Hà Thanh – Tiếng Hát Của Một Thời Đã Qua

Dòng Nhạc Xưa vừa nhận được email của người quản trị trang casihathanh.wordpress.com giới thiệu bài cảm nhận về giọng hát của cố danh ca Hà Thanh (1937 – 2014). Bài viết là của một cậu học trò lớp 9 có tên Đinh Hoàng Anh. Dòng Nhạc Xưa chưa có cơ hội tiếp xúc với tác giả nhưng xét nội dung sâu sắc của bài viết, chúng tôi mạn phép đăng tải để người yêu nhạc có dịp ôn lại những kỷ niệm về dòng nhạc xưa cũ.

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com

Tiếng hát của một thời đã qua

(Nguồn: bài viết của Đinh Hoàng Anh – Cảm nhận âm nhạc của một học sinh lớp 9 – đăng trên casihathanh.wordpress.com ngày 2017-06-12)

Ảnh: https://casihathanh.wordpress.com

Đã gần một thế kỉ qua,kể từ khi tân nhạc bắt đầu xuất hiên để rồi sinh ra bao nhạc sĩ tài danh: Văn Cao,Phạm Duy,Hoàng Giác,Lê Thương…cùng với đó là những bản tiền chiến lãng mạn (mang trình độ thưởng thức sâu rộng cao,phong phú hơn) để phân biệt với nhạc vàng(bolero) sau này tại miền Nam Việt Nam. Nói đến những ca sĩ của dòng nhạc này chúng ta không thể không nhắc tới nữ danh ca Hà Thanh _ giọng ca vàng trong nền tân nhạc trước 1975 ,tiếng hát của miền sông Hương núi Ngự.

Nói tới cô Hà Thanh là nhớ tới Huế bởi âm sắc địa phương trong giọng hát của nữ ca sĩ tài danh.Không phải ngẫu nhiên Hà Thanh được mệnh danh là «Con chim Hoạ Mi xứ thần kinh» miền thùy dương mặc dù cũng có nhiều ca sĩ xuất thân từ Huế như Thanh Thúy, Lệ Thanh. Và không phải bài hát nào cô Hà cũng hát giọng Huế mà phần lớn các ca khúc của cô hát giọng Bắc (tiếng chuẩn). Một số bài về Huế cô vẫn hát tiếng Bắc như Khúc tình ca xứ Huế, Thương về xứ Huế…Nhưng trong tiếng hát ấy vẫn mang âm thanh dịu ngọt vang lộng tha thiết,trìu mến mang hơi hướng sắc thái thơ mộng,trữ tình.Bởi một số phụ âm,ngữ điệu,cách nhả chữ khi cô Hà hát có sự luyến láy vần điệu riêng như s,r,tr…đặc biệt trong nhạc phẩm Ai ra xứ Huế (nước sông Hương còn thương chưa cạn, chim núi Ngự tìm bạn bay về…) thì có lẽ chỉ có người gốc Huế như cô mới có thể truyền tải tự nhiên đến như vậy.

Thiên Thai (Văn Cao): tuyệt tác của tân nhạc Việt Nam

Nhạc sỹ Văn Cao sáng tác không nhiều nhưng những nhạc phẩm của ông hầu hết đều là tuyệt tác và vượt lên trên hết theo thiển ý của Dòng Nhạc Xưa là bản “Thiên Thai”. Nhân dịp xuân về, xin giới thiệu đến người yêu nhạc xưa tác phẩm bất hủ này qua một bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv.

 

Thiên Thai (Văn Cao). Ảnh: AmNhacMienNam.blogsspot.com

Thiên Thai – ca khúc thần tiên của nhạc sĩ Văn Cao

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-11-27)

Hà Thanh – Một cõi đi về

[dongnhacxua.com] rất hân hạnh nhận được một email khá thú vị của tác giả Việt Lang gởi từ website casihathanh.wordpress.com. Để người yêu nhạc xưa có thêm thông tin về nữ ca sỹ Hà Thanh, chúng tôi xin mạn phép đăng bài viết này:

Từ khi ca sĩ Hà Thanh định cư tại Mỹ, và nhất là ngay sau khi cô qua đời, các chương trình văn nghệ và phương tiện truyền thông đều phổ biến rộng rãi những ca khúc phổ quen thuộc nhất của cô qua các đề tài về Huế hoặc dòng nhạc Nguyễn Văn Đông. Lý do thì rất dễ hiểu: dòng nhạc về Huế có sức thu hút rất mạnh đối với khán giả hải ngoại, và dòng nhạc Nguyễn Văn Đông cũng được hồi sinh do nó thường nhắc đến những người lính chiến VNCH qua lăng kính lãng mạn, thay vì thù hận hoặc chính trị. Nói vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận sự thành công rất đặc biệt của ca sĩ Hà Thanh trong hai dòng nhạc ấy. Tuy vậy. chỉ dừng lại ở đó cũng sẽ khá thiệt thòi cho một nghệ sĩ đã từng được sự quan tâm đặc biệt suốt thập niên 60 và đầu thập niên 70 nhờ vào tài năng đa dạng, vượt qua cả những ranh giới địa lý và xã hội.

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: casihathanh.wordpress.com
Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: casihathanh.wordpress.com

Thật vậy, nếu ta nhìn lại cả sự nghiệp âm nhạc của ca sĩ Hà Thanh khi còn ở trong nước, sẽ thấy ngay số lượng ca khúc về Huế hoặc dòng nhạc Nguyễn Văn Đông không phải là đa số, nếu không muốn nói là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một tiếng hát đã vượt qua không gian bé nhỏ của cố đô Huế để sánh vai với các giọng ca lừng lẫy khác của Sài Gòn, ắt hẳn phải là một tài năng thật sự. Ca sĩ Kim Tước đã ghi nhận điều này như sau: “Tôi nhận thấy ở Sài Gòn, tên tuổi tôi không được mến chuộng nhiều trong đại chúng tại vì lối hát của tôi hơi cứng quá và nhất là hơi nặng về vấn đề kỹ thuật. Về sau này những người sau tôi như Hà Thanh hay những người khác, họ hát uyển chuyển hơn cho nên dễ đi vào quần chúng nhiều hơn và dễ được thông cảm hơn.”

Tôi chợt nghĩ đến số lượng rất lớn những tình ca thính phòng rất thành công của Hà Thanh đã khiến cô trở thành một cộng tác viên thường xuyên cho Ban nhạc hòa tấu Tiếng Tơ Đồng, hoặc các chương trình rất trí thức như Phạm Mạnh Cương hoặc Tiếng Nhạc Tâm Tình của ca sĩ Anh Ngọc và sau cùng là Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Ca sĩ Hà Thanh đã biến nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy, Phạm Mạnh Cương, Đoàn Chuẩn, Văn Cao thành những dấu ấn của riêng mình. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ như Nhất Tuấn, Hồng Vân đã đồng ý rằng Hà Thanh có lối hát nhẹ nhàng nhưng sáng tạo trong kín đáo . Điều này có thể được minh họa qua hai ca khúc

Tưởng Vọng (Y Vân) 

và Mưa Gió Đầu (Hoàng Trọng) mà Hà Thanh trình bày với ban nhạc hòa tấu vào thập niên 60. 

Qua chúng, ta nhận ra là trong vẻ đẹp thanh tao của tiếng hát mình, Hà Thanh không hề yếu đuối hoặc làm dáng một cách máy móc. Giọng ca của cô tuy rất nữ tính, nhưng vẫn tuôn ra những cảm xúc và sáng tạo, tự tin khi phải xướng âm với những dàn nhạc qui mô và lối hòa âm rất hàn lâm.

Trong những năm tháng về sau ở hải ngoại, khi tuổi đời đã cao, giọng ca Hà Thanh trầm hơn và dày hơn. Những cảm xúc trong giọng hát của cô cũng theo đó mà nức nở và thuyết phục hơn. Xin được dẫn chứng bằng một dòng nhạc mà ít ai nghĩ đến khi nhắc đến Hà Thanh, đó là những bài hát của Trịnh Công Sơn. Thật ra nếu theo dõi kỹ, dòng nhạc Trịnh không hẳn là xa lạ với giọng hát Hà Thanh. Cô đã từng thâu những ca khúc như Biển Nhớ, Hạ Trắng, Thương Một Người vào đĩa nhựa 45 vòng ở miền Nam. Hai ca khúc sau đây, tuy hòa âm sơ sài, nhưng may mắn đã được đền bù bởi chất giọng soprano và sự diễn tả nhiều màu sắc của Hà Thanh.

Cố ca, nhạc sĩ Quỳnh Giao đã từng nhận định:“Vì thính giả chỉ thích những bài đậm sắc địa phương, tiếng hát Hà Thanh không có cơ hội bay xa hơn, vươn rộng hơn nữa… “. Sự đa dạng trong cảm xúc và lạ lẫm trong chất giọng đã tạo ra “một cõi đi về ” khá đặc biệt cho Hà Thanh trong lòng khán giả miền Nam trong nhiều chục năm qua. Hy vọng những người yêu nhạc sẽ cùng nhau ôn lại những thành công đa dạng trong âm nhạc của ca sĩ Hà Thanh để thấy rằng cô không chỉ là một ca sĩ của xứ Huế mà là một ca sĩ của cả vòm trời âm nhạc Việt Nam.

[footer]

Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than

Nhân ngày giỗ đầu của ca sỹ Hà Thanh, được sự cho phép của ban quản trị trang CaSiHaThanh.wordpress.com, [dongnhacxua.com] xin trích đăng bài viết của học giả Nguyễn Đắc Xuân về người ca sỹ đã được ái mộ qua nhiều thế hệ. Tựa bài viết “đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than” là một câu trong bản “Tiếng Sông Hương” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương.

ĐÊM ĐÊM KHUA ÁNH TRĂNG VÀNG MÀ THAN
(Nguồn: bài viết của học giả Nguyễn Đắc Xuân đăng trên CaSiHaThanh.wordpress.com)

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com
Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com

Đầu năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy ra Huế với tập Mười bài Tâm ca do Lá Bối xuất bản. Phạm Duy được tiến sĩ Lê mời về ở lại gian hộ của ông tại 2 Lê Lợi, Huế. Tôi kể lại chuyện được ca sĩ Hà Thanh hát cho nghe lần đầu bài Tâm ca số 5 Để lại cho em. Nhạc sĩ Phạm Duy đề nghị tiến sĩ Lê mời Hà Thanh qua 2 Lê Lợi hát chơi. Thế là buổi hát Tâm ca đầu tiên diễn ra ở Huế. Mỗi bài Tâm ca Hà Thanh chỉ đọc qua là có thể hát được ngay. Trong không khí bức xúc không được thể hiện khát vọng hòa bình, không được phản đối chiến tranh của Mỹ, bài Tâm ca số 1 Tôi ước mơ phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua giọng Hà Thanh lần đầu tiên oà vỡ mất sự sợ hãi trong tâm trí chúng tôi.

“Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở… Nhưng đến bao giờ tôi mới nói được điều tôi ước mơ… Tôi ước mơ?”

Tiếng hát hay, nội dung câu hát kích vào nỗi khát vọng của mọi người gây nên một hiệu ứng cảm thụ lạ lùng. Ước mơ của Thiền sư Nhất Hạnh cũng là ước mơ của dân tộc lúc ấy.

“Ông Hoàng âm nhạc” Phạm Duy hết lời ca ngợi tài năng của Hà Thanh. Lần đầu tiên ca sĩ Hà Thanh biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị ngỏ ý muốn tìm đọc cả tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của nhà sư vừa ở Hoa Kỳ về. Tiến sĩ Lê không giấu được sự cảm phục, say đắm của mình. Ông gọi xe chạy qua phố mua về tặng ngay cho Hà Thanh một chiếc ghi ta của Ý. Thùng đàn của Ý to hơn thùng đàn sản xuất ở Việt Nam, tiếng đàn rất ấm, hợp với giọng Hà Thanh vô cùng. Tiến sĩ Lê tỏ tình với ca sĩ Hà Thanh qua món quà văn nghệ ấy. Và, cũng từ ấy tiến sĩ Lê và tôi có nhiều dịp qua lại gặp gỡ chuyện trò với ca sĩ Hà Thanh…..

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com
Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: CaSiHaThanh.wordpress.com

Sau chín năm băng rừng, lội suối, xuôi ngược Trường Sơn, suýt chết nhiều lần tôi may mắn được sống sót chứng kiến được ngày đất nước thống nhất. Tôi tìm bà con, bạn bè chia sẻ hạnh phúc hòa bình. Vào Sài Gòn, tôi đi tìm ca sĩ Hà Thanh. Phải khó nhọc lắm mới tìm ra được nơi ở của chị trong tòa nhà tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu ngày nay. Tôi không hiểu tòa nhà đó của ai và do đâu chị được ở đó. Tòa nhà lớn và toàn người lạ nên hỏi mãi mới đến được chỗ chị đang ở. Tôi thật không thể nào hiểu nổi: Ca sĩ Hà Thanh với đứa con gái ba bốn tuổi ở dưới gầm cầu thang trong tòa nhà lớn ấy. Ca sĩ Hà Thanh ngồi trên một chiếc chiếu éc bên cạnh dựng cây đàn ghi ta, một cái va li, một chiếc lò sô và một thau đựng vài cái chén dĩa. Chị ngước nhìn tôi miệng cười với đôi hàm tăng trắng muốt. Hai dòng lệ rơi xuống chiếu, chị nhoài người ra đứng dậy bắt tay tôi. “Ôi Xuân! Xuân… mà!”. Tôi hiểu chị muốn nói Xuân chết rồi mà! Nhiều người cũng đã tưởng như vậy nên tôi hiểu ý chị ngay. “Đáng lẽ chết rồi nhưng bom đạn và sốt rét chê nên còn sống đây”. Tôi định hỏi vì sao chị lại rơi vào hoàn cảnh như thế nầy nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến niềm vui chị đang gặp lại bạn cũ sau gần chục năm chiến tranh, lời đã ra đến môi tôi ngậm lại. Hà Thanh kéo tôi ngồi xuống chiếu chị cho biết chồng chị là Trung tá thiết giáp Bùi Thế Dung đang đi học tập, chỗ ở cũ bị giao cho chủ mới, chị đang chờ tìm chỗ ở khác nên mẹ con tạm thời ở đây. Chị nói với giọng rất tự nhiên, không một chút bối rối xúc động. Tôi đọc được sự vui mừng đất nước được hòa bình trong giọng nói của chị. Sự “đổi đời” của gia đình chị như một lẽ tự nhiên. Nói chuyện một lúc, chị như sực nhớ ra điều gì và bảo tôi:

– Tối rồi, còn chén cơm mình chiên lên cùng ăn nghe!

Lời mời của Hà Thanh dưới gầm cầu thang cũng hồn nhiên không khác nào lời mời những bữa tiệc diễn ra ở nhà chị 18 Huyền Trân Công Chúa mười năm trước ở Huế. Một chén cơm nguội chia cho ba người mà sao tôi ăn thấy ngon làm sao. Ăn xong, chị quay lại lấy cây đàn và bảo tôi:

– Mừng chiến tranh chấm dứt, mừng Xuân bình yên trở về Hà hát tặng Xuân bài Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương nhé!

Tôi chưa kịp cám ơn thì bị cháu Kim Huyên dùng dằng tỏ ra khó chịu. Tôi hơi ngượng với cháu. Chị biết thế nên bảo con:

– Cậu Xuân là bạn của mẹ và của mấy dì, cậu đi xa mới về, mẹ hát mừng cậu. Con ngoan mẹ thương!

Kim Huyên không vùng vằng nữa nhưng mặt không vui. Hà Thanh so dây rồi cất giọng hát: “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương Giang…” Tiếng hát chị vút lên “vọng tiếng”và hạ dần xuống “em xinh em bé” êm ái lạ thường. Tiếng hát như một làn gió mát dịu xuyên qua đầu óc đang đan xen những vui buồn của tôi. Tôi lặng người đi và tự nhiên tôi cảm thấy sợ không dám nhìn sự hồn nhiên của chị. Bỗng nhiên chị nhìn tôi và nở một nụ cười khi bắt đầu hát đến mấy câu: “Hò ơi, bao giờ máu xương hết tuôn tràn/ Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn/ Cho em vang khúc ca nồng nàn/ Ngày vui tan đao binh/ Mẹ bồng con sơ sinh/ Chiều đầu xóm/ xôn xao đón người hùng binh/ Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên”.

Nếu người khác tặng tôi câu hát nầy giữa lúc này thì tôi sẽ nghĩ họ trêu tôi. Nhưng đối với Hà Thanh thì không phải thế. Nội dung bài hát mâu thuẫn với hoàn cảnh bi đát hiện tại của chị nhưng nó lại lô-gíc với tình bạn của chị với tôi. Một cảm tưởng được và mất trong tôi. Được nhiều nhưng mất cũng không nhỏ. Tôi lặng người và chỉ nói được một câu:

– Thấm thía quá chịu Hà ơi!.

Bỗng nhiên cháu Kim Huyên khóc ré lên, chị lại dỗ cháu. Chị hát cho tôi nghe những bài mới ra đời từ sau ngày tôi thoát ly theo kháng chiến. Chị tự đệm đàn cho chị hát. Chị hát say sưa. Hát toàn bài vui. Chị hát đến khuya. Kết thúc bằng bài Hoa xuân. Đến lúc nầy tôi mới ngộ ra rằng chị hát không những để tặng tôi mà tôi cũng là một cơ hội để chị hát. Hát để vượt qua sự thử thách quá lớn chị đang cố gắng vượt qua. Biết thế nên tôi không dám chia tay chị dù trời đã khuya. Trong đời tôi chưa bao giờ được thưởng thức một “sô” diễn tân nhạc sâu thắm và da diệt đến thế.

Rồi từ đó tôi lo việc lập gia đình, đi “học Huế” để làm người cầm bút của xứ Huế không mấy khi được gặp lại Hà Thanh. Đột nhiên đến năm 1982, không rõ ai đã mách cho chị biết chỗ ở của tôi, (vì đến năm đó tôi đã chuyển đến bốn năm địa chỉ) chị ghé lại nhà tôi – một gian phòng hẹp của nhà hộ sinh Kim Cúc cũ tại 16 Lý Thường Kiệt – mời tôi lên 18 Huyền Trân Công Chúa (đã đổi thành 18 Bùi Thị Xuân) ăn cơm chia tay để chị đi “đoàn tụ” ở Hoa Kỳ. Sau bữa cơm chia tay đó tôi nghĩ không bao giờ tôi còn có dịp gặp lại Hà Thanh nữa.

….
…. Năm 2006, tôi sang Boston ở miền Đông bắc Hoa Kỳ chuẩn bị thực hiện đề tài “Phong trào Thơ văn âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964 – 1966 ở miền Nam Việt Nam” cho Trung tâm William Joiner, không ngờ tôi lại được liên lạc với Hà Thanh.

Một cuộc hàn huyên hào hứng. Tình người xóa đi hết những khoảng cách, những dị biệt. Gặp lại Hà Thanh trên đất Mỹ không tiện nhắc lại những chuyện cũ. Chị biết tôi nguyên là một sinh viên Phật tử, lại là người đi theo khuynh hướng hòa bình, hòa giải dân tộc của Thầy Nhất Hạnh từ hồi nửa thế kỷ trước nên chị kể chuyện chị quy y lại với Thầy và chị dành nhiều thời gian tu chánh niệm, niệm Phật, hát nhạc Thiền và tọa Thiền theo pháp môn Làng Mai. Chị tặng tôi một CD chị niệm A Di Đà Phật rất thanh thoát. Cho đến bây giờ, mỗi lần thấy đầu óc căng thẳng tôi lại nghe chị niệm Phật thay cho những bài hát êm dịu mà trước đây tôi rất thích. Qua điện thoại nhiều hôm tôi ngỏ ý mời chị về sống cuối đời ở Huế. Chị bảo tôi:

– Cái nhà ở Huế đã cho đứa cháu rồi. Hà về Huế ở mô?

Tình thiệt tôi đáp:

– Trời ơi, chị về vô lẽ cháu chị không dành lại cho chị một phòng để chị sống và ca hát sao?

Chị lại bảo:

– Ở đây Hà ít giao du với cộng đồng người Viêt, nhiều khi cũng buồn và nhớ Huế lắm. Hà cũng muốn về. Nhưng có lẽ Hà phải giúp nuôi con của con gái Kim Huyên lớn lớn một chút rồi sẽ về!

Tôi biết chị từ chối khéo lời mời của tôi nhưng tôi vẫn hy vọng và có ý chờ…

Nhưng… rồi, đúng vào ngày đầu năm 2014, chị đã qua đời ở Boston miền Đông Hoa Kỳ.

Tôi không còn cơ hội gặp lại chị, nhưng Huế tôi luôn có ca sĩ Hà Thanh, cũng như luôn có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người cùng thời với chị.

Huế, mùa Xuân 2015
Nguyễn Đắc Xuân

[footer]

Thiên Thai (Văn Cao): Tiếng Ca Trù Trên Sông Hương

Đây là bài viết của tác giả Trác Như gởi cho [dongnhacxua.com] và thể hiện ý riêng của tác giả về nhạc phẩm bất hủ ‘Thiên Thai’ của nhạc sỹ Văn Cao. Xin cảm ơn sự quý mến của Trác Như dành cho [dongnhacxua.com] và xin mạn phép đăng lại để bạn đọc gần xa có thêm thông tin thú vị.

thien-thai--0--van-cao--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
Thiên Thai (Văn Cao). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

thien-thai--1--van-cao--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com thien-thai--2--van-cao--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

TIẾNG CA TRÙ TRÊN SÔNG HƯƠNG
(Nguồn: tác giả Trác Như gởi cho [dongnhacxua.com])

Năm 1940, một chàng trai Hải Phòng lưu lạc đến tận sông Hương ở Huế để rồi thai nghén một ý nhạc kéo dài cả mấy năm. Sông và núi ở Huế đã khiến Văn Cao mơ đến chốn tiên cảnh đã từng khiến hai chàng Lưu và Nguyễn quên cả lối về. Nguồn cảm hứng trên tưởng có lúc đã phôi pha  nhưng không ngờ lại trổi dậy khi người thanh niên 18 tuổi  trở về Hải Phòng và bất chợt nghe được điệu ca trù trên dòng sông Phi Liệt năm 1941. (1)
 
Ca khúc Thiên Thai chính thức được nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành ở Huế năm 1944 (2). Tuy sông Hương là nguồn sữa nuôi nấng giấc mộng bồng lai, nhạc sĩ đã chọn điển tích Trung Hoa làm bối cảnh cho bài hát, và sau cùng thì thanh âm phong phú và lả lơi của các ả đào đất Cảng đã giúp cảm xúc ông chín mùi để hoàn tất tác phẩm cổ điển này.
 
Chưa hề được nghe giọng ca của Kim Tiêu, người nghệ sĩ đầu tiên trình bày bản này thuở chiến tranh chống Pháp, chỉ biết trong các thập niên 60 và 70, hai tiếng hát gắn bó với Thiên Thai nhất vẫn là Thái Thanh và Hà Thanh. Tiếng hát Thái Thanh là một cọ vẽ có khả năng diễn đạt đủ loại ánh sáng và gam màu khác nhau. Những chấn động trong cảm xúc mà Thái Thanh mang đến cho Thiên Thai rất tương xứng với sự đa dạng và tinh tế của nhạc phẩm này, như Phạm Duy đã từng phân tích: “Văn Cao đã chuyển nét nhạc một cách rất tài tình, dùng những nốt-bán-cung để di chuyển rất nhanh chóng câu hát đi từ một chủ âm mineure này qua chủ âm mineure khác, cho ta thấy được rất nhiều mầu sắc của khung cảnh thần tiên này”. (2)
 
Hà Thanh (trái) & Thái Thanh (phải). Ảnh: tác giả Trác Như.
Hà Thanh (trái) & Thái Thanh (phải). Ảnh: tác giả Trác Như.
Hà Thanh thì ngược lại: trầm lặng và nhẹ nhàng hơn. Hà Thanh cho thính giả cơ hội để có những suy diễn riêng tư. Khác với bức tranh lộng lẫy mà tiếng hát Thái Thanh tạo ra, phần trình bày của Hà Thanh dường như có thể dùng để minh họa cho quan điểm của Nguyễn Đình Toàn: “Cái thế giới thần thoại của cổ tích không phải chỉ được Văn Cao minh họa bằng những màu sắc tuyệt vời mà hình như ông còn tạo dựng bằng pha lê nữa. Mọi góc cạnh đều rắn, chắc. Màu sắc của nó còn có thể biến đổi tùy thuộc chủ quan của người thưởng ngoạn nữa.” (3) Cái đẹp của thiên thai trong trường hợp này là cái  đẹp của vô tướng và tại đây  hạnh phúc chính là sự vắng mặt của những ràng buộc và bi lụy. Một thế giới không nhơ không sạch, không có bắt đầu và cũng chẳng có kết đoạn.
 
Nếu như Thái Thanh là tiếng ca trù đã giúp Văn Cao cụ thể hóa Thiên Thai thì Hà Thanh, tiếng hát đã được nhà văn Mai Thảo gọi là  “tiếng hát trên trời cao” (4), là dòng Hương luôn hiện hữu để lặng lẽ nuôi sống cái cảm hứng thuở ban đầu của người nhạc sĩ này. Ca khúc Thiên Thai chính là kết quả của những tiếng ca trù trên dòng Hương Giang vậy.
 
Tuy đã hơn một lần ghé qua xứ Huế, tôi chưa từng đặt chân đến Hải Phòng, quê hương của Văn Cao, người đã từng gọi mình là “người sông Ngự”. Tuy vậy, tôi có cảm giác Hải Phòng là những gì đối ngược với Huế.  Một bên nồng cháy, một bên thơ thẩn. Một bên reo hò bên sóng biển, một bên ngồi nhìn dòng sông trôi lững lờ. Một bên đỏ rực phượng vỹ, một bên thầm thì những rặng thùy dương. Mỗi bên là một nửa của Thiên Thai, nuôi nấng cho nhau những giấc mộng của “ngày tháng chưa tàn qua một lần”.
 
(1)  “Văn Cao – Người đi dọc biển” – Nguyễn Thụy Kha
(2) Hồi Ký – Phạm Duy
(3) “Nhạc sĩ Văn Cao” – Nguyễn Đình Toàn
(4) “Em Đã Hoang Đường Từ Cổ Đại”- casihathanh.wordpress.com
 
Trác Như
6/2014

[footer]