Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên (1909 – 2009)

Hầu hết các nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc Việt Nam đều có chung nhận định về thời điểm khai sinh ra nền tân nhạc: đó là cột mốc 1938 với dấu ấn là cuộc lưu diễn quảng bá tân nhạc của ca sỹ & cũng là nhạc sỹ tiên phong Nguyễn Văn Tuyên.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tuyên. Ảnh: tienphong.vn

Theo Wikipedia:

Cho tới nay hầu hết những nhà phê bình đều đã công nhận ca khúc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam là bài Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu sáng tác 1930. Trước khi sáng tác bài Cùng nhau đi Hồng binh, Đinh Nhu đã từng viết lời ca mới cho nhiều bài hát cách mạng dựa theo các điệu hát nước ngoài. Sau Cùng nhau đi Hồng binh, cũng có nhiều nhạc sĩ khác bắt đầu sáng tác ca khúc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên, Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung, Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương.

Tuy nhiên, tân nhạc chỉ thực sự hình thành vào năm 1938 được đánh dấu bởi buổi biểu diễn của Nguyễn Văn Tuyên trình bày chính tác phẩm của ông ở Hà Nội.

Nguyên Văn Tuyên sinh năm 1909 ở Huế. Ông được học nhạc Tây từ lúc nhỏ, tự học căn bản từ những sách giáo khoa về lý thuyết âm nhạc của Pháp.

Năm 1936 ông di cư vô Sài Gòn và trở thành người Việt duy nhất tham gia hội Ái Nhạc (Philharmonique) ở Sài gòn. Ông bắt đầu hát nhạc Tây và đoạt được cảm tình của báo chí và radio (truyền thanh).

Năm 1937 ông phổ bài thơ Kiếp Hoa của bạn ông Nguyễn Văn Cổn và viết thành ca khúc đầu tay cùng tên. Thống đốc Nam Kỳ (Cochinechina) khi đó Pagès nghe ông hát và mời ông du lịch tới Pháp để tiếp tục học nhạc nhưng Nguyễn Văn Tuyên từ chối vì lý do gia đình. Thay vì vậy ông lại đề nghị và được thống đốc Pagès tài trợ đi một vòng Việt Nam để quảng bá những bài nhạc mới này.

Năm 1938, Nguyên Văn Tuyên có những buổi biểu diễn và diễn thuyết ở Huế, Hải Phòng và Hà Nội. Những bài hát đầu tiên của ông khi đó là Kiếp hoa, Bông cúc vàngAnh hùng ca. Sau đó tờ Ngày Nay của Nhất Linh đã xuất bản một vài tác phẩm của Nguyễn Văn Tuyên cùng với của các nhạc sĩ khác. Nguyễn Văn Tuyên tiếp tục trình diễn ở Hải Phòng và Nam Định cho những khán giả nhiệt tình.

Những bài hát đó bắt đầu lan truyền phổ biến, các nhóm Myosotis và Tricéa cùng các nhạc sĩ khác cũng bắt đầu tung ra những ca khúc của mình. Tân nhạc Việt Nam hình thành.

Theo đánh giá của các nhà phê bình, tuy là người khai sinh ra tân nhạc, nhưng những sáng tác của Nguyễn Văn Tuyên không thực sự có giá trị nghệ thuật cao, nên với thời gian chúng đã bị quên lãng.

Ông qua đời ngày 30 tháng 4 năm 2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi.

Vĩnh biệt thi sỹ Cung Trầm Tưởng (1932 – 2022)

Theo một vài nguồn tin đáng tin cậy mà chúng tôi có được, thi sỹ Cung Trầm Tưởng, tác giả của một số bài thơ “Mùa thu Paris”, “Chưa bao giờ buồn thế”, “Bên ni bên nớ”, … mà sau này nhạc sỹ Phạm Duy đã biến thành những nhạc phẩm để lại dấu ấn khó phai mờ trong dòng nhạc phổ thơ, vừa qua đời tại Hoa Kỳ ở tuổi 90 (Nguồn: nguoi-viet.com)

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng. (Hình: Hạnh Tuyền/Người Việt)

Dòng Nhạc Xưa xin cầu mong cho linh hồn ông mau hưởng hạnh phúc miên viễn, nơi ‘không bao giờ buồn thế’!

ĐÔI NÉT VỀ CUNG TRẦM TƯỞNG

(Nguồn: Wikipedia)

Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thức Cần, sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi (1947), ông bắt đầu làm thơ, và có tập thơ đầu tay tên là Sóng đầu dòng (chưa in).

Năm 1949, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn, học tiếp trung học tại trường Chasseloup Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang Pháp du học tại Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence.

Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước làm trong ngành không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong năm này, hai bài thơ của ông là “Mùa thu Paris” và “Vô đề” (thơ trường thiên) xuất hiện trong tuyển tập “Đất đứng” của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng), và đã làm người đọc chú ý.

Năm 1958, ông đứng ra chủ trương tờ Văn nghệ mới và cộng tác thường xuyên cho các tạp chí Sáng tạo, Hiện đại, Nghệ thuật, Văn, Khởi hành…

Trong khoảng thời gian này, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một số bài thơ của ông, đó là những bài “Mùa thu Paris”, “Chưa bao giờ buồn thế” (Phạm Duy gộp lại và lấy tên là “Tiễn em”), “Bên ni bên nớ”, “Khoác kín” (Phạm Duy lấy tên “Chiều đông”), “Kiếp sau”, “Về đây”…Tổng cộng trong 13 bài thơ trong tập “Tình ca” của ông thì 6 bài Phạm Duy chọn phổ nhạc.

Năm 1962, ông sang Hoa Kỳ học về khí tượng, đậu Tiến sĩ khí tượng học tại Đại học Saint Louis. Sau đó, ông trở về Sài Gòn tiếp tục làm trong binh chủng Không quân Việt Nam Cộng hòa với cấp bực cuối cùng là Trung tá (1975). Sau năm 1975, ông phải đi học tập cải tạo 10 năm.

Năm 1993, ông sang Hoa Kỳ định cư.

Vĩnh biệt nhạc sỹ Nguyễn Thiện Tơ (1921 – 2022)

Ngày 18/08/2022, người yêu nhạc chứng kiến sự ra đi mãi mãi của một trong những cánh chim đầu đàn của nền tân nhạc: nhạc sỹ Nguyễn Thiện Tơ. Ông sinh năm 1921, tức cùng năm sinh với Phạm Duy và trẻ hơn Dương Thiệu Tước (1915 – 1995), Thẩm Oánh (1916 – 1996).

Bản nhạc nổi tiếng nhất của ông là ‘Giáo đường im bóng‘, sáng tác đầu tay viết cho mối rung động đầu đời mà sau này trở thành là người vợ thủy chung son sắt. Nhân dịp này Dòng Nhạc Xưa xin cầu mong linh hồn ông an hưởng hạnh phúc đời đời nơi miền cực lạc!

Giới thiệu một bài hát khác cũng nổi tiếng một thời của nhà nhạc sỹ: Tiếng Trúc Bên Sông.

Tiếng Trúc Bên Sông (Nguyễn Thiện Tơ). Nguồn: vnguitar.net

Xem thêm thông tin về nhạc sỹ Nguyễn Thiện Tơ trên Wikipedia.

Âm NhạcThời Covid-19: Về Quê Con Ơi (Quốc Vũ – Nguyễn Khắc An)

Những ngày đầu tháng 10/2022 đánh dấu tròn một năm Việt Nam bỏ hết giãn cách để từ Bắc chí Nam trở về cuộc sống bình thường mới hậu covid. Để nhớ về một giai đoạn đau thương với rất nhiều mất mát và cũng để nhắc nhở các thế hệ sau, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bản nhạc gây xúc động do nhạc sỹ Quốc Vũ viết đầu tháng 08/2021, lấy ý từ bài thơ ‘Cố lên con’ của tác giả Nguyễn Khắc An: Về Quê Con Ơi!

Thương Lắm Miền Trung Ơi (Hoài Duy)

Mỗi năm Việt Nam phải chống chọi hơn 10 cơn bão và đáng nói là hầu hết những cơn thịnh nộ của thiên nhiên đều đổ về dải đất Miền Trung. Bão qua đi thì lũ lại đến. Nhà cửa, tài sản, gia cầm, gia súc,… và nhất là tính mạng con người ít nhiều đều bị ảnh hưởng và có nhiều mất mát rất thương tâm.

Bão vừa qua, người dân miền Trung lại tất tả chạy lũ - 4
Tuyến ĐT615 ngập sâu. Ảnh: THANH NHẬT. Ảnh: 24h.com.vn
Người dân xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An giúp chủ trại làm thịt gà chết vì mưa lũ – Ảnh: VIỆT PHONG. Nguồn: TuoiTre.vn

Nghệ An: Mưa lũ khiến thêm 4 người chết, mất tích, trắng đêm khắc phục vỡ đê - Ảnh 2.
Mưa lớn khiến nhiều địa bàn ở Nghệ An ngập sâu. Nguồn: SucKhoeDoiSong.vn

Dòng Nhạc Xưa hy vọng bà con mình sớm vượt qua tai ương và cầu mong đồng bào khắp nơi chung sức giúp cho khúc ruột Miền Trung thân yêu qua cơn ‘đau yếu’.

Xin gởi đến người yêu nhạc một sáng tác của nhạc sỹ Hoài Duy, do chính anh trình bày: Thương Lắm Miền Trung Ơi (Hoài Duy).

Còn tuổi nào cho em (Trịnh Công Sơn)

Vài tuần nay, cộng đồng mạng bàn tán nhiều về lời của câu mở đầu trong tuyệt phẩm ‘Còn tuổi nào cho em’ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Gần như tất cả chúng ta đều quá quen thuộc với ca từ: ‘Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay …’.

Tuy nhiên theo một tài liệu được công bố, là bản nhạc chép tay mà nhà nhạc sỹ đã gởi cho cô Ngô Vũ Dao Ánh vào năm 1962 thì câu này là: ‘Tuổi nào mang bướm hồng ép vào tay …’. 

Một vài người yêu nhạc đặt câu hỏi và theo tìm hiểu của chúng tôi thì cả hai đều đúng. Rất có thể trong phiên bản đầu tiên cho Dao Ánh, vốn khá là riêng tư giữa hai người, Trịnh Công Sơn đã đưa vào một hình ảnh thi vị ‘ép bướm hồng’; nhưng trong lần xuất bản vài năm sau đó, chính ông đã hiệu chỉnh lại một chút và chuyển thành ‘nhìn lá vàng úa’ để mang tính đại chúng hơn.

Theo thiển ý của Dòng Nhạc Xưa, cái nào cũng có cái hay của nó, việc cảm nhận là tùy mỗi người mà thôi!

Kỳ 1: Còn tuổi nào cho Dao – Ánh – sương – mù

(Nguồn: https://www.tcs-home.org)

Những ngày qua,đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ông bà Nguyễn Trung Trực – Trịnh Vĩnh Trinh, cùng nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Nguyễn Trọng Chức, nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc, đã kết hợp với NXB Trẻ (TPHCM) để biên soạn và ấn hành bộ sách kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001 – 2011) – trong đĩ có cuốn Thư tình gửi một người, công bố hàng trăm bức thư của Trịnh Công Sơn viết gửi người yêu trước đây…

đọc thêm

Bạn Tôi (Võ Thiện Thanh)

Trong những ngày này, khi cơn bão Noru 2022 đã đi qua, các tỉnh Miền Trung từ Quảng Ngãi, Quảng Nam đến Nghệ An đang phải hứng chịu tiếp nguy cơ lũ lụt. Chúng tôi lại nhớ về một ca khúc rất hay của nhạc sỹ Võ Thiện Thanh mà lúc đó, đầu những năm 2000 rất được ưa chuộng qua tiếng hát Quang Linh: bản ‘Bạn tôi’.

‘Bạn Tôi’ là nỗi niềm tâm tình của những đứa con xa nhà, đặc biệt là các bạn sinh viên phải bon chen tìm kiếm miếng ăn, tận dụng cơ hội để học tập, để vươn lên ở chốn thị thành. Trong một buổi chiều mưa, những đứa con tha phương bỗng thấy lòng chùng xuống, đau đáu hướng về những miền quê đang gồng mình chống chọi với bão lũ.

Dòng Nhạc Xưa xin gởi nhạc phẩm đã từ rất lâu này đến quý vị yêu nhạc xa gần. Mong mọi tai ương sớm qua nhanh để bà con ta lại quay về với cuộc sống hàng ngày!

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ VÕ THIỆN THANH

Nhạc sỹ Võ Thiện Thanh. Ảnh: Vietnamnet.vn

(Nguồn: Wikipedia)

Võ Thiện Thanh sinh ngày 14 tháng 12 năm 1968 tại Bình Thuận. Anh mê nhạc từ nhỏ và quyết theo nghiệp sáng tác lúc còn học phổ thông ở Hàm Tân (Bình Thuận). Cuối những năm 80, anh nộp đơn vào Nhạc viện nhưng bị từ chối vì lý do lý lịch. Anh vào Vũng Tàu học nghề chụp ảnh.

Năm 1993, anh được vào Nhạc viện.

Vì lý do tài chính, ở thời điểm 1993-1994, ngoài giờ học, Võ Thiện Thanh phải dùng đàn ở tiệm bán đàn organ của một người bạn để mày mò tự phối khí, kiểm nghiệm hiệu quả của những giai điệu mà mình viết ra. Năm 2000, hãng Kim Lợi mua và thực hiện băng đĩa những bài hát như Tiếng rao, Bạn tôi, Tình 2000… khiến sức ảnh hưởng của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh lan rộng.

Anh là việc biên tập và phối khí cho đĩa Xích lô vào năm 2001-một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của anh do album này được xem là hiện tượng khoảng thời gian đó. Nhiều ý kiến đề cập đến sự lạ lùng của Xích lô bởi phần hòa âm phối khí rất cá tính, thể hiện tư duy và sự phóng khoáng.

Năm 2006, anh thực hiện album Thiên Đàng cho ca sĩ Thu Minh tạo ra một hiện tượng trong thị trường âm nhạc với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Chuông gió” và “Bóng mây qua thềm”. Võ Thiện Thanh được nhận ba danh hiệu Ca khúc của năm (liveshow Bài hát Việt), Nhạc sĩ của năm (Giải thưởng âm nhạc cống hiến) và Nhạc sĩ xuất sắc (giải Mai vàng).

Võ Thiện Thanh tâm niệm rằng: “Cái mới của nghệ thuật phải có tính đại chúng, nghệ thuật đó mới được lưu hành rộng rãi”…

Thương quá quê hương ơi (Ngọc Sơn)

Ngay lúc này đồng bào các tỉnh duyên hải Trung Bộ đang oằn mình chống chọi cơn bão Noru 2022 với sức gió khủng khiếp. Người Việt khắp nơi đang hướng về khúc ruột Miền Trung và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho quê hương chịu nhiều đau khổ.

-3545-1664327198.jpg
Ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, nhiều ngôi nhà lợp tôn bị gió bão lột trơ vỉ kèo; nhà lợp mái ngói bị thổi bay ngói. Ảnh: https://vnexpress.net/bao-noru-do-bo-4516535.html

Trong tâm tình đó, Dòng Nhạc Xưa xin gởi đến người yêu nhạc một tâm khúc của nhạc sỹ Ngọc Sơn với tựa đề: Thương Quá Quê Hương Ơi.

Xin được nói thêm sáng tác này là của nhạc sỹ Ngọc Sơn sinh năm 1934, nổi tiếng trước năm 1975 với các sáng tác như “100 phần 100”, “Đêm buồn phố thị” chứ không phải ca nhạc sỹ Ngọc Sơn của “Tình cha”, “Lòng Mẹ 2”.

Vĩnh biệt ông Tô Văn Lai (1937 – 2022)

Ông Tô Văn Lai, người sáng lập hãng đĩa Thúy Nga năm 1972 ở Sài Gòn mà sau này phát triển thành Trung tâm Thúy Nga tại hải ngoại, đã chính thức từ giã hàng triệu khán thính giả yêu âm nhạc khắp nơi để về với Nước Chúa.

Giáo sư Việt văn, nhà sáng lập Trung tâm Thúy Nga. Ảnh: wikipedia.

Dòng Nhạc Xưa xin cầu chúc linh hồn Phero mau về hưởng niềm vui vĩnh cửu bên Thánh Nhan Chúa.

Vĩnh biệt nhạc sỹ Hồng Đăng (1936 – 2022)

Nhạc sĩ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng. Ông sinh ngày 1/1/1936 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và đã mãi mãi từ giã người yêu nhạc ngày 21/3/2022.

Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. Nguồn: Thể Thao & Văn Hóa.

Có thể nói không ngoa ông là một cây đại thụ của tân nhạc Việt Nam, tiêu biểu cho một thế hệ nhạc sĩ trưởng thành và góp phần hình thành nền âm nhạc của dải đất hình chữ S ở phía bắc vỹ tuyến 17.

Để tưởng nhớ một nhà nhạc sỹ lão thành, Dòng Nhạc Xưa xin quý vị yêu nhạc nghe lại những bản tình ca bất hủ của Hồng Đăng và cầu mong linh hồn ông an lạc ở một miền cực lạc.

‘Hoa sữa’ – bản tình ca nổi tiếng về Hà Nội của nhạc sỹ Hồng Đăng.
‘Ký ức đêm’ – sáng tác đầy khắc khoải của nhạc sỹ Hồng Đăng.
‘Biển hát chiều nay’ – một giai điệu đẹp và dạt dào niềm khát khao đại dương.