Cùng với nhiều loại hoa khác, hoa sữa cũng đi vào thơ nhạc Việt Nam theo một cách tự nhiên và nồng nàn như chính mùi hương đặc trưng mà thiên nhiên đã ưu trao tặng. Tiếp nối chủ đề “Hoa trong nhạc” Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu vài bản nhạc đặc sắc nhất có liên quan đến hoa sữa.
Đôi nét về loài hoa sữa
(Nguồn: wikipedia)
Hoa sữa hay còn gọi là mò cua, mò cua (danh pháp khoa học: Alstonia scholaris) là một loài thực vật nhiệt đới thường xanh thuộc chi Hoa sữa, họ La bố ma (Apocynaceae).
Sinh học và sinh thái học
Cây gỗ nhỡ, thường xanh, có thể cao tới 50m. Sinh trưởng nhịp điệu phân cành thành tầng tán. Thân cây thẳng, tròn, gốc có thể có khía nâu, vỏ nứt nẻ dọc mùn, nhựa màu trắng đục, thịt vỏ màu trắng. Lá đơn nguyên mọc chụm đầu cành từ 3-10 lá. Phiến lá hình trứng ngược, dài 10 – 25 cm, rộng 4 – 7 cm, đầu tù hoặc hơi lõm, đuôi nêm. Mặt trên phiến lá xanh bóng, mặt dưới màu xám bạc. Phiến lá có hệ gân lông chim, có từ 25-50 cặp gân thứ cấp, gân thứ cấp lệch góc so với gân chính từ 80-90o. Cuống lá từ 1–3 cm.
Hoa tự tán, bông hoa nhỏ, màu trắng đến vàng nhạt, nở từ tháng 6 đến tháng 11, có mùi thơm như hoa Dạ lý hương. Quả 2 đại, dài 25 – 30 cm, thõng xuống, mùa quả từ tháng 10 đến tháng mười hai. Hạt nhiều, nhỏ, dẹp, dài 70mm, rộng 2,5mm, mang 2 túm lông ở hai đầu, màu trắng. Bộ nhiễm sắc thể 2n = 22.[3]
Cây phân bổ ở rừng hỗn giao, cũng thường được trồng quang thôn bản hoặc cây xanh dọc đường. Trong tự nhiên cây xuất hiện ở độ cao từ 200-1000m so với mực nước biển. Trên thế giới cây phân bổ ở Đông và Nam châu Á, châu Úc: Nam Trung Hoa, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka,Campuchia, Myanma, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Úc(Queensland), Papua New Guinea.[4]
Cây cũng được nhập trồng tại nhiều nước khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới khác.
Trong Phật giáo tiểu thừa cây hoa sữa cũng được xem như là một loài cây của sự giác ngộ, nó cũng từng được Đức Phật gọi tên là Thanhankara – තණ්හංකර. Trong tiếng Sinhala nó là රුක් අත්තන.
Sử dụng
Cây hoa sữa phát triển nhanh, ít sâu bệnh, cho bóng mát quanh năm, có thể sử dụng làm cây bóng mát một cách hạn chế. Gỗ của cây hoa sữa thường nhẹ và có màu trắng, có thể dùng đóng một số đồ gia dụng như làm bút chì, quan tài, nút chai.
Mùi hương nồng
Hoa sữa có mùi thơm nếu trồng với mật độ vừa phải và nồng nặc khi trồng với mật độ cao. Ở Việt Nam, một số tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, vào năm 1994, người dân đã gửi đơn “kiện” hoa sữa do nó được trồng dày đặc trên các đường phố, gây ảnh hưởng đến sức khỏe
BÀI THƠ “CHIA TAY NGƯỜI HÀ NỘI” CỦA BÙI THANH TUẤN
(Nguồn: thivien.net)
Tặng anh Trần Quang Dũng
Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,
Cái rét đầu đông giật mình bật khóc.
Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học,
Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn.
Trúc Bạch giận hờn phía cuối hoàng hôn,
Để con nước thả trôi câu lục bát.
Quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc,
Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều.
Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu,
Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.
Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím,
Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.
Hà Nội mùa này nhớ những cơn mưa…
Đêm Hội quán – Đông 1992
Bài thơ này được đăng trên tạp chí Tuổi xanh năm 1992, sau đó đã được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc thành bài hát ‘Hà Nội mùa vắng những cơn mưa’.
Xin xem thêm về “Hà Nội, mùa vắng những cơn mưa“.