Những giọng ca vàng: Elvis Phương

Elvis Phương có thể được coi là một trong những ca sỹ gạo cội nhất của làng tân nhạc vẫn còn phong độ và xuất hiện đều đặn trong các chương trình ca nhạc. Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng giới thiệu tiếng hát Elvis Phương, qua một bài viết của cố ký giả – nhạc sỹ Trường Kỳ trong chuyên mục “Nghệ sỹ & đời sống”.

Elvis Phương: Đã 45 năm ca hát…

(Nguồn: bài viết của tác giả Trường Kỳ đăng trên giadinhhoangtrong.wordpress.com ngày 2013-11-10)

Từ khá lâu, giới truyền thông hải ngoại ít nhắc nhở đến Elvis Phương, nhất là từ khi vợ chồng anh quyết định về mua nhà tại Việt Nam trong Làng Việt Kiều An Phú Đông vào năm 2001. Trước đó, Elvis Phương thường về Việt Nam và là một trong vài nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam trình diễn sớm nhất. Sau khi anh tạo được thành công với “live show” riêng của mình ở trong nước vào năm 2000, việc đi hát của anh gặp được nhiều thuận lợi hơn.

Tuy hạn chế trình diễn trong những “show” ca nhạc và nhất là không còn xuất hiện trên những chương trình video ở hải ngoại, nhưng Elvis Phương vẫn thường xuyên về Mỹ để trình diễn trong các chương trình được tổ chức trong các sòng bài tại một số tiểu bang ở đây. Hoặc thỉnh thoảng hát trong những chương trình nhạc thính phòng.

Từ khi về Việt Nam đến nay, Elvis Phương đã thực hiện riêng cho mình 2 CD và hiện đang trong vòng hoàn tất CD thứ 3 gồm một số nhạc phẩm tiền chiến.

 

Elvis Phương tỏ ra luôn hài lòng về quyết định trở về sống trên quê hương của mình trong mục đích được mang giọng hát hiện còn nhiều phong độ đến với khán thính giả trong nước. Tại đây, anh sống một cuộc sống an nhàn và không còn bận tâm đến việc bon chen trong tình trạng gần như về hưu của mình, như anh nói. Cùng một lúc vẫn còn duy trì được chỗ đứng của mình tại hải ngoại.

Những khoảng thời gian không bận trình diễn hoặc thu thanh, sinh hoạt của người nam ca sĩ năm nay đã hơn 60 tuổi này chỉ xoay quanh những sở thích của anh là đọc sách, coi phim và tập dượt cùng một lúc chú trọng sức khỏe, phòng ngừa những hậu quả của căn bệnh tim, từng vài lần gây ra nguy hiểm cho anh. Chính nhờ ý thức về việc chăm lo sức khỏe với sự trợ giúp đắc lực của người bạn đời của anh là Tina Hoa, người nam ca sĩ kỳ cựu của nền ca nhạc Việt Nam này còn duy trì được một phong cách trình diễn khá linh động cùng với một làn hơi mạnh.

Về việc gìn giữ sức khỏe và kỹ thuật có được một chất giọng phong phú, Elvis Phương đã trả lời câu hỏi của một tờ báo trong nước là “Tôi không biết hút thuốc, uống rượu, chỉ nghiện trà. Ngày xưa, thời trung học, cô giáo dạy luyện thanh bắt tập mỗi ngày nửa giờ, ngậm ống cao su. Một đầu ống ngập trong phuy nước, rồi hít hơi thật sâu, thở ta từ từ, càng lâu càng tốt.”

Có lẽ đó là những Những thông tin mới nhất về Elvis Phương ở trên được dựa trên những lần tiếp xúc gần đây giữa anh và người viết, trong lần gặp gỡ với anh vào tháng 2 năm 2006 tại Sài Gòn và qua điện thoại vào đầu tháng 4 vừa qua, khi anh mới từ Việt Nam sang California thực hiện nhiều buổi trình diễn ở đây.

Cũng được biết năm 2006 là thời điểm đánh dấu cho sự kiện có tầm mức rất quan trọng trong cuộc đời ca hát của Elvis Phương. Đó là mốc kỷ niệm 45 năm đi hát của anh. Theo Elvis Phương cho biết, một chương trình đặc biệt sẽ được diễn ra trong năm nay với một nội dung và hình thức tổ chức khác biệt với những chương trình trước đó của anh.

Đây cũng là dịp để những người yêu nhạc, nhất là những người cảm mến giọng hát của Elvis Phương nhìn lại một cách tổng quát 45 năm hát ca không ngưng nghỉ của anh…

Elvis Phương tên thật là Phạm Ngọc Phương, sinh ngày 1 tháng 2 năm 1945 tại Bình Dương. Khi anh lên ba, bốn tuổi, gia đình anh dọn lên Sài Gòn cùng với hai người em gái, lúc đó là Hương và Hoa. Song thân anh là người miền Bắc nhưng vào Nam lập nghiệp từ khi còn trẻ, có một người con trai cả nhưng đã mất sớm từ khi mới lọt lòng. Do đó Elvis Phương trở thành người con lớn nhất trong gia đình và là “anh hai” của tất cả 8 người em – phần lớn là gái – sau đó, gồm cả nữ ca sĩ Kiều Nga.

Thân phụ Elvis Phương là một nhà thầu khoán với một sự giao thiệp rộng rãi nên anh đã trưởng thành trong sự sung túc của gia đình, với sự đùm bọc của Mẹ là một người nội trợ có tài quán xuyến. Khi biết được cậu con trai của mình thích ca hát, suốt ngày mê mải với cây guitar hay say sưa theo dõi những chương trình nhạc ngoại quốc trên đài phát thanh, thân phụ anh đã ra sức cấm đoán vì chỉ muốn anh theo nghề thầu khoán như ông.

Bước vào tuổi 14, Elvis Phương theo học bậc trung học trường Jean Jacques Rousseau. Cùng thời kỳ này, Elvis Presley đang làm giới trẻ trên khắp thế giới điên cuồng với thể nhạc Rock And Roll. Và cũng từ đó Elvis Presley đã khiến cậu học sinh Phạm Ngọc Phương quên ăn, quên ngủ với những nhạc phẩm “Hound Dog”, “Heartbreak Hotel”, “Blue Suede Shoes”, “Little Sister”, “Teddy Bear”, vv…

Tuy không theo học nhạc từ những ngày đầu, nhưng do năng khiếu, Elvis Phương đã mau chóng lãnh hội được căn bản về nhạc lý nơi bạn bè và qua những đĩa nhạc, băng nhạc sưu tầm được. Đến khi sang cư ngụ tại Pháp vào năm 79 với tên Pham Thierry – đến nay vẫn giữ trên giấy tờ – anh đã theo học xướng thanh với một giáo sư âm nhạc tên Gucci, nhờ vậy khả năng nhạc lý của anh thêm vững vàng và để tâm khai thác thêm từ năng khiếu sẵn có.

Đối với Phạm Ngọc Phương, những năm theo học ở J.J.Rousseau là thời gian thật tuyệt vời. Nhất là kể từ khi anh cùng các bạn thành lập ban nhạc The Rockin’ Stars, cùng một lúc anh chính thức lấy tên Elvis Phương, do lòng ngưỡng mộ Elvis Presley và một phần có gương mặt giống hao hao ông vua nhạc Rock.

Bắt đầu từ năm 1961, The Rockin’ Stars trở thành một ban nhạc thần tượng đối với giới trẻ yêu nhạc ngoại quốc tại Việt Nam, đúng hơn là ờ Sài Gòn. Và đó cũng chính là năm đánh dấu cho những bước chân đầu tiên của Elvis Phương đến với những sinh hoạt ca nhạc.

Một điều không ai ngờ là nhạc phẩm đầu tiên Elvis Phương hát trước một số khán giả đông đảo là một nhạc phẩm đã đưa tên tuổi của Thanh Thúy lên cao. Đó là “Nửa Đêm Ngoài Phố” của Trúc Phương. Nhạc phẩm này đã được Elvis Phương chế biến thành thể điệu Rock And Roll để trình bầy trong kỳ hội chợ tổ chức tại trường Regina Pacis vào năm 62 gây nhiều thích thú nơi những khán giả trẻ tham dự.

Đến năm 64, Elvis Phương chia tay các bạn trong ban nhạc The Rockin’ Stars vì một số nhạc sĩ lên đường du học. Sự tan rã của The Rockin’ Stars đã chấm dứt thời kỳ đi hát tài tử của Elvis Phương để anh bước vào lãnh vực chuyên nghiệp sau đó.

Năm 64 cũng đã ghi lại một khúc quanh quan trọng nhất trong cuộc dời của Elvis Phương. Sau khi anh thi đậu Tú Tài, thân phụ anh quyết định cho anh đi du học bên Pháp. Tuy nhiên anh đã quyết định ở lại để theo con đường ca hát khiến bố anh nổi giận xé nát sổ thông hành. Để tránh sự giận dữ của bố, Elvis Phương bỏ nhà ra đi với vài chiêc quần Jean cùng một số áo thun, bỏ vào một túi xách nhỏ đến ở nhà Nhơn, một nhạc sĩ của Les Vampires mà anh quen biết từ trước trên đường Trương Minh Giảng.

Những bước chân rón rén, lén lút ra bước ra khỏi nhà trong sự phập phồng, hồi hộp chính là những bước chân đã đưa Elvis Phương đến với âm nhạc, sau khi anh được mời vào hát với ban nhạc Les Vampires với tính cách chuyên nghiệp để trình diễn tại các club Mỹ.

Do tình trạng đòi hỏi, Elvis Phương gia nhập Lực Lượng Hải Thuyền. Một thời gian sau lực lượng này bị giải tán, với lý do không được cấp thêm ngân khoản từ phía Hoa Kỳ. Nhưng sau đó anh và các bạn được chuyển qua ban văn nghệ của binh chủng Hải Quân.

Từ khi gia nhập Hải Thuyền và kế đó là Hải Quân, Elvis Phương bắt đầu tập hát những nhạc phẩm Việt Nam. Việc chuyển tiếp này đối với anh không hề khó khăn. Tuy nhiên đó là một ngã rẽ quan trọng trong sinh hoạt ca nhạc của Elvis Phương để trở thành một tiếng hát có tầm cỡ của làng tân nhạc Việt Nam.

Lúc bấy giờ là năm 67, sinh hoạt vũ trường của Sài Gòn rất nhộn nhịp, trong số đó có vũ trường Baccara trên đường Trần Quí Cáp là một trong những nơi đông khách nhất. Một hôm Elvis Phương nhận được lời mời cộng tác với vũ trường này một thời gian để sau đó gia nhập đoàn Văn Nghệ Hoa Tình Thương, giúp vui cho các gia đình quân nhân. Đó là lần đầu tiên Elvis Phương hát trong khung cảnh một vũ trường và đã tạo ngay được thành công.

Thoạt đầu, khi về với đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương, anh được bổ nhiệm vào ban kích động nhạc Khánh Băng-Phùng Trọng vì bên ban nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh đã có hai ca sĩ hát nhạc ngoại quốc nổi danh thời đó là Pat Lâm và Ngọc Mỹ. Anh không đồng ý về việc bổ nhiệm này để cuối cùng được chấp thuận cho gia nhập ban nhạc Shotguns.

Trong suốt thời gian phục vụ trong đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương với The Shotguns, Elvis Phương đã gần như chuyển hướng hẳn về việc trình bày những nhạc phẩm Việt Nam để đáp ứng cho những lần đi công tác của đoàn tại rất nhiều nơi với những thành quả tốt đẹp.

Đến năm 69 phong trào thu băng nhạc phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Elvis Phương được mời thu thanh cho trung tâm băng nhạc của Jo Marcel. Nhạc phẩm đầu tiên thu băng của anh là “Con Quì Lạy Chúa”, trình bày chung với Khánh Ly. Nhạc sĩ Ngọc Chánh cũng cho ra đời những băng nhạc Shotguns mà băng nhạc đầu tiên với tiếng hát của anh được thu thanh tại Club USO trên đường Nguyễn Huệ.

Hãng đĩa nhạc VIệt Nam cũng mời anh thu đĩa. Những đĩa nhựa đủ màu được tung ra thị trường đã gặt hái được một lợi nhuận đáng kể. Nhận thấy sự thành công của anh, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã mời anh ký một giao kèo độc quyền với Shotguns với hàng loạt băng nhạc được thực hiện. Với sự nghiêng về nhạc Việt Nam, Elvis Phương đã tự tạo cho mình một kỹ thuật phát âm với những tiếng nấc, tiếng nghẹn đặc biệt. Qua nhạc phẩm “Lời Cuối Cho Em” anh đã áp dụng kỹ thuật mới của mình vào việc trình bày dể tạo được một thành công lớn để nhạc phẩm này trở thành một trong những nhạc phẩm nổi bật nhất trong năm 71.

Thời gian dài cộng tác với Shotguns trong biệt đoàn văn nghệ song song với những buổi trình diễn tại vũ trường Queen Bee và phòng trà Quốc Tế đã lưu lại nơi Elvis Phương rất nhiều kỷ niệm vì đó cũng là thời kỳ tên tuổi anh nổi bật với những nhạc phẩm Việt Nam như: Lời Cuối Cho Em, Lần Tiễn Đưa Cuối Cùng, Xé Thư Tình, Kỷ Vật Cho Em, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Về Đây Nghe Em, Tiếng Hát Sông Lô, Người Vợ Nghèo, Tiếng Hát Con Tim, Hai Mươi Năm Làm Tuổi Trẻ, Chia Phôi, Chờ Người, Duyên Kiếp, Lời Cô Đơn, Những Bước Chân Âm Thầm, Lính Nghĩ Gì, vv…

Đặc biệt hơn hết là nhạc phẩm “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang”. Có thể nói đây là nhạc phẩm tiêu biểu của Elvis Phương. Đó là chưa kể tới những nhạc phẩm ngoại quốc lời Việt như Godfather, Aline, Main Dans La Main, Lady Belle, Love Story, vv…

Đến năm 72, Elvis Phương trở nên nổi bật hơn nữa khi anh xuất hiện cùng với ban nhạc Phượng Hoàng trong những nhạc phẩm của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang như Tôi Muốn, Thương Nhau Ngày Mưa, Lời Người Điên, Yêu Người Yêu Đời, vv… và sau đó như : Đôi Khi Ta Muốn Khóc, Bài Hát Cho Một Người Tuổi Trẻ, Vào Hạ, Tình Nhân Loại Thú Thiên Nhiên, vv…

Vào năm 73, nhật báo Trắng Đen đứng ra tổ chức Giải Kim Khánh với nhiều giải thưởng dành cho các nghệ sĩ thuộc những bộ môn khác nhau và Elvis Phương không ngờ đã chiếm được giải “Nam Ca Sĩ Tân Nhạc Được Mến Chuộng Nhất”. Không những thế anh còn được trao tặng cả giải “Nam Ca Sĩ Nhạc Trẻ Được Mến Chuộng Nhất” trong năm.

Vào ngày 30 tháng 4 năm 75, Elvis Phương rời Việt Nam trên tầu Trường Xuân. Sau mấy ngày lênh đênh trong đói khát, thiếu thốn và hỗn độn, tầu Trường Xuân đã được một tầu Đan Mạch trên đường chở hàng tới Hồng Kông kéo tới đây.

Sau 6, 7 tháng ở trong trại tỵ nạn ở Hồng Kông cùng với gia đình nhạc sĩ Lam Phương, anh đã tìm cách trốn ra để tìm đến tòa Lãnh Sự Pháp ở Hồng Kông với mục đích xin đi Nouméa (New Caledonia) là nơi anh đã sang trình diễn lần đầu tiên cách đó hơn một năm. Nhưng lần trốn trại đó bất thành vì Elvis Phương không thông thạo đường xá. Cuối cùng anh đã được đặt chân tới Nouméa do một gia đình người quen bảo lãnh.

Khoảng giữa năm 77, Elvis Phương quyết định rời bỏ gia đình người bảo lãnh để sang ở nhờ nhà một người bạn, cũng ở Nouméa để được giới thiệu vào làm ở một bệnh viện. và sau đó cho một công ty xuất nhập cảng xe hơi.

Vào năm 78 anh nhận được lời mời sang Pháp trình diễn, trong thời gian đã có một số anh chị em nghệ sĩ cư ngụ tại đây. Trở về Nouméa, Elvis Phương quyết định sẽ ra đi để có dịp sinh hoạt với bạn bè nghệ sĩ vì quá nhớ ánh đèn, quá nhớ sân khấu. Cuối cùng, anh từ giã Nouméa để lên đường sang Paris vào khoảng cuối năm 79.

Mới đặt chân đến thủ đô nước Pháp, trung tâm Phượng Hoàng đã thực hiện liên tiếp 3 băng nhạc do Elvis Phương hát như “Hát Cho Người Vượt Biển” gồm 12 nhạc phẩm của Phạm Duy, “Thư Gửi Em” và “Tình Thu Paris”. Đến năm 80, anh được mời sang Mỹ trình diễn. Elvis Phương cho biết trong chuyến đi đó anh có ý định ở lại luôn California, tuy nhiên vì chưa rành rẽ về thủ tục giấy tờ nên đã nhận lời mời trình diễn trong một show do Jo Marcel và Khánh Ly tổ chức tại Toronto (Canada); và đây cũng là show đầu tiên tổ chức tại Canada với sự có mặt của những nghệ sĩ từ Mỹ sang.

Nhưng sau đó anh đã không được phép trở vào Mỹ mà phải trở lại Paris. Nhưng rồi sau khi mất rất nhiều thì giờ và chịu đựng vất vả với những thủ tục hành chánh rườm rà, Elvis Phươngcũng đã được cấp Visa vào Mỹ vào giữa năm 81. Vì không trở lại Pháp như hạn định ghi trong Visa nên Elvis Phương đã sống một cách phập phồng, nói thẳng ra là ở “lậu” trong khi nhờ các em gái anh vận động giấy tờ để anh được hợp thức hóa vào tháng 10 năm 1981.

Đến năm 1984, Elvis Phương thực hiện cuốn băng đầu tiên của mình tại hải ngoại mang tựa đề “Yêu” để sau đó bán đứt cho Trung Tâm Sóng Nhạc. Trong đó có nhạc phẩm anh sáng tác là “Gót Hồng Thôi Hết Phiêu Du”. Kế đó anh và Khánh Ly thực hiện chung một băng nhạc với tựa đề “Niệm Khúc Cuối”.

Cũng vào năm 84, Elvis Phương đã ra sức vận động để được vào hát trong những trại tỵ nạn tại Hồng Kông như Kaitak, Jubilee, Chi Ma Wan, Victoria và trại cấm số 3. Đến tháng 6 năm 86, anh và Nam Lộc đã cùng nhau lên đường sang Mã Lai trình diễn tại các trại tỵ nạn Pulau Bidong và Sungei Besi.

Qua đến năm 92, Elvis Phương đứng ra thành lập trung tâm EP Productions với sự giúp đỡ của Chí Tài, cho đến nay đã phát hành trên 20 CD và băng nhạc. Từ khi sống ở Mỹ, Elvis Phương càng ra sức tạo được những hình thức mới mẻ. Trong đó đặc biệt là những bài “dân ca cải biên” do anh “sáng chế”, được áp dụng qua những nhạc phẩm như “Qua Cầu Gió Bay” và “Tát Nước Đầu Đình” đã được nhiều người ưa chuộng, trong những lần xuất hiện chung với Ái Vân trên những chương trình Paris By Night mà anh đã cộng tác một thời gian dài. Tính thích sưu tầm những băng nhạc, CD và xem những phim ngoại quốc đã mang lại cho anh nhiều lợi điểm khi khám phá ra được những nhạc phẩm đặc sắc để trình bày. Đó là trường hợp của những bài như “Joe Le Taxi”, “Bella Maria”, “Right Here Waiting”…

Thêm vào những sáng kiến, thích những điều mới mẻ cộng với năng khiếu và một làn hơi tốt, trước khi có quyết định trở về sinh hoạt nhiều ở Việt Nam, Elvis Phương đã tạo cho mình được một chỗ đứng thật vững vàng để được gọi là một nam danh ca của nền tân nhạc Việt Nam.

Nhìn lại, thấm thoát đã 45 năm kể từ khi cậu thiếu niên Phạm Ngọc Phương bước vào con đường ca nhạc với những ca khúc Rock And Roll. Sau 45 năm thăng trầm trong nghề nghiệp, nhìn lại quãng đường đã qua, Elvis Phương tự cảm thấy rất hài lòng với những gì anh đã và đang có do giọng ca của mình mang lại.

Ở trên một góc nhỏ quê hương, 45 năm đó đang diễn ra trước mắt Elvis Phương như một cuốn phim về một đời ca hát của anh. Có thể anh đang gật gù trong khi hồi tưởng: “45 năm rồi? vui đấy chứ! “…

Trường Kỳ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *