Trong bài viết về nhạc phẩm có số phận long đong ‘Gửi người em gái miền Nam’, [dongnhacxua.com] có nhắc đến anh Nguyễn Văn Lộc, mà bạn bè hay gọi là Lộc ‘vàng’ vì anh là người đã khai trương quán Lộc Vàng, một trong những phòng trà trình diễn nhạc vàng đầu tiên trên đất Bắc. Cũng vì tình yêu nhạc vàng bất tận mà bản thân anh đã vướng vòng lao lý trong một vụ án chấn động miề Bắc ngày đó.
Với nhiều người Hà Nội, vụ án Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử về tội truyền bá văn hóa đồi trụy của chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền phản cách mạng và chống lại các chính sách pháp luật của nhà nước, họ vẫn chưa quên được. Người đàn ông Nguyễn Văn Lộc năm xưa trong vụ án này bây giờ là chủ quán Lộc vàng tại ven đường Hồ Tây.
Anh Lộc châm thuốc cho anh Toán “xổm” trước khi anh Toán mất. ảnh Nguyễn Đình Toán
Hồi đó anh Lộc và những người bạn vì quá mê nhạc tiền chiến nên đã thành lập nhóm nhạc để tụ tập hát nhạc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn – từ Linh, Đặng Thế Phong…và các nhạc sỹ miền Nam như Ngô thụy Miên, từ Công Phụng…Ngày 27/3/1968, nhóm nhạc anh bị bắt và tạm giam ở Hỏa lò 3 năm. Vào các ngày 6,7,8 tháng 1 năm 1971 Tòa án nhân dân Hà Nội mở phiên toàn xét xử gồm 7 thành viên. Tòa tuyên án Toán “xổm” 15 năm tù, Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù, anh Lộc 10 năm tù… Sau khi hiệp định Paris được ký kết, anh Lộc được giảm án xuống còn 8 năm tù . Năm 1976 anh ra tù.
Báo Hà Nội ngày 12/1/1971 đưa tin Phan Thắng Toán và đồng bọn bị xét xử. Ảnh: Facebook của Nguyễn Tuấn Ngọc
Anh thương nhất là anh Toán “xổm” ra tù, mất hết tất cả, không nơi nương tựa, sống nhờ cậy bàn bè và sau đó anh nằm chết ở vệ đường vào năm 1994.
Anh Lộc tại quán Lộc vàng. Ảnh: Facebook của Nguyễn Tuấn Ngọc.
Tôi chưa nghe người nào hát nhạc phẩm: gửi người em gái của Đoàn chuẩn- từ linh hay bằng anh. Một giọng hát quá trữ tình và sâu lắng. Anh đã hát đúng bản gốc của tác phẩm này, vì anh cho biết nhạc phẩm đang được thu âm và hát lại bây giờ đã bị thay lời quá nhiều, nhất cả khi các ca sỹ hải ngoại hát.
Hàng ngày, người đàn ông này vẫn hát lại những ca khúc củ của một dòng nhạc đã đi qua bầu trời văn nghệ Việt Nam với biết bao trầm luận. Nó cũng giống như số phận của anh Lộc khi trót mang kiếp cầm ca.
Sáng nay, trong giây phút thư thả cafe sáng thứ bảy, [dongnhacxua.com] chúng tôi bất chợt gặp lại hình ảnh giàn mướp quê nhà qua tạp văn của tác giả Nguyễn Hiệp đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Hình ảnh người mẹ quê tần tảo lại hiện ra thấp thoáng bên giàn mướp sau vườn. Ngày đó, thập niên 1980, bản ‘Một sáng con về’ (nhạc sỹ Miên Đức Thắng phổ thơ Tường Linh) do Bảo Yến hát rất nổi tiếng, trong đó chúng tôi nhớ vài câu:
… Mẹ già ta đó Hái mướp bên rào Nắng mưa đã nhiều Tóc chiều đã xuống …
Thời gian mới đó mà đã hơn 30 năm. Giờ đây giàn mướp ở quê không còn nữa, mẹ cũng không còn khỏe để hái mướp như ngày nào. Thế nhưng mỗi chiều mẹ vẫn ra khu vườn cũ, lặng yên nhìn về một phương xa để mong những đứa con tha phương như chúng tôi một lần quay về ngồi bên mẹ bên giàn mướp như ngày xưa.
GIÀN MƯỚP CỦA MÁ (Nguồn: tác giả Nguyễn Hiệp đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)
TTCT – … “Từ độ người đi biết trưa quê Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn Thơm đến trưa này trưa mướp quê”.
(Trưa quê – Sao Mai)
Thời thơ ấu của tôi quanh quẩn với lẫm lúa, gốc chùm ruột và giàn mướp trước sân nhà. Tôi còn nhớ mồn một những ô tre với rất nhiều bông mướp vàng ươm lấm tấm phấn lấp ló như là có sự sắp xếp tài tình. Từng chiếc lá giông giống bàn tay cứng cáp, từng cái ngọn cong cong vươn ra sởn sơ mềm mại, từng xoắn móc neo giữ cẩn trọng… được thiên nhiên tạo bằng tất cả sự tinh xảo, âu yếm.
Và cái “tuyệt tác” giàn mướp ấy không thể thiếu những chú ong bầu tròn tròn đen đen như hòn bi ve biết bay. Tôi mê mẩn tiếng ong bầu trong ống tre, loại nhạc kỳ diệu của thời tuổi nhỏ.
Khi đã nhiều tuổi, để nhớ về má, tôi tạo lại giàn, dây mướp đã phủ đều bốn góc nhưng loay hoay mãi tôi vẫn chưa tìm được tre, lại chỉ đan bằng những cọng kẽm lớn, nhìn có vẻ chắp vá, thiếu đi cái hồn vía “thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về”. Dù là gì tôi vẫn xem đó là “giàn mướp của má tôi”, tôi thường ngồi hàng giờ với nó, cố giữ gìn, vun vén những rung động của chính mình và của tâm hồn thế giới xung quanh.
Cảm giác vậy nên mỗi lần ngồi dưới bóng râm mát của những bông vàng lấp ló ấy, tôi như thấy mình đang sống lại cái thuở thần tiên của đời người và hình như đâu đây thôi, má tôi đang bận rộn liền tay liền chân, năm tao bảy tiết chống chọi với gió mưa cuộc đời. Giàn mướp cảm giác, “giàn mướp của má tôi”, đã nhiều lần tôi gọi tên nó như vậy.
Bông mướp rụng nhiều là điềm chẳng lành. Bông mướp dày nhưng không đậu trái cũng không là điềm tốt đẹp. Cái búp như chiếc bông tai của người con gái mới được nhà trai đến dạm ngõ. Đôi bông ấy không đính hai hạt cẩm thạch lạnh lùng rào giậu mà nó mang, nó gợi cái tính, cái hồn của người con gái: vừa mơn mởn căng tràn sức sống lại vừa khuôn phép, rụt rè, vừa khao khát hiến dâng lại vừa e lệ, khép nép.
Mỏng mảnh yếu đuối vậy mà bông mướp đã trở thành hình ảnh khó phai, là chút gì đó hiền hòa, vương vấn, mến yêu không thể thiếu trước hiên nhà, sân nhà của miệt quê yên tĩnh. Hồi nhỏ, bọn trẻ xóm tôi thường ngắt ruột cọng mì từng đoạn, giữ lớp vỏ ngoài lại để tạo thành sợi dây chuyền, thắt lá dừa thành nhẫn, thành đồng hồ và bông mướp làm đôi bông tai, rồi len lén đeo tặng cho nhau, rụt rè nhìn trước ngó sau dúi vào tay nhau rồi ù chạy mà nhịp tim như nhịp trống.
Ôi! Những ngây thơ, ngây ngô, “ngố rừng” nhưng không kém phần da diết của một thời vụng dại. Dưới giàn mướp râm mát ấy, trò chơi đám cưới của những đứa bé quê chúng tôi đã thành những ký ức lung linh, quý giá hơn của cải vàng bạc châu báu. Chúng tôi mang theo như một phần hành trang trong suốt đời mình.
Nơi chân núi Tà Cú, tôi thường có khách văn ghé thăm. Dưới giàn mướp ấy, tôi để bộ bàn ghế đá uống trà, không hiểu sao câu chuyện của chúng tôi cứ thường quay về đề tài cảm giác. Chúng tôi đang ngồi uống trà, chợt tất cả ngoái nhìn ra vườn: bầu trời phủ đầy những chấm đen di động, thì ra đó là bầy ong mật đang chia đàn chuyển tổ.
Khi bầy ong tụ hết lại thành khối nơi góc giàn mướp, một nhà văn bạn đã nói: bầu trời giờ như chiếc tủ kính trong veo. Mọi người ồ lên xác nhận cái cảm giác ấy. Cảm giác đã tạo nên thái độ nhìn và cả thời tiết đời sống… Những lúc như vậy, tôi biết do cái khung cảnh dưới giàn mướp đã tác động đến chúng tôi nên cách nhìn, cách nghĩ của mọi người, của tôi trở nên lãng mạn như vậy.
Tạo hóa là một đấng sáng tạo điềm tĩnh, lạnh lùng, có phương pháp nhưng xét cho cùng cái mục đích thì lại để mở cho con người. Bầu trời cảm lạnh hay bầu trời trong veo là do cảm giác. Giàn mướp thơm tho hay không mùi vị cũng là cảm giác. Phàm những gì tinh tế chỉ có nơi những tâm hồn biết tĩnh lặng, biết lùi khỏi ồn ào, hào nhoáng, phù hoa.
Nhà thơ Sao Mai viết những câu thơ đã trở thành cổ điển về cái “trưa mướp quê” như có như không. Ấy vậy mà mỗi lần tôi nhớ lại, lẩm nhẩm đọc cứ rờn rợn trong người. Giàn mướp của má tôi, câu hỏi như không hỏi của nhà thơ Sao Mai: Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn đã tạo ra những dấu lặng trong đời sống tinh thần của tôi, mãi mãi là như thế.
NGUYỄN HIỆP
BÀI THƠ ‘MỘT SỚM MAI VỀ’ CỦA TƯỜNG LINH (Nguồn: ThiCa.net)
Một sớm mai về Ngày vui thứ nhất Ta đi chân đất Mặc áo vải thô Dẫm lá tre khô Rụng đầy lối sỏi Ta cười ta nói Ta hát nghêu ngao Bước thấp bước cao Qua bờ ruộng nhỏ Mẹ già ta đó Hái mướp bên rào Áo nâu thủa nào Thêm nhiều mụn vá Cần chi Mẹ à
Một sớm mai về Thằng bé nhà quê Thoát tầm lửa đạn Đầu ngày nắng sáng Nhà ai chung vườn Khói bếp mến thương Thơm xôi nếp mới Chia xa vời vợi
Một sớm mai về Tắm nước sông quê Ngàn đời chẳng đục Ta buông cần trúc Bờ cỏ êm ngồi Con giếc thả mồi Con rô đớp bóng Đài sen sương đọng Hồ lộng màu thu Trên ngọn mù u Có đôi chim gáy Trong chòm lau sậy Tiếng quốc u oa Dưới bóng đa già Cút côi quán nước Nằm trên cỏ mượt Ta nhẩm vần thơ Giấc mơ choàng tỉnh Ngày ấy… bao giờ?
(Nghe ‘Một sớm mai về’ qua nét nhạc Trầm Tử Thiêng và tiếng hát Khánh Ly)
Tiếp nối hình ảnh ngựa trong dòng nhạc xưa, hôm nay chúng tôi mời quý vị trở lại với thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam qua nhạc phẩm ‘Ngựa phi đường xa’ của nhạc sỹ Lê Yên. Theo nhiều nguồn thông tin mà chúng tôi sưu tập được thì bản này được nhạc sỹ Lê Yên cho phổ biến vào năm 1945. Có thể nói đây là bản nhạc đầu tiên đưa hình ảnh NGỰA vào âm nhạc.
Trước năm 1975, ‘Ngựa phi đường xa’ đã gắn liền với Ban Hợp Ca Thăng Long với khả năng giả tiếng ngựa hý độc đáo của ca sỹ Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm, người anh cùng cha khác mẹ với nhạc sỹ Phạm Đình Chương).
Lê Yên tên thật Lê Đình Yên (1917 – 1998) là một nhạc sĩtiền chiến nổi tiếng, thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của những ca khúc Bẽ bàng, Xuân nghệ sĩ hành khúc, Ngựa phi đường xa…
Lê Yên sinh ngày 30 tháng 7 năm 1917 tại Đông Yên, Quốc Oai, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông tự học nhạc từ khi 14, 15 tuổi và biết kéo violon, violoncelle để tham gia vào các ban nhạc tài tử lúc đó, trình tấu nhạc cổ điển.
Lê Yên thuộc nhóm Tricéa cùng với Văn Chung và Doãn Mẫn. Họ cùng nhau chơi nhạc và bắt đầu sáng tác khi tân nhạc chưa chính thức hình thành. Lê Yên viết những ca khúc đầu tay Vườn xuân, Một ngày vui khi 18 tuổi, vào năm 1935.
Năm 1935 ông viết bản Bẽ bàng, năm 1937 viết Xuân nghệ sĩ hành khúc và 1945 bài Ngựa phi đường xa. Những nhạc phẩm này vẫn được các ca sĩ của Sài Gòn trước 1975 trình diễn. Ngựa phi đường xa là một trong những ca khúc ban Thăng Long trình bày được khán giả yêu thích nhất.
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC PHẨM ‘NGỰA PHI ĐƯỜNG XA (Nguồn: tác giả Trầm Thiên Thu đăng trên ThanhLinh.net)
Trải qua hơn nửa thế kỷ, ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” vẫn căng đầy sức sống trong lòng người Việt ở mọi nơi.
Với tiết tấu nhanh và giản dị của nhịp 2/2, ca khúc này được viết ở âm thể Fa Trưởng, một dạng âm thể phổ biến, vẫn thể hiện được tiếng vó ngựa phi dứt khoát và oai hùng. Ca từ bình dị nhưng vẫn sâu sắc, đầy hình tượng và có vần điệu như thơ.
Mở đầu, NS Lê yên viết: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa, tiến trên đường cát trắng trắng xóa, tiến trên đường nắng chói chói lóa, trên đồng lúa theo cánh chim trời bay trên cao, cánh đồng lúa in sắc chân trời mây lan xa”. Những hình ảnh rất quen thuộc và bình thường: cát trắng, nắng chói, đồng lúa, nhưng vẫn có gì đó “độc đáo” khiến người ta hình dung bóng ngựa lao nhanh đi xa…
Từ những hình ảnh quen thuộc đó, tác giả dẫn đưa người nghe vào một thế giới khác thuộc tinh thần:“Ngựa phi ngoài xa thật mau, lúc nguy nàn ta yêu thương nhau, lúc bên đời quyết sức phấn đấu, giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu, cùng mây nước ta hát vang lừng trong nắng vàng, nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào”. Hình ảnh Việt Nam nổi lên khi tác giả dùng cụm từ “giống Tiên Rồng”. Dân Việt được mệnh danh là con của Rồng, cháu của Tiên, dù gian khó nhưng luôn hăng say và nỗ lực phấn đấu vì Nước Việt mến yêu.
Điều khiển ngựa không phải là dễ, phải luyện tập phi ngựa, phải có nghệ thuật và phải khéo léo cầm cương mới khả dĩ điều khiển ngựa theo ý mình, nhất là đối với những con ngựa chứng. Giai điệu đoạn nhạc này trầm xuống, thể hiện sự chú ý và nỗ lực của nài ngựa: “Ghìm từ từ ngọn đồi dốc, trèo từ từ, suối chân đèo nước chảy lừ đừ, sát bên dòng suối chảy lừ đừ, cờ tung gió bay ngựa bay phất phới, bờm tung gió bay đùa bay phất phới. Ghìm từ từ dừng trong gió ngàn vù vù, bước qua dồn cát bụi dạt dào, đường xa tắp bao bầy chim đón chờ”.
Cả một cánh đồng mênh mông hiện ra như một bức họa, một kiệt tác: Ngựa phi khiến cát bụi mịt mù dọc theo dòng suối chảy êm đềm, trong khi gió vi vu lay ngàn cây xanh lá. Một bức họa đồng quê rất trữ tình và thơ mộng, đậm nét quê hương!
Đoạn tiếp theo có giai điệu cao như lúc ngựa hí vang và chồm lên, rồi phi nước đại: “Ngựa phi trên con đường, hung hăng trên cánh đồng mênh mông, cất tiếng ca, chúng ta cười vang! Ngựa phi trên con đường, phi mau trong sương mờ đêm thâu, lao mình trong nắng mưa dãi dầu”. Ngựa vẫn dai sức phi ở mọi nơi, trong mọi thời tiết, dù ngày hoặc đêm, bất kể không gian và thời gian. Sức ngựa bền bỉ như vậy phải là ngựa giỏi lắm. Và nài ngựa cũng cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc.
Câu kết lặp đi lặp lại 4 chữ “ngựa phi đường xa” diễn tả vó ngựa tiến xa dần: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi đường xa”. Ngựa cứ phi nhanh, phi xa,… không hề biết mệt mỏi.
Mỗi chúng ta cũng như ngựa vẫn hí vang và chồm lên để vượt qua mọi nghịch cảnh.
Trên đường từ quê Ngoại ở Bến Tre quay trở lại Sài Gòn sau tết Giáp Ngọ 2014, chúng tôi có hỏi cô con gái nhỏ (mới 7 tuổi, đang học lớp một) về “điều gì làm con thích nhất mỗi khi về quê ăn tết?” Thật bất ngờ khi câu trả lời là “con được họp mặt và chơi với các anh chị”. (Xin mở ngoặc nói thêm ‘các anh chị’ ở đây là các anh chị họ, bé vẫn chưa có anh chị em ruột) Thật trùng hợp, trong thâm tâm của DòngNhạcXưa chúng tôi, những người không còn trẻ, ngày xuân ngày tết cũng chính là những ngày của sự “họp mặt”: với ông bà, cha mẹ, các bạn thời niên thiếu, bà con chòm xóm và cả cô láng giềng. Cũng nhờ tinh thần “họp mặt” này mà dân tộc Việt Nam chúng ta vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng và đáng trân trọng như thế!
Mong sao truyền thống “xuân họp mặt” sẽ mãi trường tồn cùng quê hương Việt Nam của chúng ta, như một bản nhạc xuân nổi tiếng viết năm 1973 của cố nhạc sỹ Văn Phụng.
Xuân họp mặt (Văn Phụng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Sáng mùng bốn, mẹ bưng cặp dưa hấu trên bàn thờ gia tiên xuống, mấy đứa cháu tròn mắt: Hết tết rồi hả ngoại? Ờ, người lớn thì hết nhưng con nít vẫn còn đến ra giêng.
Minh họa: Đức Trí
Chưa chắc, con thấy người lớn thường ăn tết lâu hơn con nít. Đứa cháu nổi tiếng có năng khiếu lý sự lại “trở chứng vặn vẹo” đầu năm.
Những đứa con của mẹ, trễ nhất là chiều mùng hai chúng đã tề tựu đông đủ dưới mái nhà mà cách nay mấy chục năm trước chúng lần lượt được sinh ra. Chỉ năm đứa ban đầu, sau đó nhân lên gấp đôi khi dựng vợ gả chồng; cứ mỗi năm, trong số đó ít nhất lại “đóng góp” cho việc tăng dân số trên toàn cầu một cá thể. Tính đến cái tết này thì đã tăng gấp bốn lần so với nguyên trạng.
Chiếc bàn tròn giữa nhà không còn đủ chỗ ngồi cho tất cả nên mâm cơm sum họp phải dọn trên bộ ván gõ. Bộ ván mà khi còn sống cha đã mua với sự tiên đoán tài tình rằng: Con cháu của mình sau này ngồi xếp bằng trên đó là vừa đủ!
May là nhà nước giới hạn chỉ tiêu chứ cứ thả cửa như hồi trước thì chắc cả nhà mình phải ngồi bẹp ngoài sân mới đủ chỗ. Người anh cả thay chỗ cha ngồi so đũa xưa kia, sau khi “duyệt quân số” của đại gia đình, buông câu pha trò rồi phớt lờ câu hỏi của đứa cháu ưa lý sự: Thả cửa là sao hở cậu?
Sau mâm cơm sum họp, những đứa con của mẹ lại tản ra khắp xóm để thắp nhang cho những người vắng mặt: những ông chú, ông bác, bà cô… những nhà mà cách đây vài mươi năm chúng từng để lại đó ít nhiều kỷ niệm; hễ nhắc đến con của bà Hai là người ta nhắc ngay đến cái câu: con trai con gái gì cũng phá như quỷ sứ!
Những bạn cấy, những bạn chăn trâu, phát cỏ ngày xưa, không ít đứa đến cái tết này lại “bể kế hoạch”. Thằng nuôi vợ đẻ từ lúc giao thừa chắc cho đến hết mùng, đứa bụng đội lùm lùm thẹn thùng ra cửa đón khách với ba bốn đứa con loi nhoi lít nhít chạy theo í ới. Gì thì gì, mỗi nhà cũng phải “vào ba ra bảy” mới thấm thía hết cái tình quê sau cả năm dài phờ mặt ở quê người.
Thấm thía đến nỗi cứ mỗi lượt ghé vào một nhà là thể nào cũng phải “dằn cọc” lại một người trong cánh đàn ông. Giáp vòng xóm, lúc quay về chỉ còn những “mẹ sắp nhỏ” với một bầy con nít mặt mày phờ phạc, cố ghi lại trong đầu thứ bậc của những người mà mình khoanh tay thưa gởi suốt từ sáng sớm đến chạng vạng.
Cánh đàn ông “rơi rớt” đâu đó dọc đường, chỉ còn cánh phụ nữ nhưng cũng vẫn phải ghé vào một nhà cuối cùng, thoi loi trên ngọn kinh trước khi băng tắt ngả ruộng về. Nhà của bà mụ vườn duy nhất trong xóm. Tụi con bà Hai chính một tay tui đỡ chớ ai vô đây!
Bà mụ vườn không còn để nhắc đi nhắc lại cái câu ấy mỗi khi chống gậy ra ngoài cửa, đón những đứa trẻ không còn trẻ đến thăm mình vào mỗi dịp tết. Bà đã đi theo những người cùng thời với mình vào những tháng ngày cuối cùng lạnh giá chưa từng thấy của năm cũ.
Mới năm ngoái thôi, bà còn lụm cụm soạn bộ đồ nghề của mình khi ngoài ngõ vang tiếng gọi: Em dâu con chuyển dạ rồi bà ơi! Đau gần cả tiếng đồng hồ rồi, con đậu xuồng dưới bến đợi nè, nhanh nhanh lên. Rồi tiếng cười phá lên rộn ràng làm bà sực nhớ ra: mình đã giải nghệ kể từ khi có cái trạm y tế, trước cả lúc bà tay run chân yếu mắt mờ.
Đứa con gái xưa kia nổi tiếng quậy phá hơn con trai, rưng rưng khi nhắc lại kỷ niệm của mình với bà mụ vườn.
Tết mà toàn nhắc chuyện xưa, tụi con không hiểu gì hết!
Trẻ nhỏ cằn nhằn.
Trong mắt chúng, người lớn thật lạ lùng. Họ cứ chờ đến tết để đi tìm những thứ được gọi là kỷ niệm và nhắc nhớ nó một cách nâng niu trân trọng, mặc dù chúng vô hình và quên bẵng: suốt một thời gian dài họ đã bỏ lăn lóc chúng ở nơi nào đó.
Trẻ nhỏ không hay chính chúng cũng đang bắt đầu tích cóp và bắt đầu bỏ quên. Nhiều đứa trong số chúng cất kỹ đến nỗi có lẽ trong tương lai gần sẽ không tài nào tìm ra cho được.
Lưỡi dao vừa xắn vào trái dưa hấu là đã phát ra tiếng bụp nho nhỏ. Cả một màu đỏ tươi hiện ra như một điềm báo, một lời chúc tốt lành. Mẹ phân phát hết cho con cháu, dâu rể, mỗi đứa một miếng là vừa đủ; chỉ riêng mình mẹ ngồi ngắm đàn con hối hả ăn sợ trễ chuyến xe đò cuối ngày. Sau món quà tết này, chúng lại cồn cả ra đi như chính lúc sửa soạn quay về.
Ra khỏi ngõ quê mình, những đứa con ấy đã không còn tết nữa!
Tiếp nối dòng văn nghệ về thế giới ngầm của Sài Gòn ngày trước, [dongnhacxua.com] xin đăng lại một bài viết trên VietnamNet.vn để úy vị có nhiều thông tin hữu ích.
CHUYỆN GIANG HỒ SÀI GÒN ĐI VÀO NGHỆ THUẬT (Nguồn: VietnamNet.vn)
Thực ra, không phải bây giờ đất Sài Gòn, nay là TP.HCM, mới có nhiều tội phạm. Từ xa xưa, Sài Gòn được ví von là “Hòn ngọc viễn Đông” là lãnh địa làm ăn của giới tội phạm cả nước tập trung về đây.
Trước năm 1975, có thể xem là thời điểm “thịnh” nhất của tội phạm xã hội. Hồi ấy, người ta gọi chúng là “giang hồ”, “du đãng”…
Từ hảo hán thời loạn đến tội phạm
Thế giới giang hồ Sài Gòn, có thể tạm phân chia làm 3 giai đoạn lớn kéo dài gắn bó với những biến cố lịch sử của nước ta.
Thời Pháp thuộc, đã manh nha xuất hiện tầng lớp tội phạm cướp giật, quậy phá ở nhiều địa phương.
Sài Gòn lúc đó đang trong giai đoạn mới hình thành, là đô thị mới, kinh tế – thương mại phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất ở Đông Dương.
Đường phố Sài Gòn trước năm 1975. Ảnh: VietnamNet.vn
Bởi vậy, Sài Gòn không chỉ là “đất lành” cho những người có ý chí làm ăn, tìm cơ hội thay đổi cuộc đời mà cũng là ‘đất sống” cho giới tội phạm quy tụ về “làm ăn”, giành giật lãnh địa, thanh toán nhau. Nhiều nhân vật du đãng có tiếng tăm được chính quyền thời bấy giờ trọng dụng, như Bảy Viễn…
Tuy nhiên, phát triển mạnh mẽ, có tổ chức tinh vi, chặt chẽ là giai đoạn từ những năm 60 đến năm 1975. Bằng những trận thư hùng đẫm máu, thế giới giang hồ Sài Gòn đã định hình thế “tứ trụ” do 4 băng nhóm nổi tiếng thống lĩnh, sử sách gọi nhóm “tự trụ” này bằng cái tên mỹ miều du nhập từ Hong kong “Tứ đại thiên vương” là Lê Đại (Đại Cathay) – Huỳnh Tỳ – Ngô Văn Cái – Nguyễn Kế Thế.
4 “đại vương” này chia nhau cai quản thế giới ngầm Sài Gòn một thời gian dài. Trong đó, băng của Đại Cathay dù sinh sau đẻ muộn nhưng nổi đình nổi đám nhất, đến mức như huyền thoại.
Tương truyền, Đại Cathay đã dám tung quả đấm như trời giáng vào bụng của Trung tá Nguyễn Cao Kỳ – sau này là trung tướng, phó tổng thống, thủ tướng Việt Nam cộng hòa trong vũ trường – chúng tôi sẽ nói rõ ở những phần sau.
Chế độ Việt Nam cộng hòa thời kỳ bấy giờ phải đối phó vô cùng vất vả. Có những lúc giữa quân cảnh và giới giang hồ phải bắt tay nhau để “chung sống”.
Vì bản tính ngông nghênh, Đại Cathay đã bị tiêu diệt. 3 “đại vương” còn lại vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày giải phóng miền Nam. Chúng đã bị chính quyền Cách mạng trừng phạt, dẹp triệt để, đem lại bình yêu cho nhân dân TP.HCM.
Lịch sử giang hồ Sài Gòn ngoài “tứ đại thiên vương” còn nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Bạch Hải Đường, Điềm Khắc Kim, Quý “tử hình” (anh ruột Lai anh và Lai em, 2 tên bị tử hình trong vụ án “Năm Cam và đồng bọn”), anh em võ sĩ Hồng Cương- Hồng Trực cai quản khu Cô Bắc – Cô Giang v.v…
Trương Văn Cam, tức Năm Cam đã có mặt trong thế giới giang hồ Sài Gòn vào những năm 1964 – 1965. Tuy nhiên, y chỉ là vô danh tiểu tốt, nương tựa vào ông anh rể là Bảy Si, lúc này đã có số má.
Lúc ấy không ai có thể biết trước rằng 30 năm sau Năm Cam sẽ trở thành ông trùm xã hội đen trên đất Sài Gòn.
Lúc ấy, Lâm chín ngón đã là tay chân thân tín của Đại Cathy, gặp Năm Cam không thèm ngó bằng nửa con mắt.
Có lẽ Năm Cam cũng không thể nghĩ có ngày hắn lại ngồi “chiếu trên” với bậc đàn anh cao vời vợi như Lâm chín ngón.
“Thành tích” lớn nhất của kẻ vô danh Năm Cam lúc bấy giờ là cứu Huỳnh Tỳ chạy thoát trong một cuộc đấu súng với lính dù…
Sau ngày giải phóng miền Nam, những chiến dịch của lực lượng Công an TP.HCM từ năm 1975 đến những năm 1980 đã xóa sổ cơ bản các thủ lĩnh khét tiếng và làm tan rã nhiều băng nhóm giang hồ còn sót lại. Những kẻ cầm đầu đều bị pháp luật trừng trị.
Tuy nhiên, như những loài cỏ độc, trên mảnh đất Sài Gòn – TP.HCM luôn phải đối phó với nạn lưu manh, cướp giật lúc rộ lên, lúc lắng xuống.
Những băng nhóm quy mộ như thời trước 1975 không còn đất sống thì xuất hiện nhiều băng nhóm nhỏ lẻ luôn là thách thức với lực lượng công an TP.
Vụ Năm Cam là bài học không thể quên vì sự sơ hở, mất cảnh giác đã để sống dậy tổ chức tội phạm quy mô, mang đậm chất tội phạm mafia, không còn phảng phất chất “du đãng”, “giang hồ” như trước kia.
Giang hồ đi vào …nghệ thuật
Ông trùm mafia Ý ở đảo Sicin trở thành bất hủ khi thành nhân vật chính trong tác phẩm Bố già (The Godfather) nổi tiếng của nhà văn Mỹ gốc Ý tên Mario Puzo.
Đại Cathay, trùm giang hồ Sài Gòn một thời. Ảnh: VietnamNet.vn
Tác phẩm sau đó được dựng thành phim cũng nổi tiếng không kém. Nhân vật chính Don Vito Corleone trong phim là hiện thân của ông trùm tên Don Vito Cascio Ferr di cư từ Ý qua Mỹ những năm đầu thế kỷ 20, đã gây dựng nên tổ chức maphia đầu tiên trên xứ cờ hoa.
Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng đã lấy nguyên mẫu một tội phạm ngoài đời đi vào tác phẩm “Bỉ vỏ”. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên ở nước ta viết về thế giới giang hồ ở đất Hải Phòng.
Thế nhưng, tội phạm trong thế giới giang hồ thông qua thế giới nghệ thuật, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp trẻ là hiện tượng có một không hai lại xảy ra ở Sài Gòn trước năm 1975.
Đó là băng giang hồ của Đại Cathay cũng các quân sư và người tình đều trở thành những nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm nổi tiếng ở miền Nam thời bấy giờ.
Tác phẩm “Điệu ru nước mắt” của nhà văn Duyên Anh lấy nguyên mẫu trùm Đại Cathay làm nhân vật chính, được thi vị hóa thành kẻ giang hồ hào hoa, lãng tử.
Tương truyền, trong quá trình cuốn “Điệu ru nước mắt” được viết, Đại Cathay đã cung cấp thuốc phiện và khách sạn yên tĩnh cho nhà văn.
Tuy nhiên, sách ra đời, dù bán rất chạy nhưng Đại Cathay không hài lòng vì vài tình tiết không được như ý, nhà văn Duyên Anh phải trốn lên Đà Lạt sống một thời gian.
Đại Cathay ngoài đời tuy không được ăn học nhưng có đội ngũ quân sư là những trí thức, nghệ sĩ có tên tuổi giúp và băng nhóm của y bớt vẻ cục súc, độc ác như băng ba tàu Huỳnh Tỳ, Hoàng Cái Thế… Quân sư Hoàng là một nhạc sĩ ghi-ta cũng là nhân vật chính trong tiểu thuyết “Vết thù trên lưng ngựa hoang”.
Tác phẩm này nổi tiếng đến mức được dựng thành phim. Nhạc sĩ tài ba Phạm Duy đã phổ nhạc bài hát cùng tên cho bộ phim này.
Lệ Hải, người tình của Đại Cathay là nhân vật xuất thân từ nhà giàu, theo tiếng gọi giang hồ đã chọn thế giới này làm lẽ sống. Cuộc tình ngắn ngủi giữa Đại Cathay và Lệ Hải được giới giang hồ đồn đại đẹp như bài thơ tình lãng mạn.
Sau đó, người đẹp Lệ Hải qua tay bao nhiêu đấng mày râu khác, có kẻ là trí thức giang hồ, có kẻ là anh hùng hảo hán và có cả …nhà thơ!
Bài hát “Loài yêu nữ mang tên em” do ca sĩ Elvis Phương trình diễn nổi tiếng một thời xuất thân từ bài thơ của nhà thơ Văn Mạc Thảo: “Ta gọi tên em là yêu nữ – Là loài yêu mị gái hồ ly” được nhạc sĩ Ngọc Chánh phổ nhạc.
Nữ văn sĩ nổi tiếng ăn khách Lệ Hằng cũng vào cuộc, từ nhân vật Lệ Hải đã viết nên tiểu thuyết “Bản tăng gô cuối cùng” xuất bản nhiều lần trước năm 1975!
Ngoài những người trong băng Đại Cathy lên sách, tiểu thuyết, thơ và phim thì các nhân vật khác như Điềm Khắc Kim, Bạch Hải Đường là những nhân vật trong các vở cải lương cùng tên. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hùng Cường, Minh Vương đã vào vai tướng cướp Bạch Hải Đường.
Tuy nhiên, cần nói thêm, nhân vật tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở cải lương và ngoài đời cách nhau rất xa!
Nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] giới thiệu một bản nhạc nổi tiếng có liên quan đến “ngựa”: nhạc phẩm ‘Vết thù trên lưng ngựa hoang’, một sáng tác chung của nhạc sỹ Ngọc Chánh và Phạm Duy.
Trước hết, xin mời quý vị thưởng thức ‘Vết thù trên lưng ngựa hoang’ qua tiếng hát của Elvis Phương. Theo sự nhân định chủ quan của chúng tôi là chưa có ai hát bản này đạt như anh.
Để hiểu rõ hơn về bản nhạc này, chúng ta hãy quay về nửa cuối thập niên 1960, khi cuộc chiến Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt. Ngày ấy có một thành phần không nhỏ trong giới trẻ lớn lên theo cách tự phát, mất phương hướng và gần như đi bên lề của xã hội. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong các tiểu thuyết về thế giới ngầm như ‘Loan mắt nhung’ của Nguyễn Thụy Long (viết năm 1967), ‘Điệu ru nước mắt’ của Duyên Anh (một bút hiệu của nhà văn Vũ Mộng Long, xuất bản năm 1965) hay ‘Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang’ (cũng của Duyên Anh, 1967).
‘Loan mắt nhung’ sau này được dựng thành phim rất ăn khách, trong đó bản nhạc nền ‘Loan mắt nhung’ do Huỳnh Anh sáng tác và Thái Châu ca cũng trở nên nổi tiếng. Trước đây [dongnhacxua.com] cũng đã có một bài viết giới thiệu ‘Loan mắt nhung’.
Còn trong ‘Điệu ru nước mắt’, Duyên Anh đã ‘thi vị hóa’ chuyện đời của đệ nhất giang hồ Sài Gòn – Đại ‘Cathay’ – để Đại trở nên phong trần hơn, lãng tử hơn. Có lẽ những ai theo dõi chuyện ‘bụi đời’ ngày trước sẽ không xa lạ với tứ đại giang hồ Đại-Tỳ- Cái -Thế: Đại ‘Cathay’, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế. Trong đó, băng nhóm do Đại cầm đầu được cho là băng đảng có tổ chức tốt nhất. Để có được điều này, Đại đã khôn ngoan thâu nạp dưới trướng nhiều đàn em thuộc đủ mọi thành phần, có thực tài, biết dùng cái đầu chứ không phải chỉ biết đâm chém. Một trong số đó là Hoàng ‘guitar’, một tay giang hồ lãng tử với biệt tài chơi guitar.
Sau sự thành công vang dội của ‘Điệu ru nước mắt’, từ tiểu thuyết cho đến phim cho đến nhạc (bản ‘Bao giờ biết tương tư’ cũng của Ngọc Chánh & Phạm Duy), đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng tiếp ‘Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang’ năm 1971 với diễn viên Trần Quang vào vai chính Hoàng ‘guitar’.
Trần Quang và Thanh Nga trong phim Vết thù trên lưng ngựa hoang, SX 1971, đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ảnh: ChutLuuLai.net
Sau những năm lăn lộn giang hồ, Hoàng ‘guitar’ gác kiếm, mai danh ẩn tích. Thế nhưng để giải quyết một hoàn cảnh túng thiếu ngặt nghèo, Hoàng quay trở lại giới giang hồ và nhận lời làm một phi vụ. Số phận đầy oan nghiệt, Hoàng đã bị bắn gục bằng những vết đạn hằn trên lưng.
Góp phần vào thành công của bộ phim không thể không kể đến nhạc phẩm “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do nhạc sỹ Ngọc Chánh và Phạm Duy cùng sáng tác.
Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn (1924 – 2001)từ hơn 50 năm qua đã được giới yêu nhạc xưng tụng là ‘nhạc sỹ của mùa thu’. Với những ‘Thu quyến rũ’, ‘Gởi gió cho mây ngàn bây’ hay ‘Tà áo xanh’, v.v. danh xưng này là hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng trong số trên dưới 20 đứa con tinh thần, nhà nhạc sỹ đã cho ra đời ‘đứa con út’ như là một ‘sáng tác cho mùa Xuân’. Hôm nay [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu bản ‘Gửi người em gái miền Nam’, sáng tác vào mùa xuân 1956.
Xung quanh bản nhạc này có nhiều điều đáng để nói….
Đầu tiên là tựa của bài hát là ‘Gửi người em gái miền Nam’ chứ không phải là ‘Gửi người em gái’ như rất nhiều ca sỹ và nhà sản xuất âm nhạc vẫn nhầm lẫn.
Điều thứ hai là ca từ của bài hát gốc đã bị làm sai lệch rất nhiều, đến độ đã làm sai hoàn toàn ý tứ ban đầu mà nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã gởi gắm. Nguyên nhân chính có lẽ là do ngày đó bản này đã bị chính quyền miền Bắc khi đó không cho lưu hành rộng rãi và bằng một cách nào đó, bản này lại được phổ biến ở miền Nam. Và một điều tất yếu là do yếu tố khách quan lẩn chủ quan, ca từ của ‘Gửi người em gái miền Nam’ đã bị biến dạng khá nhiều.
Điều thứ ba là chính bản này khi đó được xem như đi ngược lại ‘định hướng’ sáng tác của chính quyền miền Bắc nên đã gây không ít khó khăn cho bản thân người sáng tác là nhạc sỹ Đoàn Chuẩn cũng như những người đã hát.
Trước thềm năm mới Xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] xin thắp một nén nhang sưởi ấm linh hồn nhạc sỹ Đoàn Chuẩn miền cực lạc và chúc quý vị xa gần một mùa Xuân đầm ấm.
CA KHÚC ‘GỬI NGƯỜI EM GÁI MIỀN NAM’ CỦA ĐOÀN CHUẨN – NHỮNG THÔNG TIN THÚ VỊ (Nguồn: tác giả Vu Le Nguyen đăng trên YouTube.com)
ĐỖ VĂN THIỆN: “Gửi người em gái miền Nam” là một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, được sáng tác từ năm 1956. Thế nhưng cho đến tận bây giờ rất nhiều người yêu nhạc vẫn chỉ biết đến bài hát này dưới cái tên “Gửi người em gái”, qua một phiên bản do các ca sĩ miền Nam biểu diễn ở miền Nam trước 1975, với phần lời đã bị cắt xén đến biến dạng. Giờ đây, tuy muộn nhưng có lẽ đã đến lúc nên trả lại cho bài hát nổi tiếng này những giá trị của nó, bắt đầu từ việc gọi đúng tên và hát đúng lời như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã viết.
Thủ bút của chính tác giả, nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Ảnh: http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com
Một trong những người đầu tiên hát bài “Gửi người em gái miền Nam” là tài tử Ngọc Bảo. Ông đã bỏ ra hàng tháng luyện tập bài hát này, đến nỗi chính nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng phải khâm phục khi nghe ông hát. Chính vì thế nên có thể tin rằng phần lời bài hát mà tài tử Ngọc Bảo thể hiện là do nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết từ đầu.
Và đây là nội dung của ca từ:
1. Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi, liễu rủ… mà chi.
Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê Chuông reo vui, Ngọc Sơn sao uy nghi Ngàn phía đến lễ đền Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.
Tôi có người em gái, tuổi chớm đôi mươi Mắt huyền trìu mến yêu thương Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều Hoa tình yêu!
Nhưng… một sớm mùa thu, khép giữa trời, tím ngắt Nàng đi… gót hài xanh Người đi trong dạ sao đành Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.
Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền Ngục trần giam hãm tấm thân xinh, đôi mắt huyền Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu… mà đi.
Xuân năm nay, đường đêm Catinat Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa Dần trắng xóa mặt đường Một người em gái nhớ người thương!
2. Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương.
Em tôi đi, màu son lên đôi môi Khăn san bay, lả lơi bên vai ai Trời thắm gió trăng hiền Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên.
Em! Tháp Rùa yêu dấu Còn đó nên thơ, lớp người đổi mới khác xưa Thu đã qua những chiều nên ý thơ rất nhiều Cả … tình yêu!
Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát Trời ta hết màu tang Đường xưa lối ngập lá vàng Đường nay thong thả bao nàng đón xuân.
Lòng anh như giấy trắng thanh tân ép hoa tàn Thời gian vẫn giữ nét yêu đương nơi hoa vàng Dằn lòng tơ dẫn phím, ý thơ trào dâng, viết gửi vào Nam.
Đêm hôm nao, ngồi nghe qua không gian Em tôi mơ miền quê qua sương lam Trời Bắc lóa ánh đèn Một người trên đất Bắc chờ em!
Có thể thấy bài hát này gồm 2 phần. Phần 1 là cảm xúc về một câu chuyện tình có kết cục chia ly buồn do hoàn cảnh chung của cả dân tộc mang đến, là nỗi niềm nhớ nhung, đau xót của tác giả khi nghĩ tới người yêu đang ở nơi xa xôi không chỉ về không gian. Khi mà phiên bản cũ từ miền Nam vẫn được phổ biến gần như là duy nhất thì không nhiều người được nghe hay biết tới những lời hát đã vẽ nên một bức tranh thơ rất đẹp mà cũng đau xót đến tê lòng về một người con gái nhỏ bé, yếu ớt đang phải cô đơn đón xuân mới giữa một nơi xa lạ, của những người xa lạ:
Xuân năm nay, đường đêm Catinat Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa Dần trắng xóa mặt đường Một người em gái nhớ người thương!
Đặc biệt là phần 2 của bài hát.
Được viết từ năm 1956, gần 20 năm trước ngày đất nước thống nhất, vào thời kỳ hai miền mới bị chia cắt, khi giấc mơ đoàn tụ theo hiệp định Giơnevơ đang tắt dần, còn chưa biết được tương lai sẽ ra sao trong hoàn cảnh rối ren loạn lạc, vậy nhưng tác giả vẫn mơ “Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ/ Cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng/ Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em… giữa cầu Hiền Lương”. Một giấc mơ mà trong hoàn cảnh giang sơn đã thu về một mối như ngày nay thì có thê nói đơn giản là một giấc mơ lạc quan, nhưng nếu đặt vào tâm trạng và hoàn cảnh ngày đó thì mới thấy giấc mơ xa vời ấy dường như gợi nhớ đến một nỗi đau sâu thẳm trong lòng vì tuyệt vọng trong chia ly, dù vẫn còn le lói chút tia hy vọng, nhiều hơn là niềm tin tưởng vô cớ hay lạc quan tếu như có người nhìn nhận.
Theo cách nhìn này thì những bức tranh mà tác giả vẽ nên như “Em tôi đi, màu son lên đôi môi/ Khăn san bay, lả lơi bên vai ai/ Trời thắm gió trăng hiền/ Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên” hay “Em… nhẹ bước mà đi, giữa khung trời bát ngát/ Trời ta hết màu tang/ Đường xưa lối ngập lá vàng/ Đường nay thong thả bao nàng đón xuân”mang nhiều ý nghĩa khác hơn, chất chứa nhiều tâm sự sâu sắc hơn là những lời bày tỏ tình cảm yêu đương trìu mến thông thường dành cho một người yêu bị chia xa do hoàn cảnh. Vì thế bài hát này, bên cạnh giai điệu đi vào lòng người, còn mang lại nhiều điều đáng để suy ngẫm và chiêm nghiệm tùy theo mức độ cảm nhận của người nghe.
Thế nhưng lời bài hát hiện vẫn còn phổ biến hiện nay chỉ còn lại 1 lời và là một sự cắt xén, lắp ghép có thể nói là tùy tiện và vụng về nếu so với nguyên gốc. Tùy theo ca sĩ thể hiện, nó có thể khác biệt đôi chút nhưng về cơ bản thì lời hát ấy như sau:
Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rủ… mà chi.
Đêm tân xuân, hồ Gươm sao long lanh Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa Đường phố vắng bóng đèn Chạnh lòng tôi nhớ tới… người em.
Tôi có người em gái, tuổi chớm dâng hương Mắt huyền rộn ý yêu thương Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều Ôi, tình yêu!
Nhưng… một sớm mùa thu, giữa chân trời xanh ngắt Nàng đi… gót hài xanh Người đi trong dạ sao đành Đường quên lối cũ ân tình… nghĩa xưa.
Rồi từ ngày ấy nước sông ngăn cách đôi lòng Thuyền tình vỡ lỡ bến cô đơn không ai ngờ Tình nghèo xa cách mãi, em tôi đành ôm mối sầu mà đi.
Em tôi đi, màu son lên đôi môi Khăn san bay, lả lơi trên hai vai Nhìn xác pháo bên thềm Gợi lòng tôi nhớ tới người em …
Rất dễ nhận thấy phiên bản này đã phá bỏ hoàn toàn cấu trúc ban đầu và làm biến dạng hẳn ý nghĩa của bài hát. Thế nhưng thật lạ là các ca sĩ hiện nay vẫn vô tư trình diễn cái phiên bản méo mó này mà không gặp bất kỳ ý kiến nào của các cơ quan quản lý biểu diễn âm nhạc.
Việc một bài hát rất hay đã một thời gặp phải những trắc trở, bị ngưng phổ biến vì những nguyên nhân này nọ đã là chuyện quá khứ. Nhưng đến bây giờ, khi không còn lý do gì để tiếp tục những sai lầm hay ấu trĩ ấy nữa mà người ta vẫn để yên cho cái vỏ xấu xí kia che lấp mất cái giá trị thật của bài hát thì đó là một điều đáng phải lên tiếng. Bởi nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín của riêng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, mà còn làm biết bao người nghe và yêu âm nhạc nước nhà phải chịu thiệt thòi vì họ chỉ được thưởng thức một thứ đồ dởm mà không hề biết.
Đến bao giờ bài hát nổi tiếng này mới được trả lại tên và ca từ như nó vốn có?
Kinh tế thế giới năm qua (2013) vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng và trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng chẳng khả quan gì: đầu tư nước ngoài giảm sút, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng vẫn còn bất cập… Một điều tất yếu là người lao động không được tăng lương, thưởng tết cũng vì thế mà bị bóp lại, đó là chưa nói đến chuyện đáng buồn hơn là bị mất việc. Chính vì vậy mà tết Giáp Ngọ 2014 chúng ta thấy có nhiều đứa con tha phương cáo lỗi cùng gia đình là “xuân này con không về”, ở lại đón một mùa xuân mới ở Sài Gòn, Hà Nội hay một chốn thị thành nào đó.
Trong tâm tình đó, [dongnhacxua.com] xin gởi đến bạn yêu nhạc, đặc biệt là những đứa con không về sum vầy bên gia đình trong những ngày xuân, một nhạc phẩm xân bất hủ: ‘Xuân này con không về’ của nhóm tác giả Trịnh Lâm Ngân, tức bao gồm nhạc sỹ Trần Trịnh, Nhật Ngân và Lâm Đệ. Với những bản nhạc sáng tác chung dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân thì phần lớn là sáng tác của Nhật Ngân, còn Trần Trịnh tham gia viết lời và chỉnh sửa đôi chút, còn Lâm Đệ, con rể của ông chủ hãng đĩa Asia Sóng Nhạc ngày xưa thì lo phần phát hành.
Cũng cần nói thêm là bản này qua tiếng hát Duy Khánh đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi nhiều người lầm tưởng đây là sáng tác của Duy Khánh.
Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
‘XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ’ VÀ NHẠC SỸ NHẬT NGÂN (Nguồn: rfa.org)
Dường như bao giờ những ca khúc viết về mùa xuân cũng đều đẹp, đều vui. Thế nhưng, vẫn có những ca khúc thật đẹp, sống mãi với thời gian song lại đượm buồn mà hầu như người Việt nào cũng đã một lần từng nghe, từng biết. Đó là tác phẩm Xuân Này Con Không Về của nhạc sĩ Nhật Ngân.
Chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, xin được một lần nhìn lại tác phẩm của người nhạc sĩ tài hoa mới ra đi ở độ tuổi 70, chỉ 2 ngày trước khi xuân Nhâm Thìn gõ cửa.
Thưa quí thính giả, cứ mỗi độ xuân về thì dường như không người Việt nào lại không nghĩ đến tác phẩm Xuân Này Con Không Về, bài hát đã gắn liền với nhiều thế hệ người nghe nhạc suốt nửa thế kỷ qua.
Lời hát và giai điệu của ca khúc chậm buồn, diễn tả tâm trạng của người con xa nhà vào dịp Tết, không về sum họp được với gia đình, không được gặp mẹ, không được gặp các em. Đó là lúc mai đào nở vàng, là lúc có nồi bánh chưng nghi ngút khói, là lúc có tiếng pháo nổ với đàn trẻ thơ, thế nhưng, người trai đó lại ở tận nơi phương trời xa và chạnh lòng nghĩ tới cảnh đoàn viên.
Hôm nay, Vũ Hoàng xin được dành chương trình này gọi là một chút tri ân đến người nhạc sĩ tài hoa, qua buổi trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Nhật Ngân để cùng nghe ông chia sẻ về kỷ niệm của bài hát này cũng như những dòng tâm sự khi tác giả của Xuân Này Con Không Về mới vừa ra đi.
Tâm sự người lính xa nhà
Nhạc sĩ Nhật Ngân. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Trịnh rất thân thiết với nhạc sĩ Nhật Ngân; hai ông đã cộng tác với nhau để viết nên nhiều bài hát bất hủ . Photo courtesy of Trần Vũ Trân.
Vũ Hoàng: Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, là người bạn thân của nhạc sĩ Nhật Ngân và ông cũng đã từng biết đến bài hát Xuân Này Con Không Về từ nhiều năm nay, thì ông có thể chia sẻ đôi dòng suy nghĩ của mình về bài hát này được không ạ?
Phải nói như thế này, nhạc sĩ Nhật Ngân, ông viết rất nhiều bài về xuân, chẳng hạn như Xuân Này Con Không Về, qua bên này, ông viết Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu, rồi ông viết bài Cám Ơn cũng là thư xuân, rồi Xuân Nào Con Sẽ Về.
Một loạt những bản nhạc, nói chung ngày đầu năm ông hay nhớ về người mẹ. Thì bài Xuân Này Con Không Về đương nhiên là ông viết trong thời chinh chiến, mà nhạc sĩ Nhật Ngân thì ông có rất nhiều sáng tác trong thời chiến và bài này là lần đầu tiên ông đưa cho ca sĩ Duy Khánh thu trong studio của Asia tại Sài Gòn.
Bài này khi được tung ra lần đầu tiên, lúc đó chúng tôi đang trong quân đội, thành thử nghe rất xúc động bởi vì nó chia sẻ được tâm sự của bất kỳ người lính nào xa nhà, thì lúc nào cũng nhớ về quê nhà của mình và nhất là nhớ về hình ảnh người mẹ. Đó là kỷ niệm của tôi đối với bài Xuân Này Con Không Về mà Vũ Hoàng của Đài Á Châu Tự Do vừa nhắc đến.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Còn riêng đối với nhạc sĩ Nhật Ngân, thì chắc thính giả cũng còn nhớ Trung Tâm Thúy Nga Paris By Night đã tổ chức một chương trình đặc biệt cho nhạc sĩ Nhật Ngân với nhạc sĩ Trần Trịnh, 2 người đã kết hợp dưới cái tên Trịnh Lâm Ngân, ngay cả trong bản nhạc in bài Xuân Này Con Không Về cũng đề tên là Trịnh Lâm Ngân và không đề riêng là của Nhật Ngân. Quý vị chắc cũng nhớ trên Paris By Night, nhạc sĩ Nhật Ngân có giải thích nhiều bài nhạc sĩ Nhật Ngân viết chung với nhạc sĩ Trần Trịnh. Có nhiều bài thì của riêng nhạc sĩ Trần Trịnh, có nhiều bài của riêng nhạc sĩ Nhật Ngân, nhưng đều ký chung là Trịnh Lâm Ngân.
Đang nói đến tin buồn của nhạc sĩ Nhật Ngân thì mới nghĩ trong đời có nhiều trùng hợp. Chẳng hạn như nhạc sĩ Y Vân viết bài 60 Năm Cuộc Đời, cuộc đời ông đâu chỉ có 60 năm, nhưng theo ý niệm của tử vi, tròn một lục thập hoa giáp, thí dụ như ai sinh năm Nhâm Thìn, 1952, thì năm nay là năm Nhâm Thìn, thì đủ một vòng 60 năm thì người ta gọi là 60 Năm Cuộc Đời, mà trong tử vi gọi là Lục Thập Hoa Giáp.
Nhạc sĩ Y Vân viết 60 Năm Cuộc Đời, thì không ngờ ông mất ở năm 60. Còn nhạc sĩ Nhật Ngân viết một loạt nhạc về xuân, như chúng tôi vừa kể ít nhất là có 5 bài, thì ông lại chết vào đúng dịp Tết, nói cho chính xác 2 ngày trước Tết, thì ông mất. Đó là điều chắc chắn gây nhiều xúc động.
Cho nên sự ra đi của nhạc sĩ Nhật Ngân thì đối với quần chúng, khán thính giả đã là một sự mất mát lớn, đối với trung tâm Thúy Nga hay đối với chúng tôi mất đi một người bạn đáng quí.
Khát khao hòa bình
Ca nhạc sỹ Duy Khánh. Ảnh: my.opera.com/diemxuacafe/blog
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Chúng tôi hiểu nhạc sĩ Nhật Ngân trong tâm tư của ông, ông là một người lớn lên trong thời chiến, ông là một người khoác áo chiến y, ông sáng tác nhiều bài tâm sự về người lính ở ngoài chiến trường.
Nhưng trong thâm sâu ông là một người khát khao đất nước có hòa bình, cho nên chúng ta thấy rằng sau Hiệp định Paris năm 72-73 đó, ông viết 2 bài mà chắc chắn bất cứ một người nào cũng nhớ là Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí. Ông là một người làm trọn người trai trong thời chiến, nhưng ông khát khao đất nước chấm dứt chiến tranh, có được hòa bình cho nên, tất cả những tâm sự đó của ông được gửi qua 2 bài Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí mà chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần.
Tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của bất kỳ người nào ở thế hệ của ông, chẳng hạn như chúng tôi, miền Nam hay miền Bắc, chỉ trừ một số người chủ trương hiếu chiến chứ còn ai cũng có khát vọng hòa bình và nhạc sĩ Nhật Ngân đã diễn tả được ý đó. Nên khi tâm sự với anh trong các quán cà phê thì cũng rất hiểu được tâm trạng của anh trong thời chiến.
Vũ Hoàng:Xin được hỏi ông câu cuối, bài Xuân Này Con Không Về cũng gắn bó với nhiều thế hệ ca sĩ, từ những ngày bắt đầu với ca sĩ Duy Khánh, cho đến bây giờ là Quang Lê hay Đặng Thế Luân. Được chứng kiến sự thay đổi đó, ông có nhận xét về các thế hệ ca sĩ hát bài này không ạ?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Nhạc sĩ Duy Khánh là người đầu tiên hát bài đó, cho nên để lại một ấn tượng rất mạnh và rất là lâu và sâu trong lòng người, nhưng có thể là do kỹ thuật thâu thanh thời đó, cách đây hơn 40 năm, gần 50 năm thì không thể bằng bây giờ được, cho nên tiếng hát của Quang Lê giờ đây trẻ trung và đầy.
Khi nhạc sĩ Duy Khánh vào nghề thì tuổi cũng đã lớn hơn Quang Lê bây giờ, mà nhạc sĩ Duy Khánh lại sống trong thời chiến, cũng là một khoác áo lính, cho nên tâm sự được diễn tả nồng nàn hơn, nhưng chất giọng của Quang Lê bây giờ trẻ trung hơn và dĩ nhiên là kỹ thuật thâu âm bây giờ cao hơn ngày trước nhiều, cho nên chúng ta thấy vang dội hơn, nhưng mà ấn tượng để sâu trong lòng người vẫn là Duy Khánh là người hát đầu tiên bài này.
Vũ Hoàng: Vâng, Vũ Hoàng xin được thay mặt thính giả, cám ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn rất nhiều, và nhân dịp đầu xuân mới, xin chúc ông và gia đình một năm mới vạn sự như ý.
Thưa quí thính giả, như quí vị cũng nhớ, cách đây khoảng hơn 3 tháng, chúng tôi có thực hiện 2 chương trình âm nhạc nói về dòng tân nhạc Việt Nam trước và sau năm 1975 với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Nhật Ngân. Không ngờ, đến hôm nay, ông đã ra đi.
Qua làn sóng của Đài ACTD, Vũ Hoàng xin được gửi lời phân ưu đến gia đình và mong ông yên giấc nơi chín suối. Trước khi khép lại chương trình hôm nay, mời quí vị nghe lại ca khúc Xuân Này Con Không Về qua tiếng hát ca sĩ Quang Lê. Vũ Hoàng xin chào và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ sau.
Mùa xuân là thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, là lúc để mọi người quên đi những sầu muộn trong quá khứ để hướng về những gì vẹn tuyền trong tương lai. Thế nhưng, trong không khí xuân đầm ấm và thiêng liêng ấy, [dongnhacxua.com] cũng giống nhiều quý vị bậc trung và cao niên lại không khỏi có chút bồi hồi nhớ về những mùa xuân ngày cũ: đâu rồi những phút giây hì hục gọt, ngâm và sên mứt gừng, bí, v.v.; đâu rồi hình ảnh ấm áp khi mấy đứa trẻ ngồi quây quần bên nồi bánh chưng coi ông bà cha mẹ nấu bánh; đâu rồi những phút giây hồi hộp pha lẫn chút lo sợ khi nghe nhà ai đó vang lên tiếng pháo tất niên tiễn biệt năm cũ hay tiếng pháo giao thừa đón chào nằm mới; v.v.
Tô điểm thêm cho mùa xuân của một thời tuổi trẻ của chúng tôi có lẽ là những rung động thật nhẹ nhàng, lung linh của một chàng trai mới lớn khi hẹn hò cô bạn gái chung xóm đi hội hoa xuân những ngày giáp tết hay đi hái lộc những ngày đầu xuân.
Sống ở Sài Gòn 20 năm nhưng chúng tôi vẫn hay về thăm xóm cũ những dịp xuân về. Vẫn mùa xuân với hoa mai hoa đào, với bánh mứt ngon hơn nhưng cá nhân chúng tôi thấy thiếu đi rất nhiều thứ đã ăn sâu vào máu thịt: nồi bánh chưng, tiếng pháo, bánh mứt mộc mạc do chính gia đình làm, hàng xóm qua lại hỏi thăm nhau và …
… và nhất là cô bạn nhà bên đã phiêu bạt nơi phương trời nào.
Trong tâm tình đó, [dongnhacxua.com] trân trọng gởi đến quý vị nhạc phầm ‘Đón xuân này (tôi) nhớ xuân xưa’ của nhạc sỹ Châu Kỳ (1923 – 2008).
Đón xuân này nhớ xuân xưa (Châu Kỳ – Anh Châu). Ảnh: VietStamp.net
Không khí xuân đã tràn về trên những góc phố Sài Gòn: hàng quán nhộn nhịp và nhiều màu sắc sặc sỡ hơn, người người tấp nập hoàn thành nốt những công việc còn dang dở, trẻ em thì được ba mẹ dẫn đi mua quần áo mới… Tất cả làm nên một không khí náo nức, đặc trưng của ngày Tết. Như hòa mình cùng đất trời [dongnhacxua.com] xin giới thiệu hai bản nhạc xuân đặc sắc có cùng tên “Mùa xuân đầu tiên”, một của nhạc sỹ Tuấn Khanh và một của Văn Cao.
Nhạc phẩm của Tuấn Khanh viết trước 1975 nên chất chứa nhiều niềm hy vọng về một ngày quê hương thôi tiếng súng, nền hòa bình thật sự đến với dân tộc Việt Nam chúng ta. Thế rồi ngày đó cũng đã đến và ngay vào những ngày đầu sau 30.04.1975, một bậc tiền bối khác là Văn Cao đã đặt bút biết viết tác phẩm được cho là cuối cùng của đời mình cũng chỉ để diễn tả “mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”.
Cũng giống như bản “Tình ca” của Phạm Duy và Hoàng Việt, vượt lên trên sự khác biệt về thời gian và không gian cùng quan điểm chính trị (sau hiệp định Geneva 1954 Tuấn Khanh vào Nam còn Văn Cao vẫn ở lại miền Bắc; rồi sau 1975 thì Văn Cao ở lại Việt Nam còn Tuấn Khanh vượt biên và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ), cả hai bản “Mùa xuân đầu tiên” đều chuyển tải một thông điệp mang tính nhân văn: “xin yêu thương đến với hận thù” để “từ nay người biết yêu người”.
Trước thềm Xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] xin thắp một nén hương cho linh hồn cố nhạc sỹ Văn Cao và cầu chúc cho nhạc sỹ Tuấn Khanh dồi dào sức khỏe, vui hưởng tuổi già nơi xứ xa!
MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN (TUẤN KHANH)
[dongnhacxua.com] chúng tôi rất tiếc là không có nhiều tư liệu về bản “Mùa xuân đầu tiên” của Tuấn Khanh. Xin quý bằng hữu xa gần có thêm thông tin gì thì xin liên lạc với chúng tôi. Trân trọng cảm ơn!
Mùa xuân đầu tiên (Tuấn Khanh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN (VĂN CAO): MỘT TƯ DUY VƯỢT TRƯỚC (Nguồn: tác giả Nguyễn Đăng Tấn đăng trên VietnamNet.vn)
Mùa xuân đầu tiên viết về sự kiện trọng đại của dân tộc. Đó là mùa xuân đầu tiên Bắc – Nam mới thật sự cùng chung vui một nhà, cùng hòa lòng người, tình yêu, tình thương để cùng đón tết.
Bây giờ thì bài hát Mùa xuân đầu tiên đã trở thành thân quen với mọi người, mọi nhà.
Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng uyển chuyển, như một điệu valse. Ca từ giàu cảm xúc, sâu lắng và đẹp như một bài thơ. Người nghe cảm nhận và hòa lòng mình cùng bài hát, đồng cảm cùng giai điệu. Nhưng nhiều người vẫn chưa biết rằng bài hát có một số phận long đong.
Mùa xuân đầu tiên viết về sự kiện trọng đại của dân tộc. Đó là mùa xuân đầu tiên Bắc – Nam mới thật sự cùng chung vui một nhà, cùng hòa lòng người, tình yêu, tình thương để cùng đón tết. Trong ông những hình ảnh về mùa xuân của một đất nước trọn vẹn vẫn luôn ám ảnh. Những cánh én chao nghiêng, những tiếng gà gáy bên sông bình yên… Và cao hơn hết là tình yêu con người: ‘từ nay người biết thương người, từ nay người biết yêu người.’
Bài hát ra đời và tên bài hát là Mùa xuân đầu tiên vừa đúng với thực tiễn lại vừa rất người khi nói về sự thống nhất sự yêu thương của những đứa con cùng chung bọc trứng. Tuy nhiên sau khi ra đời bài hát không được đón nhận, mặc dù có được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Thế là bài hát được người nhạc sỹ cẩn thận bỏ vào ngăn tủ.
Nhưng từ một đất nước xa xôi phía trời Tây, đất nước mà bao thế hệ vẫn mơ về: “Nước Nga, ờ nước ấy” đã tuyển chọn và in bài hát của ông. Và nơi trình diễn đầu tiên, mùa xuân đầu tiên của bài hát, là đài phát thanh Moscow, nơi cất lên những âm thanh, và những lời ca đầu tiên của nó.
Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha cho biết, dường như phải chờ đến khi Văn Cao tạ thế (10.7.1995) Mùa xuân đầu tiênmới thực sự loang sâu vào đời sống âm nhạc hôm nay. Đó là nỗi truân chuyên của từng tác phẩm. Phải nói rằng, trong những sáng tác âm nhạc của Văn Cao thì Mùa xuân đầu tiên được biết đến chậm nhất, phải sau 20 năm (1976 – 1996) phải tới mùa xuân đầu tiên, Văn Cao mãi mãi vắng trên cõi đời thì bài hát Mùa xuân đầu tiên của ông mới thực sự có đời sống.
Khác với những bài hát của nhiều nhạc sỹ khi viết về thống nhất đất nước, Văn Cao đã để cho sự kiện đi qua gần một năm trời. Những suy tư, những chiêm nghiệm cứ dày thêm mãi. Và ông khai thác sự kiện không phải là tiếng reo vui ngày đất nước giải phóng để muốn bay lên say ngắm đất nước. Theo Văn Thao con trai của nhạc sỹ: Ngày 30-4-1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, cả dân tộc reo vui. Văn Cao im lặng. Chỉ thấy đôi mắt ông sáng lên lấp lánh. Có một cái gì đó đang chuyển động trong đầu ông. Một âm thanh mơ hồ, mỏng mảnh như làn khói thoảng qua. Một tiếng gà gáy mênh mang. Một tia nắng lấp lánh. Và một cánh én… Những âm thanh, những hình ảnh chập chờn trong đầu ông rồi lại tan biến.
Nhạc sỹ Văn Cao.
Và cảm xúc chỉ ùa về khi mùa xuân đến. Ông khẽ khàng ngồi bên phiếm đàn và giai điệu mượt mà bừng lên. Những cảm xúc lâu ngày ấp ủ, những suy tư dồn nén bật lên thành khúc nhạc reo vui. Có lẽ đó là cái vui của con người đã từng đi qua những năm tháng đau thương…vì vậy tiếng reo vui thật sự sâu lắng:
Rồi dập dìu mùa xuân theo én về Mùa bình thường mùa vui nay đã về Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa Bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.
Tiếp theo người nhạc sỹ suy tư về mùa xuân trọn vẹn. Đó chính là sự suy tư về con người về tình yêu thương. Và chính sự suy tư này mà làm nên số phận long đong của bài hát:
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm Từ đây người biết quê người Từ đây người biết thương người Từ đây người biết yêu người…
Nếu như dưới lăng kính bây giờ, chúng ta cảm nhận được sự kiện thống nhất đất nước là sự mở đầu của dân tộc về sự đoàn kết, yêu thương và hòa giải thì những điều mà nhạc sỹ viết như trên hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, những triết lý sâu sắc về điều ấy. Tư duy người nhạc sỹ nhiều khi đã đi trước và chúng ta chưa kịp theo. Bởi vậy có những điều đôi khi vì rất nhiều nguyên nhân mà bị bỏ qua cũng có khi lại chú ý một cách thái quá.
Cũng đã xẩy ra với Văn Cao khi ông bị phê bình khi sáng tác bài hát: Tiến về Hà Nội. Người nhạc sỹ khi bị phê bình mà ngỡ ngàng. Bởi chính ông cũng không hiểu.
Những ca từ trong ca khúc Tiến về Hà Nội bừng bừng khí thế, náo nức ngày trở về: Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng cờ ngày nào tung bay trên phố/ … Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh…
Trong chúng ta khi nghe bài hát đều nghĩ nó được viết trong những ngày tháng 10 lịch sử Giải phóng Thủ đô, khi đoàn quân đang rầm rộ tiến về. Nhưng ít ai biết rằng bài hát lại được viết từ rất sớm, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào gia đoạn quyết liệt nhất. Những hình ảnh ông vẽ ra trong bài hát đã bị phê bình là lạc quan tếu.
Thế đấy trong những khó khăn, người nghệ sỹ vẫn mơ về (cũng có thể nhìn thấu ngày chiến thắng) sẽ đến, nhưng lúc đó sự nhìn thấu ấy chưa được công nhận. Sau này nhạc sỹ Huỳnh Minh Siêng (bút danh của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước) may mắn hơn khi sáng tác bài Tiến về Sài Gòn cũng trước giải phóng đã được đón nhận và trở thành tiếng reo vui cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975..
Văn Cao cũng đã viết nhiều bài hát mà sự kiện chưa từng có trong thực tiễn. Đó là dự báo nhưng qua thời gian, những dự báo đó là chính xác. Các bài Không quân Việt Nam sáng tác đầu thập niên 40, khoảng năm 1945, lúc binh chủng này còn chưa được thành lập tại Việt Nam, hay Hải quân Việt Nam, Chiến sĩ Việt Nam…cho các binh chủng tương lai, trước khi ông lên Việt Bắc theo kháng chiến chống Pháp là những bài như vậy. Tác giả đã nhìn ra cái tất yếu sẽ đến. Đó chính là sự nhạy cảm là tư duy vượt trước.
Quay trở lại bài Mùa xuân đầu tiên, vượt lên tất cả đó là tình yêu thương con người với con người. Chúng ta cảm động khi nhạc sỹ lại nhắc lại lần hai khổ nhạc: rồi dập dìu mùa xuân theo én về… hình ảnh người mẹ nhìn đàn con nay đã về, đó chính là hình ảnh mơ ước. Cả dân tộc đã từng mơ ước rất lâu Bắc – Nam xum họp một nhà. Những chiến sỹ sẽ trở về. Trở về trong vòng tay mẹ. Những con người trở về với con người để cho: Nước mắt trên vai anh; giọt rơi ấm trên vai anh,niềm vui phút giây như đang long lanh. Để từ đó: Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Mùa xuân đến là sự gặp gỡ, gặp gỡ bạn bè người thân,và cao hơn là gặp gỡ những tâm hồn, những tấm lòng mà vẫn còn xa cách vẫn còn ngập ngừng. Và chỉ có sự kỳ diệu của lòng yêu thương, sự kỳ diệu của mùa xuân mới làm được điều đó. Những nốt nhạc, những cảm xúc trong Mùa xuân đầu tiên chính là nhịp cầu để xóa bỏ cách ngăn, con người tìm đến con người như người nhạc sỹ tài danh đã mơ ước để có những mùa xuân yêu thương,, mùa xuân trọn vẹn.