DòngNhạcXưa cũng như rất nhiều bạn yêu nhạc bao nhiêu năm qua đã ngân nga ‘Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào …’ trong nhạc phẩm ‘Vết thương cuối cùng’. Chúng tôi cũng biết được tác giả của ca khúc này là nhạc sỹ Nguyễn Văn Để. Thế nhưng Nguyễn Văn Để là ai và ông còn những sáng tác gì không thì vẫn mãi là một câu hỏi cho đến hôm nay khi chúng tôi lang thang trên mạng và biết một thông tin thú vị: Nguyễn Văn Để là tên thật của một Nghệ Sỹ Ưu Tú, là nhà quay phim gạo cội của điện ảnh miền Nam ngày trước. Ngoài ra ông còn viết thêm khoảng hơn 10 bản khác với bút danh Diên An và Phương Kim.
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN VĂN ĐỂ – DIÊN AN – PHƯƠNG KIM (Nguồn: Wikipedia)
Nhac sỹ Diên An – Nguyễn Văn Để. Photo: ThanhNien.com.vn
Diên An (tên thật là Nguyễn Văn Để, sinh năm 1934) là một nhạc sĩnhạc vàng tại miền Nam Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 với một loạt tác phẩm chủ đề “Người tình”. Ông còn là nhà quay phim, đạo diễn sân khấu – ca nhạc, nghệ sĩ thổi sáo và nhà thơ. Sau năm 1975, ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho ông.
Nguyễn Văn Để sinh ra tại Gia Hội, Huế. Thuở nhỏ, ông học trường tiểu học Saint Pierre chung với đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ông chuyển vào Sài Gòn kể từ sau khi thi đỗ Trường Điện ảnh Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc tại Trung tâm Điện ảnh Sài Gòn. Năm 1966, ông chuyển về công tác ở Đài Truyền hình Sài Gòn với vai trò là đạo diễn truyền hình và tiếp tục gắn bó với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sau này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1996. Nguyễn Văn Để từng đóng vai trò quay phim chính trong một số tác phẩm của đạo diễn Lê Hoàng Hoa như Vết thù trên lưng ngựa hoang, Người chồng bất đắc dĩ, Con ma nhà họ Hứa, Gác chuông nhà thờ, Hiệp sĩ bất đắc dĩ,…
Khi đóng vai trò người nhạc sĩ, Nguyễn Văn Để lấy nghệ danh là Diên An và Phương Kim. Tên gọi Diên An lấy cảm hứng từ địa danh Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc do ông khâm phục hình tượng “du kích quân cách mạng Trung Quốc”. Tên gọi Phương Kim được ông dùng khi kí bài hát Hãy quên nhau và Người tình. Khi viết hai bài này, ông thử đổi sang nghệ danh khác cho nữ tính và hợp chất nhạc nhưng vì chưa nghĩ ra tên gọi nào nên đã lấy tên người phụ nữ đánh máy bài hát giùm ông để làm nghệ danh.
Bàn việc sáng tác nhạc, Diên An tự nhận mình không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp; ông tâm sự: “Lúc đó viết là do mình thích thôi, sau không có nhiều thời gian nữa, tôi bỏ ngang…”. Trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, Diên An bộc bạch gia tài âm nhạc của ông chỉ gồm 12 ca khúc sáng tác trước năm 1975. Các ca khúc của ông đều “viết cho một người thôi, toàn đau khổ sầu lụy”.
Hiện tại Diên An đang sống cùng gia đình tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.
TÂM SỰ CỦA NHẠC SỸ NGUYỄN VĂN ĐỂ VỀ ‘VẾT THƯƠNG CUỐI CÙNG’ (Nguồn: Báo Công An TPHCM)
Vết thương cuối cùng cũng là sáng tác… cuối cùng của tôi trong loạt 12 tình khúc viết trước năm 1975. Vết thương cuối cùng ra đời giai đoạn 1970 – 1971, khi đó tôi công tác ở Đài Truyền hình Sài Gòn (Đài Truyền hình TPHCM ngày nay). Tôi cũng có một vài ca khúc được nhiều người biết đến, nhưng chẳng hiểu sao ‘Vết thương cuối cùng’ lại “sống” khá lâu trong lòng nhiều thế hệ suốt gần nửa thế kỷ qua, có lẽ bởi ca từ trau chuốt, giai điệu đẹp…
Tôi sáng tác ca khúc này bằng đàn guitar thùng, điệu slow rock, ca từ dựa vào 4 câu thơ do tôi sáng tác:
Em muốn sang thuyền em cứ sang Ngại gì sóng cả nước tràng giang Áo hồng nâng nhẹ lên rồi bước Vội vã lên em kẻo lỡ làng.
Ai trong đời cũng trải qua ít nhất một cuộc tình, có mối tình lãng mạn nhưng cũng không ít người đến với nhau bằng sự dối lừa. Tôi đã mượn âm nhạc làm phương tiện giãi bày về một cuộc tình – một vết thương.
Năm 1980, tại nhà một người bạn, tôi đã nghe Elvis Phương, Vũ Khanh hát Vết thương cuối cùng qua băng cassette, cũng lưu ý về vài ca từ lâu nay thường bị hát sai:
Từ đây xa rồi đôi cánh tay ma (không phải ‘mơ’ hay ‘hoa’) Từ đây chỉ còn lại mình ta (không có từ ‘một’ trước chữ ‘mình’) Từ vào cuộc vui (hát ‘vừa vào cuộc vui’ là không đúng).
LỜI CA KHÚC ‘VẾT THƯƠNG CUỐI CÙNG’ (Nguồn: tkaraoke.com)
Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào,
Chẳng nợ gì nhau, hãy để hồn ta bay cao.
Từ vào cuộc vui đã chớm nghe lừa dối
Che dấu trên nụ môi những lời yêu đã tả tơi.
Thà một lần đi khuất xa nhau ngàn đời,
Cho lệ này ngừng rơi, tiếng cười còn vương trên môi.
Người vội vàng lên, nhan sắc chưa tàn úa,
Mai mốt sang cuộc vui, chẳng còn mong những ngọt bùi.
Từ đây xa rồi đôi cánh tay ma, Từ đây giã từ lời nói điêu ngoa, Từ đây chỉ còn lại mình ta Già thêm tuổi chia xa, tiếc cho ngày đã qua.
Đường tình vừa xa, xác thân đau rã rời,
Nhưng một lần này thôi, để rồi từ đây yên vui.
Cuộc đời buồn tênh nên lẻ loi tìm đến.
Ta cám ơn tình nhân đã dìu ta đến mộ phần.
Châu Kỳ || 11/05/2013 | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]
Theo lời kể của bà Kha Thị Đàng, vợ của nhạc sỹ Châu Kỳ thì bản ‘Giọt lệ đài trang’ được nhạc sỹ Châu Kỳ sáng tác năm 1957. Cảm hứng chính để nhà nhạc sỹ tài hoa của chúng ta làm nên một nhạc phẩm bất hủ là một cô tiểu thư ‘cành vàng lá ngọc’ có tên Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh – con của một ông quan ở Huế, ngày trước khinh miệt ông là xướng ca vô loài, không để ý tới dù ông rất yêu cô. Chiến tranh loạn lạc, người chồng Pháp của cô bỏ về nước, cô vào Sài Gòn gặp ông tại đường Nguyễn Trãi với bộ dạng đói khát. Ông còn 200 đồng trong túi đã lấy đưa cho cô và về nhà sáng tác ca khúc Giọt lệ đài trang.
Thế nhưng có một huyền thoại nữa cũng gắn với sáng tác này, đó là một cô gái con nhà danh giá tại Nha Trang đã yêu ông. Cô tên Đặng Thị Sum, sau một đêm xem ông hát đã đem lòng yêu ông, nhưng ông không hay biết. Đêm đó cô định khăn gói trốn nhà theo ông, nhưng bị cha mẹ cấm cản và nhốt trong nhà kho. Cô buồn gia đình đã lấy giấm thanh pha với á phiện uống tự tử. Mười năm sau, khi chúng tôi có dịp trở ra Nha Trang, người cha của cô Sum đã dẫn chúng tôi viếng mộ cô. Trong ca khúc Giọt lệ đài trang có câu: “Em nhớ xưa rồi em khóc, tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang”. Một ca khúc có đến hai cuộc tình, một người đã ra đi và một người sống nghèo khổ. Đối với nhà tôi tất cả đều là những kỷ niệm đau thương, khi viết thành ca khúc đó là nỗi niềm chung của những ai đang yêu hãy biết quý trọng tình yêu.
Trong nền tân nhạc Việt Nam, DòngNhạcXưa biết được 2 bản nhạc có cùng tên “Một mình”, một của nhạc sỹ Lam Phương, một của nhạc sỹ Thanh Tùng. Có một sự trùng hợp khá đau lòng là hiện tại cả hai nhà nhạc sỹ đều đang phải sống rất cô đơn trong buổi xế chiều của đời người.
MỘT MÌNH (LAM PHƯƠNG)
Nhạc sỹ Lam Phương và Khánh Ly trong một chương trình ca nhạc tại Hoa Kỳ. Ảnh: HonQue.com
Nhạc sỹ Lam Phương sau khi chia tay với người vợ đầu tiên là nữ ca sỹ, kịch sỹ Túy Hồng trên đất Mỹ (độ năm 1981), ông sang “kinh đô ánh sáng” Paris sống cùng người em gái. Tại đây ông tìm được niềm vui mới. Vài năm sau đó, hai vợ chồng ông quay trở lại Mỹ. Riêng về nhạc phẩm “Một Mình,” Lam Phương cho biết đã cảm xúc vào một buổi sáng sớm, khi thức dậy đã thấy người vợ đang ở một mình ngoài vườn cho bầy chim ăn, để rồi ông tự hỏi “Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu. Tình cờ gặp nhau. Ngỡ ngàng nhìn nhau, để rồi còn gì nữa cho nhau.”
Nhưng vào ngày 13 tháng Ba, 1999, trong khi dự tiệc ở một nhà người bạn, ông lại bị chóng mặt xây xẩm, phải nhờ người lái xe đưa về ngay trong khi miệng ông đã bị méo xệch qua một bên. Sau khi về nhà lấy giấy tờ, ông đã được chở ngay vào nhà thương Fountain Valley ở Nam Cali để chữa trị. Nhưng khi tới nơi, tay chân ông đã bị liệt. Sau khi ở bệnh viện này 10 ngày, Lam Phương đã được chuyển qua một bệnh viện chuyên môn về tai biến mạch màu não và nằm tại đây trong suốt 20 ngày. Biến cố này đã khiến Lam Phương lại trở về với nỗi bi quan tưởng như đã dứt bỏ được.
Tuy vậy, Lam Phương đã cố gắng theo một qui chế ăn uống kỹ lưỡng và nhất là siêng năng tập luyện hằng ngày đến nay tình trạng sức khỏe của ông đã khả quan rất nhiều.
Hai năm sau, năm 2001, đúng 20 năm sau ngày ông chia tay Túy Hồng và 10 năm sau khi ông tìm được niềm vui mới thì người vợ sau cũng đã bỏ ông mà đi, để cho giờ đây ông vẫn “một mình”.
MỘT MÌNH (THANH TÙNG)
Khác với Lam Phương, nhạc sỹ Thanh Tùng viết “Một mình” để tưởng nhớ người vợ đầu (và cũng là duy nhất cho đến lúc này) ra đi vĩnh viễn. Để hiểu rõ hơn về nhà nhạc sỹ và nỗi lòng với người vợ quá cố của Thanh Tùng, [dongnhacxua.com] xin mời quý vị yêu nhạc xưa đọc qua bài viết của nhà văn, nhà báo Nguyễn Đông Thức:
Ảnh: Nam.com.vn
Tôi cứ nhớ mãi khoảng sân nhỏ trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp Q.1, có gốc khế, nơi ông và bạn bè thường ngồi nhậu mỗi chiều, chen lẫn tiếng cụng ly là những tràng cười hào sảng. Đó là nơi ông đàn hát cho chúng tôi nghe bài Hoa tím ngoài sân khi vừa viết xong, vừa cười vừa kể thoạt đầu đã viết là Hoa khế ngoài sân, nhưng rồi lại sợ bà con hiểu lầm là… mồng gà hoa khế (tên gọi hai căn bệnh xã hội), nên phải sửa lại. Cũng là nơi lần đầu ông phát hiện vũng nước tiểu của mình bị kiến bu đầy, báo hiệu căn bệnh tiểu đường quái ác đã hành hạ ông suýt chết mấy lần đến tận bây giờ.
Rồi chị Minh, vợ ông, bất ngờ bị bệnh nặng và mất… Dù rất bận rộn chuyện làm ăn nhưng chị vẫn thường đích thân lo tiệc nhậu cho chồng khi bạn bè đến nhà. Bạn ông ai cũng kính nể chị, một tay làm ra tiền nhưng luôn quý người chồng nghệ sĩ hết mực. Bạn bè nể một, thấy ông nể hai, ba. Nhưng không rõ lắm ông yêu vợ cỡ nào, vì vẫn đều đều tham gia những cuộc vui với “những bông hoa nhỏ”, rồi bar pub vũ trường, mát-xa bia ôm… thảy đều không từ. Chỉ có một nguyên tắc cho tôi hiểu ông nể vợ: ai muốn ngồi cạnh ông là phải lau thật sạch son phấn. Ông giải thích ngắn gọn: “Sợ bà ấy buồn”.
Chỉ khi chị Minh mất, mới thấy ông thương vợ thế nào, khi Lối cũ ta về bất ngờ ra đời, thấm đẫm kỷ niệm ngày xưa ở Nghi Tàm với niềm thương tiếc khôn nguôi:
Dù cho bên anh nay em không còn nữa Biết chăng trong con tim anh luôn hằng nhớ Người yêu ơi nay em đã bỏ anh đi Sao em nỡ bỏ anh đi mãi…
Đó cũng là lúc ông đi uống nhiều nhất. Từ trưa, đến chiều, đến khuya, có hôm một, hai giờ sáng mới về đến nhà… Như để nuốt hết nỗi buồn vào lòng. Bạn bè ông rất đông, thay ca chia sẻ với ông trong ngày, vì làm sao đu theo ông nổi (hai người có mặt bên ông nhiều nhất trong thời gian ấy là Trịnh Công Sơn và Từ Huy, nay cũng đều đã… lên đường!). Sau Lối cũ ta về, là Em và tôi, Trái tim không ngủ yên…, bài nào cũng nhanh chóng chinh phục người nghe. Tôi từng ngạc nhiên hỏi ông sáng tác vào lúc nào trong ngày, ông nói lúc khuya đi nhậu về, một mình một bóng trong phòng, không ngủ được. Nghệ sĩ sáng tác luôn là người cô đơn, trước trang viết của mình. Với ông, hẳn sự cô đơn ấy còn đậm đặc hơn.
Rồi Một mình được tung ra (lần đầu do Mỹ Linh hát), gây rưng rưng không chỉ cho bất cứ ai từng bị mất mát, và tôi tin không ai cô đơn bằng ông khi viết ca khúc ấy. Chỉ bằng một sự cô đơn và nhớ thương tuyệt đối người ta mới có thể viết:
Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên Bao đêm tôi đã một mình nhớ em Ðêm nay tôi lại một mình…
Và:
Vắng em đời còn ai với ai Ngất ngây men rượu say Ðêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ Cô đơn, cùng với tôi về…
Ông không phải là thần thánh, có tài, lại nhiều tiền, sống hào hoa… Không ít phụ nữ đẹp muốn đến với ông, lúc đó. Cũng có lúc đã tưởng ông chọn chung sống với một cô người mẫu… Nhưng rồi ông lại… một mình, chăm sóc ba đứa con (Bách, Thông, Bạch Dương – cùng họ cây tùng), cho đi học bên Mỹ, nay tất cả cùng trở về, quây quần bên ông… Bệnh thì ngày càng nặng – bởi có kiêng cữ gì đâu, lại không ai chăm sóc!
Giờ đây tôi và ông đang ngồi trong một ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Trung Trực, Q.Bình Thạnh, đồ sộ hơn nhiều so với căn ở ngõ Cây Điệp ngày nào. Có dàn huỳnh anh nở vàng rực mấy bờ tường, có hồ nước cá chép Nhật lượn lờ, có đàn gà tre thảnh thơi mổ thóc, và có… mấy con chó nằm khoanh đuôi đuổi ruồi không bay trong chuồng sắt. Căn nhà đẹp nhưng buồn bã, nhất là khi nhìn mấy con chó bó gối kia…
Sau cơn đột quỵ xuất huyết não năm 2008 tưởng không qua khỏi, giờ đây ông đã đỡ hơn nhiều nhưng nói chuyện còn rất khó khăn, từng tiếng một, đôi khi phải bút đàm. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra suốt hai tiếng mà chỉ được vài câu, như sau:
– Vừa có show kỷ niệm 5 năm ngày mất của Từ Huy, do gia đình tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên… Anh Bảo Phúc thì mất 2 năm rồi… Anh Sơn 10 năm… Nhanh quá phải không anh? Anh có còn nhớ về các anh ấy? – Sao không?… Bạn bè… Đời… vô nghĩa… – Anh vẫn đọc báo, xem tivi hàng ngày? – Vẫn… – Các con chăm sóc anh tốt không? – Rất tốt. – Chúng làm ăn giỏi không? – Giỏi. – Anh đã có một tình yêu rất bền, đẹp, dù đứt đoạn. Anh Sơn cũng có một cuộc tình còn lãng mạn hơn. Có phải những cuộc tình buồn sẽ dễ đưa đến những tác phẩm hay? – Hên xui… – Vừa rồi ở Hà Nội ông Trần Bình có làm mấy đêm show ca khúc của anh. Anh có ra? – Không. – Anh có thích làm lại một show ở TP.HCM? – Thích. Rồi anh cười, đôi mắt sáng đầy hứng khởi như ngày nào: – Bia? – Bác sĩ cho uống bia lại rồi à? – Tôi trợn mắt. – Rồi… Ngày… 4 lon, trưa 2…, chiều 2…, có thể… 3. – Vậy là lúc này ngon rồi. Sắp đi chơi lại được rồi. – Ngày nào cũng… đi chơi… Đi uống cà phê… Bác sĩ nói… ba tháng nữa… sẽ nói tốt.
Tôi uống với ông hai lon bia, chạnh lòng nghĩ tới bao tiệc nhậu ngày xưa, bao gương mặt bạn bè một thời giờ đâu vắng cả… Bia rượu từng chảy như suối, rồi bao nhiêu lụa là son phấn vây quanh…
Câu cuối cùng tôi hỏi ông trước khi ra về:
– Anh vẫn nhớ chị Minh nhiều?
Ông gật đầu, đôi mắt chợt buồn hẳn, xa xăm.
Tôi tin giờ đây càng một mình ông càng nhớ chị ấy nhiều hơn. Nhớ gốc khế trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp, nhớ phố xưa Nghi Tàm, nhớ những khóm cúc vàng bên thềm nhà… Tôi mở điện thoại của mình cho ông nghe lại Mỹ Dung và ông hát Hoa cúc vàng, gần như là bài hát cuối cùng của ông trước ngày bị đột quỵ và cũng là bài mà tôi thích không thua gì bài Một mình:
Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về Anh lại ngồi bên em, chờ con nắng ghé qua thềm… …Đêm qua em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà Sao chưa về thăm anh, anh nhớ em nhiều lắm đấy Bâng khuâng trong vườn nắng, cô đơn khóm cúc vàng Đang chờ mùa thu sang, chờ cho đến lúc phai tàn…
Bây giờ cũng đang là mùa Thu, trong vườn có chút nắng vàng như mật, nhưng không có khóm cúc lẻ loi nào mà chỉ có mỗi mình ông. Hình như trong số bạn bè tôi, ông đang là người đàn ông cô đơn nhất…
Đoàn Chuẩn | Từ Linh || 20/04/2013 | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]
([dongnhacxua.com]) Dù sáng tác không nhiều (khoảng 20 bản hoặc ít hơn) nhưng Đoàn Chuẩn (viết riêng hay viết chung với Từ Linh để thành Đoàn Chuẩn – Từ Linh) được xưng tụng là “nhạc sỹ của mùa thu trong tân nhạc Việt Nam”. Điều này thể hiện qua hai yếu tố: hầu hết sáng tác của Đoàn Chuẩn – Từ Linh là về mùa thu hoặc có liên quan đến mùa thu và nhất là những nét nhạc ấy quá xuất sắc đã vẽ nên một nét “thu quyến rũ” rất đặc trưng Đoàn Chuẩn – Từ Linh. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin trích đăng lại một bài của tác giả Lê Hữu trên trang HocXa.com
Tôi thực tình không rõ là “mầu xanh ái ân” trong câu hát “Có mầu nào không phai như mầu xanh ái ân…” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh (ĐC-TL) có đúng là không hề phôi phai cùng năm tháng; thế nhưng, tôi biết chắc một điều là hình ảnh tà áo màu xanh thắm cùng những nét nhạc trữ tình ấy thật khó mà phai mờ trong tâm tưởng của rất nhiều người. Tôi cũng không rõ là cảnh trí mùa thu đất Bắc đã quyến rũ ĐC-TL đến đâu để viết nên câu hát “Mùa thu quyến rũ anh rồi”; thế nhưng, tôi biết một điều khá rõ ràng là những bản tình ca mùa thu thật êm dịu của hai chàng nghệ sĩ đa tình ấy đã thực sự quyến rũ biết chừng nào những người yêu nhạc của hơn một thế hệ.
Tuổi trẻ tôi ngày ấy, cho dù chỉ ở vào lứa tuổi mới biết yêu thôi, cũng đã từng có những phút giây để lòng mình lắng xuống, thả hồn vào thế giới âm nhạc lãng đãng của những sáng “mong chờ mùa thu”, của những “phong thư ngào ngạt hương”, của những “xác pháo bên thềm tản mác bay” và những mối tình dở dang hẹn “chờ nhau đến kiếp nào…”
HAI CHÀNG NGHỆ SĨ, MỘT MỐI TÌNH THU
Đoàn Chuẩn (trái) và Từ Linh thời trẻ. Photo: chungta.com
Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, ai là người thực sự đã viết nên những khúc nhạc tình làm rung động trái tim người nghe ấy? Hai người cùng viết chung hay chỉ một người viết (người kia chỉ đứng tên cho vui vậy)? Bài nào viết chung, bài nào viết riêng? Bài nào của người này mà không phải của người kia? Tại sao cũng bài nhạc ấy, khi thì ghi tên người này, khi lại ghi tên người khác? Người này viết nhạc, người kia viết lời, có phải vậy?… Những câu hỏi không có lời giải đáp hoặc có những lời giải đáp không giống nhau (của những người tự nhận quen biết tác giả hoặc am hiểu chuyện ấy).
Trong số những nhạc phẩm của ĐC-TL được các nhà phát hành nhạc Tinh Hoa và An Phú in lại ở miền Nam trước năm 1975, hai cái tên này có khi được tách riêng, chẳng hạn “Tà áo xanh”, “Lá thư”, “Lá đổ muôn chiều” được ghi là của Từ Linh, “Chuyển bến” được ghi là của Đoàn Chuẩn. Không rõ các nhà phát hành ấy đã dựa trên những căn cứ nào để đánh rơi một trong hai cái tên, và chứng cứ ấy liệu có xác thực(?).
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên một tờ báo ở trong nước (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tháng 10/1995), nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho biết là ông đã ký tên ĐC-TL cho bài nhạc đầu tiên của ông. (Từ Linh là em một người bạn khá thân của ông Đoàn Chuẩn. Ông rất quý mến cậu em này và xem như bạn vậy). Bài nhạc ấy và cái tên ấy được nhiều người yêu thích, và thế là từ đấy về sau ông cứ ký tên chung như vậy cho những bài nhạc tiếp theo.
Tôi cũng được trông thấy ông Đoàn Chuẩn trong một băng ghi hình (năm 1997), và người ta cũng hỏi ông những câu hỏi nhiều người muốn biết. Tiếc rằng ông không thể trả lời được. Giọng nói của ông khi ấy chỉ còn là những lời thều thào một cách khó khăn, và chân trái ông bị liệt vì chứng áp huyết cao (bà Đoàn Chuẩn cho biết như vậy). Người trả lời thay cho ông là bà vợ yêu quý, có khuôn mặt và dáng vẻ phúc hậu, cho biết là “Tất cả những bài nhạc ông Chuẩn làm, thường là ông và chú Từ Linh vẫn có trao đổi với nhau”, mà không giải thích rõ “trao đổi” nghĩa là sao (bàn soạn, đặt lời, góp ý, nhận xét phê bình, khen chê hay dở, đề nghị thêm bớt, sửa đổi…?). Chữ nghĩa của người miền Bắc đôi lúc không dễ hiểu. Về “nhân vật” Từ Linh (ngoài vài tấm ảnh đen trắng mờ mờ chụp chung với Đoàn Chuẩn thuở cả hai còn phong độ, đến nay vẫn cứ là dấu hỏi lớn), bà Đoàn Chuẩn cũng không cung cấp thêm được tin tức mới mẻ nào, ngoài việc cho biết hai chàng nghệ sĩ này là đôi bạn tri kỷ, vẫn thường hàn huyên tâm sự rất là tương đắc, có khi hàng giờ không biết mệt, và “Ngày chú Từ Linh mất, ông Chuẩn có ở cạnh giường cho đến lúc chú ấy đi…”
Có vẻ bà Đoàn Chuẩn cũng không biết gì nhiều lắm về sự nghiệp sáng tác của ông chồng mình nên chỉ tiết lộ qua loa một vài điều (mà nhiều người cũng đã biết), chẳng hạn ông Đoàn Chuẩn rất là say mê âm nhạc, lúc nào cũng kè kè cây đàn bên cạnh, và “Tình nghệ sĩ” là sáng tác đầu tay từ thuở ông còn cắp sách đến trường. Bà cũng thổ lộ rằng “Không để ý lắm đến những bài nhạc ông Chuẩn làm”, và mãi đến năm 1987, khi nhạc Đoàn Chuẩn được cho phổ biến lại ở trong nước, bà mới có cơ hội được… thưởng thức đầy đủ những bài nhạc ấy.
Vậy thì Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, biết ai là ai đây? Cứ theo như lời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn được ghi lại trong bài phỏng vấn ấy (nếu được ghi lại trung thực) và các câu trả lời của bà Đoàn Chuẩn (không được rõ ràng, đầy đủ lắm) thì có vẻ như là Đoàn Chuẩn (tên đầu trong cái tên ghép chung ấy), chứ không phải Từ Linh, nhiều phần là tác giả chính, là nhân vật chính đã viết nên những tình khúc nổi tiếng được nhiều người yêu nhạc biết đến dưới cái tên “Đoàn Chuẩn-Từ Linh”. Ông Từ Linh là người có “trao đổi”, có “tham gia” đôi chút vào việc biên soạn những tình khúc ấy… Từ Linh lại qua đời trước Đoàn Chuẩn (năm 1987, nghe đâu vì bệnh ung thư cổ). Người chết thì chịu không thể lên tiếng gì được, nên mãi đến nay người ta vẫn chẳng biết gì nhiều về ông, ngay cả chuyện ông có phải là nhạc sĩ, có biết soạn nhạc hay không, hoặc chỉ biết thưởng thức và bình phẩm về âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc của ông bạn Đoàn Chuẩn, nghĩa là chỉ khiêm tốn đóng vai Chung Tử Kỳ mà thôi. Thực hư thế nào, chẳng ai biết được!…
Buồn thay và cũng trớ trêu thay, năm ông mất cũng là năm những nhạc phẩm của ĐC-TL được ký giấy phép cho phổ biến lại ở trong nước, vì thế không chắc là ông có đã dịp nào để nghe được những bài nhạc mà nếu ông không dự phần vào việc sáng tác thì cũng ít nhiều liên hệ. Ít ra thì Đoàn Chuẩn cũng may mắn hơn ông chút đỉnh (dù khá muộn màng) là “thân bại” nhưng “danh chưa liệt”, vào những năm tháng cuối đời còn được người đời đến gõ cửa xin phỏng vấn ít câu. Còn Từ Linh, vì ít có ai biết rõ về ông, cũng chẳng ai kịp phỏng vấn, hỏi han gì đến ông như là Đoàn Chuẩn nên ông không có được cơ hội nào để bộc lộ. Ông chỉ như chiếc bóng mờ nhạt bên cạnh Đoàn Chuẩn.
Ngay đến những tin tức về năm tháng ông Từ Linh từ biệt cõi đời này cũng khá mơ hồ và không được đồng nhất, tin thì nói ông mất năm 1987, tin khác lại nói ông mất năm… 1992 (chênh lệch đến năm năm chứ ít sao!). Thành thử, ông Từ Linh này đến với cuộc đời thật âm thầm, mà ra khỏi cuộc đời cũng thật lặng lẽ, không ai biết chẳng ai hay!… Về những tin khác, chẳng hạn Từ Linh di cư vào Nam năm 1954 cũng chỉ là “nghe vậy thì biết vậy”, và nếu đúng như thế thì chắc phải có lý do gì đó mới khiến ông im hơi lặng tiếng kỹ như vậy, không muốn cho người đời biết mặt biết tên. Ông quả là con người nghệ sĩ có lai lịch rất mù mờ và đạt thành tích khá cao về mai danh ẩn tích.
Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, ai tài hoa hơn ai? Nếu chỉ căn cứ vào những tấm ảnh hai chàng chụp chung với nhau thời còn trai trẻ thì Đoàn công tử có nhiều phần đẹp trai hơn, nhưng chàng nào trông cũng có vẻ “nghệ sĩ đa tình” cả. Phong lưu hơn, chắc phải là Đoàn Chuẩn, vì chàng là công tử con nhà giàu. Thân mẫu chàng, góa phụ từ thời còn xuân sắc, một tay gây dựng cơ đồ, tạo được sản nghiệp lớn là hãng nước mắm “Vạn Vân” nức tiếng thời ấy (nghe chẳng có chút gì… văn nghệ và lãng mạn cả), vẫn được truyền tụng trong câu “Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Một trong những bài nhạc đầu tay của Đoàn Chuẩn, “Ánh trăng mùa thu” (nghe được qua giọng hát Thái Thanh), đã dành nguyên trang bìa sau của bản nhạc (1953) để quảng cáo hãng nước mắm Vạn Vân.
Chàng nghệ sĩ Đoàn Chuẩn được nuông chiều hết mực và ăn xài rộng rãi, thả giàn. Một trong những cái thú chơi của chàng thời đó là sưu tập… xe hơi, một mình chàng có đến sáu bẩy chiếc ô-tô mới toanh. Theo nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, “đã vài lần được trông thấy công tử họ Đoàn lái chiếc xe Ford mui trần kiểu Frégatte mầu trắng đi học đàn…” Cả Bắc kỳ thuở ấy chỉ có được hai chiếc bóng loáng thì chàng và ngài thủ hiến chia nhau mỗi người một chiếc, và chàng cũng lấy làm tự hào về điều đó lắm. (Chắc là chàng cũng ít nhiều tiếc nhớ thời vàng son ấy nên trong “Đường về Việt Bắc” mới có câu “Tiếc đời gấm hoa ta đành quên”). Chàng được nuôi cho ăn học đàng hoàng, không rõ có học tới nơi tới chốn, chỉ biết là môn học mà chàng say mê nhất là âm nhạc, và chàng cũng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như vĩ cầm, tây ban cầm và hạ uy cầm. (Một trong những người thầy có uy tín của chàng là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, tác giả “Giáo đường im bóng”). Vừa đẹp trai, vừa con nhà giàu, lại vừa tài hoa lẫn phong lưu rất mực như vậy, chắc hẳn cánh “bướm đa tình” là chàng đã phải mặc sức mà “đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh” của Hà Thành hay thành phố Cảng, chứ đâu có lý nào chàng lại than thở “thuyền tình không bến đỗ người ơi” và thở than “đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi”, nghe mà thảm sầu!…
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ĐC-TL cũng khá khiêm tốn, được đâu khoảng chục bài nhạc, từ năm 1948 đến 1956, kể từ bài đầu tiên được trình làng là “Tình nghệ sĩ”, nhưng cũng đủ để lại những dấu ấn đậm nét và được người đời mãi nhắc tên. Có người còn kể thêm ra một danh sách cũng đến gần chục bài nữa, gọi là những sáng tác của Đoàn Chuẩn chưa hề được phổ biến, không rõ có đúng vậy và cũng chẳng biết đâu mà kiểm chứng. Thực ra ai cũng biết, điều đáng nói đâu có phải là ở số lượng, một chục hay mấy chục bài được viết ra, mà là những bài nhạc nào đã đến được và ở lại được trong lòng người yêu nhạc.
Tất nhiên, như hầu hết các nhạc sĩ sáng tác khác, không phải tất cả những bài nhạc ĐC-TL viết ra đều hay, đều là “tuyệt phẩm” như nhiều người vẫn gọi… Những bài như “Cánh hoa duyên kiếp”, “Gửi người em gái” (hay “Gửi người em gái miền Nam”)… tuy có hay nhưng nhạc điệu và lời hát cũng không sánh được với những bài trước đó. Điều rõ ràng là, sau ngày nhạc sĩ Đoàn Chuẩn qua đời, người ta vẫn hay làm công việc giới thiệu lại những tình khúc gọi là “tiêu biểu” của hai ông, được hiểu là những bài hay nhất, được nhiều người yêu chuộng nhất, những bài kể trên ít được nhắc đến… Ngoài những bài nhạc được phổ biến từ trước, những bài khác nữa nếu có, cũng ít người biết đến, ít được giới yêu nhạc chú tâm và tán thưởng.
Tôi có được nghe qua ít bài nhạc được giới thiệu là sáng tác của Đoàn Chuẩn những năm về sau này, qua giọng hát của vài ca sĩ tên tuổi, nhưng vẫn không nghe ra được cái xao xuyến, không bắt gặp được cái rung động “đoàn chuẩn-từ linh” như mỗi lần nghe lại những bài quen thuộc trước đó. Trong số những “tuyệt phẩm” ấy, có bài cả nhạc lẫn lời nghe qua thấy tầm thường, không thấy “Đoàn Chuẩn” đâu cũng chẳng thấy “Từ Linh” nào trong đó cả, tựa như những mặt hàng sản xuất được dán vào cái nhãn hiệu nhiều người ưa chuộng, nhưng người tiêu dùng vẫn cảm thấy không đúng là mặt hàng mình yêu thích. Lại có những bài không rõ xuất xứ và người tìm ra nó có lẽ đã đánh rơi đâu mất cái tựa, nên phải gán cho nó cái tên khác, “Vĩnh biệt” hay “Xin vĩnh biệt” gì đó (ngụ ý đây là nhạc phẩm cuối cùng của nhạc sĩ trước khi nhắm mắt xuôi tay). Sau đấy chắc thấy không ổn (bài hát được “phát hiện” là sáng tác năm 1953, còn quá sớm để… “vĩnh biệt”), bèn đổi ra cái tựa khác là “Bài ca bị xé” cho có vẻ… gay cấn, ly kỳ. Rồi sau đấy chắc nghe hơi… kỳ kỳ bèn đổi lần nữa là “Vàng phai mấy lá” cho có vẻ… Trịnh Công Sơn hơn (cũng từa tựa, gần gần với những “Vàng phai trước ngõ”, “Chiếc lá thu phai” của nhạc sĩ họ Trịnh), trong lúc ai cũng hiểu là thuở ấy làm gì có cái lối đặt tựa kiểu “Hoa vàng mấy độ”, “tóc xanh mấy mùa”… như thế. Nội dung bài hát vay mượn câu chuyện tình éo le ngang trái trong truyền thuyết xa xưa để giải bày nỗi niềm (vốn là sở trường của Phạm Duy, Văn Cao hơn là ĐC-TL)… Có vẻ như là các bài nhạc ra đời những năm về sau này chỉ với tên Đoàn Chuẩn không thôi (mà không có Từ Linh bên cạnh) không phải là những bài nhạc hay như những bài nổi tiếng từng được nhiều người yêu thích ngày trước.
Trở lại với cái tên ấy, Đoàn Chuẩn hay Từ Linh, Từ Linh hay Đoàn Chuẩn, hai tên hay một tên, thiết nghĩ cũng đâu có gì phải hoài công tìm hiểu, vì chính người viết ra cái tên ấy cũng chẳng hề bận tâm, cũng chẳng xem chuyện gì là quan trọng. Cứ xem như một cái tên cũng được vậy, có sao đâu. Hai tên đã như một tên gọi đầy tình thương mến và ngưỡng mộ đối với người yêu nhạc. Người đời vẫn cứ nói “Bài hát ấy là của Đoàn Chuẩn-Từ Linh”, chứ không nói “… là của Đoàn Chuẩn và Từ Linh”. Tác giả của những bản tình ca đó đã muốn ghép chung hai cái tên ấy thành một, vậy thì ta cũng nên tôn trọng, cũng nên hiểu như vậy mà xếp hai cái tên ấy nằm kề bên nhau, gần lại với nhau. Hơn thế nữa, một khi đã xem “mối tình nghệ sĩ” chỉ “như giấc mơ” thôi và đã từng có những lúc quay lưng “lạnh lùng mà đi luyến tiếc thêm chi”, thì có sá gì một cái tên mà hai chàng chẳng “gửi gió cho mây ngàn bay”…
(Những giai thoại về hai chàng nghệ sĩ này có khá nhiều, chẳng biết đâu là hư là thực, chẳng biết đâu mà kiểm chứng, và phạm vi bài này cũng không có ý định tìm hiểu tính cách xác thực của những giai thoại ấy. Sau cùng có lẽ nên nói như nhạc sĩ Phạm Duy, “Trừ phi chính Đoàn Chuẩn viết ra những lời phủ nhận, Từ Linh vẫn không phải là người được ghép tên vào ca khúc.”).
Từ Linh (trái) và Đoàn Chuẩn khi về già (1980 ?). Photo: phanquocuy.vnweblogs.com
Kể ra trong lịch sử âm nhạc và trong số những nhạc sĩ tên tuổi của chúng ta, thật hiếm thấy có đôi nhạc sĩ nào gắn bó với nhau thân thiết và tri kỷ đến như vậy. Khi cùng gắn bó với mùa thu, với những mối tình dang dở, hai chàng cũng đồng thời gắn bó với nhau; khi cùng yêu một mầu áo, cùng yêu một cung đàn, hai chàng cũng cùng chung một mối tình.
MÙA THU QUYẾN RŨ ANH RỒI
Cuốn video tape ca nhạc ấy cũng chẳng có gì đặc biệt lắm, thế nhưng có một đoạn phim ngắn không tới một phút, giới thiệu một trong những tình khúc của ĐC-TL, cứ làm tôi nhớ mãi. Một người ngồi trong căn phòng mờ mờ tối, chậm chạp đứng dậy, chậm chạp bước những bước nặng nhọc về phía cửa, chậm chạp đặt nhẹ bàn tay lên nắm cửa. Cánh cửa từ từ mở ra, chút ánh sáng lùa vào. Một vòm trời, một chiếc lá rơi. Không gian ấy không rõ là buổi sáng hay buổi chiều. Người đàn ông đứng quay lưng, không nhìn rõ mặt. Người ấy là ông Đoàn Chuẩn. Bài hát được giới thiệu là “Gửi gió cho mây ngàn bay”.
Với bao tà áo xanh, đây mùa thu…
Câu nhạc đầu nghe như bàn tay kéo nhẹ tấm màn cửa mở ra khung trời bát ngát màu xanh, bát ngát mùa thu. Mùa thu của ĐC-TL.
Trước và sau ĐC-TL cũng đã có nhiều nhạc sĩ viết về mùa thu, và có nhiều ca khúc khá hay về mùa thu nữa, thế nhưng mùa thu trong nhạc ĐC-TL vẫn như có khí hậu riêng, không gian riêng, khiến người nghe nhận ra những khác biệt. Mùa thu ấy không chỉ thật đẹp, thật quyến rũ, mà còn là mùa thu của những chuyện tình “yêu một sớm, nhớ nhau bao mùa thu”…
Thực ra, đâu phải chỉ có mùa thu, trong nhạc ĐC-TL ta nghe cả bốn mùa. Qua những lời nhạc trữ tình, ta như nghe được những đổi thay của thời tiết, của khí hậu từng mùa. Những mùa màng của đất trời, hay mùa màng của tình yêu, hay mùa màng của đời người. Thế nhưng nhiều nhất vẫn cứ là mùa thu. Hầu như không có bài nhạc nào của hai chàng nghệ sĩ ấy lại không bàng bạc ít nhiều tình thu, ý thu, lại không phảng phất chút hương thu dịu nhẹ. Có khi là cụm mây lững lờ trôi về cuối trời, là cơn mưa làm rụng lá vàng, là cánh hoa tàn tạ trong đêm tối, hay nỗi tiếc nhớ những mùa thu không trở lại…
Có rất nhiều lá vàng trong mùa thu của ĐC-TL, và lá vàng rơi không làm sao đếm hết.
Lá vàng từng cánh rơi, từng cánh…
(“Gửi gió cho mây ngàn bay”)
Mưa rơi làm rụng lá vàng…
(“Thu quyến rũ”)
Thôi thế từ nay như lá vàng bay…
Lá thu còn lại đôi ba cánh…
(“Lá đổ muôn chiều”)
Lá thu lìa cành nhớ hoa ngàn xưa…
(“Tình nghệ sĩ”)
Những chiếc lá lìa cành mà hai chàng gọi là “những cánh đời mong manh” hay là “nước mắt người đi”. Trên những dòng nhạc ấy, chỉ thấy những hoa rơi, lá rơi, và những chuyện tình buồn vời vợi….
Mùa thu có đẹp nhưng sao nghe cứ man mác buồn! Thực ra đâu có riêng gì mùa thu, mùa nào trong nhạc ĐC-TL cũng có vẻ buồn cả. (Mùa xuân mà “lá vẫn bay…”, vẫn “hoa mai rơi từng cánh trên đường…” thì đâu có vui gì!).
Nhưng tại sao lại là mùa thu? Có phải vì mọi chuyện khởi đầu từ mùa thu…
Ta quen nhau mùa thu / ta thương nhau mùa đông
ta yêu nhau mùa xuân…
(“Tà áo xanh”)
Nhớ tới mùa thu năm xưa
gửi nhau phong thư ngào ngạt hương…
(“Lá thư”)
Và kết thúc cũng vào mùa thu…
Để mùa thu lá vàng khóc tình ta…
(“Vàng phai mấy lá”)
Nhưng một sớm mùa thu / khép giữa trời tím ngắt
nàng đi gót hài xanh…
(“Gửi người em gái”)
Chuyện tình mùa thu để lại nhiều hối tiếc.
Thu nay vì đâu tiếc nhiều
Thu nay vì đâu nhớ nhiều…
(“Thu quyến rũ”)
Mùa thu ĐC-TL đẹp như bài thơ. Có khi chỉ trong một bài nhạc, “Cánh hoa duyên kiếp” chẳng hạn, ta nhặt ra được những câu thơ viết về mùa thu thật là đẹp, tưởng như hai chàng nhạc sĩ bỗng nhiên nổi hứng, bỏ nhạc quay sang làm thơ vậy.
Yêu một sớm / nhớ nhau bao mùa thu…
Tình em như mây trong mùa thu bay rợp lối…
Trong hương thu màu tím buồn… (cũng tựa như “màu thời gian tím ngát” trong thơ Đoàn Phú Tứ).
Mùa thu ĐC-TL đẹp như tranh vẽ. Có khi chỉ là những nét chấm phá.
Hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
(“Gửi gió cho mây ngàn bay”)
Có khi là cảnh trí đầy mầu sắc, bầu trời trong xanh, bướm hoa và chim chóc.
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay… (như sợ làm “vỡ” mùa thu)
Trời đất kia ngả mầu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa
bên những bông hồng đẹp xinh
(“Thu quyến rũ”)
Làm sao có thể vẽ được bức tranh sinh động ấy, làm sao có thể bắt được những rung động của thiên nhiên ấy nếu không có một trái tim thật là nhạy cảm. Người nghe tưởng nghe được cả tiếng thở nhẹ của mùa thu, tưởng thấy được cả không gian lắng đọng của đất trời vào thu, tưởng chạm tay vào được cả vạt áo dài lướt thướt của mùa thu, và như ngất ngây trong khoảnh khắc “dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai” ấy.
Nàng thu của ĐC-TL mang vẻ đẹp tự nhiên, không trang hồng điểm phấn, không tô vẽ màu mè, như thể trời cho thế nào thì cứ bày ra như vậy. Nàng thu ĐC-TL mang vẻ đẹp đơn sơ, nhưng cũng thật mơ màng và tình tứ, quyến rũ và mời mọc.
Những chữ “thế nhân”, “trần gian”, “đường trần”, “tình trần”, hoặc “người đời”, “nhạc đời”… vẫn hay được ĐC-TL đưa vào trong lời nhạc như thể hiện ước muốn kéo lại gần hơn những giấc mơ xa vời và hoang tưởng của con người. “Mộng nữa cũng là không”…, câu ấy đâu phải hai chàng chỉ nói với chính mình mà còn muốn nhắn nhủ với “người đời”. Nhà phê bình Đặng Tiến đã có sự so sánh và đưa ra lời nhận định, “Đoàn Chuẩn-Từ Linh đã đưa Thiên Thai về đây với thu trần gian, trong khi Văn Cao phải lên tận cõi Đào Nguyên.”
Tôi vẫn cho rằng “Thu quyến rũ” là một trong những bài hát hay nhất nói về mùa thu. Những nốt nhạc mềm mại rót xuống ở cuối câu hát “Mùa thu quyến rũ anh rồi” nghe như chiếc lá vàng lìa cành nhẹ rơi trong không gian tĩnh lặng của mùa thu.
Thu quyến rũ” phải được nghe bằng giọng nam chứ giọng nữ thì ít thấy… quyến rũ, nhất là khi lời nhạc bị đổi thành “Em mong chờ mùa thu” hoặc “Mùa thu quyến rũ em rồi” thì không thấy… mùa thu ĐC-TL ở đâu cả! Cũng chẳng có gì là sai quấy, chỉ có điều trước giờ người ta vẫn nghe ĐC-TL là nghe “Anh mong chờ mùa thu” hoặc “Mùa thu quyến rũ anh rồi”. Hơn thế nữa, “Tà áo xanh nào về với giấc mơ” ở đây nhất định không phải là tà áo xanh của… chàng về trong giấc mơ của nàng, vậy thì “Mầu áo xanh là mầu em trót yêu” nghe cũng hơi… sường sượng. (Dù sao vẫn còn khá hơn là “Khi nào anh đến với em, xin đừng quên chiếc áo xanh…”!)
Nghe nhạc ĐC-TL là nghe mùa thu kể chuyện tình, là nghe những lời tự tình ngọt ngào hay buồn bã của những người yêu nhau và xa nhau. Những chuyện tình như mang theo cả khí hậu của mùa thu ấy, đẹp và buồn.
Mùa thu trong nhạc ĐC-TL không có cái buồn ủ rũ, ảo não của “Mây hắt hiu ngừng trôi…/ mưa giăng mù lê thê…” như “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, cũng không có cái buồn se sắt, rã rượi của “Năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần…” như “Buồn tàn thu” của Văn Cao, cũng không có cái buồn tái tê, sướt mướt của “Nước mắt mùa thu khóc cho cuộc tình…” như “Nước mắt mùa thu”, hoặc “Mùa thu đã chết / đã chết rồi / em nhớ cho…” như “Mùa thu chết” của Phạm Duy… Mùa thu ĐC-TL có buồn nhưng chỉ là cái buồn phảng phất, nhẹ nhàng như chìm lắng trong mơ, như được bao phủ trong màn sương lãng đãng, đượm chút thi vị ngọt ngào trong từng cánh lá thu màu vàng úa và trong hương thu màu tím buồn. Mùa thu ấy có vẻ gần với cái buồn mênh mang trong “Thu vàng” của Cung Tiến hay “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư hơn.
Mùa thu ĐC-TL mang vẻ “cổ điển”, nhưng là cái vẻ cổ điển muôn đời muôn thuở của thiên nhiên, của đất trời, của hàng cây khô trụi lá, của cụm mây thu lờ lững, của bóng trăng thu mơ màng…, tất cả đều nhuốm một vẻ buồn man mác khi “mùa thu buông áo xuống phương này” (1).
Mùa thu ĐC-TL là mùa “thu trần gian”, là thu của bốn mùa, là thu của những chuyện tình, và chắc chắn không giống, không phải là mùa thu “cách mạng” như những chuyển hướng sáng tác của không ít những nhạc sĩ ở cùng thời để cố gắng bắt kịp những đổi thay hay đáp ứng những yêu cầu của tình thế. Tất cả những thứ đó không vào được trong mùa thu và trong dòng nhạc của ĐC-TL.
Mặc cho những biến động, những xoay vần của thời cuộc, mặc cho bao nhiêu là vật đổi sao dời, bao nhiêu là tang thương dâu bể, đất trời vẫn cứ bốn mùa, mùa thu của ĐC-TL vẫn cứ ở lại, và cũng chính vì thế, chính điều này đã khiến mọi người yêu thêm những dòng nhạc, yêu thêm những “mùa thu đoàn chuẩn-từ linh”.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đóng góp nhiều tác phẩm thật đẹp, như những hạt kim cương lóng lánh, vào kho tàng tân nhạc Việt Nam – đây tôi không có tham vọng trình bày về sự nghiệp sáng tác phong phú và giá trị của ông, mà chỉ xin ghi lại một giai thoại nhỏ đã được chính ông kể trong một lần tôi chở ông trên xe khi đi thăm ca sĩ Hoài Trung đang nằm trong một bệnh viện ở Pasadena vào năm 1990. Khi tôi hỏi về trường hợp sáng tác bản Mộng Dưới Hoa thì ông cho hay là khoảng năm 1957 gì đó, ông đọc tập thơ Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng, thấy bài Tự Tình Dưới Hoa hay hay, có nhiều hình ảnh đẹp, lời thơ có vẻ cổ điển ước lệ với mỹ nhân, với trăng sao, mây nước, suối rừng, mơ mộng v,v…, ông bèn âm ư nho nhỏ trong miệng, rồi bật ra thành những nốt nhạc đầu tiên, và ông đã ghi lại trên giấy.
Khi phần nhạc đã hoàn chỉnh thì chỉ có một số lời thơ được giữ nguyên văn, ngoài ra chính ông và thi sĩ Đinh Hùng đã gọt giũa lại rất nhiều. Đến phần điệp khúc, thì cấu trúc của bản nhạc lại thay đổi, không thể dùng 7 chữ được vì chỉ có 6 nốt, nên ông đã yêu cầu Đinh Hùng đặt lời mới cho đoạn đó. Dĩ nhiên công việc này không quá khó khăn với nhà thơ và cũng có phần đóng góp của chính Phạm Đình Chương. Từ đó hai đoạn điệp khúc 6 chữ đã được lồng vào giữa bài hát, một cách rất khéo léo, tự nhiên và nhất quán, nghĩa là vẫn giữ được không khí rất lãng mạn và cổ điển của bài thơ.
Nhớ lại hồi còn ở trong nước, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, vợ chồng tôi đều đến phòng trà Đêm Màu Hồng để nghe ban Thăng Long trình diễn. Thỉnh thoảng chúng tôi được nghe chính tác giả bài hát này. Đặc biệt mỗi lần hát đến câu “Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại” thì ông ngừng lại ngang xương khiến ban nhạc lỡ bộ, rồi nói: “Lả bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi.” Nói xong câu đao ông lại say sưa và mơ màng hát tiếp, ban nhạc lại ngoan ngoãn đệm theo.
Có thể nói bài hát Mộng Dưới Hoa là một hòa hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc của hai người bạn và cũng là hai thiên tài về thi ca và âm nhạc của chúng ta. Đây cũng là một trong những bản tình ca tuyệt đẹp của nền tân nhạc Viêt Nam.
Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng: Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại, Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng. Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay, Ôi mộng nào hơn giấc mộng này? Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ, Nửa như hoài vọng, nửa như say. Em đến như mây, chẳng đợi kỳ, Hương ngàn gió núi động hàng mi. Tâm tư khép mở đôi tà áo, Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi.
Em muốn đôi ta mộng chốn nào? Ước nguyện đã có gác trăng sao. Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý, Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào. Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ, Nắng trong hoa, với gió bên hồ Dành riêng em đấy. Khi tình tự, Ta sẽ đi về những cảnh xưa. Rồi buổi ưu sầu em với tôi, Nhìn nhau cũng đũ lãng quên đi. Vai kề một mái thơ phong nguyệt, Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười.
Trong gia tài sáng tác không nhiều (trên dưới 20 bản) của nhạc sỹ Huỳnh Anh, có một nhạc phẩm gây chú ý cho [dongnhacxua.com] vì cái tựa rất khó hiểu: Loan mắt nhung. Sau này có dịp tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời của nhạc sỹ Huỳnh Anh cũng như sự ra đời của cái tên “Loan mắt nhung”, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều thú vị để chia sẻ cùng quý vị yêu nhạc xưa: “Loan mắt nhung” là bản nhạc do nhạc sỹ Huỳnh Anh viết cho bộ phim cùng tên do đạo diễn Lê Dân thực hiện vào năm 1970, lấy cốt truyện từ tiểu thuyết cũng cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Tác phẩm này xuất bản năm 1967, nói về cuộc đời của một thanh niên bình thường có đôi mắt đen huyền đẹp như nhung, bị hoàn cảnh đưa đẩy trở thành một giang hồ và chịu nhiều bi kịch.
NGUYỄN THỤY LONG VÀ TIỂU THUYẾT “LOAN MẮT NHUNG” (Nguồn: Báo Công An TPHCM)
Nhà văn Nguyễn Thụy Long đã ra đi vào sáng 3-9-2009, khi vừa bước qua ngưỡng cửa “thất thập”. Dĩ nhiên với ngần ấy năm sống giữa thế gian, anh đã nếm trải đủ mùi vị cay đắng, ngọt bùi của cuộc đời.
Sinh năm 1938 tại Hà Nội, anh là một trong số những nhà văn hàng đầu ở miền Nam trước 1975 còn ở lại và suốt đời gắn bó với quê nhà. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Nguyễn Thụy Long đã viết hơn 30 tiểu thuyết, trong đó có 20 tác phẩm hiện đang được lưu trữ tại thư viện của Viện Đại học Cornell, New York. Vào đời sớm, có thể nói thủa thiếu thời và những ngày mới lớn, Nguyễn Thụy Long thật sự là người của hè phố. Anh lặn hụp kiếm sống với đủ thứ nghề như một kẻ bụi đời chính hiệu, nhưng trái tim anh lại thuộc về một thế giới khác: thế giới của cảm xúc, biến mọi nhọc nhằn thành chất liệu cho ước mơ và văn học. Từ đó người đọc có thể bắt gặp nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Long sự nhẫn nhục và chịu đựng mọi nghịch cảnh một cách nhân ái và độ lượng.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Thụy Long: Chim trên ngọn khô, Vác ngà voi, Sầu đời, Vết thù… đặc biệt là Loan mắt nhung, tiểu thuyết được dàn dựng thành phim và đã đọng lại trong lòng người xem những cảm xúc lâu dài.
Ngoài viết văn ra, Nguyễn Thụy Long còn là một nhà báo, dưới thời cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành, anh là một trong những cộng tác viên đặc biệt của Báo Công An thành phố. Vào những năm tháng khó khăn nhất, Nguyễn Thụy Long được Huỳnh Bá Thành gởi gắm cho địa phương trông coi một ao cá nằm trong hẻm sâu trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Anh cùng với vợ con sống lây lất nhiều năm tháng trong căn chòi lợp tạm bên cạnh ao cá với đủ thứ vật liệu phế thải mà anh gọi đó là “căn chòi của tình người”. Nguyễn Thụy Long cũng có một kỷ niệm khó quên với nhà văn, nhà báo Trần Tử Văn. Cách đây khoảng 18 năm, có lần nghe anh Huỳnh Bá Thành mô tả Nguyễn Thụy Long ở ao cá viết lách khó khăn, mắt anh rất yếu, lại chỉ quen viết trên máy đánh chữ, sẵn có chiếc máy đánh chữ xách tay mới mua được vài tuần lễ, Trần Tử Văn không nghĩ ngợi liền tặng cho người bạn văn. Nhận được chiếc máy đánh chữ, Nguyễn Thụy Long mừng lắm, nhưng chỉ sử dụng chừng hơn tháng lại thấy anh quay lại viết tay. Gặp nhau, Trần Tử Văn hỏi máy chữ đâu? Nguyễn Thụy Long ngập ngừng một lúc rồi nói: “Kẹt quá, đành phải mang đi bán lấy tiền mua sữa cho con rồi, mong ông đừng buồn”. Trần Tử Văn không nói năng gì, chỉ đứng lặng yên, siết bàn tay Nguyễn Thụy Long thật chặt. Văn không tiếc của mà anh có vẻ xót xa cho số phận của một người bạn cầm bút.
Kể ra thì giã từ cuộc đời ở tuổi 71 như Nguyễn Thụy Long cũng không quá sớm mà cũng không quá muộn và chưa hẳn người ra đi đã buồn bã bằng người ở lại khi bằng hữu ngày càng vơi dần theo từng tháng, từng ngày. Thôi thì cũng xin thắp một nén nhang tưởng nhớ với lời cầu chúc giấc ngủ bình yên, một giấc ngủ không bao giờ bị đánh thức và như thế anh đã trút hết mọi buồn vui, mọi âu lo, toan tính gởi lại hết cho đời. Vĩnh biệt Nguyễn Thụy Long, vĩnh biệt Loan mắt nhung!
ĐẠO DIỄN LÊ DÂN KỂ VỀ BỘ PHIM “LOAN MẮT NHUNG” (Nguồn: Thanh Niên)
Sau phim đầu tiên Hồi chuông Thiên Mụ(1957-1958), vì những hoạt động chính trị, tôi ngưng làm phim một thời gian dài. Đến giữa năm 1969, bất ngờ tôi gặp lại Gilberte Lợi, người cùng quê Tây Ninh với tôi. Cô nhờ tôi chọn một cốt truyện để làm phim.
Lúc ấy cô là Giám đốc Hãng nhập khẩu Cosunam Films nổi tiếng, nay muốn sản xuất bộ phim Việt Nam đầu tiên của hãng. Tôi giới thiệu quyển tiểu thuyết Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long viết về đời sống giang hồ du đãng khá hấp dẫn. Gilberte Lợi đồng ý, mời tôi chuyển thành truyện phim và làm đạo diễn. Thế là tôi trở lại ngành điện ảnh với một loạt ba phim liên tiếp về tuổi trẻ: Loan mắt nhung (1970), Trần Thị Diễm Châu (1971) và Sau giờ giới nghiêm (1972), với mục đích phê phán xã hội suy đồi trong vùng địch tạm chiếm.
Loan mắt nhung kể chuyện về cuộc đời của Loan (Huỳnh Thanh Trà), một thanh niên bình thường bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng. Khi còn lương thiện, Loan đã có mối tình rất đẹp với cô gái tên Xuân (Thanh Nga). Khi vào giới giang hồ, Loan gặp Dung bụi đời (Kim Xuân), và quy tụ những tên đàn em sừng sỏ: Tài Woòng (Nguyên Hạnh), Hải Cụt (Tâm Phan), Thanh Italie (Ngọc Phu). Cùng bọn chúng, Loan thực hiện nhiều phi vụ, buôn lậu, ăn cướp… Nhưng Loan luôn cảm thấy cô đơn. Loan muốn đổi đời, tìm vùng đất sống mới, nhưng không thoát được chốn bùn nhơ, càng ngày càng đi sâu vào tội ác. Loan gặp lại Xuân trong tình cảnh éo le, khi Xuân bị bọn xấu hãm hại đến chết. Quá đau khổ, Loan nổi loạn giết hết bọn ác, rồi tự nộp mình cho cảnh sát, ân hận rằng mình đã lãng phí tuổi trẻ.
Thanh Nga trong phim Loan mắt nhung – Ảnh: Tác giả cung cấp
Dư luận báo chí khen ngợi rất nhiều phim này. Tuần lễ chiếu phim đầu tiên, khán giả đã nô nức đi xem, phim Loan mắt nhung phải tiếp tục tuần lễ thứ nhì tại nhiều rạp. Bên cạnh ngôi sao Thanh Nga, nam diễn viên chính Huỳnh Thanh Trà chỉ là một khuôn mặt mới, nhưng từ phim này đã nổi lên, sau đó được nhiều đoàn nghệ thuật liên tiếp mời biểu diễn với thù lao rất cao. Huỳnh Thanh Trà, một diễn viên sân khấu, được tôi chọn nhờ có vóc dáng thích hợp, nhất là có đôi mắt to, sắc sảo, dễ gây ấn tượng.
Vai nữ chính là Thanh Nga, một nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn. Chính nhà sản xuất phim Gilberte Lợi đã giới thiệu với tôi cô em gái của mình. Hai người là chị em con một cha, ông hội đồng Nguyễn Văn Lợi, cùng quê Tây Ninh với tôi. Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, mẹ cô là bà Nguyễn Thị Thơ tức bà bầu Thơ, Trưởng đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga nổi tiếng. Khi gặp mặt nhau lần đầu tại trụ sở của Hãng Cosunam Films, tôi khen xã giao, nhưng thật tình: “Thanh Nga có nét đẹp trong sáng, chân thật, không màu mè, dễ gây cảm tình với khán giả”.
Thanh Nga sinh ngày 31.7.1942, mới 28 tuổi đời mà đã trải qua nhiều sóng gió trong tình yêu. Năm 1958, khi Thanh Nga nhận được huy chương vàng giải Thanh Tâm (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới), đúng lúc ấy, mối tình đầu đến với người nghệ sĩ trẻ. Có một chàng trai mỗi ngày đều âm thầm đến gửi tặng hoa hồng cho người mình ái mộ. Nhưng rồi do thời cuộc, duyên nợ không thành, nên mối tình này không đi đến cái kết có hậu.
Đối với tôi, qua những trải nghiệm đau khổ nhiều lần về tình yêu của người trong cuộc, tôi có niềm tin Thanh Nga sẽ lấy được nước mắt của khán giả xem phim trước hoàn cảnh bi đát của cô gái tên Xuân, người yêu của Loan mắt nhung. Niềm tin ấy không sai, vì bộ phim này đã là một thành công đáng nhớ.
“Còn hai con mắt khóc người một con” là câu hát được lặp lại nhiều lần trong bài “Con mắt còn lại” của Trịnh Công Sơn mà [dongnhacxua.com] đã nghe khá lâu, có lẽ cũng gần 15 năm rồi. Thế nhưng chúng tôi ôm thắc mắc về ý nghĩa của câu hát mà chưa có câu trả lời cho đến hôm nay khi chúng tôi tình cờ đọc được một bài viết về hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, bà Thu Trang (tên thật là Công Thị Nghĩa), đăng trên vnExpress. Thì ra nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã mượn một câu trong bài thơ “Mắt buồn” của Bùi Giáng, một người bạn văn nghệ thân thiết với nhà nhạc sỹ.
Nhà thơ Bùi Giáng đã làm tặng bài này cho hoa hậu Thu Trang. Câu cuối cùng trong bài thơ là “Còn hai con mắt khóc người một con” mà trong đó “khóc người một con” là khóc cho “gái một con trông mòn con mắt”.
BÀI THƠ “MẮT BUỒN” CỦA BÙI GIÁNG (1963) (Nguồn: http://poem.tkaraoke.com/10114/Mat_Buon.html)
Bóng mây trời cũ hao mòn Chiêm bao náo động riêng còn hai tay Tấm thân với mảnh hình hài Tấm thân thể với canh dài bão giông Cá khe nước cõng lên đồng Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng Tạ từ tháng chạp quay nghiêng Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời Bỏ ngang ngửa sóng với lời hẹn hoa Bỏ người yêu bỏ bóng ma Bỏ hình hài của tiên nga trên trời Bây giờ riêng đối diện tôi Còn hai con mắt khóc người một con
BẢN “CON MẮT CÒN LẠI” CỦA TRỊNH CÔNG SƠN (1992) (Nguồn: http://www.trinh-cong-son.com/conmat_nb.html)
Theo thiển ý của [dongnhacxua.com], trong số các sáng tác rất ít của nhạc sỹ Đan Thọ, đứng sau “Chiều tím” về mức độ nổi tiếng có lẽ là bản “Tình quê hương”. Một trong những lý do làm “Tình quê hương” nổi tiếng và thậm chí trở nên “lận đận” là do tác giả của bài thơ cùng tên mà nhạc sỹ đã phổ năm 1956 là Phan Lạc Tuyên, tức người đại úy trẻ tuổi mà sau này tham gia cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm bất thành vào ngày 11/11/1960.
Phan Lạc Tuyên (thời trẻ)
[dongnhacxua.com] xin đứng ngoài tất cả các góc nhìn chính trị, bên này cũng như bên kia chiến tuyến để nhận định về Phan Lạc Tuyên cùng rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống và sự nghiệp của ông. Nếu chỉ dừng lại trong phạm trù âm nhạc thì Phan Lạc Tuyên đã để lại cho chúng ta một bài thơ thật hay về tình người, tình yêu quê hương giúp thế hệ sau hiểu hơn về một thời binh đao khói lửa của dân tộc Việt Nam.
Cũng qua bài viết này, được biết Phan Lạc Tuyên, pháp danh Nguyên Tuệ, từ trần lúc 19g15 ngày 10-11-2011 tại Sài Gòn, hưởng thọ 84 tuổi, [dongnhacxua.com] không có gì hơn là cầu xin linh hồn ông sẽ mau về miền cực lạc.
Nhắc đến Đan Thọ chắc hẳn chúng ta nhớ ngay đến tác phẩm bất hủ Chiều Tím. [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến quý vị yêu nhạc xưa bài viết của cố nhạc sỹ Trường Kỳ trong một chương trình “Nghệ sỹ & Đời sống” phát trên đài VOA Hoa Kỳ.
Chắc chắn nhạc sĩ Đan Thọ đã lặng người đi khi nhìn thấy cây đàn vĩ cầm thân yêu được vớt lên từ căn nhà gồm 3 phòng ngủ ngập nước của ông tại New Orleans do trận bão Katrina gây nên khi vợ chồng ông được người trưởng nam là Đan Thành chở về nơi hai ông bà cư ngụ khi từ nam California về đây vào năm 1997.
Hình ảnh của một ngày trong tháng 9 năm 2005 đó thật khó phai mờ trong ký ức già nua của người nhạc sĩ đã có một quá trình họat động âm nhạc từ trên 60 năm nay. Cây kèn tenor sax hiệu Selmer mạ vàng của ông đã không được tìm thấy, nên ông đành phải ngậm ngùi bỏ lại nơi xứ sở của nhạc Jazz, là thể lọai nhạc mà ông và vài ba người bạn cùng thời đã được coi như những người tiên phong trình diễn tại vũ trường Đại Nam của Sài Gòn vào đầu thập niên 60.
Khi quay trở lại Houston là nơi hai vợ chồng ông cư ngụ hiện nay, sau khi căn nhà ở New Orleans bị tàn phá bởi trận bão Katrina, nhạc sĩ Đan Thọ đã nhờ cậy nhiều chuyên viên sửa đàn phục hồi cho ông cây vĩ cầm từng gắn bó với cả cuộc đời âm nhạc của mình.
Nhưng chuyên viên tài giỏi nhất cũng chỉ sửa sang được lại bề ngoài cây đàn từng sống với ông những giây phút thăng trầm trong thế giới âm nhạc. Trong khi đó âm thanh của nó chẳng còn được réo rắt như xưa, cũng như tiếng nói của chủ nhân nó bây giờ cũng đã giảm đi nhiều năng lực khi tuổi đời đã tới con số 84.
Cây vĩ cầm quí giá của một đời nghệ sĩ đó giờ đây đang được trưng bầy ở một nơi trang trọng nhất trong cái apartment xinh xắn và gọn gàng có 2 phòng ngủ của cặp vợ chồng già, quấn quít bên nhau từ 63 năm nay. Mỗi lần nhìn cây vĩ cầm quen thuộc, Đan Thọ cảm thấy như cả một dĩ vãng ngày nào hiện về rõ mồn một với ông…
THỜI NIÊN THIẾU
Nhạc sĩ Đan Thọ tên thật là Đan Đình Thọ, sinh năm 1924 tại Nam Định, là nơi ông mới trở về thăm mồ mả tổ tiên và họ hàng ngoài Bắc, vào tháng 4 năm 2008. Đây là lần thứ hai ông trở về quê hương sau lần đầu tiên vào năm 2006 để thăm gia đình và người em ruột của ông là nhạc sĩ Đan Phú, năm nay cũng đã ngoài 80, từng có thời kỳ cùng với ông cộng tác với phòng trà Bồng Lai ở Sài Gòn trong thập niên 60.
Cũng tại nơi ông sinh trưởng, trong những năm từ 1936 đến 1942, Đan Thọ theo học chữ và học nhạc tại trường Saint Thomas D’Aquin do các sư huynh thành lập, trong số có sư huynh Maurice là người hướng dẫn ông về vĩ cầm. Ngoài ra, ông còn biết xử dụng nhiều nhạc khí khác như Hạ uy cầm và Tây ban cầm.
ĐẾN VỚI ÂM NHẠC
Qua năm 1942, ông bắt đầu theo học về hòa âm và sáng tác với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự cho đến năm 1945, là năm ông bắt đầu đàn violin cho phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng, cũng ở Nam Định. Và cùng năm đó ông lập gia đình với một thiếu nữ Hà Nội mới 16 tuổi, là người vợ đoan trang và đảm đang của ông cho tới bây giờ, qua sự giới thiệu của chính người em họ của bà mà ông quen biết trước.
Thoạt tiên, gia đình bên vợ không bằng lòng vì “sợ ông ấy đánh đàn rồi ông ấy hư, quen nhiều gái“, như chính lời bà Đan Thọ kể. Nhưng sau trên 63 năm chung sống, tư cách và cuộc sống mực thước của ông đã phá vỡ được tất cả những e ngại ban đầu đối với một người nghệ sĩ, suốt đời tận tụy với âm nhạc nhưng luôn luôn giữ được vai trò người chồng và người cha gương mẫu trong gia đình…
Khi đưa ra nhận xét về người bố của mình, trưởng nam nhạc sĩ Đan Thọ là Đan Thành –một kiến trúc sư, hiện cư ngụ ở Tampa, Florida– cho biết, như mọi người cha Việt Nam thuộc thế hệ ông, nhạc sĩ Đan Thọ luôn giữ một khỏang cách rõ ràng giữa cha và con. Vì theo nền hóa và phong tục Việt Nam thời đó vẫn còn khắc nghiệt và nghiêm minh. Nên việc trò chuyện thân mật giữa cha và con là điều hãy còn hiếm hoi.
Mặc dù là một nghệ sĩ, nhưng nhạc sĩ Đan Thọ không khuyến khích các con của ông, gồm 1 trai và 3 gái, theo con đường âm nhạc. Tất cả đều được ông dạy dỗ rất nghiêm khắc. Và ông đã từng dùng đến roi vọt đối với trưởng nam của mình, mặc dù anh đã học ở bậc trung học.
Đối với những người trong giới, Đan Thọ còn được coi là một người nghệ sĩ mẫu mực mặc dù từng lăn lộn hàng chục năm trong một môi trường có nhiều quyến rũ, nhất là đối với những người có nhiều tình cảm như ông.
Năm 1954, Đan Thọ gia nhập ban quân nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hiền, vv… cho đến khi chia đôi Nam-Bắc vào năm 1954.
Trong thời gian phục vụ trong nhành quân nhạc, ông đã được quân nhạc trưởng Schmetzler hướng dẫn về kèn. Sau đó ông cùng ban quân nhạc di cư vào Nha Trang trong cùng năm 1954. Đến khi vào Sài Gòn năm 1956, Đan Thọ lại tiếp tục theo học kèn với nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umali.
Với hai nhạc khí sở trường là violin và kèn tenor sax, nhạc sĩ Đan Thọ từ khi vào Sài Gòn đã liên tục cộng tác với nhiều chương trình nhạc trên Đài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Đội, trên đài Truyền Hình VN và tại các vũ trường cùng phòng trà ở Sài Gòn.
Ông cũng đã từng là trưởng Ban Nhạc Nhẹ Đài Phát Thanh Quân Đội trong một khoảng thời gian dài từ năm 56 đến năm 65, gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Xuân Tiên, Xuân Lôi, Văn Ba, Nguyễn Ích và Canh Thân.
Ban nhạc của ông có thêm một đặc điểm là được một nhạc sĩ người Philippines tên Alano Badin soạn hòa âm cho những nhạc phẩm Việt Nam thu thanh, nhờ đó đã mang lại cho người nghe những âm thanh mới lạ. Một tuần có khoảng 5 bài được soạn hòa âm như vậy và Đan Thọ đã thu thanh cũng như lưu trữ tất cả bài vở để làm tài liệu và còn giữ được cho đến nay như một kỷ niệm quí.
Cũng với những nhạc phẩm đó, ông và ban nhạc đã từng mang đi biểu diễn ở Bangkok vào năm 56 và Manila năm 61, gặt hái được nhiều thành công đáng kể.
NHỮNG SÁNG TÁC
Về mặt sáng tác, Đan Thọ không có một gia tài đồ sộ, mà ông chỉ cho ra đời vọn vẹn không quá 10 nhạc phẩm. Ông chủ trương không chú trọng nhiều đến số lượng mà đặt trọng tâm vào chất lượng của từng sáng tác của mình.
Tuy nhiên giá trị của những nhạc phẩm đó đã là những đóng góp giá trị vào thế đứng vững vàng của ông trong số những nghệ sĩ có công với âm nhạc Một điểm đặc biệt cần ghi nhận quá nửa sáng tác của mình, Đan Thọ đã phổ nhạc từ thơ và mang đến cho những thi phẩm đó những nét quyến rũ bằng âm thanh và giai điệu.
Nguồn cảm hứng đến với Đan Thọ kể từ khi ông rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở miền Bắc để di cư vào Nha Trang với ban quân nhạc. Nỗi nhớ nhà và một tình quê hương canh cánh bên lòng khi phải rời bỏ quê cha đất tổ đã khiến ông dâng lên một cảm xúc dạt dào để cùng với người bạn cùng phục vụ trong ban quân nhạc là Nhật Bằng viết thành hai nhạc phẩm đầu tiên là “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Đô” tại Nha Trang. Vẫn còn mang nặng tình quê hương, một thời gian ngắn sau, Đan Thọ lại cho ra đời nhạc phẩm “Tình Quê Hương”, phổ từ một bài thơ của Phan Lạc Tiếp.
CHIỀU TÍM
Một thời gian ngắn sau khi vào đến Sài Gòn năm 1956, Đan Thọ đã trở thành nổi tiếng ngay sau khi ông phổ nhạc thành ca khúc một thi phẩm của Đinh Hùng mang tựa đề “Chiều Tím”. Nhạc phẩm này cho đến nay đã được rất nhiều ca sĩ thuộc nhiều thế hệ ở hải ngọai cũng như trong nước trình bầy. Và đó cũng là nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi Đan Thọ với âm điệu du dương và tình tứ đã làm say mê bất cứ ai có dịp thưởng thức.
“Chiều Tím” cũng còn có thể được coi là một trong những nhạc phẩm đặc sắc của nền tân nhạc Việt Nam. Trước khi xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75, Đan Thọ chỉ còn viết thêm 2 nhạc phẩm nữa ở trong nước là “Mimosa Thôi Nở”, phổ thơ Nhất Tuấn và Xa Quê Hương, sọan chung với Xuân Tiên.
HOẠT ĐỘNG BIỂU DIỄN
Trong lãnh vực vũ trường, Đan Thọ là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu nhất. Trước ngày đất nước chia đôi, ông đã từng với nhạc sĩ Nguyễn Túc trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội. Vừa vào đến Sài Gòn, ông đã được mời cộng tác ngay với vũ trường “Grand Monde” tức “Đại Thế Giới”. Năm 57 ông qua vũ trường Đại Nam cộng tác với ban nhạc gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.
Đến năm 62, vì lệnh cấm khiêu vũ nên ban nhạc này đổi qua trình diễn nhạc Jazz với một thành phần gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện và Huỳnh Anh. Đối với khán giả Việt Nam thời đó, trình diễn nhạc Jazz là một điều mới mẻ. Do đó ban nhạc của vũ trường Đại Nam đã lôi cuốn được rất nhiều người đến thưởng thức.
Một thời gian sau ông về vũ trường “Croix Du Sud” , sau đó đổi tên là “Tự Do”. Tại đây ông cộng tác với các nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Thanh, Văn Ba, vv… Sau đó ông được giải ngũ vào năm 1969 để sang cộng tác với vũ trường Mỹ Phụng cho đến năm 72 và sau đó là phòng trà Bồng Lai.
Tại miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 75, trong rất nhiều năm, bóng dáng Đan Thọ với cây vĩ cầm hoặc với cây kèn saxo đã là một hình ảnh quen thuộc với những người lui tới các phòng trà và vũ trường về đêm.
Sinh hoạt hàng ngày trong thời gian cộng tác với đài quân đội của Đan Thọ song song với việc chơi nhạc tại các dancing đã chiếm gần như hết cả thời gian dành cho gia đình. Từ 8 giờ sáng cho đến trước 12 giờ trưa ông ở đài Quân Đội, sau đó chạy sang đài Sài Gòn thu thanh trực tiếp với nhiều ban nhạc, mỗi ban nửa tiếng.
Sau đó về nhà ăn cơm, rồi lại trở về đài quân đội cho đến 5 giờ 30, rồi lại chạy sang đài Sài Gòn chơi cho những ban Vũ Huyến, Mạnh Phát, Võ Đức Tuyết, Võ Đức Thu. Sau đó trở về nhà ăn cơm vào khoảng 7, 8 giờ, nghỉ ngơi đến 9 giờ tối ông lại bắt đầu đi làm tại dancing Đại Nam cho đến 2 giờ sáng.
Qua đến những năm cuối thập niên 60, Đan Thọ trở thành một thành viên nồng cốt của ban nhạc The Shotguns do nhạc sĩ Ngọc Chánh thành lập để trình diễn tại vũ trường cũng như thu băng cho trung tâm thực hiện băng nhạc của nhạc sĩ này. Sau này tại hải ngọai, Đan Thọ chỉ viết một ca khúc độc nhất mang tựa đề “Dương Cầm”, dựa trên ý thơ của người con rể là Mùi Quý Bồng. Cảm hứng đã đến với ông khi nhìn cô cháu ngoại lướt những ngón tay nhỏ nhắn trên phím dương cầm.
Sau năm 75, Đan Thọ cộng tác vơi ban nhạc của Đoàn Kịch Nói Kim Cương gồm trên 10 nhạc sĩ. Trong đó, ngoài ông, còn có những nhạc sĩ Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Phạm Văn Phúc, Đài Trang, Đặng Văn Hiền, vv… Ông từng cùng với Đoàn Kịch Nói Kim Cương ra Hà Nội trình diễn vào năm 1980 trong vòng một tháng với nhiều thành công tốt đẹp.
Trong thời gian còn ở lại Việt Nam, ông đã cùng với ban nhạc này đi diễn ở nhiều nơi như Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, vv… Cho đến năm 80 ông quyết định xin nghỉ. Có thể nói đúng hơn là nhạc sĩ Đan Thọ đã không còn tìm thấy được nguồn vui trong nghệ thuật sau khi ông ngưng cộng tác với đoàn Kim Cương vào năm 1980, để sau đó ông dành cả thì giờ của mình cho gia đình cùng với thú nuôi chim yến của ông và đã từng đoạt giải thưởng.
Tuy không còn đi lưu diễn nhưng Đan Thọ chưa có thể xa rời sân khấu. Mặc dù sống dưới những sự đổi thay của xã hội, nhưng thời gian này đối với ông có những kỷ niệm khó quên. Cùng với nhạc sĩ Cao Phi Long và một số nhạc sĩ khác như Trí, Hòa, vv…, ông được mời cộng tác với vũ trường Maxim’s ở trên lầu.
Tại địa điểm này Đan Thọ và các nhạc sĩ trong ban đã khiến khán giả thích thú với nghệ thuật trình bầy loại nhạc Zigane, trong số có rất nhiều khán giả người ngoại quốc thuộc các nước xã hội chủ nghĩa. Đêm cuối cùng trước khi ngưng cộng tác với Maxim’s để ngày hôm sau rời khỏi Việt Nam, phái đoàn Hungary thường đến nghe ban nhạc của ông biểu diễn đã mang hoa lên tặng ông và hôm sau còn đến tận nhà ông tặng thêm, vì ban nhạc thường đàn bài “Danse Hongroise No 5” của Brahms rất được người Hungary ưa thích.
CUỘC SỐNG NƠI HẢI NGOẠI
Sau khi rời Việt Nam qua đến Bangkok vào cuối tháng 2 năm 85, Đan Thọ cũng nhờ chơi nhạc mới được sang New Orleans, tiểu bang Louisiana vào khoảng đầu tháng 3 cùng năm.
Louisiana là nơi vợ chồng người con gái ông cư ngụ từ lâu trong khi đáng lẽ gia đình ông phải đi Washington D.C. do một người em của vợ ông bảo lãnh. Đan Thọ lấy lý do sợ cái lạnh của vùng đông bắc Hoa Kỳ nên đã xin với phái đoàn phụ trách sắp xếp chuyến bay để qua sống tại New Orleans trước khi dời qua California một thời gian ngắn sau, trước khi quay trở lại sống ở New Orleans vào năm 1997.
Với hai nhạc phẩm “Red Eyes Are Smiling” và “Lòng Mẹ”, tiếng đàn vĩ cầm của Đan Thọ đã khiến cho những nhân viên Mỹ cũng như Việt của phái đoàn này cảm động để sau đó chiều theo lời đề nghị của ông.
Những năm tháng ở Orange County, nhạc sĩ Đan Thọ với số tuổi lúc đó đã ngoài 60, nhưng vẫn cùng với vợ xông xáo đi làm. Trước đó, ông từng hy vọng sau khi ra đến hải ngoại sẽ tìm lại được hứng thú với những bạn bè cùng thời. Nhưng với cuộc sống chạy theo kim đồng hồ ở một xã hội máy móc và do sự đòi hỏi của cuộc sống, cả hai ông bà cũng đã phải trải qua một giai đoạn vất vả với những công việc mưu sinh.
Ông làm việc trong công ty General Ribbon chuyên hãng sản xuất “ruy-băng” cho máy điện toán. Vợ ông, sau khi thất bại trong việc khai thác một tiệm ăn, cũng đã vào làm cùng hãng với ông một thời gian trước khi cả hai ngưng nghỉ sau khi đã tỏ ra là những nhân viên siêng năng và cần mẫn. Riêng ông, cuối tuần vẫn chơi nhạc tại vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Đến năm 95, Đan Thọ chính thức tuyên bố giải nghệ trong một đêm văn nghệ, tổ chức vào tối 30 tháng 6 tại vũ trường Ritz để đánh dấu quá trình hoạt động âm nhạc của ông. Vì theo Đan Thọ, sự cống hiến cho âm nhạc của ông đã quá đủ. Hơn nữa tuổi tác và sức khỏe của ông không còn cho phép ông đi theo con đường nghệ thuật.
Nhớ lại khoảng thời gian dài hoạt động không ngưng nghỉ của người chồng nghệ sĩ, bà Đan Thọ cũng đã phải khâm phục sức làm việc của ông. Điều đó cũng đã chứng tỏ được sự thông cảm lớn lao của bà khi Đan Thọ dấn thân vào con đường phục vụ âm nhạc.
Đáng ghi nhận hơn cả là thời gian ông còn ở Sài Gòn: “Chưa bao giờ ông ấy có mặt ở nhà trước 2 giờ sáng… Từ sáng cho đến 2 giờ đêm, ông ấy ở đâu chứ không ở nhà”. Với một vẻ âu yếm, bà nói thêm “Ông ấy muốn làm gì ông ấy cứ việc làm, nhưng mà 2 giờ tôi cứ ngồi đợi cửa. Không bao giờ tôi đi ngủ trước, mấy chục năm như vậy. Thành ra ông ấy đâu có dám đi đâu vì biết tôi ngồi đợi cửa mà!”, như lời kể của bà Đan Thọ.
Một điều không ai ngờ là trong suốt quá trình hoạt động của Đan Thọ, hầu như chưa hề ai thấy mặt vợ ông tại vũ trường cũng như tại các đài phát thanh ông cộng tác. Hai vợ chồng nhạc sĩ Đan Thọ hiện đang hưởng những chuỗi ngày nhàn hạ, nương tựa nhau trong lúc xế chiều tại Houston với sự thường xuyên liên lạc hay gặp gỡ con cháu từ Tampa đến Houston.
Khá nhiều bạn bè nghệ sĩ cùng thời với ông đã nhắm mắt xuôi tay. Riêng Đan Thọ còn đây trong những buổi chiều tím của cuộc đời. Chắc hẳn người nhạc sĩ lão thành đang mỉm cười mãn nguyện với những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, trong vai trò một nhạc sĩ sáng tác và nhất là một nhạc sĩ trình diễn bên cạnh cây vĩ cầm, giờ đây đã im tiếng. Còn chăng chỉ còn là vang vọng dư âm của những ngày xưa cũ…
Trong số những nhạc sỹ sống ở miền Nam viết về đề tài lính và chiến tranh, nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã để lại những dấu ấn sâu đậm khó phai mờ. Ông không quá thi vị đời lính như Trần Thiện Thanh, cũng không phản chiến mạnh mẽ như Trịnh Công Sơn. Thế nhưng với “Trăng Tàn Trên Hè Phố” hay “Những Ngày Xưa Thân Ái”, một thế hệ thanh niên miền Nam và ngay cả thế hệ sau 1975 như chúng tôi phần nào cảm nhận được thế nào là chiến tranh, là hy sinh mất mát nhưng trên hết là tình người, tình anh em.
Nhưng ít người biết rằng bản “Những Ngày Xưa Thân Ái” nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ đã lấy ý trong một bài thơ của chính người anh ruột là nhà thơ Phạm Hổ.
https://www.youtube.com/watch?v=8paW4o6vAv4
PHẠM THẾ MỸ & PHẠM HỔ: HAI ANH EM Ở HAI BÊN CHIẾN TUYẾN (Theo TuoiTre.vn)
Phạm Hổ đi tập kết ra miền Bắc, hoạt động văn chương, trở thành nhà thơ, có đóng góp đặc biệt trong văn học viết cho thiếu nhi. Còn Phạm Thế Mỹ ở lại miền Nam, viết nhạc, làm thơ, là một khuôn mặt được yêu mến trong phong trào văn nghệ phản chiến, đòi hòa bình, thống nhất đất nước.
Công chúng Sài Gòn những năm tháng đó còn nhớ những ca khúc rất phổ biến của Phạm Thế Mỹ như Áo lụa vàng, Tóc mây, Thuyền hoa, Bông hồng cài áo, Bóng mát, Đưa em về quê hương, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Nắng lên xóm nghèo, Tàu về quê ngoại, Người về thành phố…; cùng tập nhạc Trái tim Việt Nam và hai trường ca Lửa thiêng, Con đường trước mặt.
Khi Phạm Hổ in tập thơ Những ngày xưa thân ái ở miền Bắc thì ở miền Nam Phạm Thế Mỹ cũng sáng tác một bài hát cùng tên với ca từ rất đẹp: “Tôi về qua xóm nhỏ. Con đò nay đã già. Nghe tin anh gục ngã. Dừng chân quán năm xưa. Uống nước dừa hay nước mắt quê hương”.
Phạm Thế Mỹ đem thơ Phạm Hổ đăng cạnh thơ mình trên báo Đối Diện, còn thơ của chính ông thì có lần bị tịch thu và bị đưa ra tòa. Sau ngày đất nước đoàn tụ, Sài Gòn và Hà Nội chứng kiến cuộc tái ngộ của anh em Phạm Hổ – Phạm Thế Mỹ.
Bài thơ “Những Ngày Xưa Thân Ái” của Phạm Hổ
Tôi bắn hắn rồi Những ngày xưa thân ái Không ngăn nổi tay tôi Những ngày xưa thân ái Chắc hắn quên rồi Riêng tôi, tôi nhớ: Đồng làng mênh mông biển lúa Sương mai đáp trắng cỏ đường Hai đứa tôi, Sách vở cặp chung Áo quần nhàu giấc ngủ Song song bước nhỏ chân trần Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn Nón rộng hỏng quai Trong túi hộp diêm nhốt dế Những ngày xưa êm đẹp thế Không đem chung hai đứa một ngày mai Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay Tôi buồn tôi giận, Đêm nay gặp hắn, Tôi bắn hắn rồi Những ngày xưa thân ái Không ngăn nổi tay tôi Xác hắn nằm bờ ruộng Không phải hắn thuở xưa Tôi cúi nhìn mặt hắn Tiếc hắn thời ấu thơ.
BẢN NHẠC “NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI” CỦA PHẠM THẾ MỸ
DòngNhạcXưa không bình luận gì về bài thơ mà xin để quý vị tự nhận xét. Theo thiển ý của chúng tôi thì qua nét nhạc tài hoa của Phạm Thế Mỹ, nhạc phẩm “Những Ngày Xưa Thân Ái” trở nên lãng mạn và dạt dào tình người hơn bài thơ rất nhiều.
Những ngày xưa thân ái (Phạm Thế Mỹ). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com