Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân)

Kinh tế thế giới năm qua (2013) vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng và trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng chẳng khả quan gì: đầu tư nước ngoài giảm sút, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng vẫn còn bất cập… Một điều tất yếu là người lao động không được tăng lương, thưởng tết cũng vì thế mà bị bóp lại, đó là chưa nói đến chuyện đáng buồn hơn là bị mất việc. Chính vì vậy mà tết Giáp Ngọ 2014 chúng ta thấy có nhiều đứa con tha phương cáo lỗi cùng gia đình là “xuân này con không về”, ở lại đón một mùa xuân mới ở Sài Gòn, Hà Nội hay một chốn thị thành nào đó.

Trong tâm tình đó, [dongnhacxua.com] xin gởi đến bạn yêu nhạc, đặc biệt là những đứa con không về sum vầy bên gia đình trong những ngày xuân, một nhạc phẩm xân bất hủ: ‘Xuân này con không về’ của nhóm tác giả Trịnh Lâm Ngân, tức bao gồm nhạc sỹ Trần Trịnh, Nhật Ngân và Lâm Đệ. Với những bản nhạc sáng tác chung dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân thì phần lớn là sáng tác của Nhật Ngân, còn Trần Trịnh tham gia viết lời và chỉnh sửa đôi chút, còn Lâm Đệ, con rể của ông chủ hãng đĩa Asia Sóng Nhạc ngày xưa thì lo phần phát hành.

Cũng cần nói thêm là bản này qua tiếng hát Duy Khánh đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi nhiều người lầm tưởng đây là sáng tác của Duy Khánh.

Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

xuan-nay-con-khong-ve--1--trinh-lam-ngan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.comxuan-nay-con-khong-ve--2--trinh-lam-ngan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

xuan-nay-con-khong-ve--3--trinh-lam-ngan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

‘XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ’ VÀ NHẠC SỸ NHẬT NGÂN
(Nguồn: rfa.org)

Dường như bao giờ những ca khúc viết về mùa xuân cũng đều đẹp, đều vui. Thế nhưng, vẫn có những ca khúc thật đẹp, sống mãi với thời gian song lại đượm buồn mà hầu như người Việt nào cũng đã một lần từng nghe, từng biết. Đó là tác phẩm Xuân Này Con Không Về của nhạc sĩ Nhật Ngân.

Chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, xin được một lần nhìn lại tác phẩm của người nhạc sĩ tài hoa mới ra đi ở độ tuổi 70, chỉ 2 ngày trước khi xuân Nhâm Thìn gõ cửa.

Thưa quí thính giả, cứ mỗi độ xuân về thì dường như không người Việt nào lại không nghĩ đến tác phẩm Xuân Này Con Không Về, bài hát đã gắn liền với nhiều thế hệ người nghe nhạc suốt nửa thế kỷ qua.

Lời hát và giai điệu của ca khúc chậm buồn, diễn tả tâm trạng của người con xa nhà vào dịp Tết, không về sum họp được với gia đình, không được gặp mẹ, không được gặp các em. Đó là lúc mai đào nở vàng, là lúc có nồi bánh chưng nghi ngút khói, là lúc có tiếng pháo nổ với đàn trẻ thơ, thế nhưng, người trai đó lại ở tận nơi phương trời xa và chạnh lòng nghĩ tới cảnh đoàn viên.

Đến tận gần cuối bài hát, người nghe mới nhận ra đây là một người lính trong thời chiến khi có “bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường.” Ngậm ngùi là thế, đau đáu là thế, nhưng vì nghĩa vụ mà người lính kia phải gác lại chuyện cá nhân của mình để làm tròn nhiệm vụ và chỉ biết ước hẹn một ngày nào đó, được trở về với mẹ, với em.

Hôm nay, Vũ Hoàng xin được dành chương trình này gọi là một chút tri ân đến người nhạc sĩ tài hoa, qua buổi trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Nhật Ngân để cùng nghe ông chia sẻ về kỷ niệm của bài hát này cũng như những dòng tâm sự khi tác giả của Xuân Này Con Không Về mới vừa ra đi.

Tâm sự người lính xa nhà

Nhạc sĩ Nhật Ngân. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Trịnh rất thân thiết với nhạc sĩ Nhật Ngân; hai ông đã cộng tác với nhau để viết nên nhiều bài hát bất hủ . Photo courtesy of Trần Vũ Trân.
Nhạc sĩ Nhật Ngân. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Trịnh rất thân thiết với nhạc sĩ Nhật Ngân; hai ông đã cộng tác với nhau để viết nên nhiều bài hát bất hủ . Photo courtesy of Trần Vũ Trân.

Vũ Hoàng: Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, là người bạn thân của nhạc sĩ Nhật Ngân và ông cũng đã từng biết đến bài hát Xuân Này Con Không Về từ nhiều năm nay, thì ông có thể chia sẻ đôi dòng suy nghĩ của mình về bài hát này được không ạ?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Vâng trước hết, tôi xin kính chào quí thính giả của Đài Á Châu Tự Do, tôi là Nguyễn Ngọc Ngạn, đang ở Toronto, Canada.

Phải nói như thế này, nhạc sĩ Nhật Ngân, ông viết rất nhiều bài về xuân, chẳng hạn như Xuân Này Con Không Về, qua bên này, ông viết Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu, rồi ông viết bài Cám Ơn cũng là thư xuân, rồi Xuân Nào Con Sẽ Về.

Một loạt những bản nhạc, nói chung ngày đầu năm ông hay nhớ về người mẹ. Thì bài Xuân Này Con Không Về đương nhiên là ông viết trong thời chinh chiến, mà nhạc sĩ Nhật Ngân thì ông có rất nhiều sáng tác trong thời chiến và bài này là lần đầu tiên ông đưa cho ca sĩ Duy Khánh thu trong studio của Asia tại Sài Gòn.

Bài này khi được tung ra lần đầu tiên, lúc đó chúng tôi đang trong quân đội, thành thử nghe rất xúc động bởi vì nó chia sẻ được tâm sự của bất kỳ người lính nào xa nhà, thì lúc nào cũng nhớ về quê nhà của mình và nhất là nhớ về hình ảnh người mẹ. Đó là kỷ niệm của tôi đối với bài Xuân Này Con Không Về mà Vũ Hoàng của Đài Á Châu Tự Do vừa nhắc đến.

Vũ Hoàng: Vâng, thế còn với nhạc sĩ Nhật Ngân ạ, ông có thể chia sẻ những kỷ niệm nào của mình với cố nhạc sĩ được không ạ?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Còn riêng đối với nhạc sĩ Nhật Ngân, thì chắc thính giả cũng còn nhớ Trung Tâm Thúy Nga Paris By Night đã tổ chức một chương trình đặc biệt cho nhạc sĩ Nhật Ngân với nhạc sĩ Trần Trịnh, 2 người đã kết hợp dưới cái tên Trịnh Lâm Ngân, ngay cả trong bản nhạc in bài Xuân Này Con Không Về cũng đề tên là Trịnh Lâm Ngân và không đề riêng là của Nhật Ngân. Quý vị chắc cũng nhớ trên Paris By Night, nhạc sĩ Nhật Ngân có giải thích nhiều bài nhạc sĩ Nhật Ngân viết chung với nhạc sĩ Trần Trịnh. Có nhiều bài thì của riêng nhạc sĩ Trần Trịnh, có nhiều bài của riêng nhạc sĩ Nhật Ngân, nhưng đều ký chung là Trịnh Lâm Ngân.

Đang nói đến tin buồn của nhạc sĩ Nhật Ngân thì mới nghĩ trong đời có nhiều trùng hợp. Chẳng hạn như nhạc sĩ Y Vân viết bài 60 Năm Cuộc Đời, cuộc đời ông đâu chỉ có 60 năm, nhưng theo ý niệm của tử vi, tròn một lục thập hoa giáp, thí dụ như ai sinh năm Nhâm Thìn, 1952, thì năm nay là năm Nhâm Thìn, thì đủ một vòng 60 năm thì người ta gọi là 60 Năm Cuộc Đời, mà trong tử vi gọi là Lục Thập Hoa Giáp.

Nhạc sĩ Y Vân viết 60 Năm Cuộc Đời, thì không ngờ ông mất ở năm 60. Còn nhạc sĩ Nhật Ngân viết một loạt nhạc về xuân, như chúng tôi vừa kể ít nhất là có 5 bài, thì ông lại chết vào đúng dịp Tết, nói cho chính xác 2 ngày trước Tết, thì ông mất. Đó là điều chắc chắn gây nhiều xúc động.

Cho nên sự ra đi của nhạc sĩ Nhật Ngân thì đối với quần chúng, khán thính giả đã là một sự mất mát lớn, đối với trung tâm Thúy Nga hay đối với chúng tôi mất đi một người bạn đáng quí.

Khát khao hòa bình

Ca nhạc sỹ Duy Khánh. Ảnh: my.opera.com/diemxuacafe/blog
Ca nhạc sỹ Duy Khánh. Ảnh: my.opera.com/diemxuacafe/blog

Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn ông. Vũ Hoàng xin quay lại một chút với cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Nhật Ngân. Chúng tôi được biết là nhạc sĩ Nhật Ngân không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm xuân của người lính, mà với tư cách là một người lính nữa, nhạc sĩ Nhật Ngân cũng còn có một số tác phẩm khác viết về thời chiến rất nổi tiếng phải không ạ?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Chúng tôi hiểu nhạc sĩ Nhật Ngân trong tâm tư của ông, ông là một người lớn lên trong thời chiến, ông là một người khoác áo chiến y, ông sáng tác nhiều bài tâm sự về người lính ở ngoài chiến trường.

Nhưng trong thâm sâu ông là một người khát khao đất nước có hòa bình, cho nên chúng ta thấy rằng sau Hiệp định Paris năm 72-73 đó, ông viết 2 bài mà chắc chắn bất cứ một người nào cũng nhớ là Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí. Ông là một người làm trọn người trai trong thời chiến, nhưng ông khát khao đất nước chấm dứt chiến tranh, có được hòa bình cho nên, tất cả những tâm sự đó của ông được gửi qua 2 bài Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí mà chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần.

Tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của bất kỳ người nào ở thế hệ của ông, chẳng hạn như chúng tôi, miền Nam hay miền Bắc, chỉ trừ một số người chủ trương hiếu chiến chứ còn ai cũng có khát vọng hòa bình và nhạc sĩ Nhật Ngân đã diễn tả được ý đó. Nên khi tâm sự với anh trong các quán cà phê thì cũng rất hiểu được tâm trạng của anh trong thời chiến.

Vũ Hoàng: Xin được hỏi ông câu cuối, bài Xuân Này Con Không Về cũng gắn bó với nhiều thế hệ ca sĩ, từ những ngày bắt đầu với ca sĩ Duy Khánh, cho đến bây giờ là Quang Lê hay Đặng Thế Luân. Được chứng kiến sự thay đổi đó, ông có nhận xét về các thế hệ ca sĩ hát bài này không ạ?

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Nhạc sĩ Duy Khánh là người đầu tiên hát bài đó, cho nên để lại một ấn tượng rất mạnh và rất là lâu và sâu trong lòng người, nhưng có thể là do kỹ thuật thâu thanh thời đó, cách đây hơn 40 năm, gần 50 năm thì không thể bằng bây giờ được, cho nên tiếng hát của Quang Lê giờ đây trẻ trung và đầy.

Khi nhạc sĩ Duy Khánh vào nghề thì tuổi cũng đã lớn hơn Quang Lê bây giờ, mà nhạc sĩ Duy Khánh lại sống trong thời chiến, cũng là một khoác áo lính, cho nên tâm sự được diễn tả nồng nàn hơn, nhưng chất giọng của Quang Lê bây giờ trẻ trung hơn và dĩ nhiên là kỹ thuật thâu âm bây giờ cao hơn ngày trước nhiều, cho nên chúng ta thấy vang dội hơn, nhưng mà ấn tượng để sâu trong lòng người vẫn là Duy Khánh là người hát đầu tiên bài này.

Vũ Hoàng: Vâng, Vũ Hoàng xin được thay mặt thính giả, cám ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn rất nhiều, và nhân dịp đầu xuân mới, xin chúc ông và gia đình một năm mới vạn sự như ý. 

Thưa quí thính giả, như quí vị cũng nhớ, cách đây khoảng hơn 3 tháng, chúng tôi có thực hiện 2 chương trình âm nhạc nói về dòng tân nhạc Việt Nam trước và sau năm 1975 với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Nhật Ngân. Không ngờ, đến hôm nay, ông đã ra đi.

Qua làn sóng của Đài ACTD, Vũ Hoàng xin được gửi lời phân ưu đến gia đình và mong ông yên giấc nơi chín suối. Trước khi khép lại chương trình hôm nay, mời quí vị nghe lại ca khúc Xuân Này Con Không Về qua tiếng hát ca sĩ Quang Lê. Vũ Hoàng xin chào và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ sau.

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *