Hà Thanh – Một cõi đi về

[dongnhacxua.com] rất hân hạnh nhận được một email khá thú vị của tác giả Việt Lang gởi từ website casihathanh.wordpress.com. Để người yêu nhạc xưa có thêm thông tin về nữ ca sỹ Hà Thanh, chúng tôi xin mạn phép đăng bài viết này:

Từ khi ca sĩ Hà Thanh định cư tại Mỹ, và nhất là ngay sau khi cô qua đời, các chương trình văn nghệ và phương tiện truyền thông đều phổ biến rộng rãi những ca khúc phổ quen thuộc nhất của cô qua các đề tài về Huế hoặc dòng nhạc Nguyễn Văn Đông. Lý do thì rất dễ hiểu: dòng nhạc về Huế có sức thu hút rất mạnh đối với khán giả hải ngoại, và dòng nhạc Nguyễn Văn Đông cũng được hồi sinh do nó thường nhắc đến những người lính chiến VNCH qua lăng kính lãng mạn, thay vì thù hận hoặc chính trị. Nói vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận sự thành công rất đặc biệt của ca sĩ Hà Thanh trong hai dòng nhạc ấy. Tuy vậy. chỉ dừng lại ở đó cũng sẽ khá thiệt thòi cho một nghệ sĩ đã từng được sự quan tâm đặc biệt suốt thập niên 60 và đầu thập niên 70 nhờ vào tài năng đa dạng, vượt qua cả những ranh giới địa lý và xã hội.

Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: casihathanh.wordpress.com
Ca sỹ Hà Thanh. Ảnh: casihathanh.wordpress.com

Thật vậy, nếu ta nhìn lại cả sự nghiệp âm nhạc của ca sĩ Hà Thanh khi còn ở trong nước, sẽ thấy ngay số lượng ca khúc về Huế hoặc dòng nhạc Nguyễn Văn Đông không phải là đa số, nếu không muốn nói là chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một tiếng hát đã vượt qua không gian bé nhỏ của cố đô Huế để sánh vai với các giọng ca lừng lẫy khác của Sài Gòn, ắt hẳn phải là một tài năng thật sự. Ca sĩ Kim Tước đã ghi nhận điều này như sau: “Tôi nhận thấy ở Sài Gòn, tên tuổi tôi không được mến chuộng nhiều trong đại chúng tại vì lối hát của tôi hơi cứng quá và nhất là hơi nặng về vấn đề kỹ thuật. Về sau này những người sau tôi như Hà Thanh hay những người khác, họ hát uyển chuyển hơn cho nên dễ đi vào quần chúng nhiều hơn và dễ được thông cảm hơn.”

Tôi chợt nghĩ đến số lượng rất lớn những tình ca thính phòng rất thành công của Hà Thanh đã khiến cô trở thành một cộng tác viên thường xuyên cho Ban nhạc hòa tấu Tiếng Tơ Đồng, hoặc các chương trình rất trí thức như Phạm Mạnh Cương hoặc Tiếng Nhạc Tâm Tình của ca sĩ Anh Ngọc và sau cùng là Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Ca sĩ Hà Thanh đã biến nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy, Phạm Mạnh Cương, Đoàn Chuẩn, Văn Cao thành những dấu ấn của riêng mình. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ như Nhất Tuấn, Hồng Vân đã đồng ý rằng Hà Thanh có lối hát nhẹ nhàng nhưng sáng tạo trong kín đáo . Điều này có thể được minh họa qua hai ca khúc

Tưởng Vọng (Y Vân) 

và Mưa Gió Đầu (Hoàng Trọng) mà Hà Thanh trình bày với ban nhạc hòa tấu vào thập niên 60. 

Qua chúng, ta nhận ra là trong vẻ đẹp thanh tao của tiếng hát mình, Hà Thanh không hề yếu đuối hoặc làm dáng một cách máy móc. Giọng ca của cô tuy rất nữ tính, nhưng vẫn tuôn ra những cảm xúc và sáng tạo, tự tin khi phải xướng âm với những dàn nhạc qui mô và lối hòa âm rất hàn lâm.

Trong những năm tháng về sau ở hải ngoại, khi tuổi đời đã cao, giọng ca Hà Thanh trầm hơn và dày hơn. Những cảm xúc trong giọng hát của cô cũng theo đó mà nức nở và thuyết phục hơn. Xin được dẫn chứng bằng một dòng nhạc mà ít ai nghĩ đến khi nhắc đến Hà Thanh, đó là những bài hát của Trịnh Công Sơn. Thật ra nếu theo dõi kỹ, dòng nhạc Trịnh không hẳn là xa lạ với giọng hát Hà Thanh. Cô đã từng thâu những ca khúc như Biển Nhớ, Hạ Trắng, Thương Một Người vào đĩa nhựa 45 vòng ở miền Nam. Hai ca khúc sau đây, tuy hòa âm sơ sài, nhưng may mắn đã được đền bù bởi chất giọng soprano và sự diễn tả nhiều màu sắc của Hà Thanh.

Cố ca, nhạc sĩ Quỳnh Giao đã từng nhận định:“Vì thính giả chỉ thích những bài đậm sắc địa phương, tiếng hát Hà Thanh không có cơ hội bay xa hơn, vươn rộng hơn nữa… “. Sự đa dạng trong cảm xúc và lạ lẫm trong chất giọng đã tạo ra “một cõi đi về ” khá đặc biệt cho Hà Thanh trong lòng khán giả miền Nam trong nhiều chục năm qua. Hy vọng những người yêu nhạc sẽ cùng nhau ôn lại những thành công đa dạng trong âm nhạc của ca sĩ Hà Thanh để thấy rằng cô không chỉ là một ca sĩ của xứ Huế mà là một ca sĩ của cả vòm trời âm nhạc Việt Nam.

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *