Những giọng ca vàng: Ca nữ lừng danh Minh Mẫn

Ca Huế là một nét sinh hoạt văn nghệ độc đáo và cũng là di sản văn hóa đáng trân trọng của Việt Nam chúng ta. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Trần Nguyễn Anh đăng trên Tiền Phong về một trong những nghệ nhân ca Huế gạo cội: Minh Mẫn.

Những giọng ca vàng: Ca nữ lừng danh Minh Mẫn

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Nguyễn Anh đăng trên TienPhong.vn ngày 2018-04-01)

TP – Nghệ nhân Minh Mẫn, người ca Huế gần trăm năm hát trên sông Hương vừa qua đời tựa như trang sách cuối cùng đã khép lại một ký ức ca Huế của thời xa xưa, thời mà ca Huế trên sông là nơi tao ngộ của tri âm tri kỷ, kiểu Bá Nha – Tử Kỳ.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Nghệ sĩ Minh Mẫn đã để lại cho đời những phút giây lắng đọng, lãng mạn đầy chất thơ, giấu kín một cuộc đời cơ cực nơi chốn kinh thành.

Nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ

Theo nghiên cứu, ở Huế trước năm 1945 chỉ có bốn con đò ca Huế ở sông Hương gồm hai chiếc ở khu vực Đập Đá (làng Vĩ Dạ) và hai chiếc ở khu vực trước Kinh thành. Lúc sinh thời, nghệ nhân Minh Mẫn cũng cho biết mỗi con đò như vậy có 3 tay đàn nhưng chỉ có một người hát. Bốn con đò ấy gắn với có bốn giọng ca nổi tiếng của Huế là  Minh Điền, Bích Liễu, cô Năng và Minh Mẫn.

Những chuyến đò ca này không phải quanh quẩn ở chân cầu Trường Tiền như ngày nay mà chèo xuôi ngược trên sông Hương và khi thời tiết thuận lợi thì xuống tận cửa biển Thuận An. Khách nghe trên thuyền chỉ chừng vài người. Bài thơ “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” của Văn Cao đã được viết ra trên những con thuyền ấy, với những câu: “Thuyền xuôi về bến mô thuyền bỉ/ Sông trắng bờ xa lộ bóng nhà/ Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi / Từng canh trời điểm một sao rơi”.

Văn Cao từng tiết lộ trên Tạp chí Sông Hương: “Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 40. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy”. Trong bài “Thiên Thai” nhạc sĩ viết: “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng/ Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên/ Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên 
theo gió tiếng đàn xao xuyến/ Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền/ Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền”.

Nghệ nhân Minh Mẫn (ảnh tư liệu).

Khi đó, nghệ nhân Minh Mẫn chỉ độ 16-18 tuổi. Cô rất mê ca hát và được cậu của nhà vua dạy hát cho. Những nghệ nhân trẻ khác như Minh Điền, Bích Liễu cũng trong độ xuân xanh ấy. 

Những năm 1940, nhạc sĩ Phạm Duy được nghe ca Huế trên sông Hương đã nhớ lại: “Được nằm trong khoang thuyền nghe ca Huế từ đêm cho đến sáng. Trước đây tôi chỉ được nghe ca Huế qua đĩa Béka. Giờ đây được nghe trực tiếp tiếng đàn của Vĩnh Phan, giọng ca của Bích Liễu (vợ Vĩnh Phan), Minh Mẫn rót ngay vào tai mình những điệu hò Mái nhì, Mái đẩy, những lý tình tang, những Nam Ai, Nam Bình trong khung cảnh nên thơ của sông Hương về đêm, thật quá tuyệt vời”.

Đứa con của “kinh đô nghệ thuật”

Người xưa thường có câu “Xướng ca vô loài”, nhưng ở kinh đô Huế thì hoàng tộc, quan lại và người dân đều rất coi trọng âm nhạc. Có thể nói hiếm triều đại nào lại dành cho âm nhạc một sự quan tâm và ngưỡng mộ như triều Nguyễn.?Các hoàng tử được dạy âm nhạc từ nhỏ và vua Tự Đức tương truyền đã sáng tác bài Tứ Đại Cảnh nổi tiếng. Vua Tự Đức cũng xây Nhà hát Minh Khiêm đường (1864)? trong Khiêm cung. Triều Nguyễn đã xây Thanh Bình từ đường (1825) thờ các tổ sư nghệ thuật âm nhạc dân tộc trong kinh thành.

Nghệ nhân Vĩnh Tuấn, một nghệ sĩ đàn tranh dòng dõi hoàng tộc cho biết: “Trước kia ở Huế, hình ảnh một người con gái mặc áo dài vai đeo chiếc đàn trên đường phố Huế đó là hình ảnh rất quý tộc, đó là con cái của những gia đình danh giá, quý phái”.  Những người ca Huế trên sông cũng chính là những người thừa hưởng trong mình dòng máu âm nhạc cung đình. Anh Thông, một nghệ sĩ biểu diễn trên sông 40 năm nói: “Bản chất ca Huế trên sông là âm nhạc thính phòng được biểu diễn trên thuyền. Âm nhạc không xô bồ mà thiên về sự đồng cảm, tri âm”.

Nghệ nhân Minh Mẫn sinh ra ở thị trấn Sịa, một vùng ngoại thành của Huế. Nhờ có tiếng ca rất hay mà bà đã sớm nổi tiếng. Khi đó đoàn Kim Sanh, một trong những đoàn hát quy củ hiện đại đầu tiên của Huế ra đời và Minh Mẫn đã gia nhập đoàn hát này. Đoàn Kim Sanh, theo ông Trần Văn Hồng – người có nhiều người thân tham gia trong đoàn này kể lại thì: “Khi đó miền Nam có rất nhiều đoàn cải lương ra đời nên các nghệ sĩ và trí thức ở Huế cũng muốn xây dựng cho mình một đoàn hát hiện đại”.  Trong đoàn Kim Sanh còn có Mộng Điệp, Châu Kỳ… và đoàn được nhiều người trong hoàng tộc và trí thức ở Huế ủng hộ.

Nghệ sĩ Minh Mẫn, ngoài tham gia biểu diễn ở đoàn còn hát ở các phủ, như phủ ông Hường Khanh, phủ ông Ưng Bình…Bà cũng nhiều lần diễn cho nhà vua xem, mặc dù trong kinh khi đó vẫn có đội nhã nhạc. Bà Từ Cung, một người yêu và rành về ca Huế cũng rất yêu giọng hát của Minh Mẫn và thường gọi Minh Mẫn tới hát cho bà nghe những bài ca cổ.

“Giỏi chịu cực”

Bác Minh Mẫn dáng người nhỏ con, nhanh nhẹn, theo nghệ sĩ Kim Liên thì bà có giọng kim, tiếng hát cao, thanh khiết, huyền hoặc, một chất giọng hiếm ở Huế. Có nhiều thời điểm bà dành thời gian của mình để dạy ca Huế cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ. 

Năm 2014, nhà báo Lê Trung Việt có tìm thăm nghệ nhân Minh Mẫn và viết bài “Một kiếp cầm ca” trên báo Phụ Nữ, mô tả: “Căn nhà bà đang ở thấp lè tè, nóng như nung trong một kiệt nhỏ đường Nhật Lệ, thành Nội. Bà ăn cơm trên giường. “Mệ bị gãy xương, đi lại khó khăn lắm. Con gái bà kể, giọng như có nước mắt. Bà nói thêm: “Mệ có 8 bệnh, nặng nhất là xương sống, bác sĩ bảo muốn chữa phải mất 24 triệu, tiền mô ra?”.

Nghệ nhân Minh Mẫn được các nghệ sĩ đánh giá là nổi tiếng với các điệu Phẩm tiết, Nguyên Tiêu, Lộng Điệp, Cổ Bản, Quả Phụ, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Nam Ai, Nam Bình… Bà được xem là người duy nhất “còn thuộc lời cổ điệu Long Ngâm”.  Năm 2016, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Các nghệ sĩ thì thường bảo: “Bà giỏi chịu cực, dù cuộc sống khốn khó tới mấy, trước khán giả bà vẫn hát đắm đuối mê say”.
Bác Minh Mẫn đã qua đời vào ngày 13/3/2018, hưởng thọ 93 tuổi. Nghệ sĩ đàn tranh Tôn Nữ Lệ Hoa đã viết bài Niệm khúc cuối (Tương tư khúc) tiễn đưa bác Minh Mẫn khiến nhiều người rơi lệ, trong đó có những câu:

“Xót xa lòng,
Thương người nhân hậu!
Ôi! Thương tiếc vô cùng!
Tơ chùng, lỗi nhịp!
Giờ ly biệt
Quên đời hơn thiệt 
Tâm nén sầu bi 
Nghe phách lạnh đường mây”

Nghệ nhân Minh Mẫn đã dạy nhiều thế hệ học trò ngân lên cung bậc những bài ca Huế. Sự phát triển thuận lợi của ca Huế hôm nay trong đời sống của một thành phố văn hoá du lịch đang tạo điều kiện để giới trẻ tiếp cận với nghệ thuật ca Huế. Thế hệ trẻ cần nắm bắt cơ hội để kế thừa, tiếp thu có bài bản lớn, các ngón nghề cùng với sự trân trọng, say mê và quyết tâm gìn giữ nghệ thuật ca Huế của danh ca Minh Mẫn và lớp nghệ nhân cùng thời

Nhà nghiên cứu Võ Quê

Đào tạo nhiều lớp học trò

Gia đình người viết bài này có truyền thống ca Huế và nhiều người tham gia đoàn Kim Sanh cùng bác Minh Mẫn, nhưng gia đình chúng tôi ra Bắc từ năm 1946 nên tin tức về Huế, về những người cùng đoàn hát năm xưa rất hiếm hoi. Lúc còn nhỏ, tôi cũng thường nghe bà nội tôi khen ngợi giọng ca của Châu Loan, Minh Mẫn… Chúng tôi cũng nghe nói bác tôi là Vân Phi cùng bác Minh Mẫn ở lại Huế vẫn tiếp tục hát những bài ca truyền thống. Theo nhà báo Minh Khiêm: “Trước năm 1975, Minh Mẫn, Thanh Hương, Vân Phi là những giọng ca Huế nổi tiếng ở chốn sa lông và trên sóng phát thanh”.

Bà Minh Mẫn dạy ca Huế.

Nhà nghiên cứu Võ Quê nhận xét về giọng ca Minh Mẫn: “Nghệ thuật thể hiện chất giọng khoẻ, trong, điêu luyện, đầy hồn Huế trong các làn điệu, các bài ca tài hoa của Minh Mẫn đã tạo nên một sự đồng điệu giữa cảnh quan, thiên nhiên, cuộc sống, con người Huế; hoà nhập với từng trạng thái tình cảm buồn, vui của bạn tri âm, của người thưởng ngoạn”.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, tôi nhiều lần về Huế thăm quê cũ. Bác Vân Phi của chúng tôi đã qua đời, bác dâu tôi là nghệ sĩ ưu tú Mộng Điệp cũng từ giã cõi trần và mới đây bác Minh Mẫn cũng rời xa dòng sông Hương thơ mộng… tất cả chỉ để lại cho đời những tiếng ca man mác tìm thấy đâu đó trên đài phát thanh, trên internet.

Nhà nghiên cứu Võ Quê viết: “Từ năm 1970 đến nay, nghệ sĩ Minh Mẫn đã đào tạo nhiều lớp học trò theo học ca Huế theo lối truyền khẩu. Công việc lặng lẽ, âm thầm, cần mẫn nhưng đầy hiệu quả”.

Cuộc đời của bác Minh Mẫn cũng tựa như một chứng nhân của lịch sử âm nhạc vậy. Không lâu trước khi qua đời, Phạm Duy đã tìm về Huế, tìm bác Minh Mẫn, ông thuê một chuyến đò, đi từ cầu Trường Tiền xuống bao Vinh, khi đó cả hai người đều hơn 90 tuổi cả rồi. Nghệ nhân Minh Mẫn hát hai bài cho Phạm Duy nghe, đó là các bài“Tứ Đại Cảnh” và “Nam Bình”.

TRẦN NGUYỄN ANH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *