Nhạc sỹ Bằng Giang

Trong bài viết về ca sỹ Chế Linh (tức nhạc sỹ Tú Nhi), có một chi tiết rất đáng lưu ý: năm 1964, sau khi đoàn văn nghệ biệt chính Biên Hòa tan rã, Chế Linh thất chí và tìm lên núi Bửu Long quy ẩn để định hướng lại con đường nghệ thuật. Như một duyên số, tại đây anh gặp nhạc sỹ Bằng Giang và chính Bằng Giang đã khuyên nhủ Chế Linh quay về với âm nhạc và hình thành một con đường riêng, thành công đến tận ngày nay. Vậy nhạc sỹ Bằng Giang là ai và sự nghiệp sáng tác như thế nào? Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu đôi nét về nhà nhạc sỹ qua một bài viết của tác giả Thy Lệ Trang.

Xin cho tôi

(Nguồn: bài viết của tác giả Thy Lệ Trang đăng trên aihuubienhoa.com ngày 2013-02-04)

Nhạc sỹ Bằng Giang. Ảnh: AiHuuBienHoa.com

Trước năm 1970 tôi có dịp gặp nhạc sỹ Bằng Giang vài lần, lúc đó anh còn trẻ chưa nổi tiếng trong giới âm nhạc miền Nam bấy giờ, nhưng đối với thành phố Biên Hòa thì anh cũng có tiếng tăm. Yêu văn nghệ và ưa thích hoạt động những ngày lễ lớn như Giáng Sinh, Tết anh thường có mặt tham gia trong đội văn nghệ của các trại lính ở Biên Hòa. Không biết cơ duyên nào anh Bằng Giang biết được chị Mai tôi có giọng hát truyền cảm, nên đã tìm đến nhà tôi xin phép ba mẹ tôi cho chị tôi đi hát đêm Giáng Sinh giúp vui cho trại gia binh Bạch Đằng.

Anh người Nam cởi mở thành thật. Ba mẹ tôi cho chị tôi đi hát và tôi có dịp đi theo tháp tùng. Tuy có giọng hát hay nhưng chưa bao giờ lên sân khấu dù là sân khấu nhỏ ngoài trời nên chị tôi rất bỡ ngỡ. Được các anh trong ban nhạc hướng dẫn cách cầm micro và khuyến khích nên đêm làm ca sỹ không được dượt trước của chị tôi cũng tương đối tốt đẹp. Lúc đó tôi còn nhỏ lặng lẽ ít nói, ngồi phía sau lưng ban nhạc. Các anh trong ban nhạc thường quay lại cho tôi kẹo ‘”gum” gọi là “nhai cho vui”. Được vài lần đi show như thế rồi thôi. Ít lâu sau tôi và hai cô bạn thân (Lưu và Ba) có dịp quen với anh Thảo chủ hầm đá Công Khanh ở Bửu Long. Anh Thảo phóng khoáng vui vẻ, tính tình nghệ sỹ. Anh vốn vừa là bạn thân vừa là bà con của anh Bằng Giang và anh cũng chính là vị Mạnh Thường Quân giúp cho nhạc sỹ Bằng Giang và nam ca sỹ Chế Linh thủa hai người còn trong bóng tối. Anh Thảo có duyên kể chuyện rất hấp dẫn. Anh hay kể chuyện về bộ ba Bằng Giang, Chế Linh và anh về những quậy phá vui chơi của thời tuổi trẻ. Chúng tôi rất thích nghe anh Thảo kể chuyện, nhất là đoạn tả các anh lang thang rong chơi ngoài đường phố hết sạch tiền bụng đói meo, túng quá cả ba bậm gan vào quán phở kêu ăn “đại”. Ăn uống no nê xong cả ba cùng cắm cổ chạy mất. Vài năm sau anh Thảo được người cha giao cho quản lý hầm đá của gia đình. Có tiền anh đến quán ăn xưa trả tiền và xin lỗi chủ quán, người chủ quán rất ngạc nhiên.

Tuy bấy giờ là thời điểm chiến tranh nhưng Biên Hòa vẫn sống phồn thịnh êm ấm. Lúc này âm nhạc miền Nam có nhiều màu sắc đậm đà, quyến rủ. Nhạc trẻ đang đựợc thịnh hành và nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẫn, Từ Linh, Văn Cao… vẫn được ái mộ. Nhạc Trịnh công Sơn, Phạm Duy, Từ công Phụng, Vũ thành An, Ngô thụy Miên, Trường Sa, Hoàng thi Thơ… và những nhạc sỹ viết về lính như Trần Thiện Thanh, Trúc Phương đi sâu vào lòng từng lớp từng lứa tuổi mọi người. Thời gian này Bằng Giang và Chế Linh đến với làng âm nhạc miền Nam với hai tác phẩm “Đêm buồn tỉnh lẻ” và “Bài ca kỷ niệm”. Làn sóng thu thanh đã đưa tiếng hát Chế Linh và Phương Dung khắp mọi nơi. Tôi và các bạn đang ở tuổi học trò mới lớn vô tư yêu đời. Những suy tư về chiến tranh chỉ thoáng qua rồi biến mất. Chúng tôi có nhiều hoạt động say mê: làm báo, bán báo và đến tiền đồn ủy lạo chiến sĩ. Ngoài ra những hẹn hò, mơ mộng của tuổi học trò đã cuốn chúng tôi vào một thế giới khác. Chúng tôi không còn gặp lại anh Thảo và câu chuyện của anh cùng Bằng Giang và Chế Linh cũng phai dần theo dĩ vãng. Tưởng chừng đã quên, những kỷ niệm xưa không còn dịp sống lại. Nhưng khi biết về những bài thơ phổ nhạc, tên nhạc sỹ Bằng Giang đã đưa trí nhớ tôi về vùng kỷ niệm xa xưa. Dù bây giờ đã có nhiều thay đổi thay đổi thật buồn trong cuộc đời:

Chị Mai tôi sau cơn bệnh đã từ giã cõi đời vào năm 2006 và anh Thảo theo lời nhỏ Ba cho tôi hay cũng đã nằm sâu trong lòng huyệt lạnh. Tôi vẫn không bao giờ quên được dáng dấp nhỏ nhắn của chị tôi trong tà áo xanh với những bài nhạc của Đoàn Chuẫn Từ Linh và tôi cũng không bao giờ quên được nụ cười hồn nhiên trẻ thơ của anh Thảo khi anh kể lại chuyện ngày xưa.

Mãi đến đầu năm 2010 tôi mới có dịp liên lạc với anh Bằng Giang. Tôi gửi bài thơ Tình Biển cho anh phổ nhạc. Được tiếp chuyện với anh Bằng Giang qua phôn giọng anh rổn rảng và thân tình “Trang! Em có nghe bài Tình Biển chưa cho anh biết ý kiến?” Khi biết tôi chưa nghe bài Tình Biển anh post qua ngay cho tôi. Chao ơi! Điệu nhạc rất nhẹ nhàng, tha thiết tiếng hòa âm của Cao Ngọc Dung thật du dương và tiếng hát của Thùy An thật mềm mại dễ thương. Tim tôi như nhảy ra ngoài lồng ngực. Tôi hét to trong phôn “Em nghe rồi bài nhạc dễ thương quá em thích lắm!”. Không biết anh Bằng Giang có bị chói tai vì tiếng hét của tôi không chứ chồng tôi bị một phen hú hồn. Đang xem TV anh ấy phải bỏ ra xem chuyện gì đã xảy ra cho tôi. Sau khi biết chắc chắn đó chỉ là cơn cảm xúc qua một bài nhạc, anh cười lắc đầu và bỏ vào phòng. Nếu bây giờ không là mùa Đông và không có tuyết phủ đầy đường thì tôi đã chạy bay tới nhà anh tôi để khoe bài thơ được phổ nhạc.

Hồng, cô bạn thân của tôi không có ở đây để chia sẻ niềm vui của tôi, trong lúc này nhỏ đang dung dăng dung dẻ ở VN đón Tết cùng gia đình và bạn bè. Tôi gọi cho Thu Xuân may quá nhỏ không bị bận rộn vì đám cháu ngoại lúc này. Tôi cho nhỏ nghe và chờ lời phê bình. Cô học trò ca sỹ của lớp tôi ngày nào và cũng là một trong những học trò cưng của thày dạy nhạc Lê hoàng Long đã chắt lưỡi khen ngợi “Nhạc như vầy mới đáng nghe chứ bây giờ có nhiều bài nghe thấy ớn…” Chữ ớn của nhỏ kéo thật dài… Nhỏ Hồng và tôi thường xầm xì sau lưng Thanh Xuân “nhỏ này có lối nói chuyện giống bà cụ non”. Nhưng hôm nay bà cụ non của chúng tôi sao dễ thương chi lạ.

Nhạc Bằng Giang được tay hòa âm tuyệt vời Cao ngọc Dung cùng những giọng hát ngọt ngào như Tâm Thư,Thùy An, Khánh Vy… để cho những người đi sau như tôi có sẵn đường mà đi theo. Từ ngày có thơ phổ nhạc tôi bận rộn nhiều hơn và công việc nhà lười hơn một chút. Sau khi đi làm về, tôi vào website “Hát hay không bằng hay hát” để theo dõi và ủng hộ âm thầm bạn bè khắp nơi. Trong các bài thơ phổ nhạc của anh Bằng Giang tôi thích bài Biên Hòa Ca của anh LSĐ lời thơ và tiếng nhạc hùng hồn, nhắc lại một Biên Hòa rất gần gũi rất yêu thương. Chiều cuối năm lang bạt của anh Thế Nhân rất ngông nghênh lãng tử. Những bài thương nhớ người tình xa của chị Hoàng ánh Nguyệt là tiếng ray rức, thở dài. Và lời thơ trữ tình của Vương hồng Ngọc trong Hãy bước nhẹ chân kẻo lá đau thật nhẹ nhàng, sâu lắng. Qua “Hát Hay Không Bằng Hay Hát” tôi bắt gặp vài khuôn mặt quen thuộc của đại gia đình Ngô Quyền thân yêu. Anh Trần kiêu Bạc giọng thơ miền Nam đặc biệt nhất là những bài thơ về Mẹ của anh thật tuyệt vời. Từ lâu tôi chỉ có dịp thưởng thức thơ của anh qua giọng ngâm điêu luyện của nghệ sỹ Hồng Vân. Vào đây tôi mới biết anh có nhiều bài thơ được Cao ngọc Dung phổ nhạc. Vậy mà anh giấu kín không phổ biến trên website Ngô Quyền để chia sẻ cùng thầy cô và bạn bè. Anh Ngô càn Chiếu một người con của đại GĐ Ngô Quyền đa tài: vừa sáng tác nhạc vừa hòa âm vừa là ca sỹ. Tôi đã nghe nh̃ững bài nhạc mới của anh, thích nhất là bài Trúc Đào phổ từ nguyên tác bài thơ của anh Nguyễn Tất Nhiên.

Sau bao tháng chờ mong, tôi đã có đủ mười hai bài nhạc cho một cuốn CD lưu niệm. Đó là thành quả đóng góp lớn lao của rất nhiều người: Nhạc sỹ phổ nhạc Bằng Giang, nhạc sỹ hòa âm Cao Ngọc Dung và các ca sỹ :Tâm Thư, Thùy An, khánh Vy, Trung Hiếu. Ngoài ra những lời comment thật đẹp đến từ các anh chị, bạn bè khắp bốn phương như Mây Tím, Tiểu muội, NnHoa, Kym Ngọc, Anh Tuấn, N Chương, Viễn Duy, Đại Sân, Ngô Càn Chiếu, N L Khánh, H Hoa… vợ chồng anh chị Dung Bá, Quang Ba cùng các bạn làm chung… Tôi xin trân trọng giữ những cảm nhận đẹp trong tim.

Cuối cùng xin cho tôi gửi lời chân thành cảm ơn đến Nhạc sỹ Bằng Giang. Anh không những là một nhạc sỹ kỳ cựu của nền âm nhạc miền Nam (như lời giới thiệu của NS Nam Lộc trong cuốn ASIA gần đây) mà anh còn là một nhạc sỹ thân thương của Biên Hòa. Cậu bé học trò Trần văn Khôi năm xưa vì quá đam mê âm nhạc đã bỏ học, dọn nhà đến ở chung với thày dạy nhạc của mình. Bây giờ với tuổi hơn 70 anh vẫn còn giữ tâm hồn dạt dào say mê âm nhạc như thủa học trò. Sau bao năm thăng trầm trong cuộc đời có nhiều mất mát có nhiều thay đổi nhưng tình yêu âm nhạc trong anh vẫn sống mãi. Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn qua các bài thơ của những thi sỹ đàn em. Đôi khi có những cảm xúc bất chợt đến vào nửa đêm anh đã thức dậy và ghi lại từng nốt nhạc trên trang giấy trắng. Tất cả không vì một lợi nhuận nhỏ nhoi nào chỉ vì trái tim nồng nàn của người nhạc sỹ.

Xin cảm ơn anh, cầu chúc anh cùng gia đình gặp mọi sự may mắn và an lành

THY LỆ TRANG
MASSACHUSETTS

(Đăng tải với lòng ngưỡng mộ người Biên Hòa tài ba. BBT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *