Hòn Vọng Phu 2: Ai Xuôi Vạn Lý

Phần 2 của trường ca Hòn Vọng Phu là nỗi mong chồng đến tuyệt vọng của người cô phụ. Tạo hóa chắc cũng cảm động trước sự hy sinh của người phụ nữ trong thời phong kiến xa xưa nên đã ban tặng cho non sông Việt Nam chúng ta nhiều tuyệt tác thiên nhiên mang tính biểu tượng cho nỗi niềm “vọng phu”. Xem thêm Wikipedia

Ở đây nhạc sỹ Lê Thương đã lồng ghép hình ảnh hòn vọng phu với dãy Trường Sơn chạy dọc đất nước và chín nhánh sông Cửu Long, vẽ nên một bức tranh hùng vỹ, gợi nhớ về một thời cha ông chúng ta đã đổ máu để gìn giữ và mở mang bờ cõi.

Hòn Vọng Phu 1: Đoàn Người Ra Đi

Nối tiếp chủ đề “Trường ca”, hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý vị yêu nhạc xưa bản thứ nhất trong chuỗi ba bản “Hòn Vọng Phu” của cố nhạc sỹ Lê Thương (1914-1996), một trong những cây đại thụ có công khai sáng nền tân nhạc Việt Nam. Mượn hình ảnh “hòn vọng phu”, Lê Thương đã tài tình kết hợp âm nhạc ngũ cung của dân tộc với giai điệu hiện đại của tân nhạc để cho ra đời bản trường ca đầu tiên và cũng được xưng tụng là hay nhất trong nền nhạc Việt.

Trong phần 1, còn có tên “Đoàn người ra đi”, qua nét nhạc hào hùng và lời ca bi tráng, chúng ta nhưng thấy hết được hồn thiêng sông núi qua buổi xuất quân của các bậc tiền nhân.

Trần Trịnh: một đời bên phím dương cầm

Trần Trịnh | Nghệ sỹ và đời sống | Trường Kỳ || 21/10/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Như một nén hương thắp cho linh hồn nhạc sỹ Trần Trịnh, [dongnhacxua.com] trân trọng gởi đến quý vị yêu nhạc xưa bài phỏng vấn của cố nhạc sỹ, ký giả Trường Kỳ thực hiện cho chuyên mục “Nghệ sỹ & Đời sống” của đài VOA Hoa Kỳ.

Bấm vào đây để nghe toàn bộ bài phỏng vấn này

Không những là một nhạc sĩ sáng tác, Trần Trịnh còn là một trong những nhạc sĩ  có nhiêu gắn bó nhất với lãnh vực phòng trà và vũ trường của Sài Gòn về đêm trước năm 75. Nhắc đến Trần Trịnh, không ai quên được nhạc phẩm Lệ Đá (do Hà Huyền Chi viết lời) đã dính liền với cuộc đời sáng tác của ông.  Ngoài nhạc phẩm điển hình đó, Trần Trịnh còn là tác giả của nhiều nhạc phẩm đặc sắc khác, trong số có nhiều bài cùng với hai người bạn nghệ sĩ là Nhật Ngân và Lâm Đệ được ký dưới tên Trịnh Lâm Ngân trong những thập niên 60 và 70.

Trần Trịnh & Nhật Ngân lúc trẻ

Tuy đã bước vào lớp tuổi 70, nhưng Trần Trịnh vẫn còn nhớ rành mạch rất nhiều chi tiết khi tâm sự với người viết về quá trình hoạt động âm nhạc lâu dài của ông cùng với cuộc sống tình cảm trong cuộc sống thăng trầm của một người nghệ sĩ chịu một ảnh hưởng lớn của nền văn hoá Tây Phương.
 
Với một giọng kể chuyện say mê, Trần Trịnh cho biết âm nhạc đã quyến rũ ông mãnh liệt khi theo học chương trình Pháp tại trường Taberd Sài Gòn trong suốt 10 năm, từ năm 1945 cho đến khi ra trường vào năm 1955 với mảnh bằng Bacc 2 (Tú Tài 2 Pháp). 
 
Nhưng niềm đam mê nơi ông đã gặp một trở ngại lớn là sự không đồng ý của bố mẹ để chấp thuận cho ông theo ngành âm nhạc, ngoài những giờ học nhạc trong chương trình của trường. 
 
Mặc dù là một nhân viên của tòa đại sứ Pháp theo tây học, nhưng thân phụ ông vẫn tỏ ra không mấy  có cảm tình với cuộc đời nghệ sĩ. Và mẹ ông, một phụ nữ người Lào – vợ sau của thân phụ ông – cũng chẳng tỏ ra khuyến khích cậu con trai út trong số 3 người con của mình. 
 
Tuy vậy, cậu học sinh tên thật là Trần Văn Lượng, sinh năm 1936 tại Hà Nội vẫn luôn ấp ủ giấc mơ đến với âm nhạc một ngày nào đó. Trong những năm học ở Taberd, Trần Trịnh đã rất khâm phục sư huynh Rémi mang họ Trịnh, trong những giờ học nhạc do ngài phụ trách. Sư huynh Rémi đã trở thành thần tượng của ông để ông ghép họ của mình với họ của sư huynh Rémi là Trịnh thành nghệ danh Trần Trịnh ngay từ khi sáng tác nhạc phẩm đầu tiên.
 
Thật ra Trần Trịnh đã mon men đến với lãnh vực sáng tác từ khi mới 14 tuổi nhờ có khả năng thiên phú cộng với một đầu óc nhận xét nhạy bén trong khi theo học những giờ  nhạc do sư huynh Rémi hướng dẫn.
 
Sáng tác đầu tiên của ông là Cung Đàn Muôn Điệu, được viết vào năm 1950 là năm ông được 14 tuổi. Nhưng mãi đến năm 17 tuổi mới được phổ biến bởi nhà xuất bản An Phú. Ba năm sau, vào năm 1956, nhạc phẩm này lại đã được nhà xuất bản Diên Hồng tái bản. 
 
Sau đó, nhạc phẩm này còn được dùng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc cùng với bài Chuyến Xe Về Nam, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 55. Cũng trong năm 1956, Trần Trịnh lại cho ra đời thêm một nhạc phẩm khác là Viết Trên Đường Nở Hoa.
 
Sau khi đậu bằng Bacc 2 vào năm 1955, Trần Trịnh được gia đình gửi lên vừa học vừa làm tại Nha Kiến Trúc Đà Lạt. Qua năm 1957, ông thi hành nghĩa vụ quân dịch khóa đầu tiên là khoá Ngô Đình Diệm tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Đánh dấu cho dịp này, ông đã viết bài Đôi Mươi, do Anh Ngọc trình bày lần đầu tiên.
 
Trần Trịnh đã phục vụ 2 tháng ở liên đoàn A và 2 tháng ở liên đoàn B và sau đó vào phục vụ trong ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến khi về. Trong thời gian đó, ông đã phổ nhạc cho bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn. 
 
Sau khi được trở về nguyên quán vào năm 58, Trần Trịnh thực hiện giấc mơ của mình khi ghi tên theo học với thần tượng âm nhạc của ông là sư huynh Rémi, tiến sĩ âm nhạc ở Rome và cũng là tác giả nhạc hiệu của Institution Taberd. 
 
Khi học tại trường, khi học tại cư xá của các sư huynh dòng La San tại Thanh Đa, Trần Trịnh đã được huấn luyện về âm nhạc trong suốt 9 năm trời – từ năm 58 đên năm 67 – nên đã có được một căn bản vững vàng về nhạc pháp cũng như về nghệ thuật sử dụng piano.  
 
Và tuy đã thi hành xong nghĩa vụ quân dịch, nhưng với lòng mê thích âm nhạc, Trần Trịnh vẫn tình nguyện tham gia vào những công tác văn nghệ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung trong mục đích ủy lạo các binh sĩ.  Cũng với  ban văn nghệ này, Trần Trịnh đã gặp Nhật Ngân 7 năm sau đó khi nhạc sĩ này thi hành quân dịch ở đây.
 
Vào những năm học nhạc cuối cùng với sư huynh Rémi, Trần Trịnh đã bắt đầu đi tìm việc làm tại các phòng trà trong vai trò nhạc công sử dụng piano. Sở dĩ ông chọn phòng trà là do ảnh hưởng từ khi còn nhỏ đã bị tiêm nhiễm nhạc dancing và thuộc rất nhiều nhạc khiêu vũ trong thời gian gia đình ông cư ngụ gần vũ trường Au Vieux Cambodge bên Khánh Hội.
 
Khởi đầu cuộc đời một nhạc công, Trần Trịnh cộng tác với một phòng trà nhỏ tên Lệ Liễu. Sau đó ông bước chân đến với phòng trà Bồng Lai.  Và dần dần được mời cộng tác với tât cả những phòng trà và vũ trường khác tại Sài Gòn.
 
Nhận biết được khả năng âm nhạc của Trần Trịnh sau suốt một thời gian dài cộng tác với ban văn nghệ, đại úy Quốc Hùng, trưởng ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đã vận động xin được cho ông một chương trình ca nhạc trên đài truyền hình Việt Nam vào năm 67, sau khi sư huynh Rémi qua đời.  
 
Từ đó Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng của ban văn nghệ Đống Đa, cùng với ban Vũ Thành và Tiếng Tơ Đồng là 3 ban văn nghệ truyền hình có giá trị nhất vào giai đoạn đó. Riêng ban Đống Đa của Trần Trịnh đã qui tụ được trên 50 nhạc sĩ và một ban hợp ca trên 100 thành viên.
 
Đến năm 68, nhạc sĩ Trần Trịnh được một người bạn là một nhạc sĩ sử dụng kèn giới thiệu với thi sĩ  Hà Huyền Chi, lúc đó đang phục vụ ở phòng báo chí cục Tâm Lý Chiến trong giai đoạn cắm trại 100% sau biến cố Mậu Thân. Hai người nói chuyện với nhau suốt sáng. Và trong một lúc, Trần Trịnh đã lục trong số những bản nhạc do ông sáng tác ra một bản nhạc, sau này trở thành nổi tiếng là Lệ Đá do Hà Huyền Chi viết lời…
 
Được biết Trần Trịnh cũng đã nhập ngũ từ năm 65 và phục vụ tại đài phát thanh Quân Đội thuộc phòng Tâm Lý Chiến. Ông đã không gia nhập khóa sĩ quan để xin được phục vụ tại đây với điều kiện được chơi nhạc tại phòng trà và vũ trường vào buổi tối…
 
Trong một lần tham gia công tác văn nghệ tại Bình Long vào năm 1964, Trần Trịnh quen với Mai Lệ Huyền, lúc đó là thành viên trong ban văn nghệ của tỉnh do nhạc sĩ Bắc Sơn làm trưởng ban.  
 
Thời kỳ này Mai Lệ Huyền theo thân phụ sống ở Bình Long vì gia đình chị sở hữu một số đồn điền ở đây ngoài ngôi nhà ở Sài Gòn. Sau khi trở về, hai người thư từ qua lại với nhau và đi dần đến những tình cảm đậm đà.  
 
Trần Trịnh sau đó đề nghị Mai Lệ Huyền về Sài Gòn sống để được gần gũi nhau hơn. Mai Lê Huyền nhận lời. Và chỉ một thời gian ngắn sau tình yêu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ đã chuyển thành tình vợ chồng cũng trong năm 1964. Họ có với nhau một con gái tên Lê Trinh, sinh năm 1965, hiện là một ca sĩ ở Sài Gòn.
 
Sau khi thành vợ chồng, Trần Trịnh đã giới thiệu Mai Lệ Huyền đi hát ở tất cả những phòng trà và vũ trường ông cộng tác, cũng khởi đầu với phòng trà Lệ Liễu. Nhận thấy giọng hát của Mai Lệ Huyền thích hợp với thể loại nhạc tươi vui nên sau đó ông đã cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác một thể loại nhạc kích động để vợ mình trình bầy cùng với Hùng Cường như Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, vv…

Hùng Cường & Mai Lệ Huyền

Và chính nhờ ở những nhạc phẩm Trần Trịnh vừa kể được ký dưới tên Trịnh Lâm Ngân, cặp song ca kích động nhạc Hùng Cường-Mai Lệ Huyền đã gặt hái được những thành công đáng kể để được mệnh danh là “Cặp Sóng Thần”, một thời làm mưa làm gió trên các sân khấu đại nhạc hội ở Sài Gòn.

Sau hơn 10 năm sống bên nhau, Mai Lệ Huyền đã từ giã chồng con ra đi vào tháng 4 năm 75, trong khi ông không thể đi cùng để bỏ lại song thân đã cao tuổi, cũng là hai người đã nuôi đứa cháu nội từ khi mới lọt lòng. Hai người coi như xa nhau từ đấy.
 
Hai năm sau khi rời khỏi Việt Nam, Mai Lệ Huyền viết thư về cho con gái, đại ý khuyên Trần Trịnh bước thêm một bước nữa trong khi chị cũng đã đi đến quyết định như vậy.
 
Vào năm 1977, Trần Trịnh lập gia đình lần thứ hai.  Người vợ sau của ông đã cho ông 3 người con trai. Nhưng chả may người con đầu bị thiệt mạng trong một lần đi tắm sông với bạn bè khi mới được 17 tuổi. 
 
Người con thứ nhì của vợ chồng nhạc sĩ Trần Trịnh năm nay 24 tuổi hiên đang phục vụ trong binh chủng hải quân Hoa Kỳ, có khả năng sử dụng kèn trumpet. Trong khi người con út năm nay 22 tuổi cũng rất thích nhạc nhưng không có khuynh hướng đi theo con đường của bố.
 
Sau biến cố tháng 4 năm 75, Trần Trịnh không còn mấy quan tâm đến công việc sáng tác. Ông chỉ chú trọng đến việc cộng tác với hết đoàn hát này đến đoàn cải lương hay gánh xiệc khác để mưu sinh.  
 
Khởi đầu, ông cộng tác với đoàn cải lương Cửu Long cùng với tay trống Phùng Trọng và vài nhạc sĩ khác. Liên tiếp nhiều năm sau, ông đã đàn piano cho rất nhiều đoàn khác trong những chuyến lưu diễn liên miên tại khắp các tỉnh ở Việt Nam. 
 
Mãi đến năm 1982, khi các phòng trà được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về Sài Gòn làm nhạc trưởng tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn là nơi ông đã từng giữ vai trò then chốt về chương trình từ khi mới khai trương vào đầu thập niên 70.  Đây có thể coi như một ban nhạc có một thành phần đông đảo nhất với 11 nhạc sĩ.
 
Liên tục đóng đô tại phòng trà (sau là vũ trường) Đệ Nhất Khách Sạn suốt gần 10 năm, Trần Trịnh sang cộng tác với vũ trường Maxim’s vào năm 1991.  
 
Nhưng sau hơn 3 năm, ông đã xin nghỉ khi bị tai nạn khi ông đang chạy trên một chiếc xe gắn máy khiến ông bị thương nặng ở chân. Do tai nạn đó, đến nay Trần Trịnh vẫn cần phải dùng gậy trong việc đi đứng. 
 
Sau khi tĩnh dưỡng 6 tháng, vợ chồng Trần Trịnh cùng 2 con lên đuờng sang Mỹ theo diện ODP vào tháng 10 năm 1995 bằng sự bảo lãnh của người chị ruột ông là vợ của cố giáo sư Nguyễn Đình Hòa, được biết đến như một phụ nữ Việt Nam đầu tiên sinh con trên đất Mỹ vào năm 1952, từng được báo chí Mỹ thời đó đề cập tới.
 
Nhưng chỉ sau 3 tháng ở với gia đình người chị ở San Francisco, gia đình Trần Trịnh quyết định dời xuống Orange County. Một mặt không muốn là một gánh nặng cho vợ chồng người chị, lúc đó đã lớn tuổi cùng với tình trạng sức khoẻ không được khả quan. 
 
Mặt khác, môi trường hoạt động âm nhạc của Trần Trịnh sẽ có cơ hội phát triển hơn ở nơi được coi là thủ đô của ca nhạc Việt Nam hải ngoại.
 
Nhưng thật sự hoạt động của ông chỉ duy trì được một tầm mức trung bình trong thời gian đầu, khi mà ông còn kiếm được lợi nhuận nhờ làm hoà âm cho một số trung tâm nhạc ở nam California. 
 
Nhưng chỉ một thời gian sau, khi tình trạng băng đĩa từ Việt Nam càng ngày càng đổ qua ào ạt khiến nhiều trung tâm nhạc cũng như nghệ sĩ độc lập phải chùn bước trước trước sự cạnh tranh đáng ngại này. Bởi vậy, khả năng âm nhạc của ông cũng đã không còn được sử dụng.
 
Tài năng ấy bây giờ chỉ nhắm vào việc hoạt động trong một ban nhạc có tên là The Stars Band gồm một số nhạc sĩ lớn tuổi, hợp nhau lại để trình diễn trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng.

Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền (accordeon), Nhạc Sĩ Trần Trịnh (keyboard) và ban nhạc The Stars Band: Eric, Trần Minh, Châu Hiệp, Lý Văn Quý, Phạm Gia Cổn, Thanh Hùng. Photo: CoThomMagazine.com

Ngoài Trần Trịnh, The Stars Band còn có các ca nhạc sĩ Quang Anh, Thanh Hùng, Phạm Gia Cổn (cũng là một vị võ sư!), vv… Không kể trước đó còn có nhạc sĩ Ngọc Bích cùng sự tham gia đặc biệt của nhạc sĩ  Nguyễn Hiền, mà nay cả hai đã vĩnh viễn ra đi.
Hiện nay Trần Trịnh chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu nhạc để viết cho ban Stars Band trình diễn. Kết quả là nhạc phẩm mang tên Stars Band của ông đã được một trung tâm nhạc của Mỹ thu thanh trên một CD và mới tung ra thị trường vào tháng 11 năm 2006…
 
Gần đây, một nhạc phẩm hoà tấu do ông là tác giả cũng đã được trung  tâm nhạc HillTops của Hoa Kỳ ở Hollywood thu vào CD đã được phát hành rộng rãi khắp nơi.  Đó là nhạc phẩm mang tựa đề Forget Me Not.
 
Cuộc sống hiện nay của Trần Trịnh tương đối vất vả, nhất là vợ ông lại mang một căn bệnh hiểm nghèo, tưởng đã không qua khỏi sau khi giải phẫu vào tháng 6 năm 2006 vừa qua. Tuy vậy Trần Trịnh không tỏ ra bi quan, ngoài việc lo âu những điều không may xẩy ra với ông và gia đình…
 
Tuy không còn nhiều hứng thú trong việc sáng tác, nhưng gần đây Trần Trịnh đã bất chợt tìm lại được nguồn rung cảm khi được thưởng thức lại bài thơ ông từng học thời trung học là La Dernière Feuille của thi sĩ Théophile Gauthier do người con nuôi ông tình cờ tìm thấy.  Liền sau đó, ông đã phổ thành ca khúc bài thơ bất hủ này…
 
Đối với Trần Trịnh, La Dernière Feuille tức Chiếc Lá Cuối Cùng cũng chính là nhạc phẩm cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.  Nhưng dòng nhạc của riêng ông cũng như của Trịnh Lâm Ngân vẫn sẽ mãi được coi là một dòng nhạc đã có những đóng góp đáng kể cho nền tân nhạc Việt Nam.  
 
Đó là chưa kể ngón đàn dương cầm của ông khó có thể phai mờ trong tâm hồn những khách quen thuộc trong thời kỳ vàng son của vũ truờng Sài Gòn ngày nào…

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Trần Trịnh (1937-2012)

Trần Trịnh | Vĩnh biệt || 18/10/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

[dongnhacxua.com] xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến của nhà nhạc sỹ đáng kính của chúng ta. Mong linh hồn ông mau về cõi vĩnh hằng!

Source: CoThomMagazine

[footer]

Nhạc sỹ Chung Quân (1936-1988) & Làng tôi

Nhạc sỹ Chung Quân là một trong số những nhạc sỹ chỉ để lại cho đời một vài tác phẩm nhưng lại là những sáng tác để đời. Tác phẩm mà Dòng Nhạc Xưa muốn nói đến là “Làng tôi”, một nhạc phẩm đẹp từ giai điệu đến ca từ.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ CHUNG QUÂN
(Nguồn: Wikipedia)

Nhạc sỹ Chung Quân. Ảnh: hopamviet.vn

Chung Quân tên thật là Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1936.

Năm 1952, khi mới 16 tuổi, bản Làng tôi của ông đã giành được giải của công ty điện ảnh, tuồng cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp hoa, một trong số ít những phim Việt Nam thực hiện trong thời kỳ này.

Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc…

Cũng khoảng thời gian 1955 – 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.

Theo một vài bài viết của các học trò nhạc sĩ Chung Quân thì trước 1975, ông từng học tại New York, sau đó tốt nghiệp tiến sĩ văn chương tại Anh.

Sau năm 1975 ông ở lại Việt Nam và qua đời vào năm 1988.

Lê Tấn Quốc: Tiếng kèn từ vùng tăm tối

Lê Tấn Quốc | Nghệ Sỹ & Đời Sống | Trường Kỳ || 23/08/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Nếu có dịp nghe những bản hòa tấu saxo của nhạc sỹ Lê Tấn Quốc giữa không gian thanh vắng của Sài Gòn về đêm thì quý vị mới thấy hết sự da diết và sâu lắng trong từng làn hơi của người nhạc sỹ khiếm thị này. [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến bạn yêu nhạc bài phỏng vấn của cố ký giả Trường Kỳ với nhạc sỹ Lê Tấn Quốc trong một chuyên mục “Nghê Sỹ & Đời Sống” cách đây ít lâu. Source: VOA

 Mời quí vị bấm vào đường dẫn để nghe toàn bộ bài viết.

Trong sinh họat về đêm ở Sài Gòn, trước cũng như sau năm 75, Lê Tấn Quốc là một nhạc sĩ sử dụng kèn được nhiều nguời biết tới. Một phần vì sự điêu luyện của anh qua các lọai kèn saxo, nổi bật hơn cả là Tenor sax. Phần khác, anh là một nhạc sĩ khiếm thị, nhưng tài nghệ đã khiến nhiều người trong nghề nể phục. Và cũng do đó mà cuộc hôn nhân giữa anh và nữ ca sĩ Họa Mi đi tới đổ vỡ. Câu chuyện gia đình giữa một nhạc sĩ kèn khiếm thị và nữ ca sĩ nổi tiếng này đã có một thời kỳ gây ồn ào dư luận. Câu chuyện được Lê Tấn Quốc trình bày rõ hơn qua bài viết này.

 Lê Tấn Quốc sinh tại Sài Gòn năm 1953. Song thân anh có 7 người con, không kể một số con riêng của cha anh với 2 đời vợ trước. Lê Tấn Quốc còn có hai người anh cũng là những nhạc sĩ quen thuộc của các vũ trường Sài Gòn từ rất lâu, biệt danh là Paul và Jacques.

  web_le_tan_quoc.jpg

 Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc

Lê Tấn Quốc theo học nhạc với nhạc sĩ Sáu Già khi mới lên 11 tuổi. Thoạt đầu, Lê Tấn Quốc được chỉ dẫn về sáo, rồi sau mới chuyển qua saxophone soprano, rồi đến alto trước khi khởi sự đi làm với cây Tenor sax khi 15 tuổi cho một club Đại Hàn trên đường Duy Tân.  Cây kèn Tenor Sax đầu tiên trong đời anh do một người cậu cho mượn để mua lại từ nhạc sĩ Xuân Khuê.  Đó là một kỷ niệm anh không sao quên được sau 40  năm lăn lộn trong nghề. Thời gian mới vào nghề, nhờ được học hỏi thêm nơi những cây kèn đàn anh như  Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, vv… tài nghệ của Lê Tấn Quốc  càng ngày càng tỏ ra điêu luyện. Nơi cộng tác kế tiếp của anh là phòng trà Văn Hoa, do nhạc sĩ Bảo Thu khai thác. Song song với vai trò nhạc công tại các phòng trà, Lê Tấn Quốc theo học trung học tại trường Kiến Thiết cho đến khi có được mảnh bằng Tú Tài 2. Lê Tấn Quốc cho biết anh muốn theo học ngành Y thay vì học Văn Khoa. Nhưng lúc đó đôi mắt anh đã bắt đầu có dấu hiệu xấu… Lê Tấn Quốc buộc phải bỏ học dở dang.

 Bệnh mắt của Lê Tấn Quốc được giới Y Khoa trong nước gọi là Viêm Võng Mạc Sắc Tố. Anhø chỉ còn thấy lờ mờ. Những năm sau này bệnh trở nặng hơn. “Làm việc trong  vũ trường tối hù, chỉ thấy nhá nhem bóng đèn. Hồi xưa thì còn thấy được như vậy. Nhưng bây giờ thì không. Hồi làm ở quán Thanh Niên suốt 13 năm, nhìn đèn xanh đỏ thì thấy mờ mờ mà không thấy khách ngồi.”

Cà phê Thanh Niên có chương trình ca nhạc hàng đêm cho đến cách đây hơn 2 năm. Gần đây anh được chủ nhân nhà hàng này mời về chơi trong một ban nhạc gồm 4 người trong chương trình nhạc hòa tấu vào mỗi đêm tại nhà hàng Maxim’s Nam An cho đến nay.

Lê Tấn Quốc còn cho biết thêm anh lập gia đình với Họa Mi năm 1976, qua năm 77 có con trai đầu  lòng anh vẫn có thể chạy xe gắn máy được. Lê Tấn Quốc quen Họa Mi vào năm 76 khi cả hai cùng là nghệ sĩ của đoàn văn nghệ Kim Cương. Quốc là thành viên của ban nhạc “The Shotguns” của đoàn, được tăng cường thêm 3 nhạc sĩ kỳ cựu là Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên và Đặng Công Hiền. Trong khi Họa Mi là ca sĩ với Sơn Ca, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Thanh Phong, Phương Đại, Thái Châu, Thanh Lan, vv…

web_le_tan_quoc2.jpg

Lê Tấn Quốc (trái) và Trường Kỳ

Lê Tấn Quốc làm với ban Kim Cương từ 75 đến 82, sau đó về Câu Lạc Bộ  của Hội Văn Nghệ Thành Phố cùng làm việc với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong thới gian bắt đầu có những tụ điểm ca nhạc. Sau đó về nhà hàng Maxim’s với 3 cha con Hoàng Liêm và Huỳnh Háo, Duy Hải và một số giáo sư nổi tiếng ở trường nhạc. Qua 85 anh về làm tại câu lạc bộ chợ Đũi (địa điểm của Trung Tâm Thương Nghiệp Quận 3) trong suốt 3 năm với Bảo Chấn và một số nhạc sĩ thành ban nhạc hòa tấu đầu tiên ở Sài Gòn dưới tên Thanh Xuân. Ban nhạc này từng nhiều lần đọat huy chương vàng về hòa tấu. Sau đó anh về cộng tác với vũ trường trên lầu Intershop tại thương xáø Crystal Palace.

Đến tháng giêng năm 88, Họa Mi sang Pháp trình diễn. Sau đó, Họa Mi đã quyết định ở lại và không hề báo cho Quốc biết trước quyết định này…

Lê Tấn Quốc tâm sự thêm là sau khi Họa Mi ra đi, anh biết là cuộc sống hôn nhân của anh đã chấm dứtù: “Khi Họa Mi đi coi như xong rồi, coi như tan vỡ rồi. Đó là định mệnh”. Và khi biết Họa Mi không trở lại Việt Nam: “Lúc đó mình thấy cũng hụt hẫng lắm. Đi làm về thấy 3 đứa con nằm ngủ lăn lóc rất tội nghiệp.”

Lê Tấn Quốc cho rằng Họa Mi đi Pháp ở là do tình trạng kinh tế khó khăn của gia đình chứ không có lý do gì khác. Vì sau đó vợ anh cũng đã hoàn tất thủ tục cho chồng con cùng sang đoàn tụ tại Pháp.

 Năm 1990, Lê Tấn Quốc cùng 3 con sang Pháp với Họa Mi. Vấn đề đầu tiên là hai người tìm cách chữa trị bệnh mắt của anh. Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị cho biết họ cũng bó tay.

 Sau vài tháng ở Pháp, Họa Mi đề nghị làm thủ tục để Quốc được hưởng qui chế tỵ nạn, nhưng Quốc nhất định từ chối, anh quyết định quay trở lại Việt Nam.  Anh cũng không giấu diếm những mặc cảm của mình. Anh cho biết sẽ chỉ ở lại nếu mắt của mình có thể chữa được. Anh nói: “Tới bây giờ em chưa bao giờ ân hận vì đã trở về. Em để các con ở lại cho chúng nó ăn học”.

 Lê Tấn Quốc quay trở lại Sài Gòn vào cuối năm 1990, để lại 3 con sống với Họa Mi. Con trai lớn của 2 người năm nay 31 tuổi và đã có gia đình, người con trai kế 27 tuổi và cô  con gái út năm nay 24.

 Lê Tấn Quốc cũng cho biết Họa Mi đã không giấu diếm khi tâm sự với anh là có cảm tình với một người Việt lớn hơn chị 12 tuổi trong thời gian sống ở Pháp. Người này là giám đốc một công ty sản xuất kem và bánh ngọt. Anh mừng cho Họa Mi đã gặp được một người tốt.

Ba năm sau khi trở về Việt Nam, Lê Tấn Quốc cũng tìm đựợc nguồn hạnh phúc mới khi lập gia đình vào năm 1993 và có thêm 2 con với người vợ sau. Còn Họa Mi cũng bước thêm bước nữa với người kia và họ có với nhau 1 đứa con.

 Năm 96, Họa Mi cùng người chồng mới tên Đặng Thái Khanh về thăm Việt Nam và ghé thăm anh. Sau đó, vợ chồng Lê Tấn Quốc và vợ chồng Họa Mi đã trở nên rất thân thiết: “Họa Mi về đây với ông kia. Ngày nào cũng lại ăn cơm chung.  Rồi còn cùng nhau đi Vũng Tàu, chỗ nọ chỗã kia… Bà này chở bà kia đi chợ, đi mua sắm khiến lối xóm ngạc nhiên quá chừng…”

 Bây giờ họ vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.

 Đêm đêm Lê Tấn Quốc vẫn xách cây kèn Tenor Sax đi làm đều đặn trong một cuộc sống êm ấm và hạnh phúc. Anh mang những tiếng kèn đó làm những lời tâm sự của chính  mình. Tiếng kèn khi bổng, khi trầm. Khi réo rắt, khi nức nở, lúc nghẹn ngào thoát ra từ tâm tư anh, từ vùng tối mênh mông, sâu thẳm.

[footer]

Trường ca Hội Trùng Dương (Phạm Đình Chương) – Phần 3: Tiếng Cửu Long

Trường ca | Phạm Đình Chương || 16/08/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Trong phần ba (cũng là phần kết), bối cảnh là sông Cứu Long hình thành vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long trù phú. Ảnh bìa: vietstamp.net

 

Nghe Tiếng Cửu Long do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)

Source: NhacCuaTui.com

[footer]

Trường ca Hội Trùng Dương (Phạm Đình Chương) – Phần 2: Tiếng Sông Hương

Trường ca | Phạm Đình Chương || 04/08/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Trong phần hai, bối cảnh là dòng sông Hương hiền hòa uốn quanh cố đô Huế. Ảnh bìa: vietstamp.net

Nghe Tiếng Sông Hương do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)

Source: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=NvOeLvfOoC

[footer]

Trường ca Hội Trùng Dương (Phạm Đình Chương) – Phần 1: Tiếng Sông Hồng

Trường ca | Phạm Đình Chương || 04/08/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Nét nhạc tài hoa của nhạc sỹ Phạm Đình Chương đã để lại cho tân nhạc Việt Nam một bản trường ca đặc sắc Hội Trùng Dương lấy cảm hứng từ 3 con sông lớn tượng trưng cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong phần một, bối cảnh là dòng sông Hồng hình thành nên đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh bìa: vietstamp.net

Nghe Tiếng Sông Hồng do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)

Source: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=Kg-x1xyPn3

 [footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Lữ Liên (1918-2012)

Như vậy là một trong những nhạc sỹ gạo cội của làng tân nhạc Việt Nam đã ra đi: nhạc sỹ Lữ Liên, linh hồn của tam ca trào phúng AVT, người đã có công rất lớn trong việc đưa hình ảnh chiếc đàn cò của Việt Nam giới thiệu với công chúng năm châu, người đặt lời cho nhiều ca khúc nước ngoài nổi tiếng đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/7 tại California, hưởng thọ 92 tuổi. Dòng Nhạc Xưa xin chúc linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng.

Nhạc sỹ Lữ Liên.

Nhạc sỹ Lữ Liên cũng là thân phụ của các nghệ sỹ Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích, Bích Chiêu, Lan Anh, Thúy Anh và cố ca sỹ Anh Tú. Mong các ca sỹ sớm vượt qua nỗi đau này!

Nhân đây mời các bạn xem lại lần xuất hiện trước công chúng sau cùng của nhạc sỹ Lữ Liên cùng với bạn diễn là nhạc sỹ Hoàng Thi Thao, cháu của cố nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ trong chương trình Paris By Night 81 ‘Âm nhạc không biên giới’ tổ chức vào tháng 04/2006