Trúc Phương: đời buồn như những bản bolero

Trúc Phương (1933-1996) tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình), một xứ chùa tháp ở hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Ông sinh hoạt văn nghệ với ty Thông tin Tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn.

Nhạc sỹ Trúc Phương.

Nói đến Trúc Phương là phải nói đến những bản bolero bất hủ. Có thể nói mà không sợ quá lời là Trúc Phương xứng đáng với danh xưng ‘Ông hoàng bolero của tân nhạc Việt Nam’.

Một khía cạnh khác là cuộc đời ông đầy những chuyện buồn và nhất là cái chết trong cô quạnh vào năm 1995 (có tài liệu ghi 1996) với tài sản duy nhất là một đôi dép nhựa . Buồn như chính những nhạc phẩm của ông!

Tâm sự của chính nhạc sỹ Trúc Phương với Trung tâm Asia trong chương trình Asia 55

Gần đây trong chương trình “Paris By Night 103 – Tình sử trong âm nhạc Việt Nam”, nhạc sỹ Thanh Sơn có nhắc đến kỷ niệm với nhạc sỹ Trúc Phương và cho biết nhạc sỹ Trúc Phương mất ngày 21/09/1996.

DongNhacXua.com xin mượn dòng mở đầu trong bản ‘Nửa đêm ngoài phố’ để kết thúc những dòng tri ân đối với người nhạc sỹ tài hoa nhưng ít được người đời nhắc đến:
Buồn vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời …

Tác phẩm nổi tiếng : (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Trúc_Phương)

  • Ai Cho Tôi Tình Yêu
  • Bóng nhỏ đường chiều
  • Buồn trong kỷ niệm
  • Chiều cuối tuần
  • Chiều làng anh
  • Con đường mang tên em
  • Đò Chiều
  • Mưa Nửa Đêm
  • Nủa Đêm Ngoài Phố
  • Thói đời
  • Bông cỏ may
  • Chuyện Chúng Mình
  • Đêm Gác Trọ
  • Đêm Tâm Sự
  • Hai Chuyến Tàu Đêm
  • Hai Lối Mộng
  • Hai mùa mưa
  • Kẻ ở miền xa
  • Tàu Đêm Năm Cũ
  • Tình Thắm Duyên Quê

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Hoài An (1929-2012): câu chuyện đầu năm mãi mãi không còn!

   Saigon, 19/03/2012 – DongNhacXua.com  || Hoài AnVĩnh biệt 

Hôm nay, cùng với gia quyến, bạn bè và người yêu nhạc, DongNhacXua.com đã đưa linh cửu của nhạc sỹ Hoài An về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Đa Phước, thành phố Sài Gòn. Nhạc sỹ Hoài An tên thật là Nguyễn Đắc Tịnh. Ông sinh năm 1929 ở miền bắc nhưng thành danh ở Sài Gòn trong giai đoạn nở rộ của nền tân nhạc Việt Nam. Trước khi được giới yêu nhạc biết đến qua nhạc phẩm xuân bất hủ “Câu chuyện đầu năm”, nhạc sỹ Hoài An đã có nhiều sáng tác mang đầy tình tự dân tộc như “Trăng về thôn dã”, “Tình lúa duyên trăng”, v.v.

 Trong giai điệu của nhạc phẩm bất hủ “Câu chuyện đầu năm”, chúng tôi cầu chúc linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!

Nghe “Câu chuyện đầu năm” của Hoài An qua tiếng hát Hoàng Oanh

Có thể nói không ngoa rằng vào cuối thập niên 1960, sau bản “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương và trước khi có “Xuân này con không về” của nhóm Trịnh Lâm Ngân thì bản “Câu chuyện đầu năm” là nhạc phẩm về xuân được yêu chuộng nhất. Chính nhạc phẩm này đã đưa tên tuổi của nhà nhạc sỹ chúng ta trở thành một trong những nhạc sỹ thuộc dòng nhạc thời trang đại chúng được yêu thích nhất ở miền Nam thời đó.

Nghe “Trước giờ tạm biệt”, một sáng tác tiêu biểu cho thể loại nhạc đại chúng của Hoài An qua tiếng hát của “con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung 

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.

Một mình (Nhạc sỹ Thanh Tùng): nhớ em giọt mồ hôi tóc mai

(Saigon, February 08, 2012 – DongNhacXua.com   ) Nhân đọc bài viết “Hãy nhìn vào tấm lưng ấy một lần…”  khá xúc động trên báo Người Lao Động, chúng tôi chợt nhớ đến bản “Một mình” của nhạc sỹ Thanh Tùng. Ông viết bài này để gởi gắm những suy tư sâu lắng về sự vất vả của người vợ quá cố.

 BẢN NHẠC ‘MỘT MÌNH’ CỦA THANH TÙNG

BÀI VIẾT ‘HÃY NHÌN VÀO TẤM LƯNG ẤY MỘT LẦN’ 
(Source: Người Lao Động)

Hôm ấy thằng út vẫn còn nghỉ Tết. Không phải rước con nên tôi về sớm hơn mọi ngày. Thay vì đi đường Nguyễn Thị Minh Khai thì tôi đi Nguyễn Đình Chiểu để về nhà cho gần. Đang chạy ngon trớn, đầu óc lơ mơ nghĩ đến bữa cơm nóng sốt của vợ đang chờ ở nhà thì một chiếc xe từ trong hẻm Ve Chai băng ra, tôi giật mình lách xe sang phải, lầm bầm: “Chạy vậy đó hả?”. Nhưng ngay lập tức, tôi há hốc mồm nói không nên lời khi trông thấy cái biển số xe…

Trước mặt tôi là một người phụ nữ mặc chiếc áo khoác đã sỉn màu. Chiếc nón bảo hiểm cũng cũ. Điều khiến tôi chú ý là chiếc xe cúp 86 của chị ta trông rất tội nghiệp. Nó phải gồng mình chở trên đó đủ thứ: Rổ xe một bọc vú sữa, mấy trái xoài, một túm dâu Đà Lạt; hai bên xe máng lủ khủ nào thịt, cá, rau, trứng và không biết bao nhiêu thứ có tên và không tên khác cho những bữa cơm gia đình…

Bình thường nếu nhìn hình ảnh ấy, tôi sẽ nghĩ, cái gã nào đó làm chồng chị ta thật sướng. Bởi trong nhịp sống tất bật hiện nay, còn có mấy người phụ nữ chí thú chuyện bếp núc cho gia đình như vậy?

Nhưng trong hoàn cảnh này thì tôi thấy nghẹn đắng cổ họng. Một cảm xúc thật khó tả dâng đầy trong lòng. Vừa xót thương, vừa tội nghiệp, vừa cảm phục lại vừa thấy mình thật có lỗi…

Tôi cưới vợ hai mươi năm, có hai mặt con nhưng chưa bao giờ chú ý xem vợ đi xe gì, mặc áo gì, mang giày dép thế nào… Đó là vì trước mặt tôi, vợ lúc nào cũng chỉn chu. Buổi sáng vợ ra khỏi nhà trước, buổi trưa cũng về nhà trước để lo cơm nước. Khi cha con tôi về tới thì cơm canh nóng sốt đã sẵn sàng. Tuy làm trưởng phòng nhân sự của một công ty lớn nhưng chỉ trừ những hôm vợ tôi bệnh hoạn hoặc đi công tác xa thì cha con tôi mới phải mò vô bếp.

Đôi khi tôi cũng tự hỏi, làm sao mà vợ tôi có thể làm hết mọi việc trong ngoài như thế, nhưng rồi tôi cũng tự trả lời là do vợ tôi vốn xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, quen vất vả từ thuở nhỏ nên chuyện cơm nước trong nhà có đáng gì đâu!

Chỉ đến khi bạn bè trong cơ quan than phiền vợ con bê trễ, lười nhác chuyện nhà, tôi mới thấy mình có phúc. Nhưng tôi nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ chưa bao giờ nói ra… Thậm chí có lần, vợ tôi nhờ coi dùm cái xe sao lên ga không vọt nữa, tôi ậm ừ rồi cũng quên luôn. Vợ tôi lại lẵng lặng dắt xe ra tiệm…

Chỉ một quãng đường ngắn theo sau lưng vợ về nhà mà tôi đã suy nghĩ biết bao nhiêu điều. Thú thật, tôi đã chảy nước mắt khi nhìn cái dáng tảo tần của vợ.

Trước nay, tôi đã nhìn ngắm, trầm trồ trước biết bao tấm lưng trần tươi mát của những cô gái trẻ, nhưng tôi chưa bao giờ ngắm nhìn chiếc lưng của người phụ nữ đã gắn bó với mình suốt hai mươi năm trong một khoảnh khắc tảo tần vì chồng con như thế này.

Hôm đó, lần đầu tiên tôi xách phụ vợ những thứ lỉnh kỉnh ấy. Thật sự là nó rất nặng, lại phải đi một quãng khá xa từ bãi giữ xe chung cư về nhà. Vợ tôi xách mọi thứ đi trước, tôi lẽo đẽo đuổi theo. “Làm sao mà em có thể mang hết từng ấy thứ mà vẫn đi ào ào như giông, như gió vậy?”- tôi buộc miệng. Vợ tôi hơi ngoái lại: “Vì anh với con thôi chứ em cũng mệt lắm rồi…”.

Tôi cúi mặt, một nỗi hỗ thẹn vô cớ đầy lên trong lòng.

Nếu giờ đây có ai hỏi tôi, người phụ nữ nào trên thế gian này có tấm lưng đẹp nhất, đáng yêu nhất, tôi sẽ nói ngay đó là tấm lưng gầy gò, tần tảo của vợ tôi.

Các đấng mày râu hãy thử một lần nhìn vào tấm lưng người bạn đời của mình để thấy là tôi nói rất thật lòng…

Là một người sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, vùng đất miền Trung thân yêu với núi Nhạn – sông Đà, chúng tôi rất tự hào khi xem chương trình Duyên Dáng Việt Nam lần thứ 23 tổ chức vào hai đêm 8-9/01/2011 ở nhà hát Sao Mai, khu du lịch Thuận Thảo, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cảm nhận chung của DongNhacXua.com là chương trình đã thành công trong việc đưa giới thưởng ngoạn, có mặt ở nhà hát cũng như xem qua sóng VTV về với dòng nhạc xưa với chủ đề Nhớ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng như người biên tập âm nhạc là nhạc sỹ Đức Trí đã có nhiều sáng tạo trong suốt chương trình: chuyển cảnh rất nhanh và nhịp nhàng, sử dụng dây kéo cho diễn viên múa rất khéo léo, dùng phông nền rộng với nhiều tư liệu phong phú về các thế hệ nhạc sỹ, ca sỹ đã không còn với chúng ta như Đoàn Chuẩn, Anh Tú, Ngọc Tân, v.v.

Riêng cá nhân tôi rất ấn tượng với màn chuyển cảnh từ bản “Đêm cuối cùng” của Phạm Đình Chương sang bài “Suối mơ” của Văn Cao với tam ca Lân Nhã, Quang Dũng và Đàm Vĩnh Hưng. Ngay giây phút ấy, chúng tôi cảm thấy như có một cái gì đó dù không còn nữa nhưng hình như vẫn còn vương vấn đâu đây. Đó có lẽ là chính hiệu ứng của những nhạc phẩm bất hủ mà giai điệu, ca từ không bao giờ phai nhạt theo năm tháng:

” …
Em ơi, đêm cuối cùng gần nhaụ
Sợ rằng một ngày mai giấc mộng không thành. ” (hai câu kết trong “Đêm cuối cùng)

hay
“…
Suối ơi!
Nghe rừng heo hút.
Giòng êm đưa lá khô già trút.
Còn như lưu hương yêu dấu,
Với suối xưa trôi nơi đâu. ” (đoạn kết của “Suối mơ”)

Một điểm nhấn khác của chương trình và sự kết hợp giữa một ngôi sao thời danh và 2 ngôi sao đã tắt: Đàm Vĩnh Hưng hát chung với Anh Tú trong “Lạc mất mùa xuân” (nhạc ngoại quốc, lời Việt của nhạc sỹ Lữ Liên, là thân phụ của chính ca sỹ Anh Tú, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, v.v.) và Đàm Vĩnh Hưng cùng hòa giọng với Ngọc Tân trong “Khoảnh khắc” (của Trương Quý Hải). Sẽ rất khập khiễng khi đi so sánh hai giọng hát khác nhau nhưng dù sao cũng phải nói rằng ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã rất nỗ lực và cố gắng hoàn thành tốt vai trò cầu nối hai thế hệ. Cá nhân tôi cảm thấy ca sỹ họ Đàm đã rất khiêm tốn trên sân khấu hôm đó để nhường những cảm xúc sâu thẳm nhất của khán giả cho hai ca sỹ tài danh nhưng yểu mệnh: Anh Tú (1950-2003) và Ngọc Tân (1948-2004).

Rất nhiều lần nhà tổ chức nhắc đến dòng nhạc bolero trong chương trình này nhưng cá nhân tôi thấy gọi như vậy chưa chính xác vì trong chương trình còn nhiều giai điệu không phải là dòng nhạc bolero (hay chúng tôi gọi là dòng nhạc “sến” với tất cả sự trân trọng chứ hoàn toàn không có ý chê bai). Tuy nhiên, nếu phải chọn ra vài ca sỹ là điểm nhấn của dòng nhạc “sến” thì có lẽ không ai xứng đáng bằng Mạnh Đình trong nhạc phẩm “Chuyện hẹn hò” (của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh).

Hương Lan vẫn giữ phong độ với dòng nhạc này dù tuổi đời cũng không còn trẻ. Chị đã làm chúng tôi rơi nước mắt trong “Mẹ tôi” (của Nhị Hà).

Ngoài ra cũng phải kể đến ca sỹ Quang Linh và Cẩm Ly, những người đã mà theo chúng tôi đã “cứu” cả “chuyến đò” tốp ca trong tiết mục mở đầu “Chuyến đò quê hương” (của Vy Nhật Tảo).

Nhân nói đến đây thì chúng tôi xin mạn phép nêu ra vài điểm chưa đạt theo thiển ý của chúng tôi như sau:

  • Vài ca sỹ hoàn toàn không thích hợp với nhạc “bolero” nhưng cũng “cố gắng” góp giọng và đã không thành công: như Lân Nhã đã vào rất “phô” trong “Chuyến đò quê hương” mà chúng tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên anh đã rất thành công với “Như một lời chia tay” (của Trịnh Công Sơn) ở phần sau.
  • Quang Dũng rất vững vàng và đầy kỹ thuật trong “Chiếc lá cuối cùng” (của Tuấn Khanh) nhưng anh lại quá sa đà vào việc phô diễn kỹ thuật thành ra khán giả chưa được lắng đọng với “đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói” mà tác giả Tuấn Khanh muốn chuyển tải. Tuy nhiên sau đó Quang Dũng lại rất thành công với “Lá đổ muôn chiều” (của Đoàn Chuẩn – Từ Linh). Có lẽ chi tiết “ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa, tình duyên đành dứt …” làm cho Quang Dũng có nhiều cảm xúc hơn chăng !?
  • Tên tác giả của “Trộm nhìn nhau” là Trầm Tử Thiêng chứ không phải “Trầm Tử Thiên” như mà hình đã hiện ra
  • Dương Triệu Vũ có hát được giọng Phú Yên trong “Trách phận” nhưng anh hình như sợ người nghe nhận ra điểm yếu của mình hay sao đó mà anh hát nhanh quá thành ra chính người Phú Yên như chúng tôi cũng khó mà nghe kịp lời hát
  • Năm sinh và năm mất của ca sỹ Ngọc Tân (1948-2004) được chương trình chiếu lên (1950-2003) chưa đúng. Có lẽ đạo diễn lộn với năm sinh và năm mất của Anh Tú

Tóm lại: Duyên Dáng Việt Nam 23 tại Phú Yên đã để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, xứng đáng là một trong những chương trình ca nhạc chủ đề hay nhất Việt Nam.

[footer]

Cảm ơn: ta đón đợi xuân nồng ngày mai

Hôm nay là 29 AL, ngày cuối cùng của năm Tân Mão. Nhân dịp xuân về, mời quý vị yêu nhạc xưa nghe lại bản “Cảm ơn” của nhạc sỹ Nhật Ngân. Bản này ông viết dưới bút danh Ngân Khánh, là tên con gái ông.

Cảm ơn (Nhật Ngân). Ảnh: huyvespa.multiply.com


[footer]

Anh cho em mùa xuân: nụ hoa vàng vẫn nở

Nhạc phẩm “Anh cho em mùa xuân” của nhạc sỹ Nguyễn Hiền có lẽ sẽ mãi là giai điệu không thể thiếu vào mỗi dịp xuân về. Lấy ý thơ từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của thi sỹ Kim Tuấn, nhà nhạc sỹ lão thành của chúng ta để thổi một sức sống mới vào bài thơ vốn đã tuyệt vời.

Anh cho em mùa xuân (Nguyễn Hiền – Kim Tuấn). Ảnh: huyvespa.multiply.com



ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ “NỤ HOA VÀNG NGÀY XUÂN” VÀ NHẠC PHẨM “ANH CHO EM MÙA XUÂN” (Source: http://huyvespa.multiply.com/journal/item/686/686)

Ít nhất đã có hai thế hệ hát “Anh cho em mùa xuân”.  Các ca sĩ và ban nhạc của thế hệ thứ hai (ở trong và ngoài nước) có khuynh hướng thay đổi tiết tấu của bài nhạc ấy bằng nhịp điệu nhanh, mạnh, sôi nổi, như muốn làm rộn ràng hơn không khí mùa xuân. Việc “cải biên” này cũng… tốt thôi, và cũng phù hợp với “phong cách trình diễn” trẻ trung, sống động hiện đại, tuy rằng bài nhạc, với âm giai LaTango Habanera dìu dặt ở “thuở ban đầu”, tự nó đã đủ để mang về mùa xuân (mà không cần phải “đánh nhanh, đánh mạnh” bằng điệu nhạc kích động để… mừng đón xuân về). Việc thay đổi tiết tấu và cách trình diễn ấy có phần nào đánh mất khí hậu của bài hát là vẻ lắng đọng của đất trời vừa mới sang xuân, pha lẫn chút thi vị ngọt ngào của “bài thơ còn xao xuyến”, thể hiện qua lời thơ và từng nốt láy mềm mại ở cuối những câu nhạc. trưởng và nhịp điệu 

Mùa xuân của “Anh cho em mùa xuân” là xuân của trời đất giao mùa, là xuân của “lộc non vừa trẩy lá”, là vẻ e ấp của “nụ hoa vàng mới nở”. Trong cái nắng sớm của ngày đầu xuân có chút se se lạnh của chiều cuối đông còn rớt lại, có chút vấn vương của “chiều đông nào nhung nhớ”, có chút hơi hướng của đông tàn, xuân mới vừa sang…

Đôi lúc việc thay đổi hoặc hát sai lời nhạc cũng làm giảm phần nào cái đẹp và độ truyền cảm của bài nhạc gửi đến người nghe.

Đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây… (không phải là “mắt buồn… nhìn ngọn cây”)

Chữ “vin” ấy nghe rất thơ. Những chữ “lao xao” và “mòn” ấy nghe cũng rất thơ.

Hai câu hát trong bài được ca sĩ… hát sai nhiều nhất:

Đất mẹ gầy có lúa
đồng ta xanh mấy mùa

Câu thứ nhất, “đất mẹ gầy có lúa”, là ước mơ đơn sơ của tác giả bài thơ gửi về quê mẹ Hà Tĩnh (vùng “đất cày lên sỏi đá”), được nhiều ca sĩ đổi thành “đất mẹ gầy… cỏ lúa”, hoặc “đất mẹ gầy… cỏ úa”, hoặc “đất mẹ… đầy cỏ lúa”!?!

Câu thứ hai, “đồng ta xanh mấy mùa”, ước mơ khác, được nhiều ca sĩ đổi thành “đồng xa xanh mấy mùa”, hoặc… “đồng xanh xa mấy mùa”!?!

“Trong bài ‘Anh cho em mùa xuân’ có một câu tôi thích nhất,” tôi nhớ đã nói với nhạc sĩ Nguyễn Hiền như vậy. Có thể là ông cũng muốn nghe, muốn biết, nhưng tôi lại chưa có dịp nào (nay thì không còn dịp nào) để bộc lộ với ông.

Bầy chim lùa vạt nắng
trong khói chiều chơi vơi…

“Bầy chim lùa vạt nắng…”, câu hát tôi thích nhất. “Lùa vạt nắng”, tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ. Chữ “lùa” ấy rất mới, rất đẹp, rất thơ. Làm sao mà ông lại có thể nghĩ ra được cái chữ tài tình đến như vậy? Làm sao mà ông lại dùng chữ ấy chứ không phải là chữ nào khác? (“Bầy chim… đùa vạt nắng” chẳng hạn, như thế cũng là hay, nhưng không thể hay bằng “… lùa vạt nắng”). Ngày ấy chưa ai viết những lời như thế trong thơ, trong nhạc. Mãi về sau này ta mới nghe “lùa nắng cho buồn vào tóc em” (“Nắng thủy tinh”, Trịnh Công Sơn).

Điều thú vị, câu ấy không phải là câu thơ Kim Tuấn trong “Nụ hoa vàng ngày xuân”, mà là thơ… Nguyễn Hiền.

“Con chim mừng ríu rít” trong bài thơ được ông đổi ra thành “bầy chim lùa vạt nắng”, để tương ứng với những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ (vẫn “nghe” được tiếng chim “ríu rít” mừng vui), vừa “thơ” hơn và giàu hình ảnh hơn.

Tôi yêu câu thơ “mắt buồn vin ngọn cây” của Kim Tuấn và tôi yêu câu hát “bầy chim lùa vạt nắng” của Nguyễn Hiền. Câu thơ ấy rất “Kim Tuấn”, câu hát ấy rất “Nguyễn Hiền”. Tôi cũng yêu lối sử dụng những động từ “vin” và “lùa” ấy trong kho tàng tiếng Việt.

“Nhạc chan hòa đây đó”, câu hát ấy không thấy trong thơ Kim Tuấn. Hơn thế nữa, “nhạc, thơ tràn muôn lối”, câu hát cuối của bài hát ấy cũng không thấy trong thơ Kim Tuấn. Trong “Nụ hoa vàng ngày xuân” không có câu nào nói đến “nhạc” cả. Vậy thì những câu ấy ở đâu ra, nếu không phải là… thơ của Nguyễn Hiền. Trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Nhạc quyện vào thơ, thơ quấn lấy nhạc. Nhạc thơ, thơ nhạc đã hòa làm một.

“Anh cho em mùa xuân. Nhạc, thơ tràn muôn lối…”

Câu kết ở phần coda ấy là một “biệt lệ”, (hiếm khi được sử dụng trong nhạc thuật của ông) trong số những bài nhạc vẫn được ông soạn theo khuôn mẫu “cổ điển” với cấu trúc khá cân phương. Những chuỗi nốt nhạc rải đều và nốt ngân cuối rướn cao như bay lên cùng mùa xuân và tan loãng trong không, vẽ lên một nét nhạc đẹp. Cái hay của phần coda ấy là cái hay của một kết thúc đẹp, tròn đầy, gói trọn tình ý của bài nhạc.

Việc ông không thay đổi câu, chữ nào suốt khổ thơ đầu của “Nụ hoa vàng ngày xuân” làm nhớ tới những bài thơ ngũ ngôn khác từng được các nhạc sĩ khác phổ thành ca khúc cũng rất là “ngọt”. Hoặc, giữ nguyên vẹn bài thơ, như “Tiếng thu”, nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của Lưu Trọng Lư; hoặc, chỉ đổi có… một chữ trong toàn bài thơ, như “Chiều”, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ từ “Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh (chỉ đổi câu thơ cuối “khói xanh bay lên cây” thành “khói huyền bay lên cây”).

Sau câu thơ “lộc non vừa trẩy lá”, những câu nào không giữ nguyên được thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền bèn thay đổi chút ít, trong lúc vẫn giữ ý chính của câu thơ. Lạ một điều, những câu ông đổi nghe rất thơ, và có phần… thơ hơn cả tác giả bài thơ. Chẳng hạn:

“Con chim mừng ríu rít” đổi thành “bầy chim lùa vạt nắng”
“Ngoài đê diều thẳng cánh” đổi thành “ngoài đê diều căng gió”
“Câu hát hò vẳng đưa” đổi thành “thoảng câu hò đôi lứa”
“Trẻ đùa vui nơi nơi” đổi thành “trẻ nô đùa khắp trời”
“Nắng vàng trên ngọn cây” đổi thành “rung nắng vàng ban mai”

Người nhạc sĩ đã “làm mới” thơ, đã làm thơ “thơ” thêm một lần nữa.

Nguyễn Vũ & Bài thánh ca buồn: nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn

Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, giai điệu quen thuộc của bản ‘Bài thánh ca buồn’ của Nguyễn Vũ lại vang lên qua giọng ca rất có chiều sâu của Elvis Phương. Và cứ mỗi lần nghe ‘Bài thánh ca buồn’ thì chúng tôi lại thắc mắc tại sao ‘bài thánh ca’ mà lại ‘buồn’!? Bởi lẽ, đã là Thánh ca thì không có bài nào buồn cả vì đó là những lời ca đem lại nhiều hồng ân Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, nhất là những bài Thánh ca mùa Noel. Thế rồi DongNhacXua.com chúng tôi hân hạnh được nghe tâm sự của chính tác giả, nhạc sỹ Nguyễn Vũ, trong một dịp ‘trà dư tửu hậu’ vào mùa Giáng Sinh năm 2004 khi ông trải lòng mình với chuyên mục Văn Nghệ của báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh. Thì ra, ‘bài thánh ca’ mà Nguyễn Vũ nói đến chính là bản ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ bất hủ và ‘buồn’ là vì ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ gắn với một kỷ niệm buồn và đẹp của tác giả với người bạn gái đầu đời!

Nhạc sỹ Nguyễn Vũ.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh. Ông sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời niên thiếu ông sống ở Đà Lạt. Chú ruột dạy vĩ cầm và bạn của bố ông cũng là nhạc sĩ, vì thế từ nhỏ Nguyễn Vũ đã hát cho Ban thiếu nhi Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi, cậu bé Khanh nhận được giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài là một cây đàn mandolin – như là một định mệnh – cậu bé đã gắn bó với âm nhạc suốt gần nửa thế kỷ và trở thành nhạc sĩ Nguyễn Vũ sau này.

TÂM SỰ CỦA NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA ‘BÀI THÁNH CA BUỒN’
“Thuở ấy tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên. Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3 km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. “Lòng thành” của tôi chỉ được hưởng một “ân huệ” cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…

Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa, “đối tượng” của tôi nép vội vào mái hiên trú mưa, tôi cũng… trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng (Silent night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy: Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, se chữ đồng, đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…. Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết… sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên… những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như “một nửa hồn tôi mất”.

Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”. Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh vô cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi”.

LỜI BÀI HÁT (SÁNG TÁC 1972, HÃNG ĐĨA SƠN CA GHI ÂM LẦN ĐẦU TIÊN)
Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mang buồn…

Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng thay màu
Em qua cầu xác pháo bay sau

Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
 Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi …

[footer]

Nguyễn Trung Cang & Còn yêu em mãi: khúc tương phùng chỉ mãi là giấc mơ!

Như đã nói trong bài viết về nhạc phẩm ‘Bâng khuâng chiều nội trú‘, những năm tháng cuối cùng trong cuộc đời vắn số của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang là những năm tháng nhà nhạc sỹ sống trong nghèo đói, bệnh tật. Chúng tôi còn được biết thêm thời gian này ông phải sống trong một trại cải tạo ở một vùng rừng núi hẻo lánh. Dường như đã tiên đoán được sức khỏe của mình, đã linh cảm rất có thể không còn cơ hội gặp lại người vợ yêu thương nên Nguyễn Trung Cang đã trút hết nỗi lòng qua ‘chiếc lá cuối cùng’ – nhạc phẩm ‘Còn yêu em mãi’. Đó chính là lời yêu thương nồng nàn nhất và cũng là lời tạ lỗi chân thành nhất gởi đến người bạn đời!

Nguyễn Trung Cang (thứ 4 từ trái sang) trong ban nhạc Phượng Hoàng. Ngoài cùng bên trái là Lê Hựu Hà, thứ 3 là Elvis Phương.

NIỀM HY VỌNG TRONG TẬN CÙNG NỖI TUYỆT VỌNG
Rất nhiều người yêu nhạc cho rằng nhạc của Nguyễn Trung Cang (hoặc viết chung với Lê Hựu Hà trong ban nhạc Phượng Hoàng) là những nét nhạc và lời ca của sự bi quan. Riêng chúng tôi cho rằng như thế là hơi phiến diện: sự bi quan không phải là không có nhưng sâu thẳm bên trong nhạc của Nguyễn Trung Cang là một sự lạc quan mà ‘Còn yêu em mãi’ là một minh chứng.

Giữa chốn rừng sâu heo quạnh, nhà nhạc sỹ vẫn còn ‘biên đầy trang thư’ gởi về cho vợ những tình cảm ‘ấm nồng của thuở nào’. Ngay cả khi sức khỏe đã suy kiệt, con ‘phượng hoàng’ của một thời vẫn có thể ‘dệt lời ca ân tình’ thì quả là nếu không có trái tim lạc quan thì khó lòng nhà nhạc sỹ của chúng ta sáng tác được những lời ca đẹp như thế.

Giai điệu của ‘Còn yêu em mãi’ không quá vui tươi nhưng cũng đủ để cho người nghe thấy được khát khao về một ngày ‘tương phùng’ của Nguyễn Trung Cang mãnh liệt như thế nào. Thế nhưng cuộc đời không là một giấc mơ màu hồng: giấc mơ tương phùng của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang mãi mãi không thành khi ông ra đi mà chưa có giây phút ‘tương phùng’ để nghe người thân ‘khóc cho niềm vui vì hạnh phúc!

DongNhacXua.com mong bài viết này như một lời tri ân mong linh hồn ông mau về miền ‘hạnh phúc tuyệt vời’!

LỜI BÀI HÁT ‘CÒN YÊU EM MÃI’
Yêu anh như thưở nào
Tình yêu còn biên đầy trang giấy
Yêu anh như thưở nào
Tình yêu còn đong đầy trang sách
Dù biết trái tim đã già
Mà những thiết tha chẳng nhòa
Tình cũ vẫn nghe ấm nồng
Gọi tên nhau lúc cô đơn
Để nghe sưởi ấm tâm hồn.

Em ơi đây tiếng đàn
Lời ca dệt ân tình năm tháng
Câu ca hay khúc nhạc
Tình yêu còn đong đầy khao khát
Dù có cách xa mỏi mòn
Mà những dấu yêu mãi còn
Sưởi ấm xác thân héo gầy
Tình yêu như gió đem mây
Gọi mưa giăng kín khung trời.

Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới, khi tương phùng, em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc.
Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng, ta luôn cười trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời.

Riêng ta nơi núi rừng
Về đêm càng nghe hồn băng giá
Câu ca hay khúc nhạc
Càng thêm sầu cho tình tan nát
Dù biết cách xa với đời
Dù biết thủy chung chẳng rời
Mà vẫn xót xa tháng ngày
Chờ ta chi nữa em ơi
Còn đâu giây phút tuyệt vời./.

Bâng khuâng chiều nội trú: 30 năm từ thơ đến nhạc

Mặc dù đã hơn 15 năm nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác lần đầu tiên được nghe bản “Bâng khuâng chiều nội trú” trong một chiều mưa buồn ở ký túc xá Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức cuối năm 1995. Qua màn mưa, trong nỗi nhớ nhà và trong nỗi nhớ cô bạn sinh viên cũng ở ký túc xá, tiếng hát truyền cảm của Tuấn Ngọc càng làm nhạc phẩm này da diết hơn.

Mãi sau này chúng tôi mới biết được nhạc phẩm này là của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang sáng tác vào năm 1981, lấy cảm hứng từ hai bài thơ của một nữ sinh viên trường Tư Pháp TPHCM (Đại học Luật sau này). Nhạc phẩm này phổ biến ở hải ngoại rồi sau đó mới trở lại Việt Nam và nổi tiếng hơn 30 năm qua.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN TRUNG CANG
Trong khi chúng ta biết khá rõ về nhạc sỹ Lê Hựu Hà thì chúng ta lại có rất thông tin về tiểu sử của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang, người bạn thân và cũng là người đã cùng Lê Hựu Hà lập ra ban nhạc trẻ Phượng Hoàng nổi tiếng một thời trước năm 1975. Có thể nói không ngoa rằng, cùng với Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Tùng Giang, Trường Kỳ, Jo Marcel, nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang đã có công khai sáng phong trào nhạc trẻ Việt Nam.

Về năm sinh và năm mất của ông, chúng tôi chưa có một nguồn tham khảo đáng tin cậy. Theo những gì chúng tôi được biết thì ông sinh năm 1947 và mất năm 1985, hưởng dương chưa đầy 40 năm! Xung quanh cái chết của ông cũng có nhiều giai thoại. Tuy nhiên có một điều chắc chắn đúng là ông đã chết trong nghèo khó và bệnh tật như lời chính mẹ ruột của ông nghẹn ngào tâm sự trong một chương trình video của trung tâm Asia.

ĐÔI NÉT VỀ HAI BÀI THƠ ĐÃ LÀM NIỀM CẢM HỨNG CHO NHẠC SỸ NGUYỄN TRUNG CANG
(Theo một bài báo của tác giả Nguyễn Minh trên báo Tuổi Trẻ)

Tác giả hai bài thơ, chị Hoài Mỹ (ảnh chụp năm 1981)

Câu chuyện bắt đầu từ hai bài thơ được một cô nữ sinh Trường Tư pháp Tp.HCM (nay là Đại học Luật Tp.HCM) viết trong một buổi chiều mưa tầm tã năm 1981. Bạn trai của cô gái ấy là bạn thân của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Mối quan hệ “bắc cầu” ấy dẫn đến sự ra đời của bài hát Bâng khuâng chiều nội trú. Bài hát này được phổ biến ở hải ngoại từ trước rồi mới “dội” lại trong nước nên nhiều người vẫn tưởng đây là một ca khúc ra đời trước năm 1975 ở miền Nam chứ không biết rằng nó ra đời vào năm 1981.

Người đã viết ra hai bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú (được NS Nguyễn Trung Cang lấy làm cảm hứng soạn ra phần đầu bài hát này) và Mưa (được đưa vào đoạn B trong cấu trúc A-B của bài Bâng khuâng chiều nội trú) là chị Hoài Mỹ, một “thi sĩ nghiệp dư” như cách gọi đùa của bạn bè chị. Nhiều năm trôi qua từ ngày bài thơ và bài hát ấy ra đời và chị gần như quên bẵng câu chuyện chiều mưa ký túc xá ấy thì đến một ngày, khi ấy Hoài Mỹ đang làm việc ở Long Xuyên (An Giang) chị nghe được bài hát này trong quán cà phê, qua giọng hát Tuấn Ngọc và chị mới nhớ lại là sau khi 2 bài thơ ra đời, anh Phương Thái (khi đó là người yêu sau này là ông xã của chị) đã đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang xem, và nhạc sĩ đã thích thú phổ nhạc hai bài thơ này và Hoài Mỹ còn nhớ là chị đã được xem bản thảo gốc với chính nét bút của Nguyễn Trung Cang. Nhưng ở thời điểm ấy, những bài như Bâng khuâng chiều nội trú không thể có chỗ trên sân khấu ca nhạc do tính (dễ bị quy là) tiểu tư sản của nó. Dù rằng, lời thơ ban đầu khác khá xa với bài hát sau này.

Lời thơ (trích theo trí nhớ của chị Hoài Mỹ)

Bâng khuâng chiều nội trú

Chiều nội trú bâng khuâng
Trong đôi mắt anh học viên tư pháp
Tôi bắt gặp cái nhìn
Dù tôi đi gần
Dù tôi đi xa
Cái nhìn ấy suốt đời tôi nhớ
Ôi! Cái nhìn thân thuộc quá
Một cái nhìn làm tôi lớn khôn lên

Mưa

Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa tí tách giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao em buồn lại nhớ thương anh

Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa quấn quýt thì thầm trên ngói
Anh có nghe mưa tường chăng lời em nói
Rất nồng nàn tha thiết yêu anh

Như tiếng hát anh xưa
Tiếng hát êm đềm
Như mưa hôm nay
Mưa âm thầm gợi nhớ
Như em yêu anh em buồn vô cớ
Như anh rất gần mà anh rất xa

Chị Hoài Mỹ cũng tiết lộ là bài thơ Bâng khuâng chiều nội trú có một nhân vật chính khác ngoài chị. Đó là một anh bạn cùng trường, học trước chị một khóa. Một chiều mưa đến chơi phòng chị trong khu nội trú. Và ánh mắt của anh, cái nhìn của “anh học viên tư pháp” cùng cơn mưa rả rích bên ngoài đã khiến chị tức cảnh sinh… thơ. Bài thơ ra đời như thế. Còn bài Mưa là một trạng thái cảm xúc khác, một bài thơ dành cho người yêu. Anh bạn tư pháp ngày nào, tên là Chánh, giờ đang công tác tại Tòa dân sự Tòa án Nhân dân Tp.HCM, còn chị Hoài Mỹ giờ không làm trong ngành tư pháp nữa. Mỗi lần nghe lại bài hát này, chị thấy nhớ lại một thời đi học, nhớ lại tình bạn giữa chị và anh Thái với nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. Chị cũng không quan tâm lắm đến chuyện tên mình có được gắn với bài hát hay không. Đó là một kỷ niệm đẹp với thời đi học, với những người bạn, với anh Nguyễn Trung Cang. Và bài hát này, giúp chị gìn giữ được những kỷ niệm ấy.

Lời bài hát Bâng Khuâng Chiều Nội Trú

Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai ngày nào tao ngộ
Chiều nội trú bâng khuâng
như đôi mắt ai vời vợi tha thiết
Ánh mắt thật gần mà cũng thật xa
Ôi yêu thương quá ánh mắt êm đềm
Mong tình yêu cho hồn trở lớn khôn thêm

Là một thoáng mây bay trong đôi mắt ai một ngày nắng đẹp
Là một thoáng giăng mây trong đôi mắt ai một ngày u ám
Ánh mắt mơ hồ phủ kín hồn tôi
Nghe sao chới với có thế quên người
Mưa chiều nay cho hồn tôi luống bâng khuâng

Mưa đầu mùa hạt nhỏ long lanh
Mưa quấn quít giọt dài giọt vắn
Mưa hỡi mưa ơi có bao giờ nhớ nắng
Sao ta buồn lại nhớ thương nhau

Mưa tình đầu nghe rất mong manh
Mưa tí tách thì thầm trên ngói
Em có nghe mưa tưởng chăng lời anh nói
Rất nồng nàn ngọt tiếng: YÊU EM

[footer]

Thà Như Giọt Mưa & ‘người tên Duyên’: từ thơ đến nhạc

Hầu hết những người yêu nhạc như chúng ta biết nhạc phẩm ‘Thà Như Giọt Mưa’ của nhạc sỹ Phạm Duy là phổ từ thơ ‘Khúc Tình Buồn’ của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Thế nhưng có đọc bài thơ và nghe nhạc thì mới thấy lời bài hát có nhiều điểm khác với bài thơ.
Ví dụ: trong bài hát chúng ta nghe ‘Người từ trăm năm về ngang trường Luật’ hay’Ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu’. Những ý này hoàn toàn không có trong bài thơ ‘Khúc Tình Buồn’.
Một ví dụ khác là trong đoạn kết của bài hát có nhắc đến một người con gái tên Duyên thế nhưng trong bài thơ hoàn toàn không có chi tiết này.

Mang những thắc mắc đó, DongNhacXua.com đã tìm hiểu và phát hiện ra vài điều thú vị về ‘người tên Duyên’ và chuyện nhạc sỹ Phạm Duy có lẽ đã lấy cảm hứng không chỉ từ ‘Khúc tình buồn’ mà còn cả từ bài thơ khác của Nguyễn Tất Nhiên là ‘Duyên tình con gái Bắc’

Tờ nhạc 'Thà như giọt mưa' xuất bản trước 1975 với chân dung của cố ca nhạc sỹ Duy Quang. Ảnh: GocQue.com
Tờ nhạc ‘Thà như giọt mưa’ xuất bản trước 1975 với chân dung của cố ca nhạc sỹ Duy Quang. Ảnh: GocQue.com

NGƯỜI CON GÁI TÊN DUYÊN
Theo một thông tin trên mạng mà chúng tôi chưa có dịp kiểm chứng thì Duyên là một cô gái gốc Bắc, học chung lớp với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (tham khảo http://mt9011.multiply.com/journal/item/23/23):

Bài thơ “Khúc Tình Buồn” không nhắc tới tên Duyên như trong nhạc phẩm “Thà Như Giọt Mưa” của Phạm Duy. Cô gái tên Duyên này là một nhân vật có thật và học chung lớp với nhà thơ tại trường trung học Ngô Quyền thành phố Biên Hòa, và tình cảm của ông đối với cô chính là nguồn cảm hứng khiến ông liên tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng một thời chỉ để riêng tặng cho cô. Tuổi trẻ thời ấy thích thú với những dỗi hờn rất con nít của tác giả bài thơ khi mong cho người con gái tên Duyên sẽ đau khổ muôn niên, sẽ đau khổ trăm năm…lời lẽ như là chính cô gái đã phụ tình tác giả.

Cô gái xứ Bắc mang tên Bùi Thị Duyên ngày nào nay sống tại Michigan, Hoa Kỳ. Cô nhớ lại những kỷ niệm thật đẹp của tuổi học trò áo trắng:

“Tụi này học chung với nhau từ năm đệ tứ. Trường đó là trường nam-nữ học chung. Đến khi học sinh đông quá thì họ phân lớp ra, trong đó có một lớp đệ tứ “mix” giữa con trai với con gái. Sau đó tôi lên học ban B thì tôi học luôn đến lớp đệ nhất, học chung với tụi con trai, trong lớp chỉ có vài cô con gái thôi. Tụi này biết nhau từ hồi nhỏ, lúc đó cũng ngây thơ, tôi chưa nghĩ gì hết, còn Nguyễn Tất Nhiên nghĩ gì hay không thì tôi không biết. Gặp nhau, biết nhau từ lúc 14, 15 tuổi. Tôi được tặng một quyển thơ mà Nguyễn Tất Nhiên nói là có ba bản chính. Một bản của Nhiên, một bản cho tôi và một bản cho ai tôi quên mất rồi. In ra khoảng chừng 100 quyển thôi. Tôi biết sự hình thành quyển thơ của Nguyễn Tất Nhiên chứ không phải không, nhưng thật ra là chẳng có gì hết, tất cả bạn bè trong lớp ai cũng biết, nhưng đó là chuyện hồi nhỏ.”

Thật ra chính cái tên Duyên mới làm bài thơ nổi tiếng. Trong tập thơ Thiên Tai, Nguyễn Tất Nhiên có rất nhiều bài nói về người thiếu nữ tên Duyên và tập thơ này viết bởi nguồn cảm hứng duy nhất đó.

“Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với Nguyễn Tất Nhiên ngay từ đầu là mình làm bạn thôi, nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau anh ấy phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp một người bạn như tôi.Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm.”

BÀI THƠ ‘KHÚC TÌNH BUỒN’
(Tham khảo http://www.thica.net/2008/02/21/khuc-tinh-buồn/)

(1)
Người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm
về khơi tình động
ta chạy vòng vòng
ta chạy mòn chân
nào hay đời cạn

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

Người từ trăm năm
về như dao nhọn
ngọt ngào vết đâm
ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ

(thà như giọt mưa
vỡ trên tượng đá
thà như giọt mưa
khô trên tượng đá
có còn hơn không
mưa ôm tượng đá)

(2)
Thà như giọt mưa
gieo xuống mặt người
vỡ tan vỡ tan
nào ta ân hận
bởi còn kịp nghe
nhịp run vồi vội
trên ngọn lông măng

(người từ trăm năm
vì ta phải khổ)
(1970)

BÀI THƠ ‘DUYÊN TÌNH CON GÁI BẮC’
(Tham khảo http://www.thica.net/2008/02/21/duyen-tinh-con-gai-bắc/)

Ta sẽ về thương lại nhánh sông xưa
Thương lại bóng hình người năm năm trước…

Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng, ngây thơ mà xảo quyệt!

Ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết
Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ
Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt!

Nghe nói em vừa thi rớt Luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!

(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên, rớt để thương người!)
Ta – thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể

Chim lớn thôi đành cam rớt lệ
Ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!
Nếu vì em mà ta phải điên tình
Cơn giận dữ đã tận cùng mê muội

Thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối
Tay tre khô mối mọt ăn luồn
Dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương
Khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!

Em chẳng bao giờ rung động cũ
Ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu
Nên trở về như một con sâu
Lê chân mỏng qua những tàn cây rậm

Nuôi hy vọng sau ngàn mưa nắng lậm
Lá xanh em chưa dấu lở loang nào
Ðể ta còn thi sĩ nhất loài sâu
Nhìn lá nõn, tiếc, thèm… đâu dám cắn!

Nếu vì em mà thiên tài chán sống
Thì cũng vì em ta ngại bước xa đời!

[footer]

Đôi mắt người Sơn Tây: từ thơ đến nhạc

Nhạc phẩm ‘Đôi mắt người Sơn Tây’ với giai điệu chậm buồn đầy bi tráng và ca từ đầy chất thơ có lẽ không mấy xa lạ với nhiều người yêu nhạc xưa. Thế nhưng Sơn Tây ở đâu và nguồn cảm hứng nào khiến nhạc sỹ Phạm Đình Chương cho ra đời nhạc  phẩm bất hủ này là điều mà có khi chúng ta ít được biết.

VỀ ĐỊA DANH SƠN TÂY (Tham khảo wikipedia)

Địa danh Sơn Tây ngày nay không còn nữa. Thế nhưng, theo những gì mà wikipedia cung cấp thì có thể tạm hiểu Sơn Tây ngày xưa là một phần của Hà Nội ngày nay.

Sơn Tây là một tỉnh cũ ở đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam.

Sơn Tây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (năm 1831), dưới thời vua Minh Mạng), gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội ngày nay. Vốn trước đó là trấn Sơn Tây, tục gọi là trấn Tây hay trấn Đoài (Đoài nghĩa là Tây).

Tỉnh lị: thị xã Sơn Tây. Tỉnh Sơn Tây thường được gọi là xứ Đoài

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

Nhạc sỹ Phạm Đình Chương (1929-1991) sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn nghệ ở Hà Nội. Những năm cuối đệ nhị thế chiến, để tránh khói lửa chiến tranh nhiều học sinh đã theo gia đình rời Hà Nội về sống tại các vùng quê. Quê ngoại Sơn Tây của Phạm Đình Chương với ngọn núi Ba Vì nhìn xuống cánh đồng Bương Cấn, với sông Đáy “chậm nguồn qua Phủ Quốc” đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng chàng thiếu niên Phạm Đình Chương. Để rồi sau đó, trong những năm tháng tha hương ở đất Sài Gòn, trong một niềm thương nhớ vô hạn về một vùng quê thanh bình, về những ngày tháng êm đềm đã qua, nhạc sỹ đã rung cảm trước 2 bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ” của nhà thơ Quang Dũng để cho ra đời một trong những nhạc phẩm đẹp và bi tráng nhất về tình cố hương.