Nhìn Những Mùa Thu Đi (Trịnh Công Sơn)

Tiếp nối dòng nhạc về mùa thu, Dòng Nhạc Xưa xin mời quý vị bước vào thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn qua bản “Nhìn những mùa thu đi”.

Nhìn những mùa thu đi (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Nhìn những mùa thu đi (Trịnh Công Sơn). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
nhin-nhung-mua-thu-di--1--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
nhin-nhung-mua-thu-di--2--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
nhin-nhung-mua-thu-di--3--trinh-cong-son--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

MỘT LẦN “NHÌN NHỮNG MÙA THU ĐI” 
(Nguồn: bài viết của tác giả Phan Trường Sơn đăng trên website đài Truyền Hình Vĩnh Long)

Trịnh Công Sơn – cái tên quá quen với người Việt Nam yêu nhạc. Nói như vậy không có nghĩa là những người không yêu nhạc thì không biết đến Trịnh Công Sơn. Nhạc của ông có vô số người thuộc, không ít người hát, nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được từng ý từng lời trong những ca từ quá ư là huyền hoặc, diễm lệ ấy. Mỗi bản nhạc là một câu chuyện, một cung bậc tình cảm cứ lôi cuốn người nghe vào tận ngõ sâu của tâm hồn, để rồi mơ hồ nhận ra rằng: không hiểu gì cả. Tôi cảm nhận nhạc Trịnh như thế đó!

trinh-cong-son--1--thvl.vn--dongnhacxua.com

Từ rất lâu, đâu hồi những năm 1990, lúc đó tôi còn là một đứa trẻ. Trong nhà lại có mấy cuốn băng cat-set nhạc Trịnh của bố tôi, cứ nghe tới nghe lui mãi những bài hát Diễm xưa, Ướt mi, Hạ trắng, Phôi pha… qua giọng ca liêu trai, mơ hồ của Khánh Ly, rồi cũng bị ảnh hưởng. Lớn lên trong tiếng nhạc của ông, một ngày nọ tôi chợt nhận ra rằng: đời người, ai cũng có Những-Mùa-Thu-Đi-Qua. Và mỗi lần “nhìn những mùa thu đi” như thế, cảm xúc cứ xót xa, tê dại, ngậm ngùi, bâng khuâng và còn nhiều điều không thể diễn tả được bằng lời.

trinh-cong-son--2--thvl.vn--dongnhacxua.com

Ông sinh ngày 28 tháng 02 năm 1939 tại Đăk Lăk và lớn lên ở Huế, mất ở Sài Gòn ngày 01 tháng 4 năm 2001. Lớn lên ở Huế, nơi có trường Đồng Khánh với bao tà áo dài thướt tha và nón bài thơ duyên dáng đã khắc vào hồn ông những bức tranh thiếu nữ đẹp đến mê hồn. Nhưng cái quan trọng là tâm hồn ông quá dễ rung động. Rung động trước cái đẹp là điều chính đáng, nên ông cứ để nó rung, nó lắc thế nào cũng được, miễn là sau sự cọ quậy đó của tâm hồn, Trịnh Công Sơn có được những nhạc phẩm để đời và được nhiều người hát, thậm chí còn ghi cả vào sổ tay của mình ca từ của bài hát mình thích, để khi rảnh rang, mang ra nhẩm theo… và cười thầm, thích thú.

Thế đấy, những mùa thu đi qua Trịnh Công Sơn một cách ngọt ngào mà đau đớn, càu cấu, quằn quại. Ông quằn mình trong tình yêu để có thể cống hiến cho đời những nhạc phẩm trữ tình tinh khiết, ngon mềm, ngọt ngào, vì đó là hồn, là máu, là sự sống của ông. Hình ảnh những thiếu nữ, những người đàn bà bước đi trên từng nốt nhạc của Trịnh sao mà đẹp, mà thơ mộng thế không biết. Ông không trách ai bao giờ, mặc dù “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”  (Tình xa). Trái lại, ông thương họ, thương cho người đã mang đến cho ông nguồn cảm xúc quá dạt dào và thâm thúy. Ai đến với ông, ngự lại hồn ông, cùng ông ăn những bữa ăn đầy âm nhạc… rồi ra đi, bỏ ông trơ trọi với cây đàn và ly rượu sầu… Khi say khướt, ngước mặt nhìn qua cửa sổ căn phòng nhỏ, ông đã thấy những-mùa-thu-đi-qua. Đúng vậy, mùa thu đi qua đời quá ngọt ngào và trầm lắng, lãng đãng, bàng bạc. Trong tất cả nhạc phẩm của ông, tôi thích nhất Nhìn những mùa thu đi huyền diệu.

Có người thích Diễm xưa, vì lòng họ cũng có một Diễm đi qua! Hạ trắng, Biển nhớ, Ướt mi, Cuối cùng cho một tình yêu, Đời gọi em biết bao lần, Em còn nhớ hay em đã quên, Em hãy ngủ đi, Nguyệt ca, Như cánh vạc bay, Ru em từng ngón xuân nồng, Ru ta ngậm ngùi, Tình nhớ… Phần lớn tình khúc của Trịnh đều có hình ảnh của những tình nhân mà người nghe có thể tìm được một nửa của mình trong đó (có thể là còn hay mất, hay một phút xao lòng, bâng khuâng nhớ lại!). Riêng Nhìn những mùa thu đi, với tôi, nó giống như một lát cắt – mà là lát cắt dọc. Cắt dọc theo một quãng đời dài đau đớn sáng tạo của ông. Mỗi một tình nhân đi qua như một mùa thu đi qua, trầm lắng, u buồn, lẻ loi, cô độc… Ông như một kẻ lữ hành lãng du đi trong lòng phố thị với biết bao má hồng xinh đẹp, mà lúc nào cũng thấy mình quạnh vắng, riêng ta. “Nhìn những mùa thu đi/ Em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song/ Nghe tên mình vào quên lãng/ Nghe tháng ngày chết trong thu vàng… để rồi“Nhìn những mùa thu đi/ Tay trơn buồn ôm nuối tiếc/ Nghe gió lạnh về đêm/ Hai mươi sầu dâng mắt biếc…” để rồi “thương cho người, rồi lạnh lùng riêng.”

Lần đầu tiên nghe tình khúc này, tôi không hiểu, nên phải nghe đi nghe lại rất nhiều lần, cũng không hiểu. Vì lúc đó, tôi đã nghe nhiều tình khúc trước của ông chăng? Hay tâm hồn chưa đủ lớn để hiểu? Lòng đặt ra câu hỏi, sao khổ dữ vậy Trịnh? Sau này mới hiểu, thì ra “từng người tình bỏ ta đi” đấy, ông vẫn không quên được! Ông luyến tiếc chăng: Không biết. Nhưng tôi cảm nhận một điều, những hình ảnh tình nhân ấy vẫn còn nguyên trong tim của Trịnh, không xóa nhòa đâu được. Có điều, mỗi cuộc tình đi qua, ông cẩn thận cất nó vào một nơi thầm kín nhất trong tim mình để lưu giữ như một báu vật và tôn trọng nó. Giống như một người đa tình, buồn, mang quyển nhật ký cũ ra đọc lại, rồi nhớ tình nhân cũ và xót xa, rồi thương cho người, rồi lạnh lùng… cho mình.

Trong nhiều tình khúc của ông, tôi nhận ra cái dự cảm không lành là chia xa. Như cánh vạc bay cũng thế: “Từ lúc đưa em về/ Là biết xa nghìn trùng”. Hình ảnh đôi vai người con gái mềm mại khuất dần vào hẻm tối, với ông, nó buồn như cánh vạc “gầy guộc về cuối cơn mưa… “. Trong cơn say khướt chiều nay, nhìn những mùa thu đi qua đời mình mà nghe “buồn mình trên ấy”. Ông viết nhiều, mà say cũng lắm. Có lẽ ông cố say chếch choáng, để nhìn mùa thu đi qua mình chăng? Như thế thì buồn chết được…!

Dù sao thì ông cũng đã thành công, vì mỗi mùa thu đi qua, hay một tình nhân đi qua đều để lại trong ông một niềm dấu yêu tinh khiết. Nhờ đó, ông lại có thể cống hiến cho đời những tình ca bất tận, chỉ cho nhân thế tìm đến tình yêu của mọi người. Nhờ những tình khúc của ông mà có những cặp tình nhân gắn kết nhau hơn, gần gũi nhau hơn. Vậy cũng công bằng. Có nhiều người cũng quặn mình trong nỗi đau tình ái, mà có được gì đâu. Ông đã thành công. Thành công hơn nữa là ngày nay (khi ông đã về bên kia thế giới), vẫn có nhiều người hát nghêu ngao những tình ca của ông, dù có thể họ không biết là của ai!

Phan Trường Sơn

[footer]

Một bình luận về “Nhìn Những Mùa Thu Đi (Trịnh Công Sơn)”

  1. Đọc bài bình này, tôi lại đi tìm bài bình khác. Người viết hắn chưa rõ lắm về nhạc sĩ và hoàn cảnh và đối tượng sáng tác (1963). Nhạc sĩ yêu thầm người con gái, cố tình quên mà lại không thể nào quên.
    Bài bình của nhacxua theo tôi rất hay, chính xác, bổ ích cho những ai yêu bài hát này.
    https://www.google.com.vn/amp/s/nhacxua.vn/hoan-canh-sang-tac-va-cam-nhan-ve-ca-khuc-nhin-nhung-mua-thu-di-trinh-cong-son/amp/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *