Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than

Nhân ngày giỗ đầu của ca sỹ Hà Thanh, được sự cho phép của ban quản trị trang CaSiHaThanh.wordpress.com, [dongnhacxua.com] xin trích đăng bài viết của học giả Nguyễn Đắc Xuân về người ca sỹ đã được ái mộ qua nhiều thế hệ. Tựa bài viết “đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than” là một câu trong bản “Tiếng Sông Hương” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương.

ĐÊM ĐÊM KHUA ÁNH TRĂNG VÀNG MÀ THAN
(Nguồn: bài viết của học giả Nguyễn Đắc Xuân đăng trên CaSiHaThanh.wordpress.com)

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com
Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com

Đầu năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy ra Huế với tập Mười bài Tâm ca do Lá Bối xuất bản. Phạm Duy được tiến sĩ Lê mời về ở lại gian hộ của ông tại 2 Lê Lợi, Huế. Tôi kể lại chuyện được ca sĩ Hà Thanh hát cho nghe lần đầu bài Tâm ca số 5 Để lại cho em. Nhạc sĩ Phạm Duy đề nghị tiến sĩ Lê mời Hà Thanh qua 2 Lê Lợi hát chơi. Thế là buổi hát Tâm ca đầu tiên diễn ra ở Huế. Mỗi bài Tâm ca Hà Thanh chỉ đọc qua là có thể hát được ngay. Trong không khí bức xúc không được thể hiện khát vọng hòa bình, không được phản đối chiến tranh của Mỹ, bài Tâm ca số 1 Tôi ước mơ phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua giọng Hà Thanh lần đầu tiên oà vỡ mất sự sợ hãi trong tâm trí chúng tôi.

“Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở… Nhưng đến bao giờ tôi mới nói được điều tôi ước mơ… Tôi ước mơ?”

Tiếng hát hay, nội dung câu hát kích vào nỗi khát vọng của mọi người gây nên một hiệu ứng cảm thụ lạ lùng. Ước mơ của Thiền sư Nhất Hạnh cũng là ước mơ của dân tộc lúc ấy.

“Ông Hoàng âm nhạc” Phạm Duy hết lời ca ngợi tài năng của Hà Thanh. Lần đầu tiên ca sĩ Hà Thanh biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị ngỏ ý muốn tìm đọc cả tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của nhà sư vừa ở Hoa Kỳ về. Tiến sĩ Lê không giấu được sự cảm phục, say đắm của mình. Ông gọi xe chạy qua phố mua về tặng ngay cho Hà Thanh một chiếc ghi ta của Ý. Thùng đàn của Ý to hơn thùng đàn sản xuất ở Việt Nam, tiếng đàn rất ấm, hợp với giọng Hà Thanh vô cùng. Tiến sĩ Lê tỏ tình với ca sĩ Hà Thanh qua món quà văn nghệ ấy. Và, cũng từ ấy tiến sĩ Lê và tôi có nhiều dịp qua lại gặp gỡ chuyện trò với ca sĩ Hà Thanh…..

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com
Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com

Sau chín năm băng rừng, lội suối, xuôi ngược Trường Sơn, suýt chết nhiều lần tôi may mắn được sống sót chứng kiến được ngày đất nước thống nhất. Tôi tìm bà con, bạn bè chia sẻ hạnh phúc hòa bình. Vào Sài Gòn, tôi đi tìm ca sĩ Hà Thanh. Phải khó nhọc lắm mới tìm ra được nơi ở của chị trong tòa nhà tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu ngày nay. Tôi không hiểu tòa nhà đó của ai và do đâu chị được ở đó. Tòa nhà lớn và toàn người lạ nên hỏi mãi mới đến được chỗ chị đang ở. Tôi thật không thể nào hiểu nổi: Ca sĩ Hà Thanh với đứa con gái ba bốn tuổi ở dưới gầm cầu thang trong tòa nhà lớn ấy. Ca sĩ Hà Thanh ngồi trên một chiếc chiếu éc bên cạnh dựng cây đàn ghi ta, một cái va li, một chiếc lò sô và một thau đựng vài cái chén dĩa. Chị ngước nhìn tôi miệng cười với đôi hàm tăng trắng muốt. Hai dòng lệ rơi xuống chiếu, chị nhoài người ra đứng dậy bắt tay tôi. “Ôi Xuân! Xuân… mà!”. Tôi hiểu chị muốn nói Xuân chết rồi mà! Nhiều người cũng đã tưởng như vậy nên tôi hiểu ý chị ngay. “Đáng lẽ chết rồi nhưng bom đạn và sốt rét chê nên còn sống đây”. Tôi định hỏi vì sao chị lại rơi vào hoàn cảnh như thế nầy nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến niềm vui chị đang gặp lại bạn cũ sau gần chục năm chiến tranh, lời đã ra đến môi tôi ngậm lại. Hà Thanh kéo tôi ngồi xuống chiếu chị cho biết chồng chị là Trung tá thiết giáp Bùi Thế Dung đang đi học tập, chỗ ở cũ bị giao cho chủ mới, chị đang chờ tìm chỗ ở khác nên mẹ con tạm thời ở đây. Chị nói với giọng rất tự nhiên, không một chút bối rối xúc động. Tôi đọc được sự vui mừng đất nước được hòa bình trong giọng nói của chị. Sự “đổi đời” của gia đình chị như một lẽ tự nhiên. Nói chuyện một lúc, chị như sực nhớ ra điều gì và bảo tôi:

– Tối rồi, còn chén cơm mình chiên lên cùng ăn nghe!

Lời mời của Hà Thanh dưới gầm cầu thang cũng hồn nhiên không khác nào lời mời những bữa tiệc diễn ra ở nhà chị 18 Huyền Trân Công Chúa mười năm trước ở Huế. Một chén cơm nguội chia cho ba người mà sao tôi ăn thấy ngon làm sao. Ăn xong, chị quay lại lấy cây đàn và bảo tôi:

– Mừng chiến tranh chấm dứt, mừng Xuân bình yên trở về Hà hát tặng Xuân bài Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương nhé!

Tôi chưa kịp cám ơn thì bị cháu Kim Huyên dùng dằng tỏ ra khó chịu. Tôi hơi ngượng với cháu. Chị biết thế nên bảo con:

– Cậu Xuân là bạn của mẹ và của mấy dì, cậu đi xa mới về, mẹ hát mừng cậu. Con ngoan mẹ thương!

Kim Huyên không vùng vằng nữa nhưng mặt không vui. Hà Thanh so dây rồi cất giọng hát: “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương Giang…” Tiếng hát chị vút lên “vọng tiếng”và hạ dần xuống “em xinh em bé” êm ái lạ thường. Tiếng hát như một làn gió mát dịu xuyên qua đầu óc đang đan xen những vui buồn của tôi. Tôi lặng người đi và tự nhiên tôi cảm thấy sợ không dám nhìn sự hồn nhiên của chị. Bỗng nhiên chị nhìn tôi và nở một nụ cười khi bắt đầu hát đến mấy câu: “Hò ơi, bao giờ máu xương hết tuôn tràn/ Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn/ Cho em vang khúc ca nồng nàn/ Ngày vui tan đao binh/ Mẹ bồng con sơ sinh/ Chiều đầu xóm/ xôn xao đón người hùng binh/ Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên”.

Nếu người khác tặng tôi câu hát nầy giữa lúc này thì tôi sẽ nghĩ họ trêu tôi. Nhưng đối với Hà Thanh thì không phải thế. Nội dung bài hát mâu thuẫn với hoàn cảnh bi đát hiện tại của chị nhưng nó lại lô-gíc với tình bạn của chị với tôi. Một cảm tưởng được và mất trong tôi. Được nhiều nhưng mất cũng không nhỏ. Tôi lặng người và chỉ nói được một câu:

– Thấm thía quá chịu Hà ơi!.

Bỗng nhiên cháu Kim Huyên khóc ré lên, chị lại dỗ cháu. Chị hát cho tôi nghe những bài mới ra đời từ sau ngày tôi thoát ly theo kháng chiến. Chị tự đệm đàn cho chị hát. Chị hát say sưa. Hát toàn bài vui. Chị hát đến khuya. Kết thúc bằng bài Hoa xuân. Đến lúc nầy tôi mới ngộ ra rằng chị hát không những để tặng tôi mà tôi cũng là một cơ hội để chị hát. Hát để vượt qua sự thử thách quá lớn chị đang cố gắng vượt qua. Biết thế nên tôi không dám chia tay chị dù trời đã khuya. Trong đời tôi chưa bao giờ được thưởng thức một “sô” diễn tân nhạc sâu thắm và da diệt đến thế.

Rồi từ đó tôi lo việc lập gia đình, đi “học Huế” để làm người cầm bút của xứ Huế không mấy khi được gặp lại Hà Thanh. Đột nhiên đến năm 1982, không rõ ai đã mách cho chị biết chỗ ở của tôi, (vì đến năm đó tôi đã chuyển đến bốn năm địa chỉ) chị ghé lại nhà tôi – một gian phòng hẹp của nhà hộ sinh Kim Cúc cũ tại 16 Lý Thường Kiệt – mời tôi lên 18 Huyền Trân Công Chúa (đã đổi thành 18 Bùi Thị Xuân) ăn cơm chia tay để chị đi “đoàn tụ” ở Hoa Kỳ. Sau bữa cơm chia tay đó tôi nghĩ không bao giờ tôi còn có dịp gặp lại Hà Thanh nữa.

….
…. Năm 2006, tôi sang Boston ở miền Đông bắc Hoa Kỳ chuẩn bị thực hiện đề tài “Phong trào Thơ văn âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964 – 1966 ở miền Nam Việt Nam” cho Trung tâm William Joiner, không ngờ tôi lại được liên lạc với Hà Thanh.

Một cuộc hàn huyên hào hứng. Tình người xóa đi hết những khoảng cách, những dị biệt. Gặp lại Hà Thanh trên đất Mỹ không tiện nhắc lại những chuyện cũ. Chị biết tôi nguyên là một sinh viên Phật tử, lại là người đi theo khuynh hướng hòa bình, hòa giải dân tộc của Thầy Nhất Hạnh từ hồi nửa thế kỷ trước nên chị kể chuyện chị quy y lại với Thầy và chị dành nhiều thời gian tu chánh niệm, niệm Phật, hát nhạc Thiền và tọa Thiền theo pháp môn Làng Mai. Chị tặng tôi một CD chị niệm A Di Đà Phật rất thanh thoát. Cho đến bây giờ, mỗi lần thấy đầu óc căng thẳng tôi lại nghe chị niệm Phật thay cho những bài hát êm dịu mà trước đây tôi rất thích. Qua điện thoại nhiều hôm tôi ngỏ ý mời chị về sống cuối đời ở Huế. Chị bảo tôi:

– Cái nhà ở Huế đã cho đứa cháu rồi. Hà về Huế ở mô?

Tình thiệt tôi đáp:

– Trời ơi, chị về vô lẽ cháu chị không dành lại cho chị một phòng để chị sống và ca hát sao?

Chị lại bảo:

– Ở đây Hà ít giao du với cộng đồng người Viêt, nhiều khi cũng buồn và nhớ Huế lắm. Hà cũng muốn về. Nhưng có lẽ Hà phải giúp nuôi con của con gái Kim Huyên lớn lớn một chút rồi sẽ về!

Tôi biết chị từ chối khéo lời mời của tôi nhưng tôi vẫn hy vọng và có ý chờ…

Nhưng… rồi, đúng vào ngày đầu năm 2014, chị đã qua đời ở Boston miền Đông Hoa Kỳ.

Tôi không còn cơ hội gặp lại chị, nhưng Huế tôi luôn có ca sĩ Hà Thanh, cũng như luôn có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người cùng thời với chị.

Huế, mùa Xuân 2015
Nguyễn Đắc Xuân

[footer]

Giang hồ Sài Gòn đi vào nghệ thuật

Tiếp nối dòng văn nghệ về thế giới ngầm của Sài Gòn ngày trước, [dongnhacxua.com] xin đăng lại một bài viết trên VietnamNet.vn để úy vị có nhiều thông tin hữu ích.

CHUYỆN GIANG HỒ SÀI GÒN ĐI VÀO NGHỆ THUẬT
(Nguồn: VietnamNet.vn)

Thực ra, không phải bây giờ đất Sài Gòn, nay là TP.HCM, mới có nhiều tội phạm. Từ xa xưa, Sài Gòn được ví von là “Hòn ngọc viễn Đông” là lãnh địa làm ăn của giới tội phạm cả nước tập trung về đây.

Trước năm 1975, có thể xem là thời điểm “thịnh” nhất của tội phạm xã hội. Hồi ấy, người ta gọi chúng là “giang hồ”, “du đãng”…

Từ hảo hán thời loạn đến tội phạm

Thế giới giang hồ Sài Gòn, có thể tạm phân chia làm 3 giai đoạn lớn kéo dài gắn bó với những biến cố lịch sử của nước ta.

Thời Pháp thuộc, đã manh nha xuất hiện tầng lớp tội phạm cướp giật, quậy phá ở nhiều địa phương.

Sài Gòn lúc đó đang trong giai đoạn mới hình thành, là đô thị mới, kinh tế – thương mại phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất ở Đông Dương.

Đường phố Sài Gòn trước năm 1975. Ảnh: VietnamNet.vn
Đường phố Sài Gòn trước năm 1975. Ảnh: VietnamNet.vn

Bởi vậy, Sài Gòn không chỉ là “đất lành” cho những người có ý chí làm ăn, tìm cơ hội thay đổi cuộc đời mà cũng là ‘đất sống” cho giới tội phạm quy tụ về “làm ăn”, giành giật lãnh địa, thanh toán nhau. Nhiều nhân vật du đãng có tiếng tăm được chính quyền thời bấy giờ trọng dụng, như Bảy Viễn…

Tuy nhiên, phát triển mạnh mẽ, có tổ chức tinh vi, chặt chẽ là giai đoạn từ những năm 60 đến năm 1975. Bằng những trận thư hùng đẫm máu, thế giới giang hồ Sài Gòn đã định hình thế “tứ trụ” do 4 băng nhóm nổi tiếng thống lĩnh, sử sách gọi nhóm “tự trụ” này bằng cái tên mỹ miều du nhập từ Hong kong “Tứ đại thiên vương” là Lê Đại (Đại Cathay) – Huỳnh Tỳ – Ngô Văn Cái – Nguyễn Kế Thế.

4 “đại vương” này chia nhau cai quản thế giới ngầm Sài Gòn một thời gian dài. Trong đó, băng của Đại Cathay dù sinh sau đẻ muộn nhưng nổi đình nổi đám nhất, đến mức như huyền thoại.

Tương truyền, Đại Cathay đã dám tung quả đấm như trời giáng vào bụng của Trung tá Nguyễn Cao Kỳ – sau này là trung tướng, phó tổng thống, thủ tướng Việt Nam cộng hòa trong vũ trường – chúng tôi sẽ nói rõ ở những phần sau.

Chế độ Việt Nam cộng hòa thời kỳ bấy giờ phải đối phó vô cùng vất vả. Có những lúc giữa quân cảnh và giới giang hồ phải bắt tay nhau để “chung sống”.

Vì bản tính ngông nghênh, Đại Cathay đã bị tiêu diệt. 3 “đại vương” còn lại vẫn tiếp tục hoạt động cho đến ngày giải phóng miền Nam. Chúng đã bị chính quyền Cách mạng trừng phạt, dẹp triệt để, đem lại bình yêu cho nhân dân TP.HCM.

Lịch sử giang hồ Sài Gòn ngoài “tứ đại thiên vương” còn nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Bạch Hải Đường, Điềm Khắc Kim, Quý “tử hình” (anh ruột Lai anh và Lai em, 2 tên bị tử hình trong vụ án “Năm Cam và đồng bọn”), anh em võ sĩ Hồng Cương- Hồng Trực cai quản khu Cô Bắc – Cô Giang v.v…

Trương Văn Cam, tức Năm Cam đã có mặt trong thế giới giang hồ Sài Gòn vào những năm 1964 – 1965. Tuy nhiên, y chỉ là vô danh tiểu tốt, nương tựa vào ông anh rể là Bảy Si, lúc này đã có số má.

Lúc ấy không ai có thể biết trước rằng 30 năm sau Năm Cam sẽ trở thành ông trùm xã hội đen trên đất Sài Gòn.

Lúc ấy, Lâm chín ngón đã là tay chân thân tín của Đại Cathy, gặp Năm Cam không thèm ngó bằng nửa con mắt.

Có lẽ Năm Cam cũng không thể nghĩ có ngày hắn lại ngồi “chiếu trên” với bậc đàn anh cao vời vợi như Lâm chín ngón.

“Thành tích” lớn nhất của kẻ vô danh Năm Cam lúc bấy giờ là cứu Huỳnh Tỳ chạy thoát trong một cuộc đấu súng với lính dù…

Sau ngày giải phóng miền Nam, những chiến dịch của lực lượng Công an TP.HCM từ năm 1975 đến những năm 1980 đã xóa sổ cơ bản các thủ lĩnh khét tiếng và làm tan rã nhiều băng nhóm giang hồ còn sót lại. Những kẻ cầm đầu đều bị pháp luật trừng trị.

Tuy nhiên, như những loài cỏ độc, trên mảnh đất Sài Gòn – TP.HCM luôn phải đối phó với nạn lưu manh, cướp giật lúc rộ lên, lúc lắng xuống.

Những băng nhóm quy mộ như thời trước 1975 không còn đất sống thì xuất hiện nhiều băng nhóm nhỏ lẻ luôn là thách thức với lực lượng công an TP.

Vụ Năm Cam là bài học không thể quên vì sự sơ hở, mất cảnh giác đã để sống dậy tổ chức tội phạm quy mô, mang đậm chất tội phạm mafia, không còn phảng phất chất “du đãng”, “giang hồ” như trước kia.

Giang hồ đi vào …nghệ thuật

Ông trùm mafia Ý ở đảo Sicin trở thành bất hủ khi thành nhân vật chính trong tác phẩm Bố già (The Godfather) nổi tiếng của nhà văn Mỹ gốc Ý tên Mario Puzo.

Đại Cathay, trùm giang hồ Sài Gòn một thời. Ảnh: VietnamNet.vn
Đại Cathay, trùm giang hồ Sài Gòn một thời. Ảnh: VietnamNet.vn

Tác phẩm sau đó được dựng thành phim cũng nổi tiếng không kém. Nhân vật chính Don Vito Corleone trong phim là hiện thân của ông trùm tên Don Vito Cascio Ferr di cư từ Ý qua Mỹ những năm đầu thế kỷ 20, đã gây dựng nên tổ chức maphia đầu tiên trên xứ cờ hoa.

Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng đã lấy nguyên mẫu một tội phạm ngoài đời đi vào tác phẩm “Bỉ vỏ”. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên ở nước ta viết về thế giới giang hồ ở đất Hải Phòng.

Thế nhưng, tội phạm trong thế giới giang hồ thông qua thế giới nghệ thuật, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp trẻ là hiện tượng có một không hai lại xảy ra ở Sài Gòn trước năm 1975.

Đó là băng giang hồ của Đại Cathay cũng các quân sư và người tình đều trở thành những nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm nổi tiếng ở miền Nam thời bấy giờ.

Tác phẩm “Điệu ru nước mắt” của nhà văn Duyên Anh lấy nguyên mẫu trùm Đại Cathay làm nhân vật chính, được thi vị hóa thành kẻ giang hồ hào hoa, lãng tử.

Tương truyền, trong quá trình cuốn “Điệu ru nước mắt” được viết, Đại Cathay đã cung cấp thuốc phiện và khách sạn yên tĩnh cho nhà văn.

Tuy nhiên, sách ra đời, dù bán rất chạy nhưng Đại Cathay không hài lòng vì vài tình tiết không được như ý, nhà văn Duyên Anh phải trốn lên Đà Lạt sống một thời gian.

Đại Cathay ngoài đời tuy không được ăn học nhưng có đội ngũ quân sư là những trí thức, nghệ sĩ có tên tuổi giúp và băng nhóm của y bớt vẻ cục súc, độc ác như băng ba tàu Huỳnh Tỳ, Hoàng Cái Thế… Quân sư Hoàng là một nhạc sĩ ghi-ta cũng là nhân vật chính trong tiểu thuyết “Vết thù trên lưng ngựa hoang”.

Tác phẩm này nổi tiếng đến mức được dựng thành phim. Nhạc sĩ tài ba Phạm Duy đã phổ nhạc bài hát cùng tên cho bộ phim này.

Lệ Hải, người tình của Đại Cathay là nhân vật xuất thân từ nhà giàu, theo tiếng gọi giang hồ đã chọn thế giới này làm lẽ sống. Cuộc tình ngắn ngủi giữa Đại Cathay và Lệ Hải được giới giang hồ đồn đại đẹp như bài thơ tình lãng mạn.

Sau đó, người đẹp Lệ Hải qua tay bao nhiêu đấng mày râu khác, có kẻ là trí thức giang hồ, có kẻ là anh hùng hảo hán và có cả …nhà thơ!

Bài hát “Loài yêu nữ mang tên em” do ca sĩ Elvis Phương trình diễn nổi tiếng một thời xuất thân từ bài thơ của nhà thơ Văn Mạc Thảo: “Ta gọi tên em là yêu nữ – Là loài yêu mị gái hồ ly” được nhạc sĩ Ngọc Chánh phổ nhạc.

Nữ văn sĩ nổi tiếng ăn khách Lệ Hằng cũng vào cuộc, từ nhân vật Lệ Hải đã viết nên tiểu thuyết “Bản tăng gô cuối cùng” xuất bản nhiều lần trước năm 1975!

Ngoài những người trong băng Đại Cathy lên sách, tiểu thuyết, thơ và phim thì các nhân vật khác như Điềm Khắc Kim, Bạch Hải Đường là những nhân vật trong các vở cải lương cùng tên. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hùng Cường, Minh Vương đã vào vai tướng cướp Bạch Hải Đường.

Tuy nhiên, cần nói thêm, nhân vật tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở cải lương và ngoài đời cách nhau rất xa!

Duy Chiến

[footer]

Khánh Ly & Trịnh Công Sơn: một kết hợp định mệnh

Trong nền tân nhạc Việt Nam, có nhiều kết hợp rất độc đáo như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Lê Uyên – Phương, v.v. Trong số đó, theo thiển ý của [dongnhacxua.com], sự kết hợp gần như là định mệnh giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là đặc biệt hơn cả và đó như một làn gió mới, thổi mát tâm hồn của biết bao thế hệ yêu nhạc xưa.

tuoi-da-buon--0--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
Tuổi đá buồn (Trịnh Công Sơn), một trong số những bản nhạc Khánh Ly hát lần đầu tiên ở Quán Văn. Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

tuoi-da-buon--1--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com tuoi-da-buon--2--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com tuoi-da-buon--3--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

KHÁNH LY CÔNG BỐ SỰ THẬT VỀ ‘MỐI TÌNH’ VỚI TRỊNH CÔNG SƠN
(Nguồn: bài viết của tác giả Vương Hà đăng trên NguoiDuaTin.vn)

Trong số những bóng hồng đi vào nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn không có Khánh Ly người phụ nữ thân thiết, “một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau”. Nhưng Khánh Ly lại thấy trong tất cả các ca khúc của Trịnh đều có bóng dáng của mình. 

Có một thời, Trịnh sáng tác chỉ để Khánh Ly ca. Mười năm gắn bó “duyên tình âm nhạc” để làm nên một “nữ hoàng chân đất”, một Khánh Ly hát nhạc Trịnh mãi về sau khó có giọng ca nào vượt qua…

 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Giọng ca Đà Lạt thành… “nữ hoàng chân đất”

Nhớ về Trịnh, Khánh Ly tiết lộ, Trịnh Công Sơn gặp chị trong hộp đêm Tulipe Rouge tại Đà Lạt. Thời gian ấy, nhiều người nói, Trịnh Công Sơn đang đắm say với giọng hát Thanh Thúy “liêu trai” nhưng khi nghe giọng hát Khánh Ly, ông đã bị hút hồn và tìm cách gặp chị. Những bạn bè của Trịnh cũng từng xác nhận chuyện này, vào năm 1965 tại Đà Lạt mộng mơ, Trịnh Công Sơn tình cờ nghe được giọng hát Khánh Ly. Ông biết ngay giọng hát của cô ca sỹ này hợp với những bản nhạc của mình nên mời chị tham gia. Thời gian sau, Khánh Ly rời Đà Lạt xuống Sài Gòn và trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn.

Khi Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly, chị chưa nổi tiếng, đến cuối năm 1965, họ có buổi ra mắt đầu tiên tại trường Đại học Văn khoa với hàng ngàn sinh viên và trí thức. Bằng chiếc đàn thùng đơn giản, Khánh Ly hát say xưa những bài tự tình quê hương và thân phận con người đã làm đắm say hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt đêm đó. Cứ thế, những buổi biểu diễn liên tiếp tại các trường đại học, các tụ điểm ca nhạc công cộng khiến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành hiện tượng âm nhạc, và trở thành thần tượng của giới trẻ khi ấy.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát không công, không thù lao chủ yếu cho khán giả trẻ nơi giảng đường của các trường đại học. Trịnh Công Sơn dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng, giọng nói nhỏ nhẹ xứ Huế với cuộc sống của một lãng tử. Khánh Ly khi hát đi chân đất, khiến khán giả quen, yêu quý mà gọi chị là “nữ hoàng chân đất”. Chị hát bằng cả tấm lòng người nghệ sỹ yêu hết mình những giai điệu của nhạc Trịnh. Nhiều văn nghệ sỹ khi ấy, coi họ là một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát – mang lý tưởng nhân đạo và tình yêu thể hiện sự dấn thân.

Kể lại thời kỳ những năm 60 cơ cực, đói khổ nhưng đầy hạnh phúc ấy, Khánh Ly nói: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.

Hai người đi với nhau tạo thành hình ảnh “lứa đôi”, một đôi trai gái trong tình bạn trong sáng, hồn nhiên. Khánh Ly – Trịnh Công Sơn tạo thành một đôi bạn trẻ muốn phá vỡ quan niệm xưa cũ. Trong dư luận khi ấy, không ít người tò mò, định kiến, nhưng Trịnh là người tiếng tăm mà không tai tiếng, ngay từ thời đó, Trịnh khẳng định: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”.

Bóng dáng ngập tràn nhưng không có… cuộc tình

Trong những tuyệt phẩm của Trịnh luôn có những bóng hồng, khi sâu sắc, lúc thoáng qua như hư ảo. Nhưng những bóng hồng ấy vẫn gọi được thành tên, gọi chung cho những cuộc tình đôi khi chỉ là chút tình nghệ sỹ đơn phương hay nhè nhẹ như chút nắng cuối thu. Riêng Khánh Ly không có cuộc tình với Trịnh Công Sơn, song định mệnh đã gắn kết hai người bằng tình yêu ca hát. Khánh Ly giã từ Đà Lạt theo Trịnh Công Sơn về Sài Gòn khi mới hơn 20 tuổi.

Khánh Ly hiện nay. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Khánh Ly hiện nay. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Nhiều người đã cho rằng trời sinh ra Khánh Ly để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Chị yêu thương Trịnh như một người bạn, một người anh, một người thầy…. Đôi khi trước mặt những người khác, Trịnh vẫn la rầy Khánh Ly như một cô học trò nhỏ. Khánh Ly cũng chỉ biết cười buồn.

Không duyên tình lứa đôi, nhưng Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn bó với nhau bằng định mệnh. Hơn 17 năm, sau ngày Khánh Ly rời Việt Nam, họ gặp lại nhau tại Canada. Đối diện với Trịnh, chị vẫn nhỏ bé như ngày xưa, luôn yêu thương và kính trọng…

Khánh Ly nhớ lại: “Chúng tôi ôm choàng lấy nhau, lúc này tôi mới cảm nhận chúng tôi thật sự có nhau, không phải trong một giấc mơ kéo dài 17 năm. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi mới hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng… Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói bằng lời”.

Họ đi dạo, im lặng bên trời Tây xa lạ mà cảm thấy gần gũi nhau như thuở người từ Sài Gòn ra Huế thăm nhau. Khánh Ly đã chia sẻ về buổi gặp nhau ấy: “Bao nhiêu ngày tháng đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi, tôi cũng thế. Cả hai không thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi… Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có”.

Với Trịnh Công Sơn, một điều chắc chắn bất cứ một người con gái nào đến với ông, đem đến cho ông dù một chút tình vẫn được ông nâng niu đón nhận. Còn riêng với Khánh Ly, ông coi đó là cuộc gặp gỡ của định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau. Một người hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh – hay nhất. Cảm nhận điều ấy, Khánh Ly luôn khẳng định ở họ là “mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”.

Mười năm bên cạnh Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã gắn với tên tuổi của Trịnh đến nỗi không thể tách rời. Khánh Ly vẫn nói: “Tuy không có một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Cũng có lẽ vì thế, Khánh Ly là một trong số những người hiểu rất rõ ca từ, cũng như tâm ý phần lớn ca khúc của Trịnh.

Sau năm 1975, Khánh Ly ra hải ngoại, đi khắp thế giới với nghiệp cầm ca nhưng không bao giờ chị rời bỏ tên Trịnh Công Sơn bên cạnh cuộc đời của mình. Ngày 1/4/2001, khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, Khánh Ly đã từng nói rằng: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn!”.

Cuộc điện thoại nửa vòng trái đất nghe Khánh Ly mở lòng về sự “thành nhân” và “thành danh”

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai sinh năm 1945 tại Hà Nội. Từ nhỏ chị theo gia đình vào sinh sống tại Đà Lạt và hiện đang sống tại Mỹ. Cách nhau nửa vòng trái đất, tôi gọi điện cho Khánh Ly khi ấy ở Việt Nam đã gần trưa cũng là lúc gần khuya của giờ Mỹ ngày hôm trước. Giọng nói truyền cảm của Khánh Ly, qua điện thoại rõ ràng, không khác là bao khi chị cất giọng hát trên sân khấu. Tôi hỏi thăm sức khỏe, Khánh Ly cho biết, chị vẫn tham gia những chương trình ca nhạc ở hải ngoại. “Dù đã có tuổi, nhưng khán giả vẫn thương, mỗi tuần Khánh Ly vẫn nhận show và đi diễn khắp nơi như ở Mỹ, châu úc, châu Âu. Chương trình gần nhất, Khánh Ly sẽ đi hát cho kiều bào ở Thái Lan”, Khánh Ly cho biết. Khánh Ly cũng chia sẻ, trong những chương trình chị biểu diễn khán giả vẫn muốn được nghe những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Mỗi lần cất lên lời ca của nhạc Trịnh, cho dù ông đã đi xa, Khánh Ly thể hiện như một tấm lòng tri ân với người mà “từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân”, chị nói.

Vương Hà

[footer]

Mùa thu trong mưa (Trường Sa)

Rất nhiều người cho rằng Sài Gòn không có mùa thu. Điều này không sai nhưng chưa  hẳn là hoàn toàn đúng. Sáng nay trời Sài Gòn trở lạnh. Ngồi nhâm nhi ly cafe thật. Nghe lại bản “Mùa thu trong mưa” của nhạc sỹ Trường Sa. Và bất chợt một cơn mưa ập đến. Với [dongnhacxua.com], như vậy là quá hạnh phúc, một hạnh phúc của “Thu Sài Gòn”.  Chúng tôi bỗng nhớ đến lời tâm sự của nhạc sỹ Trường Sa, lúc đó là hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa trong Hải Quân của Miền Nam Việt Nam, về hoàn cảnh ra đời của “Mùa thu trong mưa”: trong một chiều dừng chân ở bến Mỹ Tho, một cơn mưa ập đến và khi cơn mưa chưa dứt, đường phố chưa lên đèn thì ông đã sáng tác xong nhạc phẩm này. Qua tiếng hát của Lệ Thu (một giọng ca mà ông hằng mến mộ) bản này đã nổi tiếng và gắn liền với tên tuổi của nhạc sỹ Trường Sa cũng như ca sỹ Lệ Thu qua hơn 40 năm.

Ảnh: ns-truongsa.blogspot.com
Ảnh: ns-truongsa.blogspot.com

 

Ảnh: ns-truongsa.blogspot.com
Ảnh: ns-truongsa.blogspot.com

Nhạc sĩ Y Vân: Thuở dừng chân trên bến Sài Gòn

(Tiếp nối dòng hồi tưởng về nhạc sỹ Y Vân, [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến quý vị yêu nhạc xưa một bài viết có giá trị của một người bạn – nhà báo, nhà văn, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn – đăng trên An Ninh Thế Giới Cuối Tháng) Trong những nhạc sĩ quá cố mỗi ngày vẫn khơi dậy thương yêu cho chúng ta từ các ca khúc của họ, Y Vân là một trường hợp khiến tôi chú ý. Khi đời sống văn hóa cởi mở hơn, đủ để sự vùi lấp được lấp lánh lại và đủ để sự thiệt thòi được an ủi lại, thì nhạc sĩ Y Vân không còn trên đời mà nói về bao nhiêu góc khuất riêng tư.

1. Đôi lần tôi định phác thảo chân dung ông bằng chút chữ nghĩa khiêm tốn của mình, nhưng cứ day dứt suy nghĩ: cái lý lịch đáng tin cậy nhất và bền vững nhất của nhạc sĩ chính là những giai điệu thăng hoa từ tâm hồn, chứ không phải bất kỳ một lời hoa mỹ nào. Không thể nói khác hơn, giá trị ca khúc sẽ trực tiếp chứng minh nhạc sĩ ấy đã đến, đã trân trọng và đã ngoảnh lại tiếc nhớ cuộc sống này ra sao. Thế nhưng, đến một ngày gặp gỡ những người thân của nhạc sĩ Y Vân và được ngồi trong căn nhà nhỏ mà ông đã lặng lẽ sáng tạo đến giây phút cuối cùng trên cõi nhân gian, tôi quyết định viết về ông, dẫu dài dẫu ngắn hoặc dẫu sớm dẫu muộn cũng tỏ bày dăm ba niềm mến mộ của khán giả hôm nay dành cho tác giả nhiều ca khúc nức danh như “Lòng mẹ”, “Sài Gòn”, “60 năm cuộc đời”…

2. Xin nhắc lại, với di sản âm nhạc của nhạc sĩ Y Vân, ông không cần ai bênh vực cho mình trước sự bôi xóa nghiệt ngã của thời gian. Và cái lý lịch của Y Vân không chỉ đơn giản rằng: tên thật Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội, mất năm 1992 tại TP HCM. Lý lịch của Y Vân cần được hình dung bằng những tác phẩm của Y Vân. Tôi đến tư gia của ông không phải để dò hỏi tin tức mà để cảm nhận không gian đã chở che và nâng đỡ nhiều ca khúc ký tên Y Vân xuất hiện.

Y Vân qua nét vẽ của con trai trưởng. Ảnh: cand.com.vn
Y Vân qua nét vẽ của con trai trưởng. Ảnh: cand.com.vn

Trên bức tường ngay phòng khách trang trọng treo bức tranh chân dung Y Vân do người con trai trưởng của ông vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Đó là một bức tranh chân dung chứa đựng nhiều rung động thẩm mỹ. Nhìn vào đấy có thể thấy một Y Vân tóc gợn sóng phiêu lãng, vầng trán gồ nghị lực, và đặc biệt là đôi mắt sắc u uẩn buồn. Dù người vẽ thêm vào nhiều nốt nhạc quanh khuôn mặt khắc khổ của ông, thậm chí khói thuốc bay vòng lên từ vành môi ông cũng biến thành khóa sol, vẫn không thể nào khỏa lấp được nét buồn cứ thăm thẳm trào ra đôi mắt. Cứ như cả tuổi thơ khốn khó của một cậu bé mồ côi cha, xuôi ngược cùng mẹ nuôi hai em trong một ngõ nhỏ ở phố Khâm Thiên – Hà Nội, đều dồn vào đôi mắt ấy. Y Vân qua nét vẽ của con trai trưởng. Cứ như cả chuỗi ngày mê mải cùng các ban nhạc vất vả ở các phòng trà kiếm tiền cơm vợ áo con đều dồn vào đôi mắt ấy. Cứ như cả chuỗi khuya khoắt lầm lũi ôm cây đàn guitare ký xướng từng nốt nhạc lên trang bản thảo nhọc nhằn, đều dồn vào đôi mắt ấy. Lạc trong đôi mắt Y Vân, tôi bỗng mường tượng bài hát “Buồn” xa vắng tri âm của ông: “Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn. Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say”.

3. Bà Trần Thị Minh Lâm, người gắn bó với quãng đời sau của nhạc sĩ Y Vân, lần giở những bản nhạc của ông được gìn giữ cẩn thận bằng vẻ mặt hồi tưởng rưng rưng. Từ khi ông khuất bóng, bà sống dưới ngôi nhà này giữa ngổn ngang kỷ niệm. Gần 20 năm đã trôi qua, nhưng ngôi nhà vẫn bày biện như thời ông còn tại thế. Với bà, hình ảnh ông không hề xa xôi hay cách biệt, có thể ông vừa ra ngõ mua một bao thuốc lá, có thể ông vừa đến phòng thu để hòa âm một ca khúc mới, và cũng có thể ông vừa đi thực tế sáng tác ở đâu đó.

Bà Trần Thị Minh Lâm giở lại di cảo của chồng. Ảnh: cand.com.vn
Bà Trần Thị Minh Lâm giở lại di cảo của chồng. Ảnh: cand.com.vn

Bà Trần Thị Minh Lâm chính thức đến với nhạc sĩ Y Vân do… vợ trước của nhạc sĩ Y Vân trực tiếp đi hỏi cưới. Bên chiếc máy may nhỏ, mỗi ngày bà tận tụy từng mũi kim đường chỉ để làm điểm tựa cho ca khúc của Y Vân tiếp tục bay cùng năm tháng. Bà rạch tòi: “Y Vân viết khoảng 200 ca khúc, tui đã đi đăng ký bản quyền 136 bài. Mong ước lớn nhứt của tui là có thể in một tuyển tập ca khúc Y Vân thật đầy đủ!”. Trong ký ức của bà vẫn còn nguyên tấm lưng gầy gò của nhạc sĩ Y Vân bên ngọn đèn đêm âm thầm viết nhạc. Hơn ai hết, bà hiểu ông viết ca khúc và viết nhạc phim giữa cái xóm lao động nghèo trên đường Trần Huy Liệu, quận 3, TP HCM không chỉ bằng đam mê mà còn bằng trách nhiệm của một người chồng, người cha. Bà sinh cho nhạc sĩ Y Vân bốn người con, và đối xử thân tình với bốn người con của vợ trước một cách êm ấm. Cả bà và người vợ trước đều xác định rất rõ, họ đứng sau một người đàn ông tài hoa và lận đận. Họ cảm thông sâu sắc rằng, đôi mắt buồn của Y Vân những thời khắc lủi thủi cùng bóng tối có thể giúp người yêu nhạc ngày mai được rộn ràng theo giai điệu “Đêm đô thị”, được đắm đuối theo tiết tấu “Những bước chân âm thầm”, được xao xuyến theo khúc thức “Ảo ảnh”… Và họ cũng mở lòng chấp nhận cả những phút giây trái tim liêu xiêu của ông lúc thoáng gặp mỹ nhân nào đó lướt qua, vì khoảnh khắc ấy được chuyển thành sáng tạo run rẩy, dẫu là “Thúy đã đi rồi” hoài niệm hay dẫu là “Kim” nơi nào ngậm ngùi: “Cớ sao buồn vậy Kim? Cớ sao sầu vậy Kim? Ai thương em hơn anh mà tìm?”.

4. Ngày 28/11/1992, nhạc sĩ Y Vân vẫy chào cõi người khi vừa bước vào tuổi 60, đúng như ông tiên liệu “Em ơi, có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời”. Tác phẩm cuối cùng của ông là ca khúc “Từ xa nghìn trùng” viết cho bộ phim “Người về từ nghìn trùng” của đạo diễn Lưu Bạch Đàn. “Từ xa nghìn trùng” viết theo điệu slow, tất nhiên Y Vân không thể theo dõi sức lan tỏa của ca khúc ấy, nhưng ca sĩ Phương Thảo thể hiện và những diễn viên tham gia bộ phim “Người về từ nghìn trùng” như Việt Trinh, Lê Tuấn Anh, Y Phụng, Nguyễn Huỳnh đều lấy tâm trạng gửi gắm trong lời hát “sao anh quay đi để em lạnh lùng” để làm cột mốc nhớ thương ông! Ngày tiễn Y Vân về một chốn mơ màng khác, tôi không biết có bao nhiêu nước mắt bẽ bàng. Tuy nhiên, tôi dám chắc, không có những giọt nước mắt nào xót xa bằng nước mắt “lá vàng khóc lá xanh” ở người mẹ ruột của nhạc sĩ Y Vân. Người mẹ ấy chính là nguồn cảm hứng dạt dào để nhạc sĩ Y Vân tuổi đôi mươi đã viết nên ca khúc “Lòng mẹ” ngọt ngào đến tận hôm nay và mai sau: “Lòng mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa. Lòng mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe”. Có nhiều giai thoại khác nhau về sự ra đời của ca khúc “Lòng mẹ”, nhưng chỉ có một điều mà ai cũng có thể nhận ra mỗi lần lời hát vang lên, đó là sự hiếu thảo của nhạc sĩ Y Vân. Sau khi để tang cho con trai được 10 tháng, người mẹ ruột của Y Vân chia biệt dương gian trong nỗi niềm thắm thiết: “Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ”.

5. Bên cạnh “Sáu mươi năm cuộc đời” và “Lòng mẹ”, một ca khúc nữa của nhạc sĩ Y Vân được trình diễn với tần số dày đặc là “Sài Gòn”. Theo tài liệu mà tôi có được, bản nhạc “Sài Gòn” được in lần đầu tiên vào tháng 8/1965. Với điệu chachacha, ca khúc “Sài Gòn” phô diễn sức sống của một thành phố phương Nam nhộn nhịp và hào phóng: “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai. Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay”. Nhiều lần nghe ca sĩ trong nước cũng như nhiều ban nhạc nước ngoài hát lại “Sài Gòn”, tôi luôn từ sự trầm trồ chuyển sang sự ngạc nhiên. Phong cách âm nhạc của Y Vân thật khó nắm bắt, vì nơi ông cộng hưởng nhiều thẩm mỹ không gần nhau, đối lập nhau. Y Vân có thể thành công với điệu bolero, rumba nhưng cũng có thể thành công với điệu twist, rock. Vì vậy, nếu tổ chức một đêm nhạc Y Vân, hoàn toàn có thể dàn dựng hàng chục bài hát mang màu sắc khác nhau lôi cuốn khán giả từ đầu đến cuối! Và tôi tin, cũng đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ hân hạnh công bố những ca khúc mà nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác với tên thật Trần Tấn Hậu vào thập niên 80 của thế kỷ trước như: “Người con gái Việt Nam” phổ thơ Tố Hữu, “Người em sầu mộng” phổ thơ Lưu Trọng Lư, “Thề non nước” phổ thơ Tản Đà, “Một lần cuối” phổ thơ Nguyễn Bính… 

[footer]

Nhạc sỹ Thăng Long (1936-2008): Quen Nhau Trên Đường Về

Đối với nhiều quý vị yêu nhạc xưa thì cái tên ‘nhạc sỹ Thăng Long’ có thể hãy còn xa lạ. Tuy nhiên riêng với những ai sinh ra và lớn lên trước năm 1975 ở miền Nam thì nhạc phẩm ‘Quen nhau trên đường về’ qua giọng ca của ca sỹ Minh Hiếu dưới đây sẽ gợi lại nhiều hoài niệm về dòng nhạc quen thuộc một thời. Đó chính là sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sỹ Thăng Long mà [dongnhacxua.com] muốn giới thiệu hôm nay.

Nhạc sỹ Thăng Long tên thật là Nguyễn Văn Thành. Ông sinh năm 1936 ở Hải Dương. Ông mồ côi mẹ ngay khi vừa chào đời và đến năm 15 tuổi thì ông lại mồ côi cha. Một mình lang bạt giang hồ. Cuộc đời đưa đẩy ông vào Sài Gòn với công việc mưu sinh bằng cây đàn guitar cùng một nghệ sỹ mù. Ông sáng tác ‘Quen nhau trên đường về’ cuối thập niên 1960 trong một lần lang thang ra chợ Bến Thành. Ngày ấy ga xe lửa ở chợ Bến Thành vẫn còn hoạt động (khác với ga Hoà Hưng). Ông tình cờ nhìn thấy một cô gái và một chàng trai (có lẽ là một quân nhân) ở bến ga. Cô gái với mái tóc dài làm nhạc sỹ liên tưởng đến một người con gái miền sông Hương núi Ngự. Rồi ngay lúc đo ông nghe văng vẳng đâu đó tiếng kèn của một đám ma vang lên một giai điệu buồn: tàng tang táng … Thế là cảm xúc và giai điệu ập đến với để ông cho ra đời ‘Quen nhau trên đường về’.

Ảnh bìa nhạc: QuanNhacVang.com

Sau năm 1975, số phận đẩy đưa nhà nhạc sỹ của chúng ta phải cơ cực để mưu sinh kiếm sống. Ông trôi dạt về tận Sóc Trăng và sống một cuộc đời đạm bạc, khó nghèo như trong một đoạn video clip về ông trong Paris By Night 91, thực hiện cuối năm 2007 đầu năm 2008.

Ông mất vào ngày 30/03/2008 tại Sóc Trăng. [dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này như một lời tri ân với nhạc sỹ Thăng Long, ‘người nhạc sỹ giang hồ’ đã cống hiến cho đời nhiều giai điệu đẹp. Cầu chúc linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!

Xem thêm: Wikipedia

[footer]

Bài hát cho người kỹ nữ (Nhật Ngân – Duy Trung)

Cập nhật ngày 2023-11-19: xin đọc bài viết này https://www.dongnhacxua.com/nhac-sy-duy-trung-bai-ca-cho-nguoi-ky-nu/

Hôm qua Dòng Nhạc Xưa tình cờ đọc một bài báo đăng trên tờ Lao Động viết về cuộc đời đầy nỗi truân chuyên của cô Cẩm Nhung, kỹ nữ nổi tiếng một thời của Sài Gòn xưa. Phần cuối bài viết, tác giả có nhắc đến bản nhạc ‘Bài hát cho người kỹ nữ’ của nhạc sỹ Nhật Ngân sáng tác chung với Duy Trung là cảm tác từ cảnh đời éo le của Cẩm Nhung. Thực hư chuyện này ra sao chúng tôi không có tư liệu? Rồi nhạc sỹ Duy Trung là ai? Cho đến giờ chúng tôi cũng không có bất kỳ thông tin gì. Nhạc sỹ Nhật Ngân cũng đã an giấc ngàn thu, bà Cẩm Nhung cũng vừa rời chốn gian trần.

Trên tinh thần gợi nhớ lại Sài Gòn hoa lệ một thời, nhắc nhớ đến dòng nhạc của Nhật Ngân và cầu mong linh hồn bà Cẩm Nhung mau siêu thoát, Dòng Nhạc Xưa trân trọng giới thiệu nhạc phẩm ‘Bài hát cho người kỹ nữ’ (còn được biết qua tên khác ‘Bài ca cho người kỹ nữ’ hay ‘Tình kỹ nữ’).

BÀI BÁO ‘NỬA THẾ KỶ TỪ VỤ ĐÁNH GHEN RÙNG RỢN NHẤT SÀI GÒN’
(Nguồn: LaoDong.com.vn)

Cách đây đúng nửa thế kỷ, vào giữa năm 1963, tại Sài Gòn đã xảy ra một vụ đánh ghen được coi là rùng rợn nhất thành phố này. Đây cũng là lần đầu tiên ”Hoạn Thư” ở Sài Gòn biết sử dụng axít đậm đặc để thanh toán tình địch. 

Nạn nhân là cô vũ nữ nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc ấy tên là Cẩm Nhung, người được mệnh danh là “nữ hoàng vũ trường”. Người thủ ác là một mệnh phụ phu nhân, vợ của một trung tá Sài Gòn. Vụ tạt axit rùng rợn này đã biến cô vũ nữ giàu có, đẹp lộng lẫy thành cô gái mù lòa xấu xí, phải đi ăn mày. Khi còn là vũ nữ, Cẩm Nhung nổi tiếng nhất Sài Gòn, lúc đi ăn mày cô càng “nổi tiếng” hơn, khi luôn đeo trước ngực bức ảnh mình chụp với người tình trung tá thời trên đỉnh cao danh vọng.

Bà lão mù lòa từng là vũ nữ

Một ngày đầu năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi những người ăn xin, bán vé số, bốc vác tứ xứ đến thuê ở trọ, có một đám ma nghèo. Một bà lão bán vé số đã qua đời vì già yếu, bệnh tật. Không một người thân, bà lão được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa… Sẽ không có chuyện gì đáng nói về đám ma nghèo của bà lão vô gia cư, nếu như người quá cố nói trên không phải là vũ nữ Cẩm Nhung lừng danh của nửa thế kỷ trước.

Trước ngày miền Nam giải phóng, người ăn mày mù lòa Cẩm Nhung với cây gậy dò đường và tấm ảnh chụp chung với người tình treo trước ngực, lê bước khắp nẻo Sài Gòn để xin lòng thương hại của mọi người. Về sau do bị săn đuổi, bà xuống ăn xin ở bến phà Mỹ Thuận trên đường về miền Tây. Sau ngày miền Nam giải phóng, người ta còn thấy bà ngồi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận một thời gian. Từ khoảng năm 1978, không ai thấy người ăn mày đeo tấm ảnh trước ngực đâu nữa. 

Người đời bàn luận rằng có lẽ bà đã bệnh chết hoặc đã quyên sinh để chấm dứt kiếp hồng nhan bạc phận của mình. Mãi sau này người ta mới phát hiện bà vẫn còn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên, mà thường nhất là ở chùa Tam Bảo. Người ta nhận ra bà bởi khuôn mặt gớm ghiếc và đôi mắt mù lòa, hậu quả của vụ tạt axít năm xưa. Và nay, người ăn mày đặc biệt đã vĩnh viễn từ giả cõi trần, chính thức khép lại một kiếp hồng nhan đa truân, sau đúng nửa thế kỷ từ vụ đánh ghen rùng rợn năm nào.

Nữ hoàng vũ trường

Vũ nữ Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô phải rời xa Hà Nội để theo gia đình di cư vào Nam. Vào Sài Gòn được ít năm, khi cuộc sống chưa ổn định, cha của Cẩm Nhung lâm bệnh rồi mất, bỏ lại 3 người phụ nữ: mẹ cô, bà vú Sọ và cô. Cẩm Nhung phải bỏ học, xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng, chuyên bưng bê món ăn cho khách. Nhờ đó cô đã lân la làm quen với những bản nhạc, những điệu nhảy trong quán bar của nhà hàng. Để rồi khi chưa tới 19 tuổi, cô đã trở thành gái nhảy chuyên nghiệp trong giai đoạn phong trào nhảy đầm phát triển rầm rộ ở Sài Gòn.

Cẩm Nhung có khuôn mặt đẹp và làn da trắng hồng đặc thù của con gái xứ Bắc. Tạo hóa ban thêm cho cô đôi mắt lẳng lơ, thân hình quyến rũ. Đặc biệt đôi chân điệu nghệ của cô trong các vũ điệu cuồng say tại vũ trường Kim Sơn đã làm bao khách làng chơi phải ngẩn ngơ. Lúc ấy Sài Gòn có hàng trăm vũ trường, gái nhảy không đủ đáp ứng, vì vậy mà Cẩm  Nhung càng có giá, được các vũ trường săn đón như hàng độc, như của quý. Cô được dân chơi Sài Gòn phong là “Nữ hoàng vũ trường”. 

Cô đi qua nhiều vũ trường, cuối cùng dừng lại với vũ trường Kim Sơn trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, quận 1). Tại đây, cô đã trở thành người tình của tay trung tá công binh Trần Ngọc Thức. Cô vũ nữ 23 tuổi dù đã từng trải trong tình trường đã bị tay trung tá công binh lớn hơn cả chục tuổi “hớp hồn” ngay những lần gặp đầu tiên. Sự già dặn, từng trải, tiêu tiền như nước của gã, cùng với cái lon trung tá rất oai thời ấy đã làm cô vũ nữ sành điệu chấp nhận sa vòng tay bảo bọc của ông ta.

Thời ấy, “Thức công binh” (biệt danh của trung tá Trần Ngọc Thức) nổi lên như cồn trong giới ăn chơi ở Sài Gòn. Miền Nam bắt đầu tiếp nhận viện trợ ồ ạt của Mỹ, chủ yếu là vũ khí và đô-la để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân đội, phục vụ chiến tranh.  Đó là cơ hội vàng để “Thức công binh” tham nhũng, trở nên giàu có, thừa tiền của để bao gái. 

Vợ trung tá Trần Ngọc Thức tên thật là Lâm Thị Nguyệt, có biệt danh là Năm Rađô – một biệt danh giới giang hồ khu Cô Bắc đặt cho, do bà chuyên buôn mặt hàng đồng hồ Rado của Thụy Sỹ mới nhập cảng vào Sài Gòn. Bà Năm Rađô không lạ gì thói trăng hoa của chồng, nhưng lần này biết chồng say mê cô vũ nữ trẻ đẹp quên cả gia đình, bà như phát điên vì ghen. Bà đã vài lần đón đường hăm dọa, thậm chí tát tai dằn mặt vũ nữ Cẩm Nhung, nhưng bấy nhiêu đó không đủ làm cho cô gái trẻ rời xa chồng bà. 

Vụ đánh ghen ghê rợn

Theo thú nhận của Cẩm Nhung với báo chí Sài Gòn sau khi xảy ra vụ đánh ghen ghê rợn, khi làm người tình của trung tá Thức, cô nghĩ rằng mình có thể trở thành vợ bé của ông ta, một việc khá bình thường trong xã hội Sài Gòn thời đó. Cô đâu biết rằng, trong lúc cô ngây ngất trong vòng tay của ông trung tá dìu dặt trong những điệu nhảy ở vũ trường Kim Sơn, thì ở khu gia binh Cô Bắc cách đó không xa có một người đàn bà đang âm thầm chuẩn bị một kế hoạch đánh ghen ghê rợn. 

Bà Năm Rađô đã vạch kế hoạch tỉ mỉ tiêu diệt tình địch. Hai tên giang hồ có cỡ được bà Năm Rađô thuê với giá 2 lượng vàng để làm cái việc hủy diệt nhan sắc của cô vũ nữ. Bà Năm Rađô tin tưởng, khi Cẩm Nhung không còn nhan sắc, cô sẽ không thể quyến rũ chồng bà, Thức công binh sẽ trở về với vợ con. 

Khoảng 22 giờ đêm ngày 17.7.1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn. Hàng ngày cô đều rời khỏi nhà vào giờ này, hoặc đi taxi, hoặc có xe của đại gia đón rước, để cô đến vũ trường trước 23 giờ, nhảy nhót quay cuồng cho đến 3 – 4 giờ sáng. Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10 mét, bất ngờ từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua đường, tiến về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng thì gã đàn ông đã tạt mạnh ca axít vào mặt cô. Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Người đàn ông sau khi tạt axít đã băng qua bên kia đường, leo lên xe taxi mở cửa chờ sẵn, trên ấy có bà Năm Rađô.

Nghe tiếng kêu cứu, một số người đi đường đã chạy đến, họ thấy Cẩm Nhung nằm quằn quại dưới đường, mùi axít xông lên hôi nồng. Một người đàn ông đã ôm nạn nhân lên xe taxi, chở đến Bệnh viện Đô Thành (Bệnh viện Sài Gòn ngày nay). Do Bệnh viện Đô Thành không có khả năng trị bỏng, nhất là bỏng axít, nạn nhân sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Đồn Đất (Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay). 

Những người bạn vũ nữ của Cẩm Nhung đến thăm, thấy cảnh sát hại dã man, đã hùn tiền lại mời luật sư bảo vệ cho Cẩm Nhung, đưa vụ việc ra pháp luật. Thế nhưng, thời ấy thế lực của “Thức công binh” và bà Năm Rađô rất mạnh ở Sài Gòn, nên tưởng như không ai làm được gì họ. Vụ việc đến tai bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu. Bà cố vấn vốn tính bốc đồng đã làm lớn vụ việc, làm cho cả Sài Gòn như sôi lên vì vụ đánh ghen này.

Sau vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị đánh ghen bằng axít đến nỗi mù lòa, nhan sắc bị hủy hoại hoàn toàn, ở Sài Gòn bỗng nổi lên phong trào đánh ghen bằng axít. Suốt thời gian dài sau đó, người ta hay dọa những kẻ “giật chồng người khác” câu “muốn 1 ca axít lắm hả?”. 

Trên thực tế, sau vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị nạn, chỉ trong năm 1964 đã có hàng chục ca thanh toán nhau bằng axít được đưa đến các bệnh viện Sài Gòn, hầu hết là do đánh ghen. Dù vậy, các thế hệ sau đều thua cú ra tay dữ dội của bà Năm Rađô. Vụ tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung mở màn cho “phong trào” đánh ghen bằng axít ở Sài Gòn, cũng là vụ đánh ghen tàn bạo nhất được ghi nhận ở đất Sài thành cho đến ngày nay.

Khi vụ tạt axít xảy ra, bà Trần Lệ Xuân đang ở nước ngoài, nhưng cũng biết được vụ việc qua báo chí. Một tuần lễ sau bà về tới Sài Gòn, việc đầu tiên là bà chỉ đạo Nha An ninh phải vào cuộc, xử thật nặng những kẻ gây ra tội ác.

Đích thân Trần Lệ Xuân cũng tới thăm Cẩm Nhung, rồi thu xếp đưa cô đi nước ngoài chữa trị, nhưng tất cả đều vô ích, không gì có thể cứu vớt cuộc đời cô vũ nữ.
Cả Sài Gòn hồi hộp theo dõi

Không chỉ ra lệnh bắt xử những kẻ tạt axít, bà Lệ Xuân còn chỉ đạo cho ngừng hoạt động tất cả các vũ trường, vì theo bà đó là nguồn gốc của ăn chơi sa đọa, tan nát gia đình và tội ác.

Bà ra lệnh cho kiểm tra tất cả các tướng tá Sài Gòn xem ai có vợ nhỏ phải kỷ luật, hạ cấp hoặc loại khỏi quân đội. Sài Gòn vốn sôi động về đêm, những ngày sau đó trở nên đìu hiu khi mà hàng trăm vũ trường nhộn nhịp phải đóng cửa theo lệnh của bà cố vấn.

Các tướng tá Sài Gòn thì khỏi phải nói, chạy lo đủ kiểu để không bị phát hiện là có vợ nhỏ. Sau giờ làm việc, các đấng phu quân ở Sài Gòn chạy thẳng về nhà với vợ con, để cô vợ không nổi hứng tố cáo với bà cố vấn là chồng mình đã có vợ nhỏ thì sự nghiệp nhà binh coi như đổ sông đổ biển.

Con đường công danh, sự nghiệp của Thức “công binh” cũng bỗng chốc chấm hết, bao nhiêu bổng lộc trong ngành xây dựng công trình quân sự bỗng chốc mất trắng, ông bị buộc phải giải ngũ, trở về làm dân. Một phiên tòa xét xử vụ tạt axít đã được gấp rút mở sau đó gần 3 tháng. Bà Năm Ra đô và tên du đãng tạt axít bị tuyên phạt mỗi người 20 năm tù, một tên đồng bọn khác bị phạt 15 năm tù. Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, khi vụ án còn đang bị kháng cáo, thì chế độ Ngô Đình Diệm đã bất ngờ sụp đổ với cái chết của 2 anh em nhà họ Ngô, bà Lệ Xuân phải sống lưu vong.

Chính trường Sài Gòn sau cái chết của anh em nhà họ Ngô đã rối ren suốt mấy năm trời, không ai quan tâm đến vụ tạt axít cô vũ nữ Cẩm Nhung. Không thấy nền “đệ nhị cộng hòa” của Nguyễn Văn Thiệu đưa ra xét xử. Sau đó vợ chồng Thức “công binh” đã chia tay nhau, người chồng về quê sống ẩn dật, còn bà Năm Ra đô thì gửi thân nơi cửa Phật, có lẽ bà muốn nhờ cửa Phật từ bi gột rửa tội lỗi khủng khiếp mà bà đã gây ra.

Lại nói về Cẩm Nhung, ca axít đậm đặc đã phá hủy toàn bộ khuôn mặt của cô vũ nữ, đôi mắt của nạn nhân cũng bị phỏng rất nặng. Các bệnh viện ở Sài Gòn đều bó tay, chỉ có thể cứu được mạng sống của Cẩm Nhung, còn đôi mắt, khuôn mặt thì không thể cứu chữa.

Bà Trần Lệ Xuân đã đích thân đến bệnh viện thăm nạn nhân, trực tiếp nghe các bác sĩ trình bày tình trạng thương tật. Sau đó, vợ chồng bà Trần Lệ Xuân đã chỉ đạo cho Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa ở Nhật Bản thu xếp đón Cẩm Nhung qua Nhật Bản chữa trị thương tật.

Một ngày cuối tháng 9.1963, Cẩm Nhung được đưa lên máy bay sang Nhật Bản. Thế nhưng, nền y học của Nhật Bản cũng phải chịu thua, không thể phục hồi dung nhan và đôi mắt cô vũ nữ. Hai tháng sau, Cẩm Nhung trở về nước, lúc Sài Gòn đã đổi chủ. Bà Trần Lệ Xuân từng hứa “bảo bọc trọn đời” cho Cẩm Nhung giờ đã sống lưu vong ở nước ngoài.

Trả thù đời

Từ đỉnh cao danh vọng bỗng chốc rơi xuống tận cùng địa ngục, Cẩm Nhung trong đau khổ tuyệt vọng, đã lao vào đập phá, uống rượu, hút thuốc… Để “trả thù đời”, Cẩm Nhung sẵn sàng ngã vào lòng của bất cứ người đàn ông nào, không cần tiền bạc hay điều kiện gì. Thế nhưng, với khuôn mặt cháy xám, thẹo lồi lõm như ác quỷ, cặp mắt mờ đục lồi ra ngoài như mắt ếch, không có người đàn ông tỉnh táo nào đủ can đảm làm tình nhân của cô.

Chán chường, tức giận, Cẩm Nhung càng lặn ngụp trong rượu chè. Mẹ của Cẩm Nhung vì buồn phiền mà sinh bệnh, rồi qua đời cuối năm 1964.

Cẩm Nhung càng lao sâu vào cuộc nghiện ngập cho quên đời, tài sản sau mấy năm kiếm được trong các vũ trường và cặp bồ với hàng tá nhân tình là sĩ quan, giờ cô tha hồ đập phá. Bao nhiêu món đồ quý giá của cô cứ lần lượt ra đi, ban đầu là chiếc xe máy loại mới nhập cảng của Nhật Bản, sau đến các loại nữ trang, hột xoàn, vòng vàng… Cuối cùng, Cẩm Nhung bán nốt căn nhà với giá gần 200 lượng vàng để có tiền tiêu xài, cô và bà vú Sọ phải thuê nhà ở trọ.

Số tiền bán nhà rồi cũng cạn dần, ngày cô không còn đủ tiền để trả tiền thuê nhà cũng là ngày bà vú Sọ trung thành đổ bệnh nặng, không tiền chạy chữa, nên đã qua đời. Còn lại một mình không nơi nương tựa, không nghề nghiệp, đôi mắt mù lòa, cô vũ nữ lừng danh một thời chỉ còn biết đi ăn mày.

Ban đầu, Cẩm Nhung đi ăn xin trước chợ Bến Thành vào dịp tết năm 1969. Cô ngồi bên vệ đường, trên ngực đeo bức ảnh cô chụp chung với trung tá Trần Ngọc Thức, tay chìa ra xin lòng thương hại của người đi đường. Ban đầu người ta kéo tới xem Cẩm Nhung rất đông, cho tiền cô cũng nhiều. Có tiền, Cẩm Nhung tiếp tục nghiện ngập, đập phá.

Càng về sau, người Sài Gòn càng bớt cảm động về chuyện ăn xin của cô vũ nữ, càng ít cho tiền. Không thể ngồi xin một chỗ, Cẩm Nhung cầm gậy dò đường đi xin dọc theo đại lộ Lê Lợi, đường Tự Do, những lối đi một thời in dấu chân cô từ nhà tới vũ trường Kim Sơn. Sau đó, Cẩm Nhung phải rời khỏi khu vực trung tâm Sài Gòn, đến chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, cuối cùng là ngã tư Trần Quốc Thảo – Lý Chính Thắng, trước khi cô âm thầm rời Sài Gòn hoa lệ để về miền Tây xa xôi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận.

Ngày ấy, khi đã mù lòa, xấu xí, phải ra đường ăn xin kiếm sống, Cẩm Nhung nhờ người quen phóng to tấm ảnh cô chụp với người tình trung tá công binh Trần Ngọc Thức để đeo trước ngực, vừa để thiên hạ xót thương mà bố thí, vừa để “trả thù đời” đối với kẻ đã tệ bạc bỏ mặc cô đau đớn, bệnh tật, nghèo khó mà không một lời hỏi han, thăm viếng. Ban đầu, sau khi Cẩm Nhung mang tấm ảnh mình và tay trung tá rất đẹp đôi trước ngực, mấy ngày sau có người lạ tới năn nỉ cô đừng trương tấm hình ấy ra nữa, bù lại họ cho cô số tiền kha khá.

Cẩm Nhung không chịu, họ cũng giật đại tấm ảnh, xong để lại trong ca ăn xin của cô một số tiền. Không chịu thua, Cẩm Nhung lại nhờ người thân phóng tấm ảnh khác để đeo, và lại bị họ giật. Sau đó, không chỉ bị giật hình ảnh, mà cô còn bị đánh đập gây thương tích, chỉ vì chuyện ôm tấm hình chụp chung với người tình cũ đi ăn xin khắp Sài Gòn.

Không sống được ở Sài Gòn, Cẩm Nhung âm thầm tìm ra bến xe Miền Tây để lên xe đò về bến phà Mỹ Thuận kiếm sống, vẫn với cái cách ngồi bên lề đường ăn xin, ngực treo tấm ảnh năm nào.

Tại đây, cô cũng bị người lạ giật tấm ảnh. Không chỉ vậy, ai đó đã nhân lúc cô đi ăn xin đã lẻn vào chỗ ở trọ, lục tung đồ đạc của cô, lấy đi tất cả hình ảnh cô chụp chung với người tình trung tá công binh. Kể từ đó, Cẩm Nhung không còn ảnh chụp chung với Thức công binh, cô lấy tấm ảnh chân dung của riêng mình treo trước ngực để đi ăn xin, người đi đường cảm thương phận bạc của cô vũ nữ mà bố thí cho ít tiền giúp cô sống qua ngày trong mù lòa, cô độc.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Cẩm Nhung tiếp tục ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận. Nhưng sau đó chính quyền cách mạng dẹp nạn ăn xin để ổn định trật tự xã hội, Cẩm Nhung được đưa vào trung tâm nuôi người tàn tật. Không chịu được cuộc sống gò bó trong trung tâm, người phụ nữ mù đã lén bỏ trốn về Sài Gòn tiếp tục ăn xin.

Rồi cô lại bị “thu gom”, rồi lại trốn về tận Hà Tiên. Tại đây, Cẩm Nhung lúc thì đi ăn xin quanh quẩn các ngôi chùa, khi địa phương có chiến dịch “thu gom” người ăn xin, cô xin tá túc nhà chùa để được chén cơm, manh áo, vừa quét dọn sân chùa để khuây khỏa nỗi buồn trong cuộc đời bạc bẽo hơn vôi của cô. Kể từ đó, dù tá túc trong nhà chùa hay ăn xin đó đây, Cẩm Nhung không còn đeo tấm hình “nữ hoàng vũ trường” của mình trước ngực nữa.

Trong những năm tháng Cẩm Nhung sau khi bị nạn lang thang trên khắp nẻo Sài Gòn, cũng là lúc ở Sài Gòn xuất hiện bài hát “Bài ca cho người kỹ nữ”. Các tác giả viết bài hát này vì xót thương số phận của cô vũ nữ Cẩm Nhung. Bài hát có đoạn:

Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người 
Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi 
Loài người vô tình giẫm nát thân em
Loài người vô tình giày xéo thân em 
Loài người vô tình giết chết đời em…

Châu Kỳ & Giọt Lệ Đài Trang

Châu Kỳ || 11/05/2013 | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Theo lời kể của bà Kha Thị Đàng, vợ của nhạc sỹ Châu Kỳ thì bản ‘Giọt lệ đài trang’ được nhạc sỹ Châu Kỳ sáng tác năm 1957. Cảm hứng chính để nhà nhạc sỹ tài hoa của chúng ta làm nên một nhạc phẩm bất hủ là một cô tiểu thư ‘cành vàng lá ngọc’ có tên Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh – con của một ông quan ở Huế, ngày trước khinh miệt ông là xướng ca vô loài, không để ý tới dù ông rất yêu cô. Chiến tranh loạn lạc, người chồng Pháp của cô bỏ về nước, cô vào Sài Gòn gặp ông tại đường Nguyễn Trãi với bộ dạng đói khát. Ông còn 200 đồng trong túi đã lấy đưa cho cô và về nhà sáng tác ca khúc Giọt lệ đài trang.

Thế nhưng có một huyền thoại nữa cũng gắn với sáng tác này, đó là một cô gái con nhà danh giá tại Nha Trang đã yêu ông. Cô tên Đặng Thị Sum, sau một đêm xem ông hát đã đem lòng yêu ông, nhưng ông không hay biết. Đêm đó cô định khăn gói trốn nhà theo ông, nhưng bị cha mẹ cấm cản và nhốt trong nhà kho. Cô buồn gia đình đã lấy giấm thanh pha với á phiện uống tự tử. Mười năm sau, khi chúng tôi có dịp trở ra Nha Trang, người cha của cô Sum đã dẫn chúng tôi viếng mộ cô. Trong ca khúc Giọt lệ đài trang có câu: “Em nhớ xưa rồi em khóc, tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang”. Một ca khúc có đến hai cuộc tình, một người đã ra đi và một người sống nghèo khổ. Đối với nhà tôi tất cả đều là những kỷ niệm đau thương, khi viết thành ca khúc đó là nỗi niềm chung của những ai đang yêu hãy biết quý trọng tình yêu.

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.
* Chúng tôi có tham khảo tư liệu trên báo Người Lao Động