Ly rượu & âm nhạc: “Bạn uống rượu lòng ta không thể chán” (Nguyễn Trọng Tạo)

Nhân nhắc đến nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo qua bản “Làng quan họ quê tôi”, [dongnhacxua.com] xin phép đăng lại một bài mạn đàm của nhạc sỹ về “ly rượu trong đời sống âm nhạc”.

Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương). Ảnh: sachxua.net
Ly rượu mừng (Phạm Đình Chương). Ảnh: sachxua.net

ly-ruou-mung--1--pham-dinh-chuong--sachxua.net--dongnhacxua.com ly-ruou-mung--2--pham-dinh-chuong--sachxua.net--dongnhacxua.com

“BẠN UỐNG RƯỢU LÒNG TA KHÔNG THỂ CHÁN”
(Nguồn: bài viết của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đăng trên cand.com.vn ngày 2016-02-11)

Lâu lắm rồi, tôi lại được nghe bài hát “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương vừa được phát hành vào dịp Tết năm nay. “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi… Nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui…”. Bài hát phơi phới sức xuân này khiến tôi nhớ dịp Tết lâu rồi, ngồi uống rượu với nhạc sĩ Văn Cao, ông đã nhắc tới, và khen Phạm Đình Chương: Chỉ một ca khúc thôi mà Chương không quên một thành phần nào trong xã hội, từ “anh nông phu”, “người thương gia”, “người mẹ hiền”, “đôi uyên ương”, “anh binh sĩ”… cho đến “người nghệ sĩ”… tất cả đều được chúc mừng trong chén rượu đầu xuân.

Trịnh Công Sơn & Thanh Thúy

Người yêu nhạc xưa mỗi khi nhắc đến Trịnh Công Sơn không thể không nói về Khánh Ly. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì người ca sỹ đầu tiên giới thiệu nhạc Trịnh đến với công chúng lại là “giọng hát liêu trai” Thanh Thúy. [dongnhacxua.com] xin giới thiệu một bài viết của nhà văn Từ Kế Tường để chúng ta có thêm tư liệu.

Ướt mi (Trịnh Công Sơn). Ảnh: CoThomMagazine.com
Ướt mi (Trịnh Công Sơn). Ảnh: CoThomMagazine.com

TRỊNH CÔNG SƠN & NHỮNG CẢM XÚC ĐẦU ĐỜI
(Nguồn: bài viết của tác giả Từ Kế Tường đăng trên NguoiDuaTin.vn)

Có nhiều tài liệu cho rằng giữa nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh và “Người em sầu mộng” Thanh Thúy có một mối giao tình đặc biệt ở “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”.

Ca sỹ Thanh Thúy. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Ca sỹ Thanh Thúy. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Trong giới nữ ca sĩ thành danh và nổi tiếng trước năm 1975 có một giọng ca rất đặc biệt, không lẫn lộn với ai dù khán thính giả chỉ nghe thôi không cần nhìn thấy mặt người nữ ca sĩ đó cũng nhận biết rõ ràng, chính xác là Thanh Thúy. Cô ca sĩ này là người Huế, nói rặt tiếng Huế nhưng hát giọng Bắc, chất giọng trộn lẫn giữa Huế và Hà Nội vốn đã đặc biệt, nhưng khi con chim họa mi Thanh Thúy cất lên bằng giọng hát thì càng đặc biệt hơn. Đó là một chất giọng hơi khàn nhưng không đục, được Thanh Thúy luyến láy như phù thủy, nhấn nhá nhiều cung bậc trầm bổng rất liêu trai. Dường như Thanh Thúy sinh ra là để hát boléro và nếu nói Thanh Thúy là “nữ hoàng của điệu boléro” cũng không ngoa.

Nữ hoàng của điệu boléro

Thanh Thúy tên họ đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy, cô sinh năm 1943 là người con xứ Huế thơ mộng, thuộc gia đình nền nếp theo đạo Phật. Do thân mẫu cô bị bệnh nan y nên Thanh Thúy cùng với gia đình vào sống ở Sài Gòn để tìm cách chữa trị. Gia đình Thanh Thúy ngụ tại một ngôi nhà phía sau chùa Kỳ Viên đường Phan Đình Phùng (Nguyễn Đình Chiểu ngày nay). Ca sĩ Thanh Thúy đi hát rất sớm, năm 16 tuổi. Lần đầu tiên Thanh Thúy xuất hiện trên sân khấu phòng trà Đức Quỳnh cạnh rạp chiếu bóng Việt Long đường Cao Thắng vào cuối năm 1959, khi vừa 16 tuổi. Rạp Việt Long sau được xây lại mang tên mới là rạp Văn Hoa Sài Gòn, bây giờ là rạp Thăng Long. Thanh Thúy xuất hiện ở đây cùng với ca sĩ Minh Hiếu và lập tức tiếng hát “liêu trai” của cô đã chinh phục được khán thính giả phòng trà vốn rất khó tính trong việc thưởng thức âm nhạc.

Sau đó Thanh Thúy thường xuyên xuất hiện ở phòng trà Anh Vũ rồi các chương trình Đại nhạc hội, chương trình phụ diễn Ca nhạc kịch của các rạp chiếu bóng. Những năm đầu của thập niên 1960 tên tuổi của ca sĩ Thanh Thúy đã lẫy lừng không chỉ trên các sân khấu phòng trà mà cả trên sóng đài phát thanh, đĩa nhạc, băng nhạc. Những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi Thanh Thúy lúc bấy giờ như: Nửa đêm ngoài phố, Kiếp nghèo, Người em sầu mộng, Ngăn cách, Tàu đêm năm cũ… Hầu hết những tác phẩm âm nhạc được Thanh Thúy thể hiện thành công đều là điệu boléro của nhạc sĩ Trúc Phương và một số ca khúc của Y Vân.

Giữa lúc tiếng hát Thanh Thúy đang bay cao cùng với tên tuổi của cô trên bầu trời nghệ thuật và trong lòng khán thính giả ái mộ thì mẹ cô đột ngột lâm bạo bệnh và qua đời. Cái chết của mẹ đã ảnh hưởng rất nhiều tới con đường sự nghiệp và cuộc sống của Thanh Thúy trong giai đoạn này. Đêm đêm dưới ánh đèn sân khấu, trong tà áo dài tha thướt, mái tóc buông vai, đôi mắt sâu buồn, Thanh Thúy cất giọng hát đầy tâm trạng ấy khiến người nghe như nghẹn đi và Thanh Thúy quả thật là “Người em sầu mộng” của… bao người.

Trịnh Công Sơn. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Trịnh Công Sơn. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

“Nghi án tình yêu” với nhạc sĩ họ Trịnh

Trong số lượng sáng tác khổng lồ của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn để lại cho đời có hai ca khúc mà dư luận cho rằng chàng nhạc sĩ họ Trịnh viết để gửi gấm tâm sự mình đến với ca sĩ Thanh Thúy từ năm cô 16 tuổi, lúc mới bắt đầu đi hát. Đó là hai ca khúc đầu tay “Ướt mi” và “Thương một người”. Trong hai ca khúc này, có nhiều ca từ khiến người ta liên tưởng đến hình bóng Thanh Thúy như “đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…”, “thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi, đôi vài gầy ướt mềm, người lạnh lắm hay không?”, “thương ai tà áo trắng, trông như ánh sao băng, thương ai cười trong nắng, nhẹ nhàng áng mây tan”.

Nhạc sĩ họ Trịnh thì đã mất, ca sĩ Thanh Thúy chắc không bao giờ nói ra uẩn khúc này nên có lẽ “nghi án” sẽ không bao giờ được làm rõ và cũng sẽ đi vào quên lãng. Tuy nhiên trong lúc tìm tư liệu để viết về ca sĩ Thanh Thúy, người viết bài này đã may mắn tìm thấy trong tác phẩm “Về một quãng đời Trịnh Công Sơn” của Nguyễn Thanh Ty có đề cập một giai thoại liên quan tới ca sĩ Thanh Thúy và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng như hai ca khúc “Ướt mi” và “Thương một người”.

Theo tư liệu này thì có lần Trịnh Công Sơn đã tâm sự rằng lúc ông đang ở trọ tại Sài Gòn để đi học, đêm nào cậu học trò mê giọng ca Thanh Thúy cũng tìm đến phòng trà cô cộng tác để nghe cô hát. Theo thời gian, hình ảnh cô ca sĩ có giọng hát như hút hồn người này đã in đậm vào lòng Trịnh Công Sơn, chính ông cũng tự hỏi rằng có phải mình đã yêu cô ca sĩ ấy chăng? Ông không dám trả lời vì lúc đó Trịnh Công Sơn chỉ là một anh học trò nghèo, chưa phải là nhạc sĩ, lại nhút nhát, trong khi Thanh Thúy đã là cô ca sĩ đang nổi tiếng, mỗi đêm kẻ đón người đưa tấp nập.

Không thể khẳng định được tình cảm của mình nhưng đêm đêm cậu học trò nghèo chỉ đủ tiền mua ly đá chanh cũng không thể thiếu vắng được tiếng hát và hình ảnh của Thanh Thúy. Một đêm nọ, Trịnh Công Sơn tới nhà hàng nổi Mỹ Cảnh nghe Thanh Thúy hát và đánh bạo viết vào mảnh giấy nhỏ yêu cầu Thanh Thúy hát bài “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong. Lời yêu cầu của Trịnh Công Sơn được Thanh Thúy đáp ứng hết sức bất ngờ với cảm xúc mãnh liệt. Và trong lúc hát bài này, Thanh Thúy đã không cầm được nước mắt khi tới đoạn: “Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành như nhủ trời xanh, gió ngừng đi, mưa buồn chi cho cõi lòng lâm ly…”.

Có lẽ Thanh Thúy nhớ tới mẹ cô với chứng bệnh nan y đang mỏi mòn chờ cô trở về nhà trong con hẻm nhỏ. Những giọt nước mắt xúc động mà Thanh Thúy cố kìm giữ đã đọng lại trên hai hàng mi đen dài của người ca sĩ đã khiến Trịnh Công Sơn vô cùng thương cảm. Sau đêm ấy nhạc sĩ họ Trịnh đã thức trắng để viết ca khúc đầu tay “Ướt mi” điệu slow, với ca từ rất buồn, rất đẹp và tuyệt hay.

Chàng nhạc sĩ đa tình họ Trịnh đã nắn nót chép ca khúc này cẩn thận luôn mang theo bên mình để có dịp là đưa tặng ca sĩ Thanh Thúy. Nhưng do tính nhút nhát, rụt rè, có chút mặc cảm nên bài hát “Ướt mi” cứ mang đi rồi lại mang về mấy lượt. Một hôm không dằn lòng được nữa, Trịnh Công Sơn đã đánh bạo tới ngồi sát sân khấu để chờ dịp thuận tiện đưa tặng bài hát. Sau vài lần “quyết tâm” thì dịp thuận tiện đã tới, Trịnh Công Sơn vội vã tiến lên sân khấu chỉ kịp đưa bài hát tặng Thanh Thúy, nói lí nhí mấy câu không rõ lời, rồi quay xuống hàng ghế khán giả với sự hồi hộp khó lường. Đêm đó Trịnh Công Sơn không ngủ được vì hồi hộp, lo lắng, không biết số phận “đứa con tinh thần ” của mình ra sao, có được Thanh Thúy đón nhận? Phải mất đến 3 tuần lễ, giữa lúc hoàn toàn tuyệt vọng thì một đêm kia đến phòng trà nghe Thanh Thùy hát, Trịnh Công Sơn hoàn toàn bất ngờ khi Thanh Thúy xuất hiện, ra hiệu cho ban nhạc ngưng khúc dạo đầu để cô nói mấy lời.

Thanh Thúy đã nói rằng đêm nay sẽ trình bày một ca khúc mới của một nhạc sĩ rất lạ, chưa có tên tuổi đã có nhã ý gửi tặng cho cô. Đó là nhạc phẩm “Ướt mi” của Trịnh Công Sơn và hy vọng đêm nay sẽ có mặt tác giả ngồi phía dưới để Thanh Thúy được nói mấy lời cảm ơn. Thế rồi Thanh Thúy đã đưa bản chép tay bài hát “Ướt mi” cho ban nhạc đệm và cô cất giọng hát: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi. Người ơi nước mắt hoen mi rồi, đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…”. Khỏi phải nói, người sung sướng nhất chính là tác giả bài hát đang ngồi phía dưới. Thanh Thúy hát xong, cố ý nán lại sân khấu để chờ người đã tặng nhạc. Lúc này, Trịnh Công Sơn thu hết can đảm bước lên nói lời cám ơn Thanh Thúy vì đã hát bài hát “Ướt mi” rất hay. Thanh Thúy đã rất ngạc nhiên và tỏ ý muốn nói chuyện riêng với tác giả. Cô mời luôn Trịnh Công Sơn về nhà và cả hai ra đón taxi. Nhà Thanh Thúy ở sâu trong con hẻm nhỏ và đây chính là hình ảnh, cảm xúc để chẳng lâu sau đó Trịnh Công Sơn sáng tác ca khúc ” Thương một người”.

Như vậy, về phần tư liệu đã có đủ cơ sở để chứng minh giữa Trịnh Công Sơn và Thanh Thúy có một mối giao tình đặc biệt khi tên tuổi cô vừa mới nổi lên dưới ánh đèn sân khấu. Đồng thời, Trịnh Công Sơn cũng báo hiệu một tài năng âm nhạc qua hai tác phẩm đầu tay “Ướt mi” và “Thương một người”. Sau này cả hai đều nổi tiếng. Còn chuyện tình cảm, yêu đương phát triển hay dừng ở mối duyên văn nghệ thì chỉ có người trong cuộc mới biết rõ. Dư luận đã đặt ra nghi án có một chuyện tình thật đẹp gữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Thanh Thúy từ lúc hai người còn khá trẻ có lẽ cũng từ giai thoại và tư liệu này chăng?

Thanh Thúy. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Thanh Thúy. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Giọng hát “không đụng hàng”

Có thể nói cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960 ca sĩ Thanh Thúy nổi lên như một hiện tượng đặc biệt và độc đáo bởi giọng hát thiên phú của cô. Thật sự, trước năm 1975, giới ca sĩ không có hiện tượng trùng lắp, mỗi người sở hữu một giọng ca riêng không ai giống ai mà ngôn ngữ bây giờ gọi là ” không đụng hàng” ở giọng ca nam cũng như nữ. Từ Anh Ngọc, Duy Trác, Sĩ Phú, đến Jo Marcel, Evis Phương… từ Thái Hằng, Thái Thanh, Lệ Thanh, Kim Tước, Hà Thanh, Quỳnh Dao đến Thanh Thúy, Minh Hiếu hay Lệ Thu, Khánh Ly sau này khi nghe giọng ca họ cất lên không cần nhìn thấy mặt cũng biết ca sĩ ấy là ai. Trong đó, giọng ca Thanh Thúy là một sự độc đáo hiếm có, bởi lẽ sau giọng ca Thanh Thúy khó tìm được một giọng ca thứ hai nào tương tự như vậy.

Năm 1962 Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa hậu Nghệ sĩ. Đến giữa thập niên 60, chính xác là năm 1964 người ái mộ giọng hát của cô bất ngờ khi được tin Thanh Thúy “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Những tưởng giọng hát Thanh Thúy sẽ chỉ còn vang vọng trong băng, đĩa, còn “người em sầu mộng” sẽ không bao giờ xuất hiện trở lại. Nhưng không ngờ, sau khi sinh con trai đầu lòng, Thanh Thúy đã trở lại với sân khấu ca nhạc và đêm đêm đứng dưới ánh đèn màu tiếp tục sự nghiệp ca hát của mình. Thanh Thúy cùng gia đình sang Mỹ định cư những ngày cuối tháng 4/1975.

Từ Kế Tường

[footer]

Những kết hợp bất thường trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngữ pháp

Trong dòng nhạc Trịnh, người yêu nhạc chúng ta khó phân biệt đâu là ca từ và đâu là lời thơ bởi vì Trịnh Công Sơn đã quá tài tình trong việc sử dụng ngôn ngữ. Theo nhận xét của nhạc sỹ Văn Cao: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ… Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra.” ( Nguồn: Wikipedia). Hôm nay, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu với quý vị một bài viết rất lạ của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Trần Kim Phượng.

NHỮNG KẾT HỢP BẤT THƯỜNG TRONG CA TỪ TRỊNH CÔNG SƠN DƯỚI GÓC ĐỘ NGỮ PHÁP
(Nguồn: bài viết của PGS.TS Trần Kim Phượng đăng tạp chí Ngôn Ngữ số 10-2011)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939 và mất ngày 1 tháng 4 năm 2001. Ngày 1-4-2015 là kỷ niệm 14 năm ngày mất của ông. Nhân dịp này, vanhoahoc.vn đăng bài viết của PGS.TS. ngôn ngữ học Trần Kim Phượng (khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội), một tín đồ nhạc Trịnh, đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 10-2011 nhân 10 năm ngày mất của ông. Bài do tác giả cung cấp cho vanhoahoc.vn.

PGS.TS Trần Kim Phượng (tác giả bài viết, người chơi ghi-ta) và NCS Nguyễn Thị Bích Hạnh cùng hát nhạc Trịnh sau khi kết thúc buổi bảo vệ luận án TS của NCS tại Học viện KHXH năm 2014 về "Ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn" (người hướng dẫn là GS. Đỗ Việt Hùng, chủ tịch hội đồng là GS. Nguyễn Văn Hiệp - đều là những nhà khoa học mê nhạc Trịnh).
PGS.TS Trần Kim Phượng (tác giả bài viết, người chơi ghi-ta) và NCS Nguyễn Thị Bích Hạnh cùng hát nhạc Trịnh sau khi kết thúc buổi bảo vệ luận án TS của NCS tại Học viện KHXH năm 2014 về “Ẩn dụ tri nhận trong ca từ Trịnh Công Sơn” (người hướng dẫn là GS. Đỗ Việt Hùng, chủ tịch hội đồng là GS. Nguyễn Văn Hiệp – đều là những nhà khoa học mê nhạc Trịnh).

Năm nay là kỉ niệm 10 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở về với “cát bụi”. Bao năm qua, ở mọi miền trên đất nước Việt Nam, người ta vẫn xao xuyến khi nhắc đến tên ông, say sưa hát những nhạc phẩm của ông và mê mải viết về ông từ nhiều góc nhìn của văn học, văn hóa, ngôn ngữ, triết học, âm nhạc, đời sống, tôn giáo… Hình như ở bất kì lĩnh vực nào, người ta cũng có thể dễ dàng lấy ông làm đề tài nghiên cứu. Theo dòng chảy mãnh liệt đó, chúng tôi thử liều lĩnh “đọc” những ca khúc của ông dưới góc độ ngữ pháp, trước hết, để thỏa mãn những khao khát của chính mình, sau nữa hi vọng góp một tiếng nói làm sáng rõ hơn những tuyệt phẩm mà ông – kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận – đã để lại cho nhân thế.

Người ta đương nhiên thừa nhận Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, bởi ông đang sở hữu một kho tàng âm nhạc khổng lồ – hơn 500 ca khúc. Người ta còn gọi ông là một nhà thơ, bởi ca khúc của ông thấm đẫm chất thơ và đầy vần điệu. Người ta cũng phải công nhận ông là một triết gia bởi ca từ của ông mang đầy màu sắc triết lý về cõi đời, về nhân thế… Còn chúng tôi, chúng tôi cho rằng ông là một phù thủy về ngôn ngữ. Những độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ của ông không ai bắt chước được, không ai làm giả được (Lê Hữu). Nó khiến người ta ngỡ ngàng, hạnh phúc; rồi trăn trở, âu lo; rồi thảnh thơi, siêu thoát… Chúng tôi sẽ nói rõ hơn về những khác lạ của ông trong việc sử dụng các kết hợp ngữ pháp (từ cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ cho đến đơn vị câu).

1. Những kết hợp bất thường trong cấu trúc cụm danh từ trong ca từ Trịnh Công Sơn

Các cụm danh từ xuất hiện trong ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa này không phải lúc nào cũng theo quy chuẩn thông thường. Những nét độc đáo và những tầng nghĩa mới được nảy sinh từ việc đảo trật tự các thành tố, dùng danh từ đơn vị mang tính chất “lạ” hóa, hoặc dùng các định ngữ bất thường.

1.1. Đảo trật tự các thành tố trong cụm từ

Cấu trúc một cụm danh từ thông thường theo quan điểm của Nguyễn Tài Cẩn, gồm 7 thành tố, được sắp xếp như sau:

Tất cả

-4

những

-3

cái

-2

con

-1

mèo

0

đen

+1

ấy

+2

Chỉ tổng lượng (đại từ)

Chỉ lượng (phụ từ, số từ)

Chỉ xuất

Chỉ loại
(danh từ đơn vị)

Trung tâm (Danh từ sự vật)

Từ miêu tả, hạn định

Chỉ định (đại từ)

Tuy nhiên, trong ca từ của Trịnh Công Sơn, có không ít trường hợp trật tự các thành tố bị thay đổi. Đôi khi, việc đảo trật tự khiến ta rất khó minh định ranh giới giữa cụm từ và câu. Dưới đây là một vài thí dụ:

Trật tự của Trịnh Công Sơn

Trật tự thông thường

Xuất xứ (Tên bài hát)

Sen hồng một nụ

Một nụ sen hồng

Đóa hoa vô thường

Quỳnh hương một đóa

Một đóa quỳnh hương

Chuyện đóa quỳnh hương

Hồng má môi em

Má môi em hồng

Đoản khúc thu Hà Nội

Cọng buồn cỏ khô

Cọng cỏ khô buồn

Rừng xưa đã khép

Mùa xanh lá

Mùa lá xanh

Dấu chân địa đàng

Hoa vàng một đóa

Một đóa hoa vàng

Hoa vàng mấy độ

Hoa vàng mấy độ

Mấy độ hoa vàng

Hoa vàng mấy độ

Tóc xanh mấy mùa

Mấy mùa tóc xanh

Phôi pha

Tất nhiên, trước hết, việc đảo trật tự từ ngữ phụ thuộc vào giai điệu và nốt nhạc mà từ ngữ đó phải chuyển tải, nhưng đồng thời xét ở lĩnh vực ngôn ngữ, việc đảo trật tự theo kiểu danh từ sự vật đứng trước danh từ đơn vịsố từ hoặc lượng từ là để nhấn mạnh danh từ sự vật. Có trường hợp, nhạc sĩ lại đảo định tố ở vị trí +1 lên trước danh từ trung tâm: Cọng buồn cỏ khô. Cọng buồn ngay lập tức trở thành một kết hợp độc đáo, bởi người ta thường chỉ nói nỗi buồn, hoặc cùng lắm là sợi buồn (Sợi buồn con nhện giăng mau – Huy Cận). Kết hợp cọng buồn biến danh từ trừu tượng nỗi buồn thành một thực thể có thể nắm bắt được, đếm được. Nói cách khác, nỗi buồn đã hiện hình và mang cảm giác mong manh, vấn vương, phôi phai, lạc loài.

1.2. Dùng danh từ đơn vị mang tính chất “lạ hóa”

Trong hệ thống các danh từ đơn vị mà Trịnh Công Sơn sử dụng, chúng tôi nhận thấy ông rất hay dùng từ vùng và từ phiến:

Tay măng trôi trên vùng tóc dài (Còn tuổi nào cho em)

Vùng tương lai chợt xa xôi (Gọi tên bốn mùa)

Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng (Dấu chân địa đàng)

Tôi xin năm ngón tay em thiên thần trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi (Lời buồn thánh)

Phiến sầu là tháng ngày (Lời của dòng sông)

Từng phiến mây hồng / từng phiến băng dài (Tuổi đá buồn)

Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm (Ru em từng ngón xuân nồng)

Nếu so với khoảng, lát, miếng,… thì vùng phiến là những không gian vừa xác định, vừa không định và có độ mở nhiều chiều, nhất là chiều sâu, độ dày nên dễ gợi liên tưởng đến chiều, độ của cảm xúc, tâm hồn. Trịnh Công Sơn thực sự đã “không gian hóa” tất cả những sự vật cụ thể cũng như trừu tượng. Ta có cảm giác sự vật, thực thể nào đối với ông cũng có thể khuôn lại được, sờ nắn được.

Người ta nói nỗi sầu thì ông nói giọt sầu (Còn tuổi nào cho em), làm ta liên tưởng tới Sầu đong càng lắc càng đầy của cụ Nguyễn Du; rồi bãi sầu (Lời của dòng sông), nghe đầy nhức nhối; và cả trái sầu (Như một vết thương), phiến sầu (Lời của dòng sông) nữa. Người ta nói bản tình ca thì ông nói ngọn tình ca (Góp lá mùa xuân), nghe đã thấy dâng đầy sức sống, cảm xúc. Người ta nói mái tóc thì ông nói dòng tóc (Ru em từng ngón xuân nồng), làm ta cảm thấy ngay được độ miên man, mềm mại, vương vít của nó. Người ta nói chuyến xe, chuyến đò thì ông nói chuyến mưa (Diễm xưa); đúng là một tâm trạng đợi chờ khắc khoải, chờ mưa như nó vốn đến và đi theo chuyến, tức là theo luật lệ nhất định. Rồi người ta nói chân mây hay cuối ngày thì ông nói chân ngày (Cỏ xót xa đưa), gợi bước đi thời gian trong những ngẫm ngợi xót xa. Người ta nói ngón tay hay màn sương, búp xuân hồng thì ông nói ngón sương mù (Gọi tên bốn mùa), ngón xuân nồng (Ru em từng ngón xuân nồng), cho những không gian, âm thanh, cảm xúc hiện hình, trinh nguyên, nuột nà, thánh thiện. Người ta nói sự hoang vu thì ông nói nhánh hoang vu (Cỏ xót xa đưa), nhánh vốn là danh từ đơn vị thường đi với cỏ, nỗi cô đơn được định hình đầy mong manh… Người ta nói đôi mắt thì ông nói vườn mắt (Nắng thủy tinh), làm ta thấy như mình đang lạc vào một không gian chan chứa nắng, trong veo, đong đầy cặp mắt người tình.

Những khác lạ ấy làm nên một Trịnh Công Sơn hết sức tinh tế trong cảm nhận sự vật và cũng đầy ưu tư, trăn trở với đời. Người thi sĩ trong âm nhạc này đã cảm nhận cuộc sống sinh động bằng tất cả các giác quan, bằng trực giác và linh giác. Về điểm này, Trịnh Công Sơn cũng giống như các thi sĩ có mẫn cảm nhạy bén, như Xuân Diệu chẳng hạn.

Như vậy, điểm độc đáo của Trịnh Công Sơn là ghép những danh từ sự vật cụ thể với danh từ đơn vị trừu tượng; và ngược lại, ông lại ghép danh từ sự vật trừu tượng với những danh từ đơn vị cụ thể. Chính điều này làm cho những sự vật hữu hình trở nên bớt trần trụi, lung linh hơn, huyền ảo hơn; còn những sự vật vô hình, trừu tượng thì lại được định hình, đến mức dường như chúng ta giơ tay ra là có thể nắm bắt được. Tất cả làm cho thế giới sự vật trong ca từ của ông trở thành một thế giới vừa thực vừa ảo.

1.3. Dùng các định ngữ bất thường

Cách dùng danh từ đơn vị của Trịnh đã độc đáo, cách ông đưa ra các định ngữ đi kèm với các danh từ của mình còn độc đáo hơn. Dễ dàng tìm thấy trong ca khúc của ông những định ngữ hoàn toàn bất ngờ với suy nghĩ của người Việt. Đặc biệt là những định ngữ gắn với tình, thôi thì đủ trọng lượng, đủ chiều kích: tình dài (Bay đi thầm lặng), tình đầy (Đời cho ta thế), tình vơi (Lặng lẽ nơi này), tình sâu (Xin trả nợ người)… Ông rất quan tâm đến sự đầy vơi, hư hao, cho nên mới có ngày tháng vơi (Phúc âm buồn), nắng đầy (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui) cơn đau dài (Mưa hồng), những chen đua lâu dài (Một lần thoáng có)… Hãy đọc thật chậm các kết hợp từ của Trịnh:

Những dấu chân ngoan, hố tuyệt vọng (Có những con đường)

Ngọn gió hư hao (Có một ngày như thế)

Chiều bạc mệnh, phút cao giờ sâu (Đóa hoa vô thường)

Cành thênh thang, cành bão bùng (Gọi tên bốn mùa)

Ngày yêu dấu, mây vô danh (Hãy cứ vui như mọi ngày)

Mây hoang đường (Hai mươi mùa nắng lạ)

Nắng vô thường / Chút hương nhân từ (Mưa mùa hạ)

Hạnh phúc ngu ngơ (Ngày nay không còn bé)

Màu lá thanh xuân, ngày tháng hoang vu (Người về bỗng nhớ)

Màu sương thương nhớ (Nhớ mùa thu Hà Nội)

Đá ngây ngô (Rồi như đá ngây ngô)

Vậy là với Trịnh Công Sơn, những sự vật vốn vô tri vô giác bỗng mang tình cảm, tâm trạng con người. Cho nên ta mới gặp phố hoang mang, nhịp chân bơ vơ, cát bụi mệt nhoài… Đến với Trịnh, ta còn nghe thấy lời tà dương, lời mộ địa, lời bể sông (Một cõi đi về), như là vật gì trên đời này cũng có thể cất lên tiếng nói; Từng lời bể sông là lời mộ địa chính là tiếng hấp hối của một ngày. Danh từ thời gian tháng, ngày thì hay gắn với các tính từ hoang vu, âm u… bởi cảm giác cô đơn lúc nào cũng bủa vây Trịnh. Con người Trịnh luôn sống với thiên nhiên, hòa nhập với nhiên nhiên, coi đó như người bạn, như người tình nên sỏi, đá, nắng, phố, cát bụi… cũng nhuốm đầy tâm trạng. Những hình ảnh này xuất hiện dày đặc trong ca từ của người nhạc sĩ lãng du cũng là bởi trong tiềm thức của ông luôn chịu sự ảnh hưởng của triết lí tôn giáo: vũ trụ nguyên sơ, vạn vật hữu tình. Bàn tay xanh xao thì nhiều người nói nhưng bàn tay đói (Cuối cùng cho một tình yêu) thì thật lạ. Nắng vàng mong manh chúng ta cũng đã từng nghe nhưng nắng vàng nghèo hay nắng vàng lạc trên lối đi (Em còn nhớ hay em đã quên) thì chỉ có ở Trịnh mà thôi. Có cái gì man mác buồn trong cách nhìn sự vật ở Trịnh. Đúng là ông chịu lực hút chủ đạo không phải từ sự sinh trưởng – khoẻ khoắn – ấm áp – tươi vui, mà là từ những gì tàn lụi – héo úa – mòn mỏi – u sầu – lạnh lẽo. Nhưng những thứ mà người trần coi là buồn đau thì ông lại nhìn một cách lạc quan, cho nên mới có vết thương hồn nhiên (Tưởng rằng đã quên), trái sầu rực rỡ (Như một vết thương), niềm đau ngọt ngào (Tình xót xa vừa)… Với con mắt trần gian thì các kết hợp ấy thật ngược đời. Song với Trịnh, cảm xúc, tinh thần này có được ở ông bởi ý niệm siêu thoát ảnh hưởng từ tư tưởng tôn giáo. Nhìn xa hơn, những cặp đối lập luôn luôn xuất hiện trong tư tưởng Trịnh, như ông vẫn xem cuộc đời nhị nguyên này vốn bao gồm những cặp phạm trù đối lập nhau, khó dung nạp song cũng khó phân ly. Ông ôm tất cả và không bao giờ tìm cách chia tách chúng. Cho nên ca từ của ông mới tràn ngập các kết hợp sống – chết, nhật – nguyệt, đêm – ngày, buồn – vui, sum họp – chia phôi, khổ đau – hạnh phúc, hay niềm đau – ngọt ngào

 2. Những kết hợp bất thường trong cấu trúc cụm động từ

Trong cấu trúc cụm động từ của Trịnh, những bổ ngữ xuất hiện cũng đầy khác lạ, đặc biệt là các bổ ngữ đối tượng. Người ta tìm anh, tình em thì Trịnh đi tìm tình (Bống không là bống). Người ta tặng hoa, tặng quà thì Trịnh lại tặng một phố chờ (Đoản khúc thu Hà Nội). Người ta phơi áo thì Trịnh phơi cuộc tình (Ru ta ngậm ngùi), thậm chí là phơi tình cho nắng khô mau / treo tình trên chiếc đinh không (Tình xót xa vừa). Người ta chọn rau, chọn quả thì Trịnh chọn một niềm vui, chọn ngồi thật yên, chọn nắng đầy (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui). Người ta nhặt lá, nhặt thóc thì Trịnh lại nhặt gió trời (Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui). Người ta đi trong mưa thì Trịnh đi trong chuyện cũ ngày xưa/ đi trong hạnh phúc quê nhà (Hai mươi mùa nắng lạ). Người ta chở hàng, chở khách thì Trịnh chở ngày hấp hối (Vàng phai trước ngõ). Người ta ôm người yêu thì Trịnh ôm mịt mùng (Tình xót xa vừa). Người ta nghiêng mình thì Trịnh lại nghiêng sầu (Mưa hồng), rồi nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình (Để gió cuốn đi)… Động từ đi có thể gắn với rất nhiều bổ ngữ chỉ không gian, song có lẽ chẳng ai nói đi quanh từng giọt nước mắt (Ru đời đã mất). Nghe đã thấy đời thật buồn! Bổ ngữ cách thức, bổ ngữ chỉ mục đích cũng thật đặc biệt, cho nên mới có yêu em thật thà (Hoa vàng mấy độ), gọi em cho nắng chết trên sông dài (Hạ trắng),…

Đọc các cụm động từ của Trịnh Công Sơn, ta như lạc bước vào một công cuộc thể nghiệm ngôn ngữ Việt đầy lí thú. Mỗi một kết hợp ngắn gọn là một nội dung ngữ nghĩa hết sức dày dặn mà Trịnh muốn chuyển tải. Chẳng hạn kết hợp nghiêng sầu hay nghiêng đời ở trên, vẫn là dự cảm về một cuộc đời đầy bấp bênh, xuất phát từ tư tưởng nhà Phật: Cuộc đời này vốn là cõi tạm, con người dừng chân ghé chơi. Hoặc kết hợp của động từ nghe với những thứ không phải là thanh âm thông thường: nghe sầu lên trong nắng, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng (Nhìn những mùa thu đi), nghe tình đổi mùa (Những con mắt trần gian), thậm chí nghe cả im lặng thở dài (Tôi đã lắng nghe) và tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi (Cát bụi)… Ít có nghệ sĩ nào có thính lực kỳ lạ như Trịnh Công Sơn, ông nghe được âm thanh vô thanh và rỗng nghĩa trong bước đi của thời gian, nghe được sự chết dần của đời người, nghe được tiếng chuông gọi hồn đều đều nhẫn nại… Tất cả mọi thanh âm qua thính giác của Trịnh đều gắn với sự cô đơn tận cùng của một con người lúc nào cũng mang trong mình ý nghĩ sinh ra đã là một kẻ thua cuộc… Môtíp quen thuộc của Trịnh là gắn những động từ chỉ hoạt động thông thường với những bổ ngữ trừu tượng. Tất cả thống nhất trong cái nhìn sự vật luôn luôn động, luôn luôn biến đổi của ông.

3. Những bất thường trong cấu trúc cụm tính từ

3.1. Kết hợp so sánh

Vẫn rất xứng đáng là “kẻ du ca về tình yêu”, Trịnh Công Sơn có những so sánh thật lạ với đối tượng tình: tình xa như trời, tình gần như khói mây, tình trầm như bóng cây, tình reo vui như nắng… rồi tình mềm trong tay (Tình sầu). Ngoài ra còn hàng loạt các kết hợp so sánh bất ngờ với các tính từ hết sức quen thuộc: xanh, trắng, buồn, mong manh, ngoan,…:

Có những bạn bè xanh như người bệnh (Bay đi thầm lặng)

Rồi một chiều tóc trắng như vôi (Cát bụi)

Buồn như giọt máu lặng lẽ nơi này (Lặng lẽ nơi này)

Thân mong manh như lau sậy hiền (Níu tay nghìn trùng)

Mặt đường bình yên nằm ngoan như con suối (Thành phố mùa xuân)

Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em (Như cánh vạc bay)…

Đứng ở góc độ phong cách học, tất cả những kết hợp nói trên đều thuộc phép so sánh tu từ. So sánh để làm rõ hơn đối tượng, song đồng thời cũng mang tới những đặc trưng mới cho đối tượng. Điều đáng quan tâm ở đây là Trịnh Công Sơn có những so sánh hết sức táo bạo, gây bất ngờ và tạo được những rung động mạnh cho xúc cảm thẩm mĩ ở người nghe.

Trịnh Công Sơn khá nhạy cảm với một số tính từ nhất định như: lênh đênh, tiều tụy, hư hao, thênh thang, bão bùng… Đặc biệt, ông rất hay sử dụng tính từ mong manh, (gió mong manh, cỏ lá mong manh, sống chết mong manh, tay gối mong manh, tình mong manh, thân mong manh…). Với Trịnh Công Sơn, cuộc này thật mà hư ảo. Theo Bửu Ý, dường như đây là một ám ảnh lớn trong vũ trụ quan và nhân sinh quan của nhạc sĩ.

3.2. Sắc màu của Trịnh

Màu sắc của Trịnh cũng thật lạ, nó lại gắn với những sự vật mà người ta không ngờ tới.

Trước hết là màu hồng. Màu hồng nhạt, hồng đậm,… thì bình thường nhưng hồng vừa thì chưa ai nói. (Đấy là ta chưa bàn tới các kết hợp giấc ngủ vừa (Dấu chân địa đàng); tình xót xa vừa (Tình xót xa vừa). Màu hồng xuất hiện trong câu cũng thật đặc biệt: Em hồng một thuở xuân xanh; Mê man trời hồng vượt đồi lên non (Ra đồng giữa ngọ)…

Màu xanh lại càng lạ:

Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa (Diễm xưa);

Nhìn lại mình đời đã xanh rêu (Tình xa);

Thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu trai (Xin mặt trời ngủ yên)

– Xanh yếu làn da, xanh mướt hồng nhan (Góp lá mùa xuân)

– Tiếng hát xanh xao (Lời buồn thánh)

– Em mướt xanh như ngọc mà tôi có đâu ngờ (Hoa xuân ca)

– Tuổi mười sáu xanh cho mọi người (Môi hồng đào)

Màu tím thì có: Chiều tím loang vỉa hè (Nhìn những mùa thu đi). Màu vàng là vàng phai (Vàng phai trước ngõ). Rồi xanh đi với hồng đến khó hiểu song đầy ám ảnh: Hai mươi giấc mộng xanh hồng quá (Hai mươi màu nắng lạ)…

Ngoài ra, một số từ ngữ đóng vai trò là bổ ngữ trong cụm tính từ của Trịnh Công Sơn cũng làm người nghe bất ngờ. Hình như ông chiêm nghiệm cuộc đời bằng quá nhiều những nhạy cảm: Tóc em dài đêm thần thoại (Gọi tên bốn mùa); Lá khô vì đợi chờ (Như cánh vạc bay)… Ông đã so sánh cái mướt dài, huyền diệu của tóc với đêm thần thoại. Ngoài ẩn dụ lá… đợi chờ, bổ ngữ nguyên nhân ở đây thật lạ với cách lý giải khôđợi chờ.

4. Sự chuyển hóa từ loại trong ca từ Trịnh Công Sơn

Sự chuyển hóa từ loại diễn ra trong tiếng Việt không phải hiếm và quá đặc biệt, nhưng khi nghe ca từ nhạc Trịnh, người ta vẫn cảm thấy ông đã phù phép cho những từ ngữ của mình. Một số danh từ được dùng như tính từ, chẳng hạn: Ôi tóc em dài đêm thần thoại (Gọi tên bốn mùa); hay Em đi biền biệt muôn trùng quá (Còn ai với ai). Và cũng không ít những tính từ lại được dùng như danh từ: Vàng phai sẽ cuốn đi mịt mù (Vàng phai trước ngõ); Và tôi đứng bên âu lo này (Này em có nhớ); Ta cười với âm u (Những con mắt trần gian); Đôi tay vẫn còn ôm mịt mùng (Tình xót xa vừa); Bàn tay xôn xao đón ưu phiền (Nắng thủy tinh)…

Thậm chí tính từ chỉ màu sắc vốn không kết hợp với phụ từ mệnh lệnh đi nhé nhưng kết hợp này vẫn xuất hiện trong ca từ Trịnh Công Sơn: Hồng đi nhé xin hồng với nụ (Vàng phai trước ngõ). Đây là trường hợp tính từ được dùng như động từ. Cảm giác rằng ông đã hòa nhập tận cùng với thiên nhiên, nên có thể sai khiến, dụ dỗ cả một nụ hoa. Rồi có động từ được dùng như danh từ: Nghe những tàn phai (tên một bài hát). Như đã nói, bằng một thính lực kỳ lạ, ông đã nghe được bước đi của thời gian trong sự biến chuyển của tạo vật.

5. Những kết hợp bất thường trong cấu trúc câu

5.1. Những cấu trúc dưới dạng định nghĩa

Xét từ góc độ ngôn ngữ, chúng tôi cho rằng Trịnh Công Sơn là một nhà Từ điển học tinh tế, bởi ông đã đưa ra những định nghĩa mới, thú vị cho những sự vật quen thuộc:

Con sông là thuyền, mây xa là buồm (Bốn mùa thay lá)

Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du (Biết đâu nguồn cội)

Tên em là vết thương khô (Khói trời mênh mông)

Tôi thấy tôi là chút vết mực nhòe (Ngày nay không còn bé)

Đời mình là những chuyến xe/ Đời mình là những đám đông/ Đời mình là những quán không/ Đời mình là con nước trôi (Nghe những tàn phai)

Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em/ Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng (Ru đời đi nhé!)

Từ góc độ phong cách học, có thể xem đây là những so sánh tu từ. Trịnh Công Sơn đã đem đối chiếu, quy hệ những đối tượng thuộc các phạm trù quá cách biệt nhau để tạo nên những hiệu quả biểu đạt, tri nhận sự vật và xúc cảm thẩm mĩ hết sức sâu sắc, gợi nhiều liên tưởng phong phú nơi người nghe. Cho nên nhìn mưa ngoài trời, ông lại thấy đó là những giọt nước mắt của người tình, hình như nỗi sầu đang dâng đầy trong ông. Đi trong đêm lạnh mùa đông, ông tưởng tượng môi em là đốm lửa hồng, sửa ấm lòng người, xua tan băng giá. Với một người khát sống như Trịnh Công Sơn, ngồi nơi này, nhớ nơi kia, lúc nào cũng sợ không đủ thời giờ cho kiếp người, ngoảnh lại đã thấy đời xanh rêu, nên ông luôn luôn thích sự xê dịch, cho nên mới có Đời mình là những chuyến xe, đời mình là con nước trôi… Với quan niệm cuộc đời là một vấn nạn, bấp bênh và tình yêu thì mù lòa, Trịnh Công Sơn hay nói tới danh từ vết thương, và vì vậy mới có Tên em là vết thương khô,

Không sao có thể diễn tả hết được những ý nghĩa mà Trịnh Công Sơn muốn khoác cho các sự vật, hiện tượng thông qua các định nghĩa của mình. Chỉ có thể nói rằng bởi cách nhìn cuộc đời của ông quá độc đáo, quá tinh tế nên những người đã yêu nhạc Trịnh thì bao giờ cũng yêu cả phần lời ca của ông.

5.2. Những quan hệ bất thường về nghĩa giữa chủ ngữ và vị ngữ

Quan hệ giữa chủ ngữ và vị ngữ trong câu tiếng Việt luôn là mối quan hệ ràng buộc, hai chiều. Thông thường, vị ngữ phải nêu những đặc trưng vốn có ở chủ ngữ, phù hợp với chủ ngữ. Song với Trịnh, vị ngữ luôn nêu những đặc trưng bất ngờ, tự ông gán cho sự vật. Do vậy mới có những lời ca kỳ diệu như ở dưới đây:

Đêm chờ ánh sáng, mưa đòi cơn nắng. / Những giọt mưa, những nụ hoa hẹn hò gặp nhau trước sân nhà. (Bốn mùa thay lá)

Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra. (Biết đâu nguồn cội)

Mùa xuân quá vội, mười năm tắm gội, giật mình ôi chiếc lá thu phai. (Chiếc lá thu phai)

Về bên núi đợi ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay. (Chiếc lá thu phai)

Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, sỏi đá trông em từng giờ (Biển nhớ)

Bờ vai như giấy mới sợ nghiêng hết tình tôi (Thương một người)

Gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời (Này em có nhớ)

Mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi (Ru em từng ngón xuân nồng)

Đám rong rêu xếp hàng. (Một ngày như mọi ngày)

Xin mây xe thêm màu áo lụa. (Còn tuổi nào cho em)

Một ngày như mọi ngày từng chiều lên hấp hối (Một ngày như mọi ngày)

Bàn tay xôn xao đón ưu phiền (Nắng thủy tinh)

Phép nhân hóa là một biện pháp tu từ thường thấy trong ca từ nhạc Trịnh. Rất nhiều những sự vật vô tri, vô giác mang tâm trạng con người: cỏ lá biết buồn, biển biết nhớ, gió biết hát, đêm biết đợi chờ, mưa biết đòi cơn nắng, rong rêu biết xếp hàng… Bởi chính nhạc sĩ đã hóa thân vào những sự vật bình thường và tầm thường nhất. Dường như ông muốn trốn chạy khỏi cõi đời mà lúc nào ông cũng thấy chênh vênh, mất mát, bấp bênh. Song khi ông đã yêu thì mọi vật xung quanh ông cũng biết yêu. Đôi khi, trong Trịnh, dòng chảy tâm tư quá nhanh, quá ồ ạt đã khiến lời ca của ông bị dồn nén, các từ bị rút ngắn đến độ khó mà có thể hiểu trọn vẹn từng câu. Đành phải hiểu cảm xúc chung của cả bài. Như trong bài Có nghe đời nghiêng, cả bài hát giống như tâm sự của người ở lại khi tất cả bỗng dưng trống vắng: Ngày thu đông phố xưa nằm bệnh, đàn chim non réo bên vườn hoang, người ra đi bến sông nằm lạnh, này nhân gian có nghe đời nghiêng. Hoặc trong bài Chiếc lá thu phai có câu: Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay, Trịnh Công Sơn muốn chuyển tải những thông điệp: Cuộc đời thật ngắn ngủi, thật buồn; ngoảnh đi ngoảnh lại, ta đã già; hãy cố gắng để quên đi những ám ảnh về tuổi tác. Cũng phải là một con người trải nghiệm trên đường đời nhiều lắm thì mới có thể viết: Có con đường chở mưa nắng đi (Em còn nhớ hay em đã quên)… Ngôn từ của Trịnh đã kết tinh đến độ đơn khiết, cô đọng nhất.

5.3. Đảo trật tự cú pháp (đảo vị ngữ lên trước chủ ngữ)

Hãy đọc những ca từ sau đây và sắp xếp lại theo trật tự của chúng ta – những người nhìn cuộc đời bằng con mắt trần gian:

Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ (Một cõi đi về)-> Mùa xuân vừa tàn, rồi mùa hạ cũng tàn.

Xôn xao con đường, xôn xao lá (Đoản khúc thu Hà Nội) -> Con đường xôn xao, lá cũng xôn xao.

Hồng má môi em hồng sóng xa (Đoản khúc thu Hà Nội) -> Má môi em hồng, sóng xa hồng.

Mệt quá đôi chân này/ Mệt quá thân ta này (Ngẫu nhiên) -> Đôi chân này mệt quá / Thân ta này mệt quá.

Đừng phai nhé một tấm lòng son (Vườn xưa) -> Một tấm lòng son đừng phai nhé!

Đã về trên sông những cánh bèo xanh (Khói trời mênh mông) -> Những cánh bèo xanh đã về trên sông.

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người. (Để gió cuốn đi) -> Hãy yêu ngày tới dù kiếp người quá mệt …

Cách chúng ta đảo lại như vậy có thể làm ta dễ hiểu hơn, song hình như nó sẽ làm hỏng nhạc Trịnh.

Còn một kiểu sắp xếp nữa mà ta cũng thường gặp trong ca từ của Trịnh. Nó không phải là bất thường, mà là đặc biệt. Đó là việc Trịnh sử dụng kiểu câu đảo bổ ngữ lên trước làm đề ngữ. Cũng có khi thành phần phía trước được xem là trạng ngữ; tuy nhiên, trạng ngữ này lại quan hệ rất chặt với động từ trong câu. Câu thường kết thúc bằng một động từ, nghe khá đột ngột. Thí dụ:

Vườn khuya đóa hoa nào mới nở / Đời ta có ai vừa qua / Rồi bên vết thương tôi quỳ. / Từ những phố kia tôi về. (Đêm thấy ta là thác đổ)

Sáng cho em vòm lá me xanh. / Phố em qua gạch ngói quen tên (Em còn nhớ hay em đã quên)

Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe. (Tôi đang lắng nghe)

Về trong phố xưa tôi nằm (Lời thiên thu gọi)

Tuổi buồn em mang đi trong hư vô (Tuổi đá buồn)

Thường thì ta sẽ nói: Đóa hoa nào mới nở trong vườn khuya/ Có ai vừa qua đời tôi/ Tôi quỳ bên vết thương./ Tôi về từ những phố kia./ Gạch ngói quen tên phố em qua./ Tôi đã lắng nghe im lặng của đêm./ Em mang tuổi buồn đi trong hư vô… Kiểu câu không kết thúc bằng thành phần bổ ngữ mà kết thúc bằng chính động từ trung tâm, như đã nói, luôn khiến người nghe có cảm giác đột ngột. Song chính điều đó lại làm nên sức hấp dẫn của nhạc Trịnh; để khi nghe nhạc Trịnh, người ta luôn cảm thấy thiếu, muốn kiếm tìm, muốn nghe mãi…

Còn có những kết hợp khó có thể sắp xếp lại theo thứ tự thông thường, cũng khó mà gọi đó là cụm từ hay là câu nữa. Chẳng hạn như: Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai hay Cuồng phong cánh mỏi hoặc Cỏ xót xa đưa… Điều này càng làm cho ta thấy nhạc sĩ nhìn sự vật, nhìn cuộc đời bằng con mắt khác với chúng ta. Lời ca của Trịnh, nói theo Bửu Ý, đã được đặc cách hóa thành Kinh. Kinh là những lời ước nguyện nhằm chuyển hóa thực tại. Kinh của Trịnh Công Sơn là do chính ông phát nguyện, dóng tiếng và gởi gắm trở lại cho chính mình.

Mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức-TPHCM)
Mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức-TPHCM)

Đọc Trịnh Công Sơn dưới góc độ ngữ pháp, chúng tôi không dám nói nó có giúp ta nhiều không trong việc hiểu nhạc Trịnh. Song chúng tôi ghi nhận ở người nhạc sĩ tài hoa này một mẫn cảm ngôn ngữ tuyệt diệu. Bằng những kết hợp lạ lẫm, những so sánh bất ngờ, những sắp xếp độc đáo, thông qua một tri giác bén nhạy, nhiều tầng, đa chiều kích, và với một tâm hồn lãng mạn của một thi sĩ, Trịnh Công Sơn đã làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ Việt. Trịnh Công Sơn đã sống và đã yêu hết mình, dù cho ông yêu cuộc đời này bằng nỗi lòng của một tên tuyệt vọng. Mỗi ca từ ông để lại cho đời đều thấm đẫm giá trị nhân bản. Hãy sống và yêu đi, như ông đã từng viết: Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ! (Mưa hồng)…

 TƯ LIỆU KHẢO SÁT: Trịnh Công Sơn, Tuyển tập những bài ca không năm tháng, Nhà xuất bản Âm nhạc, 1998.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1.Dương Viết Á, 2005, Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, NXB Viện Âm nhạc, HN.
  2. 2.Ban Mai, 2008, Trịnh Công Sơn – Vết chân dã tràng, NXB Lao động, Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, HN.
  3. 3.Trần Kim Phượng – Phan Ngọc Ánh, 2011, Danh từ chỉ thời gian – mùa trong ca từ Trịnh Công Sơn; Ngôn ngữ và đời sống, số 4.
  4. 4.Nguồn Internet: http://tuanvannguyen.blogspot.com.

[footer]

Nắng Thủy Tinh (Trịnh Công Sơn)

‘Nắng thủy tinh’ là nhạc phẩm tiêu biểu cho dòng nhạc tình của họ Trịnh với giai điệu mượt mà đầy tính tự sự và nhất là ca từ rất giàu hình ảnh, đầy tính biểu cảm. Trong những ngày mùa thu này, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản nhạc bất hủ này.

nang-thuy-tinh--1--trinh-cong-son nang-thuy-tinh--2--trinh-cong-son

CẢM NHẬN ‘NẮNG THỦY TINH’ – TRỊNH CÔNG SƠN 
(Nguồn: bài viết của bác sỹ Lê Trung Ngân đăng trên https://bacsiletrungngan.wordpress.com)

Năm 1968, tôi 16 tuổi, học lớp đệ tam (lớp 10). Đến lứa tuổi này, tôi bổng nhiên “chựng” lại về tánh tình. Đang là một cậu học sinh tinh nghịch, giỡn vô tư thì bỗng nhiên biết “mắc cỡ” và hơi nghiêm lại. Thưở còn nhỏ, tôi tự học nhạc và đàn hát được (phải gọi là hát hay mới đúng!) những bài hát phổ thông thì nay học đòi theo mấy đàn anh thế hệ trước bỏ hẳn những bài hát trước đây mà tập tành nghe và hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn (TCS), Cung Tiến, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương cho nó “sang”. Cũng nhờ vậy mà tôi tiếp cận được nhạc Trịnh Công Sơn. Thú thật với ngần ấy tuổi và học thức mới chỉ bằng “lá mít”, tôi đến với TCS vì muốn làm “sang”, làm “giá” hơn là cảm nhận được hồn nhạc Trịnh Công Sơn. Lần đầu nghe bài hát Nắng thủy tinh, tôi ngơ ngác: “Nắng thủy tinh là sao?”. Thủy tinh trong suốt, không màu, mà nắng thì phải có màu chứ.

Mãi đến những năm sau nữa, khi yêu lần đầu, tôi mới hiểu hết ý tứ của ca từ: “Màu nắng hay là màu mắt em, Mùa thu mưa bay cho tay mềm, Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm, Rồi có hôm nào mây bay lên.”

nang-thuy-tinh--1--bacsiletrungngan.wordpress.com

Lần đầu tiên của đời mình, tôi bị choáng ngợp vì một đôi mắt trong veo, ngơ ngác, ướt, đen và buồn sâu thằm, tôi thấy rõ ràng có nắng soi vào trong đôi mắt ấy, như muốn làm khô đi những giọt nước mắt cứ như sắp rơi ra. (Sau này, trong cuộc đời, tôi luôn bị ám ảnh bởi những đôi mắt ướt). Ngày khai trường luôn là mùa thu, mưa bay, gió nhẹ, nắng thênh thang, tuổi hồng hân hoan chào bạn mới, trường mới, thầy cô mới. Từ tuổi 15 sang tuổi 18, biết bao đổi thay đến ngạc nhiên. Từ một cô bé gầy gò, ngơ ngác, em trở thành thiếu nữ má đỏ môi hồng. Từ một cậu bé tung tăng quần đùi đá banh, tắm sông tôi trở thành chàng trai cao lên hẳn, lơ ngơ với tiếng vỡ giọng khàn khàn. Chúng tôi không còn sự hồn nhiên như thời học lớp đệ tam nữa, mà đã bắt đầu thấy ngượng ngùng khi tình cờ đụng vào nhau, khi nhìn nhau thấy đều khang khác. Có những đứa bạn quá thân từ nhỏ thì vẫn mày – tao hay ông – tôi, bà – tôi, nhưng những người có chút gì đó (tình ý với nhau) thì bắt đầu gọi nhau bằng tên, gọi nhau bằng bạn xưng mình. Những rung cảm đầu đời chớm nở, để lòng ta phơi phới như nắng loang qua thềm cũ, như mây bay lên trong khói chiều. Những đêm nằm ngủ chập chờn tôi mơ được nắm tay “em” rồi bị xử chết đi cũng cam lòng còn ban ngày thì đâu dám đụng chứ nói chi dám nắm tay em. Lỡ khi đụng nhằm tay em, dù chẳng dám nói gì, chỉ thế thôi mà cả hai cùng thẹn thùng bối rối. Đổi lại bây giờ, người trẻ ngày nay, họ mạnh dạn hơn nhiều, internet, điện thoại di động cho họ những cách tỏ tình vũ bão, chóng mặt và táo tợn hơn. Họ không chỉ nắm tay mà đã dám hôn nhau, gọi nhau là ông xã, bà xã và dắt nhau đi vũ trường, nhà nghỉ và chuyện gì tới cũng tới với lứa tuổi tràn trề sinh lực nhưng thiếu vắng kỹ năng sống ấy.

nang-thuy-tinh--2--bacsiletrungngan.wordpress.com

Ngày xưa, tuổi yêu luôn bị cấm đoán khắt khe bởi mọi thứ. Cha mẹ luôn cho rằng chúng ta cần tập trung vào học tập, đậu đại học cứ như là con đường duy nhất để vào đời. Mà duy nhất thật vì nếu thi rớt thì phải đi lính. Thời chiến tranh, di lính là đường cùn của đời mình. Vì nguy cơ bom đạn không thể biết được. Thầy cô cũng chẳng tâm lý đâu, chỉ biết dạy cho hết nội dung, chương trình và cũng chẳng dám khuyên bảo gì về những thắc mắc tâm sinh lý của học sinh mới lớn vì sợ bị mang tiếng, sợ bị cho là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Và những con hươu non ngơ ngác cứ thế dại khờ yêu, ngây ngô đi tìm bản thể của mình. Ngày ấy, tình đầu chỉ mong manh và lãng đãng bằng những chiều hẹn hò vội vã, ngồi bên nhau dưới gốc phượng sân trường, mở sách ra vờ trao đổi bài học, để được: “Lùa nắng cho buồn vào tóc em”, để được nắm “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền”, nỗi buồn và sự ưu phiền muôn thưở của tuổi mới lớn khi chưa thể định hình tương lai, chưa khẳng định rõ ràng bản ngã chính mình. Và nhiều khi ngơ ngác, sao cũng là em, cũng là tôi, mà: “Ngày xưa sao lá thu không vàng, Và nắng chưa vào trong mắt em” để mình thấy thương thương nhớ nhớ, thấy quay quắt đợi chờ nhau?

Có nhiều chiều tan lớp, tôi ngu ngơ đứng đợi, chỉ để mong thấy: “Em qua công viên bước chân âm thầm” để thấy áo dài em bay trong nắng thu sang, để lòng tôi náo nức như: “Ngoài kia gió mây về ngàn”, để tim tôi hân hoan như: “Cỏ cây chợt lên màu nắng”.

Khi yêu lần đầu, hình như mọi thứ đều đẹp và lung linh qua lăng kính của tình yêu, ta thấy không gì đẹp hơn đôi mắt người yêu, không gì say đắm bằng cái nhìn của nhau, không gì ấm áp hơn vòng tay và làn môi ấy. Không ai còn ý nghĩa, không gì còn quan trọng, chỉ có ta và tình yêu là tất cả. Nhưng rồi một ngày: “Em qua công viên mắt em ngây tròn”, và tôi cũng đi qua em như cơn gió lạ, cho dù nắng vẫn: “Lung linh nắng thủy tinh vàng”“Chợt hồn buồn dâng mênh mang”. Nếu ta biết, tình đầu có khi đó chỉ là bài học vỡ lòng cho tình yêu, hay ta biết đó chỉ là một phép thử của cuộc sống, thì ta sẽ vùi lấp cơn đau trong kỷ niệm để mở lòng đón nhận những chân tình khác. Còn ngược lại, ta vẫn miên man trong nuối tiếc để mãi không bao giờ thấy hạnh phúc nơi đâu.

nang-thuy-tinh--3--bacsiletrungngan.wordpress.com

Thời gian trôi theo bao mùa xuân hoa nở, mùa hạ lá xanh, và “Mùa thu qua tay đã bao lần”, những kỷ niệm xưa vẫn chỉ là kỷ niệm. Một lần qua Huế, tôi ngỡ ngàng khi thấy hàng cây long não hai bên đường đứng như“Ngàn cây thắp nến lên hai hàng”, và thấy nắng thật trong, thật tinh khôi như nắng thủy tinh. Tôi chợt nhớ lại phút chia ly em để xuống Sài Gòn học Đại học, khi em ngước nhìn tôi, đôi mắt ướt không rơi lệ vì nắng đã rọi vào ngăn đi những yếu mềm tuổi ngọc. Mỗi lần nghe câu kết: “Để nắng đi vào trong mắt em, Màu nắng bây giờ trong mắt em”, tôi lại nhớ mãi ánh mắt, như có nắng ở trong.

Dù mấy mươi năm trôi đi hay đến phút cuối của cuộc đời, dù cuộc đời xô đẩy, chà đạp, thì tôi cũng giữ những hoài niệm đẹp, trong sáng, để cảm ơn đời đã cho tôi một thời hoa bướm ngây thơ, tôi đã không vội vã buông mình vào những cuộc tình hoang dại như tuổi trẻ ngày nay, tôi cũng không ngu ngơ chỉ vùi đầu đèn sách, tôi đã biết sống và biết yêu cho đúng tuổi của mình. Và yêu là không phải nói lời hối tiếc: Love is not to say you are sorry.

[footer]

Nhìn Những Mùa Thu Đi (Trịnh Công Sơn)

Tiếp nối dòng nhạc về mùa thu, Dòng Nhạc Xưa xin mời quý vị bước vào thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn qua bản “Nhìn những mùa thu đi”.

Nhìn những mùa thu đi (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Nhìn những mùa thu đi (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
nhin-nhung-mua-thu-di--1--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
nhin-nhung-mua-thu-di--2--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
nhin-nhung-mua-thu-di--3--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

MỘT LẦN “NHÌN NHỮNG MÙA THU ĐI” 
(Nguồn: bài viết của tác giả Phan Trường Sơn đăng trên website đài Truyền Hình Vĩnh Long)

Trịnh Công Sơn – cái tên quá quen với người Việt Nam yêu nhạc. Nói như vậy không có nghĩa là những người không yêu nhạc thì không biết đến Trịnh Công Sơn. Nhạc của ông có vô số người thuộc, không ít người hát, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được từng ý từng lời trong những ca từ quá ư là huyền hoặc, diễm lệ ấy. Mỗi bản nhạc là một câu chuyện, một cung bậc tình cảm cứ lôi cuốn người nghe vào tận ngõ sâu của tâm hồn, để rồi mơ hồ nhận ra rằng: không hiểu gì cả. Tôi cảm nhận nhạc Trịnh như thế đó!

trinh-cong-son--1--thvl.vn--dongnhacxua.com

Từ rất lâu, đâu hồi những năm 1990, lúc đó tôi còn là một đứa trẻ. Trong nhà lại có mấy cuốn băng cat-set nhạc Trịnh của bố tôi, cứ nghe tới nghe lui mãi những bài hát Diễm xưa, Ướt mi, Hạ trắng, Phôi pha… qua giọng ca liêu trai, mơ hồ của Khánh Ly, rồi cũng bị ảnh hưởng. Lớn lên trong tiếng nhạc của ông, một ngày nọ tôi chợt nhận ra rằng: đời người, ai cũng có Những-Mùa-Thu-Đi-Qua. Và mỗi lần “nhìn những mùa thu đi” như thế, cảm xúc cứ xót xa, tê dại, ngậm ngùi, bâng khuâng và còn nhiều điều không thể diễn tả được bằng lời.

trinh-cong-son--2--thvl.vn--dongnhacxua.com

Ông sinh ngày 28 tháng 02 năm 1939 tại Đăk Lăk và lớn lên ở Huế, mất ở Sài Gòn ngày 01 tháng 4 năm 2001. Lớn lên ở Huế, nơi có trường Đồng Khánh với bao tà áo dài thướt tha và nón bài thơ duyên dáng đã khắc vào hồn ông những bức tranh thiếu nữ đẹp đến mê hồn. Nhưng cái quan trọng là tâm hồn ông quá dễ rung động. Rung động trước cái đẹp là điều chính đáng, nên ông cứ để nó rung, nó lắc thế nào cũng được, miễn là sau sự cọ quậy đó của tâm hồn, Trịnh Công Sơn có được những nhạc phẩm để đời và được nhiều người hát, thậm chí còn ghi cả vào sổ tay của mình ca từ của bài hát mình thích, để khi rảnh rang, mang ra nhẩm theo… và cười thầm, thích thú.

Thế đấy, những mùa thu đi qua Trịnh Công Sơn một cách ngọt ngào mà đau đớn, càu cấu, quằn quại. Ông quằn mình trong tình yêu để có thể cống hiến cho đời những nhạc phẩm trữ tình tinh khiết, ngon mềm, ngọt ngào, vì đó là hồn, là máu, là sự sống của ông. Hình ảnh những thiếu nữ, những người đàn bà bước đi trên từng nốt nhạc của Trịnh sao mà đẹp, mà thơ mộng thế không biết. Ông không trách ai bao giờ, mặc dù “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”  (Tình xa). Trái lại, ông thương họ, thương cho người đã mang đến cho ông nguồn cảm xúc quá dạt dào và thâm thúy. Ai đến với ông, ngự lại hồn ông, cùng ông ăn những bữa ăn đầy âm nhạc… rồi ra đi, bỏ ông trơ trọi với cây đàn và ly rượu sầu… Khi say khướt, ngước mặt nhìn qua cửa sổ căn phòng nhỏ, ông đã thấy những-mùa-thu-đi-qua. Đúng vậy, mùa thu đi qua đời quá ngọt ngào và trầm lắng, lãng đãng, bàng bạc. Trong tất cả nhạc phẩm của ông, tôi thích nhất Nhìn những mùa thu đi huyền diệu.

Có người thích Diễm xưa, vì lòng họ cũng có một Diễm đi qua! Hạ trắng, Biển nhớ, Ướt mi, Cuối cùng cho một tình yêu, Đời gọi em biết bao lần, Em còn nhớ hay em đã quên, Em hãy ngủ đi, Nguyệt ca, Như cánh vạc bay, Ru em từng ngón xuân nồng, Ru ta ngậm ngùi, Tình nhớ… Phần lớn tình khúc của Trịnh đều có hình ảnh của những tình nhân mà người nghe có thể tìm được một nửa của mình trong đó (có thể là còn hay mất, hay một phút xao lòng, bâng khuâng nhớ lại!). Riêng Nhìn những mùa thu đi, với tôi, nó giống như một lát cắt – mà là lát cắt dọc. Cắt dọc theo một quãng đời dài đau đớn sáng tạo của ông. Mỗi một tình nhân đi qua như một mùa thu đi qua, trầm lắng, u buồn, lẻ loi, cô độc… Ông như một kẻ lữ hành lãng du đi trong lòng phố thị với biết bao má hồng xinh đẹp, mà lúc nào cũng thấy mình quạnh vắng, riêng ta. “Nhìn những mùa thu đi/ Em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song/ Nghe tên mình vào quên lãng/ Nghe tháng ngày chết trong thu vàng… để rồi“Nhìn những mùa thu đi/ Tay trơn buồn ôm nuối tiếc/ Nghe gió lạnh về đêm/ Hai mươi sầu dâng mắt biếc…” để rồi “thương cho người, rồi lạnh lùng riêng.”

Lần đầu tiên nghe tình khúc này, tôi không hiểu, nên phải nghe đi nghe lại rất nhiều lần, cũng không hiểu. Vì lúc đó, tôi đã nghe nhiều tình khúc trước của ông chăng? Hay tâm hồn chưa đủ lớn để hiểu? Lòng đặt ra câu hỏi, sao khổ dữ vậy Trịnh? Sau này mới hiểu, thì ra “từng người tình bỏ ta đi” đấy, ông vẫn không quên được! Ông luyến tiếc chăng: Không biết. Nhưng tôi cảm nhận một điều, những hình ảnh tình nhân ấy vẫn còn nguyên trong tim của Trịnh, không xóa nhòa đâu được. Có điều, mỗi cuộc tình đi qua, ông cẩn thận cất nó vào một nơi thầm kín nhất trong tim mình để lưu giữ như một báu vật và tôn trọng nó. Giống như một người đa tình, buồn, mang quyển nhật ký cũ ra đọc lại, rồi nhớ tình nhân cũ và xót xa, rồi thương cho người, rồi lạnh lùng… cho mình.

Trong nhiều tình khúc của ông, tôi nhận ra cái dự cảm không lành là chia xa. Như cánh vạc bay cũng thế: “Từ lúc đưa em về/ Là biết xa nghìn trùng”. Hình ảnh đôi vai người con gái mềm mại khuất dần vào hẻm tối, với ông, nó buồn như cánh vạc “gầy guộc về cuối cơn mưa… “. Trong cơn say khướt chiều nay, nhìn những mùa thu đi qua đời mình mà nghe “buồn mình trên ấy”. Ông viết nhiều, mà say cũng lắm. Có lẽ ông cố say chếch choáng, để nhìn mùa thu đi qua mình chăng? Như thế thì buồn chết được…!

Dù sao thì ông cũng đã thành công, vì mỗi mùa thu đi qua, hay một tình nhân đi qua đều để lại trong ông một niềm dấu yêu tinh khiết. Nhờ đó, ông lại có thể cống hiến cho đời những tình ca bất tận, chỉ cho nhân thế tìm đến tình yêu của mọi người. Nhờ những tình khúc của ông mà có những cặp tình nhân gắn kết nhau hơn, gần gũi nhau hơn. Vậy cũng công bằng. Có nhiều người cũng quặn mình trong nỗi đau tình ái, mà có được gì đâu. Ông đã thành công. Thành công hơn nữa là ngày nay (khi ông đã về bên kia thế giới), vẫn có nhiều người hát nghêu ngao những tình ca của ông, dù có thể họ không biết là của ai!

Phan Trường Sơn

[footer]

Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn)

Hà Nội vốn dĩ được ưu ái rất nhiều trong thi ca Việt Nam, mà đặc biệt là một Hà Nội khi vào thu. [dongnhacxua.com] xin tiếp tục dòng nhạc mùa thu với bản “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

nho-mua-thu-ha-noi--trinh-cong-son--trinh-cong-son.com--dongnhacxua.com
Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn). Ảnh: trinh-cong-son.com

NỖI NHỚ MÙA THU HÀ NỘI CỦA NGƯỜI PHƯƠNG NAM
(Nguồn: bài viết của tác giả Hoài Hương đăng trên vov.vn)

Đối với một người phương Nam như tôi, mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm, thơ mộng nhất trong năm, mùa phương Nam không bao giờ có được.

Trời xanh cao vời vợi màu hồ thủy, nắng như tơ, từng sợi một thả xuống óng ánh. Hà Nội dịu dàng, hồi hộp đón mùa cốm mới thơm mùi sữa lúa, hương sen thoang thoảng sót lại, những quả hồng đỏ mọng mời gọi như môi thiếu nữ, đây đó thấp thoáng bóng áo nâu quẩy đôi gánh chung chiêng, bên trong lấp ló những quả thị vàng mượt, những quả ổi chín hồng tỏa mùi thơm thôn dã, bình dị, xưa xưa cổ tích…Trên những hàng cây loáng thoáng vài chiếc lá vàng… Mùa thu Hà Nội rón rén, ngập ngừng, ngấp nghé đổi chỗ mùa hạ nồng nàn cháy bỏng.

Tôi ở phương Nam, một năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Nắng đổ xuống như chảo lửa cứ hừng hực đốt cháy cả lòng người. Mưa thì như nghiêng trời lệch đất, nước cuồn cuộn trôi, trôi tuột mọi thứ, con người cũng muốn tan theo nước mà trôi đi. Người phương Nam như tôi đã được tặng một món quà tuyệt đẹp của phương Bắc, của Hà Nội, mà không phải lúc nào cũng có thể có. Vâng! Quà tặng – Mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm, thơ mộng nhất trong năm, mùa phương Nam không bao giờ có được. Khẽ khàng, mỏng manh trong hơi sương sớm, se se trong cơn gió nhẹ đem hương mùa bãng lãng qua các con phố… Mùa thu Hà Nội như một thứ men ngọt ngào, nhấp từng giọt, từng giọt để say hồi nào không biết và cứ muốn say mãi.

Một sớm thu Hà Nội. Ảnh: Hà Thành
Một sớm thu Hà Nội. Ảnh: Hà Thành

Cốm Làng Vòng – hương vị thu Hà Nội, nét lạ đầy ấn tượng. Những hạt cốm xanh ngọc mang hương trời khí đất, cả hồn quê và huyền thoại làng, được bọc bằng chiếc lá sen phảng phất hương thơm thoát tục, bên ngoài buộc thêm một vài sợi rơm không quá chặt, không quá lỏng, như gói những nét tinh tế lên hàng nghệ thuật một món quà dân dã của người Tràng An- người Hà Nội.

Ngay cả đến cách ăn, cũng là một nghệ thuật thưởng thức ẩm thực tuyệt vời. Không phải xúc từng muỗng (thìa) lớn như ở phương Nam khi ăn cốm dẹp trộn dừa, cứ cho hết muổng này tới muổng khác, ào ào một lúc là hết. Cốm Vòng, đựng trong lá sen, chụm mấy ngón tay nhúm vài hạt cốm, bỏ vào miệng, nhẩn nha để vị cốm dẻo, ngọt, thơm tan ra từ đầu lưỡi thấm vào… cảm hết hương vị trời, đất, đồng quê, nắng gió trong hạt cốm.

Ở Hà Nội, hình như mùa thu mới là lúc trái quả phô diễn hết sắc vị được tích tụ, chắt lọc bằng nắng gió, tinh túy đất trời. Hồng đỏ mọng môi ngọt lịm, na xanh biếc mắt ngọt thanh tao, bưởi vàng mơ ngọt mát the the đầu lưỡi, nhãn nâu đất ngọt đậm đà…, đặc biệt một loại quả chỉ có ở Hà Nội – quả sấu, vàng ươm, chua ngọt, một loại quả không phải để bày biện cho đẹp cho sang, nhưng len lỏi khắp nơi… Từ nhà hàng đặc sản đến bữa cơm đạm bạc bình dân, từ quí cô, quí bà sang trọng đài các đến em bé bán báo dạo trên phố.

Những hàng sấu thẳng tắp trên phố phường Hà Nội. Ảnh: vov.vn
Những hàng sấu thẳng tắp trên phố phường Hà Nội. Ảnh: vov.vn

Những quả sấu chín vàng đựng đầy trong rổ hay chất một mẹt trên hè phố, ở góc chợ… nhìn ngồ ngộ, quê mùa, xấu xí, nhưng sao hấp dẫn đến kỳ lạ. Tôi đã đứng thật lâu quan sát, thấy thứ quả bình dị mà có sức mê hoặc đến hết thảy mọi người không phân biệt sang hèn. Thảo nào, mà trong văn trong thơ viết về Hà Nội, nhiều người nhắc đến quả sấu như một nỗi nhớ, một mối tình vấn vương, một kỷ niệm ấu thơ rất riêng của Hà Nội, không lẫn vào đâu được.

Một trưa nắng nhẹ, lang thang phố cổ vắng tiếng xe, trong bóng cây sẫm màu lốm đốm nắng, bóng dáng áo nâu, tóc bạc quẩy một gánh quả có mùi thơm là lạ, thong dong ngược lại, đi qua tôi, như bất chợt vấp phải một cái gì đó mơ hồ, tôi quay lại níu lấy bà… Ôi quả thị, quả thị của nàng Tấm trong cổ tích. Tròn đầy, xinh xắn, vàng mướt màu nắng, và mùi thơm là tổng hòa mùi lúa chín, mùi rơm mới, mùi bếp lửa, mùi làng quê…

Bà cười hiền hậu (không biết có phải là bà lão bán quán nước đã rước quả thị nàng Tấm về nhà trong cổ tích), tặng tôi một quả thị thật đẹp cùng câu chúc rất cổ tích: Cô sẽ gặp được người tri âm tri kỷ. Và đêm ấy, trong giấc mơ của tôi, bước ra từ quả thị là một chàng trai, như hoàng tử trong truyện thần thoại, đến với tôi… Tỉnh dậy, nhìn ra ngoài cửa sổ, sương lễnh loãng trong ánh trăng non mờ ảo và mùi thơm quả quả thị sực nức căn phòng…

Gánh hàng rong mang theo những "hương sắc" của mùa thu Hà Nội. Ảnh: vov.vn
Gánh hàng rong mang theo những “hương sắc” của mùa thu Hà Nội. Ảnh: vov.vn

Mùa thu Hà Nội, không chỉ là cái nắng vàng tơ mơn man, ấm áp, là bầu trời thăm thẳm trong vắt không gợn mây giữa trưa, là hương quả đầy mời gọi, mà còn là nét quyến rũ đến ngọt say người phương Nam từ những đêm trăng và hoa sữa. Đêm và hoa mùa thu Hà Nội đẹp lạ lắm. Đêm tĩnh lặng, nhẹ lâng lâng, trong veo. Những ồn ào, vất vả của ngày hình như ngủ theo mặt trời, chỉ nghe có tiếng ri rỉ của dế, tiếng sột soạt của chiếc lá rơi, xa xôi đâu đó tiếng cá quẫy nước giỡn trăng trong hồ… Ánh trăng gần rằm phủ xuống vầng sáng mát lạnh như ướp đá, bóng hàng cây hoa sữa sẫm màu, để nổi bật những chấm trắng lấm tấm của từng chùm hoa, như một vệt ngân hà lạc xuống. Đêm đẹp như mộng. Đêm sóng sánh, hoa sữa ngọt say tung thả mùi hương theo gió lan tỏa cả mặt hồ loáng ánh bạc của trăng.

Trăng, hoa lẫn vào sương giăng mỏng mờ, lãng đãng, chồng nhòe cảnh vật ẩn hiện, bí ẩn. Bầu trời lấp lánh các vì sao như bức tranh cẩn vụn kim cương của nghệ sĩ thần tiên dành riêng ban tặng cho những ai thức cùng đêm. Tôi đã đi như thế, cảm nhận vẻ đẹp liêu trai của đêm thu Hà Nội mãi đến khi sương tụ lại từng giọt đọng trên lá cỏ, như giọt nước mắt đêm, và xa xa dội lại nhịp thở của một ngày mới sắp bắt đầu.

Để trọn vẹn sắc thu Hà Nội, ôm trọn mùa thu Hà Nội làm quà cho các bạn ở phương Nam, tôi đã làm một cuộc thăm viếng những “địa chỉ đỏ” danh tiếng ở Hà Nội gắn liền với mùa thu: Bắc Bộ Phủ, Quảng trường Ba Đình, Nhà Viễn Đông Bác Cổ… Nhìn màu đỏ của sắc cờ, hoa những nơi này, nghe vang vọng lời ca oai hùng “Đoàn quân Việt Nam đi…”, như sống ngược thời gian một mùa thu xưa, âm vang lời Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh tên nước Việt Nam và một mùa thu của những đoàn quân” Trùng trùng say trong câu hát…” tiến về giải phóng Thủ Đô…

Ngày trở về phương Nam, tôi xao xuyến chia tay thu Hà Nội, quyến luyến như mối tình đầu. Mùa thu – món quà tặng của Hà Nội cho người phương Nam như tôi, giống vị ngon, vị ngọt, hương say của môi hôn tình đầu, để rồi nhớ… thầm hẹn./.

[footer]

Khăn Quàng Thắp Sáng Bình Minh (Trịnh Công Sơn)

Trong quá trình đi tìm tư liệu cho dòng nhạc Trịnh Công Sơn nhân ngày giỗ 1/4 của ông, [dongnhacxua.com] vô tình được biết về một phiên bản khác của một bài hát đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ: “Khăn Quàng Thắp Sáng Bình Minh” của nhạc sỹ họ Trịnh. Bài hát này đã quen thuộc với chúng tôi những ngày còn cắp sách đến trường cho nên khi nghe phiên bản mới, chúng tôi thấy rất xa lạ.

Theo thiển ý của [dongnhacxua.com], vài câu chữ của lời nhạc mới cũng không hẳn là dở. Thế nhưng việc tự  ý sửa lời nhạc Trịnh là một việc làm không nên, nếu không muốn nói là thiếu tôn trọng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nói riêng và hàng triệu người yêu nhạc nói chung. Nhân dịp này chúng tôi mong người lớn chúng ta nên sống thật và “trả lại cho Trịnh những gì thuộc về Trịnh”!

PHIÊN BẢN GỐC
Ảnh: cainhaccho.net

Ảnh: cainhaccho.net

PHIÊN BẢN MỚI

Ảnh: music.edu.vn
Ảnh: music.edu.vn

[footer]

Nhớ Đến Một Người Để Nhớ Mọi Người

Hôm nay là đúng ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn (28/02/1939 – 01/04/2001), [dongnhacxua.com] xin mạn phép thắp một nén nhang cho linh hồn ông an nghỉ miền cực lạc. Cũng nhân dịp này, chúng tôi xin gởi đến quý vị một tạp văn của tác giả Phùng Hi.

NHỚ ĐẾN MỘT NGƯỜI ĐỂ NHỚ MỌI NGƯỜI
(Nguồn: tác giả Phùng Hi đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 27/03/2015)

Bây giờ viết điều gì về Trịnh Công Sơn đều rất dễ bị sáo bởi có quá nhiều người xưng tụng ông. Nhưng thôi thì cứ theo một câu ca của ông: “Nhớ đến một người để nhớ mọi người”(1), đó là những thanh niên xung phong tuổi từ mười sáu trở lên, sau năm 1975 đi trồng khoai, trồng bắp ở Nông trường Sơn Thành, Phú Yên. Hiện họ đã con đàn, cháu đống.

Những ông bà nội ngoại này hằng năm đến dịp ngày 1-4, ngày mất Trịnh nhạc sĩ, thay phiên nhau làm buổi lễ nho nhỏ tưởng niệm ông, sau là hát nhạc Trịnh, hát để nhớ một thời trai trẻ thiếu cơm thiếu áo nhưng yêu thì mãnh liệt chân tình. Họ chỉ hát mộc với guitar thùng, thú chơi “không đụng hàng” ai lúc này.

Tôi nhớ thời karaoke mới xuất hiện, khi ấy chưa có DVD, tôi đang dạy học ở Nông trường Sơn Thành, nhận sự ủy thác của nhóm thanh niên xung phong đến thị xã Tuy Hòa, nay là thành phố Tuy Hòa, thu chọn lọc hai băng Akai toàn nhạc Trịnh.

Tới quán karaoke, nhóm người mê Trịnh thủ sẵn băng nhạc bỏ vô máy hát cho thỏa ý. Tôi nhỏ tuổi hơn nhưng vì có công đi thu băng nên cuộc đi hát nào tôi cũng được ké, ké hát ké rượu. Điều thú vị, ngày mất nhạc sĩ tài hoa chỉ sống nhỉnh hơn một vòng hoa giáp (1939-2001) này là ngày giải phóng Phú Yên, ngày Cá tháng tư và cũng là ngày cho nghề câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên.

Đại diện nhóm thanh niên xung phong là chị Hoàng Khôi (chồng tên Khôi, vợ tên Hoàng), lập bàn thờ giỗ Trịnh Công Sơn. Mấy tay đàn ông coi chuyện ấy là thứ đồng bóng nhưng chị Hoàng Khôi thành thật: “Anh Sơn là người tôi không thân thích, chưa hề gặp mặt, chỉ vì yêu nhạc của anh mà mỗi năm tôi làm giỗ để tưởng nhớ, cũng là cái cớ để mấy ổng tụ họp hát hò.

Không riêng gì tổ chức ở nhà tôi, nhà ông nào “đăng cai” là tôi tới, mang theo ảnh anh Sơn, lập bát hương và làm gà cúng”. Chị hát nhạc Trịnh cũng khá hay nhưng có tật giành ca dù không uống giọt rượu nào để đổ thừa do say.

Nhạc Trịnh dễ bắt chước hát theo, nhất là hát theo ca sĩ Khánh Ly, nên ai cũng hát được đôi bài dù không rành nhạc. Có lẽ vì giai điệu nhạc Trịnh luôn thuận theo âm tiếng Việt, với âm trắc nhạc cất lên cao, đến âm bằng chắc chắn hòa âm xuống thấp. Hãy thử một câu nhé: “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay” (Hạ trắng). Bạn đọc có thấy đúng vậy không.

Hạ trắng (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Hạ trắng (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

Tuy nhiên nhạc Trịnh rất khó nhớ trọn một bài vì lời ca có phần siêu thực; cái đẹp, nỗi buồn được nâng lên tầm triết học và nhiều liên văn bản phía sau ca từ. Nếu vì không thuộc, không ai hát thì chị Hoàng Khôi hát, chị nhớ rất nhiều bài. Tôi nói chị “giành ca” là vậy. Một ông bạn nói mỉa: “Bả mê đến nỗi phải giỗ ổng thì thuộc nhiều bài là đúng rồi”.

Đó là nói chuyện trước đây chứ giờ vô mấy trang web nhạc chép lời, in thành tập, khỏi phải gồng đầu nhớ.

Năm nào nhà ai tổ chức hát nhạc Trịnh, sáng ra đều có người khen: “Khi hôm ai hát mà hay thế” chứ không bị chê như mấy dàn nhạc sống lưu động điếc tai xóm làng hiện nay. Hiếm có nhạc sĩ được người đời yêu mến làm giỗ hằng năm như Trịnh Công Sơn. Tôi không khỏi có ý nghĩ ghen tị với ông: “Ông Sơn, ông sống được nhiều người yêu, nhất là phụ nữ. Ông chết lại càng được nhiều người yêu mến ông hơn nữa”.

Một số anh em mê nhạc Trịnh ấy, chung “chiến hào khoai sắn” ngày xưa, nay đã già nhưng chắc vì chưa già lắm nên khó tính, hay xét nét và giận hờn. Đừng nghĩ người già không giận nhau, nhưng rồi nhờ nhạc mà làm hòa. Vâng, như một câu ca trong nhạc Trịnh “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” kia mà, giận lâu chi tổn thọ.       

[footer]

Trịnh Công Sơn – Nối Vòng Tay Lớn

Những ngày cuối tháng ba và đầu tháng tư, [dongnhacxua.com] bỗng nhớ về một người nhạc sỹ tài hoa mà những sáng tác của ông đã gắn liền với nhiều thăng trầm của đất nước trong hai thập niên 1960-1970 của thế kỷ trước. Chúng tôi xin mượn một bài tạp văn của nhà thơ Vĩnh Hảo để đưa người yêu nhạc đến một góc nhìn nhân văn hơn về bản nhạc gây nhiều tranh cãi “Nối vòng tay lớn” mà khi ấy chàng trai trẻ Trịnh Công Sơn đã cất tiếng hát đúng ngày 30/04/1975.

TRỊNH CÔNG SƠN – NỐI VÒNG TAY LỚN
(Nguồn: tạp ghi của nhà thơ Vĩnh Hảo đăng trên vinhhao.info)

Trịnh Công Sơn. Ảnh: vinhhao.info
Trịnh Công Sơn. Ảnh: vinhhao.info

(Khuya 28/4/2002, vài cảm nghĩ trước ngày 30/4)

Khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, người Việt khắp nơi xôn xao, từ trong nước đến hải ngoại. Bao nhiêu nhật báo, tuần báo, nguyệt san, tạp chí, tuyển tập đều đua nhau viết về ông, tiếc thương một nghệ sĩ tài danh, dành cho ông niềm ưu ái vô cùng đặc biệt. Nhưng cũng có một số người chống đối, chỉ trích ông, kết án ông, vì ông đã lên Ðài Phát thanh Sài-gòn, hát bản “Nối Vòng Tay Lớn” lúc quân đội cộng sản tiến vào Sài-gòn, miền Nam Việt-nam, ngày 30/4/1975.

Riêng tôi, nghe tin ông mất, đã buồn nhiều ngày. Tôi muốn viết một đoản văn hay một bài thơ nào đó về ông mà không viết được. Tôi sợ là không nói được hết những gì tôi cảm về ông. Rừng thơ-nhạc của ông mênh mông quá, nói ít thì không hết ý, nói nhiều thì lệch lạc thừa thãi. Vì vậy mà im lặng, rồi nghe, rồi đọc những người khác viết về Trịnh Công Sơn thay cho mình. Người ta viết về ông hay quá, cũng bởi cuộc đời và những đóng góp nghệ thuật của ông quá hay, nên không thể không viết hay được.

Ðối với tôi, bất cứ bản nhạc nào, lời ca nào, bài thơ nào, của Trịnh Công Sơn, đều có thể cho tôi hứng cảm để đọc, ngâm nga, ôm đàn ca, hát ư ử một mình, hoặc viết. Thơ nhạc của ông là niềm gợi cảm cho những cuộc tình thơ mộng, tha thiết; cho những cuộc sống đẹp đẽ, thi vị, thánh thiện. Lời thơ của ông không bình dân, xuề xòa đâu, vậy mà những ca khúc của ông đã bao trùm cả đất nước, gần gũi với bao thế hệ, không phân biệt Nam-Bắc, ý thức hệ, đảng phái. Không ai nghe và hát nhạc ông mà không yêu ông được. Chỉ bấy nhiêu thôi, đời ông đã quá đủ để đứng trên đài vinh quang tột đỉnh. Nhưng vinh quang, đối với một thiên tài như thế, thực ra cũng chẳng là gì cả. Nó chỉ là thứ trang sức hào nhoáng không làm tăng thêm giá trị nội tại của ông. Năm 1992, ông viết: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá… Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường…” (Trịnh Công Sơn, Những Bài Ca Không Năm Tháng, nxb Âm Nhạc, 1995, trang 271).

Niềm tuyệt vọng của ông là gì? Người ta nghĩ một người thành công, nổi tiếng, được mọi người mến mộ thương yêu như ông… thì tuyệt vọng nỗi gì! Nghĩ vậy thì không hiểu ông chút nào. Ông không đơn giản như một người gắng sức tiến từ đáy vực lên đến đỉnh cao rồi bắt đầu hưởng thụ. Cuộc đời ông là một chuỗi tranh đấu không ngừng. Khi cuộc chiến giữa anh em hai miền chấm dứt, kẻ chiến thắng hưởng thụ bã vinh hoa, người chiến bại lao khổ trong trại tù; súng đạn im hơi, môi miệng khua múa… bao nhiêu năm mà chẳng mang lại hạnh phúc gì cho đại khối dân tộc, thì người nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại sự thù hận, hèn kém, khổ đau. Cuộc đấu tranh ấy công khai trên mặt văn nghệ đại chúng, nhưng lại âm thầm ở ước vọng bên trong.

Do ước vọng không nguôi về một cuộc đời tốt đẹp tươi sáng hơn, mà ước vọng này lại có vẻ như chẳng bao giờ thành, Trịnh Công Sơn trở thành “tên tuyệt vọng” (chữ của Trịnh Công Sơn tự ví mình). Hơn 25 năm, chỉ có những tập đoàn thiểu số, hoặc thiểu số những cá nhân, những gia đình, nhờ sự thay đổi lớn của thời cuộc mà trở nên vinh quang, trên trường chính trị hay kinh tế, trên đường tiến thân hay vinh thân, trong nước và hải ngoại. Và cuộc đời vẫn như thế. Khổ đau. Nghèo đói. Băng hoại. Chờ đợi mỏi mòn. Tranh đấu mỏi mòn. Mà chẳng thấy thay đổi gì. Vì vậy mà tuyệt vọng. Chứ có phải đâu đã vinh quang rồi thì chấm hết. Trịnh Công Sơn tự gánh lấy sứ mệnh làm đẹp cuộc đời của anh từ lâu rồi. Cũng bài viết cuối tập nhạc ấy, anh viết: “Chúng ta đã đấu tranh. Ðang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi nguồn từ khước tước hiệu đó.”

Nhưng tuyệt vọng như Trịnh Công Sơn không có nghĩa là buông xuôi. Ngược lại, tuyệt vọng đối với cuộc đời có nghĩa là anh tin cuộc đời vốn không thể khác đi. Cuộc đời sẽ trôi theo cái vận mệnh của nó. Có những điều bất toàn, không như ý. Có những điều mong muốn nhưng không bao giờ thành tựu. Tin chắc vào sự thể như thế, anh học được lòng bao dung, tha thứ. Và nhờ vậy, anh có thể tiếp tục yêu thương cuộc đời như anh đã từng.

“Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác. Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng.” (Trịnh Công Sơn, sách đã dẫn, trang 272)

Với một tâm hồn cao đẹp như thế, thực sự là chẳng cần một vòng hoa vinh quang nào. Anh không cần đứng trên chóp đỉnh cuộc đời, mà anh nằm trong lòng cuộc đời. 

Bao nhiêu chữ nghĩa, ngôn từ cũng không đủ cho tôi viết lời ca tụng xứng đáng dành cho anh. Chỉ xin, nhân ngày 30/4 sắp tới, nói một chút cảm nghĩ của mình về chuyện Trịnh Công Sơn lên Ðài Phát thanh Sài-gòn, ca bài Nối Vòng Tay Lớn.

Hãy nhớ lại bối cảnh Sài-gòn lúc ấy. Hỗn loạn. Cướp bóc. Mất niềm tin. Mất hướng đi. Căng thẳng. Sợ hãi. Tuyệt vọng. Buồn bã. Kéo dài trong nhiều ngày. Nhiều người có phương tiện, may mắn, đã tuôn chạy trước. Nhiều người phải di tản mấy lần, từ Huế vào Ðà Nẵng, từ Ðà Nẵng vào Nha Trang, từ Nha Trang vào Sài-gòn, để rồi cuối cùng, miền Nam cũng mất. Ai làm mất? Chính quyền? Quân đội? hay là dân? hay là vì mấy anh nghệ sĩ? Ðừng đổ lỗi cho riêng ai cả. Tất cả chúng ta, những người đã trưởng thành vào giai đoạn đó, đều có trách nhiệm đối với nỗi tang thương đau khổ của đất nước. Cho dù Trịnh Công Sơn không hát bài Nối Vòng Tay Lớn năm 1975 và không sáng tác bài đó vào cuối thập niên 1960, thì tình thế cũng chẳng thay đổi gì cả. Cả một bộ máy chính quyền từ trung đến cao cấp, cho đến hàng tướng lãnh, sĩ quan quân đội của mọi binh chủng… tan hàng chạy hết, bỏ lại nhân dân và những người nghệ sĩ tay không tấc sắt tự vệ như chúng tôi để đối phó với xe tăng và súng đạn. Chúng tôi sẽ làm gì? Một nửa trong số chúng tôi (người dân) không biết cộng sản là gì; một nửa khác thì biết, nhưng biết thì sao chứ? Làm được gì? Chỉ đứng sững ra mà nhìn, mà nghe thôi. Trong cái thời điểm mà chúng tôi hoang mang chẳng biết phải phản ứng thế nào trước một biến cố bất ngờ và kinh hoàng ấy, Trịnh Công Sơn đã cất lên tiếng hát của ông. Nối Vòng Tay Lớn. Lời ca ấy, vừa trấn an chúng tôi, những người bên phía thua trận, vừa nhắc nhở những người chiến thắng, rằng chúng ta là anh em cả, đừng sợ hãi nhau, đừng làm tổn hại nhau, mà hãy yêu thương nhau, nắm chặt tay nhau, nối vòng tay lớn của anh em hai miền. Dù miền Nam thắng hay miền Bắc thắng, Trịnh Công Sơn cũng sẽ lên Ðài phát thanh Sài-gòn hoặc Hà-nội để ca bài ca ấy. Tôi tin như vậy.

Cho dù bạn nói rằng Trịnh Công Sơn đã hát để đón rước chào mừng cách mạng hay Trịnh Công Sơn đã lầm về bản chất của những người bên kia chiến tuyến, vân vân và vân vân, tôi vẫn cứ tin rằng, Trịnh Công Sơn đã làm đúng thiên chức của một người nghệ sĩ đứng trên mọi phe phía. Vào cái thời điểm căng thẳng, ngột ngạt mà có lẽ chính bản thân bạn và chúng tôi cũng thế, run rẩy, dè dặt, rút vào bóng tối, thì Trịnh Công Sơn một mình, một cây đàn, đứng lên giữa bao họng súng ngờm ngờm tiến vào thủ đô miền Nam, cất tiếng hát chân thành tha thiết, nói lên ước vọng chung của người dân hai miền. Nên nhớ rằng lúc ấy người thắng trận chưa thành lập được chính phủ lâm thời, và Trịnh Công Sơn vốn bị chính quyền miền Bắc lên án là ủy mị chứ không phải là anh đã được công nhận đâu. Vậy mà anh đã dám lên Ðài Phát thanh hát. Không phải là lời hát chào mừng mà là lời kêu gọi của bao dung, tha thứ, yêu thương. Lời anh ca làm yên lòng người dân chúng tôi và làm chùng đi những tay súng. Bài ca của anh, không phải chỉ đẹp và ý nghĩa ở thời điểm ấy, mà còn đẹp suốt chiều dài ước vọng của người dân Việt-nam.

“Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối laị một vòng Việt-nam.

    Cờ nối gió đêm vui nối ngày
    Giòng máu nối con tim đồng loại
    Dựng tình người trong ngày mới
    Thành phố nối thôn xa vời vợi
    Người chết nối linh thiêng vào đời
    Và nụ cười nở trên môi…”

Mặc cho những lời chỉ trích, lên án của một thiểu số hờn dỗi câu chuyện 27 năm xưa, trong mắt tôi, trong tim tôi, Trịnh Công Sơn vẫn lừng lững một mình, đi con đường của anh, như một “tên tuyệt vọng” rất tuyệt vời, đóng góp rất nhiều mà coi như không. “Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau.” (TCS, sách đã dẫn, tr. 271)

Tuyệt vọng đi-về giữa cuộc đời băng hoại mà từng lời, từng chữ của anh vẫn thể hiện nguyên vẹn lòng bao dung, tha thứ. Cho dù bạn tiếp tục nguyền rủa anh, kết án anh thế này thế kia, thì anh cũng đã tha thứ bạn từ lâu rồi. Nhưng nhiều người khác, phần đông người khác, đều cảm ơn anh, mang ơn anh, không phải chỉ riêng bài Nối Vòng Tay Lớn của 27 năm trước, mà tất cả những bài ca của anh đã để lại cho đời. Tên tuyệt vọng ấy, chẳng xoay chuyển nổi thời cuộc, chỉ hót chơi trên đầu những ngọn lau thôi, mà đã cứu lấy nhiều người, và trong một ý nghĩa nào đó, đã cứu lấy cuộc đời cằn khô, khổ lụy.

[footer]

Hạ trắng (Trịnh Công Sơn)

Trong số khoảng 400 ca khúc của Trịnh Công Sơn thì những bản có tựa ngắn gọn gồm 2 từ như “Diễm xưa”, “Tình xa”, “Cát bụi”, v.v. là những bài theo Dòng Nhạc Xưa là đặc sắc nhất trong kho tàng âm nhạc đồ sộ của nhà nhạc sỹ. Trong bài viết “Diễm của những ngày xưa“, chúng tôi đã giới thiệu đối nét để người yêu nhạc xưa hiểu thêm về tình cảm giữa Trịnh Công Sơn và cô Ngô Thị Bích Diễm. Trong bài viết này, Dòng Nhạc Xưa trân trọng gởi đến quý vị bản “Hạ trắng” bất hủ.

Hạ trắng (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Hạ trắng (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
ha-trang--1--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
ha-trang--2--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
ha-trang--3--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

GIẤC MƠ HẠ TRẮNG
(Nguồn: trinh-cong-son.com)

Ở Huế mùa hạ, ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng và nắng nóng oi bức như địa ngục. Thêm vào đó còn có gió Lào. Vừa tắm xong là người đã ướt đẫm mồ hôi. Bao nhiêu nhiên liệu tích lũy tích lũy trong cơ thể đều tan ra thành nước. Những đồ vật và áo quần cũng có cảm giác như vừa rút trong lò lửa ra. Những mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42- 43 độ.

Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức.

Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.

Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.

Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài “Hạ Trắng”.

Trịnh Công Sơn