Cát bụi (Trịnh Công Sơn)

Với những người theo đạo Chúa thì thứ tư hôm nay là một ngày đặc biệt vì đó là Thứ Tư Lễ Tro. Ý nghĩa chính của ngày lễ này là để chúng ta ý thức thân xác con người hình thành từ tro bụi và một mai sẽ trở thành bụi tro, chỉ có linh hồn là có sự sống vĩnh cửu, vượt ra khỏi giới hạn của không gian và thời gian. Nhắc đến những điều này không phải để chúng ta tự ti yếm thế mà để chúng ta sống yêu thương hơn, bớt đi hận thù và những sân si đời này. Dòng Nhạc Xưa xin chúc người yêu nhạc có những phút giây lắng đọng để tìm về lại với chính cái tôi tốt đẹp vốn có của mỗi người!

Cát bụi (Trịnh Công Sơn). Ảnh: theharmonica.net

ĐÔI NÉT VỀ HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA BẢN “CÁT BỤI” (Nguồn: bài viết của Trịnh Công Sơn đăng trên Tạp chí Thế Giới Âm Nhạc, số 1-1998)

Trịnh Công Sơn chụp ở ban công ngôi nhà của ông trên đường Nguyễn Trường Tộ, Huế vào khoảng 1969. Ảnh: tcs-home.org

Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim ”Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6 . Đây là bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong 6 tập có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh mỗi lúc một uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường dưới gốc cây to có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một đám lá vàng đỏ trải dài trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt giây. Người nghệ sĩ mù nói : có kẻ bất thiện đang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay.

Hết phim, tôi tản bộ ngang trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tôi về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn “ Zorba le Grec”. Đến đoạn Zorba than thở : “ Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi.Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích.

Đó là câu chuyện sự ra đời của bài “ Cát bụi”.

Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu.

Bây giờ thì người hiệp sĩ mù kia đã chết rồi. Khoảng hai năm nay. Người viết Zorba đã qua đời dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chết. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakits tiểu thuyết hoá thì nay ông cũng mất rồi.

“ Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”

Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi.

Tạp chí Thế Giới Âm Nhạc, số 1-1998

LẮNG NGHE VÀ CẢM NHẬN: CÁT BỤI (Nguồn: bài viết của tác giả Liêu Hà đăng trên 24h.com.vn ngày 2013-11-30)

Tôi yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ vì nhạc Trịnh lãng mạn, hư hư, ảo ảo đến vô thường mà trong đó còn chứa biết bao những triết lý sâu sắc về tình yêu, về cuộc sống và đời người. Ở nhạc Trịnh, người ta không chỉ bắt gặp những dấu son đẹp trong ca từ, sự tha thiết đến cuồng nhiệt yêu thương hay những lẽ sống trong cuộc đời mà ở đó còn có những hoang hoải, băn khoăn về một kiếp người ngắn ngủi, sinh ra, lớn lên, già đi rồi mất cũng chỉ trong gang tấc. Những trăn trở đó, đã đi vào nhạc Trịnh nhẹ nhàng, lãng đãng như hơi thở nhưng vô cùng sâu lắng.

Dường như ông đã lĩnh hội đủ sâu, đủ thấm thía triết lý nhân sinh của đạo Phật và quy luật sinh lão bệnh tử của tự nhiên. Con người thật nhỏ bé, làm sao có thể chống trọi được sự khắc nghiệt này. Và nghe Cát bụi người ta sẽ cảm nhận được tất cả những tâm tư đó.

Con người chỉ là hữu hạn trong thế giới rộng lớn đến vô hạn. Có thể kiếp trước ta cũng chỉ là một hạt bụi vô danh nào đó lơ lửng trong vũ trụ, được tái sinh thành kiếp con người mang hình hài và số phận. Chúng ta sống trong vòng tay yêu thương của người thân, của bạn bè rồi lớn lên trong xã hội, học tập và phấn đấu, trưởng thành.

Tất cả đã cho ta có một cái tên, một vị trí đứng. Nhưng rồi trong một buổi chiều hoàng hôn tắt muộn, ta chợt nhận ra mái đầu xanh kia đã già rồi. Phải chăng đời người mong manh như hạt sương, khẽ chạm vào sẽ tan mất, hay là đám mây lững thững trên bầu trời sớm tan biến nhạt nhòa thành những giọt mưa. Vậy là mây cũng chuyển kiếp và con người lại về với cát bụi, phải chăng? Chính vì thế, Trịnh Công Sơn đã viết trong Cát bụi rằng:

“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi Để một mai tôi về làm cát bụi”.

Nhưng nếu ta chỉ nghe bằng tai mà chẳng cảm nhận Cát bụi bằng con tim và khối óc, thì bài hát chỉ đơn giản là sự hoang mang, lo lắng cho một đời người ngắn ngủi giống bông hoa sớm nở tối tàn tựa như mấy như khói. Hãy nghe lâu một chút, nhiều một chút đến thời điểm nào đó, con tim sẽ nhẹ nhàng rung động và vỡ òa lên niềm đồng cảm.

Hóa ra, Cát bụi không chỉ có thế. Cát bụi còn là cuộc sống với nhiều mảnh ghép và những màu sắc khác nhau nhưng có lẽ hai mảng sáng tối là đặc trưng hơn cả. Chính chúng ta sẽ là người lựa chọn cho mình một mảng màu nào đó để tự vẽ nên cuộc sống của mình. Một mảng màu thật đẹp, để khi chúng ta tan vào cát bụi, kết thúc một vòng quay luân hồi, vẫn luôn hãnh diện về một cuộc đời từng sống đầy ý nghĩa.

Theo Liêu Hà (Khampha.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *