Mùa xuân đầu tiên

Không khí xuân đã tràn về trên những góc phố Sài Gòn: hàng quán nhộn nhịp và nhiều màu sắc sặc sỡ hơn, người người tấp nập hoàn thành nốt những công việc còn dang dở, trẻ em thì được ba mẹ dẫn đi mua quần áo mới… Tất cả làm nên một không khí náo nức, đặc trưng của ngày Tết. Như hòa mình cùng đất trời [dongnhacxua.com] xin giới thiệu hai bản nhạc xuân đặc sắc có cùng tên “Mùa xuân đầu tiên”, một của nhạc sỹ Tuấn Khanh và một của Văn Cao.

Nhạc phẩm của Tuấn Khanh viết trước 1975 nên chất chứa nhiều niềm hy vọng về một ngày quê hương thôi tiếng súng, nền hòa bình thật sự đến với dân tộc Việt Nam chúng ta. Thế rồi ngày đó cũng đã đến và ngay vào những ngày đầu sau 30.04.1975, một bậc tiền bối khác là Văn Cao đã đặt bút biết viết tác phẩm được cho là cuối cùng của đời mình cũng chỉ để diễn tả “mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”.

Cũng giống như bản “Tình ca” của Phạm Duy và Hoàng Việt, vượt lên trên sự khác biệt về thời gian và không gian cùng quan điểm chính trị (sau hiệp định Geneva 1954 Tuấn Khanh vào Nam còn Văn Cao vẫn ở lại miền Bắc; rồi sau 1975 thì Văn Cao ở lại Việt Nam còn Tuấn Khanh vượt biên và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ), cả hai bản “Mùa xuân đầu tiên” đều chuyển tải một thông điệp mang tính nhân văn: “xin yêu thương đến với hận thù” để “từ nay người biết yêu người”.

Trước thềm Xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] xin thắp một nén hương cho linh hồn cố nhạc sỹ Văn Cao và cầu chúc cho nhạc sỹ Tuấn Khanh dồi dào sức khỏe, vui hưởng tuổi già nơi xứ xa!

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN (TUẤN KHANH)

[dongnhacxua.com] chúng tôi rất tiếc là không có nhiều tư liệu về bản “Mùa xuân đầu tiên” của Tuấn Khanh. Xin quý bằng hữu xa gần có thêm thông tin gì thì xin liên lạc với chúng tôi. Trân trọng cảm ơn!

Mùa xuân đầu tiên (Tuấn Khanh)
Mùa xuân đầu tiên (Tuấn Khanh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
mua-xuan-dau-tien--1--tuan-khanh--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com mua-xuan-dau-tien--2--tuan-khanh--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com mua-xuan-dau-tien--3--tuan-khanh--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN (VĂN CAO): MỘT TƯ DUY VƯỢT TRƯỚC
(Nguồn: tác giả Nguyễn Đăng Tấn đăng trên VietnamNet.vn)

Mùa xuân đầu tiên viết về sự kiện trọng đại của dân tộc. Đó là mùa xuân đầu tiên Bắc – Nam mới thật sự cùng chung vui một nhà, cùng hòa lòng người, tình yêu, tình thương để cùng đón tết.

Bây giờ thì bài hát Mùa xuân đầu tiên đã trở thành thân quen với mọi người, mọi nhà.

Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng uyển chuyển, như một điệu valse. Ca từ giàu cảm xúc, sâu lắng và đẹp như một bài thơ. Người nghe cảm nhận và hòa lòng mình cùng bài hát, đồng cảm cùng giai điệu. Nhưng nhiều người vẫn chưa biết rằng bài hát có một số phận long đong.

Mùa xuân đầu tiên viết về sự kiện trọng đại của dân tộc. Đó là mùa xuân đầu tiên Bắc – Nam mới thật sự cùng chung vui một nhà, cùng hòa lòng người, tình yêu, tình thương để cùng đón tết. Trong ông những hình ảnh về mùa xuân của một đất nước trọn vẹn vẫn luôn ám ảnh. Những cánh én chao nghiêng, những tiếng gà gáy bên sông bình yên… Và cao hơn hết là tình yêu con người: ‘từ nay người biết thương người, từ nay người biết yêu người.’

Bài hát ra đời và tên bài hát là Mùa xuân đầu tiên vừa đúng với thực tiễn lại vừa rất người khi nói về sự thống nhất sự yêu thương của những đứa con cùng chung bọc trứng. Tuy nhiên sau khi ra đời bài hát không được đón nhận, mặc dù có được in trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Thế là  bài hát được người nhạc sỹ cẩn thận bỏ vào ngăn tủ.

Nhưng từ một đất nước xa xôi phía trời Tây, đất nước mà bao thế hệ vẫn mơ về: “Nước Nga, ờ nước ấy” đã tuyển chọn và in bài hát của ông. Và nơi trình diễn đầu tiên, mùa xuân đầu tiên của bài hát, là đài phát thanh Moscow, nơi cất lên những âm thanh, và những lời ca đầu tiên của nó.

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha cho biết, dường như phải chờ đến khi Văn Cao tạ thế (10.7.1995) Mùa xuân đầu tiênmới thực sự loang sâu vào đời sống âm nhạc hôm nay. Đó là nỗi truân chuyên của từng tác phẩm. Phải nói rằng, trong những sáng tác âm nhạc của Văn Cao thì Mùa xuân đầu tiên được biết đến chậm nhất, phải sau 20 năm (1976 – 1996) phải tới mùa xuân đầu tiên, Văn Cao mãi mãi vắng trên cõi đời thì bài hát Mùa xuân đầu tiên của ông mới thực sự có đời sống.

Khác với những bài hát của nhiều nhạc sỹ khi viết về thống nhất đất nước, Văn Cao đã để cho sự kiện đi qua gần một năm trời. Những suy tư, những chiêm nghiệm cứ dày thêm mãi. Và ông khai thác sự kiện không phải là tiếng reo vui ngày đất nước giải phóng để muốn bay lên say ngắm đất nước. Theo Văn Thao con trai của nhạc sỹ: Ngày 30-4-1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, cả dân tộc reo vui. Văn Cao im lặng. Chỉ thấy đôi mắt ông sáng lên lấp lánh. Có một cái gì đó đang chuyển động trong đầu ông. Một âm thanh mơ hồ, mỏng mảnh như làn khói thoảng qua. Một tiếng gà gáy mênh mang. Một tia nắng lấp lánh. Và một cánh én… Những âm thanh, những hình ảnh chập chờn trong đầu ông rồi lại tan biến.

Nhạc sỹ Văn Cao.
Nhạc sỹ Văn Cao.

Và cảm xúc chỉ ùa về khi mùa xuân đến. Ông khẽ khàng ngồi bên phiếm đàn và giai điệu mượt mà bừng lên. Những cảm xúc lâu ngày ấp ủ, những suy tư dồn nén bật lên thành khúc nhạc reo vui. Có lẽ đó là cái vui của con người đã từng đi qua những năm tháng đau thương…vì vậy tiếng reo vui thật sự sâu lắng:

Rồi dập dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa
Bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.

Tiếp theo người nhạc sỹ suy tư về mùa xuân trọn vẹn. Đó chính là sự suy tư về con người về tình yêu thương. Và chính sự suy tư này mà làm nên số phận long đong của bài hát:

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…

Nếu như dưới lăng kính bây giờ, chúng ta cảm nhận được sự kiện thống nhất đất nước là sự mở đầu của dân tộc về sự đoàn kết, yêu thương và hòa giải thì những điều mà nhạc sỹ viết như trên hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, những triết lý sâu sắc về điều ấy. Tư duy người nhạc sỹ nhiều khi đã đi trước và chúng ta chưa kịp theo. Bởi vậy có những điều đôi khi vì rất nhiều nguyên nhân mà bị bỏ qua cũng có khi lại chú ý một cách thái quá.

Cũng đã xẩy ra với Văn Cao khi ông bị phê bình khi sáng tác bài hát: Tiến về Hà Nội. Người nhạc sỹ khi bị phê bình mà ngỡ ngàng. Bởi chính ông cũng không hiểu.

Những ca từ trong ca khúc Tiến về Hà Nội bừng bừng khí thế, náo nức ngày trở về: Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng cờ ngày nào tung bay trên phố/ … Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh…

Trong chúng ta khi nghe bài hát đều nghĩ nó được viết trong những ngày tháng 10 lịch sử Giải phóng Thủ đô, khi đoàn quân đang rầm rộ tiến về. Nhưng ít ai biết rằng bài hát lại được viết từ rất sớm, trong lúc  cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào gia đoạn quyết liệt nhất. Những hình ảnh ông vẽ ra trong bài hát đã bị phê bình là lạc quan tếu.

Thế đấy trong những khó khăn, người nghệ sỹ vẫn mơ về (cũng có thể nhìn thấu ngày chiến thắng) sẽ đến, nhưng lúc đó sự nhìn thấu ấy chưa được công nhận. Sau này nhạc sỹ Huỳnh Minh Siêng (bút danh của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước) may mắn hơn khi sáng tác bài Tiến về Sài Gòn cũng trước giải phóng đã được đón nhận và trở thành tiếng reo vui cùng đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975..

Văn Cao cũng đã viết nhiều bài hát mà sự kiện chưa từng có trong thực tiễn. Đó là dự báo nhưng qua thời gian, những dự báo đó là chính xác. Các bài Không quân Việt Nam sáng tác đầu thập niên 40, khoảng năm 1945, lúc binh chủng này còn chưa được thành lập tại Việt Nam, hay Hải quân Việt Nam, Chiến sĩ Việt Nam…cho các binh chủng tương lai, trước khi ông lên Việt Bắc theo kháng chiến chống Pháp là những bài như vậy. Tác giả đã nhìn ra cái tất yếu sẽ đến. Đó chính là sự nhạy cảm là tư duy vượt trước.

Quay trở lại bài Mùa xuân đầu tiên, vượt lên tất cả đó là tình yêu thương con người với con người. Chúng ta cảm động khi nhạc sỹ lại nhắc lại lần hai khổ nhạc: rồi dập dìu mùa xuân theo én về… hình ảnh người mẹ nhìn đàn con nay đã về, đó chính là hình ảnh mơ ước. Cả dân tộc đã từng mơ ước rất lâu Bắc – Nam xum họp một nhà. Những chiến sỹ sẽ trở về. Trở về trong vòng tay mẹ. Những con người trở về với con người để cho: Nước mắt trên vai anh; giọt rơi ấm trên vai anh, niềm vui phút giây như đang long lanh. Để từ đó: Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.

Mùa xuân đến là sự gặp gỡ, gặp gỡ bạn bè người thân,và cao hơn là gặp gỡ những tâm hồn, những tấm lòng mà vẫn còn xa cách vẫn còn ngập ngừng. Và chỉ có sự kỳ diệu của lòng yêu thương, sự kỳ diệu của mùa xuân mới làm được điều đó. Những nốt nhạc, những cảm xúc trong Mùa xuân đầu tiên chính là nhịp cầu để xóa bỏ cách ngăn, con người tìm đến con người như người nhạc sỹ tài danh đã mơ ước để có những mùa xuân yêu thương,, mùa xuân trọn vẹn.

Và chúng ta vẫn tin có một mùa xuân như vậy.

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *