‘Màu tím hoa sim’ do nhạc sỹ Duy Khánh & Trọng Khương phổ nhạc

Duy Khánh | Bài thơ ‘Màu tím hoa sim’ || 11/07/2012 | Sài Gòn | DongNhacXua.com ||

Chúng tôi lại có dịp tái ngộ quý vị yêu nhạc xưa bằng một nhạc phẩm cũng lấy cảm hứng từ bài thơ ‘Màu tím hoa sim’ của Hữu Loan. Lần này là của cố ca nhạc sỹ Duy Khánh, cùng hợp soạn với Trọng Khương.

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.

Màu Tím Hoa Sim do nhạc sỹ Song Ngọc phổ nhạc

Tiếp nối mạch cảm xúc của những bài hát lấy cảm hứng từ bài thơ bất hủ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, chúng tôi hân hạnh giới thiệu bản “Màu tím hoa sim” do nhạc sỹ Song Ngọc phổ thơ. Ảnh bìa: hcmutrans.edu.vn

[footer]

Nhật ký đời tôi (Thanh Sơn)

Thanh Sơn || 11/04/2012 | DongNhacXua.com ||  

Để tưởng nhớ nhạc sỹ Thanh Sơn vừa mất, chúng tôi gởi đến bạn yêu nhạc bản nhạc “Nhật ký đời tôi”. Ảnh bìa nhạc: vietstamp.net

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.

Nhạc sỹ Thanh Sơn: đời ai không một lần

Saigon, 09/04/2012 – DongNhacXua.com || Thanh Sơn | Vĩnh biệt

Sáng nay, 09/04/2012, trong giai điệu quen thuộc của những ‘Nỗi buồn hoa phượng’ hay ‘Nhật ký đời tôi’, cùng với gia quyến, người thân, người yêu nhạc, DongNhacXua.com đã kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa nhạc sỹ Thanh Sơn về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa ở trang Bình Dương.

Nhạc sỹ Thanh Sơn và vợ lúc trẻ. Ảnh: TienPhong.vn

Vẫn biết đời người không ai thoát ra khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” – “đời ai không một lần” như chính lời của bản “Nhật ký đời tôi” bất hủ. Thế nhưng sự ra đi của nhạc sỹ Thanh Sơn đã để lại nhiều luyến tiếc cho công chúng yêu dòng nhạc trữ tình mà ông là một đại diện xuất sắc.  Chúng tôi mong linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.

Trúc Phương: đời buồn như những bản bolero

Trúc Phương (1933-1996) tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình), một xứ chùa tháp ở hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Ông sinh hoạt văn nghệ với ty Thông tin Tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn.

Nhạc sỹ Trúc Phương.

Nói đến Trúc Phương là phải nói đến những bản bolero bất hủ. Có thể nói mà không sợ quá lời là Trúc Phương xứng đáng với danh xưng ‘Ông hoàng bolero của tân nhạc Việt Nam’.

Một khía cạnh khác là cuộc đời ông đầy những chuyện buồn và nhất là cái chết trong cô quạnh vào năm 1995 (có tài liệu ghi 1996) với tài sản duy nhất là một đôi dép nhựa . Buồn như chính những nhạc phẩm của ông!

Tâm sự của chính nhạc sỹ Trúc Phương với Trung tâm Asia trong chương trình Asia 55

Gần đây trong chương trình “Paris By Night 103 – Tình sử trong âm nhạc Việt Nam”, nhạc sỹ Thanh Sơn có nhắc đến kỷ niệm với nhạc sỹ Trúc Phương và cho biết nhạc sỹ Trúc Phương mất ngày 21/09/1996.

DongNhacXua.com xin mượn dòng mở đầu trong bản ‘Nửa đêm ngoài phố’ để kết thúc những dòng tri ân đối với người nhạc sỹ tài hoa nhưng ít được người đời nhắc đến:
Buồn vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời …

Tác phẩm nổi tiếng : (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Trúc_Phương)

  • Ai Cho Tôi Tình Yêu
  • Bóng nhỏ đường chiều
  • Buồn trong kỷ niệm
  • Chiều cuối tuần
  • Chiều làng anh
  • Con đường mang tên em
  • Đò Chiều
  • Mưa Nửa Đêm
  • Nủa Đêm Ngoài Phố
  • Thói đời
  • Bông cỏ may
  • Chuyện Chúng Mình
  • Đêm Gác Trọ
  • Đêm Tâm Sự
  • Hai Chuyến Tàu Đêm
  • Hai Lối Mộng
  • Hai mùa mưa
  • Kẻ ở miền xa
  • Tàu Đêm Năm Cũ
  • Tình Thắm Duyên Quê

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Hoài An (1929-2012): câu chuyện đầu năm mãi mãi không còn!

   Saigon, 19/03/2012 – DongNhacXua.com  || Hoài AnVĩnh biệt 

Hôm nay, cùng với gia quyến, bạn bè và người yêu nhạc, DongNhacXua.com đã đưa linh cửu của nhạc sỹ Hoài An về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Đa Phước, thành phố Sài Gòn. Nhạc sỹ Hoài An tên thật là Nguyễn Đắc Tịnh. Ông sinh năm 1929 ở miền bắc nhưng thành danh ở Sài Gòn trong giai đoạn nở rộ của nền tân nhạc Việt Nam. Trước khi được giới yêu nhạc biết đến qua nhạc phẩm xuân bất hủ “Câu chuyện đầu năm”, nhạc sỹ Hoài An đã có nhiều sáng tác mang đầy tình tự dân tộc như “Trăng về thôn dã”, “Tình lúa duyên trăng”, v.v.

 Trong giai điệu của nhạc phẩm bất hủ “Câu chuyện đầu năm”, chúng tôi cầu chúc linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!

Nghe “Câu chuyện đầu năm” của Hoài An qua tiếng hát Hoàng Oanh

Có thể nói không ngoa rằng vào cuối thập niên 1960, sau bản “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương và trước khi có “Xuân này con không về” của nhóm Trịnh Lâm Ngân thì bản “Câu chuyện đầu năm” là nhạc phẩm về xuân được yêu chuộng nhất. Chính nhạc phẩm này đã đưa tên tuổi của nhà nhạc sỹ chúng ta trở thành một trong những nhạc sỹ thuộc dòng nhạc thời trang đại chúng được yêu thích nhất ở miền Nam thời đó.

Nghe “Trước giờ tạm biệt”, một sáng tác tiêu biểu cho thể loại nhạc đại chúng của Hoài An qua tiếng hát của “con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung 

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.

Vũ Khanh: trở về sau 30 năm

   Saigon, February 23, 2012 – DongNhacXua.com  | Vũ Khanh   
Chúng tôi đã mến mộ giọng hát của ca sỹ Vũ Khang hơn 20 năm qua. Anh không có kỹ thuật điêu luyện như đàn anh Tuấn Ngọc, không có làn hơn khỏe như Elvis Phương hay sự lả lướt của Duy Quang. Thế nhưng Vũ Khanh có một chất giọng trầm ấm và cách xử lý rất riêng mà một khi đã nghe và thích anh hát thì khó mà dứt ra được. Hôm nay nhân dịp lần đầu tiên anh trở về Việt Nam sau 30 năm xa cách, chúng tôi xin thay mặt cho bạn yêu nhạc chúc anh nhiều sức khỏe và tiếp tục cống hiến cho chúng ta nhiều tác phẩm đặc sắc hơn nữa.

Nghe ‘Cô láng giềng’ của Hoàng Quý qua tiếng hát Vũ Khanh 

BÀI PHỎNG VẤN CỦA VNEXPRESS VỚI VŨ KHANH NHÂN DỊP ANH GÓP TIẾNG HÁT TẠI QUÊ HƯƠNG

– Lần đầu tiên về Việt Nam sau hơn 30 năm xa cách, cảm giác của anh thế nào?

Khi máy bay bắt đầu đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, tôi có những cảm xúc khó diễn đạt khi nhìn thấy quê hương. Máy bay càng gần mặt đất, tôi lại thấy càng gần gũi với những con người, những khán giả chưa gặp lần nào. Cảm xúc đó cho đến giờ tôi vẫn chưa diễn đạt được.

Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lại vào Nam sinh sống từ khi chưa biết gì. Lớn lên tôi cũng chưa bao giờ được thấy Hà Nội. Khi trở về, ước mong của tôi là được thấy nơi mình sinh như thế nào. Có lẽ vì điều ấy mà tôi hay hát những ca khúc về Hà Nội. Thủ đô của Việt Nam có một cái gì đó rất lôi cuốn, đặc biệt như ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội của Trịnh Công Sơn. Nó khiến tôi cảm thấy bay bổng hơn khi cất tiếng ca.

Vũ Khanh là ca sĩ
Vũ Khanh là ca sĩ ăn khách tại hải ngoại cùng thế hệ với Tuấn Ngọc, Ý Lan, Khánh Hà… Ảnh: V.K.

– Khán giả trong nước biết anh nhiều qua các cuộn băng thu chung với Ý Lan. Mối duyên nào đã gắn kết giọng hát của anh chị?

– Đây là một tình cờ rất đẹp. Trung tâm Diễm Xưa ở hải ngoại gắn kết chúng tôi và cũng không ngờ, chúng tôi dính liền với nhau 20 năm nay.

Tôi với Ý Lan gặp nhau là một định mệnh. Đôi lúc tôi cũng muốn kết hợp với giọng hát mới cho lạ, nhưng rồi cũng không thể rời xa được Ý Lan trong các bản song ca. Chúng tôi thường đùa với nhau là mình đứng trên sân khấu phải tựa vai nhau để thành công, để thăng hoa. Đứng cạnh Lan, tôi thấy mình hát hay hơn, thoải mái và an bình hơn.

Anh dành tình cảm nào đặc biệt cho Ý Lan?

Ý Lan là người đã có gia đình và đang rất hạnh phúc. Để có được hạnh phúc, cô ấy cũng trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời lắm.

Tôi rất phục Ý Lan. Lan có niềm đam mê âm nhạc khác biệt lắm. Thậm chí, cô ấy có thể chết vì nghề. Có những lúc gặp nhau trên máy bay, tôi thấy cô nằm gục trên ghế ngủ nhưng khi bước xuống trình diễn thì lại rạng rỡ như một đóa hoa. Tôi thường nhìn vào Lan để học cách làm việc. Chúng tôi cùng nâng đỡ nhau và Lan là một người bạn tốt. Cô ấy khích lệ tôi trở về Việt Nam và hiện giờ tôi có mặt ở quê hương chính là một phần công sức của Lan.

– Quý Ý Lan như thế, sao anh không nghĩ sẽ phát triển tình bạn này thêm một bước?

– Sự sát cánh của cô ấy trên sân khấu là một nguồn động viên cho tôi rồi. Chúng tôi chỉ có duyên trên sâu khấu, chứ sau khi hát xong thì mỗi người đều có việc riêng. Nhà tôi cách nơi Ý Lan ở 15 ngã tư đường thôi, nhưng chưa có khi nào gặp nhau cả, trừ khi đi hát. Khi tôi hát ở tiểu bang này thì Lan hát ở tiểu bang khác. Nhưng đã có duyên thì cái gì cũng duyên. Như bây giờ chẳng hạn, sau gần 20 năm trời, chúng tôi lại hát cùng nhau tại quê nhà khiến tôi rất vui.

Ý Lan là nữ ca sĩ gắn bó với Vũ Khanh trong suốt 20 năm ca hát tại hải ngoại. Ảnh: V.K.
Ý Lan là nữ ca sĩ gắn bó với Vũ Khanh trong suốt 20 năm ca hát tại hải ngoại. Ảnh: V.K.

Anh bắt đầu sự nghiệp ca hát như thế nào?

Đó cũng là một sự tình cờ. Gia đình tôi có tất cả 11 anh em, chỉ mình tôi theo con đường ca hát. Sự gặp nhau trong âm nhạc giữa những người Việt ở hải ngoại khiến cho tôi cảm thấy hạnh phúc và tôi bắt đầu tập tành hát. Bỗng chốc, tôi trở thành ca sĩ bất đắc dĩ, mọi người chấp nhận tiếng hát của tôi. Đơn giản chỉ có vậy thôi.

Anh và Tuấn Ngọc là hai giọng ca nam “ăn khách” tại hải ngoại. Tuy nhiên, có vẻ như anh kín tiếng hơn nam ca sĩ “Riêng một góc trời” về sự nghiệp lẫn đời sống tình cảm. Vì sao thế?

– Tôi không thích sự ồn ào, mà trân trọng đời sống giản dị. Sau khi đi hát thì tôi trở về thực tế. Tôi hiểu rằng cái gì cũng có giá của nó và người nghệ sĩ hay có sự bạc bẽo nào đó đi kèm. Nên tôi phải chuẩn bị cho mình một tư thế khỏi bị hụt hẫng, Sự hụt hẫng rất nguy hiểm. Người nghệ sĩ ở ngoại quốc hay Việt Nam cũng vậy. Cái bất hạnh của nghệ sĩ là khi không còn được khán giả yêu mến nữa sẽ quỵ ngã một cách thê thảm lắm.

Khi thành danh và được vinh dự gọi là “danh ca”, tôi lo lắm. Tôi lo lúc nào đó những tiếng vỗ tay không còn. Và dù muốn hay không, khi bước lên sân khấu tôi luôn có một cảm nghĩ là mang nợ những tràng pháo tay đó.

– Cuộc sống đời thường của anh thế nào?

– Tôi không gặp được may mắn và hoàn toàn thất bại trong hôn nhân. Đến giờ, tôi cũng chưa tìm được lối thoát cho hạnh phúc.

Nghệ sĩ không sinh hoạt giống như người làm hành chính hay kỹ thuật. Họ luôn đi đây đi đó. Công việc khiến họ rất khó khăn để giữ được hạnh phúc gia đình. Thử hỏi cuối tuần, người chồng vác vali ra phi trường đi 3 ngày trời mới về thì ra sao? Có lẽ đổ vỡ hạnh phúc là phần lỗi của tôi. Nhưng tôi chấp nhận vì ông tổ nghề không bao giờ cho người nghệ sĩ hết.

– Con cái của anh thì sao?

– Tôi có hai đứa con đều đã lớn. Tôi không muốn con đi vào con đường nghệ thuật, bởi lúc nào tôi cũng có mặc cảm không làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha. Mặc cảm đó đến giờ vẫn còn.

Anh là người khá kín tiếng trong đời sống âm nhạc lẫn gia đình. Ảnh: V.K.
Anh là người khá kín tiếng trong đời sống âm nhạc lẫn gia đình. Ảnh: V.K.

Sao anh không có ý định xây dựng một hạnh phúc khác?

– Tình yêu là thứ không phải đi tìm. Tình yêu chợt đến, chợt đi như cơn gió, nhân loại cứ đuổi theo nó hoài mà không thể biết đích đến. Nếu bản thân không cố gắng, đóng góp xây dựng tình yêu thì sớm muộn gì cũng đổ vỡ. Nên tôi có hạnh phúc ở đâu thì sẽ tận hưởng ở đó, chứ không biết ngày mai sẽ thế nào.

Lần trở về này, anh chờ đợi điều gì?

– Tôi muốn hát hết cả 30 năm cuộc đời ca hát đã qua, chỉ sợ mình không đủ sức. Tôi đang tập lại những bản nhạc Cô hàng nước, Cô láng giềng, Cô hàng cà phê… được nhiều người yêu thích.

Tiếng vỗ tay của khán giả kỳ diệu lắm. Lúc tôi thấy mệt mỏi về thể chất và tinh thần nhất thì chính những tiếng vỗ tay làm cho tôi sống lại. Nên tôi nghĩ, cho dù hát xong một bản nhạc để rồi nằm xuống, đi luôn thì chắc người nghệ sĩ đó cũng sẽ làm.

Kỷ niệm nào ấn tượng nhất trong cuộc đời đi hát của anh?

Hình ảnh một bà cụ già 80 tuổi ngồi ngoài trời mưa để chờ đến lượt nghe tôi hát khiến tôi không bao giờ quên. Bà cụ chờ quá lâu nên người con phải vào nói với tôi rằng: “Anh Vũ Khanh ơi, bao giờ anh hát vì mẹ em lạnh quá rồi”. Tôi đã xin ban tổ chức bất cứ giá nào cũng cho tôi ra hát ngay để bà cụ được về.

Tôi nghĩ, tôi nên cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một phần đời may mắn khi có được những khán giả ủng hộ mình nhiều như thế.

 DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com

* Xin vui lòng ghi chú nguồn DongNhacXua.com khi trích dẫn toàn bộ hoặc một phần bài viết này.

Một mình (Nhạc sỹ Thanh Tùng): nhớ em giọt mồ hôi tóc mai

(Saigon, February 08, 2012 – DongNhacXua.com   ) Nhân đọc bài viết “Hãy nhìn vào tấm lưng ấy một lần…”  khá xúc động trên báo Người Lao Động, chúng tôi chợt nhớ đến bản “Một mình” của nhạc sỹ Thanh Tùng. Ông viết bài này để gởi gắm những suy tư sâu lắng về sự vất vả của người vợ quá cố.

 BẢN NHẠC ‘MỘT MÌNH’ CỦA THANH TÙNG

BÀI VIẾT ‘HÃY NHÌN VÀO TẤM LƯNG ẤY MỘT LẦN’ 
(Source: Người Lao Động)

Hôm ấy thằng út vẫn còn nghỉ Tết. Không phải rước con nên tôi về sớm hơn mọi ngày. Thay vì đi đường Nguyễn Thị Minh Khai thì tôi đi Nguyễn Đình Chiểu để về nhà cho gần. Đang chạy ngon trớn, đầu óc lơ mơ nghĩ đến bữa cơm nóng sốt của vợ đang chờ ở nhà thì một chiếc xe từ trong hẻm Ve Chai băng ra, tôi giật mình lách xe sang phải, lầm bầm: “Chạy vậy đó hả?”. Nhưng ngay lập tức, tôi há hốc mồm nói không nên lời khi trông thấy cái biển số xe…

Trước mặt tôi là một người phụ nữ mặc chiếc áo khoác đã sỉn màu. Chiếc nón bảo hiểm cũng cũ. Điều khiến tôi chú ý là chiếc xe cúp 86 của chị ta trông rất tội nghiệp. Nó phải gồng mình chở trên đó đủ thứ: Rổ xe một bọc vú sữa, mấy trái xoài, một túm dâu Đà Lạt; hai bên xe máng lủ khủ nào thịt, cá, rau, trứng và không biết bao nhiêu thứ có tên và không tên khác cho những bữa cơm gia đình…

Bình thường nếu nhìn hình ảnh ấy, tôi sẽ nghĩ, cái gã nào đó làm chồng chị ta thật sướng. Bởi trong nhịp sống tất bật hiện nay, còn có mấy người phụ nữ chí thú chuyện bếp núc cho gia đình như vậy?

Nhưng trong hoàn cảnh này thì tôi thấy nghẹn đắng cổ họng. Một cảm xúc thật khó tả dâng đầy trong lòng. Vừa xót thương, vừa tội nghiệp, vừa cảm phục lại vừa thấy mình thật có lỗi…

Tôi cưới vợ hai mươi năm, có hai mặt con nhưng chưa bao giờ chú ý xem vợ đi xe gì, mặc áo gì, mang giày dép thế nào… Đó là vì trước mặt tôi, vợ lúc nào cũng chỉn chu. Buổi sáng vợ ra khỏi nhà trước, buổi trưa cũng về nhà trước để lo cơm nước. Khi cha con tôi về tới thì cơm canh nóng sốt đã sẵn sàng. Tuy làm trưởng phòng nhân sự của một công ty lớn nhưng chỉ trừ những hôm vợ tôi bệnh hoạn hoặc đi công tác xa thì cha con tôi mới phải mò vô bếp.

Đôi khi tôi cũng tự hỏi, làm sao mà vợ tôi có thể làm hết mọi việc trong ngoài như thế, nhưng rồi tôi cũng tự trả lời là do vợ tôi vốn xuất thân trong một gia đình lao động nghèo, quen vất vả từ thuở nhỏ nên chuyện cơm nước trong nhà có đáng gì đâu!

Chỉ đến khi bạn bè trong cơ quan than phiền vợ con bê trễ, lười nhác chuyện nhà, tôi mới thấy mình có phúc. Nhưng tôi nghĩ thì nghĩ vậy thôi chứ chưa bao giờ nói ra… Thậm chí có lần, vợ tôi nhờ coi dùm cái xe sao lên ga không vọt nữa, tôi ậm ừ rồi cũng quên luôn. Vợ tôi lại lẵng lặng dắt xe ra tiệm…

Chỉ một quãng đường ngắn theo sau lưng vợ về nhà mà tôi đã suy nghĩ biết bao nhiêu điều. Thú thật, tôi đã chảy nước mắt khi nhìn cái dáng tảo tần của vợ.

Trước nay, tôi đã nhìn ngắm, trầm trồ trước biết bao tấm lưng trần tươi mát của những cô gái trẻ, nhưng tôi chưa bao giờ ngắm nhìn chiếc lưng của người phụ nữ đã gắn bó với mình suốt hai mươi năm trong một khoảnh khắc tảo tần vì chồng con như thế này.

Hôm đó, lần đầu tiên tôi xách phụ vợ những thứ lỉnh kỉnh ấy. Thật sự là nó rất nặng, lại phải đi một quãng khá xa từ bãi giữ xe chung cư về nhà. Vợ tôi xách mọi thứ đi trước, tôi lẽo đẽo đuổi theo. “Làm sao mà em có thể mang hết từng ấy thứ mà vẫn đi ào ào như giông, như gió vậy?”- tôi buộc miệng. Vợ tôi hơi ngoái lại: “Vì anh với con thôi chứ em cũng mệt lắm rồi…”.

Tôi cúi mặt, một nỗi hỗ thẹn vô cớ đầy lên trong lòng.

Nếu giờ đây có ai hỏi tôi, người phụ nữ nào trên thế gian này có tấm lưng đẹp nhất, đáng yêu nhất, tôi sẽ nói ngay đó là tấm lưng gầy gò, tần tảo của vợ tôi.

Các đấng mày râu hãy thử một lần nhìn vào tấm lưng người bạn đời của mình để thấy là tôi nói rất thật lòng…

Là một người sinh ra và lớn lên ở Phú Yên, vùng đất miền Trung thân yêu với núi Nhạn – sông Đà, chúng tôi rất tự hào khi xem chương trình Duyên Dáng Việt Nam lần thứ 23 tổ chức vào hai đêm 8-9/01/2011 ở nhà hát Sao Mai, khu du lịch Thuận Thảo, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cảm nhận chung của DongNhacXua.com là chương trình đã thành công trong việc đưa giới thưởng ngoạn, có mặt ở nhà hát cũng như xem qua sóng VTV về với dòng nhạc xưa với chủ đề Nhớ.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng như người biên tập âm nhạc là nhạc sỹ Đức Trí đã có nhiều sáng tạo trong suốt chương trình: chuyển cảnh rất nhanh và nhịp nhàng, sử dụng dây kéo cho diễn viên múa rất khéo léo, dùng phông nền rộng với nhiều tư liệu phong phú về các thế hệ nhạc sỹ, ca sỹ đã không còn với chúng ta như Đoàn Chuẩn, Anh Tú, Ngọc Tân, v.v.

Riêng cá nhân tôi rất ấn tượng với màn chuyển cảnh từ bản “Đêm cuối cùng” của Phạm Đình Chương sang bài “Suối mơ” của Văn Cao với tam ca Lân Nhã, Quang Dũng và Đàm Vĩnh Hưng. Ngay giây phút ấy, chúng tôi cảm thấy như có một cái gì đó dù không còn nữa nhưng hình như vẫn còn vương vấn đâu đây. Đó có lẽ là chính hiệu ứng của những nhạc phẩm bất hủ mà giai điệu, ca từ không bao giờ phai nhạt theo năm tháng:

” …
Em ơi, đêm cuối cùng gần nhaụ
Sợ rằng một ngày mai giấc mộng không thành. ” (hai câu kết trong “Đêm cuối cùng)

hay
“…
Suối ơi!
Nghe rừng heo hút.
Giòng êm đưa lá khô già trút.
Còn như lưu hương yêu dấu,
Với suối xưa trôi nơi đâu. ” (đoạn kết của “Suối mơ”)

Một điểm nhấn khác của chương trình và sự kết hợp giữa một ngôi sao thời danh và 2 ngôi sao đã tắt: Đàm Vĩnh Hưng hát chung với Anh Tú trong “Lạc mất mùa xuân” (nhạc ngoại quốc, lời Việt của nhạc sỹ Lữ Liên, là thân phụ của chính ca sỹ Anh Tú, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, v.v.) và Đàm Vĩnh Hưng cùng hòa giọng với Ngọc Tân trong “Khoảnh khắc” (của Trương Quý Hải). Sẽ rất khập khiễng khi đi so sánh hai giọng hát khác nhau nhưng dù sao cũng phải nói rằng ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đã rất nỗ lực và cố gắng hoàn thành tốt vai trò cầu nối hai thế hệ. Cá nhân tôi cảm thấy ca sỹ họ Đàm đã rất khiêm tốn trên sân khấu hôm đó để nhường những cảm xúc sâu thẳm nhất của khán giả cho hai ca sỹ tài danh nhưng yểu mệnh: Anh Tú (1950-2003) và Ngọc Tân (1948-2004).

Rất nhiều lần nhà tổ chức nhắc đến dòng nhạc bolero trong chương trình này nhưng cá nhân tôi thấy gọi như vậy chưa chính xác vì trong chương trình còn nhiều giai điệu không phải là dòng nhạc bolero (hay chúng tôi gọi là dòng nhạc “sến” với tất cả sự trân trọng chứ hoàn toàn không có ý chê bai). Tuy nhiên, nếu phải chọn ra vài ca sỹ là điểm nhấn của dòng nhạc “sến” thì có lẽ không ai xứng đáng bằng Mạnh Đình trong nhạc phẩm “Chuyện hẹn hò” (của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh).

Hương Lan vẫn giữ phong độ với dòng nhạc này dù tuổi đời cũng không còn trẻ. Chị đã làm chúng tôi rơi nước mắt trong “Mẹ tôi” (của Nhị Hà).

Ngoài ra cũng phải kể đến ca sỹ Quang Linh và Cẩm Ly, những người đã mà theo chúng tôi đã “cứu” cả “chuyến đò” tốp ca trong tiết mục mở đầu “Chuyến đò quê hương” (của Vy Nhật Tảo).

Nhân nói đến đây thì chúng tôi xin mạn phép nêu ra vài điểm chưa đạt theo thiển ý của chúng tôi như sau:

  • Vài ca sỹ hoàn toàn không thích hợp với nhạc “bolero” nhưng cũng “cố gắng” góp giọng và đã không thành công: như Lân Nhã đã vào rất “phô” trong “Chuyến đò quê hương” mà chúng tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên anh đã rất thành công với “Như một lời chia tay” (của Trịnh Công Sơn) ở phần sau.
  • Quang Dũng rất vững vàng và đầy kỹ thuật trong “Chiếc lá cuối cùng” (của Tuấn Khanh) nhưng anh lại quá sa đà vào việc phô diễn kỹ thuật thành ra khán giả chưa được lắng đọng với “đêm chia ly buồn gì sao chẳng nói” mà tác giả Tuấn Khanh muốn chuyển tải. Tuy nhiên sau đó Quang Dũng lại rất thành công với “Lá đổ muôn chiều” (của Đoàn Chuẩn – Từ Linh). Có lẽ chi tiết “ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa, tình duyên đành dứt …” làm cho Quang Dũng có nhiều cảm xúc hơn chăng !?
  • Tên tác giả của “Trộm nhìn nhau” là Trầm Tử Thiêng chứ không phải “Trầm Tử Thiên” như mà hình đã hiện ra
  • Dương Triệu Vũ có hát được giọng Phú Yên trong “Trách phận” nhưng anh hình như sợ người nghe nhận ra điểm yếu của mình hay sao đó mà anh hát nhanh quá thành ra chính người Phú Yên như chúng tôi cũng khó mà nghe kịp lời hát
  • Năm sinh và năm mất của ca sỹ Ngọc Tân (1948-2004) được chương trình chiếu lên (1950-2003) chưa đúng. Có lẽ đạo diễn lộn với năm sinh và năm mất của Anh Tú

Tóm lại: Duyên Dáng Việt Nam 23 tại Phú Yên đã để lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, xứng đáng là một trong những chương trình ca nhạc chủ đề hay nhất Việt Nam.

[footer]

Cảm ơn: ta đón đợi xuân nồng ngày mai

Hôm nay là 29 AL, ngày cuối cùng của năm Tân Mão. Nhân dịp xuân về, mời quý vị yêu nhạc xưa nghe lại bản “Cảm ơn” của nhạc sỹ Nhật Ngân. Bản này ông viết dưới bút danh Ngân Khánh, là tên con gái ông.

Cảm ơn (Nhật Ngân). Ảnh: huyvespa.multiply.com


[footer]

Anh cho em mùa xuân: nụ hoa vàng vẫn nở

Nhạc phẩm “Anh cho em mùa xuân” của nhạc sỹ Nguyễn Hiền có lẽ sẽ mãi là giai điệu không thể thiếu vào mỗi dịp xuân về. Lấy ý thơ từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của thi sỹ Kim Tuấn, nhà nhạc sỹ lão thành của chúng ta để thổi một sức sống mới vào bài thơ vốn đã tuyệt vời.

Anh cho em mùa xuân (Nguyễn Hiền – Kim Tuấn). Ảnh: huyvespa.multiply.com



ĐÔI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ “NỤ HOA VÀNG NGÀY XUÂN” VÀ NHẠC PHẨM “ANH CHO EM MÙA XUÂN” (Source: http://huyvespa.multiply.com/journal/item/686/686)

Ít nhất đã có hai thế hệ hát “Anh cho em mùa xuân”.  Các ca sĩ và ban nhạc của thế hệ thứ hai (ở trong và ngoài nước) có khuynh hướng thay đổi tiết tấu của bài nhạc ấy bằng nhịp điệu nhanh, mạnh, sôi nổi, như muốn làm rộn ràng hơn không khí mùa xuân. Việc “cải biên” này cũng… tốt thôi, và cũng phù hợp với “phong cách trình diễn” trẻ trung, sống động hiện đại, tuy rằng bài nhạc, với âm giai LaTango Habanera dìu dặt ở “thuở ban đầu”, tự nó đã đủ để mang về mùa xuân (mà không cần phải “đánh nhanh, đánh mạnh” bằng điệu nhạc kích động để… mừng đón xuân về). Việc thay đổi tiết tấu và cách trình diễn ấy có phần nào đánh mất khí hậu của bài hát là vẻ lắng đọng của đất trời vừa mới sang xuân, pha lẫn chút thi vị ngọt ngào của “bài thơ còn xao xuyến”, thể hiện qua lời thơ và từng nốt láy mềm mại ở cuối những câu nhạc. trưởng và nhịp điệu 

Mùa xuân của “Anh cho em mùa xuân” là xuân của trời đất giao mùa, là xuân của “lộc non vừa trẩy lá”, là vẻ e ấp của “nụ hoa vàng mới nở”. Trong cái nắng sớm của ngày đầu xuân có chút se se lạnh của chiều cuối đông còn rớt lại, có chút vấn vương của “chiều đông nào nhung nhớ”, có chút hơi hướng của đông tàn, xuân mới vừa sang…

Đôi lúc việc thay đổi hoặc hát sai lời nhạc cũng làm giảm phần nào cái đẹp và độ truyền cảm của bài nhạc gửi đến người nghe.

Đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây… (không phải là “mắt buồn… nhìn ngọn cây”)

Chữ “vin” ấy nghe rất thơ. Những chữ “lao xao” và “mòn” ấy nghe cũng rất thơ.

Hai câu hát trong bài được ca sĩ… hát sai nhiều nhất:

Đất mẹ gầy có lúa
đồng ta xanh mấy mùa

Câu thứ nhất, “đất mẹ gầy có lúa”, là ước mơ đơn sơ của tác giả bài thơ gửi về quê mẹ Hà Tĩnh (vùng “đất cày lên sỏi đá”), được nhiều ca sĩ đổi thành “đất mẹ gầy… cỏ lúa”, hoặc “đất mẹ gầy… cỏ úa”, hoặc “đất mẹ… đầy cỏ lúa”!?!

Câu thứ hai, “đồng ta xanh mấy mùa”, ước mơ khác, được nhiều ca sĩ đổi thành “đồng xa xanh mấy mùa”, hoặc… “đồng xanh xa mấy mùa”!?!

“Trong bài ‘Anh cho em mùa xuân’ có một câu tôi thích nhất,” tôi nhớ đã nói với nhạc sĩ Nguyễn Hiền như vậy. Có thể là ông cũng muốn nghe, muốn biết, nhưng tôi lại chưa có dịp nào (nay thì không còn dịp nào) để bộc lộ với ông.

Bầy chim lùa vạt nắng
trong khói chiều chơi vơi…

“Bầy chim lùa vạt nắng…”, câu hát tôi thích nhất. “Lùa vạt nắng”, tôi chưa nghe ai nói thế bao giờ. Chữ “lùa” ấy rất mới, rất đẹp, rất thơ. Làm sao mà ông lại có thể nghĩ ra được cái chữ tài tình đến như vậy? Làm sao mà ông lại dùng chữ ấy chứ không phải là chữ nào khác? (“Bầy chim… đùa vạt nắng” chẳng hạn, như thế cũng là hay, nhưng không thể hay bằng “… lùa vạt nắng”). Ngày ấy chưa ai viết những lời như thế trong thơ, trong nhạc. Mãi về sau này ta mới nghe “lùa nắng cho buồn vào tóc em” (“Nắng thủy tinh”, Trịnh Công Sơn).

Điều thú vị, câu ấy không phải là câu thơ Kim Tuấn trong “Nụ hoa vàng ngày xuân”, mà là thơ… Nguyễn Hiền.

“Con chim mừng ríu rít” trong bài thơ được ông đổi ra thành “bầy chim lùa vạt nắng”, để tương ứng với những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ (vẫn “nghe” được tiếng chim “ríu rít” mừng vui), vừa “thơ” hơn và giàu hình ảnh hơn.

Tôi yêu câu thơ “mắt buồn vin ngọn cây” của Kim Tuấn và tôi yêu câu hát “bầy chim lùa vạt nắng” của Nguyễn Hiền. Câu thơ ấy rất “Kim Tuấn”, câu hát ấy rất “Nguyễn Hiền”. Tôi cũng yêu lối sử dụng những động từ “vin” và “lùa” ấy trong kho tàng tiếng Việt.

“Nhạc chan hòa đây đó”, câu hát ấy không thấy trong thơ Kim Tuấn. Hơn thế nữa, “nhạc, thơ tràn muôn lối”, câu hát cuối của bài hát ấy cũng không thấy trong thơ Kim Tuấn. Trong “Nụ hoa vàng ngày xuân” không có câu nào nói đến “nhạc” cả. Vậy thì những câu ấy ở đâu ra, nếu không phải là… thơ của Nguyễn Hiền. Trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Nhạc quyện vào thơ, thơ quấn lấy nhạc. Nhạc thơ, thơ nhạc đã hòa làm một.

“Anh cho em mùa xuân. Nhạc, thơ tràn muôn lối…”

Câu kết ở phần coda ấy là một “biệt lệ”, (hiếm khi được sử dụng trong nhạc thuật của ông) trong số những bài nhạc vẫn được ông soạn theo khuôn mẫu “cổ điển” với cấu trúc khá cân phương. Những chuỗi nốt nhạc rải đều và nốt ngân cuối rướn cao như bay lên cùng mùa xuân và tan loãng trong không, vẽ lên một nét nhạc đẹp. Cái hay của phần coda ấy là cái hay của một kết thúc đẹp, tròn đầy, gói trọn tình ý của bài nhạc.

Việc ông không thay đổi câu, chữ nào suốt khổ thơ đầu của “Nụ hoa vàng ngày xuân” làm nhớ tới những bài thơ ngũ ngôn khác từng được các nhạc sĩ khác phổ thành ca khúc cũng rất là “ngọt”. Hoặc, giữ nguyên vẹn bài thơ, như “Tiếng thu”, nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của Lưu Trọng Lư; hoặc, chỉ đổi có… một chữ trong toàn bài thơ, như “Chiều”, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ từ “Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh (chỉ đổi câu thơ cuối “khói xanh bay lên cây” thành “khói huyền bay lên cây”).

Sau câu thơ “lộc non vừa trẩy lá”, những câu nào không giữ nguyên được thì nhạc sĩ Nguyễn Hiền bèn thay đổi chút ít, trong lúc vẫn giữ ý chính của câu thơ. Lạ một điều, những câu ông đổi nghe rất thơ, và có phần… thơ hơn cả tác giả bài thơ. Chẳng hạn:

“Con chim mừng ríu rít” đổi thành “bầy chim lùa vạt nắng”
“Ngoài đê diều thẳng cánh” đổi thành “ngoài đê diều căng gió”
“Câu hát hò vẳng đưa” đổi thành “thoảng câu hò đôi lứa”
“Trẻ đùa vui nơi nơi” đổi thành “trẻ nô đùa khắp trời”
“Nắng vàng trên ngọn cây” đổi thành “rung nắng vàng ban mai”

Người nhạc sĩ đã “làm mới” thơ, đã làm thơ “thơ” thêm một lần nữa.