Tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với chiếc máy cassette rè rè mà ba tôi cẩn thận giữ lại như một kỷ vật thời tham gia quân đội miền Nam Việt Nam. Khi ấy, đầu những năm 1980, là quãng thời gian khó khăn về mọi mặt, từ viên kẹo, hộp sữa, ký thịt heo cho đến đời sống tinh thần. Đĩa nhựa thì không còn được sản xuất và dần thay thế bằng băng cassette. Thuở đó, giống như nhiều làng quê Việt Nam khác, mảnh đất Tuy Hòa miền Trung quê tôi đời sống vật chất tuy thiếu thốn nhưng tình làng nghĩa xóm thì tràn đầy.
Đã hơn 30 năm nhưng chúng tôi vẫn còn nhớ như in mỗi đêm cúp điện (lúc đó buổi tối vẫn chưa có điện thường xuyên như bây giờ), ba tôi và mấy bác lớn tuổi tập trung lại, uống trà, ngắm hoa và mở cassette nghe đọc truyện Tàu như ‘Tam Quốc Chí’, ‘Thủy Hử’; còn lũ trẻ chúng tôi tụ tập xung quanh lắng nghe từng câu chữ, mê hoặc giọng đọc truyền cảm và liêu trai của xướng ngôn viên.
Rồi cũng có khi anh chị chúng tôi mượn được của bạn bè một băng cassette cũ của Duy Khánh hay Chế Linh thâu âm trước 1975, và nhất là cuốn ‘Sơn ca 7 – Khánh Lý & Trịnh Công Sơn’. Tôi còn nhớ lúc đó vừa nghe vừa phải trực trước cái máy để xem có bị rối băng hay không. Nếu có thì phải tháo ra, cẩn thận kéo cuộn băng từ để đừng làm nó đứt hay bị dập. Rồi vui nhất là đi hái lá mít để lấy mủ mà dán cho nó ‘lành lặn’ trở lại. Xong, nghe lại thấy vui ghê!
Mới đó mà đã hơn nửa đời người! Qua bài viết này [dongnhacxua.com] xin tri ân ba mẹ, anh chị, bạn bè và cả những chiếc máy và băng cassette cổ lỗ sỉ đã làm phong phú cho tuổi thơ của cả một thế hệ chúng tôi.
CASSETTE 50 TUỔI
(Nguồn: tác giả N.M đăng trên báo Thể Thao & Văn Hóa)
(Thethaovanhoa.vn) – Ở thời buổi bây giờ, để giới thiệu cho một đứa trẻ lên 8 hiểu thế nào là băng cassette thì chỉ còn cách search google trên iPad. Nhưng với những thế hệ trưởng thành từ những năm 80 trở về trước, cassette luôn là một thế giới. Hôm 13/9 vừa qua, thế giới đã long trọng kỉ niệm 50 năm ngày cassette ra đời.
Gọi “long trọng” cho khí thế chứ thật ra sự kiện lớn nhất là một ngày hội mang tên Cassette store day được tổ chức không xôm tụ lắm ở Úc, còn thì vẫn chỉ là những hoài niệm trên báo, hoặc đâu đó trên Facebook. Dư chấn của nó là những tiếng thở dài.
Ngày 13/9/1963, hãng Philips long trọng tuyên bố với thế giới rằng một sản phẩm mới tinh ra đời để thay thế cho những chiếc băng cối cồng kềnh, vừa dễ cầm, dễ mang theo và chất lượng thu thanh vẫn được đảm bảo. Họ gọi đó là cassette.
Cassette là một thiết bị dùng để lưu trữ dữ liệu âm thanh trên 2 mặt. Cuộn băng từ trường này rộng 3,81 mm, còn độ dài của cuộn băng tùy thuộc vào thời gian có thể chạy của cả băng, như có nhiều chuẩn thông dụng C60 (30 phút âm thanh mỗi mặt), C90 (45 phút mỗi mặt)… So với một chiếc đĩa than bị khống chế nhiều về thời gian thì việc nghe được 90 phút âm nhạc từ cassette là một khác biệt lớn. Chưa kể cassette tiện lợi, nhỏ gọn và giá thành rẻ hơn.
Từ năm 1965, những băng nhạc cassette thông dụng bắt đầu được bán ra thị trường, lúc đầu chỉ có thể phát bằng chất lượng âm thanh mono nhưng từ năm 1966 đã có băng cassette stereo. Cho đến năm 1988, riêng hãng Philips, đã bán được khoảng 3 tỷ cuộn băng cassette chưa kể những hãng sản xuất nổi tiếng khác như TDK, Maxell, hay Nakamichi…
Dale Wiggins, trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng Philips tại Mỹ cho rằng cassette ra đời là nhu cầu thiết yếu để đơn giản hóa việc nghe nhạc, đặc biệt là từ băng cối, một công nghệ khá cồng kềnh. “Với cassette, bạn chỉ cần đưa nó vào hộc băng và nhấn play, tất cả còn sẽ là tự động”. Sau cassette là sự ra đời của CD, DVD và bây giờ là nhạc số.
“Nhưng âm thanh của cassette vẫn mang một màu sắc riêng, cho dù không thật sự hay bằng đĩa nhựa nhưng chất âm analog của nó vẫn hơn đứt công nghệ số ngày nay”, Patrick Butler, một tay mê cassette chính hiệu, đã “gào” lên như thế trên tờ tạp chí dành cho dân chơi âm thanh, Stereophile.
Nhưng không phải ai cũng là Butler, âm nhạc vẫn là âm nhạc dù nghe qua bất kỳ hình thức gì và số đông vẫn nghe theo cách của xu hướng tân thời. “Đúng là tôi rất buồn bã, cả một thời kỳ, nhiều thế hệ đã lớn lên bằng băng cassette và giờ đây tất cả chỉ còn là ký ức”, Scott Seward, một người phê bình âm nhạc ở Massachusetts, phát biểu. “Nhưng cassette không bị diệt vong, tôi vẫn thấy những nhóm nhạc indie phát hành cassette vì đơn giản giá thành chúng chỉ là 1 USD so với 18 USD của đĩa nhựa hay 10 USD của CD. Ở Trung Đông hay những vùng thôn quê tại châu Á những chiếc băng cassette vẫn được nghe thường xuyên. Tất nhiên thế giới vẫn phát triển nhưng cassette sẽ không bao giờ chết, giống như đĩa than vậy. Sự hoài cổ và giá thành rẻ sẽ giúp chúng tiếp tục tồn tại”, Seward nói thêm.
Một chuyên gia của hãng Maxell khẳng định dù có nghe đi nghe lại hàng trăm lần nhưng chất lượng cassette của Maxell ngày xưa vẫn ổn định. “Tất nhiên là băng sẽ nhão nhưng nếu bạn chỉ để nghe và không thâu đi thâu lại nhiều lần thì chất lượng của chúng vẫn rất tuyệt hảo”. Độc giả của nhiều tờ báo lớn đã nói rằng họ luôn nhớ cảm giác dùng bút chì cho vào bánh răng quay để gỡ rối băng cassette là một trải nghiệm chẳng bao giờ quên.
Ở Việt Nam những chiếc băng cassette cũ sau một thời gian nằm kho, giờ cũng khá có giá trị trên thị trường, đặc biệt là những cuộn băng gốc nước ngoài hoặc những băng cassette ở miền Nam trước đây. Đi theo nó là cả một thị trường máy cassette cũng nhộn nhịp không kém.
Liệu cassette có trở lại thời hoàng kim của mình hay chỉ là một thú chơi hoài niệm? Điều này rất khó trả lời. Tờ Wftv cho rằng thay vì trả lời việc bạn cần phải làm là hãy đem chiếc máy casette vốn để quá lâu trong nhà kho ra lau thật sạch, đừng quên chùi đầu từ và chọn lại một cuồn băng ngày xưa từng rất thích ra nghe. Hãy nghe lại và rủ những người trẻ nghe cùng. Câu trả lời sẽ nằm ở quyết định sau đó của bạn.
N.M
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
[footer]