Tiếng hát Thái Hiền

Trước năm 1975, trong một sự tìm tòi để có hướng đi mới cho những sáng tác của mình, nhạc sỹ Phạm Duy đã khai sáng ra nhiều ca khúc hay cho tuổi ô mai. Và có thể nói không ngoa là cô con gái rượu Thái Hiền chính là người có công rất lớn đưa dòng nhạc mới này đến gần công chúng hơn. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu tiếng hát Thái Hiền qua một bài viết của tác giả Cung Mi.

Một album của ca sĩ Thái Hiền. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Thái Hiền – Giọng hát mang trọn vẹn cái đẹp của ngôn ngữ Việt Nam

(Nguồn: bài viết của tác giả Cung Mi đăng trên sbtn.tv ngày 2016-12-09)

Ở Việt Nam, việc bố mẹ là nhạc sĩ, ca sĩ, thì con cái cũng có tham gia lĩnh vực âm nhạc là chuyện thường thấy. Hổ phụ sinh hổ tử là vậy. Tuy nhiên trường hợp bố mẹ là nhạc sĩ, ca sĩ, đa số con cùng con dâu, con rể (hoặc cựu dâu, rể) cũng là ca nhạc sĩ như gia đình nhạc sĩ Phạm Duy là hiếm. Có thể kể một danh sách thật dài những danh ca, nhạc sĩ nổi tiếng thuộc gia đình này: Phạm Duy, Thái Hằng, Duy Quang,

Julie Quang, Duy Cường, Thiên Phượng, Thái Hiền, Thái Thảo, Tuấn Ngọc… Trong những cái tên kể trên, có một giọng hát rất đặc biệt, nhưng lại khá yên lặng, ít nổi đình đám. Đó là trường hợp của nữ ca sĩ Thái Hiền.

Có một số người yêu nhạc Việt Nam, yêu giọng hát Thái Hiền nhận xét rằng hình như Thái Hiền không phải là một mẫu ca sĩ của sân khấu, mặc dù chị xuất hiện trên sân khấu ca nhạc từ rất trẻ. Ở Miền Nam Việt Nam, Vào đầu thập niên 70, khi nhạc sĩ Phạm Duy viết một loạt ca khúc Bé Ca và Nữ Ca, thì có mấy ai không nhớ đến giọng hát Thái Hiền. Cô bé tuổi teen Thái Hiền đã làm người đã làm mọi người say mê với những ca khúc Tuổi Mộng Mơ, Tuổi Thần Tiên, Tuổi Hồng, Tuổi Ngọc, Chú Bé Bắt Được Con Công, Ông Trăng Xuống Chơi… Vào thời đó, Thái Hiền chưa đến tuổi tròn trăng! Đến năm 1974, khi Thái Hiền tham gia và đứng trên sân khấu cùng ban nhạc The Dreamers của gia đình Phạm Duy, năm đó chị mới 16 tuổi.

Nhớ lại giọng hát Thái Hiền của những bài Bé Ca, Nữ Ca trước 1975. Đó là giọng hát của một cô Bắc Kỳ nhí nhảnh, hồn nhiên, lảnh lót, thật là dễ thương của tuổi học trò. Nhiều cô cậu học sinh trung học Sài Gòn hồi đó nhớ mãi Thái Hiền với lời ca thơ ngây của Tuổi Mộng Mơ. Cô bé ngày nào ở tuổi mười ba  mơ làm tiên nữ. Rồi lớn thêm, cô mơ làm thi sĩ, rồi mơ có sắc đẹp. Nhưng sau cùng ở tuổi 16, cô gái Việt Nam chỉ còn lại “giấc mơ ngoan”, chỉ mong được nên người:

Em ước mơ mơ gì, tuổi mười hai, tuổi mười ba?
Em ước mơ em là, em được là tiên nữ
Ban phép tiên cho hoa biết nói cả tiếng người
Ban phép tiên cho người chắp cánh baу giữa trời.
Thật đẹp thaу! Thật đẹp thaу! Giấc mơ tiên!…
…Em ước mơ mơ gì, tuổi mười lăm, tuổi mười sáu?
Em ước mơ không nhiều, xin một điều уêu dấu
Không ước mơ xa xôi, ước mơ được nên người
Cô gái уêu nước Việt bước chân theo giống nòi.
Thật đẹp thaу! Thật đẹp thaу! Giấc mơ ngoan!

Nhạc cho tuổi học trò đẹp đến thế là cùng! Chắc hẳn Thái Hiền lúc đó là “giấc mơ hoa” của biết bao chàng trai ở tuổi học trò.

Nhưng rồi hình ảnh “Thái Hiền trên sân khấu” hình như đậm nét nhất cũng chỉ ở giai đoạn đó. Sau biến cố 30/04/1975, Thái Hiền cùng gia đình di tản sang Mỹ. Gia đình nhạc sĩ Phạm Duy tiếp tục hoạt động gần như không ngưng nghỉ trong suốt thời gian ở tại hải ngoại. Tiếng hát Thái Hiền vẫn vang lên khắp nơi. Nhưng ít có ai nhắc đến việc “xem Thái Hiền trình diễn”, như là “xem” Ý Lan, Khánh Hà, Ngọc Lan… trên sân khấu. Giọng hát Thái Hiền hình như là để được “nghe” nhiều hơn.

Những thính giả yêu giọng hát Thái Hiền còn ở lại Việt Nam sau 1975 là người nhận ra việc thích “nghe Thái Hiền” rõ ràng nhất. Cuối thập niên 80, sau khi những đợt người vượt biên bắt đầu gởi quà về cho quê hương, những chiếc băng cassette, rồi đến những CD nhạc hải ngoại bắt đầu được lén lút về lại Việt Nam. Một làn gió văn nghệ tươi mát đã trở lại! Giới mê nhạc ở Sài Gòn được nghe lại nhiều giọng hát thân thương của mình ngày trước, trong đó có Thái Hiền. Và thật là ngạc nhiên biết bao, giọng hát của Thái Hiền đã thay đổi rất nhiều, và hoàn thiện theo một hướng chưa có trước 1975.

Không còn là tiếng hát của một “cô bé”, giọng hát Thái Hiền ở giai đoạn trưởng thành đẹp hoàn chỉnh một cách “chuẩn mực”. Dùng từ “chuẩn mực”, là bởi vì giọng hát của Thái Hiền làm say mê người nghe thuần túy chỉ bằng cách phát âm và chất giọng thiên phú của chị. Có thể nói, cách phát âm của Thái Hiền là một mẫu mực cho ngôn ngữ tiếng Việt. Chất giọng của chị tròn đầy, thanh thoát, quí phái một cách không cần cố gắng. Với một giọng hát như vậy, chỉ cần nghe qua cassette, CD là đủ mê rồi, đâu cần phải “xem” trình diễn. Nếu ngày xưa, nàng Mỵ Nương say mê chàng Trương Chi chỉ qua giọng hát, thì giọng Thái Hiền ngày nay có lẽ cũng đã chinh phục người nghe như thế!

Một điểm nữa cần nói về giọng hát Thái Hiền, đó là cách hát thật bình thản của chị. Nó hoàn toàn trái ngược với phong cách nữ danh ca Thái Thanh. Tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh hát như khóc cười theo tình cảm của từng lời ca, tâm trạng của tác giả gởi vào từng bài hát. Tiếng hát của Thái Thanh độc nhất vô nhị trong mỗi ca khúc mà bà trình bày là vì vậy. Trong khi đó, Thái Hiền hát gần như không thay đổi trong mọi ca khúc. Một kiểu hát “bình đẳng”. Có nhiều người vì vậy cho rằng Thái Hiền hát không có “lửa”. Điều đó có phần đúng. Nhưng một giọng hát hay không cần “cố gắng diễn tả”, mà vẫn chinh phục được trái tim của khán giả, thì lại càng cho thấy chất giọng đó mượt mà đến cỡ nào!

Để minh họa cho nhận xét này, xin hãy thử nghe Thái Hiền hát Nghìn Trùng Xa Cách của Phạm Duy. Và sau đó nghe lại ca khúc này qua tiếng hát của Thái Thanh để so sánh. Nhiều người yêu nhạc cho rằng đó là hai phiên bản hay nhất của tình khúc bất hủ này, cho dù được diễn tả theo hai phong cách hoàn toàn trái ngược.

Cũng vào cuối thập niên 80, khi tiếng hát của Thái Hiền đang ở giai đoạn “chín mùi” nhất, thì tài năng hòa âm phối của nhạc sĩ Duy Cường cũng ở đỉnh điểm. Những CD do gia đình Phạm Duy thực hiện trong giai đoạn đó đã đem lại thật nhiều vẻ đẹp mới lạ cho những ca khúc đã nổi tiếng từ trước 1975. Thí dụ trong CD Lời Gọi Chân Mây, Thái Hiền cùng Tuấn Ngọc hát lại ca khúc Lời Gọi Chân Mây của Lê Uyên Phương, với phần phối khí của Duy Cường. Có thể nói rằng, Lời Gọi Chân Mây qua tiếng hát Tuấn Ngọc- Thái Hiền đã chinh phục thính giả theo một phong cách rất mới, so với “bản gốc” do chính Lê Uyên Phương trình bày. Làm mới được nhạc Lê Uyên Phương, mà hay như thế không dễ chút nào!

Trong những ngày cuối năm 2016, có tin từ giới thân hữu văn nghệ, rằng ca sĩ Thái Hiền sẽ không còn hát nữa. Hy vọng rằng tin này không chính xác. Chứ nếu không, sẽ có nhiều người yêu tiếng hát Thái Hiền tiếc rằng không có dịp được nghe lại giọng hát đã tôn vinh được cái đẹp của ngôn ngữ Việt Nam này thêm một lần nữa. Ít nhất là trong một lần Thái Hiền hát để giã từ sân khấu…

Cung Mi / SBTN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *