Chiều Rơi Đó Em (Hoàng Trọng – Thu Tâm)

Nhạc phẩm “Nhạc sầu tương tư” nổi tiếng của nhạc sỹ Hoàng Trọng viết độ năm 1954-1955 (do Hoàng Dương đặt lời) mở đầu bằng câu “Chiều rơi, cho lòng lạc loài chơi vơi…” Cùng ý nhạc này, nhạc sỹ Hoàng Trọng đã viết nên tác phẩm cuối cùng của một đời nghệ sỹ: bản “Chiều rơi đó em”. Đây là sáng tác duy nhất của nhà nhạc sỹ sau năm 1975 tại Việt Nam. “Chiều rơi đó em” được Hoàng Trọng trân trọng dành tặng cho Thu Tâm, người vợ trẻ đã đến với ông như một định mệnh. Trong dòng tưởng nhớ nhạc sỹ Hoàng Trọng, [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại vài bài viết trên trang CoThomMagazine.com để người yêu nhạc có thêm thông tin về một trong những cây đại thụ của làng tân nhạc Việt Nam.

Ảnh: CoThomMagazine.com
Ảnh: CoThomMagazine.com

Tưởng cũng cần nói thêm đôi điều về đời tư của nhạc sỹ Hoàng Trọng: năm 1954 ông một thân một mình dẫn ba người con là nhạc sỹ Hoàng Nhạc Đô (tác giả của “Dù tình yêu đã mất”), Hoàng Cung Fa và Hoàng Bạch La và sống trong cảnh gà trống nuôi con mãi đến năm 1975. Sau đó năm 1977, tại Sài Gòn ông gặp nghệ sỹ vỹ cầm trẻ Thu Tâm và hai người đã đến với nhau và có hai người con là Hoàng Lê Kim Mi và Hoàng Lê Thiên Út.

Chiều rơi đó em (Hoàng Trọng). Ảnh: CoThomMagazine.com
Chiều rơi đó em (Hoàng Trọng). Ảnh: CoThomMagazine.com

NHỮNG DÒNG CHIA SẺ VỚI MỐI TÌNH CÙNG HOÀNG TRỌNG
(Nguồn: nghệ sỹ Thu Tâm, người vợ sau của Hoàng Trọng chia sẻ với CoThomMagazine.com)

Ảnh: CoThomMagazine.com
Ảnh: CoThomMagazine.com

Lúc còn bé, Thu Tâm được chị dắt đi hát cho các tổ chức từ thiện, cho Nha Tuyên Úy Phật Giáo do Thầy Tâm Giác tổ chức. Ðến thời trung học, Thu Tâm tham gia ca hát trong trường học, vào những dịp lễ lạc để quyên góp và ủy lạo cho các chiến sĩ tiền đồn ven đô. Xong tú tài, theo học Ðại học Văn Khoa ban Anh văn thì biến cố 1975, không còn dịp đi hát nữa, chỉ sinh hoạt trong phạm vi gia đình và bạn bè…

Mùa hè năm 1977, Thu Tâm được cô bạn cùng học violon ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn giới thiệu đi đàn tạm thời cho ban nhạc thuộc công ty du lịch của thành phố, Thu Tâm được được xếp ngồi đàn violon cạnh nhạc sĩ Hoàng Trọng. Lúc đó, Hoàng Trọng cũng đàn và đôi khi viết hòa âm cho ban nhạc và được quen nhau từ đó.

Sau đó, Thu Tâm đi đàn cho ban nhạc khác nhưng vẫn đến thăm Hoàng Trọng để trao đổi về âm nhạc hoạc có thắc mắc gì về hòa âm, nhờ Hoàng Trọng giúp đỡ… Hoàng Trọng rất thích chụp hình vì vậy đôi khi đến chụp để lưu niệm và dôi khi rủ nhau đi mua cây kiểng về trồng. Nhà Hoàng Trọng có trồng cây Ngọc Lan và Thu Tâm rất thích loại hoa nầy nên luôn luôn có vài cánh hoa làm quà mỗi lần ghé thăm…

Ảnh: CoThomMagazine.com
Ảnh: CoThomMagazine.com

Tháng ngày trôi qua bình thường… cho đến một hôm cuối tuần, Thu Tâm đến thăm thì Hoàng Trọng cho biết, hôm giữa tuần anh bị ngất xỉu, hôn mê mà không ai hay biết… dần dần tự tỉnh dậy và đi bác sĩ, mới biết bị bệnh tiểu đường từ lâu rồi mà không hay biết. Từ khi biết bệnh tình, Hoàng Trọng bắt buộc phải ăn uống kiêng khem và bát đầu nghiên cứu về châm cứu và dùng Ngải Cứu chữa bệnh… Và, Thu Tâm trở thành phụ tá đắc lực trong thời gian ấy.

Một trong những phương thuốc mà Hoàng Trọng muốn thử nghiệm để chữa trị bệnh tiểu đường là dùng hoa Sứ nhật Bản và trái dứa sao cho thật khô để pha nước uống. May sao hàng xóm gần nhà bố mẹ Thu Tâm có cây hoa sứ đó, nhờ vậy Thu Tâm đi xin hoa Sứ về để làm thuốc… Trong thời điểm đó, vần đề tìm kế sinh nhai rất khó khăn nên có những buổi tối Thu Tâm đi xa, lên đàn trong Chợ Lớn, có lần gặp lúc mưa gió dữ dội. Hoàng Trọng lôi chiếc vespa để nằm xếp xó từ tháng 4 năm 1975, cong lưng đạp mãi mới nổ để đến đón cho bớt nguy hiểm. Càng gần nhau và chăm sóc cho nhau như thế thì khó xa nhau nên rủ đi vượt biên. Gần đến ngày đi, gặp chị bạn biết xem bói, nhờ xem cho một quẻ… chị tiên đoán chuyến đi nầy hung nhiều hơn cát thế là hủy bỏ chuyện vượt biên. Sau đó, gia đình có cho Thu Tâm đi vượt biên một lần nữa nhưng cũng không thành nên Thu Tâm không nghĩ đến chuyện vượt biên nữa. Về vấn đề tình cảm, Thu Tâm cũng đến tuổi trưởng thành cho nên bố mẹ cũng để tùy ý lựa chọn con đường tương lai cho riêng mình, miễn sao có hạnh phúc là bố mẹ yên tâm.

Hoàng Trọng bắt đầu tập dưỡng sinh, luôn luôn thức dậy thật sớm, không có những đam mê như uống rượu, hút thuốc để tìm cảm hứng khi sáng tác. Có lẽ khi hoàng hôn xuống là lúc Hoàng Trọng có nhiều cảm hứng nhất, hay lên sân thượng nằm mộng mơ với trăng sao, và ướp sương hằng giờ trên ấy cho đến khi thấm lạnh mới xuống phòng nghỉ.

Ảnh: CoThomMagazine.com
Ảnh: CoThomMagazine.com

Hoàng Trọng thường hay đến nhà Mục Sư Lưu Van Mão (thân phụ chị Vĩnh Phúc) để hàn huyên, tâm sự và rất khâm phục đức tính vị mục sư nầy. Hoàng Trọng nói năng rất thận trọng, ăn mặc dễ dãi, không phê bình chỉ trích người khác, thích cầu tiến, tự học, tự tra cứu sách vở rất nhiều. Bề ngoài trông lạnh lùng, đạo mạo nhưng tâm hồn rất trẻ trung, chắt chiu gìn giữ nhiều kỷ niệm cảu những người thân quen. Có lúc Thu Tâm hoài nghi về chuyện tình cảm không bình thường này thì anh tâm sự là anh tin chuyện mình sẽ thành ngay từ khi có dịp nắm bàn tay Thu Tâm lần đầu tiên. Và, niềm tin yêu của Hoàng Trọng đã biến thành sự thật, Thu Tâm cũng tin tưởng vào niềm tin yêu đó. Tuy tuổi tác rất chênh lệch nhưng hai tâm hồn rất hợp nhau qua âm nhạc, qua mơ mộng… cũng như qua những đức tính cơ bản của con người là lòng chân thật và sự ân cần đến người khác…

Ảnh: CoThomMagazine.com
Ảnh: CoThomMagazine.com

Cuối năm 1979, Thu Tâm có mang, Hoàng Trọng đặt rất nhiều hy vọng vào đứa con này, thúc giục Thu Tâm phải siêng năng tập đàn nhiều hơn, kiếm thầy cho Thu Tâm học thêm về hội họa, đàn tranh và rất hồi họp chờ đón ngày chào đời của đứa con. Tháng Tám năm 1980, Thiên Út ra đời nhưng rủi thay cháu bị khuyết tật ở cánh tay và bàn tay phải! Hoàng Trọng vào thăm vợ con và ra về với nội buồn tê tái! Thiên Út rất kháu khỉnh và mạnh khỏe, được bố chụp nhiều hình. Dạo ấy, Hoàng Trọng khám phá ra cách chụp hình một người thành hai, ba, bốn… thành ra 4 nữa trên một tấm phim. Và, Thiên Út thành người mẫu cho “phát minh” ấy vì vậy nhiều người lầm tưởng Hoàng Trọng có con sinh đôi dạo đó. Thế là cái mộng cho con học đàn không thành nhưng bù lại hát hay. Khi còn học mẫu giáo, Thiên Út thuộc được nhiều bài hát và có thể hát chục bài không ngừng, lớn lên có giọng hát cao và khỏe.

Ảnh: CoThomMagazine.com
Ảnh: CoThomMagazine.com

Năm 1983, Kim Mi ra đời, có năng khiếu về âm nhạc nên học nhạc rất nhanh, chơi được piano va flute. (Năm 1992, Hoàng Trọng và gia đình định cư tại Hoa Kỳ, Kim Mi tốt nghiệp University Califonia Davis về Piano và Bio-Chem, vừa đi học vừa dạy đàn piano tại nhà, hiện đang theo học ngành Dược. Lúc nào nhớ tới bố thì ngồi vào đàn các bản nhạc của bố. Hai anh em bận đi học và đi làm nên không gặp nhau hằng ngày, mỗi khi có dịp gặp nhau thì em đàn anh hát, rất thương mến nhau như ước nguyện của bố).

Thời gian ở Sài Gòn, với phương tiện bằng xe đạp để di tập dưỡng sinh và những công việc một mình nhưng được đi lại nơi nầy nơi nọ. Khi sang Hoa Kỳ thì vấn đề đi lại tùy thuộc vào gia đình mà Hoàng Trọng thích đi đây đi đó không được nên rất buồn. Bấy giờ Thu Tâm là người tài xế, vừa lo công việc nội trợ, đưa đón con cái đi học, vừa đi học, vừa đi làm, quá bận rộn nên chỉ đưa Hoàng Trọng đến nơi nào đó rồi lo việc khác. Rất may, nhạc sĩ Anh Việt ở gần nhà nên có những dịp họp mặt văn nghệ, có bạn đồng hành với nhau.

Ảnh: CoThomMagazine.com
Ảnh: CoThomMagazine.com

Khi còn ở Việt Nam, Hoàng Trọng thường mời bà con, bạn hữu văn nghệ trước năm 1975 như ca sỹ Mộc Lan, Tâm Vấn, Anh Ngọc, Nhật Bằng… đến chung vui trong những dịp sinh nhật con cái, kỷ niệm mối tình có nhau… cũng là cơ hội tâm tình, hàn huyên với bao kỷ niệm xa xưa.

Thời gian đầu, như những gia đình khác mới định cư tại Hoa Kỳ, tuy gặp khó khăn nhưng được sự hỗ trợ của chính phủ và bạn bè nên tạm ổn định để đầu tư cho con cái ăn học.

Khi định cư tại Hoa Kỳ, ước mơ của Hoàng Trọng tiếp tục dấn thân vào âm nhạc nhưng vấn đề đi lại nơi vùng trời bao la nầy bị trở ngại nên chỉ đóng góp ở địa phương. Hoàng Trọng cộng tác với chị Như Hảo trong chương trình phát thanh Hương Xưa ở San José, Thu Tâm hát nhiều cho phần bè phụ do Hoàng Trọng viết hòa âm. Hoàng Trọng rất nghiêm chỉnh, kỹ lưỡng trong từng nốt nhạc, hát sai một tí phải chỉnh lại cho thật đúng. Vì đam mê với nghệ thuật nên thời gian nầy, anh rất bận rộn và ít có dịp liên lạc với bạn bè thân quen. Sau khi ngưng chương trình phát thanh, Hoàng Trọng ước mong tổ chức được chương trình ca nhạc Hoàng Trọng – Tiếng Tơ Ðồng thật quy mô để có dịp quy tụ tất cả bạn bè cũ. Anh làm việc cật lực, bất kể ngày đêm, bất chấp cả sự ngăn cản của bác sỹ… Thế rồi sau buổi trình diễn đó, anh vĩnh viễn ra đi…!

Khi Hoàng Trọng vĩnh biệt cõi trần, Thu Tâm có dịp thu xếp các giấy tờ ngổn ngang trong phòng riêng của anh thì chợt bắt gặp tất cả thư từ và nhũng mẫu giấy nhắn tin của Thu Tâm gắn vào cửa sổ nhà Hoàng Trọng từ những ngày quen biết… Lặng người để nước mắt tuôn trào… kỷ niệm chợt hiện về từ phút giây đầu tiên Thu Tâm bước vào ban nhạc và trông thấy anh mặc chemise trắng dài tay ngồi bên cửa sổ đang viết hòa âm. Tóc muối tiêu lất phất bay, trông như tiên ông đạo cốt… và, sự “liên hệ tình cảm” có vẻ như không có thật mà khó thành sự thật nầy cho nên dạo ấy khi viết thư cho Hoàng Trọng, Thu Tâm thường gọi anh là “Tiên Ông” và mình là “Tiên Cô”.

Mỗi khi nhớ nhau, Thu Tâm thường mộng mơ hát nhạc phẩm Nhớ Hoài của Hoàng Trọng với lời của Vĩnh Phúc “Thiên thai thắm xinh, đây là chốn quê hương mình…”.
Sau 10 năm Hoàng Trọng vĩnh viễn ra đi rồi mà mà niềm tin yêu từ thuở ban đầu dành cho Thu Tâm vẫn còn đó và là nguồn an ủi lớn lao cho Thu Tâm trong những lúc băn khoăn, trăn trở trên đường đời.

Cảm ơn Hoàng Trọng, cảm ơn tình yêu của anh đến với Thu Tâm từ thuở đôi mươi với bao thăng trầm trong cuộc sống. Cảm ơn Hoàng Trọng đã mang tiếng hát Thu Tâm bay bổng trong vòm trời nghệ thuật, đi xa và Thu Tâm có cảm tưởng là mình “trẻ mãi không già” khi đi bên Hoàng Trọng hay nghĩ đến Hoàng Trọng. Hoàng Trọng đã ra đi… biền biệt, không bao giờ trở lại nhưng hình bóng Hoàng Trọng vẫn mãi mãi bên cạnh Thu Tâm.

Hiện thời Thu Tâm chỉ dạy học tại nhà và ở Community School of Music and Arts ở Mountain, lúc nào rảnh rang và có điều kiện thì thu thanh các bài hát của Hoàng Trọng để làm kỷ niệm… như niềm chia sẻ cho nhau giữa người còn lại với người quá cố.

Thu Tâm
San José, tháng 3 năm 2008

[footer]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *