B’lao & Dấu Ấn Nhạc Trịnh

Địa danh B’lao mà ngày nay là Thành phố Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) là nơi mà Trịnh Công Sơn đã về dạy học sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Quy Nhơn. Mặc dù chỉ dừng chân nơi đây độ 3 năm (từ 1964 – 1967) nhưng mảnh đất đèo heo hút gió cũng đã ghi lại nhiều dấu ấn trong lòng nhà nhạc sỹ. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một nét chấm phá trong hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn ở mảnh đất B’lao gió núi.

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này – Kỳ 4: Anh trưởng giáo ở góc núi B’Lao

Nguồn: bài viết của tác giả Trần Ngọc Trác đăng trên TuoiTre.vn ngày 31/03/2021

TTO – Trịnh Công Sơn tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn và được điều về Ty tiểu học Lâm Đồng (tỉnh lỵ đặt tại B’Lao, nay là thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) vào tháng 8-1964.

Ông trưởng giáo Trịnh Công Sơn (bìa phải) cùng các đồng nghiệp ở B’Lao 1964. Ông Nguyễn Thanh Ty (người ngồi sau bên trái) – Ảnh tư liệu của Nguyễn Thanh Ty

Chúng tôi đã nhiều lần đến B’Lao để tìm lại dấu ấn Trịnh Công Sơn trong ba năm lưu lại ở góc núi này (1964-1967). Thật may mắn, những người từng dạy và học ở đó vẫn còn sống.

Trong đó, nhân vật quan trọng nhất là ông Nguyễn Thanh Ty, người học cùng khóa sư phạm Quy Nhơn, cùng sống và dạy học với Trịnh Công Sơn suốt ba năm ở B’Lao, đang định cư ở Mỹ. Sau ba năm tìm kiếm, một ngày ông Ty đã về Việt Nam và chúng tôi gặp được ông.

Ông trưởng giáo và ba tuần bỏ dạy

B’Lao ngày ấy thưa thớt bóng người, sương dày đặc, nắng bụi mưa bùn, lạnh và buồn. Trịnh Công Sơn và ba người bạn thuê chung ngôi nhà của bà Trần Thị Phi. Ông Sơn ở cùng phòng với ông Ty, nơi có cửa sổ quay ra đường chính.

Trịnh Công Sơn được bổ nhiệm làm trưởng giáo ở Trường sơ học Bảo An. Theo quy định của Bộ Giáo Dục bấy giờ, tiểu học có bốn lớp trở xuống thì gọi là trường sơ học, người đứng đầu gọi là trưởng giáo. Trường sơ học Bảo An chỉ có ba lớp, thầy Sơn là trưởng giáo và dạy lớp 3.

Ông Ninh Thế Hùng từng là học trò của thầy Tạ Văn Thống, học ngay lớp bên cạnh thầy Trịnh Công Sơn dạy, đã đưa chúng tôi đến thăm lại Trường sơ học Bảo An.

Khu đất có Trường sơ học Bảo An năm xưa giờ là Công ty dệt Namdosilk, 98 Đinh Tiên Hoàng, phường 2, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ông Hùng cho biết hồi đó trường này chỉ có hai phòng học dành cho ba lớp, mái lợp tôn, nền ximăng, vách ván. Giữa hai phòng học có một vách ngăn là những tấm ván bằng gỗ thông.

Thầy giáo Trần Văn Ngọc và ông Nguyễn Thanh Ty đều cho biết dạo đó thầy Sơn thường bỏ nhiều buổi dạy, vì đầu óc chỉ nghĩ về âm nhạc, mọi việc giao phó cho thầy Tạ Văn Thống sắp nghỉ hưu.

Một lần thầy Sơn bỏ lớp ba tuần lễ, về Sài Gòn bán bản nhạc ‘Chiều một mình qua phố’ cho ca sĩ Duy Khánh với giá 3.000 đồng (Duy Khánh lúc đó là người chủ trì nhóm “1.001 bài ca hay” chuyên xuất bản tờ nhạc).

Trở lại trường Bảo An, thầy Trịnh Công Sơn lo lắng, bạn bè thì lo ông bị đuổi việc. Ngồi trước ông trưởng ty Lê Cao Lợi, thầy Sơn rút ra bản in đặc biệt mới tinh tờ nhạc ‘Chiều một mình qua phố’ ký tặng.

Ông trưởng ty im lặng một hồi rồi nói: “Cảm ơn anh về bản nhạc, nhưng từ rày về sau đừng bỏ trường nữa, tội nghiệp ông Thống. Và tôi cũng sẽ khó xử với các giáo viên khác. Về âm nhạc mong anh thành công nhiều hơn”. Câu chuyện này do ông Nguyễn Thanh Ty thuật lại và nhiều người hồi đó xác nhận.

“Uy vũ bất năng khuất”

Sau một tháng dạy học, ông trưởng giáo Trịnh Công Sơn nhận được tháng lương đầu tiên. Ông Nguyễn Thanh Ty nhớ lại: “Ra khỏi ty tiểu học, Sơn sải chân đi thật lẹ. Vừa vào phòng, Sơn khóa trái cửa lại. Tôi ngạc nhiên chờ xem anh chàng làm cái gì đây. Sơn để nguyên quần áo, giày vớ, nằm vật ngửa ra đivăng, tay rút trong túi quần ra cái phong bì tiền lương lúc nãy, xé phong bì, nắm hết xấp tiền 5.200 đồng tung lên trên trần nhà. Giấy bạc mới tinh rơi lả tả xuống người Sơn, rơi xuống đivăng. Sơn cười sằng sặc. Tiếng cười nghe là lạ, nó pha lẫn niềm vui lẫn nỗi phẫn hận”.

Ông Ty cho biết bản tính Trịnh Công Sơn hiền lành, điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ. Trịnh Công Sơn có vẻ đẹp nghệ sĩ tự nhiên với mái tóc thưa bồng bềnh, không chải chuốt hoặc cố làm dáng như các bạn văn nghệ của anh. Ngoài tài năng âm nhạc, Trịnh Công Sơn còn nhiều tài khác như khiêu vũ rất điêu luyện, đánh billard…

Ông Nguyễn Thanh Ty kể rằng trong một cuộc hội thảo ở Trường Nông lâm súc (Bảo Lộc) có đại tá Trần Duy Bách, tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Lâm Đồng, đến dự. Giờ nghỉ giải lao là những tiết mục văn nghệ. Đại tá Bách rất hâm mộ những bài hát của Trịnh Công Sơn nên đề nghị trưởng ty Lê Cao Lợi mời thầy Sơn lên hát.

Năm lần bảy lượt thầy Sơn vẫn khước từ, ông trưởng ty rất lo lắng. Đại tá Bách cảm thấy phiền hà nên bảo thôi. Tan họp, mọi người tung hô Trịnh Công Sơn lên cao như một người anh hùng, vì thầy Sơn đã dũng cảm dẹp bỏ được nỗi mặc cảm bị ăn hiếp, chất chứa bấy lâu nay trong những người làm giáo dục ở nơi tỉnh lẻ này. Nhưng đồng nghiệp cũng lo lắng cho thầy Sơn sẽ bị đuổi việc.

Ông Ty cho hay ông đại tá tỉnh trưởng đã không làm điều đó. Cả ông trưởng ty Lê Cao Lợi cũng không làm điều đó, mặc dù Sơn đã làm ông mất mặt. “Thái độ của Sơn là hành động can đảm, khí tiết của một nhà giáo, ít ai làm được hoặc không dám làm, kể cả tôi nếu lâm vào trường hợp đó. Tôi thật sự khâm phục Sơn và hiểu được thế nào là ý nghĩa của câu “uy vũ bất năng khuất” – ông Ty nói.

Khu đất nơi từng có Trường sơ học Bảo An năm xưa – Ảnh: TRẦN NGỌC TRÁC

Những bài hát ra đời từ cao nguyên đất đỏ

Sau cái chết của Nguyễn Văn Ba, người bạn đồng nghiệp cùng nhà trọ ở B’Lao, Trịnh Công Sơn ít về Sài Gòn hơn. Những ngày tháng này, thầy Sơn nằm nhà hút thuốc, vẽ, viết nhạc. Hình ảnh cô gái có mái tóc thề chấm vai, mặc chiếc áo dài trắng thường đi qua trước nhà làm cho ông xúc động viết nên bài hát ‘Lời buồn thánh’.

Trịnh Công Sơn và ông Ty đều lầm tưởng đây là một cô gái tín đồ ngoan đạo đi lễ nhà thờ. Nhưng đó là hình ảnh của Trương Thị Ngọc Ngà, giáo viên dạy tiếng Anh. Gia đình cô theo đạo Phật, ở gần nơi thuê trọ của thầy Sơn.

Mỗi buổi chiều, cô Ngà thường ôm sách trước ngực đến trường và đi ngang qua trước nhà thầy Sơn thuê trọ. Nhờ vậy, những người yêu âm nhạc của Trịnh Công Sơn có thêm một bài hát hay. “Tôi xin năm ngón tay em thiên thần/ Trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi”

Ba tháng hè ở lại B’Lao, ông đã nhen nhóm tập ‘Ca khúc da vàng’. Từ Sài Gòn, dịch giả Bửu Ý, người bạn thân thiết của Trịnh, cho biết với những ngày dạy học ở B’Lao, Trịnh Công Sơn đã viết rất nhiều bài quan trọng trong sự nghiệp của mình: Chiều một mình qua phố, Vết lăn trầm, Lời buồn thánh, Gia tài của mẹ, Du mục, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng…

Đây là lần đầu tiên người ta nghe những ca từ lạ lẫm, không giống như những tình ca trước kia mà Trịnh Công Sơn từng viết: “Có khi nắng khuya chưa lên”, “reo buồn tiếng hạt chuông”, “lặng nghe đá lên trong mình”…

TRẦN NGỌC TRÁC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *