Đừng gọi anh bằng chú (Anh Thy)

Dòng Nhạc Xưa vừa nhận được phản hồi của một người yêu nhạc cho bài viết về nhạc sỹ Diên An, tác giả “Vết thương cuối cùng” mà theo đó bản “Đừng gọi anh bằng chú” không phải của Diên An – Nguyễn Văn Để mà là của nhạc sỹ Anh Thy. Tìm hiểu thêm trên internet và vài nguồn tư liệu đáng tin cậy, chúng tôi cho rằng ca khúc vui tươi “Đừng gọi anh bằng chú” đúng là của Anh Thy, một nhạc sỹ trước 1975 chuyên viết cho binh chủng Hải Quân. Qua bài viết này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn đóng góp của bạn yêu nhạc và cũng nhân dịp này xin minh oan cho sự lầm lẫn không đáng có giữa hai nhà nhạc sỹ Diên An – Nguyễn Văn Để và Anh Thy – Phạm Văn Khổn.

Đừng gọi anh bằng chú (Anh Thy). Ảnh: t-van.net

“Đừng gọi anh bằng chú” bị cấm, em gái tác giả lên tiếng

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Hằng đăng trên dantri.com.vn ngày 2017-04-12)

Ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” thường được chú thích là của nhạc sĩ Diên An nhưng trên thực tế đây lại là tác phẩm do nhạc sĩ Anh Thy sáng tác. “Gia đình chúng tôi luôn thắc mắc, vì sao ca khúc này bị cấm lưu hành?”, em gái cố nhạc sĩ Anh Thy- bà Phạm Thị Nguyệt giãi bày.

Mới đây, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc bị sửa lời, sai tên tác giả. Trong đó, có ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” được đề tên tác giả là Diên An.

Tuy nhiên, trên thực tế “Đừng gọi anh bằng chú” là tác phẩm của cố nhạc sĩ Anh Thy. Cùng với “Hoa biển”, “Lính mà em”, “Đừng gọi anh bằng chú” là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Anh Thy (tên thật là Phạm Văn Khổn).

“ ‘Đừng gọi anh bằng chú’ là một trong 17 ca khúc được ông Phạm Dương Khai, bố của cố nhạc sĩ Anh Thy ủy quyền quản lý và khai thác quyền tác giả âm nhạc choTrung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từ ngày 25/3/2013. Hiện mới có danh sách 17 ca khúc, chưa tìm được bản gốc ca khúc ‘Đừng gọi anh bằng chú’ “, nhà báo Phan Phương, Trưởng ban hội viên của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết.

Trả lời phóng viên Dân trí ngày 11/4, bà Phạm Thị Nguyệt, em gái cố nhạc sĩ Anh Thy hiện đang sống tại TPHCM cho biết bố của bà, ông Phạm Dương Khai mới mất cách đây hơn một năm, giờ mọi tài liệu liên quan đến tác phẩm của anh trai do bà và người nhà lưu giữ.

“Tôi và gia đình đã biết thông tin về 5 ca khúc bị cấm lưu hành, trong đó có ca khúc của anh trai tôi, ‘Đừng gọi anh bằng chú’. Biết thông tin bị cấm, nhưng gia đình tôi vẫn thắc mắc không hiểu vì sao bị cấm?”, bà Phạm Thị Nguyệt nói.

Theo bà Phạm Thị Nguyệt, nhạc sĩ Anh Thy mất năm 31 tuổi và ông sáng tác ca khúc này khi ngoài 20 tuổi. Bà kể lại: “Tôi còn nhớ, ngày đó anh trai tôi nhận được rất nhiều thư ái mộ của các cô gái trẻ, thậm chí còn ngồi trên ghế nhà trường. Thư gửi về gia đình nhiều quá, anh không trả lời hết, nhờ chị em tôi xem giúp. Khi đó, các cô gái cứ viết gọi anh bằng ‘chú’ hay ‘đại nhạc sĩ’. Đọc thư mà tôi cũng buồn cười. Cũng vì điều này mà anh sáng tác ca khúc ‘Đừng gọi anh bằng chú’”.

Bà Phạm Thị Nguyệt chia sẻ, đó là ca khúc có những ca từ khá dễ thương như thế này: “Em ơi đừng gọi anh bằng Chú/ Khi em em chín thơm hoa mộng/ Chưa vấn vương gì em lúc Xuân thì/ Còn anh mới đôi mươi… Xin em đừng gọi anh bằng Chú/ Ô hay sao Chú hay mơ mộng/ Sao Chú hay nhìn sao Chú hay cười/ Làm con bé bâng khuâng…”

Khi phóng viên Dân trí hỏi: “Bà và gia đình cố nhạc sĩ Anh Thy có biết việc ca khúc bị nhầm lẫn tên tác giả là Diên An?” Bà Nguyệt khẳng định: “Chúng tôi biết việc đó. Trước đây, một người bạn ở nước ngoài kiếm cho tôi bản ‘Đừng gọi anh bằng chú’ với tên tác giả là Diên An. Tôi đã nhờ con gái chụp ảnh bìa ca khúc với đầy đủ tên tác giả gửi qua cho người đó.”

Bà Nguyệt cũng chia sẻ thêm, anh trai bà, bố của bà cũng đã “trở về với cát bụi”, bản thân bà và những anh chị em còn sống cũng ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nên không rành việc đính chính tên tác giả cho tác phẩm “Đừng gọi anh bằng chú”. Cũng vì anh trai bà mất sớm nên không ít bản nhạc bị thất lạc, nên gia đình mới ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chưa đầy 20 ca khúc.

Nguyễn Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *