Hà Nội & niềm đam mê đĩa than

Đĩa than (tiếng Anh gọi là vinyl) ra đời đầu thế kỷ 20 và là phương tiện lưu trữ chính của ngành công nghiệp ghi âm trong vòng hơn 50 năm cho đến khi công nghệ băng từ (băng cối, băng cassette) ra đời. Với lịch sử lâu đời như vậy, điều dễ hiểu là số lượng máy nghe đĩa nhựa ngày càng hiếm. Tuy nhiên, đâu đó trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, chúng ta vẫn còn tìm thấy một số ít người yêu nhạc có đam mê bất tận với đĩa than. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Nguyễn Ngọc Trâm đăng trên An Ninh Thủ Đô về thú chơi đĩa than đất Hà Thành.

Người ở lại nặng lòng với đĩa than

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Trâm đăng trên anninhthudo.vn ngày 2017-10-10)

ANTD.VN – Đĩa than phổ biến ở Việt Nam vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước rồi rơi vào quãng thăng trầm bởi sự phát triển của băng cối, băng cassette, đĩa CD rồi nhạc số… Vậy mà vẫn có người bao năm “nặng lòng” với đĩa than, âm thầm nghe, không bỏ được; có người lại thành cái thú sưu tầm tao nhã. Một vài năm trở lại đây, thêm nhiều người nghe đĩa than, như một sự tìm về những giá trị xưa cũ vì nhịp chảy thành phố quá hối hả, bộn bề.

Nhiều người chọn nghe đĩa than bởi chất lượng âm thanh và tìm về kỷ niệm

Người ta chơi đĩa than có nhiều lý do như giá trị kỷ niệm, nỗi niềm hoài cổ…, song lý do lớn nhất bởi chất lượng âm thanh của nó. Bởi kỹ thuật ghi – đọc bằng đĩa than thuần túy là kỹ thuật analog đã đảm bảo được chiều sâu, độ trong sáng của âm thanh khiến âm thanh có độ trung thực cao. Người sành gọi đây là tiếng “mộc”, nghe một chiếc máy chạy đĩa than loại tốt, người ta dễ dàng nhận thấy độ nổi của âm thanh, nhất là khi đó là nhạc cổ điển, nhạc Blue/Jazz, vị trí các nhạc cụ chơi trong dàn nhạc hiện lên rất rõ ràng.

Âm thanh chất lượng cao và ký ức đẹp đẽ

Họa sĩ Lê Thiết Cương nghe đĩa than khi tuổi lên 7, đó là năm 1969. Ông kể: “Một người anh ruột của mẹ tôi, mà tôi gọi là bác ruột từ nước ngoài về mang theo một chiếc máy nghe đĩa than. Hồi ấy, những bản nhạc tôi nghe đĩa là nhạc cổ điển châu Âu của nghệ sĩ Mozart và Beethoven”. Sau này khi trưởng thành, họa sĩ có sở thích sưu tầm máy nghe đĩa than nên được cho những chiếc đĩa nhạc ấy. Lê Thiết Cương đã từng thử nghe cùng một bài hát, cùng một band nhạc trên tất cả các loại máy phát nhạc như băng cối, đài cassette, đĩa CD… và ông nhận thấy nghe đĩa than vẫn là hay nhất. Âm thanh của đĩa than có những nét đặc trưng riêng khác biệt với kỹ thuật số.

Hà Nội ngày tháng cũ, những người nghe đĩa than không hẳn phải là những người giàu mà đa phần là trí thức. Những trí thức lớp đầu đi học nước ngoài thường đem về Hà Nội sách và nhạc. Điều này hoàn toàn khác so với lớp trí thức sau khi về đem những thứ buôn bán được như: bàn là, xoong nhôm, áo lông Đức, xe đạp mifa… Đĩa than có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm. Hà Nội ngày tháng cũ, bảo quản đĩa than, máy nghe rất khó. Bây giờ mua những túi nhỏ hút ẩm dễ dàng, tiện hơn hơn xưa. Ngày trước, đĩa được để trong tủ đĩa, gạo rang rải một lớp dưới đáy hộp gỗ, đĩa dựa vào thành tủ. Nhưng nếu 10 đĩa dựa vào nhau sẽ cong, nên mỗi ngày phải đảo thứ tự đĩa một lần.

“Nghe nhạc số, chơi đĩa than”

Mùa xuân năm 1995, Hà Nội bùng nổ đĩa CD. Người ta dễ tìm được ở phố Hàng Bông một chiếc đĩa nhạc hay, người yêu nhạc mỗi tuần nếu không nhặt dăm cái sẽ đâm khó chịu. Có người mới nghe CD thấy tiếng CD sạch, giải tần tốt không lẹp bẹp rang ngô như đĩa than thân thuộc. Có người “giã từ” đĩa than, đĩa than đem lót lồng chim, làm xẻng hót rác… Có người sau vài năm nghe CD, lòng đâm ra lấn cấn, cái cảm giác nghe đĩa than thế nào vẫn cứ ám ảnh. Tôi đọc được một câu trên Facebook rất hay: “Các nhà sản xuất đầu CD đắt tiền luôn cố gắng làm sao cho chất âm của nó giống chất âm analog, còn những người mới tập tọe chơi đĩa than thì lại muốn có chất âm giống CD”.

Riêng với những người thuộc thế hệ 6X hiện đang sống tại Hà Nội, dù cho những người trẻ tuổi thắc mắc cả cái tủ hàng nghìn đĩa than kia có thể chỉ nằm gọn trong nửa cái ổ cứng thì họ vẫn nâng niu đĩa than không đổi: tay lấy một chiếc đĩa than ra khỏi vỏ, đặt lên mâm quay, động tác như một nghi lễ… Và nó vẫn tự nhiên nói: “Nghe nhạc số, chơi đĩa than, đâu ai nói ngược lại”.

Năm tháng âm thầm

Một số bạn trẻ cuối thế hệ 9X có thể lạ lẫm với đĩa than. Nhưng nhìn chung, thế hệ trẻ không hề quay lưng lại với nó. “Tôi thích đĩa than vì mê âm thanh mộc mạc và có tính thời gian của nó. Hầu như đĩa tôi sưu tầm là đĩa cũ và có giá trị kỷ niệm rất lớn”, Tuấn Anh (SN 1983) – chủ quán cà phê Vui Studio trên phố Tống Duy Tân chia sẻ.

Đến nay, Tuấn Anh đã sưu tầm đĩa than được khoảng 5 năm, tuy không được ai dẫn dắt cả nhưng vì anh nghe nhạc từ lâu, sưu tầm cả đồ nghe nhạc và nhạc cụ. Cũng may, hiện giờ nhiều hãng đang sản xuất lại đĩa than nên công cuộc sưu tầm của Tuấn Anh không quá khó, nhiều người chơi đĩa than hơn nên việc mua bán cũng dễ dàng. Tuấn Anh có khoảng 1000 đĩa than và hay chọn những đĩa nhạc cổ điển, jazz và rock của các band nhạc anh yêu thích như The Beatles, Pink Floyd… Anh không quên được cảm giác háo hức khi có chiếc đĩa than đầu tiên.

Máy nghe đĩa than giờ cũng dễ, đắt rẻ đều có hết. Rẻ thì khoảng 3 triệu đồng là đủ để nghe hay rồi, đắt thì vô cùng, trên 60.000 USD cũng có. Giá đĩa than thì cũng vậy, đĩa phổ thông mới khoảng 20-30 USD một cái, còn đĩa sưu tầm hiếm thì có thể cả nghìn đến vài nghìn USD một chiếc. Tuấn Anh khẳng định: “Sưu tầm đĩa than hay bất kỳ thứ gì thì điều quan trọng nhất là đam mê, chứ không phải tiền bạc. Vì nếu nói chơi đĩa than là đắt thì so với những thú chơi khác vẫn chưa là gì”.

Ở Hà Nội người nghe đĩa than cũng nhiều, nhưng chưa nhiều hội nhóm cụ thể. Song, những người đã dành cho đĩa than một cảm tình, đều biết nhau, có thể chia sẻ với nhau những bí quyết. Ví như mua chổi carbon để chải bụi trên đĩa, bình xịt dung dịch chống tĩnh điện, súng thổi bụi bằng khí nén, chổi và dung dịch đặc biệt để làm sạch đầu kim…; hay, đĩa than cần được bảo quản trong tủ kính để tránh bụi, hơi ẩm và nhiệt độ cao, nghe từ đầu đến cuối đĩa để đĩa mòn đều.

Đĩa Việt Nam ngày càng có nhiều hơn. Nhiều ca sĩ hiện nay ngoài phát hành đĩa CD, nhạc số cũng làm cả đĩa than. Vài năm trước, giới trẻ Hà Nội từng sốt sắng tới những quán cà phê để trải nghiệm nghe album “Một thời đã xa” với giọng hát Thùy Chi, Uyên Linh, Hương Giang… tha thiết. Tiếng đĩa than “mộc”, ai đã nghe thì dễ nhớ, dễ “nghiện”. Bởi thế, nếu đã mở lòng đón tiếng đĩa than “mộc” rồi khó bỏ được, ai bỏ thì một ngày chẳng biết trước sẽ ráo riết trở về.

Nguyễn Ngọc Trâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *