Âm nhạc thời Covid-19: Nghe nhạc Trịnh ngày cách ly buồn

Về nhà rồi, thấy chân trời u ám, cứ mong lúc này có một cơn mưa thật lớn gội sạch đi mọi buồn phiền. Để rồi nghe câu hát của Trịnh một thời say đắm hồn tôi:

“Ngoài hiên mưa rơi rơi,
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa,
Đừng than trong câu ca…”

Ngày cách ly đã buồn. Ngày chủ nhật càng buồn hơn. “Con quỷ Covy” đã làm được cái điều mà xưa nay mọi chính quyền đều bó tay, đó làm cho đường thông thoáng như trên mặt trăng, vì ai nấy đều phải cố thủ trong nhà:

“Ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai?
Ðóa hoa hồng, cài lên tóc mây,
Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài,
Ngàn năm, ngàn năm,
Ru em nồng nàn, ru em nồng nàn”

Trải qua những đêm cố ru mình ngủ, rồi sáng dậy tôi ngơ ngác ra đứng ngoài cửa sổ:

“Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời,
Không còn thấy loài người
Vây phủ quanh đời
Nói tiếng yêu thương
Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời,
Không còn thấy mặt người,
Hơi thở ru đời
Như gió ru mây
Hôm nay thức dậy
Không còn thấy ai
Cuộc tình chìm xuống
Xa vắng tiếng cười
Hôm nay thức dậy
Không còn thấy người
Xa nhau hôm này
Chua xót hôm mai
Hôm nay thức dậy không nhìn thấy mặt trời,
Hay mình đã lạc loài
Vó ngựa trên đời
Hay dấu chim bay”

Chán nản vào nhà mở điện thoại, mở báo đọc, bật tivi xem… Thấy toàn cái tên “con Covid-19” nhỏ hơn con vi khuẩn hàng ngàn lần, thế mà nó đe dọa và tiêu diệt gần 50 ngàn người trên toàn thế giới trong mấy tuần qua. Lại thở dài:

“Một ngày, ngày đã qua
Ôi một ngày, ngày chóng qua
Một chiều một ngày âm thầm đã
Đã trôi đi không còn gì”

Những buổi tối, tôi ngó ra đường để xem xung quanh thế nào. Có cảm giác như hồi xưa tôi từ nông thôn trở về thành phố:

“Khi bước chân ta về, đêm khuya nhìn đường phố,
Thành phố hoang vu như một lần qua cuộc tình
Làm sao em biết đời sống buồn tênh…”

Tôi vào nhà, trèo lên giường, trùm mền, tắt đèn, ngẫm về cái phận trai già còn đang khao khát lãng du. Thế mà vẫn phải tự an ủi đây có ta có nhiều bạn bè lắm, còn nhiều người thân lắm. Chỉ là tạm xa nhau thôi:

“Bạn bè còn đó anh biết không anh?
Người tình còn đó anh nhớ không anh?
Vườn cỏ còn xanh, mặt trời còn lên
Khi bóng anh như cánh chim chìm xuống.”

Chắc khi phải giam mình trong bốn bức tường, người ta hay hoài niệm. Hay nhớ về bóng dáng phảng phất một cô gái đẹp nào đó trong đời:

“Ru em đầu cơn gió, em hong tóc bên hồ
Khi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quá
Ru em tình khi nhớ, ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa Thu
Ru khi mùa mưa tới, ru em mãi yêu người
Ru em hoài bé dại, một hồn thơm cây trái
Ru em chờ em nói, trên môi tình thoát thai
Ru em ngồi yên đấy, ru tình à… ơi
Ru người ngồi mãi cùng tôi”.

Mà có ai đâu mà ngồi cùng? Mà có ai đâu mà ru. Cách ly tỉnh thành. Cách ly huyện thị. Cách ly khu phố. Cách ly nhà với nhà… Thôi thì gửi gió cho mây ngàn bay vậy, ru em là cũng ru mình:

“Ru em tình như lá, trăm năm vẫn quay về
Môi em là đốm lửa, cuộc đời đâu biết thế
Xin em còn đâu đó, cho tôi còn tiếng ru
Ru em ngồi yên đấy, tôi tìm cuộc tình cho”

Là tôi nói cho lãng mạn thế thôi. Giờ này tìm tình cho mình còn khó, tìm giúp tình cho ai được?

Chỉ là liên tưởng, so sánh, ước mong sự hoán vị tuổi tác thời gian không gian giữa ta và ai đó đang được tung tăng trong cuộc sống muôn phần rạng rỡ ngoài kia:

“Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”

Nhạc Trịnh kỳ diệu lắm. Khi buồn mở bất cứ bài hát của nhạc Trịnh nào cũng sẽ có một lời chia sẻ, tâm tình, vỗ về tâm trạng u buồn của ai đó:

“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em.
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm
Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai?
Mà yêu quá đời này.
Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm”

Tôi không ít lần ngồi hàng giờ trong bóng tối nhìn ra bầu trời vần vũ để nghe Nhạc Trịnh. Đã 45 năm rồi kể từ ngày tôi từ Hà Nội vào đặt chân xuống con đường Duy Tân cây dài bóng mát sau năm 1975, tôi đã thấm và đã say nhạc Trịnh như thế. Và bây giờ vẫn thế, tôi vẫn luôn là kẻ đi tìm:

“Tìm tình tìm tình trong nắng em gặp cơn mưa.
Ô hay tìm tình giữa ngọ buồn lưa thưa về.
Tìm tình tìm tình trên núi em gặp mây bay.
Ô hay tìm tình giữa chợ tình phai mất rồi.”

Có những lúc tôi ngồi hát theo. Hát cho mình nghe. Hát như một gã say và không cần khán giả. Chỉ có tôi và Trịnh nghe là đủ rồi:

“Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ.
Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua
Đường về tình tôi có nắng rất la đà
Đường thật lặng yên không gì nhớ
Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ”.

Phố bây giờ xa lạ lắm. Phố vắng như thời nhỏ tôi ở Hà Nội khi Mỹ ném bom mọi người sơ tán về nông thôn hết. Phố vắng như thời có giông bão mọi người trú ẩn trong nhà. Phố vắng như chiều 30 như sáng mùng 1 Tết mọi người về quê hết hoặc bận rộn trong nhà cúng kiếng. Những ngày chịu đựng sự trống vắng ấy, tôi luôn mong có những cuộc hẹn hò, luôn ước được đi đây đó:

“Ngày mai em đi
Thành phố mắt đêm đèn vàng
Nửa bóng xuân qua ngập ngừng
Nghe trời gió lộng mà thương”

Vì tôi không muốn là kẻ độc hành. Tôi luôn hình dung đời mình là những chuyến đi:

“Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội
Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi
Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội
Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài
Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội
Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi.
Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời”

Thế mà bây giờ phải nằm trong tâm dịch. Phải cách ly. Phải tự và bị ngăn chặn mọi giao tiếp. Để mỗi ngày mỗi đêm phải bóc từng tờ lịch, theo dõi tốc độ rùa bò của cái kim đồng hồ:

“Đêm chờ ánh sáng
Mưa đòi cơn nắng
Mặt trời lấp lánh trên cao
Vừa xa vừa gần”

Một trong bi kịch của con người (trong đó có tôi) là không có gì để hy vọng, để mong chờ, không có tin vui:

“Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui
Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đá dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xoá bỏ không hay”

Thế rồi tôi cũng nghiến răng ngồi trước máy để viết một cái gì đó. Thời buổi cách ly này mà không có wifi, không có internet, chẳng khác nào bị cầm tù thật sự. Hãy thích nghi với sự cách ly. Hãy sống và viết. Và hãy mơ ước nữa:

“Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay”

Ngoài phố sá kia chắc cũng bao chàng trai đang cúi đầu đi, hai tay thọc túi quần, vừa đi vừa hát cho cô gái của mình nghe:

“Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Bước chân nghe quen cũng buồn lạy trời xin còn tuổi xanh
Còn một mình trên phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Ngoài kia không còn nắng mềm ngoài kia ai còn nhớ tên”

Tự cách ly 15 ngày thôi, có gì đâu mà ghê gớm. Tôi từng tự nhủ như thế. Nhưng cũng sợ hãi việc mất ngủ mỗi đêm. Hồi xưa Tưởng Giới Thạch bị cầm tù một đêm mà lo nghĩ bạc trắng đầu. Song tôi phải tự động viên mình thôi:

“Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm
Cho đời chút ơn biết tà áo nọ
Em là phấn thơm cho rừng chút hương
Là lời hát ca cho trần gian
Dưới phường phố kia có người nhớ em
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”

Bởi vì:

“Không có em còn tôi với ai
Không có em lạnh giá đường vui
Không có em ngồi đứng nơi này
Không có em còn ai với ai”

Tôi có tật xấu là hay quan trọng hoá vấn đề. Chứ ở nhà có khi có cái lợi của nó, vì đôi khi lại có nhiều việc để làm, lau chùi 4 cái quạt máy một lúc chẳng hạn. Được ở nhà hai tuần đôi khi lại bớt sương gió nắng nôi mà khỏe ra thì sao.

Cò gì thì gì, cũng chưa phải là ngày tận thế:

“Còn hai con mắt khóc người một con.
Còn hai con mắt một con khóc người.
Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi.
Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp.
Con mắt còn lại nhìn cuộc tình phai.
Tình trong hai tay một hôm biến mất.
Con mắt còn lại là con mắt ai.
Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài”.

Trong nhà tôi có ba người nữa cũng phải cách ly ngay trong nhà. Có khi ở nhà nhiều giáp mặt nhiều lại ít thương nhau hơn. Hay cãi nhau hơn. Mà có muốn gần nhau, cúi xuống bên nhau, nghe hơi thở của nhau cũng đâu được? Luật cách ly yêu cầu mỗi người tự cách nhau… 2 mét kia mà?

Vậy thì cùng tưởng tượng hình ảnh trong câu hát này thôi:

“Cúi xuống
Cho tình dấy lên
Cho da thịt mềm
Cho cơn mặn nồng ngất lịm
Cúi xuống
Cho đời lãng quên
Cho mây trời chìm
Cho đêm mở hội âm thầm
Cúi xuống
Vùng non xanh mát
Và cao tiếng hát cho cơn ưu phiền tan
Cúi xuống
Cúi xuống thật gần
Cho tóc em bềnh bồng
Cơn đau anh vui lòng bóng mát trên cao”…

Đành buông tay nhau để trở thành một công dân cách ly gương mẫu nhát, ít nhất là gương mẫu được hai ngày đầu tiên.

Và tình yêu cũng sẽ càng đẹp trong tiếc nuối, thèm khát:

“Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này”.

Việt Nam đang là đất nước có cuộc chiến cách ly phòng chống dịch bệnh căng thẳng nhất, quyết liệt nhất, hiệu quả nhất. Dịch bệnh vẫn tăng chậm song tình hình có lẽ đã kiểm soát được. Hai tuần cao điểm để cuộc chiến này đạt được thắng lợi. Rất cần mọi người đồng lòng sát cánh với các cơ quan chức năng và lực lượng phòng chống dịch bệnh. Trên tất cả đó là nghĩa vụ, trách nhiệm và ý thức của mỗi con người:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian.
Hãy nghiêng đời xuống nhìn hết một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng
Để buốt trái tim để buốt trái tim
Trong trái tim con chim đau nằm yên
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu
Và sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót vang trong trời gió lên
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai”

Cuộc chiến chống dịch bệnh có lẽ chưa kết thúc ngay đâu. Sẽ còn nhiều khó khăn phía trước. Sẽ còn nhiều sự mất mát cam chịu và đấu tranh quyết liệt phía trước nên chúng ta cần sát cánh chung tay chống dịch:

“Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”

Mấy ngày cách ly là mấy ngày nhớ:

“Em còn nhớ hay em đã quên ?
Nhớ Sài gòn những chiều gặp gỡ
Nhớ món ăn quen nhớ ly chè thơm
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Phố em qua gạch ngói quen tên”

Chỉ mong trong cơn đại dịch này đừng ai quên ai:

“Bỏ mặc vui buồn, bỏ mặc ai
Bỏ mặc chân không, bỏ mặc người
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi. “

Và đừng để tôi ngồi say giữa nhà mà hát:

“Gọi tên em mãi
Suốt cơn mê này…”

Mỗi ngày cách ly là một ngày buồn. Xin hãy biến nó thành một ngày bớt buồn, nếu không thể biến nó thành một ngày vui:

“Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài
Cho tôi nghe lời hát cỏ cây
Xin cho tôi quên phận tù đày
Xin cho tôi là thoáng rượu cay
Xin cho tôi xin cả cuộc đời
Một hôm nào trẻ hát trong nôi
Xin cho tôi xin chỉ một ngày.”

Thế là đã qua được ngày thứ hai tự cách ly rồi. Đã và sẽ phải quen cái cảnh bớt vui tươi của cuộc đời sôi động:

“Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui
Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn”.

Song cũng có gì đó thức tỉnh trong tôi, khi vì cách ly mà tôi chợt nhận ra trước đây mình đã sống những ngày quá nhiều nhu cầu đòi hỏi phức tạp. Giờ bớt chi tiêu, đi lại, ăn uống, giải trí, nhậu nhẹt, mua sắm… thấy hình như cuộc sống vẫn rất ổn, có thể là mẫu hình sinh hoạt gia đình áp dụng cho cuộc sống giản dị hơn sau khi hết dịch:

“Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi”.

Khép lại bài viết đầy tâm trạng của đêm cách ly thứ hai sau ngày cách ly thứ hai này, tôi xin mượn lời bài hát của Trịnh, và cũng xin cảm ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói hộ lòng tôi rất nhiều điều ngay cả trong lúc đất nước kêu gọi: “Ngồi yên là yêu nước”, khi mà cả nước căng mình chống dịch này:

“Và như thế tôi sống vui từng ngày
Và như thế tôi đến trong cuộc đời
Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Nhìn rõ quê hương, ngồi nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim!”.

Huỳnh Dũng Nhân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *