Những giọng ca vàng: Paolo Thanh Tuấn

Sinh năm 1946, ca sỹ Paolo (nghệ danh khác là Paolo Thanh Tuấn, Paolo Đào hay Paolo Tuấn) bước lên sân khấu từ khi tuổi đời còn khác trẻ (năm 16 tuổi) và lập tức gây tiếng vang với dòng nhạc ngoại, đặc biệt là thể loại rock. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bài phỏng vấn của anh với Thanh Niên để người yêu nhạc có thêm thông tin về một trong những rocker đầu tiên của nhạc Việt.

Gặp lại ca sĩ Việt hát rock đầu tiên tại Sài Gòn

(Nguồn: bài viết của tác giả Dạ Ly đăng trên ThanhNien.vn ngày 2018-05-25)

Dù bước qua tuổi 70 nhưng ca sĩ Paolo (tên thật Đào Thiệu Doãn, một trong 2 ca sĩ nhạc rock đầu tiên tại Sài Gòn) vẫn phong độ, hóm hỉnh. Đây là lần thứ hai anh trở về hát trên quê hương sau hơn 10 năm xa quê.

Ban nhạc The Black Caps với nhạc sĩ Paolo Đào (giữa) (1964). (Hình: Kỳ Phát cung cấp)

* Một người được xem là ca sĩ tiên phong hát rock tại Sài Gòn, ngày đó khi mới bắt đầu sự nghiệp chắc anh gặp nhiều cặp mắt “dò xét, tò mò” và cả lạ lẫm ?

– Ca sĩ Paolo: Nói tôi là ca sĩ đầu tiên hát nhạc rock tại Việt Nam cũng không hẳn thế bởi vì trước tôi vài tháng có một ca sĩ người Anh tên Jimmy Zavier cũng bắt đầu bằng nhạc rock cùng ban nhạc The Blue Jean Boys. Nhóm thường xuất hiện tại sân khấu của Rạp hát Thanh Bình. Thời điểm đó anh Elvis Phương cũng bắt đầu hát

những bài hát rock cùng lúc với tôi. Lúc đầu tôi lấy nghệ danh là Thanh Tuấn (sau này đổi thành Paolo – NV) cùng với ban nhạc The Black Caps. Khi tôi xuất hiện tại phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện thì thành công ngay. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên xuất hiện là ngày 30.6.1962 khi tôi vừa tròn 16 tuổi. Ngày ấy trên toàn thế giới phong trào nhạc rock đã bắt đầu lan rộng. Đầu tiên tại Mỹ, sau đó là Pháp với hàng loạt tên tuổi như mọi người đã biết. Tại Việt Nam, khán giả đang ao ước đón chờ dòng nhạc rock. Vậy nên sự xuất hiện của tôi đã đáp ứng được mong đợi từ khán giả, đó cũng là một điều tự nhiên. Nhạc rock còn là một bước tiến mới trên lĩnh vực ca nhạc và sự đáp ứng đòi hỏi của khán thính giả cũng hợp lý. Còn về ý kiến “dò xét” theo tôi chắc trong giới ca nhạc sĩ sân khấu không thiếu những ý nghĩ và phê bình nhiều về tôi cũng như về phong trào nhạc rock này. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ mình đang làm được một cái gì đó để đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam cũng như trào lưu âm nhạc thế giới, vậy thôi.

* Vì sao anh lại đi theo một hướng nhạc “khác người” như thế? Trang phục gắn với anh ngày đó là bộ đồ da màu đen, cổ đeo đồng đô la với sợi dây chuyền xích bạc to tướng… quá ngầu?

– Trang phục rất quan trọng với ca sĩ, cũng như diễn viên phải có trang phục đúng với nhân vật trong kịch bản. Tôi đã xuất hiện với bộ quần áo như bạn nói khi lên sân khấu và nhờ vậy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Bộ đồ tôi mặc ngày đó còn là trang phục mới lạ trên sân khấu nhạc rock thế giới, ví như ca sĩ rock Vince Taylor cũng mặc như thế. Rock thời ấy đã được chào đón một cách cuồng nhiệt. Tôi còn nhớ lúc đó mỗi chủ nhật tôi trình diễn tại rạp Quốc Thanh đã được khoảng 2.000 người chào đón một cách máu lửa. Tôi nhớ mãi trước khi bước ra sân khấu, sau khi MC giới thiệu tên tôi là khán giả la hét gần… vỡ rạp. Họ la tới khi tôi hát đến giữa bài mới ngừng vỗ tay. Khi tôi bắt đầu… lăn lộn trên sân khấu thì những tiếng la hét lại nổi lên cho đến cuối bài và chấm dứt khá lâu khi tôi bước vào cánh gà. Tuy nhiên, cũng vì trang phục của tôi “quá ngầu” nên đã gặp không ít rắc rối. Ngoài hát rock, tôi và ban nhạc còn xuất hiện trong phim Saigon by Night của đạo diễn Thái Thúc Nha được chiếu khắp cả nước.

* Như câu chuyện anh kể thì thời điểm đó hẳn cuộc sống, thu nhập của ca sĩ hát rock rất khá, đúng không thưa anh?

– Khi tôi xuất hiện năm 1962 tại phòng trà Anh Vũ thì ngay đêm đầu đã thành công vượt bậc. Kể từ đó tiếng tăm cũng như mức thu nhập của tôi đều tăng dần lên. Tôi nhớ chỉ mới xuất hiện với 2 bài hát mà tiền thù lao lúc đó là 200 đồng, trong khi giá tiền thời ấy để may một cái áo sơ mi đắt nhất chỉ 60 đồng.

* Từ một người hát rock nổi tiếng trong nước, sau năm 1975 anh sang Mỹ sinh sống rồi có lúc ở Pháp. Tại hải ngoại anh bắt đầu sự nghiệp như thế nào?

– Khi sang đến Mỹ, do cộng đồng Việt Nam khi đó chưa hình thành nên lúc đầu tôi phải làm những việc chưa bao giờ từng làm trong cuộc sống. Ví như đi rửa chén ở những tiệm ăn của người Mỹ. Điều này thật ra không có gì phải hổ thẹn vì các tài tử nổi tiếng của Mỹ trước khi thành danh cũng trải qua biết bao nhiêu nghề để sống. Sau đó tên tuổi tôi bắt đầu xuất hiện lại trên các poster phòng trà cũng như vũ trường tại Mỹ. Một điểm son cho nghề nghiệp của tôi là đã xuất hiện trong các vũ trường của Mỹ với một ban nhạc người Mỹ. Một bầu show nổi tiếng còn có dự định đưa tôi đi diễn tại Las Vegas nhưng có điều không may đã xảy ra, ông bầu mắc bệnh ung thư nên đã từ bỏ tất cả những nghệ sĩ trong tay. Có một thời gian tôi tạm… gác kiếm vì quay sang kinh doanh, 15 năm không xuất hiện trên sân khấu. Nhưng rồi một khó khăn từ gia đình xảy ra khiến tôi trở lại với nghề, tôi đã ra mắt 2 CD được đón nhận ngoài mong đợi.

* Anh đã trở lại âm nhạc sau 15 năm và từng gặp không ít khó khăn. Anh làm sao để vượt qua?

– Tôi nghĩ cuộc đời là một chuyến “du lịch”, trong chuyến chu du ấy chúng ta sẽ gặp phải những chông gai, thử thách. Đó cũng là một phần của đời sống mà ta phải chấp nhận để vượt qua. Tôi luôn nghĩ đó mới chính là cuộc đời. Dù gặp chông gai nhưng lòng yêu nghệ thuật, muốn phục vụ khán giả vẫn luôn thôi thúc tôi. Máu nghệ thuật trong tôi không những suy giảm mà còn rực cháy và sẽ cháy mãi cho đến hơi thở cuối cùng. Vậy nên tôi đã trở về quê hương để hát. Đêm nhạc Pháp vừa qua tại TP.HCM đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu nặng. Tôi sẽ trở về tiếp tục hát.

* Xem các chương trình Paolo hát gần đây, thấy anh đã chọn những bản nhạc Pháp lãng mạn, nhạc ngoại lời Việt. Phải chăng sau này anh muốn hát những giai điệu dịu êm?

– Tôi nghĩ tất cả những người Việt Nam chúng ta dù có chịu ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa Tây phương nhưng cũng đều mong muốn trở về với quê hương. Còn nhạc là điều nằm trong sự đa dạng biến hóa vô cùng tận của bản thân tôi. Tôi vẫn muốn trình bày những ca khúc theo thể loại từ rock, rhythm and blues, jazz, pop, đến nhạc Pháp…Tôi cũng không quên những nhạc phẩm bất hủ của nền tân nhạc Việt Nam.

* Anh có thể kể thêm một chút về cuộc sống của anh hiện nay tại Mỹ?

– Cuộc sống của tôi lúc này rất bình yên, thanh thản. Tôi được người bạn thân là nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng – đã gắn bó với nhau hằng mấy mươi năm đưa tôi trở về hát trên quê hương. Điều mơ ước từ bấy lâu nay của tôi vẫn là đem tiếng hát của mình để phụng sự nghệ thuật và khán giả tại quê nhà.

Paolo trong đêm nhạc mới đây tại TP.HCM. ẢNH: T.X.

* Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng còn kể vui rằng ngày xưa Paolo đẹp trai, phong độ, hát hay lại con nhà có điều kiện nên nhiều “mỹ nhân”… gục lắm. Có “tình huống” nào làm anh quá… khó xử?

-Tôi thật sự không tự hào là người đẹp trai, vì chưa ai nói với tôi như vậy (cười). Tuy nhiên tôi may mắn sinh ra trong gia đình có chút điều kiện nên được học chương trình Pháp từ nhỏ. Tôi cũng may mắn được ông trời cho một giọng hát…nghe được. Thời điểm nhạc trẻ, nhạc ngoại du nhập vào đất nước ta tôi nhận được nhiều ưu ái của khán giả, nhất là fan nữ. Không gì vui bằng được sự thương yêu ái mộ của những người đẹp từ các trường học, ví như Marie Curie (Sài Gòn). Đi đến đâu cũng được mấy em nhận diện, chụp hình lưu niệm. Tuy nhiên đôi khi cũng gặp những tình huống khó xử. Có hôm không hẹn nhưng hai, ba fan nữ đến cùng lúc và thế là… giận hờn cả thế giới… rồi căng thẳng, rồi đòi chia xa (cười). Đó là một thời tuổi trẻ trên quê hương nhiều kỷ niệm, mỗi khi nhớ lại thấy hạnh phúc thật sự.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc anh thật nhiều sức khỏe.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *