hoang-giac-tac-pham-nguyen-truong-quy-dongnhacxua.com

Hoàng Giác: Lòng nhủ thầm đàn đứt dây tơ 16/09/2017 13:46 GMT+7 TTO – Trong số những nhạc sĩ đóng góp nên đời sống phồn thịnh của âm nhạc Hà Nội giai đoạn 1945-1954, Hoàng Giác có một lượng bài hát được ấn hành và phổ biến đáng kể. Sống cùng Hoàng Giác Nhạc sĩ Hoàng Giác: Tiếng lòng xưa bên giấc “Mơ hoa”… Nhạc sĩ Hoàng Giác, tác giả của Mơ hoa, Ngày về… qua đời Hoàng Giác: Lòng nhủ thầm đàn đứt dây tơ – Ảnh 1. NS Hoàng Giác và vợ năm 2017 – Ảnh: Nguyễn Trương Quý Khác với ấn tượng rằng ông chỉ có đôi bài Mơ hoa, Ngày về viết trong những năm 1944-1946 là dấu ấn, Hoàng Giác thực sự là một nhân vật năng động của dòng nhạc lãng mạn nối dài sau Cách mạng Tháng Tám. Ông góp phần làm nên diện mạo của âm nhạc đô thị Hà Nội thời tạm chiếm. Nỗi lòng ngổn ngang của người đi – người về Thời gian này, Hoàng Giác trực tiếp biểu diễn tại các sân khấu Hà Nội, dạy đàn tại nhà và tạo nên một nhóm bạn bè cùng trào lưu như Nguyễn Thiện Tơ, Ngọc Bảo… Những bài hát có tính cách xã hội của ông về cuộc chiến tranh bùng nổ thực sự là một đóng góp quan trọng trong việc bộc lộ nỗi niềm tâm sự của những con người bị bom đạn chinh chiến xô đẩy, bỏ lại quê hương “nơi xưa nghìn năm sống với nhau êm đềm” (Tiếng hát biên thùy – viết chung cùng Nguyễn Thiện Tơ). Ở những bài ca này, niềm day dứt của việc ra đi và trở về bao trùm: “Ai vui tranh đấu giữa rừng xanh / Ta tạm dìm thân giữa thị thành / Để những chiều buồn xa xôi ước / Bao giờ trở lại ánh bình minh” (đề từ Xa xôi – 1950). Trái với hình dung về một không gian âm nhạc Hoàng Giác chủ yếu là những giấc mơ hoa tươi sáng với “người gặp gỡ trong một chiều mơ” (Mơ hoa – 1944) hay lãng đãng “tung cánh chim tìm về tổ ấm” (Ngày về – 1946), những bài ca của Hoàng Giác trải rộng từ đề tài lịch sử như Huyền Trân đến chiến sự như Khúc hát thương binh, Anh sẽ về và nổi bật là những bài hát chủ đề quê hương như Hương lúa đồng quê, Quê hương… Quê hương của thế hệ Hoàng Giác đã không còn nguyên vẹn như trước và nỗi lòng ngổn ngang của người đi – người về xâm chiếm họ, tạo ra một nỗi luyến tiếc không nguôi về một quê hương lý tưởng: “Ai qua miền quê binh khói / Nhắn giúp rằng nơi xa xôi / Tôi vẫn mơ lùm tre xanh ngắt / Tim se sắt cảnh xưa hoang tàn” (Quê hương). Hoàng Giác: Lòng nhủ thầm đàn đứt dây tơ – Ảnh 2. Các bản nhạc của Hoàng Giác ấn hành những năm 1949-1954 – Ảnh: Nguyễn Trương Quý

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *