Hà Thanh – Tiếng Hát Của Một Thời Đã Qua

Dòng Nhạc Xưa vừa nhận được email của người quản trị trang casihathanh.wordpress.com giới thiệu bài cảm nhận về giọng hát của cố danh ca Hà Thanh (1937 – 2014). Bài viết là của một cậu học trò lớp 9 có tên Đinh Hoàng Anh. Dòng Nhạc Xưa chưa có cơ hội tiếp xúc với tác giả nhưng xét nội dung sâu sắc của bài viết, chúng tôi mạn phép đăng tải để người yêu nhạc có dịp ôn lại những kỷ niệm về dòng nhạc xưa cũ.

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com

Tiếng hát của một thời đã qua

(Nguồn: bài viết của Đinh Hoàng Anh – Cảm nhận âm nhạc của một học sinh lớp 9 – đăng trên casihathanh.wordpress.com ngày 2017-06-12)

Ảnh: https://casihathanh.wordpress.com

Đã gần một thế kỉ qua,kể từ khi tân nhạc bắt đầu xuất hiên để rồi sinh ra bao nhạc sĩ tài danh: Văn Cao,Phạm Duy,Hoàng Giác,Lê Thương…cùng với đó là những bản tiền chiến lãng mạn (mang trình độ thưởng thức sâu rộng cao,phong phú hơn) để phân biệt với nhạc vàng(bolero) sau này tại miền Nam Việt Nam. Nói đến những ca sĩ của dòng nhạc này chúng ta không thể không nhắc tới nữ danh ca Hà Thanh _ giọng ca vàng trong nền tân nhạc trước 1975 ,tiếng hát của miền sông Hương núi Ngự.

Nói tới cô Hà Thanh là nhớ tới Huế bởi âm sắc địa phương trong giọng hát của nữ ca sĩ tài danh.Không phải ngẫu nhiên Hà Thanh được mệnh danh là «Con chim Hoạ Mi xứ thần kinh» miền thùy dương mặc dù cũng có nhiều ca sĩ xuất thân từ Huế như Thanh Thúy, Lệ Thanh. Và không phải bài hát nào cô Hà cũng hát giọng Huế mà phần lớn các ca khúc của cô hát giọng Bắc (tiếng chuẩn). Một số bài về Huế cô vẫn hát tiếng Bắc như Khúc tình ca xứ Huế, Thương về xứ Huế…Nhưng trong tiếng hát ấy vẫn mang âm thanh dịu ngọt vang lộng tha thiết,trìu mến mang hơi hướng sắc thái thơ mộng,trữ tình.Bởi một số phụ âm,ngữ điệu,cách nhả chữ khi cô Hà hát có sự luyến láy vần điệu riêng như s,r,tr…đặc biệt trong nhạc phẩm Ai ra xứ Huế (nước sông Hương còn thương chưa cạn, chim núi Ngự tìm bạn bay về…) thì có lẽ chỉ có người gốc Huế như cô mới có thể truyền tải tự nhiên đến như vậy.

Khác với Thái Thanh mang cả bầu trời miền Bắc nơi luỹ tre nương lúa chân đê vào tiếng ca thì Hà Thanh với tiếng hát trìu mến thân thương với làn hơi dài vang,ngân xa mỏng dần đã chinh phục được khán giả bấy giờ không chỉ Huế nơi cố đô mà có thể nói là rất nhiều nơi trên toàn miền Nam ,từ khi cô đạt giải Nhất cuộc thi do đài phát thanh Huế tổ chức với nhạc phẩm Dòng sông xanh khiến cho bao người dân đang tấp nập, nhộn nhịp đi trên cầu Trường Tiền, mé chợ Đông Ba phải dừng lại mà trầm trồ nghe Hà Thanh hát ((khi đó cô mới 14 tuổi).

Trịnh Công Sơn & Hà Thanh. Ảnh: https://casihathanh.wordpress.com

Giọng hát Lục Hà khi lên thì trong trẻo, cao vút tưởng chừng không bao giờ ngắt quãng thì khi xuống lại trầm ấm,dịu dàng nhưng rất tự sự. Những nốt cao của cô khi lên cũng hiếm ai có được (giọng kim; tone nữ cao). Tiếng hát hiền hòa, mượt mà nhưng bát ngát, vang vọng cả về trường độ, âm vực, đầy tươi tắn, trẻ trung như nhẹ lướt nhanh nhanh, buông lơi trên dòng Hương Giang «hờ hững» ( Một chiều lang thang bên dòng Hương giang,tôi gặp một tà áo tím.._Tà áo tím_Hoàng Nguyên).

Dù chỉ bắt đầu đi hát từ khoảng những năm 1958-1959 cho tới khi chính thức vào Sài Gòn hoạt động ca hát (1965), cũng có thể coi la khá muộn với một tiếng hát tài năng như cô nhưng tiếng hát đã để lại dấu ấn qua nhiều thế hệ, bằng chứng là những bài hát, ca khúc, đĩa CD trước đây của cô vẫn được nhiều người giữ gìn, bảo quản và trân trọng.Tiếng hát Hà mỏng bay xa mang chiều sâu và có vẻ hơi cổ kính, trầm buồn man mát, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, thiết tha, đọng lại chút dư vị.

Một tiếng ca có thể nói có một không hai, rất đặc biệt…Đa số những ca khúc Hà Thanh hát là thể loại tiền chiến, tình khúc lãng mạn 54-75, slow, ballad…Cô cũng hát nhạc vàng, bolero, nhạc lính rất hay. Có nhiều bản nổi tiếng nhưng có thể tiếng hát ấy phù hợp với nhạc tình, cổ điển hơn thì phải (cảm quan người viết). Dòng nhạc Nguyễn Văn Đông gắn với tiếng hát, tên tuổi Hà Thanh từ lâu. Mặc dù cô hát nhạc ông không nhiều và trước, sau đó cũng từng có người hát nhạc NVĐ như Lệ Thanh,Giao Linh,Thanh Tuyền. Với nhạc NVĐ thì dường như là cái duyên nghệ thuật. Chiều mưa biên giới, Phiên gác đêm xuân, Về mái nhà xưa, Hải ngoại thương ca…làm nên tên tuổi giọng hát Hà Thanh,những tình khúc mang màu sắc riêng,độ luyến láy,nhấn nhá nhất định. Không quá trau chuốt,gò bó nhưng xao xuyến người nghe. Để rồi tạo nên «giọng ca không tuổi».một giọng hát hơi trầm tư, chậm rãi để người đọc kịp suy ngẫm, mường tượng, chiêm nghiệm.

Với tôi, thích nhất là khi nghe cô trình bày bản Ai về sông Tương của cố nhạc sĩ Văn Giảng. Tiếng hát mượt mà, trong trẻo quyện vào lời ca một cách «vô thức» nhất làm động tâm khảm. Hơi buồn, hơi tiếc nuối. Qua tiếng hát Hà Thanh câu hát dường như cũng bớt nặng nề mà da mang hoài niệm nhiều hơn ( Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương, tâm hồn mờ bóng em luôn …) Rồi bao bản nhạc khác ra đời theo chân tiếng hát của bà (xin phép được gọi theo một ý nghĩa trân trọng) như Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Hoa xuân( Phạm Duy), Bến giang đầu (Lê Trọng Nguyễn) hay là Gió mùa xuân tới (Hoàng Trọng) hoặc Hoa xoan bên thềm cũ (Tuấn Khanh_người rất yêu tiếng hát Hà Thanh)..Rồi Bến Xuân,Thiên Thai (Văn Cao)..Những ca từ, nhạc lí, thanh âm được bà mang tới không gượng ép, nó vừa đủ,đầy đặn để cảm được cái hồn, điều mà cácnhạc sĩ muốn hướng tới.

Sau này khi ra hải ngoại, tiếng hát ấy có thể trầm hơn, dày hơn, bớt vang lộng,thánh thót nhưng con người, tiếng hát Hà vẫn vẹn nguyên như thủa nào không thay đổi, ẫn e ấp, ngượng ngùng mặc dù khi đó bà đã ngoài 70.

Danh ca Hà Thanh sau này có thâu một số băng đĩa CD tại hải ngoại,trong đó không biết quý vị có để ý tới một ca khúc của Trịnh Công Sơn (1 người bạn thân thiết với cô Hà từ thủa niên thiếu) : Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Cá nhân tôi cũng khá thích thú khi lần đầu tiên được nghe bài này do cô trình bày(mặc dù trước đó tôi có nghe Khánh Ly, Hồng Nhung hát). Từ «gió» trong câu hát thứ 2 được cô luyến thật ngọt tựa như có một cơn gió ,gợn mây lăn tăn ,bồng bềnh trôi uốn lượn nhẹ nhàng xuyên qua vách đá,đột ngột bay ra ,vươn xa lên bầu trời cao.Một cách luyến láy tinh tế và dường như có phần ngẫu hứng,sáng tạo khi thể hiện.

Hà Thanh ra đi vào một ngày đầu năm 2014 để lại sự luyến tiếc trong lòng người yêu nhạc và những ai từng mến mộ giọng ca của bà.Bà đã về cõi vĩnh hằng theo chân Đức Phật,mang theo những bài hát thiền ca mà bà vẫn thường hát trong suốt mấy chục năm cuối của cuộc đời.Bà ra đi thanh thản,không vướng muộn.

Vĩnh biệt một tiếng hát của xứ Huế mà với tôi xin được gọi bà là «Tiếng hát mùa xuân»:

Lục Hà tên gọi loài hoa
Hà Thanh tiếng hát bao la lên trời

Đinh Hoàng Anh
Ngày 7 tháng 6 năm 2017

Nam Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *