Thành Phố Buồn (Lam Phương)

Những ngày cuối tháng 12/2014, Dòng Nhạc Xưa có dịp trở lại Đà Lạt để tham gia đêm nhạc của vài anh chị thân hữu. Đã đến và đi nhiều lần nhưng cá nhân chúng tôi lần nào cũng lưu luyến Đà Lạt, thành phố với nhiều tên gọi: “thành phố mộng mơ”, “thành phố ngàn hoa”, … Với những ai yêu nhạc xưa thì nhắc đến Đà Lạt không thể không nói đến một cái tên khác: “thành phố buồn”. Đó cũng chính là tên của bản nhạc bất hủ của nhạc sỹ Lam Phương.

Thành phố buồn (Lam Phương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Thành phố buồn (Lam Phương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
thanh-pho-buon--1--lam-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
thanh-pho-buon--2--lam-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
thanh-pho-buon--3--lam-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

NHẠC SỸ LAM PHƯƠNG: “TÔI KHÔNG NGUÔI NGHĨ VỀ QUÊ CHA ĐẤT TỔ”
(Nguồn: tác giả Dạ Ly viết trên ThanhNien.com.vn ngày 18/08/2013)

Nhạc sĩ Lam Phương - Ảnh: Bến Thành Audio-Video cung cấp.
Nhạc sĩ Lam Phương – Ảnh: Bến Thành Audio-Video cung cấp.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 7 vừa qua, người viết đã có dịp nghe bạn bè nhạc sĩ Lam Phương kể về cuộc sống của ông tại miền nam California – Mỹ. Sức khỏe người nhạc sĩ tài hoa này giờ không được tốt nữa và cả giọng nói của ông cũng không còn rõ như xưa nên người viết đành gửi lại ông câu hỏi. Sau khi sức khỏe ổn định, ông đã trả lời qua email.

Nghe nói ông đã trải qua đợt tai biến, hiện tại sức khỏe của ông thế nào?

Ở cái tuổi hơn bảy bó rưỡi rồi, lại bị ảnh hưởng tai biến, nên sức khỏe của tôi cũng không thể nào như người bình thường được. Hiện nay, nhờ trời thương cùng bà con quan tâm, nên sức khỏe của tôi vẫn ở tình trạng… lúc mưa lúc nắng, đi đứng khập khễnh, nói năng vấp váp vậy thôi.

Nhạc sĩ Lam Phương có rất nhiều bài hát được yêu mến. Nhưng có lẽ với ông, bài viết năm 15 và 17 tuổi (Chiều thu ấy, Kiếp nghèo) hẳn đã để lại nhiều dấu ấn nhất. Vì đâu một người trẻ như ông lúc đó lại có thể viết nên những nỗi niềm sâu sắc như vậy?

Lớn lên giữa tình trạng đất nước chiến tranh đã tạo cho tâm hồn con người những rung động bi quan. Do đó, những sáng tác đầu đời của tôi cũng phản ánh tâm trạng thua thiệt. Và dĩ nhiên, đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trong cuộc đời sáng tác của mình.

Rất nhiều người đã yêu say đắm bài Thành phố buồn. Phải chăng ông viết cho một người ‘đặc biệt’?

Không hẳn như vậy. Năm 1970, tôi theo Ban văn nghệ Hoa tình thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên Thành phố buồn. Đây là một trong những ca khúc có số lượng xuất bản rất cao.

Được biết ngày xưa ông rất nghèo. Đến lúc nào thì ông vượt qua được cảnh túng thiếu? Có phải nhờ âm nhạc mà ông thoát nghèo và lạc quan hơn?

Cuộc đời tôi nhiều buồn hơn vui, thời gian nghèo khó cũng không phải là ít. Do đó, sáng tác của tôi có thể cũng chỉ là cái bóng của thân phận mình. Đứng về phương diện vật chất thì tôi đã tạm dễ thở được 5 năm từ năm 1970 – 1975. Nhưng sau đó lại tiếp tục với kiếp nghèo.

Có một thời gian nhạc của ông không buồn mà lại vui với Bài tango cho em, Cỏ úa, Ngày hạnh phúc… Đó có phải là thời điểm ông… yêu lại lần nữa nên thấy đời vui?

Như tôi trình bày ở trên, sáng tác của tôi thường thể hiện những tình cảm chân thành trong tình yêu và trước hoàn cảnh đời sống. Các ca khúc như bạn nói cũng chỉ là những bông hoa màu sắc đính trên tấm thảm tâm hồn của người nghệ sĩ sáng tác ở thời điểm đó mà thôi. Hơn nữa, những sáng tác âm nhạc của tôi luôn thể hiện tuần tự theo những khúc quanh trên đời sống của tôi như vừa lớn lên, mới biết yêu thì có: Chiều thu ấy, Chờ người, Kiếp nghèo; Tình cảnh an bình, hạnh phúc thì có: Trăng thanh bình, Khúc ca ngày mùa, Nắng đẹp miền nam… Đến khi tình cảm bị rụng rơi thì có: Cỏ úa, Thu sầu, Tình chết theo mùa đông…

Được biết ông từ Mỹ sang Pháp định cư rồi lại trở về Mỹ. Trong 10 năm qua ông có hạnh phúc không?

Di chuyển nơi ăn chốn ở, dù là của người nghệ sĩ, cũng bình thường mà thôi. Mặc dù không gian có đổi thay, thời gian có biến chuyển, nhưng tình yêu nghệ thuật vẫn âm ỉ trong tôi. Và nơi trái tim tôi, luôn tồn tại những nhịp đập yêu thương. Hạnh phúc nhất mà lúc nào tôi cũng cảm thấy là luôn được nhiều người thương cảm mình và yêu thích tác phẩm của Lam Phương.

Nghe nói Bến Thành Audio -Video đang dự định mời ông về làm live show đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm. Ông có dự định trở về?

Tháng 12 vừa qua, tôi có đi Úc trình diễn, nhưng đó là chuyện về trước. Giờ, tôi đã lớn tuổi rồi, không bao lâu nữa đã bát thập niên, lại thêm đi đứng khó khăn, ngồi xe lăn thường trực, nói năng chậm chạp, có lẽ sẽ khó tham dự được live show do Bến Thành Audio-Video tổ chức. Về hay không về thì lòng tôi lúc nào cũng không nguôi nghĩ về quê cha đất tổ, đến những người thân thương, những khán thính giả, bạn bè bằng hữu quý mến mình. Tôi cầu mong an lành và hạnh phúc thường trực ở với mọi người.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ngày 20.3.1937 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Ông bắt đầu sáng tác từ năm 15 tuổi. Ngoài âm nhạc, ông còn cộng tác với Ban kịch Thẩm Thúy Hằng và Ban kịch Sống của kịch sĩ Túy Hồng. Trước khi bị tai biến mạch máu não ông sống tại Mỹ, sau đó ông sang Pháp và năm 1995 ông về sống tại Mỹ với sức khỏe có phần yếu đi. Ông có đến hơn 200 tác phẩm được khán giả yêu mến. Trong đó có nhiều bài được người yêu nhạc thuộc nằm lòng: Chiều thu ấy, Kiếp nghèo, Từ ngày có em về, Tình đẹp như mơ, Thao thức vì em (Em là tất cả), Thành phố buồn, Bài tango cho em, Biển tình, Chỉ có em, Cỏ úa, Đèn khuya, Duyên kiếp, Em đi rồi, Giọt lệ sầu, Khóc thầm, Lạy trời con được bình yên, Xin thời gian qua mau, Ngày hạnh phúc…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *