Trịnh Công Sơn – Nối Vòng Tay Lớn

Những ngày cuối tháng ba và đầu tháng tư, [dongnhacxua.com] bỗng nhớ về một người nhạc sỹ tài hoa mà những sáng tác của ông đã gắn liền với nhiều thăng trầm của đất nước trong hai thập niên 1960-1970 của thế kỷ trước. Chúng tôi xin mượn một bài tạp văn của nhà thơ Vĩnh Hảo để đưa người yêu nhạc đến một góc nhìn nhân văn hơn về bản nhạc gây nhiều tranh cãi “Nối vòng tay lớn” mà khi ấy chàng trai trẻ Trịnh Công Sơn đã cất tiếng hát đúng ngày 30/04/1975.

TRỊNH CÔNG SƠN – NỐI VÒNG TAY LỚN
(Nguồn: tạp ghi của nhà thơ Vĩnh Hảo đăng trên vinhhao.info)

Trịnh Công Sơn. Ảnh: vinhhao.info
Trịnh Công Sơn. Ảnh: vinhhao.info

(Khuya 28/4/2002, vài cảm nghĩ trước ngày 30/4)

Khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, người Việt khắp nơi xôn xao, từ trong nước đến hải ngoại. Bao nhiêu nhật báo, tuần báo, nguyệt san, tạp chí, tuyển tập đều đua nhau viết về ông, tiếc thương một nghệ sĩ tài danh, dành cho ông niềm ưu ái vô cùng đặc biệt. Nhưng cũng có một số người chống đối, chỉ trích ông, kết án ông, vì ông đã lên Ðài Phát thanh Sài-gòn, hát bản “Nối Vòng Tay Lớn” lúc quân đội cộng sản tiến vào Sài-gòn, miền Nam Việt-nam, ngày 30/4/1975.

Riêng tôi, nghe tin ông mất, đã buồn nhiều ngày. Tôi muốn viết một đoản văn hay một bài thơ nào đó về ông mà không viết được. Tôi sợ là không nói được hết những gì tôi cảm về ông. Rừng thơ-nhạc của ông mênh mông quá, nói ít thì không hết ý, nói nhiều thì lệch lạc thừa thãi. Vì vậy mà im lặng, rồi nghe, rồi đọc những người khác viết về Trịnh Công Sơn thay cho mình. Người ta viết về ông hay quá, cũng bởi cuộc đời và những đóng góp nghệ thuật của ông quá hay, nên không thể không viết hay được.

Ðối với tôi, bất cứ bản nhạc nào, lời ca nào, bài thơ nào, của Trịnh Công Sơn, đều có thể cho tôi hứng cảm để đọc, ngâm nga, ôm đàn ca, hát ư ử một mình, hoặc viết. Thơ nhạc của ông là niềm gợi cảm cho những cuộc tình thơ mộng, tha thiết; cho những cuộc sống đẹp đẽ, thi vị, thánh thiện. Lời thơ của ông không bình dân, xuề xòa đâu, vậy mà những ca khúc của ông đã bao trùm cả đất nước, gần gũi với bao thế hệ, không phân biệt Nam-Bắc, ý thức hệ, đảng phái. Không ai nghe và hát nhạc ông mà không yêu ông được. Chỉ bấy nhiêu thôi, đời ông đã quá đủ để đứng trên đài vinh quang tột đỉnh. Nhưng vinh quang, đối với một thiên tài như thế, thực ra cũng chẳng là gì cả. Nó chỉ là thứ trang sức hào nhoáng không làm tăng thêm giá trị nội tại của ông. Năm 1992, ông viết: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá… Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến những đấu trường…” (Trịnh Công Sơn, Những Bài Ca Không Năm Tháng, nxb Âm Nhạc, 1995, trang 271).

Niềm tuyệt vọng của ông là gì? Người ta nghĩ một người thành công, nổi tiếng, được mọi người mến mộ thương yêu như ông… thì tuyệt vọng nỗi gì! Nghĩ vậy thì không hiểu ông chút nào. Ông không đơn giản như một người gắng sức tiến từ đáy vực lên đến đỉnh cao rồi bắt đầu hưởng thụ. Cuộc đời ông là một chuỗi tranh đấu không ngừng. Khi cuộc chiến giữa anh em hai miền chấm dứt, kẻ chiến thắng hưởng thụ bã vinh hoa, người chiến bại lao khổ trong trại tù; súng đạn im hơi, môi miệng khua múa… bao nhiêu năm mà chẳng mang lại hạnh phúc gì cho đại khối dân tộc, thì người nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại sự thù hận, hèn kém, khổ đau. Cuộc đấu tranh ấy công khai trên mặt văn nghệ đại chúng, nhưng lại âm thầm ở ước vọng bên trong.

Do ước vọng không nguôi về một cuộc đời tốt đẹp tươi sáng hơn, mà ước vọng này lại có vẻ như chẳng bao giờ thành, Trịnh Công Sơn trở thành “tên tuyệt vọng” (chữ của Trịnh Công Sơn tự ví mình). Hơn 25 năm, chỉ có những tập đoàn thiểu số, hoặc thiểu số những cá nhân, những gia đình, nhờ sự thay đổi lớn của thời cuộc mà trở nên vinh quang, trên trường chính trị hay kinh tế, trên đường tiến thân hay vinh thân, trong nước và hải ngoại. Và cuộc đời vẫn như thế. Khổ đau. Nghèo đói. Băng hoại. Chờ đợi mỏi mòn. Tranh đấu mỏi mòn. Mà chẳng thấy thay đổi gì. Vì vậy mà tuyệt vọng. Chứ có phải đâu đã vinh quang rồi thì chấm hết. Trịnh Công Sơn tự gánh lấy sứ mệnh làm đẹp cuộc đời của anh từ lâu rồi. Cũng bài viết cuối tập nhạc ấy, anh viết: “Chúng ta đã đấu tranh. Ðang đấu tranh. Và có thể còn đấu tranh lâu dài. Nhưng tranh đấu để giành lại quyền sống, để làm người, chứ không để trở thành anh hùng hay làm người vĩ đại. Cõi nguồn từ khước tước hiệu đó.”

Nhưng tuyệt vọng như Trịnh Công Sơn không có nghĩa là buông xuôi. Ngược lại, tuyệt vọng đối với cuộc đời có nghĩa là anh tin cuộc đời vốn không thể khác đi. Cuộc đời sẽ trôi theo cái vận mệnh của nó. Có những điều bất toàn, không như ý. Có những điều mong muốn nhưng không bao giờ thành tựu. Tin chắc vào sự thể như thế, anh học được lòng bao dung, tha thứ. Và nhờ vậy, anh có thể tiếp tục yêu thương cuộc đời như anh đã từng.

“Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vốn không thể khác. Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng.” (Trịnh Công Sơn, sách đã dẫn, trang 272)

Với một tâm hồn cao đẹp như thế, thực sự là chẳng cần một vòng hoa vinh quang nào. Anh không cần đứng trên chóp đỉnh cuộc đời, mà anh nằm trong lòng cuộc đời. 

Bao nhiêu chữ nghĩa, ngôn từ cũng không đủ cho tôi viết lời ca tụng xứng đáng dành cho anh. Chỉ xin, nhân ngày 30/4 sắp tới, nói một chút cảm nghĩ của mình về chuyện Trịnh Công Sơn lên Ðài Phát thanh Sài-gòn, ca bài Nối Vòng Tay Lớn.

Hãy nhớ lại bối cảnh Sài-gòn lúc ấy. Hỗn loạn. Cướp bóc. Mất niềm tin. Mất hướng đi. Căng thẳng. Sợ hãi. Tuyệt vọng. Buồn bã. Kéo dài trong nhiều ngày. Nhiều người có phương tiện, may mắn, đã tuôn chạy trước. Nhiều người phải di tản mấy lần, từ Huế vào Ðà Nẵng, từ Ðà Nẵng vào Nha Trang, từ Nha Trang vào Sài-gòn, để rồi cuối cùng, miền Nam cũng mất. Ai làm mất? Chính quyền? Quân đội? hay là dân? hay là vì mấy anh nghệ sĩ? Ðừng đổ lỗi cho riêng ai cả. Tất cả chúng ta, những người đã trưởng thành vào giai đoạn đó, đều có trách nhiệm đối với nỗi tang thương đau khổ của đất nước. Cho dù Trịnh Công Sơn không hát bài Nối Vòng Tay Lớn năm 1975 và không sáng tác bài đó vào cuối thập niên 1960, thì tình thế cũng chẳng thay đổi gì cả. Cả một bộ máy chính quyền từ trung đến cao cấp, cho đến hàng tướng lãnh, sĩ quan quân đội của mọi binh chủng… tan hàng chạy hết, bỏ lại nhân dân và những người nghệ sĩ tay không tấc sắt tự vệ như chúng tôi để đối phó với xe tăng và súng đạn. Chúng tôi sẽ làm gì? Một nửa trong số chúng tôi (người dân) không biết cộng sản là gì; một nửa khác thì biết, nhưng biết thì sao chứ? Làm được gì? Chỉ đứng sững ra mà nhìn, mà nghe thôi. Trong cái thời điểm mà chúng tôi hoang mang chẳng biết phải phản ứng thế nào trước một biến cố bất ngờ và kinh hoàng ấy, Trịnh Công Sơn đã cất lên tiếng hát của ông. Nối Vòng Tay Lớn. Lời ca ấy, vừa trấn an chúng tôi, những người bên phía thua trận, vừa nhắc nhở những người chiến thắng, rằng chúng ta là anh em cả, đừng sợ hãi nhau, đừng làm tổn hại nhau, mà hãy yêu thương nhau, nắm chặt tay nhau, nối vòng tay lớn của anh em hai miền. Dù miền Nam thắng hay miền Bắc thắng, Trịnh Công Sơn cũng sẽ lên Ðài phát thanh Sài-gòn hoặc Hà-nội để ca bài ca ấy. Tôi tin như vậy.

Cho dù bạn nói rằng Trịnh Công Sơn đã hát để đón rước chào mừng cách mạng hay Trịnh Công Sơn đã lầm về bản chất của những người bên kia chiến tuyến, vân vân và vân vân, tôi vẫn cứ tin rằng, Trịnh Công Sơn đã làm đúng thiên chức của một người nghệ sĩ đứng trên mọi phe phía. Vào cái thời điểm căng thẳng, ngột ngạt mà có lẽ chính bản thân bạn và chúng tôi cũng thế, run rẩy, dè dặt, rút vào bóng tối, thì Trịnh Công Sơn một mình, một cây đàn, đứng lên giữa bao họng súng ngờm ngờm tiến vào thủ đô miền Nam, cất tiếng hát chân thành tha thiết, nói lên ước vọng chung của người dân hai miền. Nên nhớ rằng lúc ấy người thắng trận chưa thành lập được chính phủ lâm thời, và Trịnh Công Sơn vốn bị chính quyền miền Bắc lên án là ủy mị chứ không phải là anh đã được công nhận đâu. Vậy mà anh đã dám lên Ðài Phát thanh hát. Không phải là lời hát chào mừng mà là lời kêu gọi của bao dung, tha thứ, yêu thương. Lời anh ca làm yên lòng người dân chúng tôi và làm chùng đi những tay súng. Bài ca của anh, không phải chỉ đẹp và ý nghĩa ở thời điểm ấy, mà còn đẹp suốt chiều dài ước vọng của người dân Việt-nam.

“Rừng núi dang tay nối lại biển xa
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la, anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối laị một vòng Việt-nam.

    Cờ nối gió đêm vui nối ngày
    Giòng máu nối con tim đồng loại
    Dựng tình người trong ngày mới
    Thành phố nối thôn xa vời vợi
    Người chết nối linh thiêng vào đời
    Và nụ cười nở trên môi…”

Mặc cho những lời chỉ trích, lên án của một thiểu số hờn dỗi câu chuyện 27 năm xưa, trong mắt tôi, trong tim tôi, Trịnh Công Sơn vẫn lừng lững một mình, đi con đường của anh, như một “tên tuyệt vọng” rất tuyệt vời, đóng góp rất nhiều mà coi như không. “Nhưng tôi biết rõ rằng tôi chỉ là một loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn lau.” (TCS, sách đã dẫn, tr. 271)

Tuyệt vọng đi-về giữa cuộc đời băng hoại mà từng lời, từng chữ của anh vẫn thể hiện nguyên vẹn lòng bao dung, tha thứ. Cho dù bạn tiếp tục nguyền rủa anh, kết án anh thế này thế kia, thì anh cũng đã tha thứ bạn từ lâu rồi. Nhưng nhiều người khác, phần đông người khác, đều cảm ơn anh, mang ơn anh, không phải chỉ riêng bài Nối Vòng Tay Lớn của 27 năm trước, mà tất cả những bài ca của anh đã để lại cho đời. Tên tuyệt vọng ấy, chẳng xoay chuyển nổi thời cuộc, chỉ hót chơi trên đầu những ngọn lau thôi, mà đã cứu lấy nhiều người, và trong một ý nghĩa nào đó, đã cứu lấy cuộc đời cằn khô, khổ lụy.

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *