Tâm sự Mộng Cầm

Ngay sau khi đăng bài viết về chuyện tình Mộng Cầm & Hàn Mặc Tử, [dongnhacxua.com] nhận được nhiều phản hồi của quý vị yêu nhạc xưa nói về một bản nhạc khác của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh có tựa “Tâm sự Mộng Cầm”. Theo thông tin này, chúng tôi đã tìm ra bản nhạc tưởng chừng đã thất lạc từ rất lâu. Cảm ơn quý ân nhân đã cung cấp thông tin và giới thiệu với bạn yêu nhạc xa gần.

Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

tam-su-mong-cam--1--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com tam-su-mong-cam--2--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

GIẢI MÃ “BÍ ẨN” CUỘC TÌNH HÀN MẶC TỬ & MỘNG CẦM
(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Văn sâm đăng trên nguoiduatin.vn ngày 27.12.2012)

Trong một lần may mắn được gặp nữ sĩ Mộng Cầm, tác giả bài báo đã được nghe bộc bạch những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm.

Ảnh nữ sỹ Mộng Cầm chụp năm 1990.
Ảnh nữ sỹ Mộng Cầm chụp năm 1990. Ảnh: nguoiduatin.vn

Từng ngâm nga thơ Hàn Mặc Tử, từng nghe chuyện tình của Hàn thi sĩ với Mộng Cầm, rồi từng nghe đi nghe lại ca khúc “Hàn Mặc Tử”của Trần Thiện Thanh, bất ngờ vào mùa hè năm 1997, tôi lại có dịp ngồi cạnh “người đẹp của thi nhân”, nơi một quán cà phê sân vườn, mang tên Mộng Cầm. Quán là một căn nhà lợp tranh, cạnh đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu Nam Sài Gòn, xung quanh có nhiều ao bèo thả cá để khách có thể vừa câu cá vừa nhâm nhi cà phê. Chủ quán là đôi vợ chồng bác sỹ Mộng Đào và Phạm Thiên Bê, con gái và con rể của bà Mộng Cầm.

Đây thôn Vĩ Dạ, một vết cứa đâm tim

Người ta chỉ mới được biết về mối tình lãng mạn của Mộng Cầm – Hàn Mặc Tử qua sách báo. Nhưng bên cạnh mối tình đẹp như mơ ấy, còn có một đời thường với rất nhiều bí ẩn. Mộng Cầm- Huỳnh Thị Nghệ, người thiếu nữ trong mộng ngày xưa ấy của Hàn Mặc Tử, trước mặt tôi bây giờ là một cụ bà ở tuổi tám mươi. Tuy vậy, trên gương mặt bà vẫn còn phảng phất nét kiêu sa. Thốt nhiên bà mở lời: “Vào tuổi này rồi chẳng còn gì để giấu”. Rồi bà kể như từng phân đoạn hồi tưởng, qua hơi thở có khi hụt hẫng, đứt quãng, dường như là những lời sám hối, tiếc thương.

Quê Mộng Cầm ở Phan Thiết, gần lầu Ông Hoàng nhưng thân sinh bà lại ra làm việc tận Nghệ An. Và ngày 17/7/1917, bà được sinh ra ở đó nên mới có tên “cúng cơm” là Huỳnh Thị Nghệ. Thì ra, tên Nghệ là do sinh ở Nghệ An. Sau đó bà được gửi về trọ ở nhà ông cậu ở Phan Thiết học trường Pline Exercices. Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có “máu thơ văn”. Tên Mộng Cầm xuất hiện từ khi bà làm thơ gửi đăng báo. Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mặc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu “Nghệ hỡi Nghệ”…Bài thơ ấy, bà Mộng Cầm vẫn thuộc nằm lòng từ đó đến nay. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà.

Bà nhìn ra bầu trời tím hoàng hôn ngoại ô Sài Gòn hồi tưởng… Một mùa hè, năm xưa, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Hàn hỏi ở đâu có cảnh đẹp thì đưa anh đi thăm cho biết. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên lầu Ông Hoàng. Đó là một ngọn đồi thấp, nhưng lên đó vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn hiệu hay đèn ghe chài như những viên kim cương khổng lồ. Nào ngờ, đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Hàn Mặc Tử ra Huế, sau đó vào Quy Nhơn, điều trị bệnh phong ở bệnh viện phong Quy Hòa, và mất ở đó .

Tại sao Hàn Mặc Tử lại ra Huế? Bây giờ thì Mộng Cầm nói hết những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm. Đó là Hàn Mặc Tử có mối tình đầu với một cô gái Huế tên là Hoàng Cúc. Thân sinh của Hoàng Cúc làm quan chức trong Sở Đạc điền ở Quy Nhơn. Sau khi biết Hàn Mặc Tử theo đuổi con gái mình, do không thích văn nhân, thi sĩ nên ông đã tìm cách đưa Hoàng Cúc về Huế. Thế là Hàn Mặc Tử ra Huế tìm và sau đó có bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ này tuyệt hay nhưng Mộng Cầm lại ghét cay, ghét đắng…

Bà trải các câu thơ ra và dằn từng tiếng, khác với các nghệ sĩ ngâm thơ ngọt ngào. Và dằn cho đến câu cuối.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ.

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.

Lá trúc che ngang mặt chữ điền…”

Không biết lần này ra Huế, Hàn có tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu như lần trước, hồi cuối năm 1931, khi còn là Phong Trần hay không? Bấy giờ thi sĩ mới 19 tuổi, tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, giữa vòng vây của mật thám Pháp. Do trước đó, từ năm 1930-1931, Hàn đã nổi tiếng với bút hiệu Phong Trần là nhờ lời giới thiệu của cụ Phan. Lúc bấy giờ cụ Phan bị Pháp bắt an trí ở Huế. Cụ lập Mộng Du thi xã với mục đích quy tụ những nhà thơ yêu nước, Hàn Mặc Tử gửi đến thi xã 3 bài thơ yêu nước là Thức khuya, Chùa Hoang và Gái ở chùa (sau in lại trong “Lệ Thanh thi tập”). Mở đầu bài “Thức khuya” có câu: “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng/Thức chỉ mình ta dạ chẳng an…” và được cụ Phan rất tán thưởng “…Từ ngày về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm, song chưa gặp được bài nào hay đến thế…Ước ao có ngày gặp gỡ”. Cụ đã họa lại và cho đăng báo. Bài họa bài “Thức khuya” mở đầu: “Chợ lợi trường danh tí chẳng màng/Sao ăn không đặng ngủ không an…”

Ngoài Hoàng Cúc và Mộng Cầm ra, Hàn Mặc Tử còn có hai người tình nữa là Mai Đình nữ sĩ và Ngọc Sương, chị gái của thi sĩ Bích Khê. Mối tình của Mai Đình nữ sĩ không sâu đậm, chỉ là “tình văn chương”, còn với Ngọc Sương thì như ngọn gió mát thoảng qua đời Hàn mà thôi (theo Quách Tấn, một người bạn thân thiết của thi sĩ).

“Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu”

Mối tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm chẳng đi đến đâu. Mộng Cầm bộc bạch: Với hai lẽ, một là bà là con nhà phong kiến, cha mẹ luôn cản trở bà lấy một người Công giáo, lại là văn nhân, thi sĩ. Nhưng quan trọng hơn là lúc ấy bà quá thương Hàn Mặc Tử. Theo bà hiểu thì người bị bệnh phong gần đàn bà sẽ rất mau chết. Vì vậy, bà cố tránh để Hàn Mặc Tử mau chóng bình phục, sau đó sẽ liệu lần với cha mẹ. Nhưng tiếc là Hàn không qua khỏi… Bây giờ người đọc thấy những vần thơ hai người viết cho nhau rất thắm thiết, nhưng thật sự cho đến lúc Hàn Mặc Tử mất, giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử không hề có chuyện gần gũi. Thời ấy, mới cầm tay nhau là đã run lắm rồi. Sau này nhớ lại những kỷ niệm với cố nhân, Mộng Cầm có bài thơ “Kỷ niệm Hàn Mặc Tử ở lầu Ông Hoàng”, một bài thơ chưa bao giờ phổ biến, được bà chép tay, nét chữ đã phai màu, trao cho tôi.:

Sương sa trong lúc hoàng hôn

Đường lên dốc đá sáng dần bể xanh

Triều dâng con nước mênh mông

Chuông chùa văng vẳng tiếng lòng xôn xao

Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?

Hồn xưa anh mất cảnh gieo sầu

Mây mù phủ kín vòng bình địa

Căm hờn tháp cũ cuộc bể dâu

Thật cảm động, như một chiều tình cờ được nghe thơ nhạc giao duyên, vì khi bà Mộng Cầm ngâm nga: “Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu” thì cô con gái, bác sỹ Mộng Đào mở lớn nhạc bài “Hàn Mặc Tử“.

Sau khi Hàn Mặc Tử mất, Mộng Cầm lập gia đình và sinh được 7 người con. Người bạn đời của bà cũng biết rõ mối quan hệ của bà với Hàn Mặc Tử nhưng vẫn tôn trọng nhà thơ quá cố. Con gái lớn của bà là Mộng Đào, là bác sĩ, đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Mười lăm năm trước, Thành phố mới Nam Sài Gòn được khai hoang trên đồng phèn, Cảnh chiều buồn vắng vẻ, khi tiễn chân tôi ra cổng, bà níu tay tôi dặn dò: “Anh coi có bạn bè nhạc sỹ, nhờ phổ bài thơ này ra bài hát dùm tôi”. Ngày 23/7/2007, bà Mộng Cầm qua đời tại số nhà số 300, Trần Hưng Đạo, Phan Thiết. Theo lời trăng trối của bà Mộng Cầm, cô con gái Hồ Mộng Đức đã mai táng bà trên lưng đồi lầu Ông Hoàng. Và lầu Ông Hoàng từ lâu đã đi vào tâm thức bao thế hệ khi nghe những bài hát về mối tình lãng mạn này, như Hàn Mặc Tử, Mộng Cầm Ca… và cả bài ca vọng cổ Tâm sự Mộng Cầm… Thế mà đến nay tôi vẫn chưa nhờ ai phổ nhạc bài thơ “Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?” của bà được.

Lê Văn Sâm

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *