60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014)

60 năm chỉ là một khoảnh khắc trong dòng chảy thời gian, của 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng đó cũng là một quãng thời gian đủ dài, ít ra là cũng gần trọn một kiếp người. Trong những ngày này, nhìn lại lịch sử của đất nước, trước khi bắt đầu một số bài viết về những bản nhạc liên quan đến biến cố  “1954 – chia cắt hai miền Nam – Bắc” [dongnhacxua.com] xin mạn phép trích dẫn vài thông tin để thế hệ trẻ có cái nhìn rõ nét hơn về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.

ĐÔI NÉT VỀ HIỆP ĐỊNH GENÈVE – 1954
(Nguồn: có tham khảo Wikipedia)

Sau khi căn cứ địa Điện Biên Phủ bị thất thủ vào ngày 07/05/1954, Pháp chính thức trở thành kẻ bại trận trong cuộc chiến tại Đông Dương. Hiệp định Genève 1954 là hiệp định được kí kết để khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Được kí kết tại Thành Phố Genève của Thụy Sỹ. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Nguyên ủy, Hội nghị Genève khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954 để bàn về vấn đề khôi phục hoà bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Do vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả nên từ ngày 8 tháng 5 vấn đề Đông Dương được đưa ra thảo luận.

Hội nghị Genève, 1954. Ảnh: wikipedia.com
Hội nghị Genève, 1954. Ảnh: wikipedia.com

Thành phần tham dự:

  • Phái đoàn Anh, do Anthony Eden làm trưởng đoàn.
  • Phái đoàn Hoa Kỳ, do Bedell Smith làm trưởng đoàn.
  • Phái đoàn Liên bang Xô viết, do Viacheslav Molotov làm trưởng đoàn.
  • Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn.
  • Phái đoàn Pháp, do Georges Bidault làm trưởng đoàn.
  • Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn.
  • Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, do Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn sau thay thế bởi Nguyễn Trung Vinh rồi Trần Văn Đỗ.
  • Phái đoàn Vương quốc Lào, do Phumi Sananikone làm trưởng đoàn.
  • Phái đoàn Vương quốc Campuchia, do Tep Than, làm trưởng đoàn.
  • Hai phái đoàn Pathet Lào và Khmer Issarak không được chính thức tham gia hội nghị mà chỉ có quan hệ với phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả các nguyện vọng của hai đoàn này được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trình bày trước hội nghị.

Hai đồng chủ tịch Hội nghị là Liên Xô và Anh.

Hiệp định Genève có nội dung cơ bản như sau:

  • Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước.
  • Các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương
  • Các bên tham chiến thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh
  • Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết
  • Cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự,vũ khí nước ngoài vào Đông Dương. Nước ngòai không được đặt căn cứ quân sự tại Đông Dương
  • Thành lập Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến Đông Dương (tiếng Anh: International Control Commission, ICC; tiếng Pháp: Commission Internationale pour la Surveillance et le Contrôle, CISC) gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, với Ấn Độ làm chủ tịch.
  • Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. Khoản a, điều 14 ghi rõ: “Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy.”

Điều 6 Bản Tuyên bố chung ghi rõ: “Đường ranh giới quân sự tạm thời này không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ.”

Hiệp định Genève không có điều khoản nào quy định chi tiết về thời điểm cũng như cách thức tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Nhưng Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève ghi rõ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956.

Lực lượng vũ trang tập kết và dân chúng di cư

Những người di cư bằng thuyền năm 1954 từ miền Bắc. Ảnh: wikipedia.com
Những người di cư bằng thuyền năm 1954 từ miền Bắc. Ảnh: wikipedia.com
  • Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng vừa giành được thắng lợi quan trọng tại chiến dịch Điện Biên Phủ, tập kết về miền Bắc.
  • Tuy không ký kết Hiệp định Genève và đã tách ra khỏi Liên hiệp Pháp trước khi Pháp ký Hiệp định Genève nhưng lực lượng Quốc gia Việt Nam vẫn theo quân đội Pháp tập kết về miền Nam. Trên 1 triệu người dân từ miền Bắc được sự trợ giúp cũng như ảnh hưởng tuyên truyền của Mỹ đã di cư vào Nam (trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, chiếm khoảng 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc), và 140.000 người từ miền Nam (phần lớn là lực lượng kháng chiến của Việt Minh) tập kết ra Bắc[22].
  • Quân đội Pháp dần dần rút khỏi miền Nam trong 2 năm và trao quyền lực cho chính quyền Quốc gia Việt Nam.

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *