Khánh Băng (1935-2005): Mùa đông đã về

Nhớ về nhạc sỹ Khánh Băng, người yêu nhạc ngay lập tức nhớ đền nhạc phẩm “Sầu đông” bất hủ. Nhạc sỹ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh. Ông sinh năm 1935 tại Vũng Tàu và mất ngày 09/02/2005, nhằm ngày mùng một Tết Ất Dậu tại Sài Gòn. Nghệ danh Khánh Băng là ghép từ tên hai cô bạn từ thời tiểu học, một người tên Khanh, một người tên Băng và ông thêm dấu sắc vào thành Khánh Băng. Mấy hôm nay trời Sài Gòn trở lạnh, [dongnhacxua.com] xin được thắp một nén hương sưởi ấm linh hồn ông “nơi cuối trời” (lời trong bản “Sầu đông”).

sau-dong--0--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ảnh bìa: amnhac.fm
sau-dong--1--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
sau-dong--2--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ban nhạc Thời Đại với Khánh Băng và Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe
Ban nhạc Thời Đại. Ảnh: DiemXuaCafe

NHẠC SỸ KHÁNH BĂNG: “VỀ NƠI CUỐI TRỜI … NHỚ”
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên Thanh Niên)

Trở về với công việc thường nhật sau những ngày nghỉ Tết, gặp nhau ở căn-tin Hội Âm nhạc TP.HCM, câu đầu tiên mà anh em văn nghệ hỏi nhau là: “Biết tin gì chưa ? Nhạc sĩ Khánh Băng đi rồi !”. “Khi nào ?”. “Ngay hôm mùng 1 Tết”. Rồi ca sĩ Ánh Tuyết gọi điện thoại báo tin… Chợt thấy lạnh cả hồn, ngày đầu xuân mà tự nhiên thấy xốn xang tê tái muốn bật lên câu hát: “Chiều nay gió đông về… Đành thôi nhớ mong, gởi cho gió đông, tình yêu giá băng vào nơi cuối trời… nhớ” (ca khúc Sầu đông của nhạc sĩ Khánh Băng) 

Tôi đến thắp nhang cho ông tại nhà riêng ở đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), nhìn di ảnh cố nhạc sĩ trên bàn thờ mà chạnh nhớ ngày đầu tiên gặp ông cách đây hơn 3 năm. Dạo đó, sau rất nhiều lần dò hỏi tôi mới có được địa chỉ chính xác của ông, và… trước mắt tôi là người nhạc sĩ nổi tiếng một thời nay đã là một lão ông 67 tuổi, mái tóc bạc trắng còn đôi mắt thì hầu như đã mù hẳn. Tuy thế, giọng nói của ông vẫn sang sảng và trí nhớ rất minh mẫn. Chẳng thế mà khi tôi hỏi về ca khúc sáng tác đầu tay, ông trả lời: “Tôi không bao giờ quên được vào ngày thứ ba 15/3/1953, lần đầu tiên Đài Phát thanh Sài Gòn phát bài hát của tôi, đó là bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca”. Khi chia tay, tôi ngỏ ý xin ông một tấm ảnh thời còn trai trẻ và bản nhạc Sầu đông (gốc) để đăng báo, ông cười xin lỗi bảo là do đổi chỗ ở nhiều lần nên cả hình lẫn nhạc đều chẳng còn. Thế nhưng trưa hôm đó, dù trời nắng như đổ lửa ông vẫn đi xe ôm đến tòa soạn tìm tôi và trao bản nhạc mà ông vừa mượn lại của nhạc sĩ Tiến Luân. May sao, bìa sau của bản nhạc này có in hình đủ 4 người trong ban nhạc Thời Đại (Khánh Băng, Phùng Trọng, Dương Quang Định, Dương Quang Lê Minh) và tôi đã sử dụng tấm hình này trong bài viết. Đến bây giờ, hình ảnh một ông lão mù lòa đi xe ôm giữa một buổi trưa hực nắng vẫn còn xốn xang trong lòng tôi…

Nhạc sĩ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, sinh năm 1935 tại Thắng Tam (Vũng Tàu). Nghệ danh Khánh Băng là tên của 2 cô bé bạn học từ bậc… tiểu học ghép lại (một người tên Khanh còn người kia tên Băng, cậu học trò Minh thêm vào một cái dấu sắc và mang tên này suốt đời). Được nhạc sĩ Võ Đức Thu hướng dẫn và nâng đỡ, Khánh Băng khởi đầu sự nghiệp ca nhạc với cây đàn mandoline và thi đậu vào làm nhạc công ở Đài Phát thanh Sài Gòn (1954), sau đó ông chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch và ở Đài Pháp – Á. Khánh Băng được coi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng đàn guitar điện trên sân khấu, trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Ngoài biểu diễn, ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc, tiêu biểu như: Vọng ngày xanh, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi, Nếu một ngày, Đôi ngả chia ly, Nếu có nhớ đến… riêng bản Sầu đông ông còn đặt cả lời Pháp với tựa đề Johnny Mon Amour. Khoảng thời gian trước khi bị mù (từ 1991-1996), ông sáng tác được chừng 100 ca khúc, trong đó có những bài khá phổ biến như: Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách Nam Bộ.

Người nhà của cố nhạc sĩ kể lại: sáng mùng 1 Tết ông còn nói cười vui vẻ, ăn bánh mứt và nhận lời chúc Tết của con cháu. Đến trưa ông kêu mệt, đi nằm và rồi đi luôn vào cõi vĩnh hằng lúc 16 giờ 30 cùng ngày. Ngày Tết, hầu hết các cơ quan đều không làm việc nên việc thông tin về sự ra đi của ông có phần trở ngại. Đưa ông về an táng tại quê nhà Vũng Tàu (vào ngày mùng 4 Tết) cũng chỉ có gia đình và một vài văn nghệ sĩ thân thiết đã từng gắn bó với ông từ ngày xưa…

Hà Đình Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *