Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi (Tình Bơ Vơ – Lam Phương)

Mấy ngày gần đây cư dân mạng xôn xao vì chuyện một ca sỹ gạo cội như Tuấn Ngọc lại đi hát sai lời một nhạc phẩm đã quá quen thuộc của nhạc sỹ Lam Phương – bản ‘Tình bơ vơ’.

Lời ca đúng và đã đi vào lòng bao thế hệ là ‘Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi…’ đã bị Tuấn Ngọc hát thành ‘Trời vào thu, chiều nay buồn lắm em ơi…’. Dòng Nhạc Xưa chúng tôi không dám khẳng định người biểu diễn đã cố tình sửa lời hay chỉ là vô tình quên lời hát nhưng việc sai hai chữ đó đã làm cho tình cảm mà nhà nhạc sỹ gởi gắm vào đứa con tinh thần bị mất đi khá nhiều.

Bản này được Lam Phương sáng tác và cho xuất bản đầu thập niên 1970. Theo tờ nhạc in trước 1975 (mình sưu tầm từ trang NhacXua.vn) thì năm lưu hành là 1973.

Để hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, chúng ta hãy tìm hiểu đôi nét về hoàn cảnh ra đời của ‘Tình bơ vơ’.

Số là cuối thập niên 1950, Lam Phương (sinh năm 1937) khi đó ngoài 20 và đã thành danh ở mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. Còn Bạch Yến (sinh năm 1942) chỉ là một thiếu nữ chưa tròn 18 có tài năng ca hát. Lúc này Lam Phương cũng có ít nhiều tình cảm với Bạch Yến nhưng do cô trẻ quá nên mọi chuyện cũng không đến đâu.

Năm 1959 Lam Phương lập gia đình với nữ kịch sỹ Túy Hồng, linh hồn của ban kịch Sống sau này.

Năm 1961 Bạch Yến lên đường sang Pháp vừa học thêm về nhạc, vừa tham gia biểu diễn. Sau đó bà sang Mỹ và thành công rực rỡ trên xứ Hoa Kỳ. Dù đã lập gia đình nhưng với trái tim đa cảm của một người nghệ sỹ, Lam Phương đã gởi gắm tình cảm rất kín đáo cho Bạch Yến qua bản ‘Chờ người’ mà trong đó có câu:

‘Chờ em, chờ đến bao giờ
Mấy thu, thuyền đã xa bờ

Mười năm trời chẳng thương mình
Để anh thành kẻ bạc tình…’

Ông không trách ai hết, chỉ trách bản thân mới chính là người bội bạc!

Nhưng mọi chuyện chưa chấm dứt. Đằng đẵng 10 năm xa xứ, khi Lam Phương đã yên bề gia thất với Túy Hồng thì Bạch Yến lại về thăm quê rồi lại ra đi một lần nữa. Và đây mới chính là cảm xúc để Lam Phương viết nên một ‘Tình bơ vơ’ bất hủ:

‘Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi…
Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi…’

Đôi điều hiểu biết bé mọn xin ghi lại để người yêu nhạc hiểu hơn về ‘Tình bơ vơ’.

Âm Nhạc Thời Covid-19: Một Mai Giã Từ Covid & Thành Phố Buồn

Hôm nay là ngày đầu tiên Sài Gòn bắt đầu đợt cách ly quyết liệt nhất trong năm thứ 2 mùa Coronavirus. Một thành phố nhộn nhịp, đầy sức sống bỗng dưng vắng lặng, trống vắng đến lạ thường. Là một công dân, chúng ta có trách nhiệm tuân thủ quy định của chính quyền nhưng là một người con của đất Sài Gòn, tôi cũng như anh chị em không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến nhiều cảnh đau lòng đang diễn ra ngay trên Thành Phố thân yêu.

Dòng Nhạc Xưa xin mạn phép mượn một bản nhạc chế của kênh Nguồn Thiêng trên Youtube để góp vui cho mọi người gần xa được khuây khỏa đôi chút trước nỗi đau mùa dịch.

Lam Phương & Những Cuộc Tình Vây Quanh

Là một nhạc sỹ tài hoa và có tâm hồn lãng mạn, dễ rung cảm trước cái đẹp, nhạc sỹ Lam Phương không tránh khỏi những rung động của con tim trong cuộc đời thăng trầm của một người nghệ sỹ. Lại sinh ra trong một giai đoạn đầy biến động của thời cuộc, là chứng nhân của bao biến cố trên quê hương Việt Nam, Lam Phương đã để lại nhiều tuyệt phẩm mà trong đó chúng ta thấy thấp thoáng hiện lên nhiều bóng hồng đã đi qua cuộc đời nhà nhạc sỹ. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết đầy đủ và chân thật của nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn, một người em thân yêu, người bạn thâm niên trong sinh hoạt văn nghệ hơn 50 năm của Lam Phương.

Lam Phương & Những Cuộc Tình Vây Quanh qua lời kể của Nhà văn / MC Nguyễn Ngọc Ngạn.

Đà Lạt, một thời hương xa (5): ‘Cơn mưa phùn’ của ‘Thành phố buồn’

Dòng Nhạc Xưa đã giới thiệu nhiều ca khúc về Đà Lạt cùng các giai thoại bên lề. Hôm nay xin mời quý vị yêu nhạc xưa lại lắng đọng lòng mình cùng những nhạc phẩm bất hủ về thành phố mộng mơ.

Bìa cuốn băng Shotguns trong đó có bản ‘Cơn mưa phùn’ do Đức Huy & Thanh Tuyền song ca mà ngày đó gọi là ‘Đôi du ca Tuyền Huy’. Ảnh: Youtube.com

‘Cơn mưa phùn’ của ‘Thành phố buồn’

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đăng trên Thanh Niên ngày 2016-10-21)

đọc tiếp

Đèn khuya (Lam Phương)

Chúng ta đang ở vào những ngày giữa tháng 7 Âm Lịch, tức vào mùa Vu Lan Báo Hiếu. Trước đây Dòng Nhạc Xưa đã có bài viết về “Bông hồng cài áo” (Phạm Thế Mỹ – Nhất Hạnh)“Lòng mẹ” (Y Vân). Hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu một nhạc phẩm đặc sắc khác về tình mẫu tử: bản “Đèn khuya” của nhạc sĩ Lam Phương. Là anh cả trong gia đình, hơn mười tuổi phải sớm lìa bỏ quê nhà Rạch Giá để lên Sài Gòn kiếm sống, cộng với nỗi mất mát tình cảm với người cha, cậu bé Lâm Đình Phùng (tên thật của nhạc sĩ Lam Phương) dồn hết cả tình thương cho mẹ, người phải gánh vác trách nhiệm với cả gia đình. Có lẽ chính vì điều ấy mà trong một đêm mưa, nhà nhạc sĩ đã cảm tác nên “Đèn khuya”.

Đèn khuya (Lam Phương). Ảnh: vnchord.com
Đèn khuya (Lam Phương). Ảnh: vnchord.com
den-khuya--1--lam-phuong--vnchord.com--dongnhacxua.com

HOA THÁNG BẢY 
(Nguồn: bài viết của tác giả Phạm Đăng Thuyên viết trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra ngày 30.08.2015)

TTCT …. Nhưng chỉ sau hai năm cậu đi làm, người mẹ còn trẻ măng như cậu nghĩ mắc một cơn bạo bệnh và qua đời rất nhanh. Cậu choáng váng.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Cách nay mấy năm tôi nhận được một thư điện tử của một bạn trẻ không quen biết. Sau khi chào hỏi, cậu kể cho tôi nghe một câu chuyện khiến tôi phải lưu lại bức thư này trong hộp thư luôn phải dọn dẹp của mình.

Cậu kể: “Hai năm trước, em tốt nghiệp và có việc làm ngay. Ngành học của em lúc đó đang thịnh, em lại nhanh nhẹn và học hỏi nhanh nên may mắn chỉ sau một năm là được nhận vào một khâu quan trọng và mang được lợi nhuận cho nơi làm việc. Em sung sướng trong thế giới mới này.

Em yêu một cô khá xinh và được yêu. Em có thu nhập cao dần lên mỗi tháng và bắt đầu biết ăn diện. Em thường xuyên ra ngoài ăn với bạn bè và đối tác, những nhà hàng nổi tiếng đều đến ăn thử. Cuộc đời không có gì đẹp bằng!”.

Đó là phần mở đầu bức thư. Cậu có một bà mẹ chỉ ở độ tuổi hơn năm mươi, một người chị chưa lập gia đình. Dù rất yêu thương họ, mỗi tuần cậu ăn cơm chung với mẹ và chị độ hai lần. Có lần cô chị bảo rằng mẹ rất thích ăn cơm với em, nghe em kể chuyện đi làm ra sao. Cậu tươi cười bảo mới đi làm nên cần giao tiếp với nhiều người. Để công việc rảnh rỗi cậu sẽ siêng về nhà ăn cơm với mẹ và chị như hồi còn đi học.

Câu chuyện đơn giản như vậy. Nhưng chỉ sau hai năm cậu đi làm, người mẹ còn trẻ măng như cậu nghĩ mắc một cơn bạo bệnh và qua đời rất nhanh. Cậu choáng váng. Một năm sau nữa, công việc của ngành cậu ngày càng khó khăn. Cuối cùng, đồng lương của cậu chỉ là con số nhỏ. Các đối tác rút dần, bạn bè không mấy ai mời nhau đi ăn và cậu không còn khả năng lui tới với họ.

Điều an ủi duy nhất là cô bạn gái vẫn không bỏ rơi cậu và cậu cảm kích điều ấy. Tuy nhiên, cả hai trở nên lặng lẽ hơn. Và có một điều gì đó khiến cậu thấy hai năm vừa qua như một thứ ảo ảnh, như bọt nước.

Những buổi tối về ăn cơm cùng với chị, bên bàn thờ mẹ và người cha mất sớm, cậu hồi tưởng những năm đi học trung học rồi đại học. Những món mẹ nấu đơn giản nhưng đầy yêu thương. Rồi cậu nhớ đến một ngày giỗ ba, mẹ cậu đọc bài thơ ba viết tặng mẹ hồi còn trẻ. Thơ viết rất dí dỏm và cả ba mẹ con cùng cười, và thấy có cả giọt nước mắt trong khóe mắt của mẹ lúc cười vui ấy.

Câu chuyện của cậu như rất nhiều câu chuyện trên đời này, lặp đi lặp lại. Chúng ta luôn cứ phải hối tiếc khi mất đi điều yêu dấu nhất. Nhưng khi có nó trong tay, chúng ta luôn hờ hững và nghĩ rằng mình sẽ dành thời gian cho điều ấy, người ấy, việc ấy vào một lúc khác.

Chúng ta đeo đuổi những đam mê nghĩ là chính đáng cho cuộc đời cho đến khi nó trở nên vô nghĩa vì những điều khác xảy đến…

Tôi cũng có lúc như cậu bạn này nên không dám phán xét. Bức thư chỉ khiến tôi nhớ mẹ.

Khi nằm trên giường bệnh vào những ngày mưa thu tháng bảy như năm nay, má tôi vui khi hai người chị của tôi, chị ruột và chị dâu, vào thăm má. Hai chị mới vừa từ một ngôi chùa ra về, mục đích là cầu xin Phật trời cho má tôi được khỏe mạnh.

Vào thăm má, trên ngực áo của chị dâu còn mang một bông hồng trắng mà nhà chùa đeo cho vì đã mất mẹ. Còn trên áo chị ruột của tôi là một bông màu hồng. Nhìn màu bông hồng bên cạnh khí sắc nhợt nhạt của má, tôi chợt rùng mình như trước mắt mình màu hồng như muốn ngả sang nhợt nhạt.

Hồi xưa khi tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều nghỉ bán là má lại làm những bịch nước trái cây từ múi mít, trái thơm bào ra và nước đường. Má để trong tủ lạnh, đợi con nít hàng xóm sang mua. Mỗi ngày lũ con đi học về là lại lục tủ lạnh lấy một bịch để uống.

Thấy má cực thân, ông anh bảo không nên làm chi nữa, con cái uống hết có lời lóm gì. Má bảo con cái có mà uống chính là có lời, còn gì nữa. Má từ chối lời khuyên nên dùng đường hóa học cho rẻ, không phải vì con mình cũng uống mà vì má nghĩ như vậy là “mang tội”. Tội với ai? Tội với trời Phật vì đã đầu độc người khác.

Má sống với niềm tin thông thường là ở hiền gặp lành, gieo nhân tốt gặt quả tốt. Má giữ nghiêm ngặt những phong tục cũ, không ăn cá da trơn, không ăn thịt chó, không ăn thịt ếch, thịt chim hay thịt lươn, chỉ vì muốn món ăn nào cho cả nhà ăn đều “lành” theo cách nghĩ của má. Má chu toàn cuộc sống gia đình từ những món ăn quen thuộc, độ đạm vừa phải và không bị kiêng kỵ.

Đến thời bao cấp, má không tiếc những bao mì gửi cho thằng bạn của con khi nó đến nhà chơi, mặt xanh rớt vì đói ăn trong khi cha đang đi học tập cải tạo. Ngày tết má làm nhiều mứt dừa, nấu nhiều xirô. Không phải chỉ để cho con ăn, má biết lũ học trò trường mồ côi S.O.S mà ông anh làm hiệu trưởng sẽ kéo đến đầy nhà và chúng sẽ có một bữa ăn uống thỏa thích. Má cứ nghĩ và sống theo kiểu như vậy.

Những ngày má nằm trên giường bệnh, nhà tôi sát bên vách nên mỗi ngày qua thăm má năm bảy lần, bất cứ khi nào rảnh. Thăm và bóp chân tay cho má hoặc chỉ ngồi trông má ngủ. Lúc đó má đã lẫn, luôn trách ba tôi không chịu lên thăm bà trong khi ông đã ra đi trước đó nửa năm rồi.

Nhiều lần má lại mơ về hồi còn nhỏ, những năm thập niên 1930. Bà sụt sùi xin ông anh cả đừng đánh bà nữa. Đó là những chuyện xảy ra trong căn nhà của ông ngoại tôi bên Vĩnh Hội, quận 4 thuở xa xưa thời Pháp thuộc. Bà thường thấy hai ông đến rủ bà đi đâu nữa, trong đó có một ông mặt rất to. Chị người làm nghe vậy rất sợ vì theo chị đó là ông Địa Tạng về muốn đưa đi.

Có buổi sáng chủ nhật tôi qua thăm má và ngồi chơi độ hai giờ. Sau đó tôi về ăn cơm, ngủ một chút và lại qua má. Trời mưa lướt thướt, tôi vào phòng và thấy má cứ ngồi đó, tạo hình một bóng đen thẫm trên nền cửa sổ mưa trắng xóa sau cửa kính.

Tôi hỏi chị tôi: “Má không ngủ sao?”. Chị bảo: “Má không ngủ, bảo ngồi đây đợi em đó. Má bảo sao lâu quá, mấy ngày rồi nó không qua thăm!”.

Tôi ngồi xuống ôm má, tựa đầu mình vào mái đầu bạc của má và cảm thấy bao nhiêu ký ức và ân tình trôi qua vùn vụt trong đầu, từ ngày tôi còn nhỏ được má chăm sóc miếng ăn tấm áo, lăn bột pha giấm trên lưng khi bị sốt, tha đi bác sĩ khi sưng chân, dắt qua ngôi chợ má bán và mua cho đĩa bánh cuốn, chén chè đậu.

Tôi đọc lại bức thư và thấy mình không biết trả lời hay khuyên nhủ gì. Chúng ta có khác gì nhau, những người luôn cuốn hút về vũ khúc quay cuồng của cuộc đời, các bữa ăn, họp mặt, Facebook và có nhiều lúc quên đi người duy nhất trên đời này banh da xẻ thịt vì ta và luôn thương yêu ta vô điều kiện.

Phạm Đăng Thuyên

Thành Phố Buồn (Lam Phương)

Những ngày cuối tháng 12/2014, Dòng Nhạc Xưa có dịp trở lại Đà Lạt để tham gia đêm nhạc của vài anh chị thân hữu. Đã đến và đi nhiều lần nhưng cá nhân chúng tôi lần nào cũng lưu luyến Đà Lạt, thành phố với nhiều tên gọi: “thành phố mộng mơ”, “thành phố ngàn hoa”, … Với những ai yêu nhạc xưa thì nhắc đến Đà Lạt không thể không nói đến một cái tên khác: “thành phố buồn”. Đó cũng chính là tên của bản nhạc bất hủ của nhạc sỹ Lam Phương.

Thành phố buồn (Lam Phương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Thành phố buồn (Lam Phương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
thanh-pho-buon--1--lam-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
thanh-pho-buon--2--lam-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
thanh-pho-buon--3--lam-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

NHẠC SỸ LAM PHƯƠNG: “TÔI KHÔNG NGUÔI NGHĨ VỀ QUÊ CHA ĐẤT TỔ”
(Nguồn: tác giả Dạ Ly viết trên ThanhNien.com.vn ngày 18/08/2013)

Nhạc sĩ Lam Phương - Ảnh: Bến Thành Audio-Video cung cấp.
Nhạc sĩ Lam Phương – Ảnh: Bến Thành Audio-Video cung cấp.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 7 vừa qua, người viết đã có dịp nghe bạn bè nhạc sĩ Lam Phương kể về cuộc sống của ông tại miền nam California – Mỹ. Sức khỏe người nhạc sĩ tài hoa này giờ không được tốt nữa và cả giọng nói của ông cũng không còn rõ như xưa nên người viết đành gửi lại ông câu hỏi. Sau khi sức khỏe ổn định, ông đã trả lời qua email.

Nghe nói ông đã trải qua đợt tai biến, hiện tại sức khỏe của ông thế nào?

Ở cái tuổi hơn bảy bó rưỡi rồi, lại bị ảnh hưởng tai biến, nên sức khỏe của tôi cũng không thể nào như người bình thường được. Hiện nay, nhờ trời thương cùng bà con quan tâm, nên sức khỏe của tôi vẫn ở tình trạng… lúc mưa lúc nắng, đi đứng khập khễnh, nói năng vấp váp vậy thôi.

Nhạc sĩ Lam Phương có rất nhiều bài hát được yêu mến. Nhưng có lẽ với ông, bài viết năm 15 và 17 tuổi (Chiều thu ấy, Kiếp nghèo) hẳn đã để lại nhiều dấu ấn nhất. Vì đâu một người trẻ như ông lúc đó lại có thể viết nên những nỗi niềm sâu sắc như vậy?

Lớn lên giữa tình trạng đất nước chiến tranh đã tạo cho tâm hồn con người những rung động bi quan. Do đó, những sáng tác đầu đời của tôi cũng phản ánh tâm trạng thua thiệt. Và dĩ nhiên, đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trong cuộc đời sáng tác của mình.

Rất nhiều người đã yêu say đắm bài Thành phố buồn. Phải chăng ông viết cho một người ‘đặc biệt’?

Không hẳn như vậy. Năm 1970, tôi theo Ban văn nghệ Hoa tình thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên Thành phố buồn. Đây là một trong những ca khúc có số lượng xuất bản rất cao.

Được biết ngày xưa ông rất nghèo. Đến lúc nào thì ông vượt qua được cảnh túng thiếu? Có phải nhờ âm nhạc mà ông thoát nghèo và lạc quan hơn?

Cuộc đời tôi nhiều buồn hơn vui, thời gian nghèo khó cũng không phải là ít. Do đó, sáng tác của tôi có thể cũng chỉ là cái bóng của thân phận mình. Đứng về phương diện vật chất thì tôi đã tạm dễ thở được 5 năm từ năm 1970 – 1975. Nhưng sau đó lại tiếp tục với kiếp nghèo.

Có một thời gian nhạc của ông không buồn mà lại vui với Bài tango cho em, Cỏ úa, Ngày hạnh phúc… Đó có phải là thời điểm ông… yêu lại lần nữa nên thấy đời vui?

Như tôi trình bày ở trên, sáng tác của tôi thường thể hiện những tình cảm chân thành trong tình yêu và trước hoàn cảnh đời sống. Các ca khúc như bạn nói cũng chỉ là những bông hoa màu sắc đính trên tấm thảm tâm hồn của người nghệ sĩ sáng tác ở thời điểm đó mà thôi. Hơn nữa, những sáng tác âm nhạc của tôi luôn thể hiện tuần tự theo những khúc quanh trên đời sống của tôi như vừa lớn lên, mới biết yêu thì có: Chiều thu ấy, Chờ người, Kiếp nghèo; Tình cảnh an bình, hạnh phúc thì có: Trăng thanh bình, Khúc ca ngày mùa, Nắng đẹp miền nam… Đến khi tình cảm bị rụng rơi thì có: Cỏ úa, Thu sầu, Tình chết theo mùa đông…

Được biết ông từ Mỹ sang Pháp định cư rồi lại trở về Mỹ. Trong 10 năm qua ông có hạnh phúc không?

Di chuyển nơi ăn chốn ở, dù là của người nghệ sĩ, cũng bình thường mà thôi. Mặc dù không gian có đổi thay, thời gian có biến chuyển, nhưng tình yêu nghệ thuật vẫn âm ỉ trong tôi. Và nơi trái tim tôi, luôn tồn tại những nhịp đập yêu thương. Hạnh phúc nhất mà lúc nào tôi cũng cảm thấy là luôn được nhiều người thương cảm mình và yêu thích tác phẩm của Lam Phương.

Nghe nói Bến Thành Audio -Video đang dự định mời ông về làm live show đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm. Ông có dự định trở về?

Tháng 12 vừa qua, tôi có đi Úc trình diễn, nhưng đó là chuyện về trước. Giờ, tôi đã lớn tuổi rồi, không bao lâu nữa đã bát thập niên, lại thêm đi đứng khó khăn, ngồi xe lăn thường trực, nói năng chậm chạp, có lẽ sẽ khó tham dự được live show do Bến Thành Audio-Video tổ chức. Về hay không về thì lòng tôi lúc nào cũng không nguôi nghĩ về quê cha đất tổ, đến những người thân thương, những khán thính giả, bạn bè bằng hữu quý mến mình. Tôi cầu mong an lành và hạnh phúc thường trực ở với mọi người.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ngày 20.3.1937 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Ông bắt đầu sáng tác từ năm 15 tuổi. Ngoài âm nhạc, ông còn cộng tác với Ban kịch Thẩm Thúy Hằng và Ban kịch Sống của kịch sĩ Túy Hồng. Trước khi bị tai biến mạch máu não ông sống tại Mỹ, sau đó ông sang Pháp và năm 1995 ông về sống tại Mỹ với sức khỏe có phần yếu đi. Ông có đến hơn 200 tác phẩm được khán giả yêu mến. Trong đó có nhiều bài được người yêu nhạc thuộc nằm lòng: Chiều thu ấy, Kiếp nghèo, Từ ngày có em về, Tình đẹp như mơ, Thao thức vì em (Em là tất cả), Thành phố buồn, Bài tango cho em, Biển tình, Chỉ có em, Cỏ úa, Đèn khuya, Duyên kiếp, Em đi rồi, Giọt lệ sầu, Khóc thầm, Lạy trời con được bình yên, Xin thời gian qua mau, Ngày hạnh phúc…

60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Chuyến Đò Vỹ Tuyến

Nếu như ‘Câu hò bên bờ Hiền Lương’ là tiếng lòng của người dân Việt ở bờ bắc sông Bến Hải thì ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ là tiêu biểu cho tâm tình của những người anh em ở bờ Nam. Nhạc sỹ Lam Phương sáng tác bản ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ độ năm 1956-1957, khi cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền đã gần như đi vào ngõ cụt và sự chia cắt không biết bao giờ mới chấm dứt.

Sinh năm 1937, nhạc sỹ Lam Phương khi đó chỉ mới là chàng trai trẻ, vừa tròn 20 tuổi. Thế nhưng qua nét nhạc tài tình và một tâm hồn nhạy cảm với hoàn cảnh đau thương của dân tộc,  ông đã cho ra đời một nhạc phẩm để đời mà 60 năm sau, khi các ‘vết thương chia cắt’ đã lành thì ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ vẫn mãi là khúc ca êm đềm ‘sưởi ấm cõi lòng’.

Hình ca sỹ chắc là cô Hoàng Oanh? Ảnh: sưu tầm từ http://clarabeille.blogspot.com
Hình ca sỹ chắc là cô Hoàng Oanh? Ảnh: sưu tầm từ http://clarabeille.blogspot.com

Khi nhắc đến ‘Chuyến đò vỹ tuyến’ sẽ là một thiếu sót nếu như không nhắc đến ca sỹ Hoàng Oang, người đã gắn liền tên tuổi trong hơn 40 năm qua với bản này. Theo cá nhân chúng tôi thì có lẽ Hoàng Oanh không phải là ca sỹ đầu tiên thể hiện ‘Chuyến đò vỹ tuyến’  vì cô sinh năm 1950 mà thời điểm bản nhạc ra đời là khoảng 1956-1957. Tuy nhiên có một điều mà không một thính giả yêu nhạc xưa nào phủ nhận là Hoàng Oanh là người thể hiện thành công và lột tả được cái hồn của bản nhạc.

Nhân dịp này, Dòng Nhạc Xưa xin chúc nhạc sỹ Lam Phương nhiều sức khỏe. Mong ông có được một lần về thăm lại Việt Nam và ghé thăm dòng sông Bến Hải, vỹ tuyến 17, nơi mà hơn 50 năm trước ông đã gởi gắm tâm sự trong một nhạc phẩm để đời.

Em đi rồi

Trong một bài viết về nhạc sỹ Lam Phương, chúng tôi có nhắc đến quãng thời gian hơn 10 năm ông sang Pháp sống với người em gái sau khi cuộc hôn nhân tưởng như là lý tưởng với ca kịch sỹ Lưu Hồng vào năm 1981. Rồi trong một bài viết khác về nghệ sỹ Lê Tấn Quốc, ông tâm sự về cuộc buồn với nữ danh ca Họa Mi: hai người kết hôn vào năm 1976 và có với nhau 3 mặt con. Năm 1988, trong một chuyến lưu diễn ở Pháp, Họa Mi xin quy chế tị nạn và ở lại luôn Pháp quốc. Cùng sinh hoạt văn nghệ ở Paris với nhau và cảm thông với chuyện tình éo le của Họa Mi và Lê Tấn Quốc, nhạc sỹ Lam Phương đã viết thành ca khúc đầy tâm trạng: Em đi rồi.

ĐÔI NÉT VỀ CA SỸ HỌA MI
(Nguồn: DiemXuaCafe)

Ca sỹ Họa Mi. Photo: http://my.opera.com/diemxuacafe

Tiếng chim hót trong bụi mận gai

Họa Mi yêu ca hát từ nhỏ và rất được sự khuyến khích của mẹ: “Nếu sợ ba con rầy thì con cứ hát nhỏ nhỏ cho má nghe cũng được”, đó là lời Họa Mi tâm tình trên video Paris By Night Thúy Nga. Sinh ngày 1 tháng 5 năm 1955, Họa Mi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Việt Nam và được sự hướng dẫn về nghệ thuật của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ.

Rời Việt Nam năm 1988, Hoạ Mi được nhiều cơ hội tham gia tích cực vào những sinh hoạt văn nghệ hải ngoại và đã từng trình diễn ở rất nhiều quốc gia: Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy, Úc, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và ngay cả Liên Sô (trước 1988).
Trong phong thái trình diễn rất nhẹ nhàng thoải mái, với tiếng hát ấm và trong, Họa Mi đã từng làm say mê khán thính giả trong những ca khúc trữ tình lãng mạn. Nhạc phẩm “Đưa Em Xuống Thuyền” của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ đã được Họa Mi lựa chọn để trình diễn trong lần đầu tiên ra mắt khán thính giả tại nhà hàng Maxim’s Sài Gòn. Những ai đã từng ái mộ tiếng hát Họa Mi chắc không thể quên được nhạc phẩm “Em Đi Rồi” của nhạc sĩ Lam Phương đã được Họa Mi trình bày một cách xuất sắc, chừng như tiéng nức nở nghẹn ngào của từng âm thanh rung động trên vành môi, người ca sĩ đáng yêu kia đã gởi gấm đâu đây một phần đời của chính mình? Họa Mi yêu màu trắng và thích nhấn con số 8 (đây là con số “Phát tài” theo sự tin tưởng của người Trung Hoa). Cho đến nay, Họa Mi đã xuất hiện rất nhiều trên băng Paris By Night cũng như đã thâu băng và CD. Ngoài ra, cô còn cộng tác với một số vũ trường tại Paris. Đối với Họa Mi, trong tình yêu, sự thành thật là yếu tố quan trọng hàng đầụ Họa Mi cho rằng được có một mái ấm gia đình là cả một hạnh phúc lớn, còn về cuộc đời, Họa Mi thấy rất ngắn ngủi và mong manh.

Nhiều người có nhận xét rằng Họa Mi rất đẹp không những trên sân khấu mà kể cả ở ngoài đời và cô có một giọng hát trong, thánh thót ở những nốt nhạc cao và ấm áp, tình cảm ỡ những nốt nhạc thấp hơn.

Yêu nhau một thời, xa nhau một đời…

Hơn hai mươi năm rời sân khấu, rời Sài Gòn, Họa Mi đã có một cuộc đời khác. Hai mươi năm nhiều biến động, có thể nói là những biến động nghiệt ngã nhất của đời người, đã làm Họa Mi bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn vào những tháng năm này.

Nữ danh ca thập niên 70 của Sài Gòn, giọng ca quen thuộc của đoàn Kim Cương những năm đầu giải phóng, phát hành album đầu tay “Một thời yêu nhau” khi bước vào tuổi 54. Khi số phận bắt chị phải lựa chọn, chị đã lựa chọn gia đình và những đứa con. Phía sau cuộc ra đi nhiều sóng gió của Họa Mi năm 1988 tới Pháp, ít ai biết, đó là cả một sự hy sinh thầm lặng đến quên mình…

Sài Gòn là một ký ức đẹp, mà ở đó chị đã có tất cả. 18 tuổi, khi đang học Trường Quốc gia âm nhạc (nay là Nhạc viện TPHCM), Họa Mi được nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ mời đến hát tại nhà hàng Maxim’s, một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Sài Gòn khi ấy. Và ngay từ những bài hát đầu tiên “Đưa em xuống thuyền”, “Đưa em qua cánh đồng vàng”, Họa Mi đã là một hiện tượng không trộn lẫn.

Họa Mi được đánh giá là một trong những ca sỹ hiếm hoi được học thanh nhạc bài bản, có nền tảng tốt. Chị nhớ lại, tên chị là Trịnh Thị Mỹ, khi bắt đầu được đi hát, chị lấy tên là Trường My, nhưng ngay buổi đầu tiên đi hát, chị được ông bầu Hoàng Thi Thơ giới thiệu là Họa Mi, và đó chính là cái tên theo chị suốt cuộc đời ca hát.

Sau khi 1975, Họa Mi nghĩ mình sẽ không còn cơ hội để ca hát nữa. Khi ấy chị hai mươi tuổi và bắt đầu theo học ngành Luật. Cho đến một ngày, nhạc sỹ Ngọc Chánh đến tìm chị. Anh nói, thành phố thành lập một đoàn ca nhạc hát chung với đoàn Kim Cương. Và anh muốn chị đi hát lại. Khi ấy, đoàn ca nhạc gồm hầu hết những gương mặt quen thuộc trong giới ca nhạc sau này, như Thanh Phong, Phương Đại, Thái Châu, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Sơn Ca… Và chị đã tiếp tục con đường ca hát, với một phong cách mới. Bài hát đầu tiên trên sân khấu là “Bóng cây Kơ nia”, Họa Mi đã hát với tình yêu say đắm của tuổi hai mươi khi ấy.

Năm 1976, Họa Mi lập gia đình với nghệ sỹ saxophone Lê Tấn Quốc. Họa Mi nói, khi ấy cả anh và chị đều có hoàn cảnh giống nhau, nên rất dễ thương nhau. Họa Mi mất ba từ năm 11 tuổi và năm 18 tuổi mẹ chị cũng rời trần thế, bỏ lại chị một mình trong thành phố những ngày nhiều biến động. Hai người yêu nhau 6 tháng thì cưới. Anh vẫn thổi kèn cho chị hát. Và họ đã là một biểu tượng của hạnh phúc.

Nhà báo Cát Vũ nói, hình ảnh vợ chồng Họa Mi – Lê Tấn Quốc là “nguồn cảm hứng” cho lứa nhà báo trẻ của chị khi ấy. Bởi ở họ thể hiện được rất rõ khí chất và tình nghệ sỹ lâu bền… Họ đã sống với nhau hơn 10 năm và có với nhau 3 đứa con.


Lê Tấn Quốc với chứng bệnh mắt bẩm sinh, mắt ngày càng kém hơn. Cuộc sống thành phố những năm 80 của thế kỷ trước bộn bề gian khó. Cặp vợ chồng nghệ sỹ vật lộn tìm đường sống để nuôi ba con nhỏ. Hạnh phúc tưởng như trọn vẹn, nhưng lại không dễ dàng. Và năm 1988, Họa Mi có chuyến đi biểu diễn tại Pháp. Chuyến đi ấy chị đã không trở về.

Sự không trở về của Họa Mi gây ra những sóng gió lớn. Những chuyện sau này, có rất nhiều sự thêu dệt về sự ra đi của chị. Và người ta từng nghĩ, chị sẽ bị… cấm vận vĩnh viễn. Và việc chị ra đi, bỏ lại người chồng mắt bị lòa là một việc làm nhẫn tâm, vô tình vô nghĩa.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức, một trong những người bạn của Họa Mi nhớ lại, khi ấy Họa Mi rất yêu chồng. Và việc chị tìm cách ở lại Pháp, không phải để mưu cầu hạnh phúc riêng tư, cũng không phải vì mục đích chính trị hay bất cứ ham muốn nào khác, mà chỉ vì mục đích là tìm đường chữa đôi mắt cho chồng. Khi ấy, VN chấp nhận cho chị đưa nhạc sỹ Lê Tấn Quốc và ba con sang Pháp để anh có điều kiện chữa mắt. Nhưng, đôi mắt ấy không bao giờ có thể chữa lành. Ngay cả những bác sỹ giỏi nhất tại Pháp cũng đành ngậm ngùi lắc đầu.

Và, người nghệ sỹ từ nhỏ đã sống với cây kèn, quen với những đêm diễn, bỗng chốc phải thay đổi đột ngột, không còn không gian cho âm nhạc nữa, khiến Lê Tấn Quốc trở nên tuyệt vọng. Và anh trở về Việt Nam… Cuộc chia tay ấy mang nhiều nước mắt. Bởi, họ vẫn còn rất yêu nhau. Nhưng cá tính nghệ sỹ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Câu chuyện tình yêu của Họa Mi – Lê Tấn Quốc đã thành giai thoại trong giới âm nhạc Sài Gòn. Bao nhiêu năm qua đi, câu chuyện ấy vẫn là một minh chứng sống của tình nghệ sỹ.

Chia tay nhau, xa cách đầy giông bão. Số phận đã buộc họ phải lựa chọn. Nhưng Họa Mi không còn cách nào khác, không thể quay về, buộc phải tiếp tục hành trình sống nơi xứ người, tìm cách mưu sinh và nuôi con. Họ vẫn quan tâm đến nhau, như những người bạn tri kỷ. Mỗi khi chị về nước, đều tìm đến thăm anh. Và khi Họa Mi làm đám cưới với người chồng mới tại nhà hàng Maxim’s, cả gia đình và người vợ mới của Lê Tấn Quốc cũng đến dự.

Phía sau sự xa cách định mệnh lại là những tháng ngày thái bình. Bởi hơn ai hết, cả hai người từng yêu nhau đắm say, hiểu được cái giá của mất mát. Và, đến lúc này, họ vẫn thường xuyên quan tâm tới nhau. Trong đĩa nhạc mới sắp phát hành của Họa Mi, Lê Tấn Quốc vẫn thổi kèn đệm cho chị hát. Trong âm nhạc, họ chưa bao giờ xa nhau.

Họa Mi nhớ lại, khi qua Pháp chị phải tìm mọi cách để được sống tốt và nuôi các con. Khi ấy, chị đi hát vì mưu sinh trong một nhà hàng của người Hoa. Thực khách của nhà hàng rất đa dạng, nhưng những người nghe chị hát không nhiều. Đó là những ngày rất buồn. Khi phải gắn đời nghệ sỹ vào với cơm áo, là khi người nghệ sỹ phải thỏa hiệp và chấp nhận nhiều thua thiệt. Khi ấy, cũng có những lời mời từ các trung tâm biểu diễn tại hải ngoại, nhưng Họa Mi không thể để bỏ các con lại, với những chuyến lưu diễn dài ngày. Thật lâu, chị tham gia vài chương trình ghi hình rồi vội vã trở về Pháp.

Năm 1995, Họa Mi lập gia đình với một kỹ sư gốc Sa Đéc. Anh đã sống nhiều năm ở Pháp và hoàn toàn không biết chị… hát gì. Nhưng họ đã yêu nhau thành thật. Cô con gái của họ đã bước vào tuổi 14 và anh cũng không còn làm kỹ sư nữa. Hai vợ chồng chị mở một xưởng sản xuất bánh ngọt giao cho những nhà hàng tại Paris.

Họa Mi nói, thực ra suốt nhiều năm tôi không đi hát chỉ vì nghĩ mình buộc phải lựa chọn gia đình. Tôi hiểu rất rõ cuộc sống của những đứa trẻ trong những gia đình thiếu hụt. Tôi đã không giữ được cho con tôi một mái ấm khi qua Pháp, thì phải ráng giữ sao cho con khỏi thiệt thòi. Khi tôi lập gia đình với người chồng mới cũng vì một điều, anh thực sự biết chia sẻ và nâng đỡ các con tôi.

Họa Mi, ở tuổi 54, đã tìm đường trở về Việt Nam, bắt đầu cho những dự định ca hát dang dở. Kể như là một kế hoạch đã muộn. Nhưng chị vẫn làm. Làm cho mình và tri ân những người vẫn còn lưu nhớ giọng hát chị. Một đĩa nhạc tình quen thuộc, nhưng lần đầu tiên chị hát.

Trong lời đề từ đĩa nhạc “Một thời yêu nhau”, Họa Mi viết: “Ngày thàng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc. Có chăng là kỷ niệm, là hạnh phúc, là khổ đau. Tôi muốn giữ mãi những phút giây quý giá của hạnh phúc. Tôi muốn tôi quên đi những chuỗi ngày của buồn đau, của những vết thương lòng đã chôn chặt từ lâu”…

Chị đã không lựa chọn cộng đồng người Việt tại Mỹ để xuất hiện, dù biết những khán giả đó mới là khán giả chính yêu thích những bản nhạc tình xa xưa. Chị nói, chị đã có những ngày tháng đẹp ở thành phố này. Chị ra đi và chị trở về, như một sự trở lại, tìm đến những ân tình cũ. Chị không có ý định gì to lớn, ngoài việc lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ của đời mình. Họa Mi cười, chị đang tìm cách thuyết phục chồng chị về định cư tại Việt Nam. Vì năm tháng xa xôi đã đủ để chị biết, nơi này vẫn là nơi chị đáng sống nhất, trong những ngày còn lại của đời mình…

Một mình

Trong nền tân nhạc Việt Nam, Dòng Nhạc Xưa biết được 2 bản nhạc có cùng tên “Một mình”, một của nhạc sỹ Lam Phương, một của nhạc sỹ Thanh Tùng. Có một sự trùng hợp khá đau lòng là hiện tại cả hai nhà nhạc sỹ đều đang phải sống rất cô đơn trong buổi xế chiều của đời người.

MỘT MÌNH (LAM PHƯƠNG)

Nhạc sỹ Lam Phương và Khánh Ly trong một chương trình ca nhạc tại Hoa Kỳ. Ảnh: HonQue.com

Nhạc sỹ Lam Phương sau khi chia tay với người vợ đầu tiên là nữ ca sỹ, kịch sỹ Túy Hồng trên đất Mỹ (độ năm 1981), ông sang “kinh đô ánh sáng” Paris sống cùng người em gái. Tại đây ông tìm được niềm vui mới. Vài năm sau đó, hai vợ chồng ông quay trở lại Mỹ. Riêng về nhạc phẩm “Một Mình,” Lam Phương cho biết đã cảm xúc vào một buổi sáng sớm, khi thức dậy đã thấy người vợ đang ở một mình ngoài vườn cho bầy chim ăn, để rồi ông tự hỏi “Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu. Tình cờ gặp nhau. Ngỡ ngàng nhìn nhau, để rồi còn gì nữa cho nhau.”  

Nhưng vào ngày 13 tháng Ba, 1999, trong khi dự tiệc ở một nhà người bạn, ông lại bị chóng mặt xây xẩm, phải nhờ người lái xe đưa về ngay trong khi miệng ông đã bị méo xệch qua một bên. Sau khi về nhà lấy giấy tờ, ông đã được chở ngay vào nhà thương Fountain Valley ở Nam Cali để chữa trị. Nhưng khi tới nơi, tay chân ông đã bị liệt. Sau khi ở bệnh viện này 10 ngày, Lam Phương đã được chuyển qua một bệnh viện chuyên môn về tai biến mạch màu não và nằm tại đây trong suốt 20 ngày. Biến cố này đã khiến Lam Phương lại trở về với nỗi bi quan tưởng như đã dứt bỏ được.

Tuy vậy, Lam Phương đã cố gắng theo một qui chế ăn uống kỹ lưỡng và nhất là siêng năng tập luyện hằng ngày đến nay tình trạng sức khỏe của ông đã khả quan rất nhiều.

Hai năm sau, năm 2001, đúng 20 năm sau ngày ông chia tay Túy Hồng và 10 năm sau khi ông tìm được niềm vui mới thì người vợ sau cũng đã bỏ ông mà đi, để cho giờ đây ông vẫn “một mình”.

MỘT MÌNH (THANH TÙNG)

Khác với Lam Phương, nhạc sỹ Thanh Tùng viết “Một mình” để tưởng nhớ người vợ đầu (và cũng là duy nhất cho đến lúc này) ra đi vĩnh viễn. Để hiểu rõ hơn về nhà nhạc sỹ và nỗi lòng với người vợ quá cố của Thanh Tùng, [dongnhacxua.com] xin mời quý vị yêu nhạc xưa đọc qua bài viết của nhà văn, nhà báo Nguyễn Đông Thức:

Ảnh: Nam.com.vn

Tôi cứ nhớ mãi khoảng sân nhỏ trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp Q.1, có gốc khế, nơi ông và bạn bè thường ngồi nhậu mỗi chiều, chen lẫn tiếng cụng ly là những tràng cười hào sảng. Đó là nơi ông đàn hát cho chúng tôi nghe bài Hoa tím ngoài sân khi vừa viết xong, vừa cười vừa kể thoạt đầu đã viết là Hoa khế ngoài sân, nhưng rồi lại sợ bà con hiểu lầm là… mồng gà hoa khế (tên gọi hai căn bệnh xã hội), nên phải sửa lại. Cũng là nơi lần đầu ông phát hiện vũng nước tiểu của mình bị kiến bu đầy, báo hiệu căn bệnh tiểu đường quái ác đã hành hạ ông suýt chết mấy lần đến tận bây giờ.

Rồi chị Minh, vợ ông, bất ngờ bị bệnh nặng và mất… Dù rất bận rộn chuyện làm ăn nhưng chị vẫn thường đích thân lo tiệc nhậu cho chồng khi bạn bè đến nhà. Bạn ông ai cũng kính nể chị, một tay làm ra tiền nhưng luôn quý người chồng nghệ sĩ hết mực. Bạn bè nể một, thấy ông nể hai, ba. Nhưng không rõ lắm ông yêu vợ cỡ nào, vì vẫn đều đều tham gia những cuộc vui với “những bông hoa nhỏ”, rồi bar pub vũ trường, mát-xa bia ôm… thảy đều không từ. Chỉ có một nguyên tắc cho tôi hiểu ông nể vợ: ai muốn ngồi cạnh ông là phải lau thật sạch son phấn. Ông giải thích ngắn gọn: “Sợ bà ấy buồn”.

Chỉ khi chị Minh mất, mới thấy ông thương vợ thế nào, khi Lối cũ ta về bất ngờ ra đời, thấm đẫm kỷ niệm ngày xưa ở Nghi Tàm với niềm thương tiếc khôn nguôi: 

Dù cho bên anh nay em không còn nữa
Biết chăng trong con tim anh luôn hằng nhớ
Người yêu ơi nay em đã bỏ anh đi
Sao em nỡ bỏ anh đi mãi…

Đó cũng là lúc ông đi uống nhiều nhất. Từ trưa, đến chiều, đến khuya, có hôm một, hai giờ sáng mới về đến nhà… Như để nuốt hết nỗi buồn vào lòng. Bạn bè ông rất đông, thay ca chia sẻ với ông trong ngày, vì làm sao đu theo ông nổi (hai người có mặt bên ông nhiều nhất trong thời gian ấy là Trịnh Công Sơn và Từ Huy, nay cũng đều đã… lên đường!). Sau Lối cũ ta về, là Em và tôi, Trái tim không ngủ yên…, bài nào cũng nhanh chóng chinh phục người nghe. Tôi từng ngạc nhiên hỏi ông sáng tác vào lúc nào trong ngày, ông nói lúc khuya đi nhậu về, một mình một bóng trong phòng, không ngủ được. Nghệ sĩ sáng tác luôn là người cô đơn, trước trang viết của mình. Với ông, hẳn sự cô đơn ấy còn đậm đặc hơn.

Rồi Một mình được tung ra (lần đầu do Mỹ Linh hát), gây rưng rưng không chỉ cho bất cứ ai từng bị mất mát, và tôi tin không ai cô đơn bằng ông khi viết ca khúc ấy. Chỉ bằng một sự cô đơn và nhớ thương tuyệt đối người ta mới có thể viết:

Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên
Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên
Bao đêm tôi đã một mình nhớ em
Ðêm nay tôi lại một mình…

Và:

Vắng em đời còn ai với ai
Ngất ngây men rượu say
Ðêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ
Cô đơn, cùng với tôi về…

Ông không phải là thần thánh, có tài, lại nhiều tiền, sống hào hoa… Không ít phụ nữ đẹp muốn đến với ông, lúc đó. Cũng có lúc đã tưởng ông chọn chung sống với một cô người mẫu… Nhưng rồi ông lại… một mình, chăm sóc ba đứa con (Bách, Thông, Bạch Dương – cùng họ cây tùng), cho đi học bên Mỹ, nay tất cả cùng trở về, quây quần bên ông… Bệnh thì ngày càng nặng – bởi có kiêng cữ gì đâu, lại không ai chăm sóc!

Giờ đây tôi và ông đang ngồi trong một ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Trung Trực, Q.Bình Thạnh, đồ sộ hơn nhiều so với căn ở ngõ Cây Điệp ngày nào. Có dàn huỳnh anh nở vàng rực mấy bờ tường, có hồ nước cá chép Nhật lượn lờ, có đàn gà tre thảnh thơi mổ thóc, và có… mấy con chó nằm khoanh đuôi đuổi ruồi không bay trong chuồng sắt. Căn nhà đẹp nhưng buồn bã, nhất là khi nhìn mấy con chó bó gối kia…

Sau cơn đột quỵ xuất huyết não năm 2008 tưởng không qua khỏi, giờ đây ông đã đỡ hơn nhiều nhưng nói chuyện còn rất khó khăn, từng tiếng một, đôi khi phải bút đàm. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra suốt hai tiếng mà chỉ được vài câu, như sau:

– Vừa có show kỷ niệm 5 năm ngày mất của Từ Huy, do gia đình tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên… Anh Bảo Phúc thì mất 2 năm rồi… Anh Sơn 10 năm… Nhanh quá phải không anh? Anh có còn nhớ về các anh ấy?
– Sao không?… Bạn bè… Đời… vô nghĩa…
– Anh vẫn đọc báo, xem tivi hàng ngày?
– Vẫn…
– Các con chăm sóc anh tốt không?
– Rất tốt.
– Chúng làm ăn giỏi không?
– Giỏi.
– Anh đã có một tình yêu rất bền, đẹp, dù đứt đoạn. Anh Sơn cũng có một cuộc tình còn lãng mạn hơn. Có phải những cuộc tình buồn sẽ dễ đưa đến những tác phẩm hay?
– Hên xui…
– Vừa rồi ở Hà Nội ông Trần Bình có làm mấy đêm show ca khúc của anh. Anh có ra?
– Không.
– Anh có thích làm lại một show ở TP.HCM?
– Thích.
Rồi anh cười, đôi mắt sáng đầy hứng khởi như ngày nào:
– Bia?
– Bác sĩ cho uống bia lại rồi à? – Tôi trợn mắt.
– Rồi… Ngày… 4 lon, trưa 2…, chiều 2…, có thể… 3.
– Vậy là lúc này ngon rồi. Sắp đi chơi lại được rồi.
– Ngày nào cũng… đi chơi… Đi uống cà phê… Bác sĩ nói… ba tháng nữa… sẽ nói tốt.

Tôi uống với ông hai lon bia, chạnh lòng nghĩ tới bao tiệc nhậu ngày xưa, bao gương mặt bạn bè một thời giờ đâu vắng cả… Bia rượu từng chảy như suối, rồi bao nhiêu lụa là son phấn vây quanh…

Câu cuối cùng tôi hỏi ông trước khi ra về:

– Anh vẫn nhớ chị Minh nhiều?

Ông gật đầu, đôi mắt chợt buồn hẳn, xa xăm.

Tôi tin giờ đây càng một mình ông càng nhớ chị ấy nhiều hơn. Nhớ gốc khế trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp, nhớ phố xưa Nghi Tàm, nhớ những khóm cúc vàng bên thềm nhà… Tôi mở điện thoại của mình cho ông nghe lại Mỹ Dung và ông hát Hoa cúc vàng, gần như là bài hát cuối cùng của ông trước ngày bị đột quỵ và cũng là bài mà tôi thích không thua gì bài Một mình:

Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về
Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế
Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về
Anh lại ngồi bên em, chờ con nắng ghé qua thềm…
…Đêm qua em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà
Sao chưa về thăm anh, anh nhớ em nhiều lắm đấy
Bâng khuâng trong vườn nắng, cô đơn khóm cúc vàng
Đang chờ mùa thu sang, chờ cho đến lúc phai tàn…

Bây giờ cũng đang là mùa Thu, trong vườn có chút nắng vàng như mật, nhưng không có khóm cúc lẻ loi nào mà chỉ có mỗi mình ông. Hình như trong số bạn bè tôi, ông đang là người đàn ông cô đơn nhất…