Giáo Đường Im Bóng (Nguyễn Thiện Tơ – Phi Tâm Yến)

Với nhiều thế hệ yêu nhạc xưa, bản “Giáo đường im bóng” của Nguyễn Thiện Tơ có thể được xem như là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho dòng nhạc về Giáng Sinh của tân nhạc Việt Nam. Xung quanh nhạc phẩm bất hủ này, có nhiều chi tiết thú vị. Nhân dịp Noel về, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu đến quý vị bản “Giáo đường im bóng” nổi tiếng này.

“SỰ TÍCH” GIỮA MÙA NOEL (Nguồn: tác giả Mai Hoàng đăng trên An Ninh Thủ Đô ngày 23/12/2013)

 ANTĐ – Lâu nay, các nhà thơ, công bố thơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi các nhạc sĩ đọc, nếu rung động, đồng cảm sẽ phổ nhạc. Nhanh thì một đêm là xong, lâu thì cũng trong vòng một tháng. Vậy mà, từng có chuyện “ngược đời” xảy ra cách đây đã… 73 năm. Tác giả nhạc viết giai điệu trước, sau đó “người thơ” mới viết phần lời. Đó là ca khúc “Giáo đường im bóng”, nhạc: Nguyễn Thiện Tơ; lời: Phi Tâm Yến.

Bản nhạc “Giáo đường im bóng” được xuất bản năm 1951. Ảnh: AnNinhThuDo.vn
Bản nhạc “Giáo đường im bóng” được xuất bản năm 1951. Ảnh: AnNinhThuDo.vn

“Lá êm êm rơi trên gương hồ/ Hình như mối tơ duyên xa mờ/ Sóng rung rinh hồ xưa đây/ Hồn tôi nhớ nàng mê say/ Ngày xa ấy u trầm quá/ Và sóng mắt huyền còn biết tìm đâu… /… Nơi giáo đường im bóng, tôi thầm mong ngóng/ Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ”.

Nghe ca khúc này nhiều lần, qua nhiều giọng hát ở các thế hệ khác nhau, từ Khánh Ly, Tuấn Vũ, Sỹ Phú cho tới Thu Minh, Ngọc Anh – dù rất mong một lần được gặp gỡ và trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ – người viết ra những giai điệu ấy, nhưng tôi không nghĩ mình còn cơ hội gặp ông. Nghĩ vậy, bởi tôi biết ông sinh năm 1921, giờ cũng đã bước qua cái ngưỡng “cửu thập”. Cái tuổi này, dễ khiến bất cứ ai đều có thể trở thành những người của cõi nhớ thương. Hoặc nếu còn sống thì biết đâu người ta đã lẫn lộn nhiều thứ, và bệnh tật tuổi già cũng đã khiến cho mọi trí tuệ có thể trở nên không còn minh mẫn nữa. Vì thế tôi cứ cầm chắc cơ may đã không còn đến với mình.

Bẵng đi, cho đến năm ngoái tôi được một người bạn trong giới nhạc sĩ “bật mí” nhạc sĩ của Giáo đường im bóng vẫn còn sống, hiện ở phố Mai Hắc Đế và vẫn minh mẫn để trò chuyện, khỏi nói tôi đã mừng thế nào. Tôi không thể chần chừ hơn, vội tìm gặp ông.

Phố phường Hà Nội những ngày giữa tháng 12 nhộn nhịp đến ồn ã cái không khí Giáng sinh. Và khi bước vào căn nhà nhỏ của ông trên phố Mai Hắc Đế, cứ như là bắt gặp một Hà Nội cũ, của một thời tưởng như đã quá xa rồi.

Nguyễn Thiện Tơ và vợ khi trẻ. Ảnh: AnNinhThuDo.vn
Nguyễn Thiện Tơ và vợ khi trẻ. Ảnh: AnNinhThuDo.vn

Thấy chúng tôi đến, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ ngồi dậy. Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn còn giữ được nét đẹp của một người Hà Nội xưa, dù khuôn mặt và đặc biệt là đôi mắt tỏ rõ sự thiếu ngủ. Người ta không có thời gian để ngủ, còn ông, thừa thời gian nhưng lại không ngủ được. Sắp tới Giáng sinh rồi, biết thế nào tôi đến cũng lại hỏi về ca khúc Giáo đường im bóng, ông cười hóm hỉnh, bảo lâu quá rồi. Cái thời của ông, ngày lễ Noel nó sâu lắng và lịch lãm lắm chứ không lòe loẹt và ồn ã như bây giờ.

Rồi ông kể: “Từ năm khoảng 10 tuổi, tôi đã mê âm nhạc. Đến năm 12 tuổi, nghe tin thầy giáo Trần Đình Khuê mở lớp guitare Hawai thế là tôi xin bố cho đi học. Học với thầy Khuê, thì thoảng tôi lại được đi biểu diễn cùng thầy. Vài năm sau tôi học thêm Tây ban cầm do một người Pháp dạy. Khi sử dụng thành thạo hai loại nhạc cụ này, tôi đi biểu diễn ở mấy phòng trà, thi thoảng lại tham gia các chương trình biểu diễn từ thiện. Trong một lần về Nam Định biểu diễn từ thiện như thế, tôi bắt gặp một cô gái Thành Nam. Lúc ấy tôi còn là học sinh trường Thăng Long ở Hà Nội. Cô ấy cũng chơi đàn và hát trong buổi biểu diễn từ thiện này. Ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy, tôi đã cảm thấy mình yêu người con gái này. Sau đó, chúng tôi có gặp lại đôi ba lần. Nhưng rồi có trắc trở. Tôi buồn quá vì nghĩ như thế là mình không cưới được cô gái ấy. Vì thế mà tôi viết bài hát này”.

Thì ra là vậy.

Nhưng tôi vẫn còn tò mò nên gặng hỏi nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, rằng, thưa ông, trên bài hát có ghi: “Nhạc Nguyễn Thiện Tơ; Lời: Phi Tâm Yến”. Vậy Phi Tâm Yến là ai, là bút danh của ông, hay là…? Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cười: “Đây là bài hát đầu tay của tôi, khi đó tôi mới 17 tuổi.  Ca khúc này được tôi hoàn thành nhạc trước, sau đó người bạn phổ thơ vào. Phi Tâm Yến là người bạn thân, chúng tôi chơi với nhau từ khi lên 10 tuổi. Cậu ấy tên thật là Trần Văn Phụng. Sau này tôi cũng có viết nhạc, bạn viết lời thơ trong vài ca khúc khác, nhưng giờ thất lạc hết rồi”.

Thêm một chi tiết bất ngờ. Hóa ra là vậy.

Ca khúc Giáo đường im bóng đã đồng hành với nhiều thế hệ người nghe, và chất chứa trong nó không chỉ một câu chuyện tình tuyệt đẹp, mà còn cả một “sự tích” nhạc viết trước lời viết sau mà ít người biết tới. Lời ca thì thoáng buồn, xen chút tuyệt vọng về một mối tình đầu, nên khi hoàn thành, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cũng không đề tặng cô gái Thành Nam Vũ Hà Tiên, cũng không hát cho “nàng” nghe. Chỉ âm thầm giữ kín cho riêng mình.

Nguyễn Thiện Tơ và vợ hiện nay. Ảnh: AnNinhThuDo.vn
Nguyễn Thiện Tơ và vợ hiện nay. Ảnh: AnNinhThuDo.vn

Nhưng rồi vượt qua những định kiến, họ đã trở thành vợ chồng suốt từ năm 1944 đến nay. Bây giờ, cô gái đẹp đất Thành Nam xưa đã trở thành bà lão 90 tuổi, sống hồn hậu bên con cháu. Mỗi năm, cứ mùa Giáng sinh về, đôi vợ chồng già lại có dịp ôn lại câu chuyện tình thuở đôi tám của mình. Còn người yêu nhạc hôm nay lại có dịp nghe lại những giai điệu êm dịu: Trong giáo đường đêm Noel ấy…

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ sinh năm 1921, tại Hà Nội, xuất thân trong một gia đình công nhân (xưởng in Viễn Đông) tại căn nhà số 22 phố Charron, nay là phố Mai Hắc Đế, Hà Nội. Sau ngày quân đội Việt Minh tiếp quản Hà Nội, Nguyễn Thiện Tơ về Đài Tiếng nói Việt Nam, thổi sáo trong dàn nhạc của đài. Đến năm1959, ông chuyển sang dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch. Năm 1965, ông chuyển về hãng Phim truyện Việt Nam. Một số tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ: Chiều quê, Chiều tà, Cung đàn xuân xưa, Đêm trăng xưa, Khúc nhạc canh tàn, Nắng xuân, Nhắn gió chiều, Nhớ quê… Và một số tác phẩm nhạc của Nguyễn Thiện Tơ, lời của Hoàng Giác, Văn Khôi, Phi Tâm Yến như: Qua bến năm xưa, Tiếng hát biên thuỳ, Trên đường về, Giấc mơ xưa, Ngày vui đã qua…

Một bình luận về “Giáo Đường Im Bóng (Nguyễn Thiện Tơ – Phi Tâm Yến)”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *