn
tại sao má em đỏ
tại sao môi em ngoan
vì những ngón tay tô đỏ màu đũa son
đang muốn gắp cả đời người hạnh phúc

Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào trong mỗi lần nói thật
mỗi lần nghe Paris hỏi tôi:
tại sao anh về
tại sao anh không ở?…

Nhưng dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản
dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn
hơn một người yêu yêu một người yêu

Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ
dặn những người con gái nhỏ đi về
trên hè phố Saint Michel
gò má đỏ phồng bánh graffen
để những hạt đường rơi trên má
lau vội làm gì cho có duyên

Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về
vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy
cặp môi nghiêng trong một cánh tay ghì
mỗi chuyến métro qua vồi vội
giòng Seine cười ngoảnh mặt quay đi

Dù đêm nay tháp Eiffel
Vẫn kiễng mình trong sương khuya
nhìn bốn phía chân trời

Và đôi mắt tôi
Vẫn tìm đến trong một giờ hò hẹn

Và từ mai trên những lá thư xanh
tôi không được bắt dầu
bằng một chữ P hoa
như tên một người con gái…

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Anh Bằng (1926-2015)

Sáng thứ sáu ngày 13.11.2015 (giờ Việt Nam), người yêu nhạc lại chứng kiến thêm một sự ra đi mãi mãi của một trong những cây đại thụ lớn nhất của nền tân nhạc Việt: nhạc sỹ Anh Bằng. [dongnhacxua.com] xin chia buồn cùng gia quyến và cầu mong linh hồn ông mau về miền cực lạc.

[footer]

Sài Gòn: Biết Bao Giờ Trở Lại (Ngô Thụy Miên)

Đối với chúng tôi, những người đến và ở lại với Sài Gòn gần nửa đời người, mảnh đất này chất chứa thật nhiều kỷ niệm. Thành phố đã thay đổi rất nhiều, “Hòn Ngọc Viễn Đông” không còn như ngày xưa nữa. Thế nhưng, đâu đó trong vài góc phố, vài con đường, một Sài Gòn yên bình và dấu yêu vẫn tồn tại, như một dòng nước mát làm dịu êm nhịp đời hối hả và có phần xô bồ của thành phố với hơn 10 triệu dân. Trong niềm càm xúc ấy,  [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu bản “Biết bao giờ trở lại” của nhạc sỹ Ngô Thụy Miên.

BA MƯƠI LỜI TÂM SỰ CỦA NGÔ THỤY MIÊN
(Nguồn: Hoàng Vi Kha phỏng vấn nhạc sỹ Ngô Thụy Miên, đăng trên HonQue.com)

Nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Ảnh: HonQue.com
Nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Ảnh: HonQue.com

 1. Trong các chủ đề sáng tác, thông thường là: Tình Yêu (đôi lứa), Thân Phận, và Quê Hương, phần lớn các nhạc sĩ đều viết cho cả ba chủ đề này, riêng chú, tất cả cho tình yêu (đôi lứa), vì hễ nói đến nhạc của chú, là nghĩ ngay đến “tình ca”, vậy chú có thể cho biết tại sao chú lại chỉ chọn một chủ đề mà thôi?

Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thưở cho người nghệ sĩ sáng tác. Các chủ đề Tình Yêu, Thân Phận, và Quê Hương đã được khai triển rộng rãi trong nhiều thập niên vừa qua với bao nhiêu tác giả và tác phẩm. Được biết đến như một người viết tình ca (đôi lứa) cũng đã là quá đủ cho tôi rồi.

2. Chú viết rất nhiều cho tình yêu. Vậy theo chú, định nghĩa của chú về tình yêu ra sao?

Cho, Chấp Nhận, và Tha Thứ.
Cho người, Chấp Nhận tình, và Tha Thứ cho mình, như một lần tôi đã nói: Tình ơi! Dù sao đi nữa xin vẫn yêu em.

3. Trải theo thời gian, cái nhìn (hay quan niệm) về tình yêu của một người sẽ có ít nhiều thay đổi, vậy ở chú thì sao? Có hay không sự đổi thay quan niệm về tình yêu từ những tình khúc đầu tay của chú và những tình khúc mới nhất? Sự thay đổi (nếu có) là nguyên do nào và thay đổi ra sao?

Dĩ nhiên, tình yêu cũng như đời sống, đều luôn biến đổi theo thời gian, và không gian. Lấy 1975 làm dấu mốc quan trọng trong tình ca Ngô Thụy Miên. Trước Em Còn Nhớ Mùa Xuân là một thời của tuổi trẻ, mộng mơ, lãng mạn. Sau Em Còn Nhớ Mùa Xuân là hạnh phúc, khổ đau, là những mất mát, hiện thực của đời sống. Ở tuổi 20, tình yêu nồng nàn, say đắm, miệt mài… và khi cuộc tình đã chết thì là nỗi buồn đau, xót xa nhẹ nhàng của Bản Tình Cuối, là tiếc nuối chất ngất của Niệm Khúc Cuối. Tuổi 30, tình yêu thổi qua đời như cơn gió lạ đầu mùa, là bát ngát mộng mơ, rồi bỗng thành chia lìa, tan tác. Đó là thời kỳ của Em Còn Nhớ Mùa Xuân, của Dốc Mơ. Còn ở tuổi 40, tình sâu lắng cùng những tiếc nhớ khôn nguôi của một thời đã qua với Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng, Riêng Một Góc Trời. Tuổi 50, nhìn lại mình, những sợi tóc xanh xưa đã bỏ đi như những kỷ niệm cũ, nhưng trái tim hồng ngày nào vẫn rung động cùng Mưa Trên Cuộc Tình Tôi, Nỗi Đau Muộn Màng…

4. Tình yêu đi liền với tính lãng mạn. Trong giòng nhạc của chú, bàng bạc vẻ trữ tình, lãng mạn. Nhưng tính lãng mạn của Ngô Thụy Miên khác với những nghệ sĩ khác. Chú có thể nào nói về sự lãng mạn đó?

Tính lãng mạn trong giòng nhạc Ngô Thụy Miên? Có thể nói từ những ngày còn trẻ, tôi đã nghe và yêu thích những giòng nhạc tình tự, trong sáng của các tác giả thời tiền chiến, và cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của nhạc cổ điển tây phương, nhất là nhạc classique của thế kỷ 19, mà tôi đã theo học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn trong thập niên 60. Cho nên có lẽ vì thế mà sự lãng mạn trong giòng nhạc NTM có một chút trang nghiêm cổ kính, và pha một chút “thơ” của những Lamartine, Chopin, George Sand… cùng Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn…

5. Thông thường, ở tuổi mới lớn, đó là tuổi của hoa mộng, ngọt ngào men say của những rung động trinh nguyên, ban đầu và vì vậy, đó cũng là tuổi mà đưa đến sự xuất hiện của hầu hết những văn sĩ, thi sĩ, hay nhạc sĩ. Với chú điều này đúng không? Và tại sao chú lại chọn âm nhạc mà không chọn thơ, hay văn?

Đúng đấy chứ, tôi hoàn tất tình khúc đầu tiên Chiều Nay Không Có Em năm 17 tuổi. Tuổi trẻ tôi cũng viết văn, làm thơ…nhưng chỉ được biết đến trong giới bạn bè thân cận. Còn âm nhạc, thì nhờ được học hành trường lớp đàng hoàng về nhạc lý, nhạc sử, hòa âm, vĩ cầm…và còn chơi đàn trong ban nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng, nên phương tiện sáng tác, cũng như phổ biến có phần dễ dàng hơn.

6. Khi viết một tình ca, thông thường cảm xúc dẫn dắt chú đến điều nào trước: giai điệu hay ngôn ngữ (ca từ)?

Tiết tấu và ca từ, cả 2 điều này đều rất quan trọng trong việc sáng tác một tình khúc. Như VK đã nói, tôi thường để cảm xúc tự nhiên dẫn dắt trong việc sáng tác, không gò bó theo một khuôn khổ, qui luật nhất định nào. Tuy nhiên nhìn lại quá trình sáng tác thì có thể thấy ngoài những ca khúc phổ thơ, và 4 bài tôi đã hoàn tất giai điệu trước (Mắt Biếc, Từ Giọng Hát Em, Dốc Mơ, Miên Khúc), phần còn lại là kết hợp của cả hai, ý nhạc và lời ca.

7. Hầu hết các tình ca đầu tay của chú đều được diễn đạt qua thể điệu chậm, thướt tha của Boston, chú có chủ đích chọn thể điệu này như một hướng sáng tác riêng? (cũng như hễ nói đến thơ lục bát thì nghĩ ngay đến Nguyễn Du hoặc thơ năm chữ thì Nguyễn Tất Nhiên, hoặc thể điệu Bolero thì nhạc Lam Phương)

Giản dị thôi, như đã nói tiết tấu và ca từ của một tình khúc đều rất quan trọng, tôi vẫn quan niệm là khi nghe một bài tình ca, nếu ta yêu được ý nhạc thì hạnh phúc một, mà nếu thấu được lời ca nữa thì hạnh phúc gấp đôi. Do đó rất nhiều sáng tác của tôi đã được viết theo thể điệu chậm của Boston để ca sĩ có thể trình bầy, diễn tả hết được cái nồng nàn, tha thiết của lời ca ý nhạc. Tôi nghĩ rằng khi bản nhạc được làm mới thêm với phần hòa âm viết lại từ những thể điệu chậm thành Tango, Samba, ChaChaCha… đều đã làm mất đi cái đẹp nguyên thủy của nó.

 8. Nghe những tình khúc của chú, có thể nói, đối tượng thính giả là những người ở thành thị hơn là ở nông thôn. Hơn thế, không chỉ âm hưởng mà ngay cả ngôn ngữ của những tình ca của chú cũng đòi hỏi người nghe ở một trình độ cảm nhận (hoặc kinh nghiệm sống) nào đó chứ không là quảng đại, bình dân. Chú nghĩ sao về nhận xét này? Phải chăng nhạc của chú cần có đối tượng thích hợp?

Thật ra những sáng tác của tôi viết ra không hẳn cho một đối tượng thính giả nào, mà chỉ dành cho những người có thể chia sẻ những tình cảm, tâm tư riêng với mình mà thôi. Nhưng có lẽ đây là một sự tình cờ của định mệnh. Tôi sinh trưởng tại 2 thành phố lớn Hải Phòng, và Sài Gòn. Chịu ảnh hưởng của nền âm nhạc, cũng như sách báo, phim ảnh tây phương. Đọc nhiều thơ văn viết về Sài Gòn, Hà Nội, Paris…Chỉ một dịp duy nhất được bước chân về miền quê yêu dấu của mình trong lần đi vượt biên dưới Cà Mâu! Cho nên dù muốn cũng không thể dối mình để viết những bài tình ca Quê Hương. May mắn là trong bao năm qua, đã có nhiều nhạc sĩ để lại cho chúng ta những ca khúc với chủ đề Quê Hương thật tuyệt vời.

9. Khi mang tình yêu vào âm nhạc, đơn thuần chỉ là bày tỏ cảm xúc của chính mình hay chú còn nhắn gởi thông điệp nào khác về tình yêu?

Ở cái tuổi bắt đầu sáng tác, cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ là tất cả những hận thù, đố kỵ, bon chen, lừa lọc đều sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu là sẽ ở lại mãi với chúng ta. Tình yêu giữa người và người, giữa người và cuộc sống, cũng như thiên nhiên. Đối với tôi âm nhạc cũng chính là tình yêu. Xin hãy để âm nhạc ngự trị trên khắp quả địa cầu khô khan, nơi chúng ta đang tạm trú đây.

10. Tình yêu có lúc làm cho trái tim con người đi qua, hoặc cưu mang khổ hạnh. Trong tình ca của chú nỗi khổ hạnh của tình yêu được chú trình bày có nét riêng biệt – không sến – không quy lụy. Xin chú cho biết thêm về điều này?

Tình yêu đối với tôi dù sung sướng hay khổ đau cũng là một điều rất thiêng liêng. Yêu không có nghĩa là phải chiếm hữu cho riêng mình, yêu là cho tận cùng, là chấp nhận hết những buồn vui, khổ hận để mang lại hạnh phúc cho người yêu. Yêu cũng là tha thứ cho những vấp ngã của người và của chính mình. Đó chính là cái nét riêng biệt của tình ca NTM.

11. Có phải chăng càng đau khổ, càng ma sát với đời, người sáng tác càng có nhiều tác phẩm hơn và tác phẩm càng sâu sắc hơn? Hay nói cách khác, khi trọn vẹn hạnh phúc, dường như sáng tác ít đi ? Chú có bị trường hợp này không? Chú nghĩ gì về điều này từ kinh nghiệm sáng tác của chính chú?

Có lẽ đây là một nhận định, một quan điểm chung của mọi người, là càng đau khổ, càng hận sầu thì viết văn, làm thơ, họa tranh, hay sáng tác nhạc càng hay hơn? Người nghệ sĩ càng sống bệ rạc, phóng túng thì sáng tác càng sâu sắc hơn? Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Bằng chứng là vào thế kỷ 19, nhạc sĩ Mendelssohn là một người sung sướng từ đầu đến cuối, không bị một đau khổ nào trong cuộc sống, ngoại trừ lúc ông ra đi vào cái tuổi rất trẻ, nhưng ông đã viết, đã để lại rất nhiều tác phẩm bất hủ cho đời.
Riêng tôi có lẽ được may mắn sinh trưởng trong một gia đình tương đối ổn định về cả 2 mặt vật chất cũng như tinh thần, nên những sáng tác của tôi từ trước cho đến nay vẫn là một đời nhạc NTM, chỉ có khác biệt là những tình khúc viết trước 75 là của tuổi trẻ mộng mơ, tươi mát, tràn đầy hy vọng, còn sau 75 thì mang nỗi khổ đau, xót xa, mất mát của cuộc sống tạm dung nơi đây. Những đau khổ, mất mát này đã xẩy ra hàng ngày quanh tôi từ những kinh nghiệm sống của chính mình, của bạn bè, gia đình và những người thân của một thời.

12. Khi tạo ra một tác phẩm, thường so sánh như một đứa con tinh thần vừa chào đời, chú có mong muốn gì ở nó và mong muốn gì từ những người chung quanh?

Nói chung, những người làm công việc sáng tạo, khi cho ra đời một đứa con tinh thần thì điều đầu tiên là họ mong muốn tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi, và được người thưởng ngoạn yêu thích (dĩ nhiên điều này không đúng với những người chỉ viết cho riêng mình). Với những người sáng tác có tinh thần trách nhiệm thì ngoài điều mong muốn trên, còn hy vọng là tác phẩm của mình đã nói lên được những điều mình muốn nói.

13. Có thể nói rằng tất cả các sáng tác của chú đều rất giá trị vì không phải chỉ qua ngôn ngữ, âm điệu mà còn vì chú viết từ rung động chân thật (điều này người nghe có thể cảm nhận được). Chú không chạy theo thị hiếu và thời đại. Vậy chú có nghĩ sẽ gặp khó khăn từ phía thính giả trẻ không? Chú nghĩ thế nào về việc sáng tác cần hoặc nên thích hợp với thời đại khác nhau?

Cám ơn VK. Một lần nào đó tôi cũng đã có nói là “Tôi không viết nhạc để sống, mà sống để viết nhạc”. Tôi yêu âm nhạc từ bao nhiêu năm nay, và vẫn tiếp tục sáng tác cho mình, cho bạn bè, cho người thân, và cho tất cả những ai đã có thể chia sẻ những tâm tình của tôi thể hiện qua tình ca NTM.
Tôi không có nhu cầu chạy theo thị hiếu của thời đại. Giòng nhạc thính phòng nói chung, giòng nhạc NTM nói riêng, hiện nay vẫn được rất nhiều bạn trẻ chú ý, theo dõi và ủng hộ. Qua những lần tham dự các chương trình nhạc chủ đề tại nhiều nơi, tôi đã có dịp gặp gỡ những người trẻ này, và tôi vẫn nhận được khá nhiều email của các bạn trẻ yêu nhạc khắp nơi từ những làng xóm, thành phố ở Việt Nam, cho đến những tỉnh thành khắp nơi trên thế giới. Email từ các em, các cháu sinh ra, và lớn lên tại hải ngoại thì cũng có, nhưng không nhiều lắm. Tôi vẫn nghĩ nền tân nhạc Việt Nam dù mới có mặt trên dưới 70 năm, nhưng đã trải qua rất nhiều giai đoạn, thời kỳ, mà mỗi một giai đoạn, thời kỳ, chúng ta đều có những giòng nhạc đáp ứng được những bước đi thăng trầm của lịch sử quê hương dân tộc. Hiện nay ở hải ngoại, dù vẫn có nhiều người sáng tác, nhưng nếu muốn tiếp tục duy trì nền tân nhạc (đây chỉ nói đến nhạc phổ thông) các tác giả phải viết nhiều hơn nữa những ca khúc nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của lớp trẻ ngày hôm nay. Tuy cần những tiết điệu mới, nhưng vẫn phải không mất đi cái đặc thù của nhạc Việt chúng ta.

14. Những ca khúc sau này của chú (từ thập niên 80 trở đi) giòng giai điệu thay đổi hẳn so với thập niên 70. Thưa chú, nhận xét này có đúng không? Và nếu đúng thì có nguyên do nào không? Không những vậy, nét trau chuốc trong ngôn ngữ cũng thay đổi. Chú nghĩ sao?

Tôi vẫn nghĩ thời gian ở quê hương (trước 75) với những thân yêu quanh mình, với những lụa là, mưa nắng Sàigòn, những quán hàng, con đường quen thuộc từng dấu chân, từng buổi sáng, buổi chiều…đã cho tôi những cảm xúc để viết lên những tình khúc với ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca dịu dàng, đầy thơ tính. Còn bây giờ, ở đây, người ta thật vội vàng, xa lạ, bận rộn…Những thành phố, nhà cửa thật huy hoàng, thật to lớn, nhưng cũng thật lạnh lẽo, cô đơn. Ngày tháng bên này đã để lại trong tôi những nét nhạc muộn phiền, ghi lại những lời ca mệt mỏi, buồn bã của cuộc sống tạm dung, của một phần đời tỵ nạn.

15. Chú có những ca khúc viết cho Sài Gòn (Hát Cho Người Ra Đi, Nắng Paris – Nắng Sài Gòn, Sài Gòn Còn Đó Nỗi Buồn, Thu Sài Gòn) Qua những lời chú viết cho thấy nỗi gắn bó giữa chú và Sài gòn rất tha thiết. Xin chú có thể cho biết cảm xúc của chú khi rời Sài Gòn và khi viết những bài nhạc trên.

Tôi sinh ra ở Hải Phòng miền Bắc Việt Nam, nhưng đã lớn lên tại Sàigòn, đã được nuôi dưỡng bởi cái tánh khí bình dị, cái tinh thần mộc mạc của miền Nam, đã có cả một thời mơ mộng, cả một tuổi trẻ với bao mộng ước đầu đời, khát khao…
Hỏi nếu vì lý do nào đó phải rời xa nơi chốn ấy thì làm sao không khỏi đau lòng, không khỏi xót xa cho được. Trong nỗi nhớ thương tận cùng, tôi đã viết một số ca khúc cho Sàigòn, và sáng tác gần đây nhất có tựa đề Biết Bao Giờ Trở Lại, đã được nữ danh ca Khánh Ly trình bầy lần đầu tiên trong 2 đêm nhạc NTM tại Sydney, và Melbourne, Australia. Một bài hát đã một lần nữa nói lên nỗi gắn bó của tôi với Sàigòn sẽ là mãi mãi.

16. Xưa nay, “thi-ca” thường đi chung với nhau và chú là một nhạc sĩ có rất nhiều tác phẩm phổ thơ rất thành công. Nhưng phổ nhạc một bài thơ là một việc không dễ, vì nó không chỉ đòi hỏi ở kỹ thuật mà còn cả ở sự cảm nhận. Chú có thể chia xẻ một vài kinh nghiệm về việc phổ thơ thành nhạc không? Đối với chú, đâu là điều quan trọng nhất của bài thơ có thể phổ nhạc (vì không phải bài thơ nào cũng có thể phổ nhạc được).

Thực ra thì tôi phổ thơ đâu có nhiều, chỉ trên dưới 10 bài thôi, thì kinh nghiệm làm gì mà có chứ! Tôi chỉ biết phổ thơ là một việc không khó, nhưng phổ để có được một bài nhạc hay, tồn tại được với thử thách của thời gian thì không phải là chuyện dễ. Tôi vẫn nghĩ bản nhạc với những niêm luật gò bó, nhất định, sẽ không bao giờ có thể nói lên hết được ý thơ của tác giả (đó là cảm nghĩ của tôi khi phổ thơ Nguyên Sa).
Điều quan trọng nhất của bài thơ có thể phổ nhạc, không nằm ở bài thơ, mà nằm trong lòng người muốn phổ bài thơ đó, có cảm xúc khi đọc bài thơ? có chia sẻ, cảm nhận được những gì nhà thơ muốn nói? có đặt được mình vào cương vị của nhà thơ khi sáng tác bài thơ? có đủ khả năng dùng nốt nhạc để trình bầy ý thơ của tác giả… Khó như vậy, nên tôi không còn phổ thơ nhiều như trước nữa.

 17. Thơ ngay tự nó cũng đã có vần điệu. Có những bài thơ mà khi đọc lên đã nghe như một nhạc khúc. Thưa chú, vậy đối với kinh nghiệm sáng tác của chú, khi một bài thơ được phổ nhạc, có nên không tạo ra sự khác biệt giữa vần điệu của thơ và âm giai của nhạc?

Người ta vẫn thường nói trong thơ đã có nhạc. Tôi nghĩ là không những nhạc, thơ còn chất chứa cả hội họa, và vượt thoát được những gò bó, giới hạn của quy luật, văn phạm trong ngôn ngữ thông thường nữa. Tuy nhiên vần điệu của thơ dễ bị lập đi lập lại (tùy theo thể loại), và như vậy dễ trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo…Người phổ nên đem những âm giai của nhạc vào thơ, sáng tạo những thang âm khác lạ, làm mới câu thơ hơn, và hy vọng người nghe sẽ có thể chia sẻ những cảm nhận chung với mình.

18. Thơ có nhiều thể loại khác nhau như lục bát, đường luật, tự do . và số chữ, cũng như cách gieo vần tùy vào thể lọai thơ mà khác nhau. Khi đem thơ phổ nhạc, chú có gặp sự hạn chế trong sáng tác về những luật thơ, và vần thơ không? Đối với kinh nghiệm của chú, thể thơ nào là dễ phổ nhạc nhất (nhận thấy lọai 5 chữ là được đi vào nhạc nhiều nhất có phải chăng vì nó dễ dàng hơn các lọai khác?)

Như đã nói bản nhạc với những niêm luật gò bó, nhất định, sẽ không bao giờ có thể nói lên hết được ý thơ. Dĩ nhiên thơ cũng có những niêm luật, những cách gieo vần riêng…Như vậy khi phổ thơ thì phải biết dung hoà 2 vấn đề này, nghĩa là có khi phải du di, thay đổi nốt nhạc để họa vần thơ, hay đôi khi phải thay đổi lời thơ để nhập với ý nhạc. Tôi thường phổ thơ 5 chữ, hay 7, 8 chữ… cũng có 1, 2 bài theo thể tự do. Thể thơ nào dễ phổ nhất? Thì tùy người phổ thôi. Thông thường những bài thơ có vần điệu dễ phổ hơn thơ tự do.

19. Khi một người ca sĩ trình bày ca khúc của chú, những điều gì chú mong mỏi ở ca sĩ đó? Có những ca khúc được hát qua nhiều giọng ca khác nhau, qua nhiều thời đại khác nhau. Mỗi cái khác nhau đó là một diễn đạt khác (kỹ thuật cũng như cảm xúc) Đối với một nhạc sĩ như chú, chú có thể chia sẻ một nhạc phẩm nào đó mà khi nghe qua nhiều cách trình bày, đã tạo cho chú sự thích thú, khám phá khác cho chính tác phẩm của mình, hoặc một cảm xúc mới?

Dĩ nhiên mong người ca sĩ đó có thể diễn tả được lời ca ý nhạc, chuyên chở được nhưng tình cảm tâm tư mà mình muốn gửi đến người nghe… Điều này không phải là dễ! Lý tưởng nhất là có điều kiện tập cho ca sĩ như khi tôi thực hiện cuốn băng tình ca NTM đầu tiên tại Sàigòn năm 1974.
Một ca khúc muốn được tồn tại với thời gian thì phải được trình bầy bởi những giọng ca của nhiều thế hệ khác nhau, qua nhiều thời đại khác nhau. Trong 4 thập niên vừa qua tôi đã được nghe Áo Lụa Hà Đông qua rất nhiều tiếng hát như Duy Trác, Sĩ Phú, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Hoàng Nam… Mỗi giọng hát đều có một lối diễn tả khác, một kỹ thuật trình bầy riêng, từ mượt mà, sâu lắng, đến ngọt ngào, trầm ấm, từ tiếng hát trẻ trung, mới mẻ, cho đến nồng nàn, sống động của các ca sĩ, đã cho tôi nhiều nỗi xúc động khi nghe một sáng tác của mình được trình bầy bởi nhiều tiếng hát, mà tiếng hát nào cũng để lại trong tôi một nỗi thích thú, một nỗi sung sướng nhẹ nhàng,dù không bao giờ có thể tìm lại được cái cảm giác hôm nào khi nghe anh Duy Trác hát bài này lần đầu tiên.

20. Nếu có thể điều khiển (thay đổi) được thời gian và không gian, chú sẽ làm gì?

À, nếu có thể thay đổi được thời gian, thì tôi muốn trở lại cái thưở tuổi trẻ, mộng mơ ngày nào, để sẽ viết nhiều hơn, và yêu nhiều hơn nữa. Dĩ nhiên muốn là mình sẽ được ở mãi trên đất nước thân yêu, và sẽ dành thật nhiều thì giờ để đi thăm khắp nẻo đường quê hương.

21. Giai đọan sáng tác (hay cũng là cuộc đời) nào tạo cho chú nhiều gắn bó nhất?

Trước 75, là vì giai đoạn này là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Vẫn là một thanh niên trẻ tuổi, sống giữa lòng quê hương với đầy nhiệt tình,hy vọng, và lạc quan trước tương lai, nhưng không còn quá trẻ để ngu ngơ trước cuộc đời, cũng như chưa già hẳn để học được, để nhìn thấy những lọc lừa, những xấu xa, hiện thực đầy chua xót của đời sống. Và đó cũng chính là giai đoạn sáng tác gắn bó nhất trong đời tôi.

22. Chú có theo dõi các sáng tác của các nhạc sĩ trẻ tại hải ngọai và tại Việt nam không? Nếu có, xin chú cho vài nhận xét về giòng nhạc trẻ tại hải ngọai cũng như tại Việt nam.

Trong những năm tháng vừa qua, tại hải ngoại, cũng như trong nước đều có những tác giả trẻ với những tác phẩm có giá trị. Nhưng chủ yếu các tác phẩm được giới thiệu và phổ biến rộng rãi vẫn chỉ là những ca khúc. Chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của ca khúc phổ thông vào vườn hoa âm nhạc Việt Nam, nhưng tôi vẫn kỳ vọng nhiều hơn nơi các nhạc sĩ trẻ bây giờ, vì tôi nghĩ rằng họ đã có một cơ hội thật đầy đủ, thật tốt đẹp để nghiên cứu, trau dồi, cũng như học hỏi những giòng nhạc mới lạ trên khắp thế giới qua những phương tiện như CDs, Internet, concerts, books… mà những người viết nhạc chúng tôi 30, 40 năm trước không thể có. Họ là những người có thể làm mới lạ hơn cho âm nhạc Việt của chúng ta với những kiến thức tổng hợp của cả 2 nền âm nhạc Đông Tây. Dĩ nhiên khi viết những tác phẩm này, họ cần phải có một cơ hội để phổ biến. Tôi hy vọng các trung tâm video sẽ dành ít nhất một tiết mục trong chương trình để giới thiệu, cũng như đưa giới thưởng ngoạn đến một cuộc hành trình mới vào âm nhạc Việt Nam của chúng ta ở thể kỷ thứ 21 này.

23. Chú nhận thấy ra sao về ngôn ngữ trong âm nhạc Việt nam hiện nay? Có nhiều ý kiến cho rằng đã không còn sự đậm đà, sâu sắc, giàu hình ảnh tượng hình như xưa mà hầu hết là đơn giản, không trau chuốt. Theo chú thì điều này đúng không và sự quan trọng (cần thiết) của ngôn ngữ trong âm nhạc như thế nào?

Hiện nay chúng ta đang ở một thời kỳ mà nền âm nhạc Việt Nam đang cố gắng tìm cho mình một vị trí, tìm cho mình một lối đi riêng để thoát khỏi những ảnh hưởng của các luồng nhạc thổi đến từ các nước bạn. Cho đến khi chúng ta có được một định nghĩa chính đáng của nhạc Việt bây giờ, thì khó có thể tránh được ảnh hưởng từ những điệu nhạc vay mượn, ảnh hưởng từ những phương cách trang phục, và lối trình diễn của nước ngoài! cũng như ca từ của chúng ta sẽ không thể sâu sắc, giầu tượng hình như trước kia được nữa! Nhưng điều đó có quan trọng không khi hiện nay người ta đi xem nhạc nhiều hơn là nghe nhạc, khi ca sĩ không chỉ còn là người hát, mà còn phải là người trình diễn nữa?
Những ca khúc Việt Nam tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ một phần rất lớn vào ca từ. Nhạc hay, cấu trúc đẹp, thì rất khó bàn, nhưng khi hát lên một câu, thì chỉ vài lời ca đơn giản thôi cũng đã có thể đem lại sự xúc động tột cùng cho người nghe, cũng có thể gợi nhớ lại cả một cuộc hành trình trong đời người. Ca từ trong nhạc Việt Nam quan trọng là như thế đó.

24. Cũng có nhiều bạn trẻ cho rằng họ không được sự lưu ý đúng mức của thế hệ đi trước. Không có sự dìu dắt, nâng đỡ hoặc tận tình chỉ bảo, san sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt là trong âm nhạc. Những nhạc sĩ sáng tác trẻ hầu như bị bế tắt trong vấn đề phổ biến sáng tác. Chú nghĩ sao về điều này? Chú có những điều gì san sẻ cho những nhạc sĩ trẻ không?

Thực sự tôi không nghĩ là những bạn trẻ bây giờ cần có sự dìu dắt, nâng đỡ, hay tận tình chỉ bảo của những người đi trước. Họ có đầy đủ khả năng, điều kiện để viết những tác phẩm có giá trị. Cái mà họ cần là được giúp đỡ phổ biến những sáng tác mới của họ, và đây đúng như VK đã nói là một vấn đề bế tắc từ căn bản. Trong nước thì tôi không rõ lắm về những phương tiện truyền thông, điều kiện phổ biến, cũng như phát hành sáng tác của những người viết mới? Ở hải ngoại, chúng ta chỉ có 2, 3 trung tâm video đang hoạt động mạnh, các trung tâm băng nhạc nhỏ thì cũng có khá nhiều, nhưng hoạt động rời rạc, hạn hẹp! Như vậy thì lấy đâu ra chỗ cho các người viết mới chen chân vào thị trường âm nhạc? Chưa kể đất nước người quá rộng lớn, vấn đề phát hành cũng là một trở ngại không nhỏ. Hiện nay trên mạng lưới Internet đã có khá nhiều diễn đàn văn học, nghệ thuật. Ở đây các bạn có thể gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cùng nhau để có thể tiến bộ hơn trong lãnh vực sáng tác. Nhưng dù sao tất cả vẫn còn trong một hoàn cảnh, một môi trường hạn hẹp.
Nếu có lời gì muốn nói với những bạn trẻ muốn lập sự nghiệp âm nhạc? một điều rất quan trọng, đó là cho dù gặp bao nhiêu khó khăn trước mặt thì các bạn đừng nản lòng, phải tiếp tục sáng tác, tiếp tục cố gắng học hỏi trau dồi để những sáng tác của mình mỗi ngày một đặc sắc hơn. Có những chuyện các bạn có thể làm thử: Trước hết gửi một vài bài mà bạn vừa ý nhất đến một vài trung tâm. Nếu họ không trả lời! thì bạn phải tự thực hiện CD với những tiếng hát và hòa âm thích hợp với giòng nhạc của mình, rồi gửi đến các trung tâm video, băng nhạc, nhờ họ phổ biến hay phát hành dùm. Nếu các trung tâm không thể giúp đỡ, thì phải tìm cách giới thiệu trên internet, và nhờ đến bạn bè, anh em, để tổ chức những đêm hát, những chương trình ra mắt những sáng tác mới của mình… Nhiều khi phải hy sinh, và chấp nhận nhiều thiệt thòi, mới có cơ hội tạo dựng tên tuổi.

25. Có nhiều nhạc sĩ vẫn chạy theo thị hiếu hoặc danh vọng mà có những sáng tác “vay mượn” từ người khác. Xưa nay, chữ đức vẫn luôn quan trọng trong mọi ngành nghề nói chung và nghệ sĩ nói riêng. Thưa chú, xin chú nói vài lời (quan điểm) về “đức” của người nghệ sĩ được không?

Từ trước tới nay tôi vẫn nghĩ người nghệ sĩ phải thẳng với mình, và thật với người. Một lần nào đó tôi đã có nói “Là một người viết nhạc, có 2 điều mà tôi không thích là giả dối và vay mượn”. Người nghệ sĩ nói chung, người nhạc sĩ nói riêng cần phải có một tấm lòng độ lượng, chân thành yêu đời, một trái tim chan chứa, nồng nàn yêu người, và nên tìm cho mình một hướng đi riêng, một con đường mới để phục vụ nhân sinh.

26. Đối với chú, trong sáng tác âm nhạc, kỹ thuật và nội dung điều nào quan trọng hơn? Có những tác giả chú trọng khai thác kỹ thuật viết nhưng lại thiếu cân bằng trong ngôn ngữ hay nội dung bài nhạc.

Mặc dù trong việc sáng tác ca khúc, cả 2 phương diện kỹ thuật, và nội dung đều rất quan trọng, nhưng căn bản của ca khúc là những bài hát ngắn gọn, dễ nghe, dễ hát, và bản chất của người Việt chúng ta hiền hòa, giản dị, thích nghe những điệu nhạc êm tai, những câu hát dễ nhớ. Do đó nếu quá chú ý đến kỹ thuật thì bản nhạc sẽ trở nên cầu kỳ, khô khan khó hát. Vì vậy nói tới ca khúc (tấu khúc là một đề tài khác) nội dung, ngôn ngữ trở thành quan trọng hơn.

27. Thông thường, tính đa cảm, lãng mạn, giàu mơ mộng là những yếu tố chính đối với một nghệ sĩ. Nhưng ngòai đời, họ có thể lại là một con người khác. Vậy, Thưa chú, giữa một Ngô Thụy Miên trong âm nhạc và một Ngô Thụy Miên ngoài đời có điều gì khác nhau không?

Khi còn trẻ, còn độc thân thì chẳng khác gì đâu. Bây giờ đã có gia đình, thì ở ngoài đời tôi xử sự cân nhắc hơn với trái tim đầy tình cảm, cũng như tính lãng mạn, mơ mộng của mình. Sống trong đời, mình có nhiều trách nhiệm với những người xung quanh, cần phải làm sao dung hòa được cả 2 phần, trái tim và lý trí.

28. Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật như một phương tiện để nói về cuộc sống và con người, cũng như về chân thiện mỹ. Chú là một nhạc sĩ có tài, xin chú cho biết quan niệm của chú về thế nào là “chân thiện mỹ”?

Là một người viết nhạc, thì đối với tôi, âm nhạc là một phương tiện biểu hiện được tất cả những tình cảm giao hòa giữa con người và con người, giữa con người và cuộc sống, giữa con người và thiên nhiên. Nghe nhạc, hòa mình trong nhạc vẫn là nỗi sung sướng, niềm hạnh phúc nhất sau tình yêu. Như vậy có thể nói âm nhạc chính là tình yêu vậy.

29. Đối với chú thế nào là một sáng tác thành công? Được số đông khán thính giả yêu thích? Đạt được kỹ thuật viết nhạc cao? Hay chuyển đạt, bộc bạch được những điều mà mình muốn gởi gắm (cho dù có thể không cần kỹ thuật hoặc số đông người yêu mộ)?

Tất cả những gì VK đề cập tới đều có thể coi như là những câu trả lời đúng. Tuy nhiên giản dị mà nói, với tôi thì sự thành công của một ca khúc chính là sự tồn tại của ca khúc đó sau những tháng năm, những thử thách của thời gian và không gian.  Hiện nay những tác phẩm của 2 thập niên 40, 50, và vẫn đang còn được trình bầy, được yêu thích bởi mọi từng lớp khán thính giả là những tác phẩm được coi là thực sự thành công.

30. Trải qua một thời gian dài miệt mài với âm nhạc và có nhiều đóng góp giá trị cho nền âm nhạc Việt nam, nếu chính chú là người nhìn lại tất cả những sáng tác của mình, chú có suy nghĩ gì hay nhận xét gì về chính các tác phẩm của chú?

Cám ơn VK. Tôi đóng góp không được bao nhiêu, nhưng rất hãnh diện về những gì mình đã viết, những gì mình đã chia sẻ được với người, với đời. Đôi khi tôi nghĩ là mình viết đã đủ rồi; đời đã nghe, người đã hiểu, nhưng khi ý nhạc tới thì lại ngồi xuống phím đàn, để mong tiếp tục gửi tới khách tri âm những tình ca của một đời nhạc NTM.

[footer]

Boléro có phải là nhạc sến hay không? (Tín Đức)

Để giới trẻ hiểu rõ hơn về dòng nhạc “sến” và dòng nhạc boléro, [dongnhacxua.com] xin đăng lại bài viết của nhạc sỹ Tín Đức đăng trên ThanhThuy.me

BOLÉRO CÓ PHẢI LÀ NHẠC SẾN KHÔNG?
(Nguồn: nhạc sỹ Tín Đức viết trên ThanhThuy.me)

Boléro là một điệu nhảy dân tộc, có nguồn gốc xuất xứ từ nước Tây Ban Nha, do một vũ sư tên là Sébastian Zérezo sáng tạo. Sau đó, theo làn sóng người di cư sang Tân thế giới, tiết điệu Boléro được phát triển mạnh ở Mỹ châu La tinh, mà đặc biệt là ở Cu Ba.

Được du nhập vào Việt Nam từ thập niên 50 của thế kỷ XX. Theo tài liệu sử nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chính là người đầu tiên đã sáng tác bài hát nổi tiếng “Duyên quê” bằng điệu Boléro. Âm điệu du dương của điệu nhạc này đã khiến cho khán thính giả thời đó nức lòng say mê! Rồi tiếp theo, còn rất nhiều nhạc sĩ khác ở miền Nam sáng tác nhiều ca khúc với tiết tấu Boléro như: Trúc Phương, Lam Phương, Dzũng Chinh, Vinh Sử… và ngay cả nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn, cũng đã từng sáng tác ca khúc “Lời buồn thánh” với lời lẽ ca từ thật hoa mỹ:
“Chiểu chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu. Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều. Trời mưa, trời mưa không dứt. Ô hay, mình vẫn cô liêu…”.

Ở miền Nam, hai thập niên 60-70 là đỉnh điểm phát triển thịnh hành của dòng nhạc Boléro. Thời gian này, trong giới bình dân lao động, đâu đâu cũng có hiện tượng hầu như “người người hát Boléro, nhà nhà nghe Boléro”. Để chạy theo thị hiếu quần chúng và cũng để theo yêu cầu vì lợi nhuận của các hảng băng đĩa thời đó, một số nhạc sĩ đã vội vội vàng vàng cho ra đời hàng loạt ca khúc có tiết điệu Boléro với các chủ đề: thất tình, cảnh nghèo khổ, cô đơn, bạc phận… với cách tiến dẫn giai điệu nghèo nàn, lời lẽ rẻ tiền, bình dân! Đây là loại hình thái kinh doanh âm nhạc dạng “mì ăn liền” mà giới phê bình âm nhạc gọi là “kỹ nghệ thương nhạc”. Thế nhưng, nó lại được lan truyền trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng (!) Đây chính là nguyên nhân khiến cho người ta nhầm lẫn, gọi tiết điệu Boléro là loại “nhạc sến”!

Nhạc sến là gì? Theo ý kiến của một số nhà phê bình âm nhạc, từ “sến” được nói trại ra từ chữ “cent”, có nghĩa là “xu”, là đơn vị tiền tệ thấp nhất vào thời trước. Theo đó, người ta mặc nhiên hiểu rằng nhạc sến tức là loại nhạc ba xu, loại nhạc rẻ tiền dành cho tầng lớp thợ thuyền, dân lao động, các ma-ri phông tên, ma-ri sến có trình độ thưởng thức âm nhạc cấp thấp! (Trong khi thật sự, các từ ngữ như: nhạc sến, nhạc vàng, nhạc xanh, nhạc đỏ không hề có và hoàn toàn không được nhìn nhận trong ngôn ngữ học thuật chuyên biệt về âm nhạc!)

Thêm nữa, do không thích hợp lắm trong thủ thuật phân câu, nên người ta không phổ thơ qua nền nhạc Boléro. Từ đó, dẫn đến việc rất nhiều ca khúc Boléro có ngôn ngữ bình dân, ít mang tính ngôn ngữ văn học sâu sắc! Đây cũng chính là yếu tố để người ta đánh giá cho rằng Boléro là thể loại nhạc bình dân, rẻ tiền.

Thật sự, Boléro không phải là nhạc sến! Chúng ta có thể khẳng định điều đó một cách chắc chắn! Thế nhưng, nguyên nhân vì sao dòng nhạc Boléro dễ dàng đi sâu vào lòng người như vậy?  Xuất phát từ đặc tính tiết tấu được diễn đạt vừa phải, không nhanh cũng không chậm, khoảng 120 nốt đen trong một phút. Một đặc tính khác là trong khi Boléro nguyên thủy là loại nhạc được viết theo nhịp 3/4, nhưng khi du nhập sang Việt Nam lại được viết theo nhịp 4/4 với hai phách cuối thường được cấu tạo bởi một liên ba đen, hoặc là giai điệu được tiến dẫn bởi những liên ba đen liên tục nối tiếp nhau. Cách chia tiết tấu này rất phú hợp với tính chất của các bài dân ca hoặc sáu câu vọng cổ miền Nam. Đây chính là yếu tố giúp cho người ta khi nghe giai điệu này cảm thấy thật thân quen, gần gũi… Với các đặc trưng này, ta thấy tiết điệu Boléro rất phù hợp với những ca khúc mang tính tự sự, đậm đà chất dân gian, chẳng hạn như Mưa nửa đêm, Chuyện tình Lan và Điệp, Lời tạ từ, Tình thắm duyên quê…

Một tính chất quan trọng nữa là do kết cấu phân nhịp và bố cục giai điệu thường tiến dẫn một cách nhịp nhàng, đều đặn, ít có những nốt cao trào đột biến như những tiết điệu khác, nên Boléro có đặc trưng tạo ra một chuỗi giai điệu buồn. Những ca khúc sáng tác gợi nhớ về dỉ vãng hay tâm sự riêng tư rất thích hợp với loại tiết điệu này!
“Tôi muốn hỏi, có phải vì đời chưa trọn vòng tay. Nên những khi mưa nửa đêm, làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm…” (Mưa nửa đêm của Trúc Phương)

 

Mới đây, trong chương trình dự thi dành riêng cho dòng nhạc Boléro của một Đài Truyền hình địa phương, một MC đã nhầm lẫn, xướng danh nhạc sĩ Trúc Phương và một nhạc sĩ khác đều là “ông Hoàng nhạc Boléro”. Thật sự, danh xưng “ông Hoàng nhạc Boléro” chỉ có một, người ấy chính là nhạc sĩ Trúc Phương; còn nhạc sĩ kia chỉ là “ông Hoàng nhạc sến” mà thôi! Thật vậy, trong thời hoàng kim của nhạc Boléro, nhạc sĩ Trúc Phương đã được xem như “ông Hoàng nhạc Boléro” với các ca khúc nổi tiếng, đi sâu vào lòng người qua biết bao thế hệ như: Tàu đêm năm cũ, Mưa nửa đêm, Hai chuyến tàu đêm, Nửa đêm ngoài phố…

Nhắc đến nhạc sĩ Trúc Phương, ắt hẳn người dân Vĩnh Long không cảm thấy xa lạ gì, bởi vì vào khoảng giữa thập niên 80, ông có biên chế và là Hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Cửu Long (gồm Vĩnh Long và Trà Vinh). Trúc Phương đã sống tại Thị xã Vĩnh Long khoảng mười năm. Một số ca khúc đã được ông sáng tác trong giai đoạn này: Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách… Riêng ca khúc “Về chín dòng sông hò hẹn”, với tiết tấu Boléro cộng với chất dân ca Nam Bộ đậm đà,  đã được các ca sĩ  trong và ngoài tỉnh Cửu Long cùng với các hảng băng đĩa thời đó sử dụng trình bày và thu thanh, trong đó có ca sĩ Đình Văn trong nhóm Bách Việt đem ca khúc này phổ biến tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, tựa đề của bài hát này được đặt tên cho cuộc hội diễn Nghệ thuật Quần chúng hàng năm cho 11 tỉnh Tây Nam Bộ.

Cũng vào thập niên 80, nhạc sĩ Trần Tiến đã từng cộng tác với Đoàn Ca múa tỉnh Cửu Long. Thời gian này, ông có viết một bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ trên nền nhạc Boléro, đó là bài “Sao em nỡ vội lấy chồng”. Ca khúc này rất được nhiều người yêu thích, đã từng đoạt giải thưởng quốc gia!

Khi đi sâu, tìm hiểu lại xuất xứ của tiết điệu này, ta sẽ thấy có rất nhiều nhạc sĩ lừng danh trên thế giới đã từng sáng tác nhiều tác phẩm bất hủ trên nền tiết tấu này  như: nhạc sĩ dương cầm Chopin trong chương Piano Solo (op.19). Debussy với bài Soirée Dans Grenada.

Nhạc sĩ tài danh Bizet cũng đã sử dụng điệu Boléro trong vở Opéra nổi tiếng thế giới “ Carmen”. Nhạc sĩ Charles Aujuste De Bariot với bản Concerto nổi tiếng “Scène De Ballet”.
Một số biến thể khác của điệu Boléro mà giới sưu tầm âm nhạc thường gọi là biến tấu Habanera (Tiền thân của Tango ở Cu Ba). Đó là những vở Opéra từng nổi đình đám ở Pháp và Tây Ban Nha.

Sau năm 1975, cũng  có một số nhạc sĩ Cách mạng viết nhiều ca khúc rất hay mang âm hưởng tiết tấu Boléro như: Ngày mai anh lên đường, Gần lắm Trường Sa, Nhánh lan rừng… Đây là những ca khúc đã đi sâu vào lòng người vì có giá trị nghệ thuật cao .

Qua một số minh chứng trên , khi đúc kết lại chúng ta nhận thấy Boléro là một tiết điệu âm nhạc có bề dày lịch sử hình thành và phát triển. Nó có tính chất đặc thù, một giá trị riêng biệt. Tính nghệ thuật của nó rất cao được nền âm nhạc cùa cà thế giới thừa nhận, không hề thua bất cứ một tiết tấu nào khác như “ Vasle, Boston, Slow hay các điệu nhạc trẻ như Soul, Rock…

Việc ở miền Nam trước đây dòng nhạc rẻ tiền kiểu “kỷ nghệ thương nhạc” là có thật! Tuy nhiên, thực chất nó được viết với các tiết tấu đa dạng như: Slow Rock, Vasle, Boléro, Soul…chứ không riêng gì với điệu Boléro. Thế nhưng, ta phải thừa nhận rằng có rất nhiều bài hát rẻ tiền thời này thường sử dụng điệu Boléro.

Đến với âm nhạc là ta đến với một lĩnh vực cần có sự học tập tìm hiểu và nhận định chính xác. Để từ đó ta mới cảm nhận được hết cái hay cái đẹp tinh túy của âm nhạc! Do đó việc nghiên cứu và xét lại đúng một trào lưu hay một phong cách nào đó trong nghệ thuật nói chung hay âm nhạc nói riêng là công việc rất cần thiết và cẩn trọng.

Tác giả viết bài này không ngoài ý tưởng trên, muốn minh chứng cho người yêu thích âm nhạc, nhất là các bạn trẻ có được nhận xét thật khách quan về một lĩnh vực nhỏ trong âm nhạc: vấn đề tiết điệu  Boléro không phải chỉ dành cho dòng nhạc bình dân, rẻ tiền như người ta đã từng nhầm lẫn!

Tín Đức
(25-12-2014)

[footer]

Tượng đài nào dành cho Thái Thanh? (Việt Lang)

[dongnhacxua.com] vừa nhận được bài viết của tác giả Việt Lang từ trang www.casithaithanh.wordpress.com. Trên tinh thần tôn trọng thông tin đa chiều, chúng tôi xin cảm ơn tác giả và đăng bài viết này.

TƯỢNG ĐÀI NÀO DÀNH CHO THÁI THANH
(Nguồn: tác giả Việt Lang gởi từ www.casithaithanh.wordpress.com)

Ca sỹ Thái Thanh. Ảnh: https://casithaithanh.wordpress.com/
Ca sỹ Thái Thanh. Ảnh: https://casithaithanh.wordpress.com/

Gần như đất nước nào cũng có một hình tượng nữ danh ca để đại diện cho dân tộc mình. Không dám chạm đến từ “diva” vì nó đã bị lạm dụng và có thể khiến mỗi người nghĩ đến một khía cạnh khác nhau: thành công về mặt thương mại, về mặt số lượng khán giả, v.v…. Xin chỉ chú tâm về những nữ ca sĩ được đất nước họ xem như di sản văn hóa. Nước Pháp có Edith Piaf, Bồ Đào Nha có Amalia Rodrigues, đảo quốc Cape Verde có Cesaria Evora, Mỹ có Billie Holiday. Chắc chắn trước và sau họ đã có những giọng ca nữ khác kiếm ra nhiều tiền hơn, có nhiều khán giả hơn, nhưng lại chẳng có được cái địa vị của một giọng ca đã đi vào lịch sử dân tộc như họ. Họ có những điểm gì chung?

Trước hết phải là khả năng ca hát xuất chúng, nhưng nổi bật nhất vẫn là bản sắc dân tộc trong nghệ thuật, từ trong cách phát âm ngôn ngữ đến nhạc tính, nhất nhất đều rất tiêu biểu cho quê hương họ. Một yếu tố nữa, đó là cuộc đời và âm nhạc của họ đều trải qua và phản ảnh nhiều giai đoạn thăng trầm, đau đớn của đất nước,“khóc cười theo phận nước nổi trôi”. Thái Thanh đã hội đủ cả ba điều kiện trên. Bà lớn lên trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều hát và đàn nhiều nhạc cụ dân tộc, như Phạm Duy đã viết trong hồi ký và cả chính Thái Thanh cũng đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Thụy Khuê: “Mẹ tôi chơi đàn tỳ bà hay lắm, cho nên cái chất dân ca nó ngấm vào mình từ lúc còn nhỏ.” Bà diễn được cái hồn của những bài ca nhuộm màu dân ca như Đố Ai, Nụ Tầm Xuân, Hội Trùng Dương…. đã đành, mà khi tiếp xúc với những dòng nhạc mới hơn như Paris có gì lạ không em, Tuổi 13, Nghe những tàn phai…. bà đã “dân tộc hóa” chúng bằng cách nhấn nhá, luyến láy rất Việt Nam. Được nuôi dưỡng bằng những điệu dân ca của cha mẹ từ thời thơ ấu ở Hà Nội, bắt đầu ca hát trước khán giả trong chiến khu trong những ngày tháng kháng chiến chống Pháp, trở thành giọng ca đắt giá nhất ở Sài Gòn hoa lệ thập niên 50, 60, 70, tắt hẳn trong suốt 10 năm(1975-1985), cuối cùng sống lưu vong ở Mỹ và ca hát trong niềm thương nhớ quê mẹ suốt hơn 10 năm trước khi giải nghệ khi mái tóc đã bạc trắng. Thái Thanh sống cuộc đời của nhiều triệu khán giả và hát lên nổi lòng của nhiều thế hệ.

Những Edith Piaf, Amalia Rodrigues, Cesaria Evora đã nghiễm nhiên đi vào lòng của đại đa số khán giả của đất nước họ. Thái độ của thế hệ trẻ của Pháp, Bồ Đào Nha, Cape Verde và Mỹ cho ta thấy họ đã và sẽ là một hình tượng được tôn thờ và bất tử. Riêng hoàn cảnh của Thái Thanh thì dường như vẫn còn có một cái gì đó bấp bênh, mơ hồ vì Thái Thanh không có được sự liên tục trong các thế hệ khán giả như các “diva” kia. Suốt thời kỳ chiến tranh 1954-1975, một nửa đất nước ở phía Bắc không hề được tiếp xúc với giọng ca Thái Thanh. Sau chiến tranh thì một số đông khán giả thượng lưu và trung lưu cũ của miền Nam đã di tản ra nước ngoài. Tại đây, con cháu họ trong thập niên 80, 90 chỉ làm quen với những ca sĩ với lối phát âm, có thể vô tình, có thể cố ý, lơ lớ hoăc điệu đàng đến độ họ tạo ra một tiêu chuẩn mới trong âm nhạc: phát âm hời hợt và ca xướng với mục đích tạo ra âm thanh êm dịu, không đòi hỏi sự suy tư hay tập trung tư tưởng. Trong nước thì nhạc vàng bị cấm một thời gian dài . Thái Thanh bặt tiếng và trở thành tàng hình trong suốt 10 năm sau 1975. Vậy là một thập niên của sự nghiệp của bà bị lãng phí. Đau đớn nhất là các tài liệu, băng đĩa, chương trình biểu diễn của bà trên truyền hình đều đã bị thiêu hủy.

Ta tự hỏi trong vài chục năm nữa, có thể lớp khán giả mới của Việt Nam, sau khi đã chán chê với những y phục gợi cảm, vũ đoàn hoành tráng, với những của giai điệu khi Hàn, khi Hoa, khi Mỹ, sẽ suy tư thế nào về di sản ca nhạc thế kỷ 20 của Việt Nam? Có ai sẽ nhận ra Thái Thanh là gương mặt tiêu biểu và đương nhiên ? Nhưng dẫu cho Thái Thanh, vì hoàn cảnh nghiệt ngã của lịch sử, chẳng bao giờ đạt được cái tượng đài đó trong lòng đại chúng, chắc chắn sẽ có người này, kẻ nọ, trong 20, 30 năm nữa, sẽ vô tình lật lại những ca khúc và trang sử của thế kỷ 20. Rồi họ sẽ thốt lên.: “Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo” (1) để rồi lại chùng giọng “trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi” (2). Và có lẽ Thái Thanh cũng cần “Chỉ chừng đó thôi” (3).

(1) Ca khúc Mùa Thu Chết (Phạm Duy)
(2) Ca khúc Ngày đó chúng mình (Phạm Duy)
(3) Chỉ chừng đó thôi (Phạm Duy)

[footer]

Thằng Cuội (Lê Thương)

[dongnhacxua.com] chúng tôi may mắn là những khán giả đầu tiên của buổi chiếu ra mắt bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, dựa theo cuốn truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây là một bộ phim đáng xem! Cảnh quay đẹp. Diễn xuất mộc mạc của dàn diễn viên nhí. Kịch bản đầy tính nhân văn. Dàn dựng rất chỉn chu.
Dưới góc độ nhạc xưa, chúng tôi đặc biệt thích thú với nhạc phẩm “Thằng Cuội” của cố nhạc sỹ Lê Thương được các nhà làm phim chọn làm nhạc nền. Trên tinh thần đó, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu “Thằng Cuội” bất hủ.

nhi-dong-ca--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

thang-cuoi--1--le-thuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

thang-cuoi--2--le-thuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
Thằng Cuội (Lê Thương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

TRUNG THU NHỚ “THẰNG CUỘI” CỦA NHẠC SỸ LÊ THƯƠNG 
(Nguồn: tác giả Phan Kỷ Sửu viết trên BaoTayNinh.vn ngày 29/09/2009)

“Thằng Cuội” được Lê Thương viết khoảng thời gian 1946-1954 với những ca từ chơn chất, dân dã, dễ nhớ và dễ hát như một khúc đồng dao. 

Mỗi mùa Trung thu về dù tuổi thơ của tôi đã xa lắm rồi nhưng bài hát “Thằng Cuội” quen thuộc của ngày xưa vẫn còn vang vọng mãi trong tôi. “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to. Có thằng cuội già, ôm một mối mơ…”. Nhớ “Thằng Cuội” bỗng chạnh nhớ đến người đã sáng tác ra ca khúc bất hủ ấy- nhạc sĩ Lê Thương mà tôi đã từng gặp cách đây 18 năm.

Vào một ngày đầu tháng 4 năm 1991, nhận lời mời của Thu Thuỷ, người bạn gái lúc ấy là giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, tôi đến Nhà Văn hoá quận 8 thành phố HCM trên đường Phạm Thế Hiển dự đêm ca nhạc. Khi đang ngồi ở hàng ghế khán giả chờ đến giờ khai mạc thì có một cụ già khá tráng kiện, nhanh nhẹn đến ngồi cạnh tôi. Cụ ăn mặc rất bình thường với cái kính lão dầy cộm, sau nụ cười đôn hậu, giọng nói giòn giã, ông chủ động làm quen với tôi:

– Cậu mới đến đấy à! Cậu ở quận nào thế?

– Thưa chú! Cháu từ Tây Ninh đến.

– Ồ! Trên Tây Ninh cơ! Hồi trước 1975 tôi có đến Tây Ninh vài lần đấy.

Sau đó cụ kể một loạt về những thắng cảnh, những địa danh của đất quê hương tôi mà cụ đã đến và nói:

– “Tiếc quá bây giờ đã cao tuổi rồi. Tôi muốn về lại Tây Ninh mà chưa có dịp!”.

Qua trò chuyện, tôi mới biết đó chính là nhạc sĩ Lê Thương.

Sau đó nhạc sĩ Lê Thương kể chuyện về các giai đoạn sáng tác ca khúc của ông, về cuộc sống của ông. Tôi ngồi nghe say mê cứ muốn được ông kể mãi. Ông nói về giai đoạn sáng tác 3 bài Hòn vọng phu và Học sinh hành khúc. Tôi không hề biết được đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi ngồi cạnh người nhạc sĩ ấy. Vì nhạc sĩ Lê Thương đã mãi mãi ra đi từ ngày 18.9.1996.

Nhạc sĩ Lê Thương sinh năm 1914, tại Nam Định. Mồ côi mẹ từ năm lên 9 tuổi, ông lớn lên nhờ công ơn nuôi dưỡng của bà nội trong một gia đình theo đạo Công giáo có nền nếp luân lý đạo lý tốt đẹp. Tài năng âm nhạc của ông một phần do năng khiếu bẩm sinh, một phần do ảnh hưởng từ những ngày thơ ấu theo học ở một trường dòng. Ca khúc đầu tay ông viết năm 22 tuổi (1936) mang tựa đề “Trưng Vương” đã được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước giới thiệu trên Báo Lên Đàng. Lê Thương là một trong những nhạc sĩ tiền phong xây dựng nền móng cho âm nhạc Việt Nam cũng là nhạc sĩ tiền phong của nhiều thể loại âm nhạc khác. Nhạc sĩ Lê Thương cùng Nguyễn Xuân Khoát được khẳng định là những nhạc sĩ đầu tiên mở đầu cho dòng nhạc thiếu nhi. Ông chính là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của âm nhạc tiền chiến Việt Nam. Năm 1970, Lê Thương cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan, Hùng Lân, Trần Hữu Đức thực hiện chương trình “Phát thanh học đường” trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông đã sáng tác trên 100 ca khúc thiếu nhi.

“Thằng Cuội” được Lê Thương viết khoảng thời gian 1946-1954 với những ca từ chơn chất, dân dã, dễ nhớ và dễ hát như một khúc đồng dao.

Ngày xưa khi học tiểu học tại Trường tiểu học Tây Ninh, mỗi lần trung thu, các thầy cô thường dạy học trò chúng tôi hát. Cho đến bây giờ tôi cùng các bạn bè cũ dù ai cũng đã trên dưới tuổi 60 cả nhưng “Thằng Cuội” vẫn còn in đậm trong tâm hồn và gợi nhớ mãi kỷ niệm của những ngày thơ ấu: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ…”.

PHAN KỶ SỬU

[footer]

Hoài Cảm (Cung Tiến)

Cùng với ‘Thu vàng’, ‘Hoài cảm’ của Cung Tiến là những sáng tác đầu tay khi nhà nhạc sỹ chỉ ở vào độ tuổi 14-15 nhưng đã để lại dấu ấm sâu đậm trong lòng người yêu nhạc nhờ nét nhạc lãng mạn đặc trưng thời tiền chiến cùng ca từ đầy chất thơ. [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu ‘Hoài cảm’ cùng bài phỏng vấn của phóng viên Ngọc Lan báo Người Việt.

Hoài Cảm (Cung Tiến). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Hoài Cảm (Cung Tiến). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

hoai-cam--1--cung-tien--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com hoai-cam--2--cung-tien--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com hoai-cam--3--cung-tien--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

PHỎNG VẤN TÁC GIẢ ‘HOÀI CẢM”: “ÂM GIAI NGŨ CUNG LÀ MỘT KHO TÀNG” 
(Nguồn: www.phongvienngoclan.com)

Ngày 10 tháng 7, 2010 sắp tới, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA) sẽ thực hiện chương trình nhạc Cung Tiến với chủ đề “Vết Chim Bay.” Nhân dịp này, Người Việt nói chuyện với người nhạc sĩ tài hoa, cũng là một nhà kinh tế, về nhiều vấn đề; về những bản nhạc xưa, và cả câu hỏi: có hay không, một mối liên hệ giữa âm nhạc và… luật cung cầu. Bài phỏng vấn do phóng viên Ngọc Lan thực hiện.

Nhạc sỹ Cung Tiến.
Nhạc sỹ Cung Tiến.

Ngọc Lan (NV): Nhắc đến nhạc sĩ Cung Tiến, không thể không nhắc đến “Hoài Cảm.” Thật khó để hình dung ra ở tuổi 14, 15 lại có một nỗi khắc khoải như vậy, về nỗi nhớ, về cố nhân. Nhạc sĩ có thể chia sẻ một chút gì về tác phẩm này?

Nhạc sĩ Cung Tiến: “Hoài Cảm” không phải là tác phẩm quan trọng lắm, bởi vì ở cái tuổi 14, 15 thì đâu có nghĩ sẽ viết một tác phẩm quan trọng đâu.
Hoài Cảm là bài hát mà tôi viết ra trong tưởng tượng. Tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào mình yêu mến thôi, chứ không có ý nghĩ sâu xa gì đằng sau cả. Ðó chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng trong âm nhạc cũng như trong lời ca. Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.
Âm nhạc hay bất cứ sáng tác nghệ thuật nào, cũng là sự tưởng tượng cả. Tưởng tượng về cái này, tưởng tượng về cái kia, gây lên một mối sầu, mối buồn hay mối vui hay mối khoan thai, hoàn toàn là tưởng tượng của người sáng tác.

NV: Mặc dù nhạc sĩ nói là do trí tưởng tượng, nhưng sự tưởng tượng cũng phải xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa nào đó, chẳng hạn như có ý kiến cho rằng ở thời điểm đó, cái đẹp, cái hay thường gắn với nỗi buồn?

Nhạc sĩ Cung Tiến: Hồi đó nghĩ gì mình đâu có biết, mấy chục năm rồi, đi học thì nghĩ lơ tơ mơ vậy. Tất nhiên bài đó không có một đối tượng nào cả – no object, hoàn toàn là trong tưởng tượng. Trong tưởng tượng, nhớ một người nọ, nhớ một người kia, nhớ một người yêu, nhớ một người bạn, hay là nhớ bất cứ ai. Nhớ là hồi đó tôi mới ở ngoài Bắc vào, năm 1952. Tôi đi sớm, tức là từ Hà Nội vào Sài Gòn sớm lắm. Lúc đi, nhớ tất cả những gì mà ở Hà Nội ghi vào ký ức mình, thì là có bản nhạc đó.

NV: Nhạc sĩ có từng mơ mình sẽ trở thành một nhạc sĩ trước khi trở thành một chuyên gia kinh tế không?

Nhạc sĩ Cung Tiến: Không. Chả bao giờ mơ làm nhạc sĩ. Có một chuyện này, hôm tôi mới vào Sài Gòn, trên đài phát thanh quốc gia có tổ chức tuyển lựa ca sĩ các thứ. Tôi cũng lên hát dự thi, nhưng tôi không nhớ hát bài gì. Khi về nhà, thấy ông bố của tôi vứt hết quần áo, sách vở của tôi ra trước cửa. Bởi vậy, mình đâu có mơ đâu, mặc dù mình có mơ cũng bị ám ảnh vì trong gia đình không muốn mình làm như vậy.

NV: Khi Cung Tiến nổi tiếng với những nhạc phẩm như “Hoài Cảm,” “Thu Vàng,” “Hương Xưa,” nhạc sĩ thích người ta biết đến trong vai trò nào? Một nhạc sĩ hay một nhà kinh tế?

Nhạc sĩ Cung Tiến: Tôi nhiều sở thích lắm, như văn chương, tiểu thuyết, thơ, thích hội họa, toán học và kinh tế học. Kinh tế học là ngành hồi đó tôi được học bổng đi ra ngoại quốc học.
Tôi có rất nhiều sở thích nhưng âm nhạc vẫn là sở thích đầu tiên và cuối cùng trong đời của tôi.

NV: Ngoại trừ một vài ca khúc như “Hoài Cảm,” “Thu Vàng,” “Hương Xưa,” còn lại hầu hết các tác phẩm của Cung Tiến đều phổ từ thơ của Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, hay ý thơ của Xuân Diệu… Nhạc sĩ có thể chia sẻ gì về điều đó không?

Nhạc sĩ Cung Tiến: Hồi nhỏ học trung học thì tôi chỉ biết âm nhạc tôi viết là “popular song,” tức là những ca khúc phổ biến, phổ thông. Trong âm nhạc có nhiều khía cạnh, nhiều thứ, nhiều những trật tự mình phải theo, như hòa âm, đối điểm, tổ khúc, phối âm… mà hồi đó ở Việt Nam tôi chưa được học. Lúc học xong trung học, năm 1956, được học bổng sang Úc học về kinh tế. Trong thời giờ rảnh, tôi đi học thêm âm nhạc ở Nhạc Viện Sydney, từ đó tôi mới khám phá ra những khía cạnh khác của âm nhạc, không phải chỉ một melody, một làn điệu mà còn nhiều yếu tố khác tạo nên âm nhạc.
Từ đó trở đi, tôi rất ý thức việc phổ thơ, phổ nhạc vào thơ vì thơ đứng một mình đọc cũng được, nhưng nếu có nhạc đi kèm vào, phụ họa vào thì nó có một chiều kích (dimension) khác, một kích thước khác, gọi là ca khúc nghệ thuật, “art song,” tức là lấy một văn bản có giá trị như thơ viết thành nhạc và cho vào bối cảnh hòa âm hoặc là bằng piano, hoặc bằng một cái đàn ghita hoặc một ban nhạc.

NV: Nếu một người bắt đầu học kinh tế, nhạc sĩ có khuyên họ sẵn đó nên học nhạc luôn không?

Nhạc sĩ Cung Tiến: Không. Với tôi, kinh tế là một sở thích bắt buộc vì tôi nhận được học bổng đi học cái đó. Nhưng học kinh tế rồi mới thấy nó cũng là một nghệ thuật, nghệ thuật đoán trước người tiêu thụ muốn gì và đoán để người sản xuất làm ra cái đó, phải có sự quân bình giữa cung và cầu. Giản dị như vậy thôi. Ðó là vấn đề nghệ thuật chứ khoa học thì lại khác, hoặc là vật lý học hoặc gì khác thì nó chính xác hơn. Cái này không chính xác cho nên có những rủi ro, vì thế nó là một nghệ thuật.
Thế nhưng, áp dụng nghệ thuật kinh tế vào âm nhạc thì không thể được.

NV: Xin nhạc sĩ giải thích sự giống nhau và khác nhau giữa những ca khúc sau này của nhạc sĩ so với những bài hát xưa, như “Hoài Cảm,” “Thu Vàng,” “Hương Xưa…”

Nhạc sĩ Cung Tiến: Ngày xưa tôi không biết xài chất liệu âm thanh của Á Ðông, như âm giai ngũ cung chẳng hạn. Nhưng về sau, khi được học nhiều về nhạc, tôi mới ý thức thêm là mình có cái kho tàng về giai điệu, làn điệu Việt Nam chưa khai thác được là âm giai ngũ cung.
Vì thế, một trong những tác phẩm của tôi khác ngày xưa là bản “Hoàng Hạc Lâu,” thơ của thi sĩ Thôi Hiệu đời Ðường, được Vũ Hoàng Chương dịch sang tiếng Việt. Ðó là bản đầu tiên tôi có ý thức dùng chất liệu quý báu của âm nhạc dân tộc ta khi phổ nhạc.

NV: Trong những sáng tác không nhiều của mình, bài hát nào để lại cho nhạc sĩ nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc nhất, cho đến bây giờ?

Nhạc sĩ Cung Tiến: Khó nói lắm. Như thể mình có 10 đứa con mà phải nói xem mình thương đứa nào nhất vậy.
Có những bài ca như những đứa con lạc đi đâu mất. Ví dụ như bản Mùa Hoa Nở, tôi viết năm 1956. Khi rời Việt Nam, tôi không mang theo bất cứ một thứ gì. Tất cả tài liệu, sách vở để lại Sài Gòn hết.
Tình cờ một hôm, ca sĩ Mai Hương gửi cho tôi một bản “Mùa Hoa Nở.” Tôi ngạc nhiên: “Ủa, đứa con này bị thất lạc đi đâu mà mặt mũi lem luốt quá!” Về nhà tôi mới thương nó, mới sửa lại thành ra hợp xướng khúc.
Nói tóm lại, không bản nào tôi hoàn toàn coi là thương hơn bản khác, bởi mỗi một thời kỳ tôi sáng tác có một kỷ niệm riêng của thời kỳ đó. Thời nhỏ đi khỏi Hà Nội là nhớ Hà Nội. Rồi từ hồi di cư vào Nam, nhớ những đoàn người từ ngoài Bắc xuống miền Nam bỏ chế độ Cộng Sản đi vào, gây cho tôi một cảm tưởng, một xúc động khác. Rồi đến khi là sinh viên, lại một xúc động khác.
Thế nhưng, có thể nói tác phẩm tôi trân quý nhất đến bây giờ là tập “Vang Vang Trời Vào Xuân.” Ca khúc đó của một người bạn thân là nhà thơ Thanh Tâm Tuyền và những bài thơ đó được sáng tác trong trại tù cải tạo mà ông ta nhớ, bằng cách nào ông đưa ra ngoài để in… Những điều đó làm tôi hết sức cảm động. Tôi viết thành 12 bản rồi sau rút lại còn 10 bản. Ðó là những gì suốt đời tôi trân quý nhất về tình người, tình bằng hữu và tình cảnh đất nước chúng ta hồi đó.

NV: Xin nhạc sĩ chia sẻ với độc giả chúng tôi về cuộc sống hiện tại của ông.

Nhạc sĩ Cung Tiến: Tôi về hưu hơn hai năm nay rồi. Hiện tôi ở Minnesota cùng vợ. Con trai tôi sống ở tiểu bang khác. Tôi có hai con chó, hàng ngày nuôi chúng, đi chơi với chúng, viết nhạc và đọc sách.

[footer]