Khi trở thành lời bài hát “Chị tôi”, câu thứ hai nhạc sĩ chỉ có đổi một từ là: Rụng bông gạo đỏ thành Rụng bông hoa gạo để cho dễ hát trong phim “Người Hà Nội”, được chiếu quãng 1995.

Tuy nhiên, bài thơ “Cho một ngày chị sinh”, sau hai mươi năm ra đời, mới được hàng triệu người Việt Nam biết đến và thuộc lòng qua giọng hát đầy biểu cảm của ca sĩ Mỹ Linh. Chỉ có điều, không ngờ những câu thơ ấy lại ám ảnh và đeo đuổi Đoàn Thị Tảo trong cuộc sống lẻ bóng của mình suốt cả cuộc đời:

“Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”

Chính cái vận vào mình ấy mà những sự dang dở, lỡ làng đã làm nên một Đoàn Thị Tảo vừa nặng trĩu, vừa đa đoan, vừa tinh tế lại nhạy cảm đến mức một câu nói vu vơ cũng đủ khiến chị buồn. Và, cũng có lẽ vì vậy mà Đoàn Thị Tảo luôn luôn dằn vặt với chính mình:

“Mải vui để lỡ chuyến đò
Ngần ngơ trách bến, oán bờ, giận sông”

Đoàn Thị Tảo sinh ra trong một gia đình khá giả và gia giáo ở Hải Phòng.

“Bố tôi làm nghề bốc thuốc búi tóc tó. Mẹ thờ phật” – bà Tảo kể.

Gia đình ấy có tới 12 người con, nhưng chị Tảo bảo rằng, chị với chị Đoàn Lê là hợp nhau nhất. Ngay từ nhỏ, hai chị em đã là một cặp, đi đâu cũng có chị, có em.

Chị Tảo nói, chị tuổi Dậu, sinh năm1945, lại đẻ lúc nửa đêm nên phải ấp ủ nhiều thứ: “như con gà mái xòe đôi cánh và mang hết hơi ấm phủ lên ổ trứng của mình chờ bình minh”.

Dường như, người đàn bà này sinh ra là để cưu mang người khác, là để chờ đợi, để dằn vặt, khổ đau.

17 tuổi, chị gái Đoàn Lê rời làng quê, bỏ tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm để lên chốn thị thành phồn hoa tìm sự nghiệp. Tiễn chị ra tận đầu làng, em dắt chiếc xe đạp, giỏ treo ở ghi đông đựng đầy hoa bưởi. Đường xóc, hoa rơi lả tả, em nhặt từng bông bưởi rơi, đem về giấu vào góc buồng để nhỡ ra trên con đường đi tìm kiếm sự nghiệp đầy trắc trở và phiêu lưu ấy, chẳng may chị thất bại trở về thì có cái để hai chị em chơi với nhau.

“Chị mải đi
Chân theo đam mê
Đường mù sương- xa tít
Em về
Nhặt bông bưởi rơi
Cẩn thận xếp vào một góc
Để khi buồn hai chị em cùng chơi”

17 tuổi, chị Đoàn Lê bước vào cuộc hôn nhân thứ nhất với rất nhiều những mộng tưởng. Chị có con gái đầu lòng khi 18 tuổi khi vẫn đang học lớp Sân khấu – điện ảnh khóa đầu tiên. Cái gánh nặng này mà người phải chia sẻ không ai khác, lại chính là em gái Đoàn Thị Tảo.

Sinh con được 15 ngày, Đoàn Lê gửi con gái cho em nuôi để đi theo đoàn làm phim. “Nuôi trẻ nhỏ mà lại là nuôi bộ thì vất vả là chuyện đương nhiên. Mà thời đó khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ, đường cũng chẳng có chứ đừng nói sữa” – chị Tảo nhớ lại.

Rồi thì cả hai đứa con gái chị Đoàn Lê lúc bé đều một tay chị Tảo nuôi. Cuộc hôn nhân đầu của chị Đoàn Lê tan vỡ. Chị bồng hai đứa con ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Chỗ dựa của chị cũng lại là người em gái của mình.

Sau này, chị Lê đi bước nữa, lấy chồng cũng chẳng dư dật gì. “Tôi thường phải về nhà xin vàng của mẹ đem bán để “cứu trợ” cho chị ấy” – chị Tảo kể. Vì vậy, mới có người nói, thực ra Đoàn Thị Tảo vừa là mẹ, vừa là chị của Đoàn Lê thì đúng hơn.

Hết chăm nuôi cháu lại đến nuôi mẹ. Năm 1982, khi đang làm ở Phòng Kỹ thuật của Sở Giao thông vận tải Hải Phòng, Đoàn Thị Tảo phải xin nghỉ ở nhà chăm sóc mẹ già ốm nằm liệt giường. Chị đã mất 13 năm tuổi xuân của mình để chăm lo cho mẹ.

Đến khi mẹ mất, chị lại sang ở với con gái Đoàn Lê 10 năm để trông nom các cháu thay chị. Chừng ấy năm, ngoảnh đi ngoảnh lại, Đoàn Thị Tảo mới giật mình nhận ra:

“Quỹ đời tiêu gần hết
Chút thời gian còn loay hoay tổng kết
Thừa: Mồ hôi nước mắt
Thiếu: Hạnh phúc nụ cười”

Và cho đến bây giờ, em Tảo vẫn là người chăm chút mọi việc trong gia đình thay chị Lê. Bởi chị biết rằng, Đoàn Lê là người đam mê nghệ thuật nên dường như Đoàn Thị Tảo sinh ra để bù đắp những phần còn thiếu hụt và luôn là “cái bóng” của chị gái mình.

Cái nết na, nét dịu dàng, tần tảo của chị khiến người đời ngưỡng mộ, nhưng nó cũng chính là nạn nhân của sự giả dối, toan tính của người đời.

Hình như, trong cuộc sống của chị luôn hiển hiện sự giằng xé giữa tình duyên và nặng gánh trách nhiệm. Chính sự vương vấn, lỡ dở ấy tạo nên sự long đong, lân đận trong cuộc đời của người con gái.

“…Tình người đa đoan”

Cho một ngày chị sinh

Giống như bao nhiêu người khác, Đoàn Thị Tảo cũng đổ thừa cho số phận, chuyện đó chẳng sai chút nào. Chẳng đã nói mỗi con người đều có số đấy thôi. Thượng đế sinh ra con người, ngài mới có quyền quyết định từng số phận.

Cái thời son trẻ làm công nhân trên công trường, chị từng để lại dấu chân khắp mọi miền đất nước. Chị từng yêu, yêu đến cạn máu trong tim, từng mấy bận suýt chết vì yêu, thế mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng.

Có lần, nói về hạnh phúc riêng tư, chị Tảo bảo mình là người sinh ra để dành cho gia đình, ấy vậy mà gia đình riêng thì lại không dành cho chị.

“Cái bi kịch lớn nhất cuộc đời tôi là tôi yêu một người đàn ông lớn tuổi đã có gia đình” – chị nói. Đó là quảng thời gian đầy hạnh phúc – khổ đau như chị đã gửi vào những vần thơ đắng chát:

“Cái người tôi gọi là chồng
Chẳng qua chút nghĩa đèo bòng mà thôi”.

Hay:

“Niềm vui thì bé
Nỗi buồn mênh mông
Chán chồng ra biển bán hàng
Bán bao nhiêu cát dã tràng cũng mua”

Nhưng rồi, ở lứa tuổi nào cũng vậy, tình yêu nào cũng thế; hạnh phúc, đau khổ, giận hơn, ghen tuông…

***

Có một người đàn bà yêu một người đàn ông đào hoa đã có vợ. Mặc dù ông qua đời đã 5 năm, nhưng cứ mỗi khi làm việc gì liên quan tới ông là bà lại giận bầm gan tím ruột: “Vì sao lúc ấy ông ta lại có thể mỉm cười với một người phụ nữ khác?”, “Vì sao ông ta có thời lại yêu người đàn bà kia được cơ chứ?”.

Đến ngày sang mộ cho ông, bà giấu nhẹm con cái của bà cả (vì sợ họ sẽ đưa ông về quê đặt cạnh mộ bà cả), mua một mảnh đất xây mộ cho ông, để một chỗ bên cạnh cho mình. Sau đó, nói với các con bà cả: “Nếu để bố ở đây, sau này sẽ phất lộc đến ba đời”.

Nhưng rồi, oái oăm thay. Một hôm ra mộ ông, bà thấy người ta để liền kề bên cạnh là mộ một người đàn bà xưa kia từng là đào hát. Tấm ảnh trên bia mộ thời còn trẻ đẹp đến mê hồn. Bà thắp hương cho ông, thắp cả cho “người hàng xóm” của người yêu.

Tối nằm mê, bà thấy ông sang nhà cô đào hát chơi. Họ nhìn nhau đắm đuối. Bà không thể nào chịu nổi. Bà gào thét. Bà đay nghiến ông khi kể lại câu chuyện này với cô con gái của chồng và người vợ cả.

Đó là Truyện ngắn “Người hàng xóm của bố tôi” mà chị viết về cơn ghen của người đàn bà, mà cũng có thể là về chính bản thân chị.

Ôi, ghen đến như thế thì Hoạn Thư cũng chỉ là hạng đàn em. Nhưng rồi yêu là vậy, ghen là vậy, nhưng đứng trước mộ chàng chị vẫn:

“Gấp lại bài thơ
Trên mộ anh
Em đốt

Câu chữ này,
Là nước mắt tự trái tim,
Xuyên qua hầm mộ, Vào nằm kề bên.

Người yêu ơi!
Hóa thân về trời,
Nhớ đợi!
“Chị tôi bây giờ”

Mấy chục năm trời phiêu bạt, vinh quang nhiều mà cay đắng cũng không ít, chị Đoàn Lê lại quay về với người em gái Đoàn Thị Tảo. Hai chị em sống cùng nhau ở một biệt thự mà chị Tảo gọi là chốn thiền ở chân núi vùng Vân Sơn (Đồ Sơn, Hải Phòng), đầy hương hoa bưởi.

“Chị tôi bây giờ” mà chị Tảo viết có những câu thật buồn về thân phận chị mình và mình, cũng như bài thơ “Cho một ngày chị sinh”. Chị Tảo viết “Chị tôi bây giờ” cũng là tự vận về nỗi cô đơn ở những câu kết:

“Lên rừng rừng lắm gai
Xuống bể, bể sóng lớn
Cả tin nhiều lận đận
Trừ dần mà vẫn sai”

Đoàn Thị Tảo thương người chị hồng nhan bạc mệnh, nhưng cũng là thương chính mình khi thắc thỏm: Có ai đi tìm tôi? Rồi chị lại tựa vào những ký ức của tuổi thơ hai chị em để sống.

Chị Tảo chơi với những kỷ niệm, tiếc những bông hoa bưởi người chị đánh rơi trên đường gồ ghề xa xôi. Và đến nay, hai chị em vẫn cùng chơi với những bông hoa bưởi nhặt về tự ngày nào khi đã bước sang tuổi ngoại lục tuần.

Nhưng rồi, ở đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn mình, Đoàn Thị Tảo vẫn cố giấu nỗi cô đơn, vẫn ước ao, cho dù là viển vông (như chị tự nhận) mà ngay cả người chị Đoàn Lê cũng không chia sẻ được:

“Tôi cô đơn nhất hành tinh
Thế gian thừa đúng một mình tôi thôi
Ước gì cũng có một người
Cũng cô đơn cũng ngậm ngùi giống tôi
Cái buồn đem xẻ làm đôi
Nửa cho bên ấy, nửa tôi để dành”.

Và rồi hiện tại ấy, cuộc đời người đàn bà tài năng vẫn là “Tình riêng bỏ chợ/ Tình người, đa đoan”.