Ca sỹ Giáng Ngọc & cố nhạc sỹ Tùng Giang

Khi đã nhắc đến Billy Shane của Strawberry Four thưở nào, chắc chắn đó là một thiếu sót rất lớn nếu không vinh danh một thành viên nổi tiếng khác: cố nhạc sỹ Tùng Giang. Dòng Nhạc Xưa xin mượn một bài phỏng vấn ca sỹ Giáng Ngọc, trưởng nữ của nhạc sỹ Tùng Giang để giới thiệu đôi nét về nhà nhạc sỹ.

Ca sỹ Giáng Ngọc và ba là nhạc sỹ Tùng Giang. Ảnh: mickytran

Ca sĩ Giáng Ngọc nói về nhạc sĩ (bố) Tùng Giang

(Nguồn: bài viết của tác giả Ngọc Ánh đăng trên sankhaucailuong.com ngày 2009-06-09)

Ca sĩ Giáng Ngọc nói về nhạc sĩ (bố) Tùng Giang

(CLVN.VN) – Vào chiều ngày thứ Năm, 21 tháng 5, 2009, tại nhà hàng Emerald Bay, Nam California, các thân hữu và khán giả ái mộ nhạc sĩ Tùng Giang đã tụ lại với nhau để gặp gỡ và tâm tình với Tùng Giang. Theo nhạc sĩ Trung Nghĩa, sức khỏe của Tùng Giang đã đến hồi bết bát, ông có thể ra đi bất cứ lúc nào. Vì vậy, buổi gặp gỡ thân tình này có mặt nhiều khuôn mặt thân thiết với Tùng Giang. VW có dịp gặp ca sĩ Giáng Ngọc, con gái của nhạc sĩ để hỏi những gì cô nghĩ về người bố tài hoa của mình. Dưới đây là tâm tình của Giáng Ngọc.

VW: Nghĩ về bố Tùng Giang, xin Giáng Ngọc cho biết những gì cô muốn nói?

Giáng Ngọc (GN): Thật ra mà nói, tuổi thơ của tôi không được gần gũi bố nhiều. Năm tôi lên 9, (1975), bố tôi đã rời gia đình để đi qua Hoa Kỳ. Khi sang tới Mỹ, chỉ được sống với bố được vài năm, tôi cũng có cuộc sống riêng. Vì vậy, cha con cũng không có nhiều thời gian gặp nhau. Aán tượng nhớ nhất của tôi về bố hồi còn bé, là kỷ niệm được bố chở mấy anh chị em trên chiếc xe mui trần, đi ra ngoài ngoại ô của Saigon, đi đến các quán ăn để gia đình có những bữa ăn ngon với nhau. Ngoài ra, khi còn bé, khi gây lộn với các em, bị bố mắng cho, cũng làm tôi rất nhớ rõ. Khi qua Mỹ năm 1984, lúc đó tôi cũng đã 16, 17, nhớ những kỷ niệm được làm việc chung với bố khi ông cho vào phòng thâu nhạc để thử tiếng hát. Phải nói là rất sợ. Nếu là một người khác không đến nỗi, nhưng là bố mình, cảm giác sợ bị la tăng lên nhiều hơn. Mỗi khi bị la là khóc. Làm sao mà thâu được (cười). Show đầu tiên trên sân khấu Maxim của tôi là được bố giới thiệu. Tôi nhớ năm đó là 1986, sau đó, tôi được bố cho đi chung hát một show khác ở Houston. 

VW: Ngoài việc bố thường thương con gái hơn con trai, nhưng đồng thời cũng nghiêm khắc với con gái hơn, câu nói “Con gái thường nhờ đức cha,” cô nghĩ gì về điều này? 

GN: (Nghiêng đầu hơi suy nghĩ) Nghiêm khắc với con gái. Điều này đúng là như vậy. Có lẽ vì là người từng trải trong đời sống nghệ sĩ, nên bố tôi rất nghiêm khắc với con gái, khi tôi tới tuổi mới lớn, bước vào sinh hoạt văn nghệ. Tôi còn nhớ bố rất nghiêm, không cho đi đâu một mình, trừ khi có mẹ tôi tháp tùng theo. Khi đi hát, vẫn bị “kèm theo” cậu em trai. Lúc nào cũng có người thân “canh” từng chút. Khi có bạn trai gọi phone tới, bố rất kỹ lưỡng, thậm chí bị “ăn đòn” khi có những người bạn trai mà bố tôi không thích! Tuy nhiên, vào lúc đã trưởng thành, nghĩ lại, biết là được bố thương, lo lắng cho, tôi thấy rất cảm ơn bố đã khó tính, giữ gìn cho tôi lúc mới lớn, chưa có kinh nghiệm đối phó với những cạm bẫy của cuộc đời. Còn câu “con gái nhờ đức cha,” thú thật, tôi không xem đó là quan trọng, cũng như không tin vào câu này lắm. “Đức” là do nơi mình xử sự trong đời sống mà hình thành nên. Nếu mình may mắn, đời sống thuận tiện hơn. Còn sau này, nếu có nhiều người nâng đỡ, thương mình nhiều hay ít, phần lớn phải do nỗ lực của bản thân.

VW: Nhạc sĩ Tùng Giang nổi tiếng đào hoa trong giới văn nghệ, mặc dù vóc dáng và “nhan sắc” rất khiêm tốn. Ông được nhiều phụ nữ xinh đẹp, tài hoa yêu mến. Theo Giáng Ngọc, qua cá tính của bố Tùng Giang và kinh nghiệm bản thân mình, cô nghĩ một người đàn ông hấp dẫn phái đẹp, hình thức bên ngoài hay tài năng bên trong, điểm nào tạo sự rung động trong cô? 

GN: (Cười) Về điều này, tôi nghĩ chỉ có người đàn bà mới hiểu nổi bố tôi, nhạc sĩ Tùng Giang hấp dẫn ở điểm nào (cười thật tươi, ý nhị). Kinh nghiệm bản thân của tôi, cũng không nhìn người đàn ông bằng hình thức bên ngoài như đẹp trai ở vóc dáng, hay giàu có về mặt tài chánh. Tôi vẫn bị hấp dẫn bởi những người đàn ông có chiều sâu tâm hồn, và biết đâu, chính chất nghệ sĩ trong tâm hồn của Tùng Giang, đã thu hút bao nhiêu người phụ nữ đẹp, tài hoa đến với ông, chứ không phải là sự khiêm tốn về vóc dáng bên ngoài của ông (cười). Trong đời sống của bố, tôi tôn trọng sự lãng mạn trong tình cảm của bố với những người phụ nữ bố yêu và yêu bố. Tôi chỉ thấy đáng tiếc cho tình cảm giữa bố và mẹ. Tôi được nghe kể là chuyện tình yêu giữa bố và mẹ rất đẹp, phải khó khăn lắm hai người mới được sống với nhau. Bố theo đuổi mẹ ráo riết, bà ngoại khó tính không chịu, nhưng rồi hai người cũng có nhau với năm mặt con, tôi là con gái lớn, Đức (Derick) và 3 cô con gái nữa. Cho tới giờ phút này, tôi vẫn tôn trọng tình cảm, sự lãng mạn của bố. Người nghệ sĩ là phải lãng mạn rồi. Lãng mạn đâu phải là một điều xấu. 

VW: Khi tiếp xúc với nhạc sĩ Tùng Giang, nhiều người cho rằng ông có máu tếu lâm, hài hước, ngay cả khi ông trên giường bệnh cũng vậy. Ngoài ra, tinh thần lạc quan trong những hoàn cảnh khó khăn về tình cảm cũng như kinh tế cũng là một đặc điểm rất đáng ngưỡng mộ ở Tùng Giang. Cô nghĩ sao về tinh thần trào phúng, sự lạc quan của bố Tùng Giang? 

GN: Bản thân tôi cũng được bố truyền cho sự vui vẻ, hài hước. Người nghệ sĩ phải có sự lạc quan để viết nên những ca khúc. Tuy nhiên, bên cạnh sự lạc quan, vui vẻ, cũng có những nỗi buồn. Máu hài hước trong bố là hẳn nhiên rồi. Giới nghệ sĩ ưu ái gọi bố là “Lão ngoan đồng”, lúc nào cũng vui vẻ, tếu lâm. Ông đã có tuổi, nhưng lúc nào cũng như là một thanh niên mới lớn, trẻ trung (mắt rơm rớm lệ).

VW: Nếu có một kiếp khác, trong những giây phút còn lại ở cuộc đời ngắn ngủi này, cô mong muốn gì ở bố Tùng Giang? 

GN: Thật ra rất khó nói về bố, vì trong đời sống có nhiều điều người ta mong muốn ở người thân của mình. Trong gia đình, cũng những điều không được hoàn hảo, nhưng tôi nghĩ, dù gì chăng nữa, tôi cũng chỉ có một người cha, vì vậy, trong những ngày cuối cùng với cuộc đời, tôi chỉ muốn bố tiếp tục vui vẻ, hạnh phúc. Ông cứ vui đi. Còn những điều khác nhìn lại, nếu đã có những buồn phiền, cũng nên để lại phía sau, quên đi hết để nhìn phía trước, nên giữ lấy những gì đang có, hãy giữ lấy những gì đẹp nhất về nhau.

Theo: ngocanh

Nguồn tin: ETCETERA – VW

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *