Lưu lại chút âm xưa

Đâu đó trong cuộc sống hiện đại hối hả, chúng ta vẫn bắt gặp một không gian tĩnh lặng cho những thanh âm của ngày xưa cũ. Trong dòng cảm xúc đó, Dòng Nhạc Xưa xin đăng một bài viết giới thiệu một người đam mê sưu tập nhiều thiết bị nghe nhạc cũ, anh Nguyễn Thanh Khiết.

Một chiếc máy hát nhạc băng cối TEAC X-20R. Ảnh: geocities.co.jp

Lưu lại chút âm xưa

(Nguồn: bài viết của tác giả Ngoc Trinh đăng trên giaoduc.edu.vn ngày 2015-09-02)

Bởi yêu thích các thiết bị âm thanh từ nhỏ, thế nên đi đến đâu có ai bán, anh Nguyễn Thanh Khiết đều tìm cách mua lại. Từ radio, cassette, máy hát băng cối cho đến cả ti vi đen trắng.

“Gia tài” của anh gần 200 thiết bị các loại, được trưng bày cẩn thận trong quán cà phê gia đình. Quán nằm nép mình trong con hẻm yên tĩnh bên đường Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM. Khách đến quán lần đầu có thể lạ, lần sau thành thân quen bởi mê các bản nhạc mộc của Khánh Ly vang lên từ chiếc máy hát băng cối hiệu TEAC (X-2OR Nhật Bản).

1.Theo anh Khiết, để tìm mua được chiếc máy hát băng cối hiệu TEAC không hề dễ. Chiếc này chỉ dùng mở băng nhựa loại 5 inch, được anh mua của một gia đình giàu có tận Kiên Giang cách đây mấy năm, trong dịp đi thiết kế, dựng cảnh cho đoàn làm phim. Mà đâu phải bỗng chốc bắt gặp, có ông bạn thân chỉ tới anh mới may mắn sở hữu. Gia đình người bán cất giữ cẩn thận nên máy còn mới, chạy tốt. 3 năm trước có vị khách từ Bình Thạnh sang chơi, ra về ngỏ ý mua nhưng anh nhất quyết từ chối. Anh Khiết cho biết: “Khó có thể tìm được những loại này. Bán là mất”.

Ngày xưa gia đình nào mua được chiếc radio, cassette xem như quý giá lắm chứ chưa nói đến loại máy hát băng cối. Đây được xem là thiết bị của nhà giàu. Nhà anh bấy giờ, ông nội cũng có của ăn của để nên sắm được bộ máy hát băng cối hiệu AKAI. Những bản nhạc Khánh Ly, Phương Dung, Thanh Tuyền… vang lên cứ ăn sâu vào tâm hồn anh, mặc dù anh lúc ấy chỉ là một đứa trẻ. Kể ra bộ máy giá trị nhất trong nhà nên chỉ có ông nội và bố anh mới được sử dụng. Anh mặc dù thích lắm nhưng không dám đụng vào khi chưa được phép. Giờ đây, bộ máy này tính ra đã 3 đời, vẫn được anh cất giữ cẩn thận. Khách đến quán, chỉ những người thực sự yêu thích nghe nhạc mộc, anh mới mở. Phần để thưởng thức, phần để “khoe”.

Anh Nguyễn Thanh Khiết bên bộ sưu tập thiết bị âm thanh cổ của mình

Hầu hết các thiết bị của Hàn Quốc, Nhật chiếm số lượng lớn, tập trung vào các hãng như Panasonic, Sanyo, Sony, Sharp, Samsung… Những loại này có kiểu dáng đơn giản. Vỏ bằng kim loại, màu đen, bạc là chủ yếu. Trong khi đó, thiết bị của Mỹ, Liên Xô, Đức không nhiều. Tuy nhiên những loại này lại được dân sưu tầm yêu thích vì có nhiều kiểu dáng độc đáo, đẹp mắt, chưa kể đến tính năng, sức bền. Đơn cử như chiếc radio Setchell Carlson của Mỹ có từ năm 1947, anh mua tận miền Tây cách đây chục năm. Loại này dùng riêng cho hải quân, hệ thống thu, phát sóng tốt và thu được cả đài BBC trong thời tiết xấu. Nổi bật phải kể đến kiểu dáng là hình hộp vuông, vỏ bọc gỗ. Theo thời gian, bộ vỏ bọc gỗ càng sáng bóng, càng đẹp, dân sưu tầm vì thế không bao giờ bỏ lỡ cơ hội mua nếu bắt gặp. Loại này anh chỉ có độ chục chiếc, chúng được lưu giữ hết sức cẩn thận.Chiếm 50% thiết bị âm thanh mà anh Khiết sưu tầm là radio, còn lại là cassette, máy hát băng cối, một số chiếc ti vi đen trắng. Các thiết bị đa dạng kích cỡ, xuất xứ từ Mỹ, Liên Xô (cũ), Đức đến Nhật, Hàn Quốc… Chiếc radio ấp chiến lược màu mỡ gà hiệu INCOMICA Seven Transistor do Mỹ sản xuất khá nhỏ, nhưng tiện lợi trong việc mang theo bên mình nên nhiều người, nhiều gia đình yêu thích. Trong dịp đi chợ bán đồ cũ khu vực quận 5, anh tình cờ bắt gặp và mua luôn. Dù vỏ hơi móp do va chạm nhưng hệ thu, phát sóng tốt, âm thanh rõ, thỉnh thoảng anh vẫn mang ra dùng. Chiếc cassette hiệu Siemens Planar 412, do Đức sản xuất từ năm 1974, chức năng mở băng không còn nhưng chức năng dò sóng AM, FM vẫn tốt, không kém loại cassette mới thời bây giờ nên cũng được anh mua khi đang công tác ở Quy Nhơn. 

2. Dân có đam mê sưu tầm các loại thiết bị âm thanh cổ hiện nay không ít. Bởi giá cả mua bán không cao. Tầm vài trăm ngàn đồng đến vài triệu, hơn chục triệu đồng là có thể sở hữu được những thiết bị đẹp, tốt. Nhưng để tìm kiếm được nhiều loại độc đáo, giá trị sử dụng cao và tuổi đời lớn thì thực sự phải chịu khó, có kinh nghiệm, đam mê.

Anh Khiết cho rằng, không phải gia đình nào cũng còn lưu giữ để có cái mang ra bán. Khoảng thời gian những năm 90, đồ điện tử bắt đầu rẽ bước ngoặt sang các loại đầu video, vài năm sau là các đầu đĩa, theo đó, những thiết bị âm thanh cổ lần lượt bị bỏ hoặc bán ve chai nhiều. Chỉ những gia đình khá giả, những người lớn tuổi còn lưu giữ lại làm kỷ niệm. Tìm được địa chỉ này để mua thì hết sức quý giá vì đa phần họ cất giữ cẩn thận, nhưng ngặt nỗi nếu có tìm được cũng rất khó để mua vì họ ít cần tiền.

“Ngay từ năm ba tôi mua chiếc máy hát băng cối hiệu AKAI, tôi đã chú ý đến những thiết bị âm thanh và quyết định tham gia “tích cóp”. Sau này, một phần do tính chất công việc làm phim được đi nhiều nơi, một phần chịu khó lặn lội tìm kiếm, cứ ai chỉ là tôi tới xem mua. Gần 200 thiết bị tôi đang sở hữu được mua khắp các tỉnh thành, thậm chí sang Lào, Campuchia. Một số mua ở chợ bán đồ cũ, thời gian gần đây thì mua qua mạng internet”, anh Khiết thổ lộ.

Điểm chung của các thiết bị âm thanh cũ là hầu hết đã qua tay người sử dụng nên đa số bị trầy xước, móp, rè loa, tróc sơn, rách lưới bảo vệ loa, rỉ sét, đứt dây, mất nút bấm, nút dò sóng… vì thế đòi hỏi dân chơi phải kiểm tra kỹ, không nên tham. Ít nhất thì thiết bị phải còn đủ hệ thống nút bấm, nút dò sóng thì giá trị mới còn. Hoặc nhắm chừng một số bộ phận có thể thay mới thì mới nên mua. Như chiếc radio ống của hãng Zenit (Liên Xô cũ), xuất xứ từ năm 1937, có vỏ ốp bằng gỗ. Đối với anh, loại này hết sức quý giá về tuổi đời, dáng dấp thậm chí tính năng nhưng ban đầu anh không có ý định mua lại vì vỏ ốp bị nứt, loa hỏng. Được cái hệ thống nút dò sóng, âm thanh còn đủ, loa có thể thay nên anh mới quyết định mua.

Trong số các thiết bị của anh Khiết đang sở hữu, có đến 80% thiết bị vẫn sử dụng được. Số còn lại, anh đang mua thiết bị mới về thay, sửa. Đặc biệt “gia tài” của anh không có một thiết bị nào có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Ngọc Trinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *