Về Với Cát Bụi (Minh Kỳ)

Mùng năm Tết Giáp Thìn 2024 trùng với là lễ Tro bên đạo Công Giáo. Thứ Tư Lễ Tro hàng năm đánh dấu 40 ngày Mùa Chay, thời gian để các tín hữu bớt lo cho việc ăn uống (thân xác) để biết hãm mình và làm nhiều việc bác ái. Về mặt nghi lễ, mỗi Kito hữu sẽ được linh mục xức tro lên đầu, nhắc nhớ rằng chúng ta sau khi từ giã trần gian, chỉ có linh hồn là tồn tại mãi mãi, còn thân xác sẽ hóa thành tro bụi.

Trong dòng nhạc Việt, có những bản nhạc thật sâu sắc viết về thân phận cát bụi của con người. Nổi tiếng nhất trong số đó có lẽ là “Cát bụi” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây. Hôm nay, Dòng Nhạc Xưa xin đem đến một nhạc phẩm khác với tựa đề “Về với cát bụi” của nhạc sỹ Minh Kỳ.

Trong tờ nhạc gốc xuất bản đầu năm 1975, tựa đề bài hát này là “Về với cát bụi”; tuy nhiên không hiểu sao sau này và cho đến tận bây giờ, một trong những sáng tác cuối cùng nhạc sỹ Minh Kỳ lại thường được ghi là “Trở về cát bụi”.

Về Với Cát Bụi (Minh Kỳ). Nguồn: HopAmViet.vn

Minh Kỳ là một trong ba nhạc sỹ của nhóm Lê Minh Bằng, cùng với Lê Dinh và Anh Bằng. Ông sinh năm 1930 và mất ngày 31/8/1975 trong khi đang đi học tập cải tạo. Như vậy có thể nói “Về với các bụi” là một trong số những sáng tác cuối cùng của nhà nhạc sỹ vốn xuất thân là một sỹ quan cảnh sát của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhân ngày Lễ Tro, Dòng Nhạc Xưa xin gởi đến người yêu nhạc gần xa bản “Về với cát bụi” cho linh hồn nhạc sỹ Minh Kỳ vui hưởng hạnh phúc đời đời ở miền hạnh phúc vô biên.

Xin ghi chú nguồn Dòng Nhạc Xưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!

Cánh thiệp đầu xuân (Minh Kỳ – Lê Dinh)

Một trong những nét văn hóa đặc trưng ngày Tết của Việt Nam là chúng ta gởi những cánh thiệp cho nhau. Những tờ thiệp có khi được in rất đẹp nhưng nhiều lúc chỉ là vài nét chữ đơn sơ mộc mạc nhưng được chúng ta trao gởi cho người thân yêu trong giờ phút linh thiêng lại mang một ý nghĩa tinh thần khó diễn tả. Nhân dịp ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu nhạc phẩm ‘Cánh thiệp đầu xuân’ của hai nhạc sỹ Minh Kỳ & Lê Dinh.

Thiệp xuân kỷ niệm

(Nguồn: bài viết của tác giả Phan Thị Vinh đăng trên chungmotmaitruong.blogspot.com ngày 2014-01-24)

Mùa xuân luôn đem lại sự vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả loài người,mùa xuân với sắc trời trong xanh, lung linh những áng mây trời bâng khuâng mơ mộng. Mùa xuân còn là những hy vọng thần tiên của đôi lứa yêu nhau thủa học trò thấm đẫm niềm thương nỗi nhớ.Mùa xuân tô điểm cho môi thêm hồng và mắt nâu vàng chan chứa của những “ nàng” học trò bước vào tuổi biết yêu nhận được tấm thiệp chúc tết từ một “chàng” chung lớp hoặc chung trường, thậm chí của bất kỳ một trang “ nam nhân mặc khách ” nào đó gửi tới!

Đọc tiếp

Xuân Đã Về (Minh Kỳ)

Hôm nay là Mùng Một Tết Mậu Tuất 2018. Trong không khí rộn rã của đất trời đón mùa xuân mới, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bản nhạc xuân bất tử “Xuân Đã Về” của cố nhạc sỹ Minh Kỳ. Theo thiển ý của chúng tôi, ngày xuân ngày tết có nhiều tầng ý nghĩa với mỗi người Việt Nam chúng ta nhưng vượt lên trên hết có lẽ là tết của đoàn viên, của họp mặt, của sự quay về với tổ ấm gia đình yêu thương, nới chúng ta sinh ra và lớn lên, cũng là nơi ký ức tuổi thơ bắt đầu.

Bìa bản nhạc Xuân Đã Về của Minh Kỳ. Nguồn: AmNhacMienNam.blogspot.com

Đón xuân này lại nhớ những xuân xưa

(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Giang đăng trên dantri.com.vn)

Cứ mỗi khi năm hết tết đến là tôi thường nhớ về những cái tết năm xưa. Tết của ấu thơ, tết của những tháng năm nghèo khó. Nhớ để yêu, nhớ để thương thêm. Nhớ để nhận ra mình đã quá xa xôi những ngày ngây dại.

Tết trong kí ức của tuổi thơ tôi luôn bắt đầu bằng những ngày mọi người ra đồng gieo cấy vội. Những ngày cuối năm luôn rét mướt, những đôi chân trần lội dưới bùn tê tái, tay thoăn thoắt cấy mạ, miệng bàn chuyện tết. Nhà này hỏi nhà kia đã sắm tết những gì? Ăn tết có to không?

Năm Cụm Núi Quê Hương (Minh Kỳ – Tường Linh)

Tiếp tục dòng nhạc về các vùng miền quê hương, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu hình ảnh năm cụm núi Ngũ Hành Sơn ở xứ Quảng Nam – Đà Nẵng qua bản nhạc “Năm cụm núi quê hương” của Minh Kỳ, theo ý thơ của nhà thơ Tường Linh.

Từ trên đỉnh Thủy Sơn, nhìn thấy một phần phong cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: wikipedia
Từ trên đỉnh Thủy Sơn, nhìn thấy một phần phong cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: wikipedia

“LƯỚT QUA” THƠ TƯỜNG LINH
(Nguồn: BaoQuangNam.com.vn)

Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về thơ Tường Linh, tôi thường nhớ bài thơ “Nhớ hai miền Huế – Quảng” trong mấy câu thơ: Quê hương tôi bên ni đèo Hải/ Nhấp nhô bóng thuyền Cửa Đại/ Già nua nếp phố Hội An…/ Đêm Đà Nẵng vọng về cơn sóng biển/ Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô. Và. lại nhớ. Khổ thơ cuối của bài “Ngọn đèn”: Còn nguyên vẹn những đêm dài thao thức/ tựa bao lơn, anh ngắm chấm đèn xưa/ đóm sáng nhỏ hay mắt sầu rưng rức/ không gian buồn như có rắc tơ mưa. Cả hai bài thơ đều được viết vào năm 1958, khi mà quê nhà Quảng Nam đã trở thành niềm thương dằng dặc của nỗi “không về”.