Tiếp nối loạt bài về các nhạc công đã có nhiều dấu nhất trong dòng nhạc Việt, Dòng Nhạc Xưa xin mượn một bài viết của anh Hà Đình Nguyên đăng trên tờ Thanh Niên năm 2004 để giới thiệu “đệ nhất danh kèn” Huỳnh Hoa (1935 – 2008).
Nghệ sĩ kèn saxophone Huỳnh Hoa: “Một cây kèn, một đời người”
(Nguồn: bài viết của tác giả Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên ngày 2004-07-19)
Hằng đêm, nếu bạn có dịp ghé vào sân khấu ca nhạc Trống Đồng (góc đường Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Du, Q.1, TP Hồ Chí Minh) bạn sẽ được nghe tiếng kèn saxo “thần sầu” của một “lão nghệ sĩ” đã hơn 70 tuổi. Ở vào lớp tuổi “gió heo may đã về” mà tiếng kèn của ông vẫn còn đầy mê hoặc thì chắc chắn ở vào thời điểm sung sức nhất, “hoàng kim” nhất của lão nghệ sĩ này hẳn có rất nhiều điều thú vị. Nào, chúng ta hãy cùng “ngược thời gian” với “đệ nhất danh kèn”: Huỳnh Hoa.
Nghệ sĩ Huỳnh Hoa sinh năm 1935 tại Bạc Liêu trong một gia đình có đến 3 đời yêu thích loại hình sân khấu cải lương, đờn ca tài tử. Ký ức thời niên thiếu của Huỳnh Hoa là những ngày tháng “lang bạt kỳ hồ” cùng gánh hát gia đình gồm 8 “nghệ sĩ” và lỉnh kỉnh những phục trang, đạo cụ chất đầy lên một chiếc ghe tam bản xuôi ngược khắp “Nam kỳ lục tỉnh”. Dạo đó các loại nhạc cụ, nhạc khí Tây phương mới du nhập vào Việt Nam và tuy là con nhà nòi nhưng Huỳnh Hoa cũng hí hửng “quẳng bút lông đi, giắt bút chì” nhưng không phải “chuyển hệ” với cây kèn saxophone mà tập tành chơi trống jazz và anh mau chóng trở thành một tay trống điệu nghệ trong các đoàn hát cải lương. Cuối thập niên 1940, quân Pháp ruồng bố khắp Nam bộ khiến nhiều gánh hát rã đám. Gia đình Huỳnh Hoa cũng dắt díu nhau lên Sài Gòn và chàng nghệ sĩ 18 tuổi Huỳnh Hoa được nhận vào chơi trống trong ban nhạc Bikini của một ông chủ người Pháp. Ban nhạc này quy tụ một nhóm nhạc công “đa quốc tịch”, và dù là nhạc công đánh trống nhưng Huỳnh Hoa luôn bị tiếng kèn saxophone của anh bạn người Đức thu hút mãnh liệt, thế nên những lúc nghỉ giải lao Huỳnh Hoa thường mượn cây kèn này thổi thử… Một cơ hội “từ trên trời rơi xuống” vào một hôm anh bạn người Đức bị bệnh không đến diễn được, Huỳnh Hoa chụp ngay cây kèn xông ra sân khấu và… những giai điệu trầm bổng, lả lướt của các bản La Mer, Le de Paris… cứ vang lên réo rắt, vẫy gọi – khán giả vỗ tay rào rào ! Thế là từ đó anh bạn người Đức có thêm một “đối thủ” nữa để “cạnh tranh tiếng kèn” ở các sàn nhảy (dancing) như Baccara, Macaban, Kim Sơn… Anh em trong giới chơi nhạc đương thời ở Sài Gòn đều công nhận Huỳnh Hoa có một khả năng cảm âm rất đặc biệt: hễ nghe ai hát qua một lần là có thể thổi lại chính xác âm điệu đó. Kỹ năng biểu diễn của anh ngày càng điêu luyện, đến giữa thập niên 1950 Huỳnh Hoa đã được tôn xưng là “đệ nhất danh kèn”, từng được mời biểu diễn ở các hội chợ quốc tế như: hội chợ Thác Luông (Lào 1961), hội chợ Tháp Vàng, Tháp Bạc (Cam Bốt, 1966), hội chợ Kuala Lumpur (Malaysia, 1968)…
* Khi “đem kèn đi… thổi xứ người” như thế thì anh chơi nhạc Việt hay nhạc quốc tế ?
– Cũng giống các cuộc “giao lưu văn hóa” bây giờ, mình phải trình tấu nhạc của nước chủ nhà trước rồi mới chơi nhạc của mình. Thường thì Ban tổ chức gửi cho tôi tổng phổ các ca khúc của họ trước để tôi tập dượt. Thuận lợi của chúng tôi là không phải… hát nên không sợ phát âm sai tiếng mẹ đẻ của họ cho nên khán giả rất tán thưởng. Cách đây hơn 50 năm, khi nhạc Việt chưa có nhiều thì tôi chơi nhạc ngoại quốc. Sau này tôi thích chơi những bản Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn), Mộng dưới hoa (Phạm Đình Chương), Gởi gió cho mây ngàn bay, Dang dở (Đoàn Chuẩn – Từ Linh), Hạ trắng (Trịnh Công Sơn).
* Giai đoạn “sướng” nhất của anh là thời kỳ nào và điều gì đã làm cho anh “sướng” ?
– Đó là vào những năm 1958-1962 khi tôi cùng với cô em cô cậu là nữ ca sĩ Túy Phượng (con của nữ nghệ sĩ Túy Hoa) thành lập Ban kích động nhạc Huỳnh Hoa – Túy Phượng. Thời điểm này ở miền Nam chỉ có 2 ban kích động nhạc (ban kia là Khánh Băng – Phùng Trọng), lúc đó tôi đã được anh em trong giới ưu ái gọi là “đệ nhất danh kèn” còn Túy Phượng cũng từ sân khấu ban kích động nhạc này mà được tôn xưng là “Nữ hoàng nhạc Twist”. Còn điều làm tôi “sướng” thì… nói thật nhé: cái “sướng” nhất của tôi là lấy được “vợ ngoại”, mà không phải một bà. Bà đầu tiên là một nữ ca sĩ người Lào tên là Mani Wen. Tôi gặp cô ấy nhân chuyến đi biểu diễn ở Lào và ở lại bên đó 4 năm. Tôi xuôi ngược khắp Savanakhet, Tchepon, Vientian… thổi kèn cho người Lào nhảy Lămthon, Lămliu “tới bến”, và tôi cũng… thương “tới bến” với cô ca sĩ Lào xinh đẹp này. Chúng tôi có 2 con (1 trai, 1 gái). Sau khi trở về nước, tôi còn “tự túc” sang Lào 2 chuyến nữa… Khoảng đầu thập niên 1970, tôi vào biểu diễn tại Tòa Đại sứ Nhật Bản tại Sài Gòn và gặp cô Zukari – tùy viên Tòa Đại sứ lên hát. Chúng tôi làm quen với nhau bằng tiếng Pháp, rồi thì hẹn hò và… chung sống với nhau. Để dễ “tâm sự” tôi dạy tiếng Việt cho cô ấy. Zukari từng đưa tôi qua Nagoza – một thành phố biển gần Kyoto (cố đô Nhật Bản), để… ra mắt “ông bà già vợ”. Văn hóa Nhật với cái kiểu “đi thưa, về trình” cúi gập người là cực hình đối với một con người nghệ sĩ như tôi nên chỉ được nửa tháng, tôi “cúi gập người” chào từ biệt bố mẹ vợ, về nước ! Tôi và Zukari có 1 con trai. Những ngày cuối tháng 4/1975, Zukari bảo tôi theo cô ấy sang Nhật nhưng tôi từ chối. Bạn bè tôi thường chọc ghẹo: “Thằng này một tiếng Nhật bẻ đôi cũng không biết mà cũng lấy được vợ Nhật” bởi hồi ấy thường truyền miệng câu “ranh ngôn”: Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật là 3 cái “sướng” trong đời.
* Xin…”bái phục” chuyện lấy vợ “ngoại”. Thế còn… vợ “nội” ?
– Chuyện này, quả thật chẳng đáng để… tự hào, nhưng tui cũng thuộc hạng “cao thủ” bởi trong làng văn nghệ sĩ ở miền Nam có 2 người nổi tiếng “nhiều vợ nhất”, đó là hề Thanh Việt và… tui ! Nhưng thôi đó là chuyện quá khứ. Người hiện tại đang chung sống với tôi là Mộng Thúy, vốn là ca sĩ. Nhờ có bà này mà tôi từ chỗ tay trắng đã có nhà cửa, sự nghiệp ổn định, bằng không tôi đã chết bờ chết bụi từ lâu rồi, tôi rất biết ơn bà này.
* Công việc hiện tại của anh thế nào ? Anh đã có “đệ tử chân truyền” nào chưa ?
– Gia đình tôi hiện đang sống ở huyện Củ Chi, thế nên ban ngày tôi nhận dạy cho các em học sinh thuộc vài trường trong huyện môn “đánh trống nghiệp dư”, buổi tối cưỡi Honda về sân khấu Trống Đồng biểu diễn, 12 giờ khuya hoặc 1 giờ sáng mới trở về nhà. Cứ đều đặn như vậy dù đã 74 tuổi. Thỉnh thoảng cũng có nhận diễn trong những “sô” đám cưới, tiệc tùng (thường diễn chung với anh Tòng Sơn chuyên thổi harmonica). Thu nhập cũng tạm đủ sống.
* Xin cám ơn anh !
Hà Đình Nguyên