Ánh nắng chiều trong ‘Nắng Chiều’ & ‘Đường Xưa Lối Cũ’

Ánh hoàng hôn đã được rất nhiều nhạc sỹ ghi lại trong trong âm nhạc qua không ít nhạc phẩm bất hủ . Dòng Nhạc Xưa xin mạn phép đăng lại một bài viết của tác giả Trần Chí Phúc về hai bản “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn và “Đường xưa lối cũ” của Hoàng Thi Thơ.

 

Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ). Ảnh: tkxuyen.com

Nghệ thuật viết ca khúc qua Nắng Chiều – Lê Trọng Nguyễn và Đường Xưa Lối Cũ – Hoàng Thi Thơ

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-11-05)

Cả hai bản đều nói về buổi chiều dịu nắng với kỷ niệm khó quên trong đời thời tuổi trẻ. Trong những lần tụ họp văn nghệ cùng bạn bè, cầm cây ghi ta nghêu ngao đàn hát những nhạc phẩm quen thuộc, khi hát Nắng Chiều thì chuyển sang Đường Xưa Lối Cũ nghe rất hợp tai. Là vì cùng một cảm xúc, cùng một thể điệu Bolero, cùng một tông Rê Trưởng ( dòng nhạc có hai dấu thăng), đoạn điệp khúc cả hai bản đều chuyển sang tông tương đối là Si Thứ (cũng dòng nhạc có hai dấu thăng ); rồi trở về kết thúc bài hát ở tông Rê Trưởng.

Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sinh năm 1926 tại Quảng Nam. Ông viết Nắng Chiều năm 1952 – để nhớ về tình yêu đối với một bóng hình giai nhân đã gặp trong đời. Lời ca như sau:

“Qua bến nước xưa lá hoa về chiều. Lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa. Khi đến cuối thôn chân bước không hồn. Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ.

Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy. Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh. Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm. Má em màu ngà tóc thề nhẹ hương.

Điệp khúc: Nay anh về qua sân nắng, chạnh nhớ câu thề tim tái tê, chẳng biết bây giờ người em gái duyên ghé về đâu. Nay anh về nương dâu úa, giọng hát câu hò thôi hết đưa, hình bóng yêu kiều kề hoa tím biết đâu mà tìm.

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà. Gợn buồn nhìn anh em nói mến anh. Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi. Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi.”

Nhạc phẩm Nắng Chiều ra đời được đón nhận nồng nhiệt. Năm 1957, đoàn ca nhạc Nhật Bản sang Sài Gòn trình diễn, có hát bản này rất thành công. Năm 1960, đoàn ca nhạc Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đến Sài Gòn và cũng hát bản Nắng Chiều. Bản Nắng Chiều được dịch sang lời Hoa và lời Nhật và trở thành một trong những bản tình ca Việt Nam nổi tiếng quốc tế.

Trong một đêm văn nghệ mừng Xuân ở thành phố Vancouver năm 1980 do cộng đồng người Việt Nam tổ chức, một anh người Đại Hàn lấy vợ Việt Nam đã lên sân khấu hát bản Nắng Chiều rất ngọt ngào.

Tên tuổi Lê Trọng Nguyễn gắn liền với Nắng Chiều, mặc dù ông có những sáng tác khác như Bến Giang Đầu (Nắng Chiều 2), Chiều Bên Giáo Đường, Lá Rơi Bên Thềm, Sao Đêm…

Bản Nắng Chiều được làm ca khúc chính trong cuốn phim tên Nắng Chiều sản xuất năm 1971 của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, do tài tử Thanh Nga đóng.

Còn Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh năm 1929 tại Quảng Trị. Ông viết bản Đường Xưa Lối Cũ năm 1959. Kỷ niệm trong ca khúc này là đường làng quê với hình bóng của một người thiếu nữ quen thời niên thiếu và người mẹ hiền.

Trong đời của một chàng thanh niên có hai người phụ nữ quan trọng nhất, đó là mẹ và người yêu, và cả hai đều được ghi nhớ trong tâm khảm. Lời ca của Đường Xưa Lối Cũ như sau:

“Đường xưa lối cũ có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo. Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi. Đường xưa lối cũ có tiếng ca , tiếng ca trên sông dài. Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai.

Đường xưa lối cũ có em tôi tóc xanh bay mơ màng. Đường chiều dịu nắng bóng em đi áo nâu in đường trăng. Đường xưa lối cũ có me tôi run run trong hôn hoàng. Lòng già thương nhớ, nhớ đến tôi lom khom đi tìm con.

Điệp khúc: Khi tôi về bồi hồi trong nắng, tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về. Nào ngờ người em đã sang ngang khi xuân chưa tàn, con đò nào đây đưa em tôi về xa vắng. Khi tôi về nghẹn ngào trong nắng, tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về. Nào ngờ mẹ tôi đã ra đi bên kia cuộc đời, không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ.

Chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi. Lạnh lùng tưởng nhớ bóng dáng ai in sâu trong lòng tôi. Đường xưa còn đó nắng vẫn lên, vẫn trăng treo ven đồi. Mà hình bóng cũ thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi.”

Trong một sô diễn thoại kịch trên đài truyền hình Sài Gòn trước năm 1975, có diễn viên đã cất tiếng hát bản Đường Xưa Lối Cũ thay cho lời nói mà không cần đàn, làm khán giả nhớ mãi.

Cảm xúc trong Nắng Chiều nhẹ nhàng, nhớ tới người thương không biết bây giờ ra sao, câu nhạc gọn gàng, lời ca thơ mộng, dễ nhớ.

Trong khi bản Đường Xưa Lối Cũ thì lời ca dài hơn nên khó nhớ, cảm xúc thật mạnh mẽ khi hát tới câu “nào ngờ người em đã sang ngang khi Xuân chưa tàn” hay “nào ngờ mẹ tôi đã ra đi bên kia cuộc đời ”.

Chiều mưa gợi nhớ kỷ niệm là đề tài cho nhiều ca khúc, nhưng chiều nắng mênh mang làm nhớ về quá khứ hoa mộng cùng quê nhà đã xa. Hai ca khúc Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn và Đường Xưa Lối Cũ của Hoàng Thi Thơ, mỗi bản mỗi vẻ đẹp nghệ thuật trong dòng tân nhạc Việt Nam.

Trần Chí Phúc / SBTN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *