Dã tràng ca (Trịnh Công Sơn)

‘Dã tràng ca’ hay còn gọi ‘Trường ca Tiếng hát Dã Tràng’ là một trong số ít sáng tác theo thể loại trường ca trong kho tài độ sộ 600 bản nhạc của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nhân dịp nhạc phẩm này được lưu hành trở lại, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu đến người yêu nhạc tác phẩm ít được biết đến của nhạc sỹ họ Trịnh.

‘Dã tràng ca’ – tác phẩm ‘bí ẩn’ của Trịnh Công Sơn

(Nguồn: bài viết của tác giả Tiểu Vũ đăng trên motthegioi.vn ngày 2019-03-04)

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Ảnh: motthegioi.vn

Từ ngày ra đời cho đến nay, tác phẩm “Dã tràng ca” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới chỉ được trình diễn đúng một lần, vì thế xung quanh ca khúc này vẫn còn phủ một màn sương huyền thoại.

Trong danh mục hơn 600 tác phẩm âm nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác lúc sinh thời, Dã tràng ca là một tác phẩm khá bí ẩn. Cho dù đã được biết đến và công khai văn bản từ lâu, đây vẫn là một tác phẩm mà đa số công chúng chưa được biết đến, chưa từng nghe, thậm chí không có một hình dung nào về nó. Trong khi những người đã từng may mắn chứng kiến sự ra đời của tác phẩm này, thì cũng chỉ còn nhớ về Dã tràng ca một cách không đầy đủ, và có phần mơ hồ.

Đọc tiếp

Những giọng ca vàng: Ca nữ lừng danh Minh Mẫn

Ca Huế là một nét sinh hoạt văn nghệ độc đáo và cũng là di sản văn hóa đáng trân trọng của Việt Nam chúng ta. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Trần Nguyễn Anh đăng trên Tiền Phong về một trong những nghệ nhân ca Huế gạo cội: Minh Mẫn.

Những giọng ca vàng: Ca nữ lừng danh Minh Mẫn

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Nguyễn Anh đăng trên TienPhong.vn ngày 2018-04-01)

TP – Nghệ nhân Minh Mẫn, người ca Huế gần trăm năm hát trên sông Hương vừa qua đời tựa như trang sách cuối cùng đã khép lại một ký ức ca Huế của thời xa xưa, thời mà ca Huế trên sông là nơi tao ngộ của tri âm tri kỷ, kiểu Bá Nha – Tử Kỳ.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Nghệ sĩ Minh Mẫn đã để lại cho đời những phút giây lắng đọng, lãng mạn đầy chất thơ, giấu kín một cuộc đời cơ cực nơi chốn kinh thành.

Vũ Thành An & Tình Xưa Gái Huế

Huế luôn là niềm rung động cho nhiều văn nghệ sỹ. Nhạc sỹ Vũ Thành An cũng là một trong số đó. Trong lần về Việt Nam năm 2017 vừa rồi, đi xuôi theo “con đường cái quan” từ Bắc chí Nam, nhà nhạc sỹ có dịp dừng chân ở vùng đất “Sông Hương Núi Ngụ” để ôn lại nhiều kỷ niệm thời tuổi trẻ mà qua đó ông cảm tác nên ca khúc “Tình Xưa Gái Huế”, tức bài Không Tên Số 13. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu với quý vị đôi nét về nhạc phẩm này.

Nhạc sĩ Vũ Thành An cùng ‘nữ hoàng phòng trà’ HN trở lại Huế ôn kỷ niệm

(Nguồn: bài viết của tác giả Duy Nam đăng trên tienphong.vn ngày 2017-08-06)

TPO – Nữ ca sĩ Hiền Anh mặc áo dài tím hoá thành nhân vật chính trong bài hát “Chuyện tình không tên thứ 13 – Tình xưa gái Huế” của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Nhạc sĩ Vũ Thành An và nữ ca sĩ Hiền Anh trên cầu Tràng Tiền. Ảnh: tienphong.vn

Trong dịp về Việt Nam lần này, ngoài các chương trình quan trọng của hành trình, nhạc sĩ Vũ Thành An đã nhất định trở về xứ Huế, với mong muốn được ôn lại một chút kỷ niệm xưa với ca khúc “Chuyện tình không tên thứ 13 – Tình xưa gái Huế” của ông.

Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng)

Trưa nay, 20.03.2016, cầu Ghềnh ở thành phố Biên Hòa bị sập. Nhiều người bị rơi xuống sông, hàng trăm hành khách đường sắt bị điêu đứng. [dongnhacxua.com] xin gởi lời chia buồn đến các gia đình nạn nhân và mong những tổn thất nếu có sẽ được hạn chế tối đa.

Nhân sự kiện này, chúng tôi chợt nhớ đến biến cố Mậu Thân 1968. Khi đó, cầu Trường Tiền ở Huế (có lẽ cũng được Pháp xây dựng cùng thời với cầu Ghềnh) cũng bị gãy. Cũng bao nhiêu người dân vô tội bị chết, bao gia đình tan nát, điêu linh. Thời chiến cũng như thời bình, dù cố tình hay vô tình, thì người dân vô tội vẫn phải gánh chịu hậu quả không lường. Một lần nữa, [dongnhacxua.com] cầu mong mọi điều tốt lành nhất cho các nạn nhân và mong những người có thẩm quyền hành động vì lợi ích của người dân, của dân tộc để nước Việt mình không phải hứng chịu những thảm họa mà cố nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng phải đau buồn thốt lên trong nhạc phẩm “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”

Ảnh: vietstamp.net
Ảnh: vietstamp.net

CẦU TRƯỜNG TIỀN
(Nguồn: wikipedia)

Cầu Trường Tiền còn được gọi là Cầu Tràng Tiền [1], là chiếc cầu dài 402,60 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 m. Khổ cầu 6 m [2], được thiết kế theo kiến trúc Gô tích, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế thuộc Việt Nam.

Cầu Trường Tiền bên nhành phượng vĩ, sáng mùa hè 2007. Ảnh: wikipedia
Cầu Trường Tiền bên nhành phượng vĩ, sáng mùa hè 2007. Ảnh: wikipedia

Căn cứ bài thơ “Thuận Hóa thành tức sự” của nhà thơ Thái Thuận [3], thi sĩ Quách Tấn đã cho rằng dưới thời vua Lê Thánh Tôn, sông Hương đã có cầu. Chiếc cầu đó, được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống [4]. Trải bao năm tháng, không biết khi nào, cầu Mống được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát bằng ván gỗ lim.

Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm sứ Trung Kỳ là Levécque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế (do Gustave Eiffel thiết kế) và khởi công xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này [5]. Tổng cộng tiền xây cầu Thành Thái tiêu tốn hết khoảng 400 triệu đồng bạc Đông Dương, là một số tiền lớn vào thời đó [6]. Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,10 m, rộng 6,20 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (hay hình bán nguyệt); và hình dáng đó về cơ bản được giữ nguyên cho tới ngày nay.

Năm Giáp Thìn (1904), bão lớn làm cầu hư hỏng nặng. Hai năm sau, tức năm Thành Thái thứ 18 (1906)[7], chiếc cầu mới được tu sửa lại, và mặt cầu được đúc bằng bê tông cốt thép.
Năm 1907, khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion, thì chính quyền thực dân Pháp cho đổi tên là cầu Clémenceau, theo tên của Georges Clemenceau, một Thủ tướng Pháp thời Thế chiến thứ nhất.

Năm 1937, dưới triều vua Bảo Đại, cầu Trường Tiền được trùng tu, cải tạo lớn. Cầu được mở rộng hành lang hai bên cho xe đạp và người đi bộ. Ở hành lang tại vị trí trụ cầu giữa 2 vài có các bao lơn (ban công) phình rộng ra – là nơi nghỉ chân, ngắm cảnh hay tránh nhau.

Năm 1945 chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng.

Năm 1946, trong chiến tranh Việt – Pháp, cầu bị Việt Minh đặt mìn, giật sập hai nhịp phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để qua lại.

Năm 1953, cầu được sửa chữa hoàn chỉnh như cũ.

Trong Sự kiện Tết Mậu Thân, trụ 3 và nhịp 4 bị phá hủy [8], khi quân Mặt trận Giải phóng miền Nam cho giật sập để cắt đường phản công của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, một chiếc cầu phao được dựng tạm lên bên cạnh để nối đôi bờ; rồi cầu được tu sửa tạm thời.

Cầu nổi do đội công binh Quân đội Hoa Kỳ bắc qua sông Hương sau khi cầu Trường Tiền bị giật sập. Ảnh: wikipedia
Cầu nổi do đội công binh Quân đội Hoa Kỳ bắc qua sông Hương sau khi cầu Trường Tiền bị giật sập. Ảnh: wikipedia

Sau khi kết thúc chiến tranh (1975) cầu được đổi tên thành “Tràng Tiền”.

Mãi tới năm 1991 cầu Tràng Tiền mới được khôi phục, trùng tu lần nữa. Ở lần trùng tu này do Công ty Cầu 1 Thăng Long đảm nhiệm, kéo dài trong 5 năm (1991-1995), có nhiều thay đổi quan trọng, đó là việc dỡ bỏ các ban công ở hành lang hai bên tại vị trí các trụ cầu, lòng cầu (cả đường chính và phụ) bị hẹp lại do phải nẹp thêm hai ống lan can, màu sơn ghi xám thay cho màu nguyên bản từ xưa của cầu là màu nhũ bạc,…[9].

Từ Festival Huế năm 2002, cầu Tràng Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại… và đến năm 2004 cầu lại 1 lần nữa được đổi tên là Trường Tiền

 [footer]

Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than

Nhân ngày giỗ đầu của ca sỹ Hà Thanh, được sự cho phép của ban quản trị trang CaSiHaThanh.wordpress.com, [dongnhacxua.com] xin trích đăng bài viết của học giả Nguyễn Đắc Xuân về người ca sỹ đã được ái mộ qua nhiều thế hệ. Tựa bài viết “đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than” là một câu trong bản “Tiếng Sông Hương” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương.

ĐÊM ĐÊM KHUA ÁNH TRĂNG VÀNG MÀ THAN
(Nguồn: bài viết của học giả Nguyễn Đắc Xuân đăng trên CaSiHaThanh.wordpress.com)

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com
Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com

Đầu năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy ra Huế với tập Mười bài Tâm ca do Lá Bối xuất bản. Phạm Duy được tiến sĩ Lê mời về ở lại gian hộ của ông tại 2 Lê Lợi, Huế. Tôi kể lại chuyện được ca sĩ Hà Thanh hát cho nghe lần đầu bài Tâm ca số 5 Để lại cho em. Nhạc sĩ Phạm Duy đề nghị tiến sĩ Lê mời Hà Thanh qua 2 Lê Lợi hát chơi. Thế là buổi hát Tâm ca đầu tiên diễn ra ở Huế. Mỗi bài Tâm ca Hà Thanh chỉ đọc qua là có thể hát được ngay. Trong không khí bức xúc không được thể hiện khát vọng hòa bình, không được phản đối chiến tranh của Mỹ, bài Tâm ca số 1 Tôi ước mơ phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua giọng Hà Thanh lần đầu tiên oà vỡ mất sự sợ hãi trong tâm trí chúng tôi.

“Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở… Nhưng đến bao giờ tôi mới nói được điều tôi ước mơ… Tôi ước mơ?”

Tiếng hát hay, nội dung câu hát kích vào nỗi khát vọng của mọi người gây nên một hiệu ứng cảm thụ lạ lùng. Ước mơ của Thiền sư Nhất Hạnh cũng là ước mơ của dân tộc lúc ấy.

“Ông Hoàng âm nhạc” Phạm Duy hết lời ca ngợi tài năng của Hà Thanh. Lần đầu tiên ca sĩ Hà Thanh biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị ngỏ ý muốn tìm đọc cả tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của nhà sư vừa ở Hoa Kỳ về. Tiến sĩ Lê không giấu được sự cảm phục, say đắm của mình. Ông gọi xe chạy qua phố mua về tặng ngay cho Hà Thanh một chiếc ghi ta của Ý. Thùng đàn của Ý to hơn thùng đàn sản xuất ở Việt Nam, tiếng đàn rất ấm, hợp với giọng Hà Thanh vô cùng. Tiến sĩ Lê tỏ tình với ca sĩ Hà Thanh qua món quà văn nghệ ấy. Và, cũng từ ấy tiến sĩ Lê và tôi có nhiều dịp qua lại gặp gỡ chuyện trò với ca sĩ Hà Thanh…..

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com
Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com

Sau chín năm băng rừng, lội suối, xuôi ngược Trường Sơn, suýt chết nhiều lần tôi may mắn được sống sót chứng kiến được ngày đất nước thống nhất. Tôi tìm bà con, bạn bè chia sẻ hạnh phúc hòa bình. Vào Sài Gòn, tôi đi tìm ca sĩ Hà Thanh. Phải khó nhọc lắm mới tìm ra được nơi ở của chị trong tòa nhà tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu ngày nay. Tôi không hiểu tòa nhà đó của ai và do đâu chị được ở đó. Tòa nhà lớn và toàn người lạ nên hỏi mãi mới đến được chỗ chị đang ở. Tôi thật không thể nào hiểu nổi: Ca sĩ Hà Thanh với đứa con gái ba bốn tuổi ở dưới gầm cầu thang trong tòa nhà lớn ấy. Ca sĩ Hà Thanh ngồi trên một chiếc chiếu éc bên cạnh dựng cây đàn ghi ta, một cái va li, một chiếc lò sô và một thau đựng vài cái chén dĩa. Chị ngước nhìn tôi miệng cười với đôi hàm tăng trắng muốt. Hai dòng lệ rơi xuống chiếu, chị nhoài người ra đứng dậy bắt tay tôi. “Ôi Xuân! Xuân… mà!”. Tôi hiểu chị muốn nói Xuân chết rồi mà! Nhiều người cũng đã tưởng như vậy nên tôi hiểu ý chị ngay. “Đáng lẽ chết rồi nhưng bom đạn và sốt rét chê nên còn sống đây”. Tôi định hỏi vì sao chị lại rơi vào hoàn cảnh như thế nầy nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến niềm vui chị đang gặp lại bạn cũ sau gần chục năm chiến tranh, lời đã ra đến môi tôi ngậm lại. Hà Thanh kéo tôi ngồi xuống chiếu chị cho biết chồng chị là Trung tá thiết giáp Bùi Thế Dung đang đi học tập, chỗ ở cũ bị giao cho chủ mới, chị đang chờ tìm chỗ ở khác nên mẹ con tạm thời ở đây. Chị nói với giọng rất tự nhiên, không một chút bối rối xúc động. Tôi đọc được sự vui mừng đất nước được hòa bình trong giọng nói của chị. Sự “đổi đời” của gia đình chị như một lẽ tự nhiên. Nói chuyện một lúc, chị như sực nhớ ra điều gì và bảo tôi:

– Tối rồi, còn chén cơm mình chiên lên cùng ăn nghe!

Lời mời của Hà Thanh dưới gầm cầu thang cũng hồn nhiên không khác nào lời mời những bữa tiệc diễn ra ở nhà chị 18 Huyền Trân Công Chúa mười năm trước ở Huế. Một chén cơm nguội chia cho ba người mà sao tôi ăn thấy ngon làm sao. Ăn xong, chị quay lại lấy cây đàn và bảo tôi:

– Mừng chiến tranh chấm dứt, mừng Xuân bình yên trở về Hà hát tặng Xuân bài Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương nhé!

Tôi chưa kịp cám ơn thì bị cháu Kim Huyên dùng dằng tỏ ra khó chịu. Tôi hơi ngượng với cháu. Chị biết thế nên bảo con:

– Cậu Xuân là bạn của mẹ và của mấy dì, cậu đi xa mới về, mẹ hát mừng cậu. Con ngoan mẹ thương!

Kim Huyên không vùng vằng nữa nhưng mặt không vui. Hà Thanh so dây rồi cất giọng hát: “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương Giang…” Tiếng hát chị vút lên “vọng tiếng”và hạ dần xuống “em xinh em bé” êm ái lạ thường. Tiếng hát như một làn gió mát dịu xuyên qua đầu óc đang đan xen những vui buồn của tôi. Tôi lặng người đi và tự nhiên tôi cảm thấy sợ không dám nhìn sự hồn nhiên của chị. Bỗng nhiên chị nhìn tôi và nở một nụ cười khi bắt đầu hát đến mấy câu: “Hò ơi, bao giờ máu xương hết tuôn tràn/ Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn/ Cho em vang khúc ca nồng nàn/ Ngày vui tan đao binh/ Mẹ bồng con sơ sinh/ Chiều đầu xóm/ xôn xao đón người hùng binh/ Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên”.

Nếu người khác tặng tôi câu hát nầy giữa lúc này thì tôi sẽ nghĩ họ trêu tôi. Nhưng đối với Hà Thanh thì không phải thế. Nội dung bài hát mâu thuẫn với hoàn cảnh bi đát hiện tại của chị nhưng nó lại lô-gíc với tình bạn của chị với tôi. Một cảm tưởng được và mất trong tôi. Được nhiều nhưng mất cũng không nhỏ. Tôi lặng người và chỉ nói được một câu:

– Thấm thía quá chịu Hà ơi!.

Bỗng nhiên cháu Kim Huyên khóc ré lên, chị lại dỗ cháu. Chị hát cho tôi nghe những bài mới ra đời từ sau ngày tôi thoát ly theo kháng chiến. Chị tự đệm đàn cho chị hát. Chị hát say sưa. Hát toàn bài vui. Chị hát đến khuya. Kết thúc bằng bài Hoa xuân. Đến lúc nầy tôi mới ngộ ra rằng chị hát không những để tặng tôi mà tôi cũng là một cơ hội để chị hát. Hát để vượt qua sự thử thách quá lớn chị đang cố gắng vượt qua. Biết thế nên tôi không dám chia tay chị dù trời đã khuya. Trong đời tôi chưa bao giờ được thưởng thức một “sô” diễn tân nhạc sâu thắm và da diệt đến thế.

Rồi từ đó tôi lo việc lập gia đình, đi “học Huế” để làm người cầm bút của xứ Huế không mấy khi được gặp lại Hà Thanh. Đột nhiên đến năm 1982, không rõ ai đã mách cho chị biết chỗ ở của tôi, (vì đến năm đó tôi đã chuyển đến bốn năm địa chỉ) chị ghé lại nhà tôi – một gian phòng hẹp của nhà hộ sinh Kim Cúc cũ tại 16 Lý Thường Kiệt – mời tôi lên 18 Huyền Trân Công Chúa (đã đổi thành 18 Bùi Thị Xuân) ăn cơm chia tay để chị đi “đoàn tụ” ở Hoa Kỳ. Sau bữa cơm chia tay đó tôi nghĩ không bao giờ tôi còn có dịp gặp lại Hà Thanh nữa.

….
…. Năm 2006, tôi sang Boston ở miền Đông bắc Hoa Kỳ chuẩn bị thực hiện đề tài “Phong trào Thơ văn âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964 – 1966 ở miền Nam Việt Nam” cho Trung tâm William Joiner, không ngờ tôi lại được liên lạc với Hà Thanh.

Một cuộc hàn huyên hào hứng. Tình người xóa đi hết những khoảng cách, những dị biệt. Gặp lại Hà Thanh trên đất Mỹ không tiện nhắc lại những chuyện cũ. Chị biết tôi nguyên là một sinh viên Phật tử, lại là người đi theo khuynh hướng hòa bình, hòa giải dân tộc của Thầy Nhất Hạnh từ hồi nửa thế kỷ trước nên chị kể chuyện chị quy y lại với Thầy và chị dành nhiều thời gian tu chánh niệm, niệm Phật, hát nhạc Thiền và tọa Thiền theo pháp môn Làng Mai. Chị tặng tôi một CD chị niệm A Di Đà Phật rất thanh thoát. Cho đến bây giờ, mỗi lần thấy đầu óc căng thẳng tôi lại nghe chị niệm Phật thay cho những bài hát êm dịu mà trước đây tôi rất thích. Qua điện thoại nhiều hôm tôi ngỏ ý mời chị về sống cuối đời ở Huế. Chị bảo tôi:

– Cái nhà ở Huế đã cho đứa cháu rồi. Hà về Huế ở mô?

Tình thiệt tôi đáp:

– Trời ơi, chị về vô lẽ cháu chị không dành lại cho chị một phòng để chị sống và ca hát sao?

Chị lại bảo:

– Ở đây Hà ít giao du với cộng đồng người Viêt, nhiều khi cũng buồn và nhớ Huế lắm. Hà cũng muốn về. Nhưng có lẽ Hà phải giúp nuôi con của con gái Kim Huyên lớn lớn một chút rồi sẽ về!

Tôi biết chị từ chối khéo lời mời của tôi nhưng tôi vẫn hy vọng và có ý chờ…

Nhưng… rồi, đúng vào ngày đầu năm 2014, chị đã qua đời ở Boston miền Đông Hoa Kỳ.

Tôi không còn cơ hội gặp lại chị, nhưng Huế tôi luôn có ca sĩ Hà Thanh, cũng như luôn có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người cùng thời với chị.

Huế, mùa Xuân 2015
Nguyễn Đắc Xuân

[footer]

Bolero chợ Nọ

Những ai đã từng trải qua thời sinh viên, rồi ở nhà trọ có lẽ không mấy xa lạ với những buổi tối bù khú bên bàn nhậu đơn sơ với vài ba đứa bạn thân. Nhiều khi mồi chỉ là dăm ba gói mỳ tôm mà đàn hát vui vẻ thâu đêm. Gần như là trong tất cả các dịp ấy, khi đã đàn hát qua hết các thể loại thì giai điệu bolero luôn là những bài cuối cùng. Trong niềm cảm xúc đó, [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại một bài viết của tác giả Phi Tân trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 13.09.2014.

“BOLERO CHỢ NỌ”

(Nguồn: tác giả Phi Tân viết trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Hồi sinh viên, có lần cùng anh bạn ở cùng phòng ký túc xá đại học đạp xe về quê mình chơi. Trên đường từ Huế về làng, ghé vô cái quán cà phê chẹp chẹp ở chợ Tây Thành nghỉ chân và từ chiếc loa của quán giọng ca da diết của Quang Lê cất lên: “Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo. Đường xưa lối cũ có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi. Đường xưa lối cũ có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài. Đường xưa lối cũ có tiếng tiêu, tiếng tiêu ru lòng ai”…Anh bạn là người thành phố vỗ đùi cái bép: “Tau nghe bài ni nhiều rồi nhưng chỉ có trong khung cảnh thôn dã như thế này nó mới thấm…”.

Hồi nhỏ mình nghe nói đến thứ nhạc vàng chi đó là loại nhạc cấm kỵ. Nhưng đã cấm thì tất sẽ có người nghe chui. Đầu xóm mình có nhà máy xay xát gạo của chú Khôi. Chú có cái máy cátxét nho nhỏ.

Lâu lâu vài ba người trong xóm tụ tập lại để nghe nhạc vàng. Mà mỗi lần nghe như rứa là chú Khôi phải nổ máy xay xát gạo lên kẻo lỡ ai đi ngoài đường nghe thấy đang mở nhạc thì khổ… Mà nghe lui nghe tới có hai cái băng và mấy bài hát nên mình cũng bập bõm ít lời: “Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê. Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về…”.

Mình chỉ biết nhạc hay, dễ hát theo nên hỏi mấy người lớn: “Răng nghe nhạc mà ai cũng sợ sợ rứa?”. Chú Túy nạt: “Mi con nít biết cái chi, lần sau hỏi nữa tau đuổi ra khỏi đây…”.

Xóm quê mình hồi trước sống thiệt chan hòa. Ví như nhà ai có con heo tự nhiên lơ ăn phải mổ thịt là cả xóm cùng chia phần, mỗi người một ít đến mùa đong lúa, chia sẻ cái xui cho hàng xóm. Mỗi lần có dịp vui, cả xóm họp mặt làm vài chai xị đế.

Ôn Thắng là chủ tịch xã nhưng rất hòa đồng: “Uống rượu mà không hát hò thì uổng. Tui thì tui chỉ thuộc mấy bài hát kháng chiến nhưng mấy chú, mấy o cứ hát tự nhiên; bài chi hay, tình cảm nhẹ nhàng thì hát chớ đừng có ngại…”.

Rứa là đêm nớ xóm mình chơi bolero gần suốt sáng. Mà có đàn điếc chi mô, chỉ mấy cái muỗng gõ leng keng mà bài mô bài nấy vô ngọt dễ sợ.

Mình nhớ nhất đoạn chú Dũng hát: “Theo năm tháng hoài mong – Thư gởi đi mấy lần – Đợi hồi âm chưa thấy – Anh ơi nhớ rằng đây – Còn có em đêm ngày – Hằng thương nhớ vơi đầy…” mà o Thẻo mắt ngân ngấn nước, hát nhẩm theo chồng như nhớ về cái thời hẹn hò đã xa.

Hèn chi nhiều người nói: “nghe dạc mà dớ dau!” (nghe nhạc nhớ nhau) là ri đây…

Sao chưa thấy hồi âm (Châu Kỳ - Trương Minh Dũng. Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com
Sao chưa thấy hồi âm (Châu Kỳ – Trương Minh Dung. Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com

sao-chua-thay-hoi-am--1--chau-ky--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

Hồi trước thanh niên ở làng muốn đi gò gái thì phải lận lưng dăm ba bài bolero để giao lưu. Eng mô khô khan quá thì cũng cất lên được đôi ba câu kiểu: “Tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau, tha thiết từ đây cho đến ngày bạc đầu”.

Rứa mới có chuyện có eng đi gò không nói năng được chi cả, chỉ ngồi uống nước chè rồi dịp dịp (nhịp nhịp) chân mần đôi ba khúc bolero rứa mà em cũng xuôi lòng mới hay…

Thì mình đã nói rồi bolero là dạc để dớ dau (nhạc để nhớ nhau) dễ đi vào lòng người, phù hợp quang cảnh của làng quê, nó nói hộ lòng thành bằng những ngôn từ và giai điệu đơn giản nhất…

Nói thiệt, muốn khắc họa chân dung của một làng quê xứ Huế thì phải có nhạc bolero. Ở Huế có câu hay “bolero chợ Nọ”. (Chợ Nọ là một chợ nổi tiếng của làng Dương Nỗ, ven Huế thuộc Phú Vang) ý nói nhạc bolero là nhạc quê mùa.

Nhưng bolero cũng là nhạc của phố thị, những phố thị nghèo và buồn: “Buồn vào hồn không tên – Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời – Đường phố vắng đêm nao quen một người – Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời”.

Nhớ cái hồi cuối năm lớp 12, trong nhà mình chong đèn dầu học bài ôn thi đại học, ngoài xóm mấy thằng bạn đi tán gái về cứ lê thê: “Tuổi em cũng như hoa mới nở – Vạn người thầm mong được đưa đón chân em – Xót xa anh còn trắng tay hoài – Sách đèn nợ chưa dứt, nên lận đận truân chuyên” nghe buồn răng là buồn…

Yêu một mình (Trịnh Lâm Ngân). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com
Yêu một mình (Trịnh Lâm Ngân). Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com

yeu-mot-minh--1--trinh-lam-ngan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com yeu-mot-minh--2--trinh-lam-ngan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com yeu-mot-minh--3--trinh-lam-ngan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

Hàng xóm mình có bác Chiu, nông dân thứ thiệt nhưng mê nhạc bolero như điếu đổ. Ngày mùa dẫn trâu đạp lúa không cần “tắc, ri, hò” mà cứ hát toàn nhạc bolero từ “Trăng rụng xuống cầu” đến “Em gái miền quê cuộc đời trong trắng” mà trâu cứ đi ngon ơ thiệt lạ…

Có lần mình về làng ngồi nhậu với mấy thằng bạn trong xóm rồi xin hát một bài nhạc Trịnh.

Nghe xong có thằng nói: “Tau không nói là bài mi hát không hay nhưng nó không hợp với cuộc nhậu ni! Không hợp với tụi tau, phải hát như ri nì: “Tôi xin đa tạ ngày nao súng phải thẹn thùng, ngày nao súng phải lạnh lùng. Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng. Ôi mây xóa tóc nghiêng nghiêng. Xin đa tạ người em bé bỏng mặn mà, người em bé bỏng thật thà. Nắng hạ vàng rơi phủ bờ vai. Lời ai ru gió hiu hiu buồn…”.

Tiếng hát nghe não nề trong tiếng ghita bập bùng và cả tiếng gõ muỗng lanh canh hòa nhịp nhưng mà đúng là bài hát quá hợp với cuộc nhậu. Vừa nghe hát vừa tợp một ly rượu gạo nhấm nháp với món trìa xào khế chua mới thấy thấm làm sao…

[footer]

Hạ trắng (Trịnh Công Sơn)

Trong số khoảng 400 ca khúc của Trịnh Công Sơn thì những bản có tựa ngắn gọn gồm 2 từ như “Diễm xưa”, “Tình xa”, “Cát bụi”, v.v. là những bài theo Dòng Nhạc Xưa là đặc sắc nhất trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của nhà nhạc sỹ. Trong bài viết “Diễm của những ngày xưa“, chúng tôi đã giới thiệu đối nét để người yêu nhạc xưa hiểu thêm về tình cảm giữa Trịnh Công Sơn và cô Ngô Thị Bích Diễm. Trong bài viết này, Dòng Nhạc Xưa trân trọng gởi đến quý vị bản “Hạ trắng” bất hủ.

Hạ trắng (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Hạ trắng (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
ha-trang--1--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
ha-trang--2--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
ha-trang--3--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

GIẤC MƠ HẠ TRẮNG
(Nguồn: trinh-cong-son.com)

Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42- 43 độ.

Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức.

Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.

Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.

Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài “Hạ Trắng”.

Trịnh Công Sơn

Thiên Thai (Văn Cao): Tiếng Ca Trù Trên Sông Hương

Đây là bài viết của tác giả Trác Như gởi cho [dongnhacxua.com] và thể hiện ý riêng của tác giả về nhạc phẩm bất hủ ‘Thiên Thai’ của nhạc sỹ Văn Cao. Xin cảm ơn sự quý mến của Trác Như dành cho [dongnhacxua.com] và xin mạn phép đăng lại để bạn đọc gần xa có thêm thông tin thú vị.

thien-thai--0--van-cao--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
Thiên Thai (Văn Cao). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

thien-thai--1--van-cao--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com thien-thai--2--van-cao--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

TIẾNG CA TRÙ TRÊN SÔNG HƯƠNG
(Nguồn: tác giả Trác Như gởi cho [dongnhacxua.com])

Năm 1940, một chàng trai Hải Phòng lưu lạc đến tận sông Hương ở Huế để rồi thai nghén một ý nhạc kéo dài cả mấy năm. Sông và núi ở Huế đã khiến Văn Cao mơ đến chốn tiên cảnh đã từng khiến hai chàng Lưu và Nguyễn quên cả lối về. Nguồn cảm hứng trên tưởng có lúc đã phôi pha  nhưng không ngờ lại trổi dậy khi người thanh niên 18 tuổi  trở về Hải Phòng và bất chợt nghe được điệu ca trù trên dòng sông Phi Liệt năm 1941. (1)
 
Ca khúc Thiên Thai chính thức được nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành ở Huế năm 1944 (2). Tuy sông Hương là nguồn sữa nuôi nấng giấc mộng bồng lai, nhạc sĩ đã chọn điển tích Trung Hoa làm bối cảnh cho bài hát, và sau cùng thì thanh âm phong phú và lả lơi của các ả đào đất Cảng đã giúp cảm xúc ông chín mùi để hoàn tất tác phẩm cổ điển này.
 
Chưa hề được nghe giọng ca của Kim Tiêu, người nghệ sĩ đầu tiên trình bày bản này thuở chiến tranh chống Pháp, chỉ biết trong các thập niên 60 và 70, hai tiếng hát gắn bó với Thiên Thai nhất vẫn là Thái Thanh và Hà Thanh. Tiếng hát Thái Thanh là một cọ vẽ có khả năng diễn đạt đủ loại ánh sáng và gam màu khác nhau. Những chấn động trong cảm xúc mà Thái Thanh mang đến cho Thiên Thai rất tương xứng với sự đa dạng và tinh tế của nhạc phẩm này, như Phạm Duy đã từng phân tích: “Văn Cao đã chuyển nét nhạc một cách rất tài tình, dùng những nốt-bán-cung để di chuyển rất nhanh chóng câu hát đi từ một chủ âm mineure này qua chủ âm mineure khác, cho ta thấy được rất nhiều mầu sắc của khung cảnh thần tiên này”. (2)
 
Hà Thanh (trái) & Thái Thanh (phải). Ảnh: tác giả Trác Như.
Hà Thanh (trái) & Thái Thanh (phải). Ảnh: tác giả Trác Như.
Hà Thanh thì ngược lại: trầm lặng và nhẹ nhàng hơn. Hà Thanh cho thính giả cơ hội để có những suy diễn riêng tư. Khác với bức tranh lộng lẫy mà tiếng hát Thái Thanh tạo ra, phần trình bày của Hà Thanh dường như có thể dùng để minh họa cho quan điểm của Nguyễn Đình Toàn: “Cái thế giới thần thoại của cổ tích không phải chỉ được Văn Cao minh họa bằng những màu sắc tuyệt vời mà hình như ông còn tạo dựng bằng pha lê nữa. Mọi góc cạnh đều rắn, chắc. Màu sắc của nó còn có thể biến đổi tùy thuộc chủ quan của người thưởng ngoạn nữa.” (3) Cái đẹp của thiên thai trong trường hợp này là cái  đẹp của vô tướng và tại đây  hạnh phúc chính là sự vắng mặt của những ràng buộc và bi lụy. Một thế giới không nhơ không sạch, không có bắt đầu và cũng chẳng có kết đoạn.
 
Nếu như Thái Thanh là tiếng ca trù đã giúp Văn Cao cụ thể hóa Thiên Thai thì Hà Thanh, tiếng hát đã được nhà văn Mai Thảo gọi là  “tiếng hát trên trời cao” (4), là dòng Hương luôn hiện hữu để lặng lẽ nuôi sống cái cảm hứng thuở ban đầu của người nhạc sĩ này. Ca khúc Thiên Thai chính là kết quả của những tiếng ca trù trên dòng Hương Giang vậy.
 
Tuy đã hơn một lần ghé qua xứ Huế, tôi chưa từng đặt chân đến Hải Phòng, quê hương của Văn Cao, người đã từng gọi mình là “người sông Ngự”. Tuy vậy, tôi có cảm giác Hải Phòng là những gì đối ngược với Huế.  Một bên nồng cháy, một bên thơ thẩn. Một bên reo hò bên sóng biển, một bên ngồi nhìn dòng sông trôi lững lờ. Một bên đỏ rực phượng vỹ, một bên thầm thì những rặng thùy dương. Mỗi bên là một nửa của Thiên Thai, nuôi nấng cho nhau những giấc mộng của “ngày tháng chưa tàn qua một lần”.
 
(1)  “Văn Cao – Người đi dọc biển” – Nguyễn Thụy Kha
(2) Hồi Ký – Phạm Duy
(3) “Nhạc sĩ Văn Cao” – Nguyễn Đình Toàn
(4) “Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại”- casihathanh.wordpress.com
 
Trác Như
6/2014

[footer]

Tạ ơn (Trịnh Công Sơn): Tạ ơn Người, tạ ơn Đời

Cuộc sống càng ngày càng hiện đại, con người càng ngày tạo dựng ra nhiều của cải cho xã hội, nhiều phương tiện để đời sống được nâng cao hơn. Đó là điều rất đáng hoan nghênh! Thế nhưng mặt trái của nó là con người càng lúc càng bận rộn và tận dụng tối đa thời gian để hưởng thụ, đến nỗi chúng ta không còn thời gian để lắng đọng tâm hồn, để nghe được những giai điệu thiết tha của cuộc sống, để thấy những mảnh đời tả tơi cần sẻ chia và nhất là để “tạ ơn Người, tạ ơn Đời” đã cho ta “tình sáng ngời như sao xuống từ Trời”. Trong tâm tình đó, hôm nay [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu nhạc phẩm “Tạ ơn” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, sáng tác năm 1964.

Tạ ơn (Trịnh Công Sơn). Ảnh: tcs-home.org
Tạ ơn (Trịnh Công Sơn). Ảnh: tcs-home.org

ta-on--2--trinh-cong-son--tcs-home.org--dongnhacxua.com

TẢM MẠN VỀ BÁI HÁT “TẠ ƠN” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN
(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Hoàng đăng trên AmNhac.fm )

Nguyễn Hoàng
30.9.2011

Tình như lá bỗng vàng bỗng xanh. Ảnh: AmNhac.fm
Tình như lá bỗng vàng bỗng xanh. Ảnh: AmNhac.fm

Mấy hôm nay trời Huế chuyển mùa và cũng bị ảnh hưởng các cơn bão xa. Dọc theo các con đường Lê Lợi, Hùng Vương,… những cây muối loang lổ màu đỏ của đám lá già giữa vùng lá xanh; những cây điệp (lim sét) thì lá đổi màu “bỗng vàng, bỗng xanh” rồi “lá úa rơi mù” làm cho ca từ của một số bài hát của họ Trịnh quay về trong ký ức.

Bẵng khá nhiều năm sau khi bước qua thời tuổi trẻ, tôi không nghe nhạc Trịnh (cũng như một số nhạc phẩm khác ở miền nam do không có phương tiện nghe nhìn). Mãi cho đến lúc sắm được một máy cassette player mono hiệu Philips, tôi bắt đầu săn lùng nhạc để nghe. Chuyện ấy đã diễn ra cách đây gần một phần tư thế kỷ.

Không phải như thời nay, các thiết bị nghe nhìn, lưu trữ vô cùng phong phú. Ngày ấy, ở một tỉnh nhỏ không có nhiều tiệm thu băng nhạc, số băng cũ lưu lại không nhiều, các băng nhạc hải ngoại chưa được phép mang về nên tìm được, nghe lại được bài gì đôi lúc là nhờ sự chịu khó của mình cũng như tình cờ mà có được.

Các bản nhạc phổ biến của họ Trịnh tôi được nghe lại từ băng Sơn Ca 7 với Tình nhớ, Tình sầu, Nắng thủy tinh, Hạ trắng,…. Riêng bài Tạ ơn của Trịnh thì nghe từ một băng tổng hợp các bài hát của nhiều nhạc sĩ. Tôi không rõ ấy là băng gốc hay ngươi ta đã sao chép, ghép nối từ những băng khác nhau.

Tạ ơn” không phải là bài tôi thích nhất hoặc thường nghe nhưng về sau đôi lúc tình cờ thoáng nghe, giọng ca Khánh Ly đưa tôi vào một tâm trạng “sắc sắc không không”, khó diễn đạt thành lời. Trạng thái “tâm viên, ý mã” ấy cứ lang thang, trộn lẫn chuyện xưa, chuyện nay chuyện hư, chuyện thực trong chốc lát thư giãn nào đó.

Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, ta ơn ai đã đưa em về chốn này, tôi xây mãi cuộc vui.
Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi còn thấy những ngày ngồi mơ ước cùng người.

Bản nhạc được viết theo cung La trưởng, phối trí kiểu A-B-A, giai điệu nhẹ nhàng, chầm chậm, không có kỹ thuật phức tạp. Chỉ cần dùng các dây số 2 đến số 5 trên cây đàn guitar là đủ để chơi trọn vẹn bản nhạc cho nên hầu như giọng ai cũng hát được nhưng để hát hay, có hồn và chọn đúng cách hòa âm phối khí cho phù hợp thì có vẻ rất khó vì thấy không có nhiều ca sĩ hát. Ngoài ra tôi không thỏa mãn với phần nhạc đệm hiện nay so với lần tôi đã nghe.

Có thể TCS viết ca khúc này dành cho một người tình nhỏ đã đi qua trong cuộc đời của ông ấy với những gì còn đọng lại là nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng nào cấm ai liên tưởng đến “em” cũng là một công việc, một “sự nghiệp” một vật thân thương nào đó trong một chặng đời của mình. Công việc ấy đôi lúc là niềm vui, hứng khởi, có khi là nhàm chán nhưng là một thực thể tồn tại và gắn bó với mình nên khi đi qua rồi, lòng vẫn đọng chút nuối tiếc mơ hồ và tư thế thì chưa sẵn sàng chờ đón cái mới đến.

Nếu đoạn đầu như là lời nói xã giao, đưa đẩy lịch sự khi người ta giã từ hay ngoảnh mặt làm ngơ thì sang đoạn giữa, nhạc điệu và ca từ chuyển đổi sang độc thoại một cách thâm trầm, sâu lắng:

Ôi mênh mông tháng ngày tháng vắng em,
Tình như lá bỗng vàng bỗng xanh.
Em ra đi như thoáng gió thầm,
để lại đây thành phố không hồn.
Qua con sông nhớ người đã xa,
Thành phố vẫn nắng vàng, vẫn mưa.
Cây sang Thu lá úa rơi mù,
Chuyện ngày xưa heo hút trong mơ.

Là lời của một người đối diện với nỗi cô đơn, hồi tưởng những vui buồn, những điều đã chiêm nghiệm, đã trải qua. Không oán trách, không chua xót ngậm ngùi mà chỉ là thoáng chút bơ vơ nhưng cũng không mong sự tái hợp. Những gì đến thì phải đến, đi thì đi, dòng đời là một chuỗi sự kiện ngẫu nhiên và tất định nối tiếp nhau.

Khi “em” đã rời xa, để lại đây những con đường, những giòng sông, hàng cây, có nắng vàng, có mưa rơi. Tất cả đều trở thành ký ức, giấc mơ như nước tuôn từ suối nguồn ra biển cả; muốn trở về lại ngày xưa ấy thì chỉ còn cách hóa kiếp bốc hơi biến thành cơn mưa rào mà thôi.

Khi nghe/hát bài này, ta cảm một nỗi niềm cô đơn dâng lên, cô đơn nhưng không tuyệt vọng, không buồn tủi vì nó là quy luật. Thì thầm với “em”, với người “tình xa” chỉ nhằm giải tỏa ẩn ức của những khoảng khắc cuộc đời trong lúc đồng hành với “kiếp sống lẻ loi”.

Rồi tỉnh táo lại, lời cám ơn sau cùng càng lịch sự và khách sáo nhiều hơn và cũng hiện thực hơn:

Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, ta ơn ai đã cho tôi còn những ngày quên kiếp sống lẻ loi.

Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, ta ơn ai đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời.
…..
Những lúc “thu mình” lại, tôi nghe bài này với giọng Khánh Ly ở một khoảng cách xa xa, thoang thoảng mới thật là thấm.

Khánh Ly & Trịnh Công Sơn: một kết hợp định mệnh

Trong nền tân nhạc Việt Nam, có nhiều kết hợp rất độc đáo như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Lê Uyên – Phương, v.v. Trong số đó, theo thiển ý của [dongnhacxua.com], sự kết hợp gần như là định mệnh giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là đặc biệt hơn cả và đó như một làn gió mới, thổi mát tâm hồn của biết bao thế hệ yêu nhạc xưa.

tuoi-da-buon--0--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
Tuổi đá buồn (Trịnh Công Sơn), một trong số những bản nhạc Khánh Ly hát lần đầu tiên ở Quán Văn. Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

tuoi-da-buon--1--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com tuoi-da-buon--2--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com tuoi-da-buon--3--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

KHÁNH LY CÔNG BỐ SỰ THẬT VỀ ‘MỐI TÌNH’ VỚI TRỊNH CÔNG SƠN
(Nguồn: bài viết của tác giả Vương Hà đăng trên NguoiDuaTin.vn)

Trong số những bóng hồng đi vào nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn không có Khánh Ly người phụ nữ thân thiết, “một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau”. Nhưng Khánh Ly lại thấy trong tất cả các ca khúc của Trịnh đều có bóng dáng của mình. 

Có một thời, Trịnh sáng tác chỉ để Khánh Ly ca. Mười năm gắn bó “duyên tình âm nhạc” để làm nên một “nữ hoàng chân đất”, một Khánh Ly hát nhạc Trịnh mãi về sau khó có giọng ca nào vượt qua…

 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Giọng ca Đà Lạt thành… “nữ hoàng chân đất”

Nhớ về Trịnh, Khánh Ly tiết lộ, Trịnh Công Sơn gặp chị trong hộp đêm Tulipe Rouge tại Đà Lạt. Thời gian ấy, nhiều người nói, Trịnh Công Sơn đang đắm say với giọng hát Thanh Thúy “liêu trai” nhưng khi nghe giọng hát Khánh Ly, ông đã bị hút hồn và tìm cách gặp chị. Những bạn bè của Trịnh cũng từng xác nhận chuyện này, vào năm 1965 tại Đà Lạt mộng mơ, Trịnh Công Sơn tình cờ nghe được giọng hát Khánh Ly. Ông biết ngay giọng hát của cô ca sỹ này hợp với những bản nhạc của mình nên mời chị tham gia. Thời gian sau, Khánh Ly rời Đà Lạt xuống Sài Gòn và trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn.

Khi Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly, chị chưa nổi tiếng, đến cuối năm 1965, họ có buổi ra mắt đầu tiên tại trường Đại học Văn khoa với hàng ngàn sinh viên và trí thức. Bằng chiếc đàn thùng đơn giản, Khánh Ly hát say xưa những bài tự tình quê hương và thân phận con người đã làm đắm say hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt đêm đó. Cứ thế, những buổi biểu diễn liên tiếp tại các trường đại học, các tụ điểm ca nhạc công cộng khiến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành hiện tượng âm nhạc, và trở thành thần tượng của giới trẻ khi ấy.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát không công, không thù lao chủ yếu cho khán giả trẻ nơi giảng đường của các trường đại học. Trịnh Công Sơn dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng, giọng nói nhỏ nhẹ xứ Huế với cuộc sống của một lãng tử. Khánh Ly khi hát đi chân đất, khiến khán giả quen, yêu quý mà gọi chị là “nữ hoàng chân đất”. Chị hát bằng cả tấm lòng người nghệ sỹ yêu hết mình những giai điệu của nhạc Trịnh. Nhiều văn nghệ sỹ khi ấy, coi họ là một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát – mang lý tưởng nhân đạo và tình yêu thể hiện sự dấn thân.

Kể lại thời kỳ những năm 60 cơ cực, đói khổ nhưng đầy hạnh phúc ấy, Khánh Ly nói: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.

Hai người đi với nhau tạo thành hình ảnh “lứa đôi”, một đôi trai gái trong tình bạn trong sáng, hồn nhiên. Khánh Ly – Trịnh Công Sơn tạo thành một đôi bạn trẻ muốn phá vỡ quan niệm xưa cũ. Trong dư luận khi ấy, không ít người tò mò, định kiến, nhưng Trịnh là người tiếng tăm mà không tai tiếng, ngay từ thời đó, Trịnh khẳng định: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”.

Bóng dáng ngập tràn nhưng không có… cuộc tình

Trong những tuyệt phẩm của Trịnh luôn có những bóng hồng, khi sâu sắc, lúc thoáng qua như hư ảo. Nhưng những bóng hồng ấy vẫn gọi được thành tên, gọi chung cho những cuộc tình đôi khi chỉ là chút tình nghệ sỹ đơn phương hay nhè nhẹ như chút nắng cuối thu. Riêng Khánh Ly không có cuộc tình với Trịnh Công Sơn, song định mệnh đã gắn kết hai người bằng tình yêu ca hát. Khánh Ly giã từ Đà Lạt theo Trịnh Công Sơn về Sài Gòn khi mới hơn 20 tuổi.

Khánh Ly hiện nay. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Khánh Ly hiện nay. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Nhiều người đã cho rằng trời sinh ra Khánh Ly để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Chị yêu thương Trịnh như một người bạn, một người anh, một người thầy…. Đôi khi trước mặt những người khác, Trịnh vẫn la rầy Khánh Ly như một cô học trò nhỏ. Khánh Ly cũng chỉ biết cười buồn.

Không duyên tình lứa đôi, nhưng Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn bó với nhau bằng định mệnh. Hơn 17 năm, sau ngày Khánh Ly rời Việt Nam, họ gặp lại nhau tại Canada. Đối diện với Trịnh, chị vẫn nhỏ bé như ngày xưa, luôn yêu thương và kính trọng…

Khánh Ly nhớ lại: “Chúng tôi ôm choàng lấy nhau, lúc này tôi mới cảm nhận chúng tôi thật sự có nhau, không phải trong một giấc mơ kéo dài 17 năm. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi mới hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng… Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói bằng lời”.

Họ đi dạo, im lặng bên trời Tây xa lạ mà cảm thấy gần gũi nhau như thuở người từ Sài Gòn ra Huế thăm nhau. Khánh Ly đã chia sẻ về buổi gặp nhau ấy: “Bao nhiêu ngày tháng đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi, tôi cũng thế. Cả hai không thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi… Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có”.

Với Trịnh Công Sơn, một điều chắc chắn bất cứ một người con gái nào đến với ông, đem đến cho ông dù một chút tình vẫn được ông nâng niu đón nhận. Còn riêng với Khánh Ly, ông coi đó là cuộc gặp gỡ của định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau. Một người hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh – hay nhất. Cảm nhận điều ấy, Khánh Ly luôn khẳng định ở họ là “mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”.

Mười năm bên cạnh Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã gắn với tên tuổi của Trịnh đến nỗi không thể tách rời. Khánh Ly vẫn nói: “Tuy không có một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Cũng có lẽ vì thế, Khánh Ly là một trong số những người hiểu rất rõ ca từ, cũng như tâm ý phần lớn ca khúc của Trịnh.

Sau năm 1975, Khánh Ly ra hải ngoại, đi khắp thế giới với nghiệp cầm ca nhưng không bao giờ chị rời bỏ tên Trịnh Công Sơn bên cạnh cuộc đời của mình. Ngày 1/4/2001, khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, Khánh Ly đã từng nói rằng: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn!”.

Cuộc điện thoại nửa vòng trái đất nghe Khánh Ly mở lòng về sự “thành nhân” và “thành danh”

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai sinh năm 1945 tại Hà Nội. Từ nhỏ chị theo gia đình vào sinh sống tại Đà Lạt và hiện đang sống tại Mỹ. Cách nhau nửa vòng trái đất, tôi gọi điện cho Khánh Ly khi ấy ở Việt Nam đã gần trưa cũng là lúc gần khuya của giờ Mỹ ngày hôm trước. Giọng nói truyền cảm của Khánh Ly, qua điện thoại rõ ràng, không khác là bao khi chị cất giọng hát trên sân khấu. Tôi hỏi thăm sức khỏe, Khánh Ly cho biết, chị vẫn tham gia những chương trình ca nhạc ở hải ngoại. “Dù đã có tuổi, nhưng khán giả vẫn thương, mỗi tuần Khánh Ly vẫn nhận show và đi diễn khắp nơi như ở Mỹ, châu úc, châu Âu. Chương trình gần nhất, Khánh Ly sẽ đi hát cho kiều bào ở Thái Lan”, Khánh Ly cho biết. Khánh Ly cũng chia sẻ, trong những chương trình chị biểu diễn khán giả vẫn muốn được nghe những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Mỗi lần cất lên lời ca của nhạc Trịnh, cho dù ông đã đi xa, Khánh Ly thể hiện như một tấm lòng tri ân với người mà “từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân”, chị nói.

Vương Hà

[footer]