Dòng chảy Bolero

Dòng Nhạc Xưa xin mạn phép giới thiệu một bài viết của tác giả Cung Mi để thế hệ trẻ có thêm tư liệu về dòng nhạc bolero vốn rất thịnh hành ở miền Nam trước 1975 và vẫn âm thầm chảy vào lòng nhiều thế hệ người Việt yêu nhạc cho mãi đến bây giờ.

Cô hàng xóm (Lê Minh Bằng). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

Những tình khúc Bolero để đời

(Nguồn: bài viết của tác giả Cung Mi đăng trên sbtn.tv ngày 2017-03-03)

 

Sẽ là rất khó để có thể chọn ra chỉ 3 ca khúc Bolero gọi là “để đời”, hay “tiêu biểu” của nền tân nhạc Việt Nam! Lý do là vì Bolero là tiết điệu phổ thông vào bậc nhất trong các ca khúc được viết tại Miền Nam trước 1975, hay là dòng “Nhạc Vàng” như một số người vẫn thường gọi.

Bolero là điệu thức có được đông đảo người nghe nhất trong “Nhạc Vàng”. Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng số lượng ca khúc Bolero được hát tại Miền Nam trước 1975 phải lên đến con số vài trăm! Nhạc Bolero lan rộng, len lỏi vào từng góc phố Miền Nam, có mặt từ chốn thị thành đến tận miền thôn quê hẻo lánh. Nó phổ biến đến độ sau 1975, nhiều người trong nước đã lầm tưởng “Nhạc Vàng” là những ca khúc có giai điệu Bolero!

Tính chất của các ca khúc Bolero trong dòng Nhạc Vàng cũng khá khác biệt so với điệu nhảy Bolero truyền thống của xứ sở Tây Ban Nha, nghe đâu đã xuất hiện từ mãi cuối thế kỷ 18 ở xứ sở đấu bò, sau đó phát triển mạnh tại các quốc gia Nam Mỹ. Đã có một số ý kiến trên cộng đồng mạng, đưa ra một số đặc điểm của ca khúc “Nhạc Vàng” Bolero khá chính xác:

– Thường là những ca khúc buồn, ủy mị
– Tính chất bình dị, cho nên dễ đi vào lòng người, đặc biệt là giới bình dân.
– Nội dung lời nhạc rõ ràng, dễ hiểu
– Giai điệu dễ hát, dễ bắt nhịp.
– Tinh chất kể lể, tự sự cao…

Hãy thử chọn một tác giả tiêu biểu. Trần Thiện Thanh –cũng là ca sĩ Nhật Trường- đã từng được gọi là “ông vua của nhạc Bolero”, mặc dù ông cũng viết các ca khúc ở thể điệu khác rất đặc sắc. Một trong những ca khúc Bolero phổ biến vào bậc nhất của Trần Thiện Thanh chính là Hàn Mặc Tử. Ở Miền Nam trước 1975, đi đâu cũng nghe Hàn Mặc Tử! Và Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh cũng mang đầy đủ các đặc tính kể trên của một ca khúc Bolero. Bài hát mở đầu bằng một đoạn như ngâm thơ, như là để mào đầu cho  một câu chuyện kể :

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò…

Và sau đó, là giai điệu Bolero dìu dặt, kể lại câu chuyện thương tâm của người thi sĩ tài hoa bạc mệnh:
…Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
Lầu ông Hoàng đó thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương, như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn
Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng… 

Chính ca khúc Hàn Mặc Tử đã làm cho địa điểm “dốc đá” lên trại cùi tại Qui Nhơn trở nên nổi tiếng. Ai một lần ra xứ Qui Nhơn, cũng đều muốn đến nơi này để nhớ về Hàn Mặc Tử. Tương tự như trường hợp thành phố Pleiku bất tử nhờ ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ của nhạc sĩ Phạm Duy…

Tìm vào cô đơn đất Quy Nhơn gầy đón chân chàng đến
Người xưa nào bíêt, chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa
Chốn hoang liêu tiêu sơ Hàn âm thầm nghe trăng vỡ
Xót thương thân bơ vơ, cho đến một buôỉ chiều kia
Trơì đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
Mặc Tử nay còn đâu? 

Hay là hãy thử chọn một giọng hát Bolero tiêu biểu. Cùng với Chế Linh, Duy Khánh được xem là một trong hai ca sĩ hát nhạc Bolero hay nhất. Cả hai giọng hát này đều ảnh hưởng mạnh đến những giọng hát thuộc thế hệ trẻ sau này, khi muốn hát thành công thể loại Bolero. Nghe Duy Khánh hát Cô Hàng Xóm của nhạc sĩ Lê Dinh -một ca khúc Bolero kinh điển khác- chúng ta mới hiểu vì  nhạc Bolero lại đi vào lòng người mạnh mẽ đến như vậy:

Vùng ngoại ô, tôi có căn nhà tranh
Tuy bé nhưng thật xinh
Tháng ngày sống riêng một mình
Nhà ở bên em sống trong giàu sang
Quen gấm nhung đài trang
Đi về xe đón đưa
Đêm đêm dưới ánh trăng vàng
Tôi với cây đàn âm thầm thở than
Và cô nàng bên xóm
Mỗi lúc lên đèn, sang nhà làm quen…

Nhạc Bolero thường hay khai thác những mối tình dang dở vì giàu nghèo, một đề tài muôn thuở của loài người. Câu hát kể lể tâm tình của người nhạc sĩ nghèo đã trở thành một biểu tượng của tính chân thực trong thể loại Bolero:
…Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở
Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều
Làm tôi thấy trong tâm tư xôn xao
Như lời âu yếm mặng nồng
Của đôi lứa yêu nhau
Hai năm trôi qua, nhưng tình không dám ngỏ
Tôi sợ thân mình là bọt bèo
Làm sao ước mơ duyên tơ mai sau
Tôi sợ ngang trái làm mộng đời chua xót thương đau…

Và kết thúc ngang trái của Cô Hàng Xóm cũng là một nét rất đặc trưng khác của dòng nhạc Bolero:
…Hôm nay đón cánh thiệp hồng
Em báo tin rằng lấy chồng giàu sang
Đời em nhiều may mắn
Có nhớ anh nhạc sĩ nghèo này không?

Ở bên giọng nữ, ca sĩ Phương Dung- với biệt danh Con Nhạn Trắng Gò Công- là một ngôi sao của dòng nhạc Bolero. Những Đồi Hoa Sim của nhạc sĩ Dzũng Chinh- cũng nằm trong danh sách những ca khúc Bolero nổi tiếng nhất- đã được Phương Dung trình bày rất thành công. Bài thơ bất hủ từ thời tiền chiến của nhà thơ Hữu Loan đã được kể lại một cách chân tình trong tiết điệu Bolero:

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai!
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến
Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay
Từ nơi chiến trường đông bắc đó
Lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi
Những chiều hành quân ôi những chiều hành quân
Tím chiều hoang biền biệt
Một chiều rừng mưa được tin em gái mất
Chiếc thuyền như vỡ đôi!
Phút cuối không nghe được em nói
Không nhìn được một lần dù một lần đơn sơ
Để không chết người trai khói lửa
Mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì…

Một chuyện tình bi thương của lịch sử chiến tranh Việt Nam, mà ít có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua đoạn trường tương tự. Và với một câu chuyện tình độc nhất vô nhị như thế, thật dễ hiểu vì sao nó trở nên bất tử trong thể loại Bolero Nhạc Vàng.

Không thể chỉ trong một bài viết mà nói hết được về dòng nhạc Bolero. Đó là một trong những khuynh hướng mạnh mẽ của nền tân nhạc Miền Nam trước 1975, mà dấu ấn cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên vẹn. Xin hẹn một dịp khác, chuyên mục này sẽ có dịp quay lại với dòng nhạc Bolero hấp dẫn này…

Cung Mi / SBTN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *